Một số trận thắng của Nghĩa quân Lam Sơn trên đất Nghệ An

Thứ ba - 09/01/2024 04:21 0
   Buổi đầu nghĩa quân có khoảng 2000 người lập chiến khu ở vùng núi Lam Sơn. Mặc dù có giành được một vài thắng lợi ở Lạc Thủy, Mường Một, Mường Chánh, nhưng lực lượng mỏng lại bị quân Minh đàn áp quyết liệt, nên nhiều lần phải thay đổi căn cứ. Đến tháng 5 năm 1423 , nghĩa quân  gặp rất nhiều khó khăn: quân sĩ mỏi mệt, lương thực, vũ khí  thiếu thốn nghiêm trọng. Nhân việc nhà Minh giao chiến lớn với quân Mông Cổ ở phương Bắc, hai bên tạm hòa hoãn. Trong thời gian khoảng 1 năm hòa hoã`này, nghĩa quân Lam Sơn đã tranh thủ đẩy mạnh sản xuất, tích trữ lương thực, chiêu mộ binh sĩ, và đặc biệt là nghiên cứu tìm một căn cứ chiến khu mới.
      Trước yêu cầu của cuộc khởi nghĩa tướng  Nguyễn Chích với cương vị là Nhập nội Thiếu úy trong bộ chỉ huy đã đề xuất một kế hoạch có tầm chiến lược quan trọng . Ông nói: “ Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông, tôi đã từng qua  lại nên rất thông thuộc đất ấy. Nay hãy trước hết thu lấy Trà Long, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm đất đứng chân rồi dựa vào sức người và của cải đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ.”(1). Nhiều ý kiến của các tướng lĩnh còn cho rằng:  Nghệ An là nơi nhân dân có lòng yêu nước, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, chính quyền đô hộ mới được xây dựng, lực lượng quân Minh không đông nên dễ giải phóng, lại ở xa Đông Quan (tức Thăng Long) và Tây Đô (tức thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa) nên sức ép của quân Minh không nhiều. Phía nam Nghệ An là vùng Tân Bình, Thuận Hóa lực lượng quân Minh khá mỏng…. 
     Kế hoạch đó được Lê Lợi , Nguyễn Trãi và bộ chỉ huy chấp nhận và quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Nghệ An. 
    Trận Đa Căng
    Để tiến quân vào Nghệ An theo đường thượng đạo đi qua các huyện miền núi Thanh Nghệ , ngày 20/9/1424 nghĩa quân đã đánh úp thành Đa Căng ( nay thuộc Bất Căng, Thọ Xuân, Thanh Hóa) . Đây là một thành nhỏ do Lương Nhữ Hốt, một viên tướng người Việt theo quân Minh giữ chức Tham chính  chỉ huy. Trận này nhờ tính bất ngờ, lực lượng quân đich không đông lại hoàn toàn bị động nên nghĩa quân đã sớm giành thắng lợi, diệt hơn 1 ngàn tên địch, thu hết quân giới, đốt sạch trại thành của địch. Lương Nhữ Hốt bỏ chạy về thành Tây Đô. Quân Minh do Đô chỉ huy sứ Nguyễn Suất Anh chỉ huy đến tiếp viện nhưng đồn đã mất lại bị đánh thua, cũng rút về Tây Đô.
Việc đánh hạ thành Đa Căng thắng lợi nhanh chóng đã làm nức lòng nghĩa quân và giúp họ mở toang con đường tiến vào Nghệ An. Lê Lợi nhân đó đã tuyển thêm tráng đinh , chỉnh đốn đội ngũ, tăng cường trang bị khí giới, chuẩn bị sẵn lương thảo cho đoàn quân nam tiến
Trận Bồ Đằng
       Sau khi chiếm xong Đa Căng, nghĩa quân đi theo đường núi Bồ Lạp ở lưu vực sông Hiếu, sông Con thuộc huyện Quỳ Châu ngày nay. Để ngăn chặn nghĩa quân tiến vào miền núi Nghệ An uy hiếp thành Trà Lân, quân Minh vội vàng đối phó một cách bị động. Chúng chia làm 2 cánh hòng đánh chặn hai  đầu nghĩa quân . Tổng binh Trần Trí cùng bọn Phương Chính, Thái Phúc, Lý An điều quân từ thành Tây Đô đuổi theo phía sau. Cánh chặn đầu do Sư Hựu giữ chức Đồng tri đóng ở thành Nghệ An cùng bọn Cầm Lạn (người Việt tri phủ Quỳ Châu), Cẩm Bành tri phủ Trà Lân chỉ huy có hơn 5 nghìn quân chặn phía trước nhằm tiêu diệt quân ta trên đường hành quân.
Nhờ công tác trinh sát được chú trọng, lại được nhân dân cung cấp thông tin nghĩa quân đã kịp thời nắm được tình hình quân địch ở cả hai mặt. Hơn nữa mặc dầu rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch” nhưng bấy giờ lực lượng của quân ta đã khá đông, binh lính  dày dạn kinh nghiệm chiến đấu. Phía quân Minh thì cũng không hoàn toàn nắm lợi thế. Giặc tuy trước sau hai mặt tiến đánh nhưng hành quân gấp gáp bị động, hơn nữa quân lính dưới trướng Trần Trí cũng đã có những lần bại trận trước quân Lam Sơn nên vẫn có tâm lý sợ hãi.
      Trước tình hình đó bộ chỉ huy nghĩa quân đã mưu trí bố trí một trận mai phục ở Bồ Đằng (nay thuộc xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An). Lúc này trời đã xế chiều, Lê Lợi khẩn trương dàn quân cùng voi ngựa chia đường mai phục . Bọn Phương Chính tiến trước, trúng vào ổ mai phục. Quân Lam Sơn nhất tề từ các ngã xông ra đánh giết, voi trận giẫm bừa vào hàng ngũ quân Minh. Giặc nối nhau tan vỡ ,nghĩa quân Lam Sơn chém được các tướng giặc là Đô ty Trần Trung, Chỉ huy vệ  Ngũ Vân và hơn 2.000 tên địch, thu nhiều chiến lợi phẩm cùng hơn 100 cỗ ngựa. Trần Trí cùng quân tướng Minh phải tháo chạy ra xa mới định thần được và thu thập tàn binh.  
      Cánh chặn đầu của quân Minh do Sư Hựu chỉ huy được tin quân Trần Trí bị nghĩa quân  phục kích thua đau ở Bồ Đằng cũng định rút về giữ thành Trà Lân  nhưng rồi Lê Lợi tiếp tục dẫn quân tiến vào đất của châu Trà Lân và đã đụng độ trực tiếp với quân của Sư Hựu tại trang Trịnh Sơn (nay thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An). Quân Lam Sơn vừa thắng trận trước đội quân đông đảo của Trần Trí, đã hăng hái lao vào cánh quân của Sư Hựu, vỗ mặt đánh trực diện. Quân của Sư Hựu không chống nổi đã bị thiệt hại hơn 1.000 quân, Thiên hộ Trương Bản bị chém tại trận. Sư Hựu dẫn   tàn quan đào thoát khỏi chiến địa. Lê Lợi cho quân sĩ thu giữ hết lương thảo, khí giới bắt được . Quân Lam Sơn vượt trang Trịnh Sơn tiến đóng ở Sách Mộc. Trần Trí sau trận thua ở Bồ Đằng lại thu thập quân lính bám đuổi quân Lam Sơn. Nhưng tiến quân đến núi Trạm Hoàng thì được tin quân ta vừa đánh tan cánh quân của Sư Hựu, sợ hãi không dám đuổi theo nữa, lui binh xuống giữ thành Nghệ An. Bình Định vương  tranh thủ thời gian, tiến lên bao vây thành Trà Lân. 
   Trận Trà Lân
     Châu Trà Lân (còn gọi là Trà Long) thời Lê là một châu quan trọng của miền núi Nghệ An tương đương với địa bàn các huyện Con Cuông, Tương Dương ngày nay. Thành Trà Lân là một sơn thành tọa lạc tại một trái núi cao 168 m cách sông Lam không xa, gần chỗ hợp lưu của sông Con với sông Lam, nay thuộc địa phận xã Bồng Khê, huyện Con Cuông . Thành này án ngữ cả hai tuyến đường thủy và bộ quan trọng lúc bấy giờ là đường thượng đạo đi từ bắc vào nam qua miền tây Nghệ An và đường thủy theo dòng sông Lam đi từ thành Nghệ An lên đất nước Ai Lao. Thành đắp theo thế núi, chu vi khoảng 2 km, ngoài có hàng rào tre và hào sâu. Sau trận Bồ Đằng, Cầm Bành với khoảng hơn 2000 quân rút về cố thủ trong thành. Cuối tháng 10 năm 1424 nghĩa quân bao vây thành Trà Lân. Cẩm Bành cậy có thành cao, hào sâu, quân đông, lương thực nhiều cố giữa thành để chờ viện binh.
Tại Thành Nghệ An bọn Trần Thí, Phương Chính, Sơn Thọ lúc đầu không dám đưa quân lên miền núi, muốn thương lượng với Lê Lợi để giải vây cho Cẩm Bình. Mãi về sau, Phương Chính mới dẫn một cánh quân Minh từ thành Nghệ An lên châu Trà Lân, nhưng chủ yếu phô trương thanh thế, không dám tiến đánh vì sợ địa hình đồi núi dễ trúng kế mai phục, chỉ viết hịch kể tội và viết thư khuyên Lê Lợi đầu hàng. Bình Định Vương thấy địa hình sơn trại của Cầm Bành khó tấn công, Phương Chính lại đóng quân ở phía sau, bèn chia quân vừa vây chặt Cầm Bành, vừa cầm cự với Phương Chính. Lê Lợi  lại cùng các tướng sĩ ra sức tuyên truyền chính nghĩa, phủ dụ nhân dân trong vùng. Nhân dân nô nức theo về, cùng góp quân lương tiếp sức cho nghĩa quân .
       Trong thời gian nghĩa quân vây Cầm Bành, đã có nhiều thư từ qua lại giữa ta và quân Minh. Lê Lợi muốn thăm dò ý định của Phương Chính, bèn sai Nguyễn Trãi viết thư trả lời Phương Chính . Sau đó Sơn Thọ lại đem chiếu thư của vua Minh Nhân Tông đến gặp Lê Lợi để chiêu hàng. Nội dung chiếu thư khuyên Lê Lợi ra hàng và trở về Thanh Hóa bỏ hết sai lầm quá khứ, nhận chức quan Tri phủ cùng cai trị dân . Lê Lợi nhận chiếu, họp các tướng lại bàn rằng phải tương kế tựu kế viết thư cho Phương Chính và Sơn Thọ để trên bè cho thuận dòng trôi xuống : “Chúng tôi muốn trở về Thanh Hóa, nhưng bị Cầm Bành ngăn chặn. Vậy ông cho người tới giải hòa để thông lối về, rất mong”(2).
     Phương Chính xem thư tưởng thật, bèn sai Trần Đức Nhị đưa thư đến cho Cầm Bành, khuyên hòa giải với Lê Lợi. Vậy là giặc đã trúng kế của quân ta. Cầm Bành thủ hiểm hơn 2 tháng trời, lương hết binh mỏi, chỉ còn cầu mong quân Minh đến cứu viện. Nhưng khi nhận được thư của Phương Chính hắn biết chắc rằng viện binh sẽ không đến. Quân lính của Cầm Bành lúc này đã mỏi mệt, nhiều tên trốn ra hàng. Cầm Bành cùng kế cũng phải mở cổng thành ra hàng, Lê Lợi chấp nhận và lệnh cho quân sĩ không được xâm phạm.
    Nghĩa quân nhân đó tuyển mộ thêm được mấy ngàn tân binh. Thế lực của nghĩa quân lớn mạnh thêm rất nhiều. Thành Trà Lân trở thành một căn cứ của nghĩa quân , khống chế cả vùng miền núi Nghệ An, uy hiếp thành Nghệ An.
       Với chiến thắng Trà Lân ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngày một rộng lớn . Nhiều hào kiệt từ các nơi và các lực lượng yêu nước khắp vùng Nghệ Tĩnh đều hướng về nghĩa quân. Mùa đông năm 1424 Nguyễn Vĩnh Lộc ở thôn Trang Niên huyện Đông Thành nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành là người có sức khỏe, giỏi võ nghệ đã đem một đội quân 19 người đã được huấn luyện chu đáo lên gia nhập nghĩa quân. Vốn là người đa mưu thông thuộc địa hình, Lê Lợi rất mừng bố sung vào bộ phận tham mưu. Sau này ông đã hiến kế cho nghĩa quân trong trận Khả Lưu – Bồ Ải và trận đánh thành Nghệ An. Cũng vào những ngày cuối năm 1424 Nguyễn Trung Lao (sau này đổi họ là Đào Trung Lao) ở xã Tiên Nông nay thuộc xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương cùng ba anh em là Nguyễn Thế Bồng, Nguyễn Thế Bình và Nguyễn Thế Tài lên Trà Lân gia nhập nghĩa quân. Về sau Nguyễn Thế Tài hy sinh, Nguyễn Thế Bồng giữ chức Đoàn luyện Đô sứ ty và Nguyễn Trung Lao trở thành một vị tướng giỏi, chém chết  tướng giặc. Thời gian sau đó một vị tù trưởng người Thái, Tri phủ châu Ngọc Ma là Cẩm Quý đã đem hơn 8000 quân và 10 thớt voi đến theo giúp Lê Lợi. Ngoài ra khi nghĩa quân tiến xuống vùng Thanh Chương ở tổng Võ Liệt có tướng Phan Đà là một tướng trẻ tài năng ra trận luôn cưỡi ngựa bạch đã bao phen làm cho quân Minh khốn đốn. Sau khi mất ông được nhân dân lập đền thờ là đền Bạch Mã nổi tiếng trong vùng ….và nhiều người tài giỏi cùng các toán quân khác nữa liên tiếp gia nhập nghĩa quân .
Trận Khả Lưu - Bồ Ải
        Nhận được tin quân Minh liên tiếp thất bại, vua Minh hạ chiếu khiển trách bọn Trần Trí, Phương Chính và ra lệnh trong mùa xuân năm 1425 phải bình định xong vùng đất Giao Chi . Tổng binh Trần Trí bèn tổ chức một cuộc phản công nhằm giành lại thành Trà Lân và tiêu diệt quân chủ lực nghĩa quân Lam Sơn. Lực lượng bọn chúng huy động vào cuộc hành quân này đến hàng vạn người gồm quân chủ lực đang đóng ở thành Nghệ An cùng với cánh quân từ Đông Quan vào tiếp viện. Quân Minh do Trần Trí và Phương Chính chỉ huy chủ yếu theo đường thủy ngược dòng sông Lam tiến lên. Nhưng đến ải Khả Lưu chúng bất ngờ thấy nghĩa quân đã hạ trại ở bờ bắc sông Lam.
    Khả Lưu thời đó là một cửa ải quan trọng trên con đường thủy bộ từ thành Nghệ An lên Trà Lân và cách Trà Lân gần 40 km. Khả Lưu là một bãi đất bằng phẳng rộng gần 400 ha xưa thuộc xã Mạc Điền nay thuộc xã Vĩnh Sơn huyện Anh Sơn, phía nam và đông nam có sông Lam bao bọc, mặt tây và tây bắc có núi rừng rậm rạp.  
    Thấy nghĩa quân đã chiếm bãi Khả Lưu bọn Trần Trí phải đóng quân ở bãi Phả Lữ ở phía nam sông thuộc làng Yên Phúc nay thuộc xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Đây cũng là một bãi đất rộng phía bắc giáp sông Lam , phía nam cách không xa có dãy núi thấp và phía tây nam là lèn Kim Nhan hùng vĩ.   
      Lê Lợi dẫn quân tới ải Khả Lưu, cho làm các hoạt động nghi binh và bố trí trận địa mai phục ở phía sau ải. Mặt khác, ông phái một cánh quân tinh nhuệ ban đêm vượt sông đến phục ở Bãi Sớ (nay thuộc xã Long Sơn, huyện Anh Sơn), phía đông nam trại Phả Lữ của quân Minh.
    Quân Minh cậy thế quân đông thuyền nhiều vượt sông sang bờ bắc đánh thẳng vào doanh trại nghĩa quân. Quân ta vừa cầm cự vừa rút lui nhử địch vào trận địa mai phục. Quân địch hò hét xông lên, quân ta từ các ổ phục kích bất thần đổ ra tấn công quyết liệt. Quân địch bị bất ngờ tổn thất nặng nề ,lui ra bờ sông và tiếp tục:  “ bị chém đầu và chết đuối kể đến hàng vạn người” (3) Cùng lúc đó cánh quân phục sẵn ở Bãi Sớ bờ nam sông đồng thời tấn công vào doanh trại địch ở Phả Lữ . Trần Trí  phải lui quân về  giữ doanh trại ở bãi Phả Lữ.
     Mặc dầu bị thất bại nặng nề, quân Minh vẫn không từ bỏ cuộc hành quân lên Trà Lân. Chúng cậy thế có quân đông, lương thực nhiều nên dựng đồn đắp lũy để chống cự lâu dài với nghĩa quân. Về phía nghĩa quân mặc dầu đã giành được thắng lợi lớn nhưng lương thực ít không thể cầm cự lâu dài với chúng được. Trong hoàn cảnh ấy Nguyễn Vĩnh Lộc đã hiến kế và được bộ chỉ huy chấp nhận. Ông đề nghị nghĩa quân đốt doanh trại của mình giả rút lui lên miền trên như là bỏ trốn, rồi quay lại phục binh ở chỗ hiểm yếu chờ giặc đến sẽ đánh. Địa điểm nghĩa quân chọn mai phục là bãi Bồ Ải phía bắc sông Lam. (ở phía trên Khả Lưu nay thuộc xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn). Quả nhiên đúng như dự định, quân địch cho rằng quân ta hết lương phải rút lui thật nên tung quân vượt sông để truy quét. Khi toàn bộ lực lượng chủ lực của Trần Trí  rơi vào trận địa mai phục, Lê Lợi liền tung quân ra đánh. Kết quả là quân Minh bị một trận đại bại nữa. Tướng tiên phong Hoàng Thành bỏ mạng. Đô ty Chu Kiệt và hơn 1000 tên địch bị bắt làm tù binh. Trần Trí dẫn tàn quân chạy thục mạng về thành Nghệ An. Mô tả kết quả trận đánh này sử cũ ghi: các tướng “tranh nhau lên trước phá trận, đánh tan quân Minh, chém được đầu không xiết kể. Thuyền giặc chặn ngang dòng nước,xác chết đuối lấp sông, khí giới vất bỏ đầy núi” (4) 
       Với chiến thắng Khả Lưu – Bồ Ải nghĩa quân đã đập tan được cuộc phản công lớn của quân Minh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực địch, đẩy chúng vào thế phòng ngự và khai thông con đường tiến xuống đồng bằng  Nghệ An, nơi đất rộng người đông nhiều của cải, mở ra một triển vọng mới cho bộ tham mưu nghĩa quân tiến lên giải phóng toàn bộ Nghệ An. 
Trận Thành Trài (Diễn Châu)
     Tháng 6 năm 1425, Lê Lợi sai Đinh Lễ đem 1000 quân đánh thành Diễn Châu hay còn gọi là Thành Trài, nay thuộc xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu. Thành được xây dựng trên một khu đất tương đối cao, nay cách quốc lộ 1A khoảng 400 m và cách Cửa Vạn 2 km. Thành không có núi non che chở nhưng có con sông Trài , một nhánh của sông Bùng đổ ra Cửa Vạn bao quanh ba mặt. Thành được xây bằng đá dày và cao hình vuông mỗi cạnh khoảng 400m và có hai cửa Tiền và Hậu. Thành Trài có vị trí quan trọng vì từ đây giặc có thể ứng cứu cho thành Nghệ An và Tây Đô. 
       Tướng Đinh Lễ kéo quân xuống vùng tây nam huyện Đông Thành thì gặp được một vị quan yêu nước là Chánh sứ doanh điền Phan Vân quê ở xã Tiên Thành (nay thuộc xã Bắc Thành) và được nhân dân địa phương hết lòng ủng hộ. Ông đã giúp Đinh Lễ đóng đồn ở vùng Ba Lèn và Bàu Trang (nay thuộc các xã Lý Thành, Trung Thành và Bắc Thành huyện Yên Thành) và giải phóng vùng đất rộng lớn của huyện Đông Thành ở phía tây Thành Trài làm hậu phương và bổ sung quân số cho nghĩa quân. Để tấn công Thành Trài nghĩa quân phải xây dựng căn cứ Động Đình, ở một dãy núi thuộc sách Quỳ Lai (nay thuộc xã Tân Thành huyện Yên Thành) chỉ cách Thành Trài gần 14 km. Công việc xây dựng căn cứ Động Đình được tiến hành khẩn trương và bí mật.  
      Tướng Đinh Lễ đem quân ém ở căn cứ  Động Đình và cho quân do thám Thành Trài để chọn thời cơ tiến công. Theo lịch sử ghi lại thì: Tướng Đinh Lễ bí mật đem quân mai  phục trước, tướng nhà Minh trong thành  là Tiết Tụ  không hay biết. Chờ đến khi Đô ty của quân Minh là Trương Hùng đem 300 thuyền chở lương thực từ Đông Quan tới, quân lính  trong thành mừng rỡ tranh nhau mở cửa ra đón. Phục binh ta  thình lình nổi dậy, chém chết Thiên hộ họ Tưởng và quân lính hơn 300 người. Trương Hùng tháo chạy, Đinh Lễ cùng một bộ phận quân sĩ cướp thuyền lương rồi đuổi theo vừa đi vừa đánh  đến tận thành Tây Đô ở Thanh Hóa. 
       Như vậy là chiến thắng Thành Trài có công đóng góp to lớn của Phan Vân và dân binh do ông tổ chức. Ông cũng là người thông thạo địa hình, góp bàn kế hoạch, cung cấp nhân tài vật lực cho nghĩa quân nhất là xây dựng căn cứ Động Đình làm bàn đạp cho trận đánh. Ghi nhận công lao của Phan Vân, sau ngày chiến thắng ông được Lê Lợi phong làm Chánh sứ Bái Dương hầu. Nhổ được Thành Trài có ý nghĩa to lớn đối với nghĩa quân, sau chiến thắng này nghĩa quân Lam Sơn tiến thẳng ra Thanh Hóa, bao vây thành Tây Đô.  
Vây hãm thành Nghệ An
     Tháng 2/1425 nghĩa quân vây thành Nghệ An. Thành được xây dựng tại núi Hùng Sơn (núi Gấu) thuộc huyện Hưng Nguyên . Núi chạy sát bờ sông Lam hướng thẳng ra ngã ba Phù , nơi hợp lưu của sông Lam và sông La nên còn gọi là núi Rum. Thành đã có từ trước nhưng đến đầu thế kỷ 15 tướng nhà Minh là Trương Phụ đã cho xây lại thành Nghệ An trên sườn núi với quy mô lớn và kiên cố hơn. Từ đó núi có tên là Lam Thành. Từ thành Nghệ An có thể lên ngàn xuống biển vào nam ra bắc bằng đường thủy, đường bộ đều thuận lợi.        
       Quân Minh dựa vào hệ thống phòng thủ kiên cố  để cố thủ với nghĩa quân, dù trước đó Nguyễn Trãi đã viết thư khiêu chiến: “Trước mày gửi thư cho ta cứ cười ta nấp náu nơi rừng rú, thập thò như chuột không dám ra nơi đồng bằng để đánh  nhau. Nay quân ta đến đây là rừng rú chăng ? Thế mà mày cứ đóng thành giữ đồn như mụ già là làm sao? Ta e rằng bọn mày không khỏi cái nhục khăn yếm vậy !”
       Mặc dù vậy quân địch cứ  cố thủ không ra, hòng làm cho nghĩa quân về lâu dài không đủ lương thực để bao vây, dẫn tới mệt mỏi , ý chí giảm sút, lúc đó chúng sẽ kết hợp với viện binh phản công lại. Trước tình hình đó, Nguyễn Vĩnh Lộc lại đề xuất với bộ chỉ huy một kế mới: Đêm đêm quân ta cứ một người thì gánh hai hình nộm bằng rơm, thay nhau đốt đuốc đi lại ngoài thành làm cho quân giặc cố thủ trong thành nhìn ra tưởng quân ta rất đông  mà hoảng sợ. Với kế nghi binh này, trải qua thời gian dài, nghĩa quân đã làm cho lực lượng địch bị bao vây ở thành Nghệ An mỏi mệt, nao núng mất tinh thần, cuối cùng viên tướng giữ thành là Thái Phúc phải mở cửa thành ra đầu hàng nghĩa quân. 
        Ngoài những trận kể trên còn có những trận khác nữa như giải phóng thành Bình Ngô ở Thanh Bích, Thanh Chương, trận Đỗ Gia…. nhưng do bài viết quá dài chưa thể kể hết được.
        Tóm lại cùng với trận đánh úp thành Đa Căng những trận chiến thắng trên đất Nghệ An hay như có người gọi là chiến dịch giải phóng Nghệ An của nghĩa quân Lam Sơn thành công đã làm thay đổi cục diện chiến tranh. Nghĩa quân Lam Sơn từ thế bị động qua từng trận đánh ngày càng phát triển lớn mạnh, tạo tiền đề tiến lên giải phóng cả miền rộng lớn từ Thanh Hóa vào nam. Từ đây nghĩa quân Lam Sơn đã phát triển mạnh cả về lực lượng và kinh nghiệm chiến đấu, có đủ điều kiện tiến hành tổng tấn công ra miền Bắc, giải phóng hoàn toàn đất nước. Như Bình Ngô đại cáo dã viết:
      “Nên công oanh liệt ngàn năm 
      Bốn phương biển cả thanh bình”.
Chú thích
(1) Theo Việt sử Thông giám cương mục quyển 8.
(2) Theo Đại Việt Thông Sử.
(3) Đại việt sử ký toàn thư trọn bộ trang 613
(4) Đại Việt sử ký toàn thư trọn bộ trang 614
Tài liệu tham khảo
1. Đại Việt sử ký toàn thư trọn bộ - NXB Hồng Đức - 2020
2. Đại cương Lịch sử Việt Nam tập 1 - NXB Giáo dục - 2015
3. Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim - NXB Văn học - 2012
4. Nghệ An toàn chí tập 2 -  NXB Nghệ An - 2015.
5. Sử Việt - 12 khúc tráng ca - NXB Hội Nhà văn - 2017.
6. 280 giai thoại về con người và vùng đất Yên Thành - NXB Đại học Vinh - 2020.








Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây