Diễn Châu miền đất văn

Thứ tư - 03/01/2024 04:21 0
Diễn Châu trong lòng xứ Nghệ 
Trong phạm trù “Văn hóa xứ Nghệ” thì Diễn Châu, nếu có thể nói, là một tiêu điểm. Đó là vùng đất “Khoa bảng và Danh nhân” nhiều thế kỉ từ truyền thống đến hiện đại. Nếu nói xứ Nghệ là một vùng “địa linh nhân kiệt” thì Diễn Châu là một nguồn trong những nguồn mạch dồi dào sản sinh ra nhiều nhân tài trong nhiều lĩnh vực. Riêng trong lĩnh vực văn chương thời hiện đại, tính đến năm 2016, có 92 nhà văn Việt Nam quê Nghệ An và riêng Diễn Châu đã góp vào 23 nhà văn trong danh sách tổng số gần 1200 nhà văn Việt Nam (theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn, 2010; Gương mặt nhà văn Việt Nam ở Nghệ An, NXB Nghệ An, 2001; cùng một số tài liệu đáng tin cậy khác mà chúng tôi có được). Thử hình dung Việt Nam hiện có 546 đơn vị hành chính cấp huyện (số liệu cập nhật 4/2017), riêng Diễn Châu đã có 23 nhà văn thì tỉ lệ này là cho thấy một thực tế đáng lạc quan (nếu chia bình quân thì mỗi huyện chỉ có 2 nhà văn, tất nhiên là trong lĩnh vực khoa học, văn hóa nghệ thuật không có chủ nghĩa trung bình). Tôi thử làm một phép so sánh rất cơ học. Nhưng con số này là con số “biết nói”. Chẳng hạn trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh (NXB Hội Nhà văn, 2011) thống kê cho thấy có 76 nhà văn Việt Nam hiện đại quê Hà Tĩnh. Trong đó huyện Đức Thọ (quê người viết bài này) có 22 nhà văn. Có một nét gì đó tương đồng giữa quê hương Đức Thọ của tôi và Diễn Châu về văn chương - văn nhân, đúng là “văn chương nết đất thông minh tính trời” (Nguyễn Du - Truyện Kiều). Rất may mắn cho người viết bài này, do công việc giảng dạy và nghiên cứu văn học bậc đại học nên trong mấy chục năm qua đã có dịp tiếp xúc với quá nửa số nhà văn Diễn Châu (Cao Xuân Hạo, Đỗ Bạch Mai, Hoàng Hữu Các, Hoàng Ngọc Hà, Lê Thái Sơn, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Quốc Ca, Thái Bá Tân, Thái Chí Thanh, Trương Đăng Dung, Võ Thị Hảo, Võ Văn Trực, Thiên Sơn). Có quan hệ nghề nghiệp rộng như thế nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đặt bút viết một cái gì đó về các nhà văn Diễn Châu. Lí do đơn giản là vì chưa có cơ hội. Như cổ nhân nói, cái gì cũng phải chờ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Cơ duyên văn chương ấy đến khi gần đây tôi gặp nhà văn Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc, Tổng Biên tập nhà xuất bản Công an nhân dân), biết có một sự kiện vào tháng 8-2017, Hội Đồng hương Diễn Châu ở Hà Nội sẽ đăng cai tổ chức tại quê nhà một Hội thảo “Văn hóa Diễn Châu đóng góp cho đổi mới và phát triển”. Trong phạm trù văn hóa (đặc thù ở phương Đông và Việt Nam, văn chương nếu không nói là tất cả thì cũng là bộ phận quan trọng nhất), văn hóa Việt Nam cắm rễ vào nền văn minh lúa nước, vào văn hóa cộng đồng (làng xã), vào nông thôn - nông nghiệp - nông dân. Hãy nhìn vào bảng phân bố dân số của Diễn Châu (con số thống kê 4/2017, theo Wikipedia tiếng Việt) sẽ thấy trong tổng số 266.447 người thì sống ở thành thị chỉ có gần 2000 người, còn lại tập trung ở nông thôn. Điều ấy giải thích vì sao trong nghệ thuật hiện đại, nông thôn (làng quê, người quê, cảnh quê, hồn quê) lại đi vào tác phẩm nghệ thuật một cách thường xuyên, hồn nhiên và nhuần nhuyễn đến như thế. Những nhạc phẩm của thi sĩ - họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo là một ví dụ sinh động - Trên quê hương những cô gái quan họ, Khúc hát sông quê, Trống hội cổng làng. Và càng thấm thía vì sao bài thơ Thăm lúa (1950) của nhà thơ Trần Hữu Thung lại được mang đi “thi thố” ở Đại hội Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới, năm 1953, tổ chức tại Berlin (CHDC Đức).
Bài viết của chúng tôi, xin được thưa trước cùng Quý vị, là xuất phát từ tình cảm với quê hương xứ Nghệ (tác giả quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh thì cũng là xứ Nghệ như quan niệm truyền thống, khoa học xét theo Địa - Văn hóa). Nó cũng mới chỉ là một phác thảo về các thế hệ văn nhân Diễn Châu, những đóng góp nhiều mặt của họ vào sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà thời hiện đại. Những trình bày của chúng tôi trong bài viết này dẫu sao cũng mang dấu ấn chủ quan. Xin được quý vị độc giả gần xa lượng thứ.
Sự kế tục thế hệ 
Thế hệ tiền bối: Văn chương của một đất nước bao giờ cũng là một dòng chảy liên tục qua thời gian. Hiện nay một bộ phận trong văn giới đang có cái tâm thế muốn phủ định quá khứ, phủ định các bậc tiền bối, thậm chí có người tuyên bố sẽ “chôn Thơ mới”. Nhưng không có một hiện tại nào đứng trên “chân không”. Dĩ nhiên là có những phần trong quá khứ (được gọi là truyền thống) không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của thời hiện tại. Nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật đích thực thì dường như không có “thời”. Nghệ thuật chân chính đứng ngoài quy luật băng hoại của thời gian. Cho đến đầu thế kỉ XXI, những giá trị của văn chương giai đoạn 1930-1945 (được cho là “thời hoàng kim” của thế kỉ XX) vẫn giữ nguyên các giá trị vốn có của nó. Không phải là “chiêu tuyết” mà là trả lại vị trí xứng đáng của các giá trị văn chương. Với hai gương mặt nổi trội trên văn đàn Việt Nam hiện đại Phạm Thiều (1904-1986) và Thanh Châu (1912-2007), đủ nói về niềm tự hào của Diễn Châu - miền đất văn chương.
Thế hệ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến: Danh sách gồm 16 nhà văn, xếp thứ tự theo năm sinh: Trần Hữu Thung (1923-2001), Cao Huy Đỉnh (1927-1975), Sơn Tùng (1928-2021), Văn Công (1928-2021), Cao Xuân Hạo (1930 - 2007), Võ Văn Trực (1936-2019), Hoàng Ngọc Hà (1936 - 2017), Đặng Thanh Hương (1939), Trần Vạn Giã (1945), Hoàng Hữu Các (1946), Nguyễn Trọng Tạo (1947 - 2019), Lê Thái Sơn (1949-2013), Thái Bá Tân (1950), Đỗ Bạch Mai (1951), Phạm Quốc Ca (1952- 2023), Thái Chí Thanh (1953). Trong số 16 nhà văn thuộc thế hệ này có 8 nhà thơ, 4 nhà văn, 1 kịch gia, 2 nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, 1 dịch giả. Như vậy, thơ vẫn là thế mạnh của các nhà văn Diễn Châu, hay nói cách khác Nàng thơ đã “chọn mặt gửi vàng” các thi nhân miền đất này?! 
Thế hệ hậu chiến (sau 1975): Danh sách chỉ gồm 5 nhà văn. Có vẻ như ít? Nhưng trong nghệ thuật có quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” - Trương Đăng Dung (1955), Võ Thị Hảo (1956), Nguyễn Hồng Thái (1961), Nguyễn Thị Phước (1963), Thiên Sơn (1972). Nhìn vào danh sách này sẽ thấy rõ, các cây bút sáng tác văn xuôi vượt trội. Vì sao? Có thể giải thích được: thực tiễn đời sống hôm nay là “đất nóng”, nó bộc lộ đầy đủ và sâu sắc các mâu thuẫn, xung đột. Con người hiện đại ngày càng trở nên lo âu, phân tâm hơn. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi đây là “thời của tiểu thuyết”. Thời của kịch và văn xuôi. Nhưng đáng tiếc kịch lại không phát triển, phát huy được. Có thể vì khó viết? Có thể vì công chúng đang bị văn hóa nghe - nhìn dẫn dụ? Nói văn xuôi lên ngôi, ở thế thượng phong, là “mặt tiền” của văn chương hôm nay, cũng không có gì là quá. Là người theo dõi văn xuôi đương đại một cách sát sao, tôi có thể nói về hi vọng của mình vào các cây bút văn xuôi Diễn Châu.

Vẻ uy nghi của đền Cuông - Diễn Châu
Bài học văn hóa 
 
 
Nói “văn chương nết đất, thông minh tính trời” (Nguyễn Du) là để nhập sâu vào văn hóa Diễn Châu có truyền thống lâu đời từ trong quá khứ đến hiện tại. Viết bài báo nhỏ này, tôi muốn gửi một tâm thư đến nhiều nhà văn Việt Nam quê Nghệ An, Diễn Châu với mong muốn góp một tiếng nói chung, đồng thuận về “Văn hóa Diễn Châu đóng góp vào đổi mới và phát triển” như chủ đề Hội thảo. Ngay sáng 30-6-2017, tôi nhận được thư của nhà văn Nguyễn Thế Quang ở thành phố Vinh, Nghệ An (vừa được kết nạp vào Hội NVVN, năm 2014; nhận Giải thưởng Hội NVVN, năm 2015, với tiểu thuyết lịch sử Thông reo Ngàn Hống). Không phải người Diễn Châu, nhưng trong thư trả lời tôi, nhà văn đã nhấn mạnh: “Tôi nghĩ, mảnh đất Diễn Châu là một vùng văn hóa phát triển cao ở xứ Nghệ An (…). Từ lâu tôi đã rất nể vùng đất đó, ở đó có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà thơ, nhà văn uyên bác và hào hoa, sắc sảo theo cách riêng của mình. Nhưng điều đó không chỉ một thời mà nhiều thời cho đến ngày nay không dễ nhiều nơi được như vậy. Có nhiều vùng trỗi lên một vài người ở đỉnh cao rồi sau đó mai một dần (…). Diễn Châu vẫn nổi trội hơn”.
Ý kiến của nhà văn Nguyễn Thế Quang rất đúng và trúng vấn đề mà con em quê hương Diễn Châu hằng ấp ủ, suy ngẫm. Nếu nói Diễn Châu là một “vùng văn hóa phát triển cao của xứ Nghệ” chắc không ai có thể bác bỏ. Tìm trong truyền thống, theo phương pháp Địa - Văn hóa, sẽ thấy Diễn Châu là “Đất Khoa bảng và Danh nhân”. Từ năm 1236, đã có Trại Trạng nguyên Bạch Liêu (quê Diễn Lộc, Diễn Châu) đỗ trạng nguyên cùng khoa với Kinh Trạng nguyên Trần Cố, khoa Bính Dần, đời Vua Trần Thái Tông. Có họ như họ Ngô ở Lý Trai (Diễn Kỳ, Diễn Châu) có 4 đời đỗ đạt 5 tiến sỹ. Những tên tuổi đại khoa của Diễn Châu: Chu Phúc Cổn, Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Đặng Văn Thụy, Nguyễn Xuân Ôn, Cao Xuân Dục. Diễn Châu có di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ An Dương Vương (còn gọi là Đền Cuông) nổi tiếng, có 27 làng nghề truyền thống,…
Nhưng vấn đề là truyền thống có được bảo tồn và phát triển? Nhiều địa phương trên cả nước, có truyền thống nhưng đã để mai một. Mai một thì không có cơ sở phát triển. Nhà văn Nguyễn Thế Quang đã khái quát đúng khi rất “nể” người Diễn Châu biết duy trì, bảo tồn truyền thống, nhân rộng nó lên để phục vụ nhu cầu phát triển. Đây là chiến lược lâu dài không chỉ cho một thời mà nhiều thời. Diễn Châu cũng biết cách làm cho văn hóa ngấm vào “chân tơ kẽ tóc” mọi mặt đời sống, toàn dân, và nó như ngọn đuốc sáng soi tỏ nhiều thế hệ kế tiếp, quyết không để tình trạng “trỗi lên một vài người ở đỉnh cao rồi sau đó mai một dần”. Văn hóa là động lực và là mục đích cuối cùng của một xã hội phát triển. Các giá trị văn hóa là thước đo sự tiến bộ, văn minh và dân chủ, công bằng xã hội. Đảng bộ và nhân dân Diễn Châu đang phấn đấu theo chiến lược bền vững đó khi đi đúng chiến lược dài lâu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh).
Lời kết 
Sẽ có người đặt câu hỏi vì sao tác giả bài viết không phải con em quê hương Diễn Châu nhưng lại có nhiều cảm xúc và kì công khi viết Diễn Châu miền đất văn? Xin thưa rằng, tôi tuy không sinh ra trên đất Diễn Châu, nhưng là người xứ Nghệ. Quê tôi (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) cũng là vùng “Đất Khoa bảng và Danh nhân” (một xã có các nhân vật lừng danh Phan Đình Phùng, Trần Phú, Bùi Dương Lịch, Hoàng Ngọc Phách…). Vì thế nên tôi có sự đồng cảm sâu sắc với vùng văn hóa Diễn Châu thông qua các văn hữu.
Trong số 23 nhà văn Việt Nam hiện đại quê Diễn Châu có 1 nhà văn nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (Phạm Thiều), 1 nhà văn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (Cao Huy Đỉnh), 3 nhà văn nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT (Trần Hữu Thung, Đặng Thanh Hương, Nguyễn Trọng Tạo).
Được về Diễn Châu tham gia cuộc hội thảo, tôi nghĩ đó như là Ngày Văn hóa Diễn Châu, tiêu biểu cho văn hóa xứ Nghệ nói chung.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây