Phát triển Dược liệu ở vùng Tây Nam Nghệ An - tiềm năng, lợi thế và giải pháp phát triển

Thứ tư - 10/01/2024 04:21 0
1. Tiềm năng
Về địa hình, đây là vùng bị chia cắt mạnh bởi hệ thống các phụ lưu sông Lam. Cả 5 huyện đều có các đỉnh núi cao trên 1000 m mà cao nhất là đỉnh Pu xai lai leng (Kỳ Sơn) với độ cao 2720 m. Về thổ nhưỡng, đây cũng là vùng có tính đa dạng: đất phù sa bãi bồi ven sông, đất vàng, dất feralite,..
Về khí hậu, chịu ảnh hưởng chế độ gió mùa như Nghệ An, tuy nhiên, vùng Tây Nam có nhiều vùng có tiểu vùng khí hậu khác biệt do có độ cao so với mực nước biển lớn, như Na Ngoi, Mường Lống (Kỹ Sơn), Tam Hợp (Tương Dương), Cao Vều (Anh Sơn)... 
Từ đặc tính đó, cho nên vùng Tây Nam Nghệ An có đa dang sinh học rất phong phú. Chỉ riêng Vườn Quốc gia Pù Mát, qua kết quả nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế, hiện tại đã xác định được 2.494 loài thực vật, 931 chi thuộc 202 họ, có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt; chiếm 2,81% tổng số loài của khu hệ. Trong đó có gần 1000 loài dược liệu với loài quý như: Sâm Puxailaileng (Tam thất hoang lá tròn), Hà Thủ ô đỏ, Sâm bảy lá một hoa, Trà Hoa vàng, Lan Kim tuyến, Sâm Thổ Hào, Đảng sâm, Nấm Linh chi đỏ,.. 
Có thể nói, vùng Tây Nam rất có nhiều tiềm năng phát triển dược liệu với quy mô lớn và phong phú.
2. Lợi thế
- Đây là vùng có tuyến đường Quốc lộ 7 xuyên sang Lào, có thể kết nối với tỉnh Xiêng Khoảng cũng là nơi có tiềm năng và lợi thế phát triển dược liệu, có đường Hồ Chí Minh đi qua 2/5 huyện trong vùng, có sông Lam chảy qua cả 5 huyện. Trong quy hoạch, sắp tới đường cao tốc Hà Nội - Viên Chăn cũng đi qua vùng kết nối với Lào qua cửa khẩu Thanh Thủy.
- Đây cũng là vùng có đa dạng văn hóa dân tộc với tri thức bản địa rất phong phú, đặc biệt là cách nhận biết, khai thác, trồng và sử dụng dược liệu. 
- Trong thời gian qua, ngành Khoa học và công nghệ Nghệ An đã triển khai hỗ trợ nhiều dự án trồng, chế biến dược liệu trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho sự kế thừa của những năm tới như: Sâm Puxailaileng, Bảy lá một hoa, Tam thất bắc, Đương quy, Đảng sâm, Jacoon, Gừng, Giảo cổ lam, Hoài Sơn, Mướp đắng rừng, Bobo... (Kỳ Sơn), Ba Kích, Khôi tía, Trà Hoa vàng, Tràm 5 gân, Nghệ đỏ,... (Tương Dương), Cà gai leo, Dây thìa canh, Đinh lăng, Sa nhân tím, Sâm cát... (Con Cuông), Xạ đen, Sâm Thổ Hào.. (Thanh Chương)... 
- Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm về tìm hiểu khảo sát và đầu tư ở trong vùng như Công ty dược liệu Pù Mát, Tập doàn TH và nhiều doanh nghiệp khác cũng cam kết đầu tư như tập đoàn Thiên Minh Đức,.. Công ty Dược và VTYT Nghệ An đang xây dựng nhà máy Dược tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Hơn nữa, đây là điểm đứng chân của Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát, một đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học sẽ là nơi bảo tồn, di thực, khảo nghiệm và sản xuất giống dược liệu, từ đó kết nối với các doanh nghiệp, các Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện và các Ban quan lý rừng phòng hộ các huyện để hỗ trợ nông dân. 
Vườn canh tác cây trồng hữu cơ Công ty TH

- Cuối cùng là ngoài nguồn kinh phí lồng ghép ở các Chương trình 30A, nông thôn mới, thì gần đây Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển dân tộc, miền núi dành riêng một dự án chuyên đề phát triển dược liệu (giai đoạn đầu chọn Kỳ Sơn). Đây là những thuận lợi để vùng phát triển.
3. Cơ hội
- Trong vòng hai thập kỉ gần đây, xu hướng quay lại sử dụng các sản phẩm thuốc có nguồn gốc thảo dược để phòng và trị bệnh trở nên phổ biến. Theo ước tính, 70% dân số toàn cầu vẫn sử dụng thuốc từ dược liệu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng. Thuốc từ dược liệu được sử dụng không chỉ các nước Á Đông mà còn được tiêu thụ một lượng khá lớn ở các nước Phương Tây. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển thì một phần tư số thuốc kê trong các đơn có chứa hoạt chất từ dược liệu. Tại Mĩ năm 1980 giá trị số thuốc đó lên tới 8 tỉ đô la, tại thị trường Châu Âu lượng thuốc đông dược tiêu thụ cũng lên tới 2,3 tỉ đô la. Tại Trung Quốc, đông dược chiếm khoảng 30% lượng dược phẩm tiêu thụ, doanh số đông dược sản xuất tại Trung Quốc để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu năm 2003 ước đạt 20 tỉ đô la. Tại Nhật Bản, đông dược được sử dụng rộng rãi, với doanh số khoảng 1 tỉ đô la mỗi năm. Các nước Đông Nam Á khác đều có tỉ lệ sử dụng đông dược đáng kể trong cộng đồng và hệ thống y tế. Ở Việt Nam nhu cầu trong nước và xuất khẩu hàng năm cũng cần đến trên 50.000 tấn dược liệu các loại. Đây là một thị trường rất lớn. Trong khi đó Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào khu vực và thế giới, nhất là đã ký nhiều FTA thế hệ mới với nhiều quốc gia trên thế giới.
- Ngày nay, với những kỹ thuật sàng lọc hoạt tính sinh học, hóa tổ hợp mới, hiện đại, với tốc độ nhanh, lượng mẫu nhỏ, việc phát hiện các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học mới là rất có triển vọng và ngày càng phát triển. Cho đến nay đã có trên 4.000 bằng sáng chế về thuốc đông dược của Trung Quốc được đăng kí, với 40 dạng bào chế khác nhau, được sản xuất ở 684 nhà máy chuyên về đông dược. Nhật Bản là nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu các hợp chất có tác dụng sinh học từ cây thuốc, chiếm 60% bằng phát minh trên thế giới về lĩnh vực này trong 5 năm (1990 - 1995). Trong giai đoạn 2000 - 2005 các công ty dược phẩm đa quốc gia đã có 23 thuốc mới từ nguồn gốc tự nhiên được phép đưa ra thị trường để điều trị bệnh ung thư, bệnh thần kinh, bệnh nhiễm trùng, bệnh tim mạch, các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, chống viêm… 
- Việt Nam đã có chương trình phát triển dược liệu và công nghiệp dược từ khá lâu, và gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 376/QĐ-TTt/2021 về Chương trình phát triển công nghiệp dược và dược liệu Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó đưa ra mục tiêu:
+ Đến năm 2025:
- Thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.
- Xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 02 - 05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 01 - 02 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
+ Đến năm 2030:
- Thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020, phát triển được 10 - 15 dược liệu di thực đáp ứng nhu cầu trong nước. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15 giống cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn.
- Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.
- Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 01 tỷ USD.
c) Đến năm 2045: Việt Nam có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.
- Nghệ An đã ban hành Quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030 tại quyết định 1187/QĐ- UBND/2018.
- Với tốc độ phát triển KH&CN ngày càng nhanh cho phép lợi nhuận thu được từ trồng dược liệu ngày càng cao và vượt trội so với canh tác các cây lương thực, cây lâm nghiệp truyền thống.
- Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Lâm nghiệp trong đó quy định rõ về canh tác nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ, du lịch sinh thái dưới tán rừng.
4. Khó khăn và thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, lợi thế và cơ hội đã nêu ở trên, để phát triển dược liệu Nghệ An nói chúng và vùng Tây Nam nói riêng vẫn gặp khá nhiều khó khăn và bất lợi:
- Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song đến nay, giá giống cây dược liệu vẫn còn cao hơn nhiều so với cây lâm nghiệp. Hiện mới chỉ có Trung tâm ứng dụng KHCN đang triển khai cũng như phối hợp với Vườn Quốc gia, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
- Đang còn nhiều quy trình canh tác cây dược liệu chưa được chuẩn hóa để đạt chuẩn GACP. Đang thiếu nhiều đội ngũ cán bộ kỹ thuật am hiểu về kỹ thuật sản xuất giống và canh tác cây dược liệu.
- Mặc dù giao thông đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên vẫn còn nhiều xã, bản làng giao thông còn khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận chuyển sản phẩm (đáp ứng yêu cầu chất lượng).
- Diện tích đất lâm nghiệp vùng Tây Nam rất lớn, nhưng đang có một thực trạng là dân lại đang thiếu đất sản xuất. Cây dược liệu có thể trồng dưới tán rừng nhưng quá trình giao đất, giao rừng cho nhân dân lại đang chậm tiến độ.
- Mặc dù phát triển cây dược liệu rất mới với người dân, có tính đặc thù, nhưng hiện nay tỉnh vẫn chưa có chính sách dành riêng cho nó. Cho nên hiện nay việc trồng vẫn đang ở dạng mô hình là chính.
- Nghệ An chưa có doanh nghiệp lớn về chế biến đông dược để dẫn dắt chuỗi giá trị dược liệu (mới chỉ có vài doanh nghiệp khởi nghiệp đang sản xuất như Pù Mát, Hà Duy Minh…; một số sản phẩm của tập doàn TH, TMĐ sản xuất, và Cty CP dược và vật tư y tế đang xây dựng nhà máy dược).
5. Một số đề xuất giải pháp
Tại Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa; tăng khả năng chống chịu trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” trong đó “phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ các bon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu”.
Để phát triển dược liệu ở vùng Tây Nam Nghệ An nhằm phát huy được tiềm năng và lợi thế của vùng, xin được đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
- Trên cơ sở Quy hoạch phát triển dược liệu đã được phê duyệt, đề nghị ngành Nông nghiệp xây dựng đề án/chương trình phát triển dược liệu Nghệ An đến năm 2030 (có thể điều chỉnh một số vấn đề trong quy hoạch cho phù hợp với thực tế hiện nay). Để trên cơ sở đó, các huyện triển khai xây dựng kế hoạch trên địa bàn mình.
- Trong thời gian từ nay đến 2030, ưu tiên tập trung phát triển trên địa bàn 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương nhằm tranh thủ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia (CT dân tộc miền núi và CT 30A). Trong đó ưu tiên các giống cây dược liệu đã được khảo nghiệm trên địa bàn và đang có thị trường như: Đảng sâm (sâm dây), Đương quy, Sâm khoai (Yacon), Tam thất Bắc, Bảy lá một hoa, Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh, Sâm Puxailaileng), Hoài Sơn, Giảo cổ lam, Khôi tía, Chè dây, Gừng Kỳ Sơn, Nghệ đỏ, Ba kích tím, Bo bo, Sa nhân tím, Mướp đắng rừng, Hà thủ ô đỏ, Trà hoa vàng...
- Đối với các huyện còn lại, triển khai những đối tượng đã khảo nghiệm và đã có thị trường như: Cà gai leo, Dây thìa canh, Đinh lăng lá nhỏ, Sâm cát, Sa nhân tím, Khôi tía, Giảo cổ lam, Mướp đắng rừng, Xạ đen, Sâm Thổ hào, Sắn dây, Sâm cau tiên mao, Sâm cau đỏ (Bồng bồng)... và các loài lấy tinh dầu như Bạc hà, Sả, Tràm năm gân, Ba chạc, Ngải cứu, Diếp cá tím,..
- Tiếp tục triển khai khảo sát, phân tích chất lượng và khảo nghiệm một số loài dược liệu trên cơ sở nghiên cứu của chương trình bảo tồn khai thác và phát triển Quỹ gen như: cây Huyết đằng, Bình vôi, Ý dỹ, Hoàng tinh vòng, Tục đoạn, Gừng tím, Khúc khắc...ở các bình độ và vùng tiểu khí hậu khác nhau.
- Hình thành vườn bảo tồn/bảo tàng cây dược liệu tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Tổ chức xây dựng Trung tâm sản xuất giống dược liệu tại Trung tâm ứng dụng KHCN và tại Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn, Lâm trường và các Ban quản lý rừng phòng hộ để chủ động cung cấp giống cho dân trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ và xây dựng vườn cây bố mẹ, tùy thuộc vào đặc điểm sinh học của từng loài để bố trí. Tổ chức sản xuất giống theo đặt hàng của các doanh nghiệp và hợp tác xã.
- Tổ chức đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp nhất là cán bộ khuyến nông, cán bộ các Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện và khuyến nông cấp xã, thôn bản về kỹ thuật canh tác, thu hoạch, sơ chế dược liệu theo tiêu chuẩn GACP để hướng dẫn và chuyển tải cho nông dân.
- Để xây dựng chuỗi giá trị dược liệu, trước hết cần hình thành các Hợp tác xã dược liệu tùy thuộc vào phương thức canh tác tập trung hay dưới tán rừng để có cơ cấu tổ chức, định hướng hoạt động cho phù hợp, nhưng quan trọng nhất là để cung ứng giống, tiếp nhận, chỉ đạo kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng, tổ chức thu hoạch, sơ chế và hợp đồng tiêu thụ. Đối với một số sản phẩm đã sẵn có thị trường tiêu thụ, hỗ trợ các HTX đầu tư thiết bị nhỏ sơ chế, chế biến, đóng gói, đăng ký nhãn mác bao bì để bán hàng thông qua chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP ở địa phương.
Khuyến khích, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về lĩnh vực dược liệu, chế biến dược liệu như mô hình Cty dược liệu Pù Mát, Cty Hà Duy Minh, HTX Hương Sơn,... Tiếp tục mở rộng mô hình Công ty nằm trong Hợp tác xã để làm đầu tàu dẫn dắt Hợp tác xã và nông dân.
Song song với các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn, tỉnh cần tập trung thu hút đầu tư có trọng điểm các doanh nghiệp chế biến dược liệu và dược phẩm về đầu tư ở Nghệ An để thúc đẩy ngành dược liệu phát triển. Định hình công năng một số Cụm công nghiệp ở các huyện vùng Tây Nam (như Bãi Xa- Tương Dương, Bông Khê - Con Cuông) dành cho các doanh nghiệp chế biến dược liệu. Đồng thời, trước mắt cần có cơ chế để động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện để các Lâm trường, các Tổng đội TNXP hiện còn trên địa bàn chuyển hướng sang kết hợp phát triển dược liệu (tập trung và dưới tán rừng) từ đó làm đầu mối hợp tác với các doanh nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm.
- Phát huy tối đa tri thức bản địa về trồng dược liệu để kết hợp với kỹ thuật canh tác mới và hỗ trợ thương mại hóa các bài thuốc gia truyền để kích thích nhu cầu dược liệu. Nghiên cứu các bài thuốc, các đánh giá dược tính các vị thuốc thu hái ở vùng núi Nghệ An, cách bào chế trong bộ sách Quỳ viên gia học của danh y Hoàng Nguyên Cát (sống tại Thanh Chương thế kỷ 18) để lựa chọn các loài phù hợp để trồng, để phổ biến các bài thuốc cũng như nghiên cứu chiết xuất dược tính từ cách bào chế ông để lại.
- Thúc đẩy du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để kết hợp quảng bá, giới thiệu và bán dược liệu, sản phẩm chế biến cũng như các bài thuốc cổ truyền.
- Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục coi dược liệu và chế biến dược là lĩnh vực trọng điểm ưu tiên để bố trí kinh phí hợp lý để hỗ trợ sản xuất giống, trồng khảo nghiệm, phân tích dược tính, chế biến, ứng dụng và đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo tồn phát triển nguồn gen... để hỗ trợ chương trình dược liệu. Lưu ý các đề tài/dự án về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực dược liệu, dược phẩm.
- Rà soát lại các chính sách và nguồn lực từ các chương trình hiện có để có sự điều chỉnh, lồng ghép hỗ trợ chương trình dược liệu. Các huyện cần xác định dược liệu là đối tượng chủ lực để có sự chủ động trong sử dụng các nguồn lực (các chương trình mục tiêu, nguồn sự nghiệp kinh tế như khuyến nông, khuyến công...) để hỗ trợ phát triển. Đồng thời, Tỉnh cần ban hành sớm Chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu và chế biến dược trên địa bàn tỉnh, nhất là hỗ trợ xây dựng vườn bố mẹ, sản xuất giống, hỗ trợ giống dược liệu phù hợp với giá thị trường, hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, hỗ trợ chế biến...
- Đẩy nhanh lộ trình giao đất giao rừng cho dân. Tuyên truyền vận động cho dân hiểu về quyền và lợi ích của mô hình kinh tế dưới tán rừng. Đề nghị xem xét xử lý diện tích đất rừng thứ sinh nghèo kiệt gần dân cư để giao cho dân có đất sản xuất.
- Tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để triển khai chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn miền núi dân tộc. Đẩy mạnh thu hút đầu tư và hợp tác các đối tác mạnh về đông dược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
- Đề nghị Bộ GTVT nâng cấp Quốc lộ 7 thành đường cao tốc nhằm thúc đẩy phát triển miền Tây Nghệ An.
Phát triển dược liệu ở vùng miền núi là phát triển kinh tế xanh mà Việt Nam đang hướng tới. Nó không những góp phần chuyển đổi tư duy từ trồng rừng, bảo vệ rừng sang kinh tế rừng, mà còn tạo nên sinh kế mới với mức thu nhập khác biệt. Với tiềm năng, lợi thế hiện có, hy vọng rằng các huyện miền Tây Nam nói riêng, vùng miền Tây Nghệ nói chung sẽ biến cái bất lợi truyền thống thành cái cơ hội phát triển mới. Và người dân không những sống được nhờ rừng mà giàu lên từ rừng và trở thành những “LÂM DÂN” thực thụ!

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây