Làng Quỳnh Làng khoa bảng

Thứ năm - 03/08/2023 05:21 0

Trong dòng chảy của khoa cử Nho giáo, vùng đất Quỳnh Lưu đã xuất hiện những gia đình có 4 - 5 thế hệ cùng đậu đạt như gia đình anh em Hồ Sĩ Vũ, Hồ Sĩ Danh có 9 người đậu đạt; Hồ Phi Tích có đến 7 người con đậu đạt,… Các dòng họ Hồ, họ Hoàng ở Quỳnh Đôi; họ Trần, họ Vũ ở Bào Hậu; họ Nguyễn Tác ở Thượng Yên và nhiều dòng họ khác đều có người đỗ đạt qua các kỳ thi. Đó chính là nền tảng, là mạch nguồn nuôi dưỡng truyền thống hiếu học, đỗ đạt của người Quỳnh Lưu. Thành tựu giáo dục tiêu biểu trên địa bàn các xã như: Xã Sơn Hải có Vũ Dinh đậu phó bảng; Quỳnh Giang, Quỳnh Diễn nổi tiếng với các danh sĩ Hoàng Giáp - Trần Danh Dĩnh, Cát sĩ Trần Hữu Dực; Các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Hậu,... thời nào cũng có người thi đậu; Xã Quỳnh Hồng có số người thi đậu xếp vào thứ 2 sau Quỳnh Đôi;...
Trong cái miền đất học đó, Quỳnh Đôi được xem là “đất thiêng”, là “địa linh” nên “nhân kiệt” hay “được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền” (Phan Huy Chú) và chính là “cái rốn” khoa bảng Quỳnh Lưu.  
1. Lịch sử hình thành làng Quỳnh Đôi
Quỳnh Đôi nằm ở trung tâm huyện Quỳnh Lưu, vị trí cách Quốc lộ 1A khoảng 3 km về phía Đông và thị trấn Cầu Giát 5km về phía Đông Bắc. Quỳnh Đôi có diện tích đất tự nhiên là 414,91 ha, dân số 4.453 người với 1.404 hộ, có 8 thôn là xã có diện tích nhỏ nhất và ít dân cư nhất của huyện Quỳnh Lưu. Địa giới Quỳnh Đôi được phân định như sau: phía Bắc giáp xã Quỳnh Thanh, phía Nam giáp xã Quỳnh Bá, phía Đông giáp xã Quỳnh Yên và phía Tây giáp xã Quỳnh Hậu. Quỳnh Đôi xưa là một vùng cây hoang, cỏ dại giáp sông Mai (sông Mõ), gần cửa Quèn - một trong ba cửa biển của huyện Quỳnh Lưu: Cửa Cờn (Càn), Cửa Quèn (Quyền), Cửa Thơi (Thai).
Thổ Đôi trang là tên khai cơ của làng Quỳnh Đôi, sự hình thành và xây dựng gắn liền với công trạng của ba con người danh tiếng, đó là Hồ Kha, Nguyễn Thạc, và Hoàng Khánh. 
Hồ Kha là hậu duệ đời thứ 13 của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, người được giao cai quản vùng đất Diễn Châu xưa. Ông ban đầu đến lập nghiệp ở vùng đất Quỳ Trạch (nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) sau đó dời sang trang Tiên Sinh, xã Nghĩa Liệt, tổng Đường Khê (nay thuộc thị xã Thái Hòa). Sau này, ông từ trang Tiên Sinh qua Bào Đột, đến xem xét vùng đất sa bồi ở Đông Bắc xã Hoàn Hậu. Từ đường thiên lý vượt qua Đồi Thần, ông thấy địa thế phong thủy, cảnh vật hữu tình nên cho rằng đất này với những cảnh vật thiên tạo sẽ như là điểm trợ lực về tinh thần để gây sự phấn chấn trong học tập, trong sự nghiệp. Sau một thời gian khai phá, ông đã giao khu đất Thổ đôi này lại cho con trai cả là Hồ Hồng kế tục. Sau khi mất, Hồ Kha được phong làm phúc thần của làng Quỳnh Đôi. 
Nguyễn Thạc xuất thân trong gia đình nổi tiếng danh gia võ cử. Từ cha, ông, cố, can, bảy, tám đời đã làm tướng phò tá nhà Trần chống giặc Nguyên Mông. Ông cố là Nguyễn Bính xuất thân từ khoa Tiến sỹ, năm Ất Hợi (1275), triều Trần Thánh Tông (1273-1278), niên hiệu Bảo phù, năm thứ 3, từng được nhà vua đã đặc phái cử đi sứ nhà Nguyên. Đến năm Kỷ Dậu (1369) vua Trần Dụ Tông mất, triều đình loạn li, ông phải đình hoãn sự nghiệp học tập rèn luyện võ nghệ rời bỏ quê hương vào tỉnh Nghệ An lúc mới 15 tuổi.
Hoàng Khánh, hậu duệ gần đời của Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, người cùng với danh tướng Yết Kiêu đục thuyền giặc Nguyên Mông vào cuối thế kỷ 13. Hoàng Khánh tên thụy là Cương Chính Công làm quan Hành khiển cai quan lộ Diễn Châu dưới triều vua Trần Duệ Tông - Trần Phế Đế trong những năm 70 và 80 thế kỷ 14.
Đến năm Xương Phù thứ hai đời Trần Phế Đế (1378), các ông Hồ Hồng, Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh kết thân với nhau (sau này hai người con gái của tiên sinh Hồ Kha, Hồ Thị Thuận kết duyên với Nguyễn Thạc, Hồ Thị Sinh kết duyên với Hoàng Khánh) lập trang Thổ Đôi (tức là làng Quỳnh Đôi ngày nay) và quyết xây dựng thành nơi sinh sống lâu dài và cho con cháu đời sau.
Ba vị Hồ, Nguyễn, Hoàng tuy khác họ, không cùng quê, cách xa nhau “thiên lý” những cùng “chí hướng” cùng “quyết tâm” đã hợp sức tạo nên vùng đất hưng thịnh Thổ Đôi trang. Công lao của ông tổ các dòng họ trên trong việc khai lập trang Thổ Đôi đã được dân làng ghi nhận: “Họ Nguyễn triệu cơ, họ Hồ khai cơ, họ Hoàng lập cơ”. Về sau, “đất lành chim đậu”, có nhiều dòng họ khác lần lượt về sinh cơ lập nghiệp, tính đến nay đã có 47 dòng họ. Những người đến Thổ Đôi đầu tiên phần lớn là người bản địa ở Châu Diễn, sau đó người các huyện phía Nam Nghệ Tĩnh và các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định... nhập cư.
Năm đầu niên hiệu Đại Bảo đời Vua Lê Thái Tông (Canh Thân, 1440), ông Dương Văn Khai người ở huyện Kỳ Hoa (nay là Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) về Thổ Đôi trang dạy học, cho con là Thiếu khanh Dương Thế Thông lấy con Hồ Ước Lễ ở lại xây dựng Thổ Đôi. Năm Quang Thuận nguyên niên Vua Lê Thánh Tông (Canh Thìn, 1460), ông Phan Hoằng Nhiễu từ thôn Hào Kiệt (huyện Yên Thành) ra làng Phú Mỹ (xã Quỳnh Hoa ngày nay) lấy bà Hồ Thị Thái con gái ông Hồ Hân, cho con cháu về ở Thổ Đôi. Đầu thời Lê và thời Lê Trung Hưng, các ông tổ các họ Phạm, Trần, Lê, Trương, Mạc, Trịnh, Cù, Cao, Ngô đến tiếp và các ông tổ các họ Bùi, Đinh, Văn, Vũ, Phạm Hồ đến tiếp vào đầu đời Nguyễn (1802). 
Các dòng họ đến sau đều đóng góp công sức đáng kể vào việc xây dựng Thổ Đôi ngày càng đông đúc, phồn thịnh. Sự ra đời của trang Thổ Đôi là do ảnh hưởng sâu xa chính sách kinh tế, xã hội của đất nước ở vùng Hoan Diễn cùng với địa thế đặc biệt của mảnh đất và những con người gây dựng, khai phá. Những điều trên đây có thể cắt nghĩa vì sao Thổ Đôi phát triển nhanh chóng và có những sắc thái riêng. 
Năm Minh Đức thứ hai đời Mạc Đăng Dung (Mậu Tý, 1528), Hồ Nhân Hy, một võ quan đời Lê - Mạc, tước Bao Vinh Hầu về hưu mới đổi tên Thổ Đôi thành Quỳnh Đôi (Quỳnh là viên ngọc màu đỏ tươi). Tính đến nay Quỳnh Đôi đã có trên 640 năm hình thành và phát triển.
Đến nửa đầu thế kỷ XX, lịch sử Quỳnh Đôi được đánh dấu bằng việc ra đời Chi bộ Cộng sản Quỳnh Đôi vào tháng 3 năm 1930. Từ đây các phong trào cách mạng của nhân dân Quỳnh Đôi được dẫn dắt bởi những người con ưu tú của làng. Cao trào cách mạng 1930 - 1931 nổ ra ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh mà Quỳnh Đôi là một điểm nóng cho phong trào cách mạng này. Ngày 4-2-1931, khoảng 6000 người tập trung tại Quỳnh Đôi để biểu tình tuần hành đả đảo đế quốc phong kiến. Cuộc biểu tình tuần hành diễn ra trong một thời gian ngắn và nhanh chóng bị dập tắt nhưng là một dấu mốc lịch sử quan trọng cho người dân Quỳnh Đôi trên con đường đấu tranh cách mạng xây dựng quê hương. 
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tiếp đến là 9 năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, người dân Quỳnh Đôi đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và sức lao động để bảo vệ và xây dựng quê hương. Không những thế, họ còn đóng góp cho đất nước những nhà cách mạng nổi tiếng như: Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan... Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Quỳnh Đôi hợp nhất với làng Thượng Yên gọi là xã Quỳnh Yên. Năm 1950, xã Quỳnh Yên nhập thêm các làng: Hạ Lăng, Cẩm Trường, Thanh Dạ, Cự Tân, đổi gọi thành xã Quỳnh Anh và được phân ra 4 khu: Khu Đông là làng Thượng Yên; Khu Tây là Quỳnh Đôi; Khu Nam là các làng Hạ Lăng, Cẩm Trường; Khu Bắc là các làng Thanh Dạ, Cự Tân. Năm 1955, trong cải cách ruộng đất, địa phận và quy mô các xã được phân định lại. Làng Quỳnh Đôi cũ thành một xã gọi là xã Quỳnh Đôi, thuộc hyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho đến ngày nay.
2. Truyền thống khoa bảng làng Quỳnh
Sách Từ Thổ Đôi trang đến xã Quỳnh Đôi của Hồ Sĩ Giàng cho biết, cách đây khoảng trên 600 năm, Quỳnh Đôi là một vùng đất nước mặn bồi tụ đang trong quá trình ngọt hóa, động vật và thực vật mới bắt đầu phát triển. Quỳnh Đôi không có núi, nhưng bốn phía đều có núi hướng về. Đứng ở giữa trông về bốn phía có núi Quy Lĩnh hình cái bảng, gọi là bảng giáp ở xã Quỳnh Bảng; núi Hiền Hoa gọi là bảng canh ở xã Quỳnh Hậu; núi Yên Mã hình yên ngựa ở xã Quỳnh Bá; núi Trụ Hải hình cái tán ở xã Quỳnh Tùng; núi Nga Mi hình đôi lông mày ở xã Diễn Hùng, Diễn Châu; Hòn Thoi ở xã Quỳnh Giang; hòn Bút ở xã Quỳnh Ngọc; Phía Đông làng có sông Mai Giang uốn khúc, chảy ra cửa Quèn. 
Người Quỳnh Đôi tin rằng, thế đất, thế núi nói trên đem đến cho làng nhiều điều tốt lành: sự hưng thịnh cho việc học hành (nghiên bút, bảng, cờ, trống), cho việc xông pha chinh chiến (ngựa), cho nghề dệt (thoi) và phụ nữ xinh đẹp (nga mi là đôi lông mày). Với nhận thức tâm linh thuở đó, người làng Quỳnh đã biết khai thác những cảnh vật thiên nhiên ấy như một điểm tựa trợ lực về tinh thần để gây sự phấn chấn trong học tập, giữ sự vững vàng trong tâm lý thi cử, từ đó khổ luyện mà thành tài. Nổi tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, sản sinh bao anh hiền tài cho xứ Nghệ, cho cả nước, Quỳnh Đôi đã đi vào tục ngữ, phương ngôn từ đời này sang đời khác: Bắc Hà Hành Thiện/ Hoan Diễn Quỳnh Đôi; Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa/Ông nghè, ông cử như hoa vườn Quỳnh; Lụa tơ làng Hạ/ Văn hiền Quỳnh Đôi;… 
Năm 1952, Hoàng Xuân Hãn, trong bài Tựa cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca xác định: “Làng Quỳnh là một làng văn học bậc nhất trong nước ta từ thời Lê Trung Hưng”. Sách Có một nước Việt Nam như thế cũng ghi nhận: “Ở Việt Nam có nhiều làng gọi là “làng học”, khoảng mấy trăm năm lại đây, hầu như khoa nào cũng có người đỗ đạt cao. Đó là những làng Quỳnh Đôi, Hành Thiện, Mộ Trạch, Cổ Am, Đông Ngạc… Đến nay phong trào giáo dục của những làng này cũng khá cao, cung cấp cho đất nước nhiều nhà khoa học và quản lý xã hội”.
Bao đời nay, sự học ở làng Quỳnh luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu, sự học được nâng lên thành Đạo học. Đạo học làng Quỳnh không phải vì mục đích “vinh thân phì gia” mà học để làm người, học để tu thân và rèn luyện theo giá trị đạo đức, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, liêm chính ái quốc, thương dân. 
Xuất phát từ đạo học đó, nên từ người khai khoa đầu tiên là cụ Hoàng Khánh, thủy tổ họ Hoàng, đậu Hương cống năm 1386, nhậm chức quan Hành khiển Diễn Châu lộ đã đặt nền móng cho con cháu kế tiếp noi theo. Hoàng Chung, Hoàng Lữ, Hồ Hữu Nhân, Hồ Hân, Hoàng Duy, Nguyễn Tỉnh, Nguyễn Yên, Nguyễn Lai, Nguyễn Lam (Láng), Nguyễn Hàn (Hải),... là những thế hệ công dân đầu tiên của Thổ Đôi trang, sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước bị suy vi, loạn lạc do giặc Minh xâm lược, nên tất cả họ đều “tiến vi quan” và trở thành công thần khai quốc, trong số đó có 4 vị đã hi sinh.
Đạo học làng Quỳnh khi đạt đạo, tinh thông kinh sử, thì không chỉ “tiến vi quan” trị quốc, an dân, bình thiên hạ; mà khi “thoái vi sư” thì mô phạm đủ mực làm thầy, không chỉ dạy học trò bình thường mà còn dạy cả vua và đào tạo tiến sỹ. Một số tấm gương tiêu biểu: Nguyễn Tri Danh làm quan Sứ ty đô dạy vua lúc mới lên ngôi; Hồ Sỹ Tôn, Dương Lễ thi Hội trúng tam trường không màng công danh đã mở trường dạy học có học trò Hồ Phi Tích đậu tiến sỹ; Phan Hữu Tính thầy dạy của 7 tiến sĩ;... 
Đạo học làng Quỳnh bắt nguồn từ truyền thống giáo dục đặc biệt của làng. Ngoài hệ thống giáo dục trường học công lập, dân lập thì giáo dục gia đình ở làng Quỳnh đóng vai trò quan trọng. Cha mẹ dạy con cái, anh em dạy bảo lẫn nhau, chú bác dạy con cháu,... lâu dần trở thành truyền thống giáo dục ở Quỳnh Đôi. 
Với truyền thống giáo dục đặc sắc, đạo học triết lý nhân sinh, cùng với đức hiếu học, khổ học, ngay từ buổi đầu lập làng và suốt chiều dài lịch sử, làng Quỳnh đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong khoa cử. Từ năm Bảo Thái thứ sáu đời Lê Dụ Tông (Ất Tỵ, 1725), ông Hồ Sĩ Tôn đã sưu tầm, khảo cứu để biên soạn cuốn sách Quỳnh Đôi khoa danh trường biên, liệt kê tương đối đầy đủ và chính xác tên, tiểu sử của từng người đỗ đạt qua các khoa thi theo trình tự thời gian, chung cho cả thi Hương và thi Hội. Sau này các gia đình, dòng họ đã căn cứ vào đó mà rà soát lại, bổ sung. Văn hội của làng cứ theo thế mà tục biên.
Trước hết, về số lượng những người đỗ đại khoa ở Quỳnh Đôi theo nguồn sử liệu: Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam của nhóm biên soạn Ngô Đức Thọ do Nxb. Văn học tái bản năm 2006 (bản in lần đầu năm 1993); sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục do Nxb. Lao động và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2011; sách Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên Hồ Phi Hội khởi biên do Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2005 cùng với gia phả các dòng họ ở Quỳnh Đôi; Làng Quỳnh tính từ năm 1449 có người bắt đầu thi đỗ cho đến năm 1919, năm kết thúc khoa cử Nho học trải dài 470 năm đã đạt những thành tựu nổi bật sau: 
Về thi Hương: Có 526 tú tài và 208 cử nhân với 963 lượt người thi đỗ ở 116 khoa thi, trong đó có 13 người đỗ giải nguyên;
Về thi Hội: Có 4 phó bảng là: Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai; có 9 tiến sĩ; có 2 Hoàng giáp: Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Đống; 01 thám hoa: Dương Cát Phủ và 01 bảng nhãn là Hồ Sỹ Dương (Đông Các thứ 2).
Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam; Quỳnh Đôi cổ kim sự tích  hương biên; Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX có 9 người được ghi nhận đỗ đại khoa gồm:
- Phan Hữu Tính (1774 - 1831) đậu Tiến sĩ năm Minh Mệnh (Nhâm Ngọ,1822);
- Văn Đức Giai (1807 - 1864) đậu Tiến sĩ năm Thiệu Trị 4 (Giáp Thìn, 1844);
- Hồ Sĩ Tuần (1813 - 1862) đậu Tiến sĩ năm Thiệu Trị 4 (Giáp Thìn, 1844);
- Nguyễn Sĩ Phẩm (1841 - 1877) đậu Tiến sĩ năm Tự Đức 22 (Kỷ Tỵ, 1869);
- Dương Thúc Hạp (1834 -1920) đậu Tiến sĩ năm Kiến Phúc 1 (Giáp Thân, 1884)
- Hồ  Sĩ Dương (1622 -1681) đậu Tiến sĩ năm Lê Thần Tông Khánh Đức 4 (1652);
- Hồ Phi Tích (1675 - 1744) đậu Hoàng giáp năm Lê Hy Tông Chính Hòa 21 (1700); 
- Hồ Sĩ Tân (1691 - 1760) đậu Tiến sĩ năm Lê Dụ Tông Bảo Thái 2 (1721);
- Hồ Sĩ Đống (1739 - 1785) đậu Hoàng giáp năm Lê Hiển Tông Cảnh Hưng 33 (1772). 
Trong các dòng họ được khảo cứu tại Quỳnh Đôi, hầu như dòng họ nào, nhà nào đều có người đỗ đạt. Họ Hồ có dân số đông (chiếm khoảng 50%) có nhiều người thi đậu. Họ Dương dân số ít nhưng tỉ lệ cũng khá cao. Trong gia phả họ Dương còn ghi “Đinh bất như Hồ, quan như Hồ” nghĩa là số người không bằng họ Hồ nhưng quan thì bằng họ Hồ. Các họ Nguyễn, Phan, Hoàng, Lê, Phạm, Trương, Văn, Hồ, Cù đều có nhiều người thi đậu. Họ Trần chỉ có vài hộ, nhưng cũng có người đậu cao, có người hay chữ nổi tiếng một thời như ông Trần Cảnh, chính ông đã cúng đất cho làng làm nhà thánh. Có nhiều gia đình cha con ông cháu đều thi đậu, như gia đình Hồ Phi Tích cha con đều đậu cao, 7 người con của Hồ Phi Tích đều đậu cao và tính từ Hồ Hiến (ông của Hồ Phi Tích) cho đến Hồ Phi Thống 8 đời đậu liên tiếp. Gia đình anh em Hồ Sĩ Vũ và Hồ Sĩ Danh 9 người đều đậu, trong đó có 5 anh em Hồ Sĩ Đống thì một người đậu hoàng giáp, một người đậu phó bảng, 2 người đậu giám sinh và một người đậu sinh đồ.
Từ năm 1919 cho đến năm 1945, trong cảnh nước mất nhà tan, người làng Quỳnh duy trì và phát huy truyền thống hiếu học. Số người học Quốc ngữ ở các trường tư trong làng, trường công của huyện vẫn đông nhất so với các làng khác trong huyện. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến, do dồn sức người sức của tham gia kháng chiến bảo vệ đất nước nên việc học hành của người làng Quỳnh Quỳnh nói riêng cũng như cả nước nói chung bị đứt đoạn. 
Từ năm 1975, những con người Quỳnh Đôi tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của làng. Hàng năm vào ngày lễ tế tổ dòng họ những người đỗ đạt đều được vinh danh.  Làng còn đặt ra quỹ khuyến học, khởi đầu là từ ông Hồ Sĩ Dương, Hồ Sĩ Tích và Hồ Sĩ Đống, ba ông này đã góp lại 74 mẫu lúa để thành lập quỹ khuyến học, người học trò nghèo sẽ được quỹ này hỗ trợ; rồi người lính ra trận cũng dùng quỹ này gọi là quỹ binh điền. Ngày nay, công tác khuyến học được xã hội hóa ở mọi cấp: thôn, chi họ, dòng họ,... nhằm kịp thời động viên, khuyến khích kịp thời những học sinh có thành tích học tập tốt.
Làng Quỳnh hơn 640 năm hình thành và phát triển đã tạo thành bản hùng ca về tâm hồn và khí phách của bao thế hệ người làng Quỳnh, đã biến gò hoang cỏ dại Thổ Đôi trang ngày xưa thành xã anh hùng, làng văn hóa ngày này. Trong đó có những người con làng Quỳnh tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách của quê hương đã đem sức mình cống hiến cho quê hương, đất nước, tiếp tục viết tiếp những trang sử mới hào hùng của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, kinh tế,... 
Về chính trị có: Hồ Sỹ Dương, Hồ Sỹ Đống (Than tụng), Hồ Phi Tích (Bồi tụng), Hồ Trọng Định (Thượng thư), Hồ Tùng Mậu (Thanh tra Chính phủ), Hồ Viết Thắng (Bộ trưởng), Hồ Đức Việt (Bí thư TW Đảng), Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng)...
Về giáo dục có: Tiến sĩ Phan Hữu Tính, Tiến sĩ Văn Đức Giai và Dương Thúc Hạp, PGS.TS.NGND Phan Cự Nhân, PGS.TS Văn Như Cương.
Về văn thơ có: Hồ Xuân Hương, Hoàng Mậu, Phạm Đình Toái, Hoàng Trung Thông,...
Về khoa học kỹ thuật có: PGS.TS.Viện sĩ Phan Cự Đệ. GS.TS Nguyễn Xuân Dũng, PGS.TS Phan Tam Đồng.
Và còn rất nhiều người con anh hào kiệt khác của làng Quỳnh thành công trên các lĩnh vực như: báo chí, nhạc họa,... góp phần làm dày dặn thêm, tô thắm thêm truyền thống hiếu học, đạo học của làng Quỳnh xưa và nay. 
“Phi trí bất hưng, phi thương bất phú, phi công bất hoạt, phi nông bất ổn”. Trí đứng đầu của mọi sự, đó là nên tảng của một nước văn hiến, Nguyễn Trãi đã từng viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Nền văn hiến ấy trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc đã được các thế hệ tạo nên.
Xứ Nghệ là miền quê văn hiến. Từ miền biển đến núi cao, từ trung du đến đồng bằng, người Việt cũng như đồng bào các tộc người thiểu số bất cứ đâu, tới làng bản nào cũng đều bắt gặp đất khoa bảng, người hiền tài ham học, luôn luôn hiện hiển. 
Trong cái miền đất học đó, Quỳnh Lưu được xem là “đất thiêng” là “địa linh” nên “nhân kiệt” hay “được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền” (Phan Huy Chú). Và nếu Quỳnh Đôi là “cái rốn” khoa bảng, thì Quỳnh Lưu chính là vùng đất giàu truyền thống hiếu học quý báu, hình thành từ ngàn xưa và được gìn giữ, phát triển đến ngày nay. Nơi đây, sự học được coi trọng, hệ thống giáo dục phát triển từ khắp các địa phương với mục đích đào tạo hiền tài, nhân tài cho Nghệ An, cho cả nước.
Nhân dân Quỳnh Lưu có truyền thống hiếu học, sống trong bầu không khí của quê hương và gia đình giàu truyền thống lịch sử lâu đời về tôn sư trọng đạo, học trò Quỳnh Lưu mặc dù đời sống vất vả, khó khăn nhưng thật sự chăm chỉ sự nghiệp đèn sách. Truyền thống hiếu học đã được tiếp nối từ đời này qua đời khác khiến cho bản thân những người đi học và đỗ đạt thành tài đều cảm thấy vinh dự và hạnh phúc được đem trí tuệ và tài năng đóng góp vào sự nghiệp chung của quê hương, đất nước. Mục đích của họ là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng trước hết là tu dưỡng đạo đức của bản thân để từ đó giữ lấy nề nếp trong sạch của gia đình và góp phần đem lại sự phồn vinh, ấm no và hạnh phúc cho quê hương đất nước.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây