Văn Tràng - một miền quê văn hiến

Thứ tư - 31/01/2024 04:21 0
Tra cứu gia phả các  họ lớn trong xã như họ Thái Ngô, họ Bùi Hữu họ Nguyễn Thái, mới thấy đây là một mền quê văn hiến.
Theo văn tế họ Bùi Hữu ( Văn Tràng) thì vị thế tổ Bùi Hòe Hoa từ Hà Đông quận vào đây lập làng. Văn tế họ Bùi Hữu còn ghi lúc đó là “ Nhất họ nhất làng”, nghĩa là xã Văn Tràng lúc đó chỉ mới có một làng Yên Tứ và trong làng Yên Tứ chỉ có duy nhất họ Bùi Hữu.
Vua Lê Trang Tông ( 1533 -1548) là cháu ngoại họ Bùi Hữu (Văn Tràng).Ông ngoại vua Lê Trang Tông là Thái phó Qùy Quốc Công Bùi Khả Tà. Ông là hậu duệ đời thứ 16 tính từ Bùi Hòe Hoa. Tính trung bình mỗi đời 25 năm thì Bùi Hòe Hoa lập làng YênTứ vào đầu thế kỉ XII thời Lý. Sau làng Yên Tứ là làng Chấp Trung (sau này đổi thành làng Hòa Trung) và Bỉnh Trung. Tên xã đầu tiên của ba làng này là Diêm Tràng. Lần theo các sắc phong được ghi chép trong gia phả họ Nguyễn Thái (Văn Tràng), danh  xưng xã Diêm Tràng tồn tại mãi cho đến thế kỉ thứ XIX dưới triều vua Minh Mạng mới được đổi thành xã Văn Tràng*.
*Gia phả họ Nguyễn Thái cho biết nhiều sắc phong từ triều đại Lê Trung Hưng đều ghi làng Yên Tứ thuộc xã Diêm Tràng. Phải đến sắc phong cho Thái Tử Thanh vào năm Minh Mạng Thứ tư (1823), lần đầu tiên xuất hiện danh xưng xã Văn Tràng. Điều này cũng phù hợp với”Minh Mạng tấu nghị”vè việc thay đổi địa danh trên phạm vi toàn quốc thi hành vào tháng hai năm Mnh Mạng thứ 5(1824).
Thuở hoang sơ, khi chưa có con người sinh cơ lập nghiệp, những trận lũ lớn của sông Cả đã dần dần bồi tụ nên một vùng đất phù sa bằng phẳng rộng mênh mông mà sau này được khai hoang để trở thành cánh đồng Văn Tràng nổi tiếng thẳng cánh cò bay( xem ảnh số 5). Từ triều Lý, thế kỷ XII vùng đất phù sa này bắt đầu được khẩn hoang để dần dần trở thành những cánh đồng màu mỡ như Mùi Bạc, Đồng Thá, Tram, Bàu Chai, Cầu Lứng, Đồng Quan… Cũng như vậy, phía sau làng có những cánh đồng mang tên Mồ Cung, Đìa Su, Lòi Sim, Đầu Cầu, Bàu Vua…Đến thời Chúa Chổm (Triều Hậu Lê) đã phải khai hoang đến tận chân đồi mép núi để tạo nên những cánh đồng như Bà Bỏng rồi đến Đồng Chọ Dưới, Đồng Chọ Trên. Cánh đồng Văn Tràng được khai hoang từ Triều Lý và trở nên trù phú dưới Triều Trần, Triều Lê. Cánh đồng Văn Tràng là vựa lúa lớn nhât của phủ Anh Sơn xưa. Dưới Triều vua Tự Đức, tiến sĩ Nguyễn Thái Đễ đã vận động nhân dân tiến quân vào vùng rừng núi rậm rạp đầy thú dữ để khai hoang thành nương rẫy, trồng chè, trồng mít,…
Địa hình Văn Tràng rất đặc biệt. nằm gọn giữa một vòng cung đồi núi. Phía Bắc là dãy Rú Bạc Trốc( Bạch Đầu Sơn) với Cây Đa Bạc Trốc đầy ấn tượng( xem ảnh số 6). Phía Đông là dãy Truông Kè. Phía Nam là Truông Quan Đọi nối liền với dãy Truông Bồn nổi tiếng ( xem ảnh số 7). Phía Tây là con sông Lường, quanh năm tấp nập những chuyến đò ngược xuôi tới bến Chợ Lường.
Giữa cánh đồng mênh mông trù phú là một lũy tre làng xanh thẫm dài non vài dặm, chở che, đùm bọc dân cư của 3 làng Yên Tứ, Hòa Trung và Bỉnh Trung( xem ảnh số 5). Dọc theo xóm làng có một lạch sông tự nhiên được tu tạo thành một danh thắng. Đêm đêm dưới ánh trăng thanh với những luồng gió mát, những chiếc thuyền rồng chở những quận công, phò mã, những văn quan, võ tướng của đất Văn Tràng du ngoạn. Dãy ao làng ngày nay là vết tích còn lại của lạch sông xưa ( xem ảnh số 8). Men theo đó là những giếng làng như Giếng Đình, Giếng Cố Chục, … Điểm tô cho làng quê là những cây đa thân thương có tên, có tuổi như người: Cây Đa Môn ( Gia Còm), Cây Đa Đình, Cây Đa Tiền Nông, Cây Đa Quán. Đặc biệt là Cây Đa Bạc Trốc, một biểu tượng của quê hương Văn Tràng.
 Những năm 30 của thế kỉ thứ XX, Pháp cho xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An. Cùng với nó là quốc lộ Số 7 chạy xuyên suốt giữa xã tạo thuận lợi cho sự giao thương cho người dân. Văn Tràng xưa có Chợ Tràng một tháng 9 phiên ( mùng 3, mùng 6, mùng 10, 13, 16, 20, 23, 26, 30) với đặc sản “lợn con”.
Tuy đất Văn Tràng được thành lập từ đầu thế kỉ thứ XII, dưới Triều Lý, nhưng phải đến thế kỉ thứ XVI dưới Triều Lê Trung Hưng, nơi đây mới khởi nguồn cho một miền quê văn hiến.
Văn Tràng là quê ngoại của vua Lê Trang Tông. Thái phó Qùy Quốc Công Bùi Khả Tà quê làng Yên Tứ là ông ngoại của vua. Theo truyền thuyết của lễ hội Đền Đức Hoàng (Đô Lương), Thái Phó Quỳ Quốc công, nguyên là quan cai ngục canh giữ vua Lê Chiêu Tông  theo lệnh của Mạc Đăng Dung. Ông lén cho con gái vào chăm sóc cho Lê Chiêu Tông để giữ nòi giống cho nhà Lê. Khi biết con gái đã mang thai, ông cho con gái về quê ở làng Yên Tứ , xã Diêm Tràng. Nhưng vì hoang thai nên bị dân làng hắt hủi, cô đành bỏ làng ra đi. Đến kỳ sinh nở, cô được trẻ chăn trâu làng Long Thái chăm sóc. Chính vì vậy mà lẽ hội Đền Đức Hoàng bắt đầu lễ rước từ làng Long Thái (nay là xã Thái Sơn) đến đền Đức Hoàng ở làng Yên Tứ. Cũng chính vì vậy mà đền Đức Hoàng ngoài thờ vua Lê Trang Tông còn thờ cả mẹ vua và ông ngoại. Thái phó Quỳ Quốc công Bùi Khả Tà là người có công đầu trong việc bảo tồn nòi giống Nhà Lê trong hoàn cảnh bị Mạc Đăng Dung truy bức. Có Bùi Khả Tà mới có Vua Lê Trang Tông và mới có triều đại Lê Trung Hưng. Để đền ơn, triều đình cho xây dựng Đền Đức Hoàng ( Văn Tràng) ( xem ảnh 1, 2 và 3); xây lăng Thái Phó Qùy Quốc công giữa một vùng rừng rú linh thiêng mà người dân thường gọi với cái tên mộc mạc là Rú Cấm. Năm 2011, lăng vừa được họ Bùi tu tạo lại tại xóm 11, xã Văn Sơn.
Theo ông Bùi Hữu Văn - tộc trưởng họ Bùi ( Yên Sơn) thì bà Bùi Ngọc Thụy, có bụt hiệu là Bùi Ngọc Nữ Thần Vương, là mẹ của vua Lê Trang Tông. Năm 1984, khi cải tạo đồng ruộng đã đào được một ngôi mộ trong quan ngoài quách tại xứ Mồ Cung. Thi hài còn nguyên vẹn, da dẻ vẫn hồng hào, tóc còn đen mượt. Nhưng thi hài ấy chẳng tươi được bao lâu sau khi rời khỏi môi trường trong quan ngoài quách. Họ Bùi nhận đó là thi hài mẹ vua Lê Trang Tông và rước vào cải táng tại nghĩa trang họ Bùi( Yên Sơn).
Cũng dưới thời Lê Trung Hưng, Văn Tràng có nhiều quận công.
- Người tiêu biểu nhất là Thái Phó Chân Quận Công Thái Bá Du. Lúc  Ngài qua đời, triều đình cho lập đền thờ mà nay đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
- Con trai cả của Ngài là Phò Mã Thái Bảo* Kim Quận công Thái Bá Kỳ. Ông được vua Lê kén làm Phò Mã, chồng của công chúa Lê Đoan Trang.( *theo từ điển chức quan Việt Nam của Đỗ Văn Ninh thì Thái Bảo tương đương nhất phẩm triều đình).
- Quận Mã Hoành Quận công Thái Bá Chiêm. Ông được Chúa Trịnh kén làm Quận Mã,chồng của Hiệu Từ Quận Chúa.
- Quận Mã Tuệ Quận công Thái Bá Vinh cũng được Chúa Trịnh kén làm quận mã chồng  của Trịnh Thục Quận Chúa.
Còn lại 6 người con gái của ông cũng được gả cho vua, chúa hoặc các nhà quyền quý.
- Thái Ngọc Thuỵ gả cho vua Lê Anh Tông.
- Thái Ngọc Quỳnh gả cho chúa Trịnh Tùng.
- Thái Ngọc Bảo gả cho vua Lê Thế Tông.
- Thái Ngọc Phi gả cho Thế Quận công.
- Thái Ngọc Nhuận gả cho Lai Quận công Phan Công Tích.
- Thái Ngọc Điểm gả cho con trai Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan.
Nguồn  :https//wiki.edu.vn>wiki>titl=Thái_Bá_Du
Ngoài Đền Đức Hoàng và nhà  thờ họ Tháí Ngô là 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia, xã Văn Tràng  còn có 3 mái đình làng Yên Tứ, Hòa Trung, Bỉnh Trung, có Nền Công Thổ có Nhà Thánh Học Sĩ,… Đó là những nét kiến trúc tiêu biểu cho nền văn hiến Văn Tràng xưa.
Dưới triều vua Minh Mạng, trên đất Văn Tràng đã có một “Trường đại học” danh tiếng của vị sư biểu Nguyễn Thái Đễ*. Học trò khắp nơi trong tỉnh từ Diễn Châu, Yên Thành đến Thanh Chương, Nam Đàn kéo về đây học tập rất đông. Nơi đây đã đào tạo biết bao con em  Nghệ An trở thành nhân tài cho đất nước. Học trò của ngôi trường này đã có nhiều người làm quan trong triều như Trương Tuấn Khải, Phạm Tự Cường, …; có giải nguyên Cao Hữu Chí, có phó bảng Phạm Xuân Trạch, có tiến sỹ Nguyễn Thái Đễ. (Theo gia phả họ Nguyễn Thái Yên Sơn- Đô Lương).
*Quốc triều đăng khoa lục của Cao Xuân Dục có ghi:”Học trò của ông có nhiều người thành đạt”.
Văn Tràng thời nào cũng có nhiều người nổi tiếng.
* Về văn hóa, xã hội, phải kể đến Bùi Hòe Hoa - vị thế tổ của họ Bùi (Văn Tràng), từ Hà Đông quận vào lập làng Yên Tứ từ thế kỉ thứ XII.
- Người học sỹ đầu tiên trên đất Văn Tràng được thờ tại Nhà Thánh Học Sỹ Văn Tràng là Thái Giám Sinh Thái Phuượng Minh dưới triều Hậu Lê.
- Thời vua Tự Đức có tiến sĩ Nguyễn Thái Đễ vận động nhân dân khai hoang rừng rú để trở thành một vùng quê Văn Tràng trù phú. Để nhớ ơn ông, dân Văn Tràng đã đắp ngôi mộ ông giữa Bàu Vua rộng gần một sào đất đồng thời lập đền thờ ông mà dân làng thường gọi là Đền Quan Lớn.Gia phả họ Nguyễn Thái còn ghi lại nhiều thư từ, thơ câu đối trước tác viết về những nhười bạn tri âm tri kỷ của tiến sỹ Nguyễn Thái Đễ như : Thám hoa Phan Thúc Trực ( Yên Thành); thám hoa Nguyễn Văn Giao ( Nam Đàn); tiến sỹ Đinh NHật Thận (Thanh Chương)…
- Thượng đường của nhà thờ đai tôn họ Nguyễn Thái có thể coi là một di tích về truyền thống tôn sư trọng đạo. Thầy giáo Nguyễn Thái Đễ qua đời năm 1856 mà mãi 31 năm sau, mùa thu năm Đinh Hợi, Đồng Khánh thứ 2 (1887), học trò đã cùng nhau tu tạo lại và lợp ngói cho ngôi nhà thờ của thầy.
- Dưới thời Pháp thuộc có Nguyễn Thái Hiến tốt nghiệp trường Canh Nông Tuyên Quang (Ngôi trường đầu tiên của toàn cõi Đông Dương đào tạo về nông học). Ông có tầm nhìn xa trước cả trăm năm. Từ cuối những năm  hai mươi của thế kỷ trước (cách đây gần 100 năm), ông đã khuyến dân Văn Tràng vào Đà Lạt khai hoang, lập ấp để khởi dựng nghề làm vườn, trồng hoa, trồng rau ở Đà Lạt. Ngày nay Đà Lạt đã trở thành xứ sở của ngàn hoa, xứ sở của nghề làm vườn không chỉ thu hút các doanh nghiệp trong nước mà cả những doanh nghiệp nước ngoài.
- Mở đầu khoa bảng đất Văn Tràng là Tiến sĩ Thái Phượng Minh, Cử nhân Lê Bá Duệ (Triều Hậu Lê). Dưới triều Nguyễn có Tiến sĩ Nguyễn Thái Đễ, phó bảng Nguyễn Thái Tuân; các Cử nhân Nguyễn Thái Thực, Nguyễn Thái Du, Nguyễn Sĩ Đắc, Lê Tam Hòe.
- Sau Cách mạng tháng 8( 1945) có tú tài Nguyễn Sĩ Thuyên, Nguyễn Đăng Trinh, Trần Văn Quỳnh. Đây là những tú tài Tây học đầu tiên của đất Văn Tràng.  Giáo sư Lưu Vân Lăng (Nguyễn Danh Khuê) cũng là người Việt Nam đầu tiên  viết sách “Tự học tiếng Nga” cho người Việt. Sau này ông trở thành người có tên tuổi trong làng ngôn ngữ học quốc tế. Thái Ngô Huân là lớp lưu học sinh đầu tiên của nước VNDCCH được đào tạo tại Liên Xô. Về nước ông trở thành kỹ sư, đại biểu quốc hội đầu tiên của Văn Tràng.Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự- nhà ngư học được nhiều tổ chức khoa học quốc tế mời hợp tác nghiên cứu trong nhiều công trình khoa học. Ông là tác giả của nhiều loài cá mới cho thế giới. đồng thời ông là đồng tác giả giải thường Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Phó giáo sư tiến sĩ nhà giáo ưu tú Nguyễn Thái Tuấn; tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền. Tiến sĩ Trần Tuấn Hiệp giải nhì trong kì thi toán quốc tế tại Pháp năm 1983. Hoàng Tuấn Anh thủ khoa thi đại học khóa 2004 với điểm tuyệt đối 30/30. Trần Lê Hiệp sinh viên tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội doạt giải huy chương vàng  châu Á kỳ thi lập trình viên quốc tế ACPC…
Văn tràng hiện nay có:
- 01 anh hùng các lực lượng vũ trang Nguyễn Thái Nhự.
- 4 PGS: Lưu Vân Lăng, Nguyễn Thái Tuấn, Trần Viết Thụ, Nguyễn Đăng Hào và nhiều tiến sỹ.
- 4 nhà giáo  ưu tú: Trương Công Tịnh, Nguyễn Thái Tuấn, Nguyễn Thị Bê, Lê thị Sáu, và rất nhiều giáo viên dạy giỏi.
- 2 nghệ sỹ ưu tú là cả 2 vợ chồng nghệ sỹ Lê Đình Lam
- Võ Văn Quang là một tấm gương vượt khó trong học tập. Nhà nghèo, ông phải vừa đi học vừa làm thợ cắt tóc để kiếm tiền ăn học. Cuối cùng ông đã trở thành tiến sỹ và là cán bộ của Viện khoa học Giáo dục.
- Về võ, người có công đầu là Thái phó Chân Quận Công Thái Bá Du và 3 người con trai của ông cũng được ban tước Quận Công. Tiếp đến là Thiêm Tổng Tri công Thái Tử Hào. Ông là một võ quan cao cấp được cả Vua Lê và Chúa Trịnh tín nhiệm trao cho chức vụ đội trưởng Ngự Lâm Quân, bảo vệ xa giá của vua. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp có anh hùng quân đội Nguyễn Thái Nhự. Trong những năm đánh Mỹ, có chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành giao thông vận tải Nguyễn Thái Cần.
Từ một vùng đất hoang hoá trải qua 800 năm, người dân Văn Tràng đã kiến tạo nên những cánh đồng màu mỡ bậc nhất của tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở ấy đã sản sinh ra những tinh hoa của các dòng họ góp phần quan trọng tạo nên một miền quê văn hiến, đáng tự hào.,.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây