Gian nan sinh kế cho người Ơ Đu

Thứ sáu - 03/11/2023 05:21 0
Bấp bênh sinh kế tại chỗ
Người Ơ Đu sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước đây, dù đời sống khó khăn nhưng do diện tích nương rẫy khá lớn nên họ gần như tự túc được lương thực nhờ sự cần cù lao động. Nhưng hiện nay, sau khi tái định cư đến bản Văng Môn lại thiếu đất để trồng hoa màu và lương thực nên sinh kế tại chỗ gặp nhiều khó khăn. 
Thực tế, khi lựa chọn địa điểm hiện tại để lập bản tái định cư Văng Môn, Nhà nước đã quan tâm đến vấn đề đất canh tác. Tổng diện tích đất được cấp khi lập bản là 115ha, trong đó có hơn 80ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất đồi. Theo quy định thì khi tái định cư, mỗi khẩu được nhận một diện tích đất nông nghiệp 2.500m2 để canh tác. Ở Văng Môn, không có ruộng nước nên canh tác nương rẫy là nguồn cung cấp lương thực chính. Có điều đất nương rẫy ở đây lại kém chất lượng, khó trồng lương thực. Theo người dân cho biết thì diện tích nương rẫy khá rộng nhưng chủ yếu là nương chứ không có rẫy. Mà đúng hơn là đất đồi, đất rừng, không canh tác lương thực được. Thực tế, nói người Ơ Đu thiếu đất canh tác là không đúng mà phải nói là thiếu đất trồng lương thực, thực phẩm, đặc biệt không có đất hay ruộng để trồng lúa, vốn là loại lương thực quan trọng nhất. Ông Lo Văn Cường, một già làng Ơ Đu cho biết: “Người Ơ Đu từ trước đến nay sống bằng canh tác nương rẫy. Chúng tôi trồng lúa, ngô, các loại rau củ quả để ăn. Rồi chăn nuôi cũng gắn với nương rẫy khi nuôi trâu, bò. Từ khi tái định cư về Văng Môn, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì diện tích đất nhà nước cấp lại không canh tác được, chủ yếu để trồng cây như keo, xoăn, mà cũng là những mảnh đất xấu, không được tốt như nương rẫy của chúng tôi ở quê cũ. Có người bảo người Ơ Đu lười lao động, không chịu khó làm lụng mà chờ trông vào chính sách. Nhưng ở đây, có muốn chăm chỉ cũng khó. Vì lấy đâu ra đất mà làm”. Thiếu đất canh tác nương rẫy kéo theo thiếu lương thực thường xuyên là bài toán khó đối với người Ơ Đu. 
Bản người Ơ-đu sống xen kẽ trong cộng đồng người Thái, Khơ-mú (Ảnh chụp tại xã Lượng minh, huyện Tương Dương, Nghệ An); nguồn baodantoc.vn
 

Trong khi sản xuất lương thực gặp nhiều hạn chế và gần như không đóng góp nhiều vào sinh kế người dân thì chăn nuôi trở thành ngành quan trọng trong cuộc sống người Ơ Đu ở Văng Môn. Người Ơ Đu chăn nuôi nhiều loại vật nuôi như trâu, bò, lợn, dê, gà, chó. Trước đây, chăn nuôi trâu, bò chủ yếu thả rong, gắn với sản xuất nương rẫy. Gia đình có nương rẫy ở gần nhà thì họ làm chuồng trâu bò gần nhà, rồi đưa trâu bò lên nương rẫy chăn thả sau khi thu hoạch hay cùng lúc nhưng phải trông chừng để nó không phá hoại mùa màng. Còn những gia đình có nương rẫy ở xa thì họ làm chuồng ở gần nương rẫy và làm lán để có người ở lại trông nom trâu bò cũng như nương rẫy. Riêng lợn, gà, chó thì người Ơ Đu nuôi gần nhà. Lợn họ thả rông hoặc làm chuồng. 
Theo số liệu thống kê ở bản Văng Môn thì đàn vật nuôi của người Ơ Đu ở đây vào cuối năm 2020 như sau: Đàn trâu có 90 con; Đàn bò có 427 con; Đàn dê có 38 con; Đàn lợn có 115 con; Đàn chó có 78 con; Đàn gia cầm (chủ yếu là gà) có khoảng hơn 1000 con. So với tình hình chăn nuôi ở xã Nga My thì đàn vật nuôi của người Ơ Đu vẫn còn rất khiêm tốn. Đàn trâu chỉ chiếm 8,5%, đàn bò là 23,44% (chủ yếu là bò được dự án cấp mới đây), còn đàn gia cầm chỉ chiếm 7,2% của xã. Nhìn chung, chăn nuôi là ngành nghề quan trọng của người Ơ Đu. Những vật nuôi giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, là nguồn tiền chính của gia đình. 
Nỗi lo sinh kế khi phải rời quê nhà
Theo thống kê của chính quyền địa phương thì bản Văng Môn hiện nay có 129 người đi ra ngoài bản học tập và làm việc trong tổng số 315 nhân khẩu cả bản (chiếm gần 41%). Ngoại trừ 11 người đi học thì số còn lại là đi làm ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp chủ yếu ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai,… khu công nghiệp Bắc Vinh và ở TP Vinh. Điều này cho thấy hơn 1/3 người Ơ Đu ở Văng Môn lựa chọn con đường đi kiếm việc làm xa quê. Trong đó có 14 người đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc. Phần lớn các hộ gia đình ở đây đều có 1-2 người đi làm ăn xa. Vì phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn nghề nghiệp nên chủ yếu đi làm lao động phổ thông. Phụ nữ chủ yếu đi làm công nhân trong các xí nghiệp còn đàn ông ngoài làm công nhân thì còn đi làm thợ xây, phụ hồ ở các công trường, bê vác ở các bến xe, bến tàu…. 
Đi làm việc ở các đô thị mang lại một nguồn thu nhập quan trọng đối với người dân ở Văng Môn. Trao đổi về vấn đề này, một người đàn ông trung niên trong bản cho biết do có quá ít ruộng đất để canh tác nên anh và cô con gái đầu phải đi làm ăn xa. Anh chủ yếu đi làm phụ hồ hoặc đi bê vác ở các công trường, có lúc vào Đà Nẵng, Nha Trang hay lên Tây Nguyên làm việc. Còn con gái anh thì đi làm ở Bắc Ninh. Trước đây, gia đình chỉ nuôi 2 con bò nên vợ ở nhà chăn bò và lo việc nhà. Hai cha con đi làm xa mỗi tháng cũng gửi về nhà được 5-6 triệu đồng. Sau đó tích trữ lại mua được thêm 2 con bò. Từ đầu năm 2020, do dịch bệnh nên anh không đi làm xa nữa vì ít việc. Chỉ còn mỗi con gái đi làm, mỗi tháng gửi về cho bố mẹ 2-3 triệu và đây trở thành nguồn tiền quan trọng của gia đình. Với người Ơ Đu ở Văng Môn, không đi làm xa thì không có tiền mua gạo. Những vật nuôi quan trọng như trâu, bò, dê, lợn chỉ đem đi bán khi cần tiền lo việc lớn chứ không mấy khi đem bán để mua gạo hàng ngày. Có người đi làm ăn xa gửi tiền về mua gạo trở thành điểm tựa sinh kế quan trọng. 


Phụ nữ Ơ-đu bên khung dệt tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An), nguồn baodantoc.vn

Ở bản Văng Môn, hoàn cảnh như gia đình người đàn ông kể trên là phổ biến. Đi làm ăn xa thì có thêm thu nhập. Và phần lớn số tiền kiếm được gửi về lại tập trung vào việc mua lương thực. Nhưng đi làm ăn xa cũng đối diện với nhiều rủi ro hơn. Như cán bộ bản Văng Môn hiện tại cho biết thì không phải ai đi xa cũng kiếm được việc làm tốt cả. Thường phải có anh em, bạn bè đi trước rồi đưa đi cùng thì may ra kiếm được việc có lương khá hơn. Cũng có trường hợp đi làm đến tết còn không có tiền về nên cha mẹ phải gửi vào để mua vé xe về. Có những trường hợp không may lại bị trộm cắp, lừa đảo nên đi làm cả năm cũng không có tiền. Và có người đi làm xa còn rơi vào nghiện ngập, bài bạc, lô đề nên không những không có tiền gửi về mà còn làm khổ gia đình. “Người Ơ Đu trước giờ sống dựa vào nương rẫy, vào núi rừng nên đi ra đô thị là một thử thách lớn. Tại địa phương nương rẫy ít không sản xuất đủ lương thực, công việc làm thêm cũng không có nên người ta phải đi làm thuê xa nhà. Đó có lẽ là sự lựa chọn duy nhất dù nhiều người vẫn muốn được ở nhà làm nương làm rẫy nếu vẫn nuôi được gia đình”. Đó là tâm sự của một cô gái trẻ người Ơ Đu đang làm việc ở thành phố Vinh. Và có lẽ cũng là tâm tư của nhiều người Ơ Đu xa quê khác.

Người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống, bản sắc của dân tộc mình (Ảnh: Báo Dân tộc)

Sinh kế bền vững từ thay đổi nhận thức
Trong nhiều năm qua, sinh kế của người Ơ Đu dựa quá nhiều vào các chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước. Trong khi thực tế cho thấy, một gia đình dù giàu có đến đâu cũng không thể nuôi con cả đời được, huống chi là một gia đình nghèo. Người Ơ Đu cũng vậy, phải tự mình vươn lên để phát triển chứ không thể trông chờ mãi vào chính sách Nhà nước. Và từ chính quyền cũng vậy, cần phải xem chính sách là sự hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào vươn lên, tiếp cận sự phát triển chứ không phải là sinh kế cho đồng bào. Vậy nên, cách tiếp cận phát triển của cả người dân lẫn chính quyền cần phải có sự thay đổi.
Trước hết là nhận thức của người dân. Người Ơ Đu trước đây rất linh động và nhanh nhạy trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển. Họ biết lựa chọn đối tượng để kết hôn nhằm tìm kiếm các nguồn lực mới. Qua quan hệ hôn nhân, họ tiếp cận các nguồn lực, cách thức phát triển kinh tế từ các cộng đồng khác. Họ học người Khơ Mú về làm nương rẫy, học người Thái về khai khẩn lúa nước. Qua những quan hệ hôn nhân, họ cũng tiếp nhận được một nguồn vốn văn hóa để vận dụng vào phát triển kinh tế như việc đưa các sản phẩm dệt may, rượu cần… của người Thái vào đời sống Ơ Đu nhằm đa dạng hóa về sinh kế. Nhưng rồi qua nhiều thăng trầm, ý chí vươn lên của họ dần bị mai một, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân từ chính sách hỗ trợ của nhà nước. Để phát triển, người Ơ Đu phải tìm lại sự tự tin, dựa vào bản thân để phát triển. Nhiều người Ơ Đu đã khẳng định điều đó khi họ tiếp cận được các nguồn lực và phát triển kinh tế một cách hiệu quả khi thoát ra khỏi sự trông chờ từ bên ngoài.
Sau đó, các nhà quản lý và chính quyền nhà nước cũng cần thay đổi nhận thức về hỗ trợ phát triển cho đồng bào Ơ Đu. Không phải các dự án lớn, không phải cứ mang tiền bạc vào bản là có thể thay đổi cục diện nghèo đói được. Bởi nếu có thay đổi thì cũng không có tính bền vững. Một ngôi nhà sinh hoạt văn hóa hơn 4 tỷ đồng bỏ hoang, hay một đề án phát triển 120 tỷ bỏ dở, là những minh chứng cho sự thất bại của các dự án phát triển từ trên xuống. Thiết nghĩ, các chính sách cần sát với người dân, gắn phát triển con người, phát triển địa phương một cách hài hòa chứ không phải phát triển cho một bộ phận nhỏ. Muốn vậy, cần phải hiểu cộng đồng, để người dân làm chủ quá trình phát triển, còn chính sách Nhà nước là sự hỗ trợ, là động lực giúp đỡ khi người dân cần./.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây