Hiến sát sứ diễn đường hầu Nguyễn Hữu Nho

Thứ tư - 04/10/2023 05:21 0
 Ông từng giữ chức Hiến sát Phó sứ là chức vụ tương đương như Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung Ương kiêm Phó tổng thanh tra kiêm Phó tổng kiểm toán ngày nay, trực tiếp làm Hiến sát sứ xứ Lạng Sơn, từng làm tri huyện Quỳnh Lưu, tri phủ Đức Quang (gồm các huyện hạ lưu hai bờ sông Lam của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh), từng có công với địa phương như lập ra chợ Rộc, tạo điều kiện cho dân khai hoang mở ra nhiều cánh đồng rộng lớn hàng trăm ha ở vùng phía đông nam núi Gám, huyện Yên Thành.   
1.Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Nho
Nguyễn Hữu Nho (húy Hữu Đức) là con ông Nguyễn Hữu Tượng, cháu đích tôn của Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ ty đô chỉ huy sứ thiêm sự, Triều Cường hầu Nguyễn Thiêm Kính, tự Toàn Trí, hiệu Kim Phong. Nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Văn xã Bắc Thành thờ ông Nguyễn Thiêm Kính đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại quyết định số 3964/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An. Đầu những năm 1650, chúa Nguyễn ở Đàng Trong lên kế hoạch và làm công tác chuẩn bị tiến đánh Đàng Ngoài. Để đối phó với mưu đồ của Đàng Trong, ở Đàng Ngoài chúa Trịnh ráo riết chuẩn bị các phương án tác chiến bảo vệ, từ bờ bắc sông Gianh trở ra lập các tuyến phòng thủ dày đặc nhiều tầng, nhiều lớp. Ông Nguyễn Thiêm Kính được giao nhiệm vụ khảo sát, lập phương án tác chiến khu vực phòng thủ ở huyện Đông Thành. Nhận thấy Cồn Xuân hay còn gọi là Cồn Thung mà tên chữ là Xuân Sơn hay Thung Lĩnh là ngọn núi thấp nhất ở cực đông của dãy Trường Sơn trên địa bàn xã Bắc Thành ngày nay có địa thế đẹp, thuận lợi cho việc sinh sống và phát triển trong tương lai của cư dân, ông Nguyễn Thiêm Kính bèn xin triều đình cấp đất phong cho mình theo tước hầu xung quanh ngọn núi này. Năm 1653 ông Nguyễn Thiêm Kính đã đưa toàn bộ gia quyến và gia nhân từ làng Dinh Cầu, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An (nay là xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) về đây khai hoang một vùng rộng lớn xung quanh Cồn Xuân. Theo cuốn lịch sử xã Bắc Thành (NXBNA năm 2015) thì phạm vi đất đai của ông Nguyễn Thiêm Kính gồm hai bên bờ Bàu Rộc, phía nam ra đến các xứ đồng nay thuộc xã Nam Thành và làng Vân Nam xã Khánh Thành, phía đông ra đến sông Điển lập nên làng Lộc Bộc. Làng Lộc Bộc (làng Hậu) và làng Thái Bộc (làng Thượng) là hai làng tiền thân của xã Tiền Thành mà đến đời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) đổi thành xã Kim Thành với 5 thôn: Thuần Hậu, Thái Bình, Thượng Thọ, Phúc Lộc, Cự Phú. Địa danh xã Kim Thành, làng Thượng Thọ tồn tại từ thời vua Lê Cảnh Hưng cho đến năm 1960 xã Bắc Thành thành lập HTX bậc cao thì đổi tên là đội sản xuất Trần Phú, nay là xóm 3 xã Bắc Thành. 
Nguyễn Hữu Nho sinh năm 1653 tại làng Lộc Bộc, xã Tiền Thành, khi còn nhỏ được cha mẹ cho ăn học tử tế, năm Tân Dậu (Chính Hòa nhị niên - 1681) lúc 29 tuổi thi đỗ tam tràng. Từ năm 1681 đến năm 1704 ông vừa tập ấm tước hầu của ông nội được làm Quốc Tử Giám giám sinh vừa giúp việc bàn giấy cho bộ Lại, lần lượt giữ các chức vụ: Thí tướng sĩ lang hồng lô tự tự ban; Thí tướng sỹ lang hồng lô tự tự ban hạ tuyển. Từ năm 1704 đến năm 1708 làm Cẩn sự tá lang Tri huyện Quỳnh Lưu. Từ năm 1708 đến năm 1725 làm Mậu tá lang Tri phủ Đức Quang. Từ năm 1725 đến năm 1727 được điều về bộ Hình làm Hiến sát Phó sứ, trực tiếp làm Hiến sát sứ Lạng Sơn; Từ năm 1727 về hưu sinh sống tại quê, ông mất năm 1744 hưởng thọ 92 tuổi.
2.Các tài liệu chép về Nguyễn Hữu Nho 
Sách Đông Yên nhị huyện khoa phổ: do Hồng lô thiếu khanh Nguyễn Xuân Huy và tri huyện Cao Tử thường biên soạn trên cơ sở các tổng, các làng của hai huyện Diễn Châu và Yên Thành thống kê những người đỗ đạt qua các kỳ thi tú tài trở lên từ triều Trần đến triều Nguyễn, được Cụ Nghè Yên Mã tế tửu Quốc Tử Giám Trần Đình Phong hiệu đính, xuất bản năm 1925. Theo bản dịch của cố nhà giáo về hưu Trần Long nguyên Phó hiệu trưởng trường THPT Yên Thành 2 thì sách Đông Yên nhị huyện khoa phổ chép: “Nguyễn Hữu Đức quê ở làng Thượng Thọ, tự Hữu Nho, hiệu Diệu Ứng, thi hội trúng tam tràng năm Tân Dậu - Chính Hòa nhị niên (1681) đời vua Lê Hy tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ Lương Sơn (Lạng Sơn), tước Diễn Đường hầu, hưu trí, được phong làm phúc thần, hiệu sinh Hữu Thức là cháu, Hữu Tào là cố”.
Gia phả chi 2 họ Nguyễn Hữu xóm 3 xã Bắc Thành: do ông Nguyễn Hữu Nhu (Bộ Nhu) dịch năm 1976, tóm tắt: “Nguyên họ Nguyễn ta phát tích vốn ở xã Dinh Cầu, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đức triệu tổ của ta húy tự Toàn Trí làm quan đời Lê triều, phong Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ tư (ty) đô chỉ huy sứ thiêm sự Triều Cường hầu Nguyễn tướng công tôn thần. Ngài sinh hạ 2 trai, con trưởng Nguyễn Hữu Tượng, con thứ Nguyễn Hữu Chức. Nguyễn Hữu Tượng sinh hạ 2 trai, con trưởng là Nguyễn Hữu Đức (tự Hữu Nho), con thứ Nguyễn Hữu Cán”. Theo bản dịch này thì: quá trình làm quan từ năm 1681 đến năm 1727 đúng như phần viết về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Nho ở trên. Gia phả này bổ sung thêm: khi về hưu Nguyễn Hữu Nho hiến cho làng Lộc Bộc một mẫu ruộng (5.000 m2) để làng làm chợ (nay là chợ Rộc) và một mẫu năm khẩu (5.250 m2) để làng làm đất công điền tại xứ đồng Nương Trúc. Gia phả cũng kể rằng: năm ấy trời hạn hán, những cánh đồng phía đông cầu Đồng Cháng (cầu bắc qua đường quốc lộ 7B) khô nứt nẻ không canh tác được, ông xuất tiền của vận động dân làng đào một con kênh dẫn nước từ đập Bàu Trang về để dân sản xuất, mở ra những cánh đồng rộng lớn trên địa bàn các xã Bắc Thành, Trung Thành, Nam Thành, Long Thành.
3.Sắc phong cho Nguyễn Hữu Nho
Sắc bổ nhiệm, điều động công tác lúc sinh thời: Cuốn gia phả chi 3 họ Nguyễn Hữu xóm 3 xã Bắc Thành do ông Nguyễn Hữu Chiếu lập năm 1887, được ông Trần Văn Hữu chuyên viên Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An dịch năm 2020, chép lại bản sao 4 sắc lệnh của bộ Lại bổ nhiệm, điều động công tác đối với ông Nguyễn Hữu Nho:
Kính sao: Bộ Lại cấp bằng thí quan
Ngày mồng 10 tháng 12 năm Chính Hòa thứ 18 (1697), các quan ở ty Lễ giám Nha môn kính vâng sắc chỉ chuẩn bản bộ thuyên chuyển Nguyễn Hữu Nho là Thí tướng sĩ lang, Hồng lô tự, tự ban. Kính vâng như vậy, ngày 18 tháng 12 năm nay, các quan bộ Lại kính tấu ở điện Kính Thiên điền hai chữ “Thí quan” và đóng nửa dấu khám hợp, giao cho bản quan chấp chiếu. Cho nên bằng này phải đến nơi người được cấp là Nguyễn Hữu Nho quê ở xã Tiền Thành, huyện Đông Thành, là Giám sinh trường Quốc tử giám, kỳ thi mùa xuân đậu Tam trường, đã có chỉ chuẩn được bổ nhiệm chức Tự ban, nay phụng chuyển làm chức Thí tướng sĩ lang, Hồng lô tự, tự ban, hạ tuyển. Bằng trên là cấp cho Thí tướng sĩ lang, Hồng lô tự, tự ban Nguyễn Hữu Nho vâng theo.(nửa dấu triện) Ngày 18 tháng 12 năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Đô Lại bộ Nguyễn Xán vâng lệnh Bộ, Quang tiến Thận lộc Đại phu Bồi tụng Lại bộ Tả Thị lang, Nhập thị kinh diên Thi Khánh nam họ Hoàng (dấu Hoa áp).
Kính sao: Sắc cho Tướng sĩ lang, Hồng lô tự, Tự ban, hạ tuyển Nguyễn Hữu Nho, vì kỳ thi mùa xuân đậu Tam trường đã trải qua nhậm chức, đã có chỉ chuẩn nên được thăng chức Tri huyện. Đáng làm Cẩn sự tá lang, Tri huyện huyện Quỳnh Lưu, hạ ban. Cho nên ban sắc. Ngày 27 tháng 11 năm Chính Hòa thứ 25 (1704) 
Kính sao: Sắc cho Cẩn sự tá lang, Tri huyện huyện Quỳnh Lưu, hạ ban Nguyễn Hữu Nho, vì đã thi đậu Tam trường, trải nhậm các chức, đã được khảo hạch, đã có chỉ chuẩn, nên được thăng chức Tri phủ. Đáng làm Mậu lâm tá lang, Tri phủ phủ Đức Quang, hạ giai. Cho nên ban sắc. Ngày mồng 5 tháng 6 năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708).
Kính sao: Sắc cho Mậu lâm tá lang, Tri phủ phủ Đức Quang, hạ giai Nguyễn Hữu Nho, vì thi đậu Tam trường, đã qua khảo hạch, trải nhậm các chức, kính vâng chỉ chuẩn của Đại Nguyên soái Tổng quốc chính sư Thượng An vương, lại có triều thần nghị bàn, nên đáng được thăng chức Hiến sát Phó sứ. Đáng làm chức Hiến sát Phó sứ ở ty Thanh hình, Hiến sát sứ xứ Lạng Sơn, hạ liên. Cho nên ban sắc.Ngày 29 tháng 11 năm Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725)
Sắc phong thần cho Nguyễn Hữu Nho: Bản sao sắc vua Thành Thái phong thần cho Nguyễn Hữu Nho được họ Nguyễn Hữu lưu tại nhà thờ chưa được số hóa: 

Phiên âm: Sắc Nghệ An tỉnh, Yên Thành huyện, Kim Thành xã phụng sự Hiến sát sứ Nguyễn công chi thần niệm dã linh ứng hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miến niệm thần hưu trứ phong vi Dực bảo trung hưng linh phù chi thần, chuẩn y cựu phụng sự, thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Thành Thái, nhị niên, nhị nguyệt, nhị thập nhật.
Tạm dịch: Ngày 20 tháng 2 năm thứ 2 vua Thành Thái (1891). Sắc cho xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thờ phụng thần Hiến sát sứ là ông họ Nguyễn rất linh thiêng được nhân dân tôn thờ nhưng từ trước đến nay chưa được tâu lên để phong. Nay trẫm thừa mệnh trời sắc phong là Dực bảo trung hưng linh phù chi thần, chuẩn y cho xã cứ như lệ cũ mà thờ phụng. Trẫm kỳ vọng thần linh thiêng vì đất nước mà ban ơn che chở cho dân ta. Giao cho các cấp và nhân dân xã Kim Thành căn cứ sắc này mà thực hiện.
Sắc cho Nguyễn Hữu Nho được phối thờ tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Hậu: đã được số hóa HN.2015.933: 
Phiên âm: Sắc Nghệ An tỉnh, Yên Thành huyện, Kim Thành xã tòng tiền phụng sự Sắc linh Đôn tịnh Hùng tuấn Trác vĩ dực bảo trung hưng thượng đẳng thần; Dực bảo trung hưng linh phù bản thổ Bạch Thạch chi thần; Dực bảo trung hưng linh phù hiến sát sứ Nguyễn công chi thần; Dực bảo trung hưng linh phù Lê triều Trường Khánh phủ tri phủ Nguyễn tướng công chi thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong, chuẩn kỳ phụng sự, Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai! Duy Tân, tam niên bát nguyệt thập nhất nhật
Tạm dịch: Ngày 11 tháng 8 năm thứ 3 vua Duy Tân (1909). Sắc cho xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An theo như trước mà thờ phụng: Sắc linh Đôn tịnh Hùng tuấn Trác vỹ Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần (Cao Sơn Cao Các); Dực bảo trung hưng linh phù bản thổ Bạch Thạch chi thần (thần ngọn núi mà dân địa phương gọi là Xanh Đá Bạc); Dực bảo trung hưng linh phù Hiến sát sứ Nguyễn công chi thần (Nguyễn Hữu Nho); Dực bảo trung hưng linh phù Lê triều Trường Khánh phủ tri phủ Nguyễn tướng công chi thần (nghi là hiệu sinh Nguyễn Hữu Thức một người cháu của Nguyễn Hữu Nho). Trong đại lễ tấn phong vua Duy Tân lên ngôi, nhà vua mở rộng ơn huệ đã ban chiếu báu, nay nhân dịp quốc khánh triều đình ban cấp sắc phong, chuẩn y cho xã làm lễ vinh danh các vị thần theo phẩm trật thật long trọng để từ đó hàng mà hàng kỳ thờ phụng cho sáng tỏ điển tích. Giao cho các cấp và nhân dân xã Kim Thành căn cứ sắc này mà thực hiện. 
4.Truyền thuyết dân gian về Nguyễn Hữu Nho 
a) Dân làng Hậu muốn dựng đình Hậu cạnh đình Thượng bị dân làng Thượng hết sức ngăn cản, làng Hậu bèn nhờ cụ Quan Phủ là người làng về hưu bày mưu kế để dựng đình. Quan Phủ bày cho dân làng Hậu làm mộc, làm nền, đặt đá tảng kê cột trước, hôm dựng đình cụ mời những người canh giữ đình Thượng hôm ấy vào nhà chơi rồi chuốc cho uống rượu say. Không bị ngăn cản, dân làng Hậu dựng trộm đình Hậu trong một đêm, để ngày nay chúng ta có một di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Hậu độc đáo về kiến trúc mỹ thuật. Quan phủ về hưu đó là Nguyễn Hữu Nho, tuổi của đình Hậu khoảng 300 năm mà Nguyễn Hữu Nho về hưu năm 1727, xét về thời gian là phù hợp.
b) Khi đổi tên xã Tiền Thành từ hai thôn Thái Bộc và Lộc Bộc thành xã Kim Thành có 5 thôn Thuần Hậu, Thái Bình, Thượng Thọ, Phúc Lộc, Cự Phú, triều đình vua Lê Hiển tông lấy tuổi thọ của Nguyễn Hữu Nho hơn 90 tuổi làm căn cứ để đặt tên cho thôn của Nguyễn Hữu Nho thành thôn Thượng Thọ. 
Nghiên cứu sâu về Nguyễn Hữu Nho để làm rõ truyền thống lịch sử văn hóa yêu nước và nhân văn của vùng quê các xã Bắc Thành, Trung Thành, Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là cần thiết./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây