Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Đình Nguyệt Tiên

Thứ ba - 10/10/2023 05:21 0

Đình Nguyệt Tiên ngoảnh mặt về hướng Nam, phía Đông và phía Bắc giáp khu dân cư. Phía Tây và phía Nam giáp đường liên thôn. Cách khoảng 2km về phía Tây Nam có dãy núi Mụa, núi Bạc làm tiền án. Phía Đông Nam có dãy núi Mộ Dạ với đền Cuông linh thiêng, nơi thờ Thục Phán An Dương Vương. Cách đình về phía Bắc khoảng 2km là đền thờ tướng quân Cao Lỗ. Cách phía Nam khoảng 1km là đình Xuân Ái, một ngôi đình cổ. Cách phía Tây khoảng 500m là Di tích Quốc gia đền thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài.
Cũng như ngôi đình của cộng đồng làng xã Việt Nam thời phong kiến, đình Nguyệt Tiên là một thiết chế văn hóa, tín ngưỡng của cư dân làng Nguyệt Tiên, là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã “Cây đa, bến nước, sân đình”  đã đi vào tiềm thức của người dân ở làng này. Với chức năng tín ngưỡng, đình là nơi thờ phụng thành hoàng làng và các vị thần linh bảo hộ cho nhân dân trong cuộc sống.

Bộ vì thứ 4 (tính từ ngoài vào)

Căn cứ vào sách Tục thờ thần và thần tích Nghệ An(2) và tài liệu kiểm kê khoa học di tích năm 2009 của Ban Quản lý Di tích Nghệ An thì nhân vật thờ tại đình Nguyệt Tiên là Đoàn Nhữ Hài, một danh thần đời Trần.
Đoàn Nhữ Hài sinh 1280, tên tự là Thuấn Thần, người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương)(3). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống võ nghệ, cha là Đoàn Phúc Trung, từng làm tướng dưới quyền chỉ huy của Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đoàn Nhữ Hài có tư chất thông minh từ nhỏ, luôn say mê học tập kinh sử và luyện võ nghệ. Trong những năm tháng học tập tại kinh thành Thăng Long, ông luôn thể hiện sự vượt trội của mình với những bạn đồng môn. 
Nhận thấy Đoàn Nhữ Hài là người có tài nên khi mới 20 tuổi ông được vua Trần Anh Tông phong làm Ngự sử trung tán, chức quan đứng thứ hai ở Ngự sử Đài, có nhiệm vụ can gián nhà vua. Việc một thư sinh trẻ tuổi chưa hề đỗ đạt gì, lại không phải hoàng thân quốc thích mà được đưa lên cương vị trọng yếu như vậy đã khiến nhiều người ghen ghét.
Không quan tâm đến những lời dèm pha, Đoàn Nhữ Hài đã hoàn thành tốt trọng trách của mình, luôn được vua Trần Anh Tông và thượng hoàng Trần Nhân Tông tin tưởng. 
Năm 1303, (niên hiệu Hưng Long thứ 11) vua Trần Anh Tông cử Đoàn Nhữ Hài đi sứ nước Chiêm Thành. Về sự kiện này sách Đại Việt sử ký toàn thư chép “Trước đây, sứ thần nước Đại Việt sang Chiêm Thành đều phải vái Quốc Vương trước, sau đó mới mở chiếu thư. Khi Nhữ Hài đến, bưng ngay chiếu thư để lên trên án và bảo vua Chiêm rằng: Từ khi sứ giả đem chiếu thư của thiên tử đến, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư ra, hình như thấy mặt Thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư rồi mới tuyên đọc sau. Rồi lập tức hướng vào chiếu thư lạy xuống. Lúc ấy vua nước Chiêm đứng ở bên cạnh, lạy thế có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ là lạy chiếu thư thì thuận lẽ…”(4).
Bằng hành động của mình, Đoàn Nhữ Hài đã thể hiện lòng trung quân, ái quốc của bản thân, đồng thời thể hiện được vị thế của quốc gia Đại Việt đối với nước Chiêm Thành lúc bấy giờ, khiến cho triều thần Chiêm Thành và Đại Việt đều nể phục. 
Sau khi đi sứ về, Đoàn Nhữ Hài càng được vua Trần Anh Tông trọng dụng, tin tưởng, được thượng hoàng Nhân Tông hết sức ngợi khen “Nhữ Hài thực là người giỏi, được quan gia sai khiến là phải”(5). Sau đó ông được thăng chức Tham Tri chính sự(6).


Mảng chạm tại đình

Năm 1304, (niên hiệu Hưng Long thứ 12), vua Trần Anh Tông phong chức cho Đoàn Nhữ Hài làm Tri Khu Mật Viện sự, đây là chức giữ việc cơ mật của triều đình. Theo quy định của nhà Trần, các chức vụ quan trọng của triều đình chủ yếu dành cho tôn thất, việc Đoàn Nhữ Hài được phong làm Tri Khu mật viện sự là một ngoại lệ đặc biệt. Qua đây càng cho thấy tài năng xuất chúng của Đoàn Nhữ Hài.
Tháng 6 năm Bính Ngọ niên hiệu Hưng Long thứ 14 (1306), Thượng hoàng Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân - vua của nước Chiêm Thành, Chế Mân lấy Châu Ô, Châu Rý dâng Đại Việt làm sính lễ. Năm 1307, nhà Trần đổi Châu Ô, Châu Rý thành Châu Thuận và Châu Hóa sát nhập vào nước Đại Việt, người dân 2 châu ấy không chịu theo, nổi lên chống lại mệnh lệnh triều đình. Vua Trần “sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đi vỗ yên nhân dân”(7). Bằng các việc làm cụ thể như cấp ruộng đất, giảm tô thuế cho dân trong 3 năm, lấy người sở tại làm quan lại, nhân dân 2 châu dần tin vào các chính sách mà Đoàn Nhữ Hài đề ra, thời gian không lâu họ đã thuần phục triều đình, yên ổn làm ăn.
Tháng 12 năm Tân Hợi (1311), vua Chiêm Thành là Chế Chí làm phản, không thuần phục nhà Trần. Vua Trần thân chinh đi đánh, lấy Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ. Nhận trọng trách nhà vua giao phó, Đoàn Nhữ Hài đã tiếp cận với Trại chủ Câu Chiêm (một cận thần thân tín của Chế Chỉ) để thuyết phục Trại chủ dụ Chế Chí ra hàng quân Trần. Lý lẽ của Đoàn Nhữ Hài đã thuyết phục được Trại chủ. Ông ta về bàn bạc, thuyết phục Chế Chí, Chế Chí nghe đem gia thuộc theo đường biển ra hàng. Bằng tài ngoại giao, lý lẽ sắc bén, Đoàn Nhữ Hài đã giúp vua Trần dẹp yên quân Chiêm, giữ vững bờ cõi mà không hao tổn binh lực. Đại Việt sử ký chép “trận đánh này không mất một mũi tên mà bình được Chiêm Thành, đó là công của Nhữ Hài”(8).
Nghệ An lúc bấy giờ là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, giáp biên giới Chiêm Thành, Ai Lao, thường bị quân địch dòm ngó, quấy nhiễu. Nhà Trần đã giao cho Đoàn Nhữ Hài quản lĩnh quân Thần Sách, quân Thần Vũ, kiêm chức Kinh Lược sứ Nghệ An. Năm Ất Hợi 1335, quân Ai Lao vào xâm phạm bờ cõi Đại Việt tại đất Nam Nhung (tức vùng Tương Dương, Con Cuông, Nghệ An ngày nay). Thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh đi đánh, lấy Đoàn Nhữ Hài làm Đốc tướng. Tuy nhiên, do thế giặc mạnh, địa hình hiểm trở, thời tiết bất lợi, nên trận đánh bị thất bại, Đoàn Nhữ Hài tử trận trên dòng sông Tiết La(9). 
Nghe tin Đoàn Nhữ Hài mất, triều đình nhà Trần đã vô cùng thương tiếc vị anh hùng trung nghĩa, tài ba. Triều đình truy phong ông làm Thượng đẳng Phúc thần và cho làm lễ tế anh linh Đoàn Nhữ Hài, lập đền thờ ông tại làng ven sông để quanh năm hương khói(10).
Đoàn Nhữ Hài làm quan trải qua 3 đời vua: Trần Anh Tông (1293-1314), Trần Minh Tông (1314-1329) và Trần Hiến Tông (1329-1341), là người có tài năng ngoại giao và nội trị, văn võ kiêm toàn, ông là một tấm gương điển hình về trung quân, ái quốc. Những năm tháng làm quan, Đoàn Nhữ Hài đã đóng góp công sức to lớn vào việc xây dựng, đấu tranh bảo vệ bờ cõi Đại Việt, góp phần làm nên một thời đại thịnh trị của vương triều nhà Trần.
Những cống hiến của Đoàn Nhữ Hài được sử sách ghi nhận, được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ như: làng Hội Xuyên, làng Tăng Thượng, làng Phó Trào (thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay). Tại làng Nguyệt Tiên, xã Nho Lâm xưa (nay là xã Diễn An, huyện Diễn Châu) nhân dân và con cháu họ Đoàn cũng tưởng nhớ công lao của Đoàn Nhữ Hài nên đã lập Miếu đường để thờ phụng(11). Nhân dân làng Nguyệt Tiên đã tôn ông làm Thành hoàng của làng và thờ tại đình Nguyệt Tiên.
Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Vinh,… đều có đường phố mang tên Đoàn Nhữ Hài.
Đình Nguyệt Tiên hiện nay thuộc xóm 1, xã Diễn An, huyện Diễn Châu được xây dựng khoảng đầu thời Nguyễn. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đình Nguyệt Tiên vẫn còn nguyên vẹn tòa dại đình, tọa lạc trên khu đất có diện tích 535,7m2, với một tòa kiến trúc có kết cấu thờ dọc.
Đứng từ ngoài nhìn vào trong đình được bố trí theo thứ tự cổng đình, sân đình, đại đình.
Đại đình có kiến trúc thời Nguyễn và được trùng tu vào năm 1873, niên hiệu Tự Đức thứ 26. Đây là công trình có quy mô lớn, với diện tích xây dựng 127,17m2 (16,2m x7,85m ), khung nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, gồm 3 gian, 2 chái, 2 hồi văn.
Với nghệ thuật chạm khắc của các nghệ nhân, các mảng chạm khắc trên kiến trúc đình Nguyệt Tiên được thể hiện trên hầu hết trên các đẩu xà, kẻ, ván nong, thân bẩy, cổ nghé, rường, con đấu... Nghệ nhân xưa đã sáng tạo các tác phẩm có giá trị cao về mặt thẩm mỹ và thể hiện tính thiêng của ngôn ngữ thần linh.
Khác với một số công trình khác, các mảng chạm khắc phần lớn tập trung ở mặt tiền thì tại đình Nguyệt Tiên được thực hiện ở hầu khắp đầu các cấu kiện (các đầu xà, rường, các ván thưng, cổ nghé và trên các bẩy hiên) được các nghệ nhân thể hiện trên cả 2 mặt trước và sau của các cấu kiện.


Nhân dân dâng lễ tại đình

Kiến trúc đình Nguyệt Tiên còn được thể hiện cách biến tấu trên các bộ vì kèo, sử dụng kỹ thuật lắp ghép mộng truyền thống của người Việt, vật liệu làm bằng gỗ lim nhưng không thô, nặng, mà trở nên uyển chuyển, hài hòa không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ cao mà còn thể hiện quan điểm về nhân sinh, về vũ trụ, về khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên, mong muốn cho mưa thuận gió hòa, mùa mạng bội thu, cho cuộc sống an lành, hạnh phúc. 
Đáng chú ý nhất là các mảng chạm khắc trên trên các bẩy hiên với các đề tài “long vân khánh hội”, “phượng vũ tề phi”, “quy ẩn liên đàm”, “long mã đạp thủy ba”... với kỹ thuật chạm boong kênh, mỗi mảng chạm khắc đều có những sắc thái riêng, rất uyển chuyển mềm mại, hết sức tinh xảo. Đồng thời gửi gắm qua các đề tài những ý nghĩa sâu xa, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Những đường nét chạm trổ rất tinh tế, mang tính chất ước lệ nhiều hơn là tả thực, có sự chấm phá để tạo điểm nhấn cho hình tượng. Mỗi hình tượng như được người nghệ nhân xưa thổi hồn vào, tạo nên những bức tranh sống động chứ không dừng lại chỉ là một bức chạm bất động trên thân gỗ. Tại đình Nguyệt Tiên, có đủ 4 vật linh: long, phượng, quy, lân. Mỗi loài đại diện cho một sức mạnh, một quyền năng riêng, thể hiện những mong ước cao đẹp của cha ông trong cuộc sống hiện tại và tương lai. 
Đình Nguyệt Tiên trước đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng Nguyệt Tiên. Đồng thời đền thờ Thành hoàng làng của nhân dân nơi đây. Hàng năm tại đình diễn ra nhiều lễ hội như: Lễ khai hạ ngày 7 tháng Giêng, Lễ Kỳ Phúc 17 tháng Giêng, Lễ Tế Thu và rằm tháng 8 âm lịch… Trong các lễ hội trên, lễ Kỳ Phúc là lễ hội lớn nhất trong năm của làng diễn ra trong 3 ngày 16, 17, 18 tháng Giêng. Những lễ hội diễn ra tại đình là các hoạt động văn hóa tâm linh của nhân dân trong làng để cầu thần linh che chở, mang lại điều tốt lành trong cuộc sống.
Tuy nhiên do nhiều lý do, sau năm 1945 các lễ hội trên không còn được tổ chức tại đình nữa. Với những giá trị về văn hóa và nguyện vọng của nhân dân, hiện nay địa phương đang từng bước khôi phục.
Trải qua gần 3 thế kỷ tồn tại, đình Nguyệt Tiên vẫn giữ được nét cổ kính, với những giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật kiến trúc. Năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã xếp đình Nguyệt Tiên là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Để bảo tồn và phát huy di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật đình Nguyệt Tiên cần có một số giải pháp cụ thể sau đây:
- Xây dựng bản thuyết minh về lịch sử và giá trị của di tích để giới thiệu cho nhân dân trong vùng và du khách khi đến thăm quan.
- Xây dựng kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu tài liệu về di tích nhất là các nhân vật lịch sử thờ tại di tích và nghệ thuật kiến trúc của di tích, từ đó có đề án phục hồi các hoạt động lễ, hội tại di tích và các sinh hoạt văn hóa tâm linh, bổ sung các đồ tế khí, bài trí thờ tự tại di tích.
- Kết hợp với các di tích danh thắng như đền Cuông, đền thờ tướng Cao Lộ, đền thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, núi Mộ Dạ, núi Bạc…Xây dựng tuyến du lịch văn hóa tâm linh đón du khách trong và ngoài tỉnh về chiêm bái.
Di tích đình Nguyệt Tiên thờ thành hoàng Đoàn Nhữ Hài, một danh thần đời Trần với bề dày lịch sử gần 300 năm, có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc; Bảo tồn và phát huy đình Nguyệt Tiên có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử văn hóa của Nghệ An cũng như của dân tộc.
Chú thích
(1). Theo Đồng Khánh địa dư chí, NXB Thế giới (2003), tr.122.
(2). Ninh Viết Giao (2000): Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, NXB Nghệ An, tr. 408;
(3). Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - In lần thứ 5 (có sửa chữa, bổ sung) - NXB Văn Hóa 1999- Tr.177.
(4). Ngô Sỹ Liên (2004), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 1, sđd tr. 565.
(5). Ngô Sỹ Liên (2004), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 1, tr.562 (sđd). Dưới thời Trần, vua gọi là Quan gia.
(6). Đây là một chức vụ quan trọng, đứng thứ nhì trong hàng quan văn thời Trần, tham gia bàn luận chính sự và giới thiệu người tài cho triều đình.
(7). Ngô Sỹ Liên (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, tr.568 (sđd).
(8). Ngô Sỹ Liên (2004), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 1, tr.565 (sđd) vua gọi là Quan gia.
(9). Theo phần ghi chú trong Đại Việt Sử ký toàn thư, sông Tiết La là khúc thượng lưu của sông Lam ở khoảng Cửa Rào, Tương Dương ngày nay;
(10). Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế (sđd), tr. 178;
(11). Gia phả dòng họ Đoàn tại làng Nguyệt Tiên, tờ số 3. Miếu đường này về sau được gọi là Đền thờ Đoàn Nhữ Hài, đã được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia năm 2001.
Tài liệu tham khảo
1. Hippolyte Le Breton (2005), An Tĩnh Cổ Lục, NXB Nghệ An.
2. Ngô Sỹ Liên (2004), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 1, NXB VHTT., Hà Nội.
3. Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế (2006), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Ninh Viết Giao (2000), Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, NXB Nghệ An.
5. Hồ sơ xếp hạng di tích đình Nguyệt Tiên năm 2018 -Ban Quản lý Di tích.




 



Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây