Thời đại của Dương Thái hậu triều Nam Tống (Liên quan đến tứ vị Thánh nương thờ tại đền Cờn)

Thứ sáu - 29/12/2023 04:21 0
Đền Ngoài cũng thuộc quần thể di tích đền Cờn được xây dựng muộn hơn, có thể trong thời vua Lê Thánh Tông (khoảng từ 1472 - 1497) để thờ vua Tống Triệu Bính, cùng các tướng trung thành với nhà Nam Tống, như: Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu. Đền Ngoài được tiếp tục mở mang dưới triều Nguyễn, song quy mô không bằng đền Trong. Tiếc thay đền cũ đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá, gần đây đền mới được chính quyền và nhân dân  dựng lại. Thượng điện gồm 3 gian, dài 9m, nơi thờ ngũ vị Tôn quan theo đạo Tứ phủ. Bên trong là hậu cung dài 4m đặt khám thờ Tống Đế Bính, phía ngoài đặt tượng ba trung thần nhà Nam Tống. 
Về xuất xứ của Tứ vị Thánh nương thờ ở đền Cờn đã được nhiều người bàn thảo, đặc biệt trong cuộc Hội thảo khoa học “Lễ hội đền Cờn và tục thờ Tứ vị Thánh nương với văn hóa biển ở Việt Nam” (tại xã Quỳnh Phương ngày 15, 16 tháng 6 năm 2009). Trong bài báo ngắn lần này chúng tôi muốn bàn thêm về: Thời đại của Dương Thái hậu vương triều Nam Tống, liên quan đến Tứ vị Thánh nương đang được thờ tại đền Cờn, xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Theo một kết quả nghiên cứu mới nhất gần đây cho biết(2): Lịch sử vương triều Nam Tống được bắt đầu từ năm 1127. Từ sau cuộc tấn công của nước Kim vào Biện Kinh (Khai Phong), khiến triều đình Nam Tống phải di dời xuống phía Nam, đồng thời phải chịu sự uy hiếp từ nhiều phía, trong đó áp lực lớn nhất từ các bộ lạc du mục Hung Nô sống ở phía Bắc Trường Thành đã thống nhất lập nên nhà nước Mông Cổ năm 1206. Dưới sự thống trị của Đại hãn đầu tiên - Thành Cát Tư Hãn (Trin zit Khan -1162-1227) lãnh thổ của Mông Cổ không ngừng được mở rộng nhanh chóng. Với trí tuệ kiệt xuất của Thành Cát Tư Hãn, cùng ưu thế của đội kỵ binh “… đến như rơi trên trời xuống, đi như chớp giật” (Bành Đại Nhã - nhà Sử học đời Tống)(3) quân đội Mông Cổ đã đánh thắng nhiều nước ở châu Á - châu Âu, nhanh chóng trở thành một đế quốc rộng lớn thời bấy giờ.

Màn rước kiệu trong Lễ hội đền Cờn, Hoàng Mai

Đến năm 1226, quân Mông Cổ đã chiếm được vùng Linh Châu bên bờ phía Đông sông Hoàng Hà, trực tiếp uy hiếp vương triều Nam Tống. Tuy nhiên quá trình đánh bại Nam Tống, giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc của đế chế Mông Cổ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Nguyên nhân chính là do cuộc đấu tranh quyết liệt chống quân xâm lược Mông Cổ, đề cao ý thức dân tộc của nhân dân Trung Quốc. Song chủ yếu do những bất ổn trong nội bộ các tướng lĩnh Mông Cổ đang tranh giành ngôi Đại hãn.
Vào tháng 5 năm 1227, trước sức tấn công của quân Mông Cổ, triều đình Nam Tống phải chấp nhận sự thất bại ở thành Thanh Châu, thuộc Sơn Đông. Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết vào tháng 8 năm 1227 trên đường viễn chinh ở huyện Thanh Thủy (Cam Túc), người con thứ ba là Oa Khoát Đài (1189 - 1241) được bầu là Đại hãn, tiếp tục kế hoạch thôn tính triều Nam Tống. Có thể, do tương quan lực lượng hai bên, khiến quân Mông Cổ nhận thấy chưa thể tấn công trực diện triều đình Nam Tống, nên năm 1232, Mông Cổ đã lập ra kế sách: thuyết phục triều Nam Tống đánh nước Kim (do tộc Nữ Chân lập nên ở phía Bắc Trung Quốc từ năm 1115), hứa hẹn sẽ trả lại cho triều đình Nam Tống các thành Biện Kinh (Đông kinh là Khai Phong), Tây kinh là Hà Nam tức Lạc Dương, Nam kinh là Ứng Thiên tức Thương Khâu đều trên đất Kim (thuộc phía Nam sông Hoàng Hà). Có thể triều đình Nam Tống bị mê hoặc trước lời hứa mà quên mất hiểm họa Mông Cổ trước mắt, đã từ chối liên minh với nước Kim chống Mông Cổ mà đã liên minh với Mông Cổ đánh nước Kim. Năm 1234, “Tống Lý Tông đã sai Mạnh Hồng đem hai vạn quân và ba mươi vạn thạch lương giúp Mông Cổ vây Thái Châu...”(4) thành Thái Châu bị hạ, khiến nước Kim bị diệt vong. Sau khi nước Kim bị tiêu diệt, Nam Tống không nhận lại được các thành như đã hứa, mà trở thành mục tiêu thôn tính rất thuận lợi đối với Mông Cổ. Nam Tống đã phải trả giá rất đắt cho sự liên minh ma quỷ với Mông Cổ, cuộc đấu tranh của Nam Tống nhằm ngăn chặn mưu đồ thôn tính của Mông Cổ càng trở nên khó khăn hơn.
Trong thời gian từ năm 1234 đến năm 1256, quân Mông cổ chưa thể tập trung quân tấn công quyết liệt Nam Tống, hai bên ở trong tình trạng hòa hoãn kéo dài. Bởi trong thời gian đó, Mông Cổ đang tập trung xâm chiếm phía Tây, gồm: Nga, Ba Lan, Hungari... Mặt khác các hãn đang tranh giành quyền lực bá chủ (Đại hãn). Vào năm 1241, khi Oa Khoát Đài mất cũng là lúc khơi mào cho các cuộc trấn áp khốc liệt giữa các hãn đang kiểm soát các vùng đất khác nhau của Mông Cổ. 
Năm 1246, con của Oa Khoát Đài là Quý Do lên ngôi Đại Hãn, nhưng không được sự hậu thuẫn của Hãn Bạt Đô [cháu đích tôn của Thành Cát Tư Hãn, đang cai trị vùng đất đai Nga (hiện nay)]. Đến năm 1248, Đại hãn Quý Do mất, ngôi Đại hãn Mông Cổ lại một lần nữa bị bỏ trống… Năm 1251, bất chấp sự chống đối của hai gia đình hãn Oa Khoát Đài và Sát Hợp Thai (con trai thứ hai của Thành Cát Tư Hãn), con của Đà Lôi (con của Thành Cát Tư Hãn) là Mông Ca nắm giữ ngôi Đại hãn. Cuộc chiến giữa Mông Ca và hai thế lực trên kéo dài nhiều năm sau mới chấm dứt.
Mông Ca càng đẩy mạnh kế hoạch thôn tính Nam Tống. Năm 1252 - 1253, Mông Ca cử người em là Hốt Tất Liệt mang đại quân chinh phục Thổ Phồn và Đại Lý. Đến năm 1256, Mông Cổ đã thu phục được toàn bộ vùng Vân Nam (Trung Quốc), tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thôn tính Nam Tống về sau. 
Năm 1257, quân Mông Cổ chia làm ba đường cùng tiến đánh Nam Tống(5):
Một đường do Hốt Tất Liệt cầm đầu vượt Trường Giang, vây Ngạc Châu (Vũ Xương). 
Một đường do tướng Ngột Lương Hợp Thai (vừa bị thất bại ở Đại Việt rút về), qua đường Quảng Tây vào Hồ Nam, bao vây tiến đánh Đàm Châu (Trường Sa), hợp quân với Hốt Tất Liệt. 
Một đường do đích thân Mông Ca chỉ huy vào Tứ Xuyên (tiến đánh Thành Đô).
Trong một trận đánh diễn ra ở Hợp Châu năm 1259, Mông Ca tử trận. Các thành trì của Nam Tống tạm thời được giải vây do đạt được thỏa thuận hòa hoãn với Hốt Tất Liệt.
Hốt Tất Liệt nuôi tham vọng muốn thành lập riêng một đế chế. Vào năm 1260, Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại hãn, từng bước thiết lập triều Nguyên. Trong khoảng thời gian từ 1260 đến trước năm 1279, triều Nguyên tồn tại như một thế lực quân chủ cạnh tranh quyền lực với vương triều Nam Tống ở Trung Quốc.
Năm 1260, ngay từ khi lên nắm quyền thống trị Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) lấy niên hiệu là Trung Thống (phiên âm tiếng Hán), đặt Khai Bình làm thượng đô, Bắc Kinh làm trung đô, chuẩn bị cho việc xây dựng triều đình trung ương quy củ. Nguyên Thế Tổ phái sứ thần đến Nam Tống thông báo về lễ lên ngôi. Nhưng sứ đoàn triều Nguyên đã bị triều đình Nam Tống bắt giữ; gây nên nỗi bất bình cho vua Nguyên, bất lợi đối với Nam Tống.
Nguyên Thế Tổ, mặc dù muốn nhưng chưa thể tấn công ngay để tiêu diệt Nam Tống vì đang vướng vào cuộc chiến với người em là A Lý Bất Ca. Đến năm 1264, Nguyên Thế Tổ giành thắng lợi, cuộc chiến mới chấm dứt. Chính trong thời gian từ 1264 - 1279 lịch sử đã chứng kiến sự khủng hoảng trầm trọng của vương triều Nam Tống. Bốn vị vua liên tục được thay thế: vua Tống Độ Tông (1264 - 1274), vua Tống Cung Đế (1274 - 1276), vua Tống Đoan Tông (1276 - 1278) và vua Triệu Bính (1278-1279).
Sau thắng lợi trước A Lý Bất Ca, Nguyên Thế Tổ tập trung toàn lực vào việc thôn tính Nam Tống. Năm 1268 vua Nguyên Thế Tổ chuẩn bị lực lượng quân đội tấn công chính diện theo hai đường thủy, bộ đánh vào Phàn Thành đột phá phòng tuyến trung bộ Giang Nam của vương triều Nam Tống.
Năm 1271, Nguyên Thế Tổ đặt tên nước là Đại Nguyên, dời kinh đô Khai Bình đến Đại Đô (Bắc Kinh), thiết lập chế độ quan lại giống như các triều đại ở Trung Quốc.
Năm 1274, vua Tống Độ Tông mất, Giả Tự Đạo đưa con của Triệu Cơ là Triệu Hiển lúc đó 3 tuổi lên làm vua (vua Tống Cung Đế). Chớp lấy thời cơ đó, quân Nguyên tiến đánh nhiều nơi, như: Hoàng Châu, Kỳ Châu, Giang Châu, Ngạc Châu… Giả Tự Đạo phái sứ giả xin quân Nguyên rút lui và chịu thần phục, nhưng không được chấp thuận.
Năm 1275, quân Nguyên tiến sát kinh đô Lâm An, triều đình Nam Tống lại cử sứ giả sang trại quân Nguyên xin hàng. Năm sau 1276, quân Mông Cổ tiến đánh thành Lâm An, vua Tống Cung Đế bị bắt giải về Đại Đô (Bắc Kinh).
Đến cuối năm 1278, quân Nguyên tiến đánh quân Nam Tống ở vùng ven biển thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tháng 7 năm 1279, căn cứ cuối cùng của quân Nam Tống ở Nhai Sơn bị đánh bại. Vương triều Nam Tống bị tiêu diệt hoàn toàn.
Về sự kiện ở Nhai Sơn, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ thêm: “Quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, quân Tống thua. Tả Thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống (vua Triệu Bính- VDM) nhảy xuống biển chết; hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày xác nổi lên mặt biển đến hơn 10 vạn người. Xác vua Tống cũng ở đấy...”(6).
Theo Tống sử, Dương Thái hậu và Tống Đế Bính đều đã chết và được an táng tại Trung Quốc.
Cũng từ đây triều Nguyên chính thức trở thành vương triều quân chủ duy nhất nắm giữ quyền cai trị toàn bộ Trung Quốc cho đến năm 1368 - khi vương triều Minh được thiết lập.
Lịch sử triều đại Nam Tống (1127 - 1279) từng một thời huy hoàng, tráng lệ của đền đài và các công trình văn hiến... nhưng kết cục thật đầy bi thảm. Cả một triều đại đã biến mất, nhưng dư vang lịch sử được kết tinh ở những con người nhân hậu, bao dung, trí tuệ vẫn còn sống mãi với thời gian và mãi mãi được hậu thế tri ân. Trong đó có Dương Thái hậu và các tướng trung thần của nhà Nam Tống [sinh vi tướng, tử vi thần- sống làm tướng, chết làm thần (phù giúp mọi người)].
Lịch sử là thế, nhưng khi lịch sử đã được huyền thoại hóa, truyền thuyết hóa thì giá trị tinh thần, tâm linh càng được đề cao gấp bội. Năm 1312, nhân dịp triều Trần Anh Tông phong danh thần các xứ cho biết rõ lý do việc: Lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải. Trước đây, vua thân đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải (nguyên trước là Càn Hải vì tránh tên húy đổi là Cần Hải), đóng quân ở đây, đêm chiêm bao thấy có thần nữ khóc và nói: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến đây, thượng đế phong cho làm thần biển ở đây đã lâu, nay thấy bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Khi thức dậy, vua cho gọi các cố lão ở đấy hỏi sự thực, ban tế một tuần rồi đi, thì biển không nổi sóng, tiến thẳng đến thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm đem về. Đến nay sai hữu ty lập đền, tuế thì cúng tế”(7).
Như vậy dưới triều Trần Anh Tông từ năm 1312, lập đền Cần Hải thờ một  nữ thần biển cả vốn là Cung Phi nhà Triệu Tống.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị An cho biết thêm: đến bản Cần Hải môn từ trong phần Tục biên Việt điện u linh của Nguyễn Văn Chất (1422-?) và Lĩnh Nam chích quái thì số lượng nhân vật (thờ ở Cần Hải) đã là ba, gồm có Hoàng hậu và hai Công chúa, “Phu nhân họ Triệu là công chúa nước Nam Tống, tất cả có ba mẹ con, phu nhân là con gái út”. 
... Đến Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc ở thế kỷ XVI, nhân vật thờ ở đền Cần Hải đã là 4 người, gồm “mẹ và ba người con, phu nhân là út, phu nhân họ Triệu, là Công chúa đời Nam Tống”(8).
Sách Đại Nam nhất thống chí (hoàn thành vào đời vua Tự Đức khoảng 1866-1882) chép: “Đền thần Cửa Cờn: ở địa phận xã Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Khoảng niên hiệu Tường Hưng nhà Tống quân Tống bị quân Nguyên đánh vỡ ở Nhai Sơn, Thái hậu họ Dương cùng ba Công chúa (4 người) chạy ra biển, chợt bão nổi, bị chết đuối, xác trôi giạt vào đền Cửa Cờn, nhan sắc vẫn như lúc sống, người địa phương lập đền thờ...”(9).
Như vậy cho đến thời Nguyễn nửa sau thế kỷ XIX, Tứ vị Thánh nương tiếp tục được thờ tại đền Cờn.
Những thư tịch trên có thể giúp xác định niên đại, cho biết về lai lịch đền Cờn, đặc biệt là nguồn gốc những vị thần được thờ trong đó. Ngoài ra còn bao gồm các tài liệu dân gian như: truyền thuyết, được ghi chép dưới dạng thần tích, ngọc phả của nhiều ngôi đền thờ Tứ vị Thánh nương ở khu vực đồng bằng và vùng ven biển từ Bắc Trung bộ trở ra (những nữ thần biển cả bảo hộ cho ngư dân đi biển). Điển hình như truyền thuyết về Dương phi ở đền Mẫu (phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên); hoặc truyền thuyết về Tứ vị thánh nương được ghi trong thần tích làng Cơ Xá (làng Bắc Biên, Long Biên, Hà Nội)… Bốn vị thần được thờ ở đình làng Cơ Xá gồm: Hoàng hậu, hai Công chúa và một thị nữ. “Hoàng hậu là một người con gái ở Cần Hải, Hoan Châu, là vợ của Tống Đế Bính. Bà sinh được hai Công chúa, sau khi gặp nạn thì bị trôi vào cửa Cờn cùng với một thị nữ cũng là người Hoan Châu(10)... Không riêng gì truyền thuyết Tứ vị Thánh nương mà nhiều truyền thuyết dân gian khác vẫn được người đời sau tiếp tục thêm bớt (dị bản), sáng tạo cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống tâm linh của cộng đồng trong thời đại mới.
Như vậy, từ trong lịch sử và truyền thuyết có thể ghi nhận rằng: Đền Cờn, xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, chính là trung tâm thờ tự linh thiêng Tứ vị Thánh nương. Hơn 700 năm đã qua, từ một nữ thần biển cả (gốc Nam Tống - Dương Thái hậu) đã hóa thân hội nhập thành các nữ thần biển (thánh nương) Đại Việt - Việt Nam; đã “phù trợ” không những các bậc đế vương mà cả những ngư dân bình thường trước những lần ra khơi xa đánh bắt mưu sinh, tránh được những tai họa từ biển... Bởi vậy những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh đền Cờn hơn lúc nào hết cần được trân quý, bảo tồn và khai thác đúng tầm; đặng phục vụ tốt hơn đối với nhân dân sở tại và du khách muôn phương. 
Chú thích
  1. Cờn - chính là đền Cờn, xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An; Quả - đền Quả Sơn, thờ Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương, Nghệ An; Đền Bạch Mã, được coi là một trong tứ linh từ của đất Nghệ An, đền tọa lạc tại thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Theo truyền thuyết và đền phả thì đền Bạch Mã được lập để thờ danh tướng Phan Đà người thôn Chi Linh xã Võ Liệt, một trong những người đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ 15; Đền Chiêu Trưng hay còn gọi là đền Võ Mục trên núi Long Ngâm, ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thờ Lê Khôi… Theo Lịch triều hiến chương loại chí: Lê Khôi [là con Lê Trừ, người anh thứ hai của Lê Lợi (Lê Thái Tổ)], từng tham gia đánh Chiêm Thành, làm Trấn thủ Hoan Châu. Sau khi mất, Năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), được truy phong là Chiêu Trưng đại vương; cho lập đền thờ tại xã Trảo Khẩu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
2. Nguyễn Thu Hiền, Bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226 - 1400). LA Tiến sĩ Lịch sử. Hà Nội 2014. Tr 45- 50.
3. Dẫn theo: Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Nxb KHXH. H 1975. Tr 53.
  4. Cuộc kháng chiến…, Sđd. Tr 45.
 5. Theo: Cuộc kháng chiến..., Sđd. Tr 46 cho biết: cuộc tấn công xâm lược Nam Tống của Mông Cổ bắt đầu từ năm 1236.
6.  Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH. Hà Nội 1971. Tập II. Tr 49.
7. Toàn thư… Sđd. Tr 112.
8. Trần Thị An, Tìm hiểu sự hình thành truyền thuyết Tứ vị Thánh nương (qua các nguồn thư tịch, truyền thuyết dân gian và tục thờ cúng), Hội thảo khoa học ”Lễ hội đền Cờn và tục thờ Tứ vị Thánh nương với văn hóa biển ở Việt Nam” (tại xã Quỳnh Phương ngày 15, 16 tháng 6 năm 2009). Tr 22-23.
  9. Đại Nam nhất thống chí, Nxb KHXH. H 1970. Tập II. Tr 166.
 10. Theo Lễ hội đền Cờn... TLđd. Tr 25.
Tài liệu tham khảo
1. Dương Văn An, Ô châu cận lục. Nxb KHXH. H 1997.
2. Trần Thị An, Tìm hiểu sự hình thành truyền thuyết Tứ vị Thánh nương (qua các nguồn thư tịch, truyền thuyết dân gian và tục thờ cúng; trong Hội thảo khoa học ”Lễ hội đền Cờn và tục thờ tứ vị thánh nương với văn hóa biển ở Việt Nam” (tại xã Quỳnh Phương ngày 15, 16 tháng 6 năm 2009).
3. Nguyễn Ngọc Định, Đền Cờn lịch sử và lễ hội, Nxb Văn hóa dân tộc. Hà Nội 2010.
4. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II. Nxb KHXH. Hà Nội 1971.
5. Nguyễn Thu Hiền, Bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226-1400). LA Tiến sĩ lịch sử. Hà Nội 2014.  
6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập II. Nxb KHXH. Hà Nội 1970.
7. Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Nxb KHXH. Hà Nội 1975.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây