“Hịt bàn, khoong mương”

Thứ sáu - 12/01/2024 04:21 0
1.2. Khái niệm
1.1.1. Lệ (d) “Điều quy định có từ lâu đã trở thành nền nếp, mọi người cứ theo thế mà làm” (2). 
1.1.2. Luật (d) “Những điều quy định riêng buộc mọi người phải tuân theo trong một hoạt động nào đó (nói tổng quát)”; “Văn bản do cơ quan quyền lực tối cao ban hành, quy định những phép tắc trong quan hệ xã hội, buộc mọi người phải tuân theo” (3).
Khái niệm “luật, lệ” ở đây đồng nghĩa với khái niệm “luật tục” hay “tập quán pháp”. 
1.1.3. Bản, “Công xã nông thôn Thái, đơn vị cơ sở của xã hội Thái, thường bao gồm từ 3 nóc nhà trở lên. Bản trung bình có từ 10 – 30 nóc. Bản lớn có tới trăm nóc. Mỗi bản có một trưởng bản hay quan bản đứng đầu. Nếu người đó thuộc dòng họ quý tộc thì gọi là tạo bản” (4). 
1.1.4. Mường, có 2 nghĩa: (a) Là vùng đất rộng lớn cư trú một cộng đồng người như Mường Thái, Mường Keo (Kinh), Mường Lào hay là một nước như Mường Hán (Trung Quốc), Mường Việt Nam…; (b) Là khu vực đất đai do một chúa đất cai quản. Khu vực đó xưa có thể tương ứng với một vùng rộng lớn đứng đầu bởi một chảu phen đin; với một châu, một huyện như Mường Lay, Mường Mộc, đứng đầu là một chúa đất lớn (án nha) hay với một xã như Mường Bú đứng đầu là một chúa đất nhỏ (phìa). Có khi khu vực đó chỉ tương ứng với một bản. “Mường” phiên âm chữ Hán là “mạnh” hay “mông”. Mỗi mường thông thường bao gồm một mường chính, trung tâm là chiềng và các mường ngoài. Ví dụ Mường Muổi bao gồm Mường Muổi (mường trung tâm) và bốn mường ngoài: Mường Xại, Mường Piêng, Mường Lầm, Chiềng Pấc và một số lộng. Mỗi mường lại chia ra nhiều xổng bao gồm nhiều bản. Mường nhỏ gọi là lộng. Xưa kia tên mường thường bắt đầu bằng chữ chiềng. Chiềng Vai là Mường Lay; Chiềng Pha là Mường Muổi” (5).         
“Lệ bản” thực thi trong phạm vi Bản. “Luật mường” thực thi trong phạm vi Mường. Nhưng cũng có những trường hợp phức tạp phải vận dụng kết hợp linh hoạt cả hai.
2. Nội dung “Lệ bản, luật mường”
“Lệ bản, luật mường” được lưu hành thành văn (ghi chép) hoặc không thành văn (truyền miệng). Thành văn, “đó là những sách quy định quan hệ giữa người dân và bọn thống trị Thái, những bộ luật, những tập quán pháp của các dân tộc, ghi chép những lệ luật săn bắn, đánh cá, hôn nhân gia đình, ma chay, cưới xin, sinh đẻ, v.v.” (6). Riêng ở Tây Bắc, vào những năm 80 của thế kỷ trước (XX) các nhà sưu tầm, nghiên cứu đã thu thập được 500 văn bản (7). Ở miền Tây Nghệ An, cũng từ thời gian đó đến nay, chúng tôi cũng đã tiến hành tìm hiểu về vấn đề này. Chúng tôi gặp những trường hợp “lệ bản, luật mường” được lưu truyền “không thành văn” nhiều hơn. 
2.1. Ví dụ  
2.1.1. “Luật mường” của người Thái Mai Châu (Hòa Bình) có 17 điều: (I) Luật về việc tranh chấp ruộng (8); (II) Luật dựng vợ, gả chồng; (III) Luật để tang chồng; (IV) Luật bỏ vợ bỏ chồng; (V) Luật vợ chồng cùng bỏ nhau; (VI) Luật “kin xụt phủ tai” (ăn “xụt” (9) người chết); (VII) Luật trâu đánh nhau chết; (VIII) Luật dân chạy đi mường khác; (IX) Luật giết người không được lệnh của Tạo chu (châu); (X) Luật đối với người ăn cắp; (XI) Luật đối với người đánh người; (XII) Luật đối với người chửi cay nghiệt; (XIII) Luật về việc trộm yêu, tức hủ hóa, loạn luân; (XIV) Luật săn sóc vợ chồng khi đau ốm; (XV) Luật nuôi con nuôi; (XVI) Luật về việc Tạo lấy vợ; (XXVII) Luật vê việc Tạo phải vạ (10). 
2.1.2. “Tục lệ” của người Thái ở Thuận Châu (Sơn La) gồm có 14 “khoản”: (1) Về việc tổ chức bộ máy cai trị toàn mường và quyên lợi các chức dịch được hưởng; (2) Về việc lệ xin làm chức dịch; (3) Về việc kiện cáo, phạt vạ; (4) Về việc dân làm nhà, làm ruộng, làm nương cho án nha và các chức dịch; (5) Về việc bắn súng nhầm làm bị thương hay chết người và việc làm cháy nhà; (6) Về việc biếu xén thịt khi săn được thú, khi mổ gia súc; (7) Về việc lấy cuông  nhốc (11) và cuông nhốc đến hầu hạ; (8) Về việc làm chửa hoang; (9) Về việc tổ chức bộ máy cúng tế ở Mường Muổi(12). (10) Về việc cúng tế toàn mường; (11) Về việc cúng tế riêng; (12) Về tục lệ cưới xin của án nha và dòng họ quý tộc; (13) Về tục lệ cưới xin của thường dân; (14) Về tục lệ ma chay (13). 
2.2. Nhận xét
2.2.1. Phạm vi
Ở ví dụ 2.1.1, nếu xét về “phạm vi”, thì các điều (I), (II), (III), (IV), (V), (VI), (VII), (X), (XI), (XII), (XIII), (XIV), (XV) thuộc về phạm vi “Bản”. Các điều (VIII), (IX), (XVI), (XVII) thuộc về phạm vi “Mường” (xếp tương đối). Như vậy, các điều thuộc về Bản nhiều hơn các điều thuộc về Mường. Tỷ lệ 13/4, nghiêng về Bản.
Ở ví dụ 2.1.2, các khoản (5), (6), (8), (11), (13), (14) thuộc phạm vi “Bản”. Các khoản (1), (2), (3), (4), (7), (9), (10), (12) thuộc phạm vi “Mường”. Tỷ lệ 6/8, nghiêng về Mường.
2.2.2. Quan hệ
Ở ví dụ 2.1.1, các điều (I), (VI), (VII), (X), thuộc quan hệ kinh tế. Các điều (II), (III), (V), (VIII), (IX), (XI), (XII), (XIII), (XIV), (XV), (XVI), (XVII) thuộc quan hệ xã hội. Tỷ lệ 4/12, nghiêng về quan hệ xã hội. 
Ở ví dụ 2.1.2, các khoản (4), (6), (7), thuộc quan hệ kinh tế. Các khoản (1), (2), (3), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), thuộc quan hệ xã hội. Tỷ lệ 3/10, nghiêng về quan hệ xã hội.   
2.2.3. Khái quát
“Lệ bản, luật mường” có nhiều điều, khoản mang tính khái quát cao. “Khái quát” để bao trùm cho được các vụ, việc, trường hợp, v.v. trong đời sống xã hội Bản Mường. “Khái quát”, không nên dài dòng, mà phải ngắn gọn, đủ ý, rõ ràng, dễ nhớ để mọi người thực hiện, làm theo. Trong ví dụ 2.1.1, điều (IV) “Luật bỏ vợ, bỏ chồng” ghi: “Gái bỏ trai, một đền hai; trai bỏ gái, mất không của” (Nhình thiêng chài, một phang xong; chài thiêng nhình, xia khòng đai đọc). “Một đền hai” và “của” ở đây là bạc nén nhà trai bỏ ra mua “đầu người con gái” (ca hua). Hay như ở miền Tây Nghệ An xử việc ngoại tình, thì: “Lợn ba, rượu khiêng” (Mú xám, hám lầu). Người đàn ông ngoại tình phải làm lễ “buộc vía” cho chồng của người đàn bà đã ăn nằm với mình. “Lợn ba” là lợn to khoảng 30 – 40 kg. Người ta lấy giây vòng qua ức lợn, gấp đôi lại, đo cho được “3 nắm tay”. Chum rượu phải to, nặng, hai người khiêng mới nổi. Loại nhẹ 1 người vác thì không được. Làm lễ “buộc vía” xong, chiêu đãi cả Bản ăn uống.         
2.2.4. Cụ thể
“Lệ bản, luật mường” cụ thể thì mới dễ xử, dễ thực hiện. Trong ví dụ 2.1.1, điều XIII “Luật về việc trộm yêu (lặc mặc), tức hủ hóa, loạn luân”, nêu tội và hình thức phạt (tiền, lợn, rượu) tương ứng. Có 2 nhóm tội: (1) Trêu ghẹo vợ hay chồng người ta; (2) Trai ép gái hoặc gái ép trai. Trong nhóm 2 lại chia nhỏ thành: (một) Loạn luân với người trong họ còn con gái, chưa để có mang; (hai) Loạn luân với người trong họ còn con gái, để có mang; (ba) Hủ hóa với vợ Tạo, loạn luân với người trong họ đã có chồng; (bốn) Hủ hóa với vợ Tạo, loạn luân với người trong họ còn chồng, rủ nhau đi trốn; (năm) Hủ hóa với vợ Tạo góa và loạn luân với gái góa người trong họ. (sáu) Hủ hóa với vợ góa Tạo và loạn luân với gái góa người trong họ có mang; (bảy) Hủ hóa với người khác họ: Trộm yêu với gái tân thì không phải phạt; trộm yêu với gái tân mà rủ nhau trốn đi; trộm yêu gái tân để có mang; trộm yêu con gái đã có người hỏi; trộm yêu con gái đã có người hỏi và rủ nhau trốn đi; trộm yêu con gái đã có người hỏi và để có mang; trộm yêu gái đã có chồng mà chồng còn sống; trộm yêu gái đã có chồng, còn sống, lại rủ nhau trốn đi; trộm yêu gái góa; trộm yêu gái góa mà để có mang (14). Dưới những mục “nhỏ” này lại còn nêu thêm những trường hợp cụ thể hơn nữa.    
3. Kết luận
“Lệ bản, luật mường” vừa khái quát, vừa cụ thể; lời lẽ dễ hiểu, dễ nhớ. Chú ý đến cơ sở (bản) hơn (mường), nhằm quản lý con người chặt chẽ, hiệu quả hơn. Chú ý đến quan hệ xã hội hơn quan hệ kinh tế, vì xã hội Thái trước đây thuần nông, các ngành nghề chưa phát triển lắm. Ngày nay “hương ước” đã thay cho “Lệ bản, luật mường” ở cơ sở. Nhưng cần phải bảo tồn và phát huy những yếu tố tích cực trong “Lệ bản, luật mường”, để mọi người “học tập và làm theo pháp luật của nhà nước” tốt hơn. 
Chú thích
(1). Trước Cách mạng tháng Tám 1945.
(2). Hoàng Phê (chủ biên) (1997), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, tr. 541. 
(3). Hoàng Phê, Sđd, tr. 570.
(4). Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên), Cầm Trọng, Khà Văn Tiến, Tòng Kim Ân (1997), Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 435 – 436.
(5). Đặng Nghiêm Vạn, Sđd, tr. 461.
(6). Đặng Nghiêm Vạn, Sđd, tr. 12.
(7). Đặng Nghiêm Vạn, Sđd, tr. 15.
(8). Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng (1999), Luật tục Thái ở Việt Nam (tập quán pháp), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 46 có chỉnh lý điều (I) là: “Luật tranh chấp ruộng và nguồn nước”. 
(9). Thừa kế.
(10). Đặng Nghiêm Vạn, Sđd, tr. 199 – 341. 
(11). Dân cày phục dịch trong nhà chúa, phụ thuộc vào nhà chúa.
(12). Thuộc Sơn La
(13). Đặng Nghiêm Vạn, Sđd, tr. 345.
(14). Đặng Nghiêm Vạn, Sđd, tr. 317 - 338.
Tài liệu tham khảo
(1). Nguyễn Thị Quế Loan, “Luật tục của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc”, Việt Nam học - Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ tư, tr. 262.
(2). Ân Thị Thìn, “Vai trò của luật tục các dân tộc thiểu số trong tự quản cộng đồng”/ quangninh.gov.vn/bannganh/ bandantoc/ trang/chitiettintuc. aspx?nid=1987/ đăng nhập ngày 08/07/2022; 08:22.
(3). Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng (1999), Luật tục Thái ở Việt Nam (tập quán pháp), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
(4). Từ điển Luật học (1999), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr. 296.



Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây