Đóng góp của dòng họ Hoàng Nghệ An vào nền y học cổ truyền của dân tộc

Thứ tư - 11/01/2023 04:21 0

Theo Bách khoa toàn thư, y học cổ truyền được hiểu “Là ngành y học nghiên cứu các kiến thức, kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh truyền thống được phát triển, đúc kết qua nhiều thế hệ trong các quốc gia, xã hội khác nhau”. Từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, nhiều dòng họ đã xuất hiện những danh y nổi tiếng trong việc khám, chữa bệnh đồng thời đã để lại những trước tác về Đông y, Đông dược để giảng dạy, nghiên cứu nhằm phục vụ tốt sức khỏe cho nhân dân và truyền nghề cho các thế hệ tiếp theo. 
Trong nhiều thế kỷ, Việt Nam đã xuất hiện nhiều danh y nổi tiếng, trong số đó phải kể đến những danh y tiêu biểu cả tài, cả đức trong chữa bệnh cứu người.
Danh y Tuệ Tĩnh (1330 -  ? ), tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Danh y Tuệ Tĩnh được coi là một vị thánh thuốc Nam, là một trong những ông tổ của y học cổ truyền Việt Nam. Danh y Tuệ Tĩnh đã để lại các công trình nổi tiếng “Nam dược thần hiệu”, “Hồng nghĩa giác tư y thư”, đồng thời ông là người đầu tiên đề cao tư tưởng “Thuốc Nam chữa người Nam Việt”. Công trình “Hồng nghĩa giác tư y thư” là cuốn sách thuốc cổ nhất của nước ta.
Danh nhân văn hóa thế giới Chu Văn An (1292 - 1370) đã để lại bộ sách “Y học yếu giải tập chú di biên”. Nội dung cuốn sách viết về nguyên nhân sinh bệnh, phương pháp chẩn đoán bệnh và cách điều trị. Cuốn sách hiện nay vẫn được lưu giữ trong giới Đông y nước ta.
Danh y Lê Hữu Trác (1720 - 1791), người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Lê Hữu Trác là vị danh y lỗi lạc trong lịch sử y học của dân tộc, đồng thời cũng là nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. Ông đã để lại nhiều công trình trứ danh: “Lãn Ông tâm lĩnh”; “Hải thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học như: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh.
Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), ông sinh tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Ngoài những đóng góp to lớn cho nền văn hóa nước nhà, Nguyễn Đình Chiểu còn là danh y chuyên tâm chữa bệnh cứu người, giảng dạy về đạo lý. Trong sự nghiệp làm thuốc ông đã để lại cho đời sau công trình y học nổi tiếng “Ngư tiều y thuật vấn đáp”, nói về các vị thuốc Nam và cách chữa bệnh bằng thuốc Nam… và nhiều vị danh y khác. 
Trong lịch sử y học cổ truyền nước nhà, đất Nghệ có nhiều danh y nổi tiếng qua các triều đại. 
Thời nhà Lý (1010 - 1225) có Lương y Lê Lộ ở tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương được nhân dân địa phương tôn là “Lê Lộ sở tài”, “Đức thánh Kỳ xuyên”, sau khi ông mất được nhân dân lập đền thờ. Thời nhà Trần (1225 - 1400), có Lương y Phạm Bình, quê làng Thịnh Khánh, Trang Cao Xá (nay là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) là danh y nổi tiếng khắp Nghệ An thời bấy giờ. Thời Hậu Lê (1533 - 1548) có Lương y Trương Công Thai, ở thôn Hoàng Trường, huyện Đông Thành nổi danh về châm cứu, ông được mệnh danh là “Diệu dụng châm cứu”. Lương y Trương Công Cử ở thôn Hoàng Trường, huyện Đông Thành nổi danh về sử dụng cây thuốc, được mệnh danh là “Diệu dụng sơn dược”. Lương y Trần Độc ở xã Trung Cần, huyện Thanh Chương là thầy dạy của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đặc biệt là dòng họ Hoàng ở Nghệ An có những danh y vừa tinh thông Nho học, vừa giỏi nghề thuốc, tiếng tăm vượt ra khỏi đất Nghệ, đó là: Hoàng Nguyên Cát, Hoàng Danh Sưởng, Hoàng Nguyên Lễ, Hoàng Văn Thâm,…
Hoàng Nguyên Cát (1702 - 1779) tự là Hậu Sinh, hiệu là Long Môn tiên sinh. Sinh quán ở làng Vạn Lộc, huyện Chân Phúc (nay thuộc phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò), ông mất ngày 29 tháng 4 năm Kỷ Hợi (1779) thọ 77 tuổi. Ông sinh trưởng trong một gia đình Nho học. Thân phụ của ông là Hoàng Bạt Đăng đậu Hiệu Sinh, khoa Giáp Ngọ (1714) và là một thầy thuốc nổi tiếng ở huyện Chân Phúc thời bấy giờ. Năm 1723, Hoàng Nguyên Cát đi thi lần đầu và đậu Hiệu Sinh. Với vốn học của mình, Hoàng Nguyên Cát có thể tiếp tục con đường khoa bảng. Nhưng, nhìn thấy cảnh triều chính thối nát, vua Lê bất lực, chúa Trịnh chuyên quyền, dân tình đói khổ, dịch bệnh tràn lan…. Hoàng Nguyên Cát lui về nối nghiệp ông, cha bốc thuốc chữa bệnh cứu người. 
Sự nghiệp y học của Hoàng Nguyên Cát bắt đầu từ thời gian ông theo học nghề thuốc với danh y Chân Vạn Tiên Sinh ở làng Thượng Thọ, xã Trung Lâm, tổng Võ Liệt (nay thuộc xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), sau này là bố vợ của ông. 
Trải qua 50 năm hành nghề, Hoàng Nguyên Cát đã chuyển họa, tác phúc cho hàng ngàn người bệnh, nổi tiếng là thầy thuốc giỏi khắp các phủ huyện ở Nghệ An. Hoàng Nguyên Cát đã kế thừa được những kiến thức uyên bác về y học của các bậc danh y nổi tiếng trong và ngoài nước thời bấy giờ, như: học thuyết “Thủy hỏa” của Triệu Dưỡng Quý, Phùng Triệu Trương, Thuyết “Ôn bổ” của Trương Cảnh Nhạc (Trung Quốc) và vận dụng lý luận “Trung thủy phong” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Tiếp thu tri thức chữa bệnh của các bậc tiên y, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể, vừa chữa bệnh, vừa đúc rút kinh nghiệm, Hoàng Nguyên Cát đã biên soạn ra bộ “Quỳ viên gia học” 12 quyển để dạy học trò và lưu truyền cho hậu thế.
Nghiên cứu bộ “Quỳ Viên gia học”, chúng ta thấy quan điểm y học chỉ đạo suốt cuộc đời làm thuốc, chữa bệnh của Hoàng Nguyên Cát là chuyên về ôn bổ, chú trọng ở ba mặt “Bồi bổ thủy hỏa”, “Điều hòa âm dương”, “Bình can”, “Bổ tỳ” và “Tư thận”. Quan điểm này được xây dựng trên cơ sở sự xét đoán mối quan hệ giữa môi trường sống của con người và bệnh tật. Ông cùng với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1702 - 1791) hết sức phản đối những danh y câu nệ phương pháp của Trọng Cảnh. Ông cùng đồng ý kiến với Hải Thượng Lãn Ông: “Đọc sách Trọng Cảnh, nêu gương tấm lòng của Trọng Cảnh, nên giữ phương pháp của Trọng Cảnh, chứ không nên câu nệ phương pháp của Trọng Cảnh”.
Mỗi khi lâm sàng, Hoàng Nguyên Cát thường căn cứ vào mạch tượng là chủ yếu, còn triệu chứng và các phương pháp chẩn đoán khác chỉ là để tham khảo. Trên thực tế, ông đã chứng minh câu nói của các tiên y “Mạch là bản chất của bệnh, còn triệu chứng chỉ là bệnh tượng của bệnh” là hoàn toàn đúng đắn.
Tập “Quỳ viên gia học” còn ghi rất nhiều bệnh án cùng với nhiều câu chuyện kể về Hoàng Nguyên Cát xem mạch, chứng tỏ sự uyên bác của Hoàng Nguyên Cát về mạch lý. Tuy nhiên, cụ cũng rất cẩn thận khi xem mạch. Đối với những người mà cụ đã chẩn mạch qua nhiều lần, cụ đều ghi lại, so sánh đối chiếu, rồi mới rút ra kết luận về bệnh lý. Cụ nói: “Bệnh biến phải có nguyên nhân, thời kỳ cũng có thay đổi, mỗi lúc mỗi khác, khi lâm sàng có áp dụng được hay không, là cốt ở chỗ thông minh xét đoán của thầy thuốc chịu trách nhiệm với người bệnh lúc đó”. Cụ hoàn toàn phản đối những danh y không học, chỉ dựa vào mấy quyển sách chết, và mấy phương thuốc chết không có giá trị tuyệt đối trong mọi thời gian. Cụ cho đó là những kẻ sát nhân, những kẻ coi sinh mạng bệnh nhân như cỏ rác dọc đường. 
Với những đóng góp về y lý, phương dược và y đức của Hoàng Nguyên Cát, ông xứng đáng là một trong những danh y nổi tiếng của nước ta ở cuối thế kỷ XIX; đề xuất hội Đông y tỉnh Nghệ An làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền tôn vinh danh y Hoàng Nguyên Cát là ông tổ của y học cổ truyền tỉnh Nghệ An.
Danh y Hoàng Danh Sưởng (1753 - 1841) 
Ông xuất thân trong một gia đình nhiều đời làm nghề thuốc. Ông nội của Hoàng Danh Sưởng là Hoàng Danh Ưu làm nghề bốc thuốc ở làng Phú Trung, xã Diễn Thành (Diễn Châu). Thân phụ của cụ Sưởng là cụ Hoàng Danh Dự, hiệu Thanh Nhã Đường, đậu Hiệu Sinh, cũng là một Nho Y nổi tiếng. Tác phẩm y học của cụ Hoàng Danh Dự gồm có các cuốn: Y Nang, Toản tập, Chẩn đậu và Châm trích. Là một người ham tìm tòi, học hỏi, Hoàng Danh Sưởng đã đi sâu nghiên cứu và tiếp thu được những tinh hoa trong lý luận y học của Chu Dịch, Nội Kinh. Đồng thời kế thừa được ở Phùng Thị những kiến thức về vận khí, về thương hàn, về hóa nguyên luận, Ất quy đồng nguyên luận, điều độ thủy hỏa luận và nhiều kinh nghiệm chữa bệnh của Y Quán Tiết Lập Trai, Lý Đông Viên và đặc biệt là kinh nghiệm của Trọng Cảnh về Bát Pháp.
Hơn nửa thế kỷ hành nghề, Hoàng Danh Sưởng đã viết nhiều sách về Đông y trong đó có tập “Lạc sinh tâm đắc”, gồm 4 cuốn: Thượng, Hạ, Tả, Hựu có giá trị về nhiều mặt.
Ngoài việc ghi lại hàng trăm bệnh án với nhiều bài thuốc hiệu nghiệm mà ông đã áp dụng thành công trong việc chữa trị cho người bệnh, bộ “Lạc sinh tâm đắc” còn dành rất nhiều trang bàn về mạch lý, về sự vận dụng bổ chính để trừ tà, sự truyền biến hư thực của tỳ vị,…
Tìm hiểu sự nghiệp y học của Hoàng Danh Sưởng, chúng ta còn tìm thấy ở vị danh y này nhiều phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc chân chính, đáng để các thế hệ sau học tập.  
Là một thầy thuốc giỏi, người đã trừ họa, tác phúc cho hàng nghìn người bệnh, trong đó có người là Thượng thư, Tổng đốc,… nhưng ông không bao giờ nghĩ tới việc cầu cạnh cái danh, cái lợi cho riêng mình. Với ông, cái vui của người thầy thuốc là “mong được cứu giúp mọi người khỏi bệnh tật để ai ai cũng có thể bước lên nhịp cầu trường thọ”(1). Tuy nhiên, theo Hoàng Danh Sưởng, người thầy thuốc chỉ có cái tâm thì chưa đủ, mà “Làm thầy thuốc phải có cả ý thức cao cả, đọc sách thuốc cần hiểu được tâm pháp của thánh hiền thì đến lúc lâm sàng mới cân nhắc kỹ càng suy tính đúng đắn, chẩn đoán trị liệu mới được tốt, phải sáng suốt khôn ngoan, biến thông linh hoạt, như ông tướng lâm trận, biết lường sức mình, sức địch để thủ thắng trăm phần trăm, như người thủy thủ có hành nghề mới cầm vững được lái thuyền, vượt được khỏi chìm, nếu sai một ly thì đi ngàn dặm, không cẩn thận có được ư…?(2).
Đây chính là y đức mà Hoàng Danh Sưởng đã kế thừa được ở nhà Đại danh y Lê Hữu Trác, và các bậc danh y tiền bối. Bởi vậy, tên tuổi và sự nghiệp y học của danh y Hoàng Danh Sưởng đã được lịch sử nền y học dân tộc cổ truyền Việt Nam ghi nhận, và là niềm tự hào của các thế hệ con cháu trong dòng họ Hoàng ở Nghệ An.
Sau Hoàng Nguyên Cát hơn một thập kỷ, trên đất Nghệ An lại xuất hiện danh y Hoàng Nguyên Lễ(3). Năm Tự Đức thứ 4 (1851), Hoàng Nguyên Lễ được làng xóm cử dự kỳ thi sát hạch về y thuật do triều đình tổ chức. 
Ông đạt được hạng ưu, đỗ đầu trong số 3 người trúng tuyển. Sau đó không lâu, ông được bổ làm Thái y Viện phó, sung chức. “Kiểm ngọc dược” được trực tiếp ra vào trong cung để chữa bệnh cho tôn thất nhà vua. Dân chúng ở làng Vạn Lộc gọi Hoàng Nguyên Lễ là cụ Viện(4). Cụ làm quan đại y trong triều Nguyễn được 15 năm thì về hưu. Tuy là một vị y quan, nhưng cụ Viện sống cuộc sống thanh bạch, khiêm tốn, nên được bằng hữu và dân chúng kính nể. Trong lần mừng cụ Hoàng Nguyên Lễ thọ 60 tuổi, không chỉ quan lại, dân chúng địa phương đến chúc mừng với một tấm lòng thành kính, mà cả nhiều vị quan to trong triều Nguyễn cũng về tận làng quê nơi ông sinh sống để bày tỏ tình cảm của mình. Nhiều thơ, phú, câu đối còn lưu ở nhà thờ dòng họ Hoàng Văn, trong đó có cả những câu đối mừng của vị khoa bảng, nhà Nho, nhà y học Đinh Nhật Thận tài hoa về chữ nghĩa, sâu sắc về ý tứ sau đây:
“Ngôn tất can, tì, đạo
Tâm như phế phủ xuân”(5)
Được dịch là: Lời nói: (chỉ Hoàng Nguyên Lễ - tác giả) như gan, ruột.
Tấm lòng tươi trẻ như lá phổi mùa xuân)
Những năm còn làm quan, ông được triều Tự Đức cử đi sứ Trung Quốc với cương vị phó Chánh sứ. Sau nhiều lần biện luận với quan quân triều Nhà Thanh, ông được Nhà Thanh đánh giá là “Sứ thần Việt Nam uyên bác y thuật, mẹo mực về thơ phú” và được tặng một số kỷ vật đến nay vẫn được con cháu trong dòng họ Hoàng Văn lưu giữ. Đầu thế kỷ XX, cũng tại dòng họ Hoàng Văn có Hoàng Văn Thâm, đậu cử nhân khoa Ất Mão (1915), nhưng không đi nhận chức tri huyện, mà tiếp bước cha ông tiến thân bằng con đương y thuật. Về sau, trở thành một thầy thuốc giỏi và là người tham gia sáng lập ra tổ chức Trung kỳ y học hội - tiền thân của Viện y học dân tộc Việt Nam ngày nay.
Nối tiếp sự nghiệp của các bậc tiền nhân, nhiều người trong dòng họ Hoàng ở Nghệ An đang tiếp bước trên con đường y học. Tiếp thu những tri thức y học tiên tiến của nhân loại, kế thừa những tinh hoa của nền y học cổ truyền, đang ngày đêm cùng đồng nghiệp của mình cống hiến trí tuệ và công sức xây dựng nền y học cổ truyền tỉnh nhà ngày càng phát triển, cùng với y học hiện đại chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển toàn diện con người Việt Nam mà Đảng ta đã vạch ra.

Chú thích

1, 2. Hoàng Danh Sưởng: “Lạc sinh tâm đắc” quyển thượng.
3. Cũng là Hoàng Nguyên, nhưng Hoàng Nguyên Lễ không thuộc dòng của Hoàng Nguyên Cát mà thuộc dòng họ Hoàng Văn.
4. Gia phả họ Hoàng Văn ở Nghi Tân, Nghi Lộc.
5. Dẫn theo tư liệu của Hoàng Anh Tài.
Tài liệu tham khảo
1. Nghệ An toàn chí - Tập 11: Y tế, rèn luyện sức khỏe ở Nghệ An (Đề cương chi tiết), lài liệu lưu trữ tại Hội KHLS tỉnh Nghệ An.
2. Hoàng tộc Đại tôn phổ ký - Tài liệu lưu trữ tại dòng họ.
3. Thế phổ họ Hoàng, Tập I: Lược sử dòng họ và phân hệ các chi lớn, tài liệu lưu trữ tại dòng họ.
4. Ninh Viết Giao (Chủ biên) - Địa chí huyện Nghi Lộc - Nxb Nghệ An 2014.
5. Ninh Viết Giao: Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu - Nxb Văn hóa - Thông tin - Hà Nội 2008.
6. Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ huyện Thanh Chương: Thanh Chương xưa và nay. NXB KHXH 2010.
7. Chuyên san KHXH &NV Nghệ An - Sở KH&CN - Số 3, tháng 3/2021.
8. Di tích Lịch sử Văn hóa nhà thờ họ Hoàng, Ban Quản lý Danh thắng - Bảo tàng Nghệ An.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây