Bàn thêm về Sử liệu chuyến đi sứ nhà Thanh của Nguyễn Trọng Đương

Thứ tư - 10/01/2024 04:21 0
Trước hết, sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) có viết: “Nguyễn Trọng Đương, người xã Trung Cần huyện Thanh Chương - Nay là thôn Trung Cần xã Nam Thanh huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Con Nguyễn Trọng Thường. 46 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý. Đi sứ sang nhà Thanh (1761), trở về thăng Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá. Sau ông được điều vào trấn Thuận Quảng. Khi quân Tây Sơn vây đánh thành Phú Xuân (1786), ông tử trận (6-1786), được truy phong Hữu thị lang, tước hầu”(1). Như vậy theo tập thể sách Các nhà khoa bảng Việt Nam thì thời gian đi sứ của Nguyễn Trọng Đương là năm 1761. Tuy nhiên theo Việt sử thông giám cương mục năm 1761, ghi: “Sứ thần nhà Thanh sang nước ta”(2) mà không thấy nói đến nước ta cử sứ thần đi sứ nhà Thanh. Hơn nữa, năm 1761, chưa đỗ đại khoa nên khả năng Nguyễn Trọng Đương được cử đi sứ nhà Thanh vào năm này là chưa có cơ sở. Đây có thể là thiếu sót trong việc xuất bản.

Tượng đồng ba vị Danh nhân - Tiến sĩ: Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường tại Nhà thờ đại tôn

Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục có ghi khái quát về ông như sau: “Nguyễn Trọng Đương - Người hạt Thanh Chương, làng Trung Cần, thi đỗ 46 tuổi, con ông Trọng Thường, có đi sứ. Cha con đều đăng khoa”(3). Đại Việt lịch triều đăng khoa lục được biên soạn xong vào năm Cảnh Hưng 40 (1779) bởi những bậc đại khoa như Nguyễn Hoàn(4), Vũ Miên(5), Phan Trọng Phiên(6), Uông Sĩ Lãng(7), bởi vậy những thông tin về Nguyễn Trọng Đương là đáng tin cậy. 
Tồn Trai Bùi Dương Lịch trong cuốn sách Nghệ An ký nói rõ thông tin về Nguyễn Trọng Đương như sau: “Nguyễn Trọng Đang(8) người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương. Theo Đăng khoa lục, năm 46 tuổi, ông đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769). Thời ấy Tĩnh Vương Trịnh (Sâm) cầm quyền, ông vâng mệnh đi sứ, làm đến chức Đốc thị Quảng Thuận. Cuộc biến Tây Sơn thành bị hạ, ông chết. Ông là con Trọng Thường, là chú Đường.
Gia phả nhà ông chép: Năm [Cảnh Hưng] thứ 38 (1777), ông đi sứ về, làm Đốc trấn Lạng Sơn. Việc quan chuộng nhân từ, những người Tàu ngụ ở Lạng Sơn cảm đức của ông, nên lập sinh từ để thờ và làm một bài văn tụng đức ca tụng ông.
Trước kia người Thiên Châu ở Trung Quốc sang ta khai mỏ bạc. Hằng năm họ thu thập bạc đưa về Trung Quốc. Bọn phụ đạo ở biên giới rình khi họ ra khỏi bờ cõi thì đón đường cướp lấy, nhưng lại sợ việc phát giác thì phải tội, nên đưa một phần số bạc cướp được, đút lót cho các quan trấn, mà quan trấn cũng nhận. Đến nay họ đem 5 khối bạc đến biếu ông, ông nổi giận cự lại và từ chối. Ông quyên bổng sửa chữa đài Ngưỡng Đức ở Cửa quan. Văn bia nay vẫn còn”(9).
Trong một cuốn sách khác, Bùi Dương Lịch viết rõ hơn: “Nguyễn Trọng Đương, húy Triết, con thứ 2 của Cần quận công. Từ nhỏ đã rất thông mẫn. Năm 24 tuổi, lĩnh Hương tiến, giữ chức Thiêm tri lại phiên. Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, Cảnh Hưng 30 (1769), năm 46 tuổi. Ngày vinh quy, ông đi theo con đường cũ của ông cụ thân sinh đã đi ngày trước. Miễn cho hàng tổng, tạo con đường mới, theo như lệ cũ đón quan nghè.
Làm quan đến chức Hàn lâm viện hiệu thảo, Lạp Sơn bá; Phụng sai Đốc đồng xứ Kinh Bắc, công việc nội hạt thông suốt nghiêm minh. Lại về giữ chức Thị tham chính xứ Thanh Hoa.
Năm ấy có lệ cống mỗi bộ 3 sứ thần. Triều đình chọn ông. Có người đã từng đi sứ khuyên ông nên từ chối. Ông nói Nam Bắc là theo mệnh lệnh, chức phận đạo làm tôi phải tuân theo. Huống hồ kinh đô Trung Châu nổi tiếng là văn vật, mà tiên công đã từng đi sứ, nay sao lại xin từ. Nói rồi lên đường. Trên đường đi không hề trở ngại - hoàn thành nhiệm vụ về triều, thăng Hàn lâm viện thị thư.
Năm Canh Tý (1780), Đốc trấn đạo Lạng Sơn. Ở đây, công việc trôi chảy, được dân mến mộ lập đền thờ sống ông. Có bức trướng ca ngợi: “Phương bút tế mỹ, khắc thiện tiền nhân, quyết đức nhược công, đương tất hữu bảo thế nhi tư nhân giả hồ! Nghi hồ đình tiền quế hụ, bất cận tam hòe ngũ quế kỷ dã”. Hữu viết: “Hạnh ngộ công nhu viễn năng nhĩ, trí tứ phương chi dân, tụ tứ phương chi hóa, giao dịch nhi thoái, các đắc sở kỳ. Phi thị dân như tử, kiến công như kiến phụ mẫu da”.
Có nghĩa là: “Bút phượng tốt đẹp, nối nghiệp tiền nhân, sang đức như ông, tất đời được bảo họ, mọi người được thấm ơn ông. Xứng đáng là những cây hòe cây quế trước sân”. Lại có câu: “May được gặp ông khiến cho kẻ xa quy phục và gần, làm yên dân tứ phương, tụ hợp hang hóa tứ phương, trao đổi với nhau ai về chốn nấy. Phải chăng là, ông coi dân như con, và dân gặp ông như được gặp cha mẹ vậy”. Lại câu ca ngợi công đức của ông:
“Danh văn Bắc Đẩu, Đức trứ Nam bang, cái trung châu bút dã” (Tiếng tăm như sao Bắc Đẩu, Đức lớn rạng danh trời Nam, ngọn bút trùm đất Trung Châu).
Năm Ất Tỵ (1785), giữ chức Chánh Đốc thị Quảng Thuận.
Năm Bính Ngọ (1786), Thống tướng thất thủ trước quân Tây Sơn tử trận năm 63 tuổi. Được phong Tán trị thừa chính sư ty xứ Tuyên Quang, tước Lạp Sơn hầu.
Phụng tự tại Văn miếu huyện(10).

Các cuốn sách có viết về nhân vật đi sứ của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần

Trong 2 cuốn sách của mình, Bùi Dương Lịch khẳng định Nguyễn Trọng Đương đi sứ nhà Thanh vào năm 1777. Năm 1777, triều đình Lê - Trịnh có cử một phái đoàn sứ bộ sang nhà Thanh. “Sai bọn Vũ Trần Thiệu, Tả thị lang bộ Lại sang nhà Thanh. Trịnh Sâm có chí toan cướp ngôi vua. Năm ấy nhân gặp kỳ tuế cống, Sâm làm tờ biểu mật tâu với triều đình nhà Thanh, nói: “Nhà Lê không có người con cháu nào hiền tài”, rồi căn dặn Trần Thiệu đem việc ấy vào tâu với vua nhà Thanh. Lại sai nội giám (sót họ tên) cùng đi để dâng của đút và xin phong tước. Khi đi đến hồ Động Đình, Trần Thiệu giả vờ có bệnh, đương đêm đem tờ biểu đốt trước mặt sứ bộ, rồi uống thuốc tử tự. Sau đây, truy tặng cho Trần Thiệu hàm Thượng thư”(11). Tuy nhiên Khâm định Việt Sử thông giám cương mục cũng không nói rõ Nguyễn Trọng Đương có tham gia đoàn sứ bộ này hay không. 
Sách Đại Nam nhất thống chí khi viết về Nguyễn Trọng Thường có nhắc đến Nguyễn Trọng Đương như sau: “Con là Trọng Đương, cháu Trọng Đường đều đỗ Tiến sĩ và phụng mệnh đi sứ; người phương Bắc làm thơ tặng có câu rằng: Tam thế y quan bái thánh nhân”, ý nói ba đời được mang áo mũ vào bái yết thánh nhân”(12).
Đại Việt sử ký tục biên ghi chép về những sự kiện của ghi chép về những sự kiện của triều Lê - Trịnh từ 1676 đến năm 1789. Tuy nhiên trong bộ sách này, các tác giả gần như không dề cập đến Nuyễn Trọng Đương mà chỉ nhắc đến ông trong sự kiện thành Thuận Hóa rơi vào quân Tây Sơn: “Mùa hạ tháng năm (năm 1786), Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc sai em là Nguyễn Văn Huệ lấy Thuận Hóa. Trấn thủ Tạo quận công Phạm Công Cầu đem thành hàng. Phó tướng Thể quận công Hoàng Đình Thể, Đốc thị Nguyễn Trọng Đang chết”(13).
Trong sách Lịch triều tạp kỷ do Ngô Cao Lãng biên soạn ghi chép các sự kiện từ năm 1672 đến năm 1789, tuy nhiên cuốn sách lại ghi thiếu hẳn một giai đoạn từ năm năm 1740 đến năm 1778. Trong cuốn sách, chúng tôi chỉ tìm thấy được một sự kiện năm 1786 có nhắc đến Nguyễn Trọng Đương: “Đốc thị Lạp Phong hầu Nguyễn Trọng Đang bị giết trong vòng loạn quân”(14).
Sách Nam Đàn, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ninh Viết Giao chủ biên cũng viết về ông như sau: “Nguyễn Trọng Đương (1724 - 1786): người xã Trung Cần, nay là thôn Trung Cần, xã Nam Trung, con Nguyễn Trọng Thường, 46 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm hiệu lý. Năm 1771, đi sứ nhà Thanh, trở về thăng Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá; khi mất được truy phong Hữu thị lang, tước hầu”(15).
Qua các cuốn sách đã nêu ở trên, chúng ta có thể khẳng định rằng Nguyễn Trọng Đương có đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc). Thời gian đi sứ có thể là năm 1771, sau 2 năm khi ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất bởi “Xưa nay các văn thần lo việc ứng đối bang giao thường chọn những người trên dưới 50 tuổi”(16). Năm 1771, Nguyễn Trượng Đương lúc này 48 tuổi nên nằm trong độ tuổi được lựa chọn tham gia đoàn sứ bộ. Các văn thần được lựa chọn tham gia đoàn sứ bộ là những người có tài “kinh bang tế thế”, là bậc “đại bút” của đất nước. Nguyễn Trọng Đương được lụa chọn tham gia đi sứ nhà Thanh phần nào đã chứng tỏ tài năng của ông. Đối với kẻ sĩ phải “đi sứ sang nước khác hoàn thành tốt sứ mệnh của quân vương”(17).
Theo như Lê Quý Đôn trong sách Bắc sứ thông lục thì quá trình đi sứ được chuẩn bị kỹ lưỡng bao gồm các việc như:
Tuyển chọn Chánh sứ, Phó sứ, Hành nhân và Tùy nhân
Sửa soạn công văn tấu biểu liên lạc với quan lại Trung Quốc
Chuẩn bị, cân đo các lễ vật tuế cống 
Ban cấp chức tước, bổng lộc cho Sứ thần và các chức dịch.
Quy định số lượng đi phu gánh các vật phẩm công và tư trang của các quan đi tiền trình, các quan Hậu mệnh và các Sứ thần.
Sai binh lính hộ tống.
Chi phí cho chuyến đi sứ: Bao gồm chi phí cống phẩm; chi phí lễ vật yết kiến biếu tặng quan lại Trung Quóc, chuẩn bị tiền bạc khao thưởng cho những người chào thuyền và binh lính hộ tống…
Các việc hành chính khác trong triều đình và nha môn địa phương(18).
Sau khi công tác chuẩn bị chu đáo thì các sứ thần mới nhận lệnh đi sứ. 
Năm 1786, Nguyễn Trọng Đương tử trận trong khi đang tìm mọi cách để bảo vệ thành Thuận Hóa trước cuộc tấn công của Tây Sơn nhằm thể hiện tấm lòng trung quân với nhà Lê Trung hưng. Ông là một vị quan “lấy đức để cai trị thiên hạ” với nhiều đóng góp trên lĩnh vực chính trị ngoại giao. Chính ông đã làm rạng danh thêm cho mảnh đất của làng Trung Cần và làng Trung Cần cũng tự hào về ông. 

Chú thích
1. Ngô Đức Thọ (chủ biên): Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb Văn học,2006, tr.626.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thong giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, tr.645.
3. Nguyễn Hoàn - Uông Sĩ Lãng - Phan Trọng Phiên - Võ Miền: Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, quyển 2, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu, 1968, tr.58
4. Nguyễn Hoàn: Tiến sĩ khoa Quý Hợi (1743), từng giữ chức Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, Tổng tài Quốc sử quán. 
5.  Võ Miên: Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748), từng giữ chức Tả thị lang bộ Binh, Tổng tài Quốc sử, Quốc Tử Giám Tế tửu.
6.  Phan Trọng Phiên: Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757), từng giữ chức Hữu thị lang bộ Công, Quốc Tử Giám tư nghiệp
 7. Uông Sĩ Lãng: Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766), từng giữ chức Hữu thị lang bộ Lễ, Thiêm đô ngự sử
8.  鐺Có 2 âm đọc: Đang hoặc Đương.
9. Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.312-313.
10. Bùi Dương Lịch: Thanh Chương huyện chí, Nxb Nghệ An, 2008, tr.72-73. 
11. Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thong giám cương mục, tập 2, nxb Giáo dục, tr.739.
12. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr.237.
 13. Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789), Nxb Hồng Đức, 2019, tr.496.
14.  Ngô Cao Lãng: Lịch triều tạp kỷ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr.552.
  15. Ninh Viết Giao (chủ biên): Nam Đàn, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2005, tr.495.
16.  Lê Quý Đôn: Bắc sứ thông lục, Nxb Đại học Sư phạm, 2018, tr.37
17  Câu này trong sách Luận ngữ: 子 貢 問 曰: 何 如 斯 可 謂 之 士 矣. 子 曰: 行 己 
恥 使 於 四 方 不 辱 君 命 可 謂  士. (Tử Cống hỏi: Như thế nào mới được gọi là sĩ?
Khổng Tử đáp: Hành vi của mình thì phải biết hổ thẹn, đi sứ nước khác thì hoàn thành tốt sứ mệnh của quân vương, như vậy có thể gọi là sĩ rồi?. 
 18. Lê Quý Đôn: Bắc sứ thông lục, Nxb Đại học Sư phạm, 2018, tr.9-12.
Tài liệu tham khảo
1. Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789), Nxb Hồng Đức, 2019
2. Lê Quý Đôn: Bắc sứ thông lục, Nxb Đại học Sư phạm, 2018.
3. Ninh Viết Giao (chủ biên): Nam Đàn, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2005
4. Ngô Cao Lãng: Lịch triều tạp kỷ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995
5. Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký. /Nguyễn Thị Thảo dịch.- H., KHXH, 2004
6. Bùi Dương Lịch. Thanh Chương huyện chí, /Bùi Văn Chất dịch, NA, 2008
7. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, 2006
8. Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thong giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, 2007
9. Ngô Đức Thọ (chủ biên): Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb Văn học, 2006.



Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây