Truyền thống khoa bảng của Dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần và những đóng góp cho sự phát triển quê hương, đất nước

Thứ tư - 10/01/2024 04:21 0
 Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Ủy ban Thường vụ quốc hội ban hành Nghị quyết 831/NQ-UBTV QH về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Nghệ An. Theo đó sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số 3 xã Nam Trung, Nam Phúc và Nam Cường thành xã Trung Phúc Cường. Như vậy, vùng đất Trung Cần hiện nay nằm trong xã Trung Phúc Cường. Họ Nguyễn Trọng vốn gốc ở thôn Bến Nễ, xã Ước Lễ, huyện Hưng Nguyên, chuyển cư sang làng Trung Cần phát tích. Dòng họ Nguyễn Trọng, Trung Cần sản sinh ra nhiều bậc anh tài, nhiều người đỗ đại khoa, đảm nhiệm các trọng trách quan trọng của triều đình. Trong khuôn khổ bài tham luận, chúng tôi chỉ giới hạn trình bày những người đậu đại khoa trong khoa cử và làm quan trong triều của dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần. 
Trong lịch sử truyền thống khoa bảng của Nghệ An, người khai hoa là Bạch Liêu quê ở làng Thanh Đà, huyện Đông Thành (nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành) đậu Trại trang Nguyên Khoa Bính Thìn, niên hiệu Thiệu Long 9 (1266). Người khai hoa cho dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường đậu khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (năm 1712), đời Lê Dụ Tông.
Nguyễn Trọng Thường (1681 - 1735) người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương. Ông sinh ra trong gia đình quan lại, cha là Nguyễn Trọng Tuyền, người có tài năng đức độ, có nhiều công lao với triều đình Lê Trung Hưng thời Vĩnh Thịnh (1709 - 1719). Nguyễn Trọng Tuyền làm quan đến chức Viên ngoại lang bộ lại, phong Tham nghị xứ Lạng Sơn, tước Nam. Khi còn nhỏ, Nguyễn Trọng Thường thiên tư đặc biệt tinh anh, sớm thành hiển đạt, luôn chăm lo việc học hành khoa cử. Năm 19 tuổi, ông được mệnh danh là một trong tứ hổ của đất Tràng An cùng với Nguyễn Chương, Đậu Minh, Lê Đăng(1). Năm 22 tuổi, Nguyễn Trọng Thường đậu Hương Tiến. Năm 32 tuổi, khoa thi Nhâm Thìn năm 1712 ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, đứng thứ 6 trong 16 người đỗ Đệ tam giáp. Tại khoa thi này không có Đệ nhất giáp, chỉ lấy duy nhất một Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân là Nguyễn Duy Đôn, người xã Cao Lâm, huyện Minh Sơn. Tên tuổi của Nguyễn Trọng Thường được ghi trong văn bia đề danh Tiến sĩ Khoa Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 năm 1712 đời vua Lê Dụ Tông.
Nguyễn Trọng Đương/Đang (1724 - 1786) là con trai thứ của Nguyễn Trọng Thường, sinh ra trong một gia đình bố là Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Từ nhỏ đã rất thông minh đến khi trưởng thành ông luôn chuyên lo việc học hành. Năm 24 tuổi lĩnh Hương tiến. Năm 46 tuổi, Nguyễn Trọng Đương đi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769), đời Lê Hiến Tông. Tên tuổi ông được khắc vào bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 năm 1769, dựng tại Văn Miếu. Khoa thi này lấy đậu một Tiến sĩ xuất thân Đệ nhị giáp và 8 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, ông đứng thứ 8. Nội dung văn bia về Nguyễn Trọng Đương như sau: “Nguyễn Trọng Đương người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay thuộc tỉnh Nghệ An), Thiêm tri Hình phiên, Tri phủ”(2).
Nguyễn Trọng Đường (Nguyễn Đường) (1746 - 1811) là cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, là người thông minh từ nhỏ. Năm 34 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân Thịnh khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Canh Hưng 40 năm 1779, đời Lê Hiển Tông. Khoa thi Kỷ Hợi lấy đỗ 2 Đệ nhị giáp xuất thân và 13 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. 
Tên tuổi ông được ghi vào văn bia đề danh Tiến sĩ “Nguyễn Đường người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương Phủ Đức Quang Trấn Nghệ An, đỗ Tứ trọng, Huấn đạo, Ứng Chế đỗ thứ hai, Thế Khoa chú cháu đồng triều, thi đỗ năm 34 tuổi”.
Dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần với ba vị đậu đại khoa Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường trong mối quan hệ dòng tộc là cha, con, ông, cháu. Cả ba thế hệ liên tiếp đều đỗ Đệ tam giác đồng tiến sĩ xuất thân là một trong những trường hợp đặc biệt, hiếm có trong lịch sử trung đại Việt Nam. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường là người khai hoa cho dòng họ khoa bảng đất Trung Cần, mở ra truyền thống khoa bảng vẻ vang cho dòng họ Nguyễn Trọng không chỉ trong giai đoạn lịch sử thời bấy giờ mà còn lưu truyền mãi đến ngày nay.
Không chỉ lừng danh về khoa bảng, mà các vị đậu Đại khoa của dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần đã trở thành những vị quan tài năng, hết lòng phò vua trên nhiều lĩnh vực, đó là: 
* Làm quan gánh vác công việc triều đình
Nguyễn Trọng Thường sau khi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 năm 1712, ông nhậm chức Cẩn sự lang Giám sát ngự sử đạo Hưng Hóa. Hai năm sau được thăng làm Mậu lâm lang Thành hình Hiến sát sứ ty Hiến sát xứ Lạng Sơn. Năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716), thăng Tiến công thứ lang Công hoa Cấp sự trung. Năm 1720 Vĩnh Thịnh thứ 16 được thăng Mậu lâm lang Đông các hiệu thư.
Đến năm Thái Bảo thứ 8 năm 1727 thăng Hiển cung đại phu Đông các học sĩ Tu thận thiếu doãn.

Sắc phong cho Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2
Năm Vĩnh Khánh 2 (1730) thăng làm Hoằng tín đại Phu, Thượng bảo Tư Khanh, Tu thận doãn. Đến năm Long Đức 1 (1732) thăng làm Trung trinh đại phu, hàn lâm viên Thừa chỉ, Khuông mỹ doãn. Mùa hạ tháng 4 Giáp Dần niên hiệu Long Đức 3 (1734) được thăng làm Gia hạnh đại phu Hình bộ Hữu thị lang Tư Chính Khánh Hộ bộ Hữu Thị lang(3).
Trong sự nghiệp quan trường, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường đã giữ các chức vụ có vị trí quan trọng trong triều Lê - Trịnh. Trong hơn 20 năm làm quan, ông đã đem hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết giữ gìn phép nước, góp phần quan trọng trong công cuộc kinh bang tế thế.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đương sau khi đăng khoa, ông bước vào con đường quan trường để giúp triều đình trong công việc trị quốc. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu Thảo, Lạp Sơn bá, phụng sai Đốc đồng xứ kinh Bắc, Thị tham chính xứ Thanh Hoa(2). Trong thời kỳ làm quan, ông nổi tiếng là người thanh liêm chính trực, hết lòng vì dân.

Sắc phong cho Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường niên hiệu Thành Thái năm thứ 6
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường là cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, người nối nghiệp khoa bảng, quan trường của ông cha. Sau khi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, ông bước vào sự nghiệp quan trường. Nguyễn Trọng Đường đã được triều đình giao phó: Thanh hình Hiến sát sứ đạo Sơn Nam, sau ông được cử làm Phó sứ cùng Chánh sứ Hoàng Bình Chính, Phó sứ Lê Hữu Dung sang tuế cống nhà Thanh. Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, ông được thăng Thị Chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá, làm đốc đồng Thanh Hoa. Đến năm Gia Long thứ nhất năm 1802, ông được triều đình mời ra làm Kinh Hoa điện Đại học sĩ, bổ chức Đốc học Trấn Sơn Nam Thượng, tước Thanh Ngọc hầu. Trong sự nghiệp làm quan, Nguyễn Trọng Đường đã có nhiều đóng góp cho vương triều Gia Long trong quản lý đất nước.
Nguyễn Trọng Vũ là con trai của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường. Năm 1821, ông được triều đình Huế chọn làm phó đốc học để “làm thầy dạy bảo cho điều lễ nhưỡng thì dễ hóa làm thiện mà thành tài cũng nhiều đó”(4). Đây là chức rất quan trọng, phụ trách việc học tập của cả thành Gia Định. Năm Giáp Thân 1824, vua Minh Mạng cử 2 đoàn sứ thần sang nhà Thanh (Trung Quốc), Nguyễn Trọng Vũ được cử làm phó sứ. Sau khi đi sứ về Nguyễn Trọng Vũ được thăng chức Thiên sự Công bộ. 
Tháng 9/1826, ông được phái đi làm Tham hiệp Sơn Tây, sau đó tiếp tục giữ các chức Tham Hiệp Nam Định, Hiệp trấn Hưng Hóa.
Tháng 11 năm Mậu Tý (1828), triều đình Huế sai sứ sang nhà Thanh để nộp lễ cống nạp, ông được gia hàm Hữu Thị lang Công bộ sung chức làm chánh sứ. Tháng 6 năm 1832, ông được thăng chức Thự Hữu thị lang bộ Binh, đến tháng 4 năm 1833, ông chính thức giữ chức Binh bộ Hữu thị lang và Thự hữu Tham tri bộ binh 
Là người kế tục sự nghiệp quan trường của dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, hơn 12 năm làm quan (từ năm 1821 - 1833) Nguyễn Trọng Vũ được 18 lần thăng chức từ chức Tư vụ ở Vũ Khố - Chánh nhất phẩm đến Thự Hữu thị lang bộ Binh và Thự hữu Tham Tri bộ Binh, Nguyễn Trọng Vũ đã trở thành vị đại thần của triều Nguyễn có nhiều đóng góp lớn cho triều đình trong việc yên dân trị quốc.
Noi gương truyền thống của tổ tiên, dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước đã đóng góp nhiều người con ưu tú, tài năng như nhà văn nhà khoa học, đại tá Nguyễn Trọng Khoát; Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nhưỡng; Nguyễn Trọng Quang, nguyên Cục trưởng cục địa chất… Đặc biệt là đồng chí Trần Quốc Hoàn (tức Nguyễn Trọng Cảnh) một nhà lãnh đạo hơn 30 năm trên cương vị ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hơn 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 28 năm làm Bộ trưởng công an, đồng chí đã đem hết sức lực và trí tuệ cùng với Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Trong hai thế kỷ XVIII - XIX, dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần nối tiếp nhau làm quan từ các trấn đến triều đình. Khảo cứu các đạo sắc phong của triều đình và gia phả của dòng họ đều phản ánh lòng trung quân, ái quốc, tận tụy phục vụ triều đình và chăm lo cuộc sống cho nhân dân, được triều đình đánh giá cao, nhân dân kính trọng.
* Dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần với truyền thống ngoại giao, giữ gìn quốc thể
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam ngoại giao với các triều đại phong kiến Trung Quốc là công việc diễn ra thường xuyên hàng năm. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các sứ thần Việt Nam.
Khảo sát các nguồn tư liệu hiện có, họ Nguyễn Trọng Trung Cần trong quá trình làm quan đều được triều đình tin cậy, giao trọng trách đi sứ nhà Thanh.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường trong khi làm quan được triều đình tin tưởng cử đi sứ nhà Thanh. Ngày 10/10/1734, ông cùng với Nguyễn Tông Quai, Đồng Trung Thư, Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Đăng Cao lên Lạng Sơn nghênh tiếp sứ Trung Quốc sang sách phong cho vua Lê Thuần Tông. Cũng trong năm đó, ông được cử làm chánh sứ cùng phái đoàn sứ bộ sang tuế cống nhà Thanh: “Đời Lê Thuần Tông, năm Long Đức thứ 3 (1734), ông vâng lệnh đi sứ sang nhà Thanh trở về Hán Khẩu thì mất”(5).  Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học, sau khi khảo sát tư liệu của Quốc sử triều Thanh đưa ra kết luận là tháng 9 năm 1736, đoàn sứ Bộ do Nguyễn Trọng Thường dẫn đầu được cử đi với hai nhiệm vụ là báo tang vua Lê Thuần Tông mất và tiến cống sản vật của hai kỳ trước thuộc năm 1732 và 1735. Đến cuối năm 1737 hoặc đầu năm 1738, đoàn sứ của Nguyễn Trọng Thường về nước. Cùng thời gian này triều Thanh đã cử đoàn sứ sang ban bài văn tế vua Lê Thuần Tông và sắc phong lên ngôi cho Lê Ý Tông(6).
Như vậy với vai Chánh sứ của đoàn sứ thần năm 1736 Nguyễn Trọng Thường đã thực hiện thành công nhiệm vụ của một sứ thần được nhà vua giao phó, đồng thời ông là người mở đầu truyền thống ngoại giao xuất sắc của dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đương, con trai thứ của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường. Sau khi đậu Tiến sĩ ông ra làm quan, năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38 (1777) được Tĩnh Vương Trịnh Sâm cử đi sứ sang nhà Thanh. Ý thức rõ trách nhiệm của bề tôi với triều đình, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau khi hoàn thành sứ mệnh trở về Nguyễn Trọng Đương được thăng Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn Bá.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường là cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu Thảo. Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Nguyễn Trọng Đường được cử làm phó sứ cùng Chánh sứ Hoàng Bình Chính và đoàn sứ thần sang tuế cống nhà Thanh. Khi đoàn đi đến Nam Ninh gặp vua nhà Thanh, Nguyễn Trọng Đường vào yết, được vua nhà Thanh đặc ban cho nước ta 4 chữ Nam giao bình hãn (Rường cột của cõi Nam) có đóng dấu ngọc ấn 4 chữ cổ hy thiên tử tức dấu của vua Càn Long.
Trong lần đi sứ này, ông được Hoàng đế nhà Thanh khen ngợi ban cho chức Lưỡng quốc Hàn lâm và bức đại tự với 4 chữ “Tam Thế Sứ Hoa” thêu trên lá cờ bằng gấm nổi danh đất Trung Châu (Trung Quốc).
Nguyễn Trọng Võ - con trai tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường. Là nho sinh được triều Nguyễn triệu vào kinh môn làm quan. Tháng 9 năm 1824, vua Minh Mệnh cử hai đoàn sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), Thự Thiêm sự công bộ, hàn lâm viện Thị độc Học sĩ là Nguyễn Trọng Vũ và tri phủ Thuận An, Thiếu thiêm sự Thiêm sự phủ là Nguyễn Hữu Nhân được sung làm Ất Phó sứ. Đến mùa xuân tháng 3 năm Bính Tuất (1826), cả hai đoàn sứ thần đem theo sách “Đài Quy” dâng lên vua Minh Mệnh, xem xong vua dụ bảo cho triều đình “nên xét rõ sách này, chước lượng mà làm”(6). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi sứ nhà Thanh trở về, xét công lao của Phó sứ Nguyễn Trọng Vũ, nhà vua thăng chức Thiêm sự Công bộ, sự kiện này diễn ra vào tháng 7 năm 1826.
Tháng 11 năm Mậu Tý (1828), triều đình Huế lại cử sứ sang nhà Thanh để nộp lễ cống của hai năm Đinh Hợi (1827) và Kỷ Sửu (1829). Hiệp trấn Hưng Hóa là Nguyễn Trọng Vũ được bổ sung hàm Hữu Thị lang Công bộ sung chức Chánh sứ.
Trong hơn 12 năm làm quan, tuy không bằng phẳng, rất lắm chông gai, Nguyễn Trọng Vũ đã trở thành một vị đại thần của triều Nguyễn. Đặc biệt trong thời gian đó, ông đã được nhà vua tin tưởng giao cho trọng trách 2 lần đi sứ nhà Thanh. Lần thứ nhất giữ trọng trách Giáp phó sứ, lần thứ hai giữ trọng trách Chánh sứ. Cả hai lần đều hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần không chỉ lừng danh về truyền thống khoa bảng, làm quan mà còn là dòng họ có những đóng góp quan trọng cho đất nước trên lĩnh vực ngoại giao.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường với vai trò Chánh sứ của đoàn sứ thần năm 1736 đã làm tròn việc “toàn quân mệnh”, không làm “nhục mệnh vua” của sứ thần trong giai đoạn biến chuyển của vương triều. Sự kiện đó đã khẳng định Nguyễn Trọng Thường là người mở đầu cho truyền thống ngoại giao xuất sắc của dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần với 4 thế hệ có 5 lần đi sứ. Các đời tiếp theo gồm con trai Nguyễn Trọng Đường, Phó sứ sứ đoàn năm 1777, cháu Nguyễn Trọng Đường phó sứ sứ đoàn 1783 và Nguyễn Trọng Võ con trai Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường hai lần đi sứ, với trọng trách phó sứ sứ đoàn năm 1824 và Chánh sứ sứ đoàn năm 1828, đã trở thành dòng họ hiếm có trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời trung đại.
* Một dòng họ có nhiều công lao bảo vệ biên cương Tổ quốc
Mở đầu cho sự nghiệp bảo vệ biên cương của Tổ quốc là Nguyễn Trọng Tuyền thân sinh của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường. Ông là người tài năng đức độ, có nhiều công lao với triều đình Lê Trung Hưng. Thời Vĩnh Thịnh (1706 - 1714) làm quan đến chức Viên ngoại lang bộ Lại, phong Tham nghị xứ Lạng Sơn, tước Nam. Khi làm Tham nghị xứ Lạng Sơn, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tham mưu xây dựng kế sách đảm bảo an ninh trật tự, ổn định đời sống của nhân dân vùng biên cương Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc của đất nước thời bấy giờ.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường trong hơn 20 năm làm quan đã được triều định ban cho 8 đạo sắc phong, trong đó có sắc phong cử ông giữ chức quan ở biên giới đạo Hưng Hóa và xứ Lạng Sơn.
Sắc cho Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712), thưởng bốn tư là Nguyễn Trọng Thường. Do phụng chí của Nguyên soái Thống quốc Chính An Đô vương chuẩn cho nhậm chức tiến triều làm việc; triều thần có nghị bàn trao cho nhậm chức Giám sát Ngự sử đáng là Cẩn sự lang Giám sát Ngự sử đạo Hưng Hóa, bậc Hạ liên. Vậy nên ban sắc 
Ngày 21/10 năm Vĩnh Thịnh 8 (1712) 
Sắc cho Cẩn lang Giám sát ngự sử, hạ liên của đạo Hưng Hóa là Nguyễn Trọng Thường. Do nhậm chức làm tốt công việc, phụng chỉ của Đại nguyên soái thống quốc Chính Thượng sư An Vương, triều thần có nghị bàn, nên thăng chức Hiến sát sứ, đáng là Mậu lâm lang Thanh hiền hiến sát sứ ty Hiến sát sứ xứ Lạng Sơn, bậc hạ trật. Vậy nên ban sắc. 
Ngày 18/12 năm Vĩnh Thịnh 10 (1714)(7).
Qua hai sắc phong trên, chúng ta thấy Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường rất được triều đình tín nhiệm cử giữ các chức quan trọng là Cẩn sự lang đạo Hưng Hóa và Hiến sát sứ xứ Lạng Sơn. Đây là 2 vùng đất rất quan trọng ở biên giới Tây Bắc và Đông Bắc nước ta với Trung Quốc và Lào thời bấy giờ. Thực hiện nhiệm vụ của triều đình, Nguyễn Trọng Thường đã hoàn thành xuất sắc, giữ yên vùng biên giới của đất nước để nhân dân chăm lo làm ăn. Qua khảo sát các tài liệu lịch sử, văn hóa Nguyễn Trọng Thường được nhân dân ca ngợi tài năng đức độ, yêu mến, tín nhiệm khi làm quan ở các vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Nguyễn Trọng Đương làm quan đến chức Hàn lâm hiệu lý, sau khi hoàn thành trọng trách làm Phó sứ sang nhà Thanh vào năm 1761 trở về được thăng Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá. Khi làm Đốc Trấn Lạng Sơn vào năm 1785, ông tổ chức trùng tu xây dựng lại đài Ngưỡng Đức, đây là công trình làm nơi dừng chân và đón tiếp các sứ đoàn nước ta đi sứ sang Trung Quốc và trở thành cột mốc biên giới giữa nước ta và Trung Quốc. Ông cũng cho dựng bia ghi dấu và soạn bài văn bia Tràng tu quan Thượng Ngưỡng đức đài bi ký.
Sách Thanh Chương huyện chí có ghi “Năm Canh Tý 1780, Đốc trấn Lạng Sơn. Ở đây công việc trôi chảy, được dân mến mộ lập đền thờ sống ông. Có bức trướng ca ngợi: Phượng bút tế mỹ, khắc triều tiền nhân, quyết đức nhược công, đương tất hữu bảo thế nhi tư nhân giả hồ! Nghi hồ đình tiền quế thụ, bất cận tàm hòe ngũ quế kỷ dã. Hựu viết: Hạnh ngô công nhu viễn năng nhĩ , tri tứ phương chi dân, tụ tứ phương chi hóa, giao dịch nhi thoái, các đắc sơ kỳ. Phi thị dân như tử, kiến công như kiến phụ mẫu dã.
Nghĩa là: Bút phượng tốt đẹp, nối nghiệp tiền nhân, sáng đức như ông, tất đời được bảo hộ, mọi người được thấm ơn ông. Xứng đáng là những cây hòe, cây quế trước sân. Lại có câu: May được gặp ông khiến cho kẻ xa quỵ phục về gần, làm yên dân tứ phương, tụ hợp hàng hóa tứ phương, trao đổi với nhau ai về chốn nấy. Phải chăng là ông coi dân như con, và dân gặp ông như gặp được mẹ vậy. Lại có câu ca ngợi công đức của ông: Danh vang Bắc Đẩu, đức trứ Nam Bang, cái Trung Châu bát dã (Tiếng tăm như sao Bắc Đẩu, đức lớn rạng trời Nam, ngọn bút trùm đất Trung Châu(8).
Nguyễn Trọng Đường là cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường. Ông làm quan được triều đình cử đi sứ sang nhà Thanh năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Sau khi trở về ông được thăng Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước chi phong bá. Hiện nay, dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần còn lưu giữ một đạo sắc phong năm Thành Thái thứ nhất (1894) ban cho Tiến sĩ, khâm, Lạng Sơn đốc trấn Nguyễn Công truy tặng Đoan túc Dực bảo trung hưng chi thần: 
“Sắc Nghệ An tỉnh, Thanh Chương huyện, Trung Cần xã phụng sự Tiến sĩ, Khâm sai, Lạng Sơn Đốc trấn Nguyễn tướng Công chi thần. Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, diến niệm thần hưu trứ phong vi Đoan Túc Dực bảo trung hưng chi thần. Chuẩn nhưng cửu phụng sự Thần kỳ tương hữu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Thành Thái lục niên cứu nguyệt nhị thập ngũ nhật”
Dịch nghĩa: 
“Sắc ban cho xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phụng thờ vị thần Tiến sĩ khâm sai làm Đốc trấn Lạng Sơn Nguyễn Tướng Công. Thần bảo vệ đất nước, che chở muôn dân, tỏ rõ linh ứng, nhưng từ trước tới nay chưa được dự phong. Nay trẫm nối mệnh lớn, nhớ đến ơn thần, nên phong cho thần là Đoan Túc Dực bảo trung hưng chi thần. Vẫn phép phụng thờ thần như cũ. Thần hãy giúp đỡ, che chở dân ta. Hãy kính lấy!
Ngày 25 tháng 9 niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894)”(9)
Trong lịch sử các vương triều phong kiến, hiếm có một dòng họ mà 3 thế hệ có 4 người cùng được triều đình cử làm mệnh quan ở biên giới Lạng Sơn, Hưng Hóa; Đó là Nguyễn Trọng Tuyển và 3 Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường. Trong thời gian giữ chức cả 4 vị quan đều mang hết tài năng quản lý, bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc; 
Đồng thời quan tâm đến người dân, được nhân dân hết lòng ca ngợi tài năng, đức độ.
Dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần là một trong những dòng họ đặc biệt của xứ Nghệ. Dòng họ có 3 thế hệ liên tiếp đậu đại khoa, tạo dựng nên truyền thống khoa bảng của Trung Cần nói riêng, Nghệ An nói chung. Dòng họ liên tiếp có 5 thế hệ làm quan luôn giữ tư tưởng trung quân và thân dân, được triều đình khâm phục, nhân dân kính trọng. Dòng họ có 4 thế hệ 5 lần đi sứ, làm tròn “Toàn quân mệnh” không làm “nhục mệnh vua” . Dòng họ có 4 thế hệ được triều đình tin tưởng cử làm quan mệnh biên giới, đã bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của đất nước. Đó là những cống hiến to lớn của dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần đối với quê hương đất nước, và là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của dòng họ mà cả quê hương Nghệ An./.
Chú thích
1.  Bùi Dương Lịch - Thanh Chương huyện Chí, Nxb Nghệ An , năm 2008, tr.67.
2. Viện nghiên cứu Hán Nôm, Bia văn miếu Hà Nội, Nxb Thế Giới Hà Nội 1997, tr.50.
3 . Theo Đỗ Văn Ninh - Từ điển quan chức Việt Nam - Nxb Thanh Niên 2006 - Trang 386: Hộ Bộ Hữu thị lang: Chức quan đứng dưới Thượng thư và Tham tri. Có Tả, Hữu 2 người: Trật Chánh tam phẩm.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục, tập 2 - Nxb Giáo dục Hà Nội ; tr. 124.
5. Bùi Dương Lịch - Nghệ An ký, NXB Khoa học xã hội, HN 1993, tr. 291 - 292.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục, tập II - NXB Giáo dục - Hà Nội, 2004, tr. 498.
7. Sắc phong lưu giữ tại dòng họ.
8. Bùi Dương Lịch - bản dịch bài văn chất: Thanh Chương huyện chí - In trong Thanh Chương Xưa và Nay - Nxb Khoa học Xã hội - Hà Nội 2010.
9.  Sắc phong lưu tại dòng họ.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 11 - Nxb Giáp dục, HN 2007.
2. Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nguyễn Thị Thảo dịch - Nxb KHXH - HN 1983;
3. Bùi Dương Lịch, Thanh Chương huyện chí, Bùi Văn Chất dịch - Nxb Nghệ An 2008;
4. Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Nghệ An), tập I, Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - HN 2012;
5. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IVB- Nxb Thuận Hóa, 2007;
6. Ninh Viết Giao , Từ điển nhân vật xứ Nghệ - NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2008
7. Ninh Viết Giao - Trần Thanh Tâm, Nam Đàn quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh - Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005.
8. Đào Tam Tĩnh, Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919) - Nghệ An, 2005;
9. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919), Nxb Văn học, 1993.
10. Viện Sử học - Sở VH-TT và Du lịch Nghệ An - Hội đồng gia tộc học Nguyễn Trọng kỷ yếu Hội thảo khoa học: Truyền thống văn hóa - Khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng , Trung Cần - Nxb Hồng Đức, 2015.



Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây