Giới thiệu một số sắc phong Thượng tướng quân Thái Bảo Mậu Thành hầu Trần Văn Cảnh

Thứ bảy - 30/09/2023 05:21 0

Thuở nhỏ, Trần Văn Cảnh đã có phong thái chững chạc, tướng mạo khôi ngô, văn võ song toàn. Khi lớn lên ông tinh thông nho, y, lý, số và là người có sức khỏe tốt.
Năm Kỷ Mùi (1619), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ nhất, Trần Văn Cảnh được tuyển vào Hùng binh ngạch thị hầu. Đến năm Qúy Hợi (1623), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5, nhân dân trấn Nghệ An phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng, thấy Trần Văn Cảnh là người am hiểu, văn hay chữ tốt, nên nhờ ông viết đơn đệ lên triều đình. Vua Lê thấy đơn đệ hợp tình, hợp lý nên được chuẩn y chước miễn, nhân dân không phải đóng thuế nặng như trước. Từ đó, ông được nhân dân kính trọng và nể phục, vua Lê Thần Tông trọng dụng cho giữ chức Đô chỉ huy sứ(1).
Sau thời gian cống hiến cho triều đình nhà Lê, phò vua giúp nước, năm Bính Tuất (1646), niên hiệu Thuận Đức thứ 9, do tuổi cao, ông từ quan về quê, mở lớp dạy chữ cho con em trong vùng.
Trong Văn bia hậu thần(2) viết về ông như sau: “Người làm bóng che của cây cao, góp gang tấc cho ánh sáng… Nói về khí khái lúc bình sinh, ông luôn lấy trung, tín, nhân, hậu làm gốc đề giữ mình, làm khuôn phép cho gia tộc, chứa điều thiện trong mình, nhà có thừa phúc đức”…
Về đời tư ông kết hôn với bà Phạm Thị Lộc, sinh được 3 người con trai và đều là những vị tướng giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước như: Nhuận Quân công Trần Hưng Học, Tham đốc Trung Quận công Trần Hưng Nhượng, Thực Dũng hầu Trần Hưng Thi.
Ông mất ngày 7 tháng 12 năm Bính Thân (1656), niên hiệu Thịnh Đức thứ 4, thọ 70 tuổi. Mộ táng tại xứ Cồn Hội, xã Võ Nguyên (xã Thanh Lâm hiện nay). Sau khi ông mất, triều đình truy phong cho ông tước Thái bảo Mậu Thành hầu trật Chánh nhất phẩm(3).
“Năm Qúy Dậu (1693), niên hiệu Chính Hòa thứ 14, nhân dân trong làng lập bài vị thờ Trần Văn Cảnh tại đền Tích Phúc(4), và tôn ông làm hậu thần. Hàng năm đến các lễ kỳ phúc, xã Bích Triều đều thiết lễ tại bài vị của ông đặt bên phải gian thờ chính đền để cùng phối hưởng. Riêng ngày giỗ chính thì biện xôi gà cùng hương rượu, trầu cau cúng theo nghi lễ(5).
Về sau ông được suy tôn thành phúc thần, ban sắc phong thần cho ông và giao các xã, thôn trong tổng Bích Triều, huyện Thanh Chương tòng tiền phụng sự.
Hiện nay, tại nhà thờ họ đại tôn còn lưu giữ một số sắc triều Nguyễn phong cho Trần Văn Cảnh là “ Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái Bảo Mậu Thành hầu Trần tướng công.
1. Sắc Thành Thái thứ 6 ngày 25 tháng 9 năm 1894 phong cho thôn Cẩm Nang, xã Bích Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phụng thờ vị thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Mậu Thành hầu Trần tướng công.
Phiên âm:
Sắc Nghệ An tỉnh, Thanh Chương huyện, Bích Triều xã, Cẩm Nang thôn phụng sự Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Mậu Thành hầu Trần tướng công chi thần. Nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần. Chuẩn nhưng cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hữu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Thành Thái lục niên cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật.
(Sắc mệnh chi bảo)
Dịch nghĩa:
Sắc cho thôn Cẩm Nang, xã Bích Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phụng thờ vị thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Mậu Thành hầu Trần tướng công. Thần linh ứng đã lâu, trước nay chưa được phong tặng. Cho nên nay, trẫm nối theo mệnh lớn, tưởng nhớ công ơn phù hộ của tôn thần, xứng đáng phong là Dực bảo Trung hưng Linh phù. Đặc chuẩn cho phép phụng thờ như cũ. Thần hãy bảo vệ, giúp đỡ, che chở cho dân ta!
Hãy kính noi theo!
Ngày 25 tháng 9 năm Thành Thái thứ 6 (1894).
(Sắc mệnh chi bảo)
2. Sắc Duy Tân thứ 3, ngày 11 tháng 8 năm 1909, phong cho thôn Cẩm Nang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phụng thờ vị thần Dực bảo Trung hưng Linh phù Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Mậu Thành hầu Trần tướng công.
Phiên âm
Sắc chỉ Nghệ An tỉnh, Thanh Chương huyện, Cẩm Nang thôn tòng tiền phụng sự Dực bảo Trung hưng Linh phù Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Mậu Thành hầu Trần tướng công chi thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong, chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên, tấn quang đại lễ, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật
(Sắc mệnh chi bảo)
Dịch nghĩa:
Sắc cho thôn Cẩm Nang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An theo như trước phụng thờ vị thần vốn đã được tặng là Dực bảo Trung hưng Linh phù Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái bảo Mậu Thành hầu Trần tướng công. Thần đã lần lượt được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Năm Duy Tân thứ nhất (1907), đại lễ đăng quang, đã ban chiếu báu mở rộng ân huệ, lễ lớn ân huệ, lễ lớn tăng thêm phẩm trật. Đặc chuẩn cho phép phụng thờ như cũ. Dùng để ghi nhớ ngày mừng của đất nước mà tỏ rõ điển thờ.
Hãy kính noi theo!
Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).
(Sắc mệnh chi bảo)
Chú thích:
1. Gia phả họ Trần Hưng, xã Thanh Phong, văn bia hậu thần - khắc trên bia đá lưu tại đền thờ Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng.
2. Văn bia ghi việc thờ hậu thần - bia tại nhà thờ Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng, xã Thanh Xuân; Gia phả họ Trần Hưng - bản chữ quốc ngữ được dịch từ cuốn gia phả chữ Hán - lưu tại di tích, tr 15.
3. Từ điển quan chức Việt Nam - Đỗ Văn Ninh - Nxb Thanh niên, 2005- bảng tra từ 1389 - trang 719 “Quan chế đời Hồng Đức: văn giai, võ giai đều có Thái Bảo và đều trật Chánh nhất phẩm”.
4. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết: địa điểm đền Tích Phúc xưa nằm ở vị trí Cầu Kho, xã Thanh Lâm hiện nay.
5. Văn bia hậu thần - Tài liệu đã dẫn







Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây