Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung – Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu

Thứ năm - 14/09/2023 05:21 0

Nguồn sử liệu thứ nhất: Tư liệu gốc gồm những tác phẩm được viết bằng chữ Hán Nôm như: Nghệ An ký của nhà sử học nổi tiếng Bùi Dương Lịch và tác phẩm địa lý Đồng Khánh địa dư chí được biên soạn dưới triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX). Đây là những tư liệu gốc (cấp 1), gần với thời đại mà nhân vật lịch sử đang nghiên cứu, có giá trị cung cấp những thông tin đề cập đến quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Nguồn sử liệu thứ 2 là những nghiên cứu, đánh giá của các nhà sử học đương đại (từ sau năm 1945 đến nay). Qua khảo cứu những công trình nghiên cứu, biên soạn của các soạn giả sách giáo khoa, giáo trình đại học, sách tham khảo trong suốt 2/3 thế kỷ qua cho thấy: Các nhà nghiên cứu phần nhiều đã xác định được quê gốc của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, tuy nhiên ở một chừng mực nhất định, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc giới thiệu quê hương bản quán của vua Quang Trung chưa thực sự sâu sắc, kỹ lưỡng. Trong bài viết này, tác giả bước đầu, so sánh các nguồn sử liệu liên quan nhằm xác nhận một lần nữa, cụ thể hơn về quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bài viết có thể được coi như việc góp phần tìm hiểu quá trình nhận thức, xác nhận một lần nữa về quê hương của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
1. Nhận định về quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số công trình nghiên cứu tiêu biểu từ sau 1945 đến nay
- Nguồn gốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số bộ giáo trình đại học
Đã có nhiều nghiên cứu về Tây Sơn - Nguyễn Huệ cũng như những thành tựu của Vương triều Tây Sơn trên nhiều giác độ. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin điểm qua những nghiên cứu về quê hương của Tây Sơn -  Nguyễn Huệ trong các công trình sử học mà cụ thể ở đây là qua các bộ giáo trình được giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đại học. Do điều kiện thời gian và khuôn khổ bài viết, chúng tôi cũng chỉ mới có điều kiện giới thiệu những công trình tiêu biểu mang tính chất thông sử hoặc những tập giáo trình được biên soạn bởi các nhà nghiên cứu miền Bắc(1).
Công trình được coi là biên soạn khá sớm sau Cách mạng tháng Tám (1945) phải kể đến công trình Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX của GS. Đào Duy Anh. Tập giáo trình này dùng để giảng dạy ở các lớp Dự bị Đại học, trong Kháng chiến chống thực dân Pháp ở trường Dự bị Đại học (Thanh Hoá) khoảng những năm 1952 - 1953 và được xuất bản lần thứ Nhất năm 1955. Tập giáo trình này đến nay đã được tái bản rất nhiều lần, là một trong những công trình khoa học quan trọng góp phần tạo nên tên tuổi của Giáo sư - Học giả Đào Duy Anh. Viết về quê hương, nguồn gốc của anh em Quang Trung - Nguyễn Huệ, tác giả viết: “Bấy giờ Phủ Quy Nhơn có Nguyễn Nhạc vốn là biện lại tuần Vân Đồn (Chức quan hạ cấp trông nom việc thu thuế ở cửa nguồn), người rất hào hiệp phóng túng, vì tiêu hết tiền thuế nên bỏ chức trốn lên miền ngược. Nhạc có hai em là Lữ và Huệ, nhất là Huệ có tài năng lỗi lạc, khí phách lớn lao. Tổ bốn đời ở Nghệ An, khi chúa Nguyễn đánh chiếm được một phần đất Nghệ An, thì bị bắt đem về an tháp ở Quy Nhơn để khai khẩn đất hoang. Trải mấy đời cần kiệm, cha Nhạc là Nguyễn Phúc đã thành một nhà trung hay phú nông ở ấp Kiên Thành (huyện Tuy Viễn)(2). 


Ở đây, Học giả Đào Duy Anh chỉ đề cập qua và khẳng định tổ bốn đời của anh em Tây Sơn là người Nghệ An được di cư vào Bình Định làm ăn sinh sống.
Một tập giáo trình, nghiên cứu về cổ sử Việt Nam xuất hiện sau công trình trên của Giáo sư Đào Duy Anh là một công trình dày dặn của tập thể tác giả hầu hết là những cán bộ trẻ đang công tác và giảng dạy Lịch sử tại Trường Đại học Tổng học Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) mang tên: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (3 tập) do Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên, Đinh Xuân Lâm (biên soạn). Công trình này được biên soạn xong năm 1959 và xuất bản lần đầu năm 1960, Nxb Giáo dục. Khác với công trình cổ sử của Giáo sư Đào Duy Anh ở trên, công trình này tập trung đánh giá những thành tựu và những hạn chế, thất bại và bài học lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam. Đoạn viết về nguồn gốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ, các soạn giả viết: “Anh em Nguyễn Nhạc ở ấp Tây Sơn, thôn An Khê. Tổ tiên Nguyễn Nhạc vốn người ở phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Đàng ngoài). Khoảng thời gian từ 1653 - 1657, trong chiến tranh Trịnh - Nguyễn, quân Nguyễn có tràn ra một số huyện ở Nghệ An bắt một số dân đem về làm tù binh. Tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là một trong số tù binh đó bị chúa Nguyễn đem về an tháp ở ấp Tây Sơn. Trải qua mấy đời chăm chỉ làm ăn lao động, khai khẩn đất hoang, đến đời Nguyễn Phi Phúc đã thành gia đình nông dân khá giả. Phi Phúc sinh được ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Nguyễn Nhạc là người nhiều mưu cơ, Nguyễn Huệ là người thông minh, chiến đấu anh dũng, có nhiều khả năng quân sự và chính trị”(3).
Trong đoạn trình bày về quê hương, gốc gác của anh em Tây Sơn, các soạn giả nhấn mạnh đến chi tiết, anh em Nguyễn Huệ vốn là hậu duệ của những tù binh trong chiến tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài (khoảng 1653 - 1657), chiến tranh tràn ra các huyện của tỉnh Nghệ An, những người nông dân ở đây, họ bị bắt về an trí ở vùng Tuy Viễn - Bình Định (họ sinh cơ, lập nghiệp, làm ăn đến đời anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là đời thứ 4). Cả hai công trình trên xuất bản vào thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ XX, đã trình bày khá toàn diện về quá trình giải phóng đất nước và giành chính quyền. Triều đại Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng oanh liệt. Phần viết về nguồn gốc quê hương của họ chỉ được trình bày sơ qua và khá chung chung. Phải đến công trình Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, do Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam(4) đứng ra tổ chức biên soạn, phần viết về quê hương gốc gác của anh em Tây Sơn Nguyễn Huệ mới được chỉ định cụ thể, rõ ràng hơn. Trong mục: “Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và phát triển mạnh mẽ”, các soạn giả viết: “Tổ tiên của ba anh em Tây Sơn vốn quê ở làng Thái Lão (huyện Hương Nguyên, Nghệ An), thuộc Đàng Ngoài. Giữa thế kỷ XVII, quân Nguyễn có lần vượt sông Gianh bắt nhiều nông dân ở Nghệ An cưỡng bức vào khai hoang ở Đàng Trong. Tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là một trong những nạn nhân đó và trải qua mấy đời lao động cần cù, trở thành một gia đình nông dân khá giả ở Tây Sơn. Cả ba anh em Tây Sơn thuở nhỏ có đi học và có một trình độ văn hoá nhất định”(5).
Tập Giáo trình Lịch sử Việt Nam được biên soạn sau những năm đổi mới phải kể đến bộ sách Đại Cương lịch sử Việt Nam, (3 tập), hơn 1.000 trang của nhóm các tác giả phần nhiều công tác tại Đại học Tổng Hợp Hà Nội (sau này là ĐHKHXHNV- ĐHQGHN) và các tác giả nghiên cứu, giảng dạy tại ĐHSPHN. Bộ giáo trình này được chính thức dùng làm giáo trình chung cho các trường thuộc khối khoa học xã hội trong cả nước được biên soạn sau thời kỳ đổi mới, có quy mô, dung lượng lớn nhất, có kế thừa những thành quả nghiên cứu của những công trình xuất bản trước đó và tổng hợp những kết quả nghiên cứu của các ngành liên quan, đặc biệt là những kết quả phát hiện của giới khảo cổ học suốt mấy chục năm qua. Đây là công trình đã chú ý đến sự cân đối giữa dung lượng của các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học với nhau và nhìn nhận lịch sử một cách toàn diện hơn. Hay nói cách khác, nếu như trước đây, người biên soạn chỉ tập trung vào lịch sử các vương triều, các giai đoạn lịch sử với những cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, chiến tranh chống xâm lược… thì lúc này, các nhà nghiên cứu đã quan tâm nhiều hơn đến văn hoá, đến đời sống kinh tế, ngoại giao và giao lưu văn hoá… Tuy nhiên, khi trình bày về triều đại Tây Sơn, các soạn giả đã lướt qua về thành phần xuất thân của các thủ lĩnh Tây Sơn mà không trình bày cụ thể như công trình Lịch sử Việt Nam, (tập I), như đã dẫn ở trên. Trong công trình Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I (tái bản nhiều lần), phần viết về “Phong trào Tây Sơn” chỉ chú ý trình bày về nơi trưởng thành của anh em Tây Sơn - trên đất Bình Định: “Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở đất Tây Sơn, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam vốn gồm hai vùng: vùng rừng núi gọi là Thượng đạo (nay thuộc Bình Định), bấy giờ rừng núi rậm rạp thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ sinh ra và lớn lên ở ấp Kiên Thành, thuộc Hạ đạo Tây Sơn. Tổ tiên của ba người vốn gốc ở Nghệ An, tên là Hồ Phi Khang, bị quân Chúa Nguyễn bắt làm tù binh vào năm 1655, đưa vào Tây Sơn khai hoang lập ấp. Đến đời cha của ba người là Hồ Phi Phúc thì đã thành một gia đình trung nông khá giả”(6)…
So với công trình Lịch sử Việt Nam, (tập I), do UB KHXHVN biện soạn, tập giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam, (tập I), không đề cập đến tên gọi làng quê phát tích - Làng Thái Lão - huyện Hưng Nguyên (mà chỉ đề cập đến tổ tiên của họ quê Nghệ An). Nhưng trong công trình này, cho biết thời gian chính xác mà tổ tiên của anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - những người nông dân Nghệ An bị Chúa Nguyễn bắt làm tù binh vào đất Kiên Thành (Bình Định) để an tháp trong một cuộc càn quét là vào năm 1655 (chứ không phải trong một khoảng thời gian 1653 - 1657) như  sách Lịch sử Việt Nam, (tập I ) đã cho biết.
Gần như đồng thời với sự ra đời của bộ giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam, (3 tập) nói trên, công trình: “Lịch sử Việt Nam giản yếu”(7) của nhiều soạn giả, trình bày lịch sử Việt Nam từ đầu cho đến khi xuất bản công trình (năm 2000). Về chi tiết đề cập đến quê hương gốc của Nguyễn Huệ - Quang Trung chỉ đề cập một cách chung chung như sau: “Mùa xuân năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ hiệu triệu nhân dân phất cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Lợi dụng mâu thuẫn giữa các bè phái trong nội bộ giai cấp thống trị, nhằm cô lập kẻ thù, Nguyễn Nhạc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa, khôn khéo đưa ra khẩu hiệu: Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”(8)…
Tập giáo trình Tiến trình lịch sử Việt Nam do GS. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên)(9) là một công trình được biên soạn mang tính chất hệ thống, ngắn gọn nhưng đã bao quát được lịch sử Việt Nam từ đầu cho đến những năm cuối của thế kỷ XX (dừng lại ở năm 1995). Đây là công trình được tái bản nhiều lần và cũng được dùng làm tài liệu chính thức trong các trường Đại học KHXH&NV trong cả nước. Cuốn sách đã tổng hợp, cập nhật được cơ bản những kết quả nghiên cứu, phát hiện mới của giới khoa học lịch sử lịch, khảo cổ trong những năm qua. Phần trình bày về cố hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng vắn tắt như một số công trình trên. Về phần phong trào Tây Sơn, các tác giả viết: “Những người khởi xướng phong trào Tây Sơn là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Tổ tiên của họ vốn thuộc dòng dõi họ Hồ ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), vào khoảng giữa thế kỷ XVII, bị quân Nguyễn bắt vào Đàng Trong rồi đưa lên miền Tây huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh (năm 1762 đổi thành huyện Quy Nhơn) khai khẩn đất hoang lập ra đất Tây Sơn (nay là hai thôn An Khê và Cửu An, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai). Đến đời thứ ba, Hồ Phi Phúc lấy bà Nguyễn Thị Đồng thì về quê vợ tại thôn Phú Lạc, sau lại chuyển sang thôn Kiên Mỹ”(10).
Nhìn chung, những tập giáo trình là những công trình biên soạn về hình thức cũng gần như tương đương với những công trình thông sử. Ở đây, vừa đảm bảo được tiêu chí: những kiến thức chuẩn, ổn định, dễ hiểu vừa phải cập nhật được những thông tin mới, những kết quả của những thành tựu mới của các ngành nghiên cứu liên quan. Trong một số trường hợp cụ thể, ở đây là vấn đề nghiên cứu, nhận định về quê hương gốc của Nguyễn Huệ - Quang Trung, đã có nhiều soạn giả đề cập đến nhưng chỉ có một vài công trình đề cập đến đơn vị thôn/làng của “người anh hùng áo vải cờ đào”. Thậm chí có một số công trình còn đề cập đến năm mà cụ tổ 4 đời của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ bị quan quân chúa Nguyễn ở Đàng Trong tràn ra vùng Nghệ An để bắt từ làng Thái lão (Hưng Nguyên- Nghệ An) rồi an trí trong Kiên Thành (Bình Định) là năm 1655. Tuy nhiên, rất tiếc, các soạn giả của các công trình trên không ghi rõ nguồn sử liệu mà các tác giả dựa vào là gia phả, thư tịch hay tư liệu dân gian truyền miệng.
 Những công trình mang tính thông sử và sách tham khảo
Bên cạnh các tập giáo trình, một số công trình biên soạn mang tính chất là những bộ sách thông sử, sách tham khảo dưới dạng trình bày diễn trình lịch sử Việt Nam cũng ít nhiều đề cập đến nguồn gốc quê quán của Nguyễn Huệ - Quang Trung.
Trong công trình biên khảo dưới dạng truyện văn học Loạn Kiêu binh, Nguyễn Triệu Luật đã kể về những sự việc nhiễu nhương, tình hình phức tạp của những năm tháng cuối cùng của triều Lê Trung hưng và sự nổi loạn của những vị quan lại, bộ thần trong đó có nhiều người gốc Thanh Nghệ. Phần Phụ lục của cuối sách, Nguyễn Triệu Luật cho công bố phần trích sách Lê Quý dật sử, biên soạn về những sự kiện diễn ra trong khoảng từ 1758 đến năm 1786 (trước khi Nguyễn Huệ chính thức lên ngôi hoàng đế”. Đây là tập tư liệu được biên soạn gần như đương thời viết về sự nổi dậy của anh em Nguyễn Nhạc. Tuy nhiên, không có chi tiết nào mô tả về quê hương, gốc gác của Nguyễn Huệ - Quang Trung mà chỉ đề cập đến những sự kiện diễn ra trên đất nghệ An như:… (sẽ chép thêm).
Sách Các triều địa Việt Nam khi đề cập đến vương triều Tây Sơn chỉ miêu tả qua về ngoại hình anh em Tây Sơn như dạng chuyện kể trong dân gian truyền miệng mà bỏ qua nguồn gốc xuất thân: “Nguyễn Huệ sinh năm Nhâm Thân (1752) là em của Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Khi còn nhỏ, Nguyễn Huệ thường được gọi là Chú Thơm, là em thứ hai trong nhà. Trong ba anh em, Nguyễn Huệ có nhiều đặc điểm nổi trội nhất; tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông, cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối”(11).
Tác phẩm “Trong cõi” của GS. Trần Quốc Vượng có 16 bài viết, trong đó có bài: Tây Sơn Quang Trung và công cuộc đổi mới đất Việt ở thế kỷ XVIII(12). Phần viết về Tây Sơn Quang Trung của GS. Trần Quốc Vượng tràn đầy tinh thần hào sảng, với bút lục dồi dào, cảm xúc cao độ nhưng chỉ trình bày mang tính chất tản mạn về bối cảnh kinh tế xã hội, những thành tựu nổi bật mà không trình bày cụ thể về quê hương bản quán, cựu quán của anh em Tây Sơn. Cũng tương tự như vậy, trong công trình Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy nghĩ của GS. Trần Quốc Vượng, tập hợp nhiều bài viết trên các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, danh nhân đất Việt, trong đó có bài viết: Tây Sơn Quang Trung và công cuộc đổi mới đất Việt ở thế kỷ XVIII(13). Trong chuyên khảo này, GS. Trần Quốc Vượng đã nêu được những thành tựu nổi bật, kỳ vỹ với những chiến công của Quang Trung - Nguyễn Huệ mà đỉnh cao là chiến thắng đánh tan quân xâm lược Thanh kết thúc bằng trận đánh “Xuân lửa Đống Đa” rực rỡ nhưng không đề cập cụ thể, kỹ lưỡng đến quê hương phát tích của người anh hùng “áo vải cờ đào”.
GS Hà Văn Tấn trong tác phẩm Sự sinh thành Việt Nam cũng chỉ mới nêu được mấy chi tiết về quê hương Bình Định nơi ông Nguyễn Huệ làm nên sự nghiệp. GS viết: “Nhưng mạnh mẽ hơn cả là cuộc khởi nghĩa năm 1771 của nhân dân ấp Tây Sơn ở phủ Quy Nhơn (Thuộc đất Gia Lai - Kon Tum và Bình Định ngày nay) do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cầm đầu. Nguyễn Nhạc đã từng là người lái buôn trầu không và có thời gian làm Biện lại (Nhân viên thu thuế) trong một sở Tuần Ty ở miền núi. Ấp Tây Sơn và miền núi Quy Nhơn trở thành căn cứ của cuộc khởi nghĩa…”(14). Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã để lại nhiều dấu ấn trên hầu khắp mọi miền đất nước ta, suốt từ Bắc đến Nam. Đặc biệt, với Thăng Long - Hà Nội, ông có vai trò quan trọng thường xuyên ra/vào với vai trò là người dẹp yên những mâu thuẫn nội bộ trong triều đình lúc sắp lụi tàn của nhà Lê Trung hưng; Ông cũng là người sắp xếp, tổ chức bộ máy trong triều đình mới; Đặc biệt ông còn là người chỉ huy tối cao trong công cuộc giải phóng Thăng Long, quét sạch 29 vạn quân Thanh về nước. Đất nước sạch bóng quân thù, thành Thăng Long trở nên yên bình. Trong công trình biên soạn về  Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 1, gồm 13 chương, (Từ thời tiền sử đến thời Nguyễn) với dung lượng 1.022 trang do GS. Phan Huy Lê (Chủ biên). Phần viết về Quang Trung Nguyễn Huệ như sau: “Nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra mà lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Dưới sự khởi xướng và tổ chức của Nguyễn Nhạc, sau một thời gian bí mật gây dựng lực lượng, lập căn cứ ở Tây Sơn Thượng đạo (vùng An Khê, nay thuộc tỉnh Gia Lai), năm 1771, nghĩa quân bắt đầu hoạt động vũ trang. Năm 1773, nghĩa quân từ Tây Sơn Thượng đạo đánh xuống ấp Kiên Thành (Huyện Tây Sơn, Bình Định), rồi tiến công chiếm phủ thành Quy Nhơn”(15).
Về thông tin quê quán của Quang Trung trong công trình khá đồ sộ này, không được soạn giả (chủ biên) đề cập, trong khi đó những thông tin về quê hương phát tích của Quang Trung cũng đã được chính các soạn giả đã từng đề cập đến trong công trình Lịch sử Việt Nam, tập I, từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX.
2. Những nguồn sử liệu về nguồn gốc Nguyễn Huệ - Quang Trung qua các bộ địa chí và các nguồn sử cũ
Trong các bộ địa chí
Triều Nguyễn vốn thù địch với triều đại Tây Sơn nên các nguồn sử liệu viết về Tây Sơn dưới triều Nguyễn rất hiếm hoi hoặc chỉ là những tư liệu cá nhân, gia đình, rất ít những sử liệu, văn bản mang tính chất Quốc gia viết về triều đại này. Triều đại nhà Nguyễn giành giật quyền quản lý đất nước từ tay Tây Sơn chứ không phải là từ tay nhà Lê vì thế, đối với nhà Lê và những quan lại dưới triều đại nhà Lê thường không phải là thù địch. Với tính chất đó, đọc các nguồn sử liệu ghi chép về nhà Nguyễn Tây Sơn, triều đình nhà Nguyễn  thường dùng với tên gọi là “Nguỵ triều”, “ Nguỵ thư”… Có lẽ cũng chính vì thế, những tư liệu ghi chép về nguồn gốc anh em Quang Trung - Nguyễn Huệ lại càng trở nên hiếm hoi.
Trường hợp ghi chép về quê hương gốc gác của Nguyễn Huệ được Bùi Dương Lịch裴陽歷 (1744 - 1814)(?), trong tác phẩm Nghệ An ký 藝安記 ghi lại là một trường hợp hy hữu. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp: “sách Nghệ An ký có thể được viết vào hồi Gia Long (đầu thế kỷ XIX) mãi đến đời Tự Đức, học trò ông mới đem xuất bản”(16).
Nhờ việc biên chép kịp thời như thế mà ngày nay, bên cạnh nguồn tư liệu truyền miệng dân gian, chúng ta có thêm nguồn sử liệu thư tịch để tìm hiểu về quê hương của anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. 
Có lẽ người phân tích tác phẩm Nghệ An ký và chỉ ra những thông tin quý báu về quê gốc của vua Quang Trung sớm nhất được ghi chép trong tác phẩm của Bùi Dương Lịch là học giả Trần Văn Giáp. Trong tác phẩm Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, ông viết: “Sách Nghệ An ký là một bộ sách lịch sử, địa lý, nhưng phần quan trọng của nó là lịch sử cuối Lê sang triều Tây Sơn. Trong hầu hết các truyện các nhân vật, tác giả thường hay tả bối cảnh xã hội về thời xảy ra sự việc lịch sử có liên quan đến từng cá nhân, nhất là một số sự việc xảy ra khoảng mấy năm cuối triều Lê và triều Tây Sơn (…). Xem câu kết luận của ông trong truyện này, ta thấy ông muốn thuật lại lịch sử thời ông được sống: “Khủng tục sử giả vô khảo, nhân tường thuật chi 恐續史者旡考因詳述之 (Sợ người chép sử sau này không khảo được vào đâu được, nên nhân đây xin thuật rõ). Thí dụ, khi chép về núi Đại Hải, vì có mồ mả tổ tiên triều Tây Sơn ở đấy và lời Nguyễn Nhạc tự nói ông tổ bốn đời mình đã từ Thái Lão di vào trại Tây Sơn, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn”(17).
Khi viết về núi Đại Hải, sách Nghệ An ký viết nguyên văn như sau: “大海山…東距魚海可五六十里其間為真祿縣地皆沙土蓋上古桑鹵變移故此山有大海之名山南下為台峰在蔡老社是西山阮岳祖貫岳自言其四世祖流寓于歸仁府符離縣西山寨” .
Phiên âm: “Đại Hải sơn… Đông cự Ngư Hải khả ngũ lục lý. Kỳ gian vi Chân Lộc huyện địa, giai sa thổ. Cái thượng cổ tang lỗ biến di. Cố thử sơn hữu Đại Hải chi danh. Nam sơn hạ vi Thai phong, tại Thái Lão xã, thị Tây Sơn Nguyễn Nhạc tổ quán. Nhạc tự ngôn, kỳ tứ thế tổ lưu ngụ vu Quy Nhơn phủ, Phù Ly huyện, Tây Sơn trại…”. Dịch nghĩa: “Núi Đại Hải… cách biển Ngư năm sáu mươi dặm về phía Đông. Khoảng giữa là đất huyện Nghi Lộc, toàn là do cát bồi. Ngày xưa chỗ ấy là biển mặn sau biến thành bãi. Cho nên núi có tên Đại Hải. Phía Nam núi Đại Hải, thấp hơn là ngọn núi Thai tại xã Thái Lão, đó là tổ quán của Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc tự nói tổ 4 đời của mình di cư đến trại Tây Sơn, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn…”(18).
Theo Học giả Trần Văn Giáp, tác phẩm Nghệ An ký không được khắc ván in khi Bùi Dương Lịch đang sống mà có thể do con cháu hoặc học trò cho khắc in vào khoảng thời Tự Đức trở về sau(19) [Bản đồ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) trong sách Đồng Khánh địa dư chí, Nxb Thế giới, 2003, tập 3, tr 263].
Theo ghi chép của bộ sách địa lý Đồng Khánh dư địa chí thì: Huyện Hưng Nguyên là huyện thống hạt thuộc phủ Anh Sơn, huyện lỵ đặt tại thôn Chân Đích, xã Mỹ Chân, tổng Đô Yên. Huyện hạt phía Đông giáp huyện Chân Lộc, phía Tây giáp huyện Nam Đường, phía Nam giáp huyện La Sơn, Nghi Xuân, phía Bắc giáp huyện Đông Thành. Huyện có 7 tổng: 1. Tổng Đô Yên; 2. Tổng Thông Lãng; 3. Tổng Văn Viên; 4. Tổng Phù Long; 5. Tổng Hải Đô; 6. Tổng Vân Trình; 7. Tổng La Vân. 
Nhìn trên bản đồ huyện Hưng Nguyên thì núi Đại Hải lại gần tổng Hải Đô(20) và tổng Đô Yên thì cách xa hơn.
- Về đường đi đến các khu vực trong huyện Hương Nguyên thì xã Thái Lão cũng nằm trên trục giao thông huyết mạch của huyện nhưng cũng là một địa bàn có nhiều núi non (núi đồi trọc), không có cây cối, dân cấy 2 mùa Xuân Hè và hè thu, tuy nhiên, nơi đây chủ yếu là cấy vụ Xuân hè là chính. Sách Đồng Khánh địa dư chí viết: 
“ + Một đường thiên lý từ sông Cấm đi về phía Bắc, qua hai xã La Vân, La Nham đến giáp địa phận xã Tập Phúc huyện Đông Thành, dài 8 dặm 65 trượng, rộng 1 trượng;
+ Một đường quan báo phía Đông từ Cầu Đích xã Mỹ Chân đến Cầu Mượu, xã Thái Lão, đi về phía Tây giáp giới xã Hữu Biệt, huyện Nam Đường, dài 3 dặm, rộng 6 thước;
+ Một đường nhỏ từ huyện lỵ về đến phía Nam, qua các thôn Kim Mã, Xuân Thịnh, đến xã Triều Khẩu, tổng Văn Viên giáp giới huyện La Sơn, dài 10 dặm, rộng 3 thước;
+ Một đường nhỏ từ huyện lỵ đi về phía Bắc, qua các thôn Hưng Long, Bảo Đà, đến núi Sắt (tổng Vân Trình) giáp giới huyện Đông Thành, dài 20 dặm, rộng 3 thước”(21).
- Về núi lớn, có đề cập đến núi Đại Hải - quê hương của Nguyễn Huệ - Quang Trung. Sách Đồng Khánh địa dư chí viết: “Trong huyện có nhiều núi, thuộc loại núi đất có lẫn đá, như: núi Thống Mộng, núi Long Thủ (núi Đầu Rồng), núi lã ở tổng la Vân; núi thiết Sơn (núi Sắt), núi Đại Vạc ở tổng Vân Trình, núi Băng (Băng Sơn), núi Đại Huệ, núi Đại Bàn, núi Đại Tứ, núi Đại Hải, núi Độc Lôi ở tổng Hải Đô, núi Nhuyến (Nhuyến Sơn) ở tổng Đô Yên, núi Thành ở tổng Văn Viên… đều không có cây cối gì có thể dùng được”(22).
Có thể nói rằng, việc nhận thức về quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đất Hưng Nguyên (Nghệ An) đã được các nhà sử học xác nhận từ lâu. Trước khi bị bắt đi “bất đắc dĩ” phải vào đất An Khê (Bình Định), sinh sống, lập nghiệp, dòng họ Hồ trên mảnh đất xã Thái Lão, (tổng Đô Yên, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), đã bao đời coi đây là nơi chôn rau, cát rốn của mình. Có lẽ việc thay tên đổi họ từ họ Hồ sang Họ Nguyễn mới chỉ bắt đầu từ khi chuyển vào vùng đất mới Bình Định (Đàng Trong), từ sau khi bị Chúa Nguyễn bắt đi vào khai hoang miền đất mới (?). 
Qua các miêu tả trong các bộ thư tịch, trong sử cũ, trong các bộ địa lý hay những miêu tả trong An Nam chí nguyên của tác giả người Trung Hoa (Cao Hùng Trưng)… Đặc biệt, quan sát trên bản đồ Đồng Khánh địa dư chí (in màu), được biên soạn vào cuối thế kỷ XIX, cho biết mảnh đất xã Thái Lão, tổng Đô Yên là một làng quê nghèo, đất đai bạc màu, cằn cỗi, có nhiều đồi núi thấp, ít cây cối nhưng cảnh đẹp nên thơ, ưu nhìn “Các ngọn la liệt, phong cảnh có vẻ khả quan” (Lời trong An Nam chí nguyên).
Xã Thái Lão nằm trên một trục giao thông huyết mạch trong huyện. Từ đây, có thể đi đến các nơi thuộc huyện Nam Đàn, huyện Đông Thành (Diễn Châu). Đi về phía Đông đến cầu Đích (xã Mỹ Chân) và đi về phía Tây đến xã Hữu Biệt (huyện Nam Đàn). Thái Lão là một trong 16 xã, thôn của tổng Đô Yên. Người dân ở đây có cuộc sống chất phác, hồn hậu, lấy nghề nông làm chính, ngoài ra có thêm nghề trồng dâu nuôi tằm và kết hợp buôn bán.
Qua những chỉ dẫn quý báu trong sách Nghệ An ký của nhà sử học Bùi Dương Lịch, kết hợp các với nguồn sử liệu liên quan… đã giúp hậu thế xác định được quê hương bản quán của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ một cách chắc chắn. Đây là nguồn sử liệu vô cùng quý giá và tin cậy để tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn, để tự hào về nơi phát tích, cố hương của người anh hùng “áo vải cờ đào” cách đây mấy thế kỷ.
Chú thích
1. Trong điều kiện chiến tranh chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1945 - 1975), đất nước tạm thời chia làm hai miền: Miền Bắc và Miền Nam với hai chế độ chính trị khác nhau nên khi đó, hệ thống giáo dục cũng như việc biên soạn sách giáo khoa, giáo trình cũng khác nhau và đương nhiên, việc nhìn nhận về anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá cũng không giống nhau.
2. Đào Duy Anh (2006), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb. Văn hoá Thông tin, tr 374.
3. Phan Huy Lê - Chu Thiên - Vương Hoàng Tuyên (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Nxb.  Giáo dục, HN, tr 279, 280;
4. Tên gọi có sự thay đổi qua các thời kỳ; có giai đoạn là: Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam; Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (Nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
5. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1971), Lịch sử việt Nam. Nxb Khxh, tr. 337;
6. Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (1999), Đại cương lịch sử Việt Nam, tr 415, 416;
7. Lương Ninh (chủ biên) Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Ngọc Cơ, Trần Bá Đệ, Trịnh Vương Hồng, Chương Thâu, 2000, Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb Chính trị Quốc gia;
8. Lương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Ngọc Cơ, Trần Bá Đệ, Trịnh Vương Hồng, Chương Thâu (2000), Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb CTQG, H, 278, 279;
9. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), (2006), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lễ, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh, Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục 399 trang;
10. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), (2006), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục,tr 178;
11. Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, (2009),  Các triều đại Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin, tr 248; 
12 .Trần Quốc Vượng (2015), Trong Cõi, Nxb Hội Nhà Văn, (tái bản có bổ sung theo bản in lần đầu năm 1991; Phần viết về Tây Sơn Quang Trung trang 79 - 92;
13. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, tr 883 - 895;
14. Hà văn Tấn (2017), Sự sinh thành Việt Nam, Nxb Thế giới, 315, 316;
15. Phan Huy Lê (chủ biên), (2011),  Lịch sử Thăng Long, tập I, Hà Nội, Nxb hà Nội, tr 838;
16. Trần Văn Giáp (1970), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Thư viện Quốc gia xuất bản, tr 379;
17. Trần Văn Giáp (1970), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Thư viện Quốc gia xuất bản, tr 378;
18. Bùi Dương Lịch (2004 ), Nghệ An ký, Nxb Khoa học xã hội, Phần chữ Hán, tr. 93,94;
19. Học giả Trần văn Giáp nhận xét như sau: Sách Nghệ An ký xuất bản từ bao giờ và ai xuất bản?. Điều này thấy rõ hơn hết là sách này chỉ mới được xuất bản vào khoảng từ đời Tự Đức (1848 - 1883) trở về sau. Một số chữ kiêng cấm về thời Tự Đức đều được tôn trọng; Chữ Nhiệm - viết bớt nét ngang, chữ Hoa - viết thêm ba nháy trên đầu… Cũng do đó mà ta lại thấy sách Nghệ An ký không phải chính tác giả cho khắc ván đem in mà do người sau, hoặc do học trò hay con cháu tác giả xuất bản, cho nên theo tục xưa không viết rõ tên Bùi Dương Lịch mà chỉ viết Bùi Tồn Am là tên hiệu, còn thêm danh từ tiên sinh để tỏ lòng tôn kính” (Trần Văn Giáp (1970), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, đã dẫn, trang 378;
20. Tổng Hải Đô gồm 24 xã, thôn bao gồm: 1. Thôn Đa Phúc, xã Hải Đô; 2. Thôn Lư Tường, (xã Hải Đô); 3. Thôn Truyền (xã Hải Đô); 4. Thôn Hương Lại (xã Hải Đô); 5. Xã Nguyệt Tỉnh; 6. Xã Thiều Xá; 7. Xã Thanh Phong; 8. Thôn Đông, xã Bùi Ngoã; 9. Thôn Bùi Châu, xã Bùi Ngoã; 10. Thôn Đông, (xã Bùi Khổng); 11. Thôn Bùi, (xã Bùi Khổng); 12. Thôn Tùng, (xã Bùi Khổng); 13. Thôn Thượng, (xã Bùi Khổng); 14. Thôn Hương Long, (xã Hương Cái); 15. Thôn Bảo Đà, (xã Hương Cái); 16. Thôn Anh Tuấn (xã Hương) Cái; 17 Thôn Lỗ Điền, (xã Hương Cái); 18. Thôn Hạ Khê, (xã Hương Cái); 19. Thôn Thượng Khê, (xã Hương Cái); 20. Thôn Hương Thịnh, (xã Hương Cái); 21. Thôn Thạch Tiền, (xã Lạp Cầu); 22. Thôn Sơn Lãng, (xã Lạp Cầu); 23. Thôn Trường Lãng, (xã Lạp Cầu); 24. Thôn Hương Lễ, (xã Lạp Cầu)” (Đồng Khánh địa dư chí, (2003), Nxb Thế giới, tập 2, tr 1243);
21. Đồng Khánh địa dư chí, (2003), Nxb Thế gới, tập 2, tr 1245;
22. Đồng Khánh địa dư chí, (2003), Nxb Thế giới, tập 2, tr 1244;
Tài liệu tham khảo chính
1. Đào Duy Anh (2006), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn hoá Thông tin;
2. Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, (2009),  Các triều đại Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin;
3. Trần Văn Giáp (1970), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Thư viện Quốc gia xuất bản;
4. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), (2006), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lễ, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh, Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục;
5. Trần Nghĩa (Cb), (2002), Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu (Bổ di I), Quyển thượng, Nxb Khxh;
6. Lương Ninh (chủ biên) Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Ngọc Cơ, Trần Bá Đệ, Trịnh Vương Hồng, Chương Thâu, 2000, Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb Chính trị Quốc gia.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây