Nguyễn Huy Oánh và các học trò từng đi sứ Trung Hoa

Thứ tư - 10/01/2024 04:21 0
Từ khóa. Sứ thần, hoàng hoa, Nguyễn Trọng, Nguyễn Huy
Toàn văn
Mở đầu
 Lịch sử ngoại giao giữa Trung Hoa và Việt Nam có nhiều hình thức, trong đó hình thức nổi bật là đi sứ, từ chuyến đầu tiên của Đinh Liễn năm 937 tới chuyến cuối năm 1882 của. Trong các chuyến đi sứ, các vị trong đoàn đi sứ đã để lại nhiều tài liệu: bản đồ, thơ ca…. rất phong phú, đa dạng. Hình thức đi sứ này hiện không tồn tại, nhưng còn lại kho tư liệu vô cùng lớn về thơ văn, lịch sử, giao lưu văn hóa… là các di sản tư liệu về quan hệ ngoại giao và văn hóa. Vùng Nghệ Tĩnh có nhiều vị sứ thần nổi tiếng, nhiều dòng họ có nhiều người đi sứ, nhưng tiếc là hiện còn quá ít tư liệu còn lại. Báo cáo gồm 3 phần: Về các tác phẩm của Nguyễn Huy Oánh liên quan chuyện đi sứ; Năm vị sứ thần là học trò Nguyễn Huy Oánh và quan hệ giữa một số danh nhân họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần với họ NHTL:
Theo tư liệu của dòng họ [1-3], Nguyễn Huy Oánh để lại hơn 40 đầu sách, trong đó có các tác phẩm sau liên quan đến chuyến đi sứ của ông.
I. Các tác phẩm đi sứ của Nguyễn Huy Oánh
Từ năm 1758, Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) đã được Triều đình Lê - Trịnh đưa vào danh sách ứng viên để lựa chọn làm Phó sứ cho chuyến đi sứ năm 1760, nhưng chưa được đi. Năm này chuyến đi sứ do Trần Huy Mật (1710- ?) làm Chánh sứ, Lê Quý Đôn (1726-1784) và Trịnh Xuân Thụ (1704-?) làm Phó sứ. Năm 1761, Nguyễn Huy Oánh được cử tham gia tiếp sứ thần nhà Thanh là Đức Bảo, Cố Nhữ Tu sang Việt Nam. Năm 1764, Nguyễn Huy Oánh được chọn làm Chánh sứ đoàn sứ bộ cho chuyến đi năm 1765, chuyến đi sứ của ông kéo dài gần hai năm, từ ngày 9 tháng Giêng năm Bính Tuất (1766), khởi hành từ Thăng Long, ngày 21 tháng Chạp tới Bắc Kinh, ngày 16 tháng Hai năm Đinh Hợi (1767) về nước, đến ngày 8 tháng Mười Một về tới kinh thành, kết thúc chuyến đi sứ (ngày tháng theo âm lịch). 

Hoàng hoa sứ trình đồ, công trình quan trọng có ý nghĩa lớn về lịch sử - địa lý và ngoại giao

Đến nay, qua quá trình tìm kiếm và so sánh tư liệu, đã biết rõ là trong quá trình chuẩn bị và đi sứ, Nguyễn Huy Oánh đã biên soạn năm tác phẩm là Hoàng hoa sứ trình đồ, Bắc dư tập lãm, Yên Thiều nhật trình, Phụng sứ Yên đài tổng ca [4-7] và một tập đã được khắc in nhưng chưa tìm ra là Hoàng hoa toàn tập [8].
1. Hoàng hoa sứ trình đồ 皇華使程圖 (Hoàng Hoa Dịch Lộ Đồ Thuyết)(1) là tập sách có khổ 22 x 14 cm, đóng theo kiểu xưa gồm 119 tờ (mỗi tờ sẽ ghi chú 2 trang a và b), thành 238 trang, chất liệu giấy dó, chữ Hán viết tay, được Nguyễn Huy Oánh, trên cơ sở các tư liệu các đoàn sứ bộ trước năm 1765 và biên soạn thêm, tập hợp lại thành “Cẩm nang” cho quá trình đi sứ của mình. Lòng trang sách có đường kẻ viền khung, bốn xung quanh, đầu trang có 2 đường kẻ ngang, chân trang và hai bên trái phải 1 đường kẻ ngang. Phần bản đồ vẽ bằng mực đen tô mực đỏ và màu xanh tím than, liên tục từ điểm xuất phát từ Thăng Long qua các cửa ải, đến nơi kết thúc là thành Yên Kinh. Các trạm dịch, cung đường, đồn trấn, tên đất, tên núi, tên sông, sản vật... đều được ghi thành chữ bên cạnh các bức vẽ, biến chúng thành những minh họa sinh động về khung cảnh địa lý, hành chính của Trung Quốc thế kỷ XVIII dọc theo đường sứ bộ. Phần nội dung ghi chép thông thường viết bằng mực đen. Bản gốc sách này hiện không rõ, hiện có một bản duy nhất được lưu giữ tại dòng họ Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh là bản sao duy nhất được biết [4].
- Chính tư liệu này đã giúp Nguyễn Huy Oánh hoàn thành tốt chuyến đi sứ, nâng cao vị thế của Việt Nam, trước đó sứ bộ Việt Nam vào chầu vua Thanh thường sau một bậc so với sứ thần Cao Ly, Nguyễn Huy Oánh đã biện luận lý giải về vị thế của Việt Nam và vua Thanh đã chấp nhận để hai đoàn sứ của Việt Nam và Cao Ly ngang hàng lúc vào chầu.
2. Bắc dư tập lãm 北輿輯覽, bản chép tay, Nguyễn Huy Oánh 阮輝塋 biên tập trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1765, Sách lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN), ký hiệu: A.2009, cỡ 14x30cm, chữ Hán, gồm 68 tờ, có lời tựa, [5]
 
 
Lời Tựa của cuốn sách cho biết khi ở Trung Hoa Nguyễn Huy Oánh được xem một cuốn sách đồ sộ ghi chép tỷ mỉ về những nơi danh lam thắng cảnh của Trung Hoa, nhan đề Danh thắng toàn chí 名勝全志dựa vào đó ông đã biên soạn lại thành Bắc dư tập lãm với ý thức rõ ràng là để khi trở về tặng cho các đồng liêu để mở rộng thêm hiểu biết về Trung Quốc. Tuy là lược giản, nhưng cuốn sách cũng ghi chép khá kỹ lưỡng từ tên thành quách huyện phủ, dân số đến núi sông, chùa quán, đền đài, điện các, cùng hệ thống hành chính các cấp của Trung Quốc khi đó(2).
3. Phụng sứ Yên đài tổng ca 奉使燕臺總(3) kí hiệu A.373 tại kho sách VNCHN là bản chép tay, và có bản in rập từ ván khắc ở Thư viện Quốc gia ký hiệu R.1357, là tập nhật ký viết bằng thơ đi đường trong lần đi sứ này. Sách được Nguyễn Huy Tự (1743-1790) là con trai của Nguyễn Huy Oánh viết chữ để khắc in. Mở đầu là 470 câu lục bát viết bằng chữ Hán được gọi là “Tổng ca” của toàn bộ cuộc hành trình, sau đó là 120 bài thơ chữ Hán. Mỗi bài đều ghi rõ địa điểm, địa danh cụ thể, là những ghi chép mắt thấy tai nghe của tác giả. Dường như đến đâu, Nguyễn Huy Oánh cũng ghi lại và hầu hết các điểm dừng chân đều có thơ đề vịnh. Mang đậm tính chất của một tập thơ kỷ sự, nhưng thơ ông vẫn giàu xúc cảm trước thiên nhiên, cảnh vật và ẩn chứa khá nhiều tâm sự. Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa tìm được tấm mộc bản nào của sách này [6].
4. Yên thiều nhật trình 燕軺日程 nlà sách chữ Hán, giấy dó, hiện lưu giữ tại Thư viện VNCHN (VNCHN), ký hiệu A.2381, khổ 29 x 22cm, 82 tờ, có 169 bản đồ cùng ghi chú. Trang tên sách đề 4 chữ Yên thiều nhật trình, (燕軺日程) không ghi niên đại và tên người biên soạn hoặc sao chép. Các trang nội dung văn bản cũng không cho biết các thông tin nêu trên. Năm 2015, GS Trần Chính Hoằng đến thăm chúng tôi ở nhà riêng tại Hà Nội và sau đó ông vào Trường Lưu, Hà Tĩnh. Ông rất xúc động khi được tiếp xúc bản sao từ năm 1887 Hoàng hoa sứ trình đồ và trong câu chuyện sau đó ông kể rằng, theo ý ông tập Yên thiều nhật trình cũng là sách do Nguyễn Huy Oánh biên tập trong chuyến đi sứ năm 1766-1767, sau này ông gửi cho chúng tôi phần in sách Yên thiều nhật trình và bài giới thiệu của ông [7]
Từ đầu đến cuối nội dung văn bản hoàn toàn là bản đồ hành trình đi sứ, điểm khởi đầu là đài Chiêu Đức, điểm cuối cùng là thành Yên Kinh. Nét vẽ đơn giản, không cầu kỳ, chú trọng bố cục toàn cảnh, không quá sa đà vào cảnh vật chi tiết.
Bản này chưa có thông tin về tác giả, từ những thông tin trên của GS Trần Chính Hoằng, chúng tôi so sánh sách này với nhật ký đường đi sứ của Nguyễn Huy Oánh trong Phụng sứ Yên Đài tổng ca để xác định Yên thiều nhật trình là tập sách do Nguyễn Huy Oánh soạn. Chưa rõ tại sao sách lại có ở Thư viện VNCHN. Sách từ Trường Lưu có thể do Viễn Đông bác cổ sưu tầm (họ chỉ sao chép), hoặc Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn sưu tầm (các cụ có khi lấy bản gốc). Nhà xuất bản Đại học Vinh chuẩn bị in ấn Yên thiều nhật trình [7]. 
Ba sách Yên thiều nhật trình, Bắc dư tập lãm và Phụng sứ Yên đài tổng ca đã được xuất bản trong Tổng tập tư liệu hành trình đi sứ Yên Kinh bằng Hán văn của Việt Nam do VNCHN, Việt Nam và Viện Nghiên cứu Văn Sử, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc biên soạn, Nhà xuất bản Đại học Phúc Đán, Thư viện Sử Văn Triết, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, năm 2010 [8].
5. Hoàng hoa toàn tập, theo tư liệu dòng họ như trong sách Nguyễn Thị gia tàng do Nguyễn Huy Vinh biên soạn có ghi khi đi sứ Nguyễn Huy Oánh có soạn sách này, Hiện chưa tìm được sách này ở dạng chép tay hay từ ván khắc. Chỉ có bài Tựa sách có trong Thạc Đình di cảo ghi về việc này (tham thảo phục lục 1) [2]
Trong năm tập sách trên, tập Yên thiều nhật trình như phần khảo cứu về văn bản không ghi niên đại và tên người biên soạn hoặc sao chép, qua quá trình tìm hiểu, trao đổi với các chuyên gia, khảo sát và so sánh, từ năm 2015 đến nay, xác định được Nguyễn Huy Oánh đã biên soạn sách này trong quá trình đi sứ, sách này cũng đã được một người khác (có thể là Nguyễn Huy Tự) xem xét bổ sung thêm hoặc viết chữ ở phần chú thích ở lề trên trang sách được viết với lối thư pháp điêu luyện, khác với phần ghi chú địa danh. 
Nếu Hoàng hoa sứ trình đồ là tập sách “cẩm nang” chuẩn bị trước khi đi sứ; Phụng sứ Yên Đài tổng ca là thơ văn ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trên con đường đi sứ, Bắc dư tập lãm là ghi chép lại các danh thắng ở Trung Hoa, thì Yên thiều nhật trình là một tập bản đồ ghi chép rõ nét tuyến đường đi sứ của Nguyễn Huy Oánh từ biên giới Việt Trung đến Bắc Kinh. Bốn tập sách là một tập tư liệu quý giá và hoàn thiện nhất về chuyến đi sứ của Nguyễn Huy Oánh. 
II. Về năm vị sứ thần là học trò của Nguyễn Huy Oánh
Sách Vũ trung tùy bút《雨中隨筆》phần “Thay đổi địa danh” của Phạm Đình Hổ có viết: “Cụ Lê Quý Đôn ở huyện Diên Hà là bậc học thông minh rộng rãi, làm lãnh tụ trong nho lâm, khi sang sứ Trung Hoa, có vào yết kiến quan Đề học tỉnh Quảng Tây là Chu Bội Liên. Ông ta có hỏi huyện Chiển Lãng ở bên nước Nam nay thuộc về tỉnh đạo nào? Cụ Lê Quý Đôn không thể đáp trả được. Khi trở về, hỏi ra thì chính là huyện Diên Hà”.
Từ chuyện cụ Lê Quý Đôn cho thấy các sứ giả khi đi sứ thường hay bị hỏi những vấn đề liên quan đến kiến thức, và sự chuẩn bị trước khi đi là chuyện không thể không làm. Chuyện này Nguyễn Huy Oánh có thể biết. Vì quan hệ giữa Nguyễn Huy Oánh và Lê Quý Đôn khá thân thiết, khi Nguyễn Huy Oánh đi sứ và về hưu trí, Lê Quý Đôn đều có thơ tặng. Nguyễn Huy Oánh lại là học trò của Lê Phú Thứ là cha Lê Quý Đôn. Và Nguyễn Huy Oánh cùng những người đi sứ đều trải qua quá trình lựa chọn khắt khe của triều đình và tự mình chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi, ông không thể không tham khảo về quá trình đi sứ của Lê Quý Đôn.
Việc Nguyễn Huy Oánh chuẩn bị kỹ cho chuyến đi và các tác phẩm của ông, chắc chắn được các học trò của ông tham khảo kỹ, không kể các cuộc trao đổi trực tiếp, như ông đã kể lại trong lời tựa Hoàng hoa toàn tập.
- Từ sau năm 1765, có 5 học trò của Nguyễn Huy Oánh tham gia các đoàn sứ bộ của Việt Nam sang Trung Hoa là: Nguyễn Duy Hoành 阮惟宏(1737- ?), Ngô Thì Nhậm吳時任 (1746-1803), Lê Hữu Dung 黎有容(1745- ?), Đỗ Huy Diễn 杜輝演(1746-1828) và Nguyễn Đường 阮[王堂] (1746- 1811). Họ góp phần quan trọng trong sự nghiệp bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa. Đặc biệt đoàn sứ bộ của Ngô Thì Nhậm đã đem lại hòa bình cho Việt Nam và Trung Hoa sau cuộc chiến năm Kỷ Dậu (1789). Cả 5 vị sứ thần này đều có tên trong trướng mừng Nguyễn Huy Oánh về hưu lại được ra khởi phục làm quan lại (tô màu vàng).
BÀI TRƯỚNG VĂN CỦA CÁC HỌC TRÒ MỪNG NGUYỄN HUY OÁNH ĐƯỢC KHỞI PHỤC(4)
Phiên âm
MÔN SINH HẠ KHỞI PHỤC TRƯỚNG VĂN
(門生賀起復帳文)
Thánh triều ưu lão, trí quy diệc viết vinh quy; học giả tôn sư, công khánh tự vi nghị khánh. Lễ duy kì hữu, từ bất khả vô.
Phu tử: Kiệt xuất Hoan sơn, tảo du Phán thủy. Tài hoa minh văn hiến chi quốc, học thực phú khoa cử chi gia. Dĩ Mậu Thìn Đình nguyên Thám hoa lang, đăng triều tam cổn vu kim, quan thứ thường chi điển. Dĩ Đinh Dậu Lại bộ Hữu thị lang, cập cách lục tuần nhi thượng, nhân tiên phúc chi trù. Ư tứ phương tạc tạc bát thiên lí ca thi, ư đa sĩ truân truân sổ thập niên giáo hối. Hạ hữu quan thân chi tử đệ, thượng quang trâm hốt chi môn lư. Lục đường đán tịch dật kì di, tạ thỉnh hựu nhân quỳ mẫu khởi; giáng trướng hậu tiên bồi sắc tiếu, bái toàn kiêm hỉ vũ hồng lưu. 
Hữu sơn nguy nguy,
 Hữu thạch khôi khôi.
Phu tử quy lai,
Lạc duy tuế tai.
Sơn thực kì thốc,
Thạch lãng tư ngọc.
Phu tử khởi phục,
Xương vu tàng cốc.
 “Hữu sơn nguy nguy” nhị chương, chương tứ cú.
Môn sinh:
Tứ Bính Thìn khoa Tiến sĩ, phụng sai Quảng Thuận đạo Đốc thị, Đông các Đại học sĩ, Hải Dương Phạm Thế Ưng.
Tứ Bính Thìn khoa Tiến sĩ, nhập thị Bồi tụng, Ngự sử đài Phó đô ngự sự, Đông các Đại học sĩ, Sơn Nam Trương Đăng Quỹ.
Tứ Ất Mùi khoa Tiến sĩ, Tri Lại phiên, thị nội Thư tả, Hàn Lâm viện Hiệu thảo, Lê Doãn Điều.
Tứ Ất Mùi khoa Tiến sĩ, Tri Hộ phiên, thị nội Thư tả, Đông các Hiệu thư, Sơn Tây Nguyễn Huy Lịch.
Tứ Bính Thìn khoa Tiến sĩ, thiêm sai Tri Công phiên, Hàn Lâm viện Thị thư, Nguyễn Duy Hoành.
Tứ Ất Mùi khoa Tiến sĩ, Thuận Quảng Phó đốc thị, Hàn Lâm viện Hiệu lí, Thanh Hoa Trần Thiều Sưởng.
Tứ Tiến triều, Sơn Tây xứ Hiến sát sứ, Hàn Lâm viện Hiệu thảo, Vĩ Trung tử, Kinh Bắc Trương Hỗ.
Tứ Kỉ Hợi thịnh khoa Hoàng giáp, Kinh Bắc xứ Hiến sát sứ, Hàn Lâm viện Thị độc, kiêm Quốc sử Toản tu, Nghệ An Phạm Nguyễn Du.
Tứ Nhâm Thìn khoa Tiến sĩ, Sơn Nam xứ Hiến sát sứ, Hàn Lâm viện Hiệu lí, Vũ Huy Diệm.
Tứ Ất Mùi khoa Tiến sĩ, Binh khoa Đô cấp sự trung, Hiến sát sứ, Ngô Thời Dụng.
Tứ Ất Mùi khoa Tiến sĩ, thiêm sai Tri Binh phiên, Hàn Lâm viện Hiệu lí, Phạm Đình Dư.
Tứ Mậu Tuất khoa Tiến sĩ, thiêm sai Tri Lễ phiên, Hàn Lâm viện Hiệu lí, Chu Nguyên Lệ.
Tứ Mậu Tuất khoa Tiến sĩ, Yên Quảng xứ Đốc đồng, Hàn Lâm viện Hiệu lí, Phạm Trọng Huyến.
Tứ Ất Mùi khoa Tiến sĩ, Lạng Sơn xứ Đốc đồng, Hàn Lâm viện Hiệu lí, Lê Hữu Dung.
Tứ Mậu Tuất khoa Tiến sĩ, Hàn Lâm viện Hiệu lí, Nguyễn Duân.
Tứ Kỉ Hợi thịnh khoa Tiến sĩ, Thiếu tuấn, Tri Công phiên, thị nội Thư tả, Hàn Lâm viện Hiệu lí, Phạm Quý Thích.
Tứ Ất Mùi khoa Tiến sĩ, Sơn Nam đạo Giám sát Ngự sự, Lại khoa Đô cấp sự trung, Đỗ Huy Diễn.
Tứ Kỉ Hợi thịnh khoa Tiến sĩ, Phụng Thiên phủ Phủ doãn, Hàn Lâm viện Hiệu thảo, Hoàng Quốc Trân.
Tứ Kỉ Hợi khoa Tiến sĩ, phụng sai Cống bộ Phó sứ, Hàn Lâm viện Hiệu lí, Nguyễn Đường.
Tứ Kỉ Hợi khoa Tiến sĩ, Sơn Nam đạo Giám sát Ngự sử, Nguyễn Huy Quân.
Tứ Kỉ Hợi khoa Tiến sĩ, Đề hình, Giám sát Ngự sử, Trần Huy Liễn.
Tứ Tân Sửu khoa Tiến sĩ, Nghệ An đạo Giám sát Ngự sử Nguyễn Cầu.
Tứ Kỉ Hợi khoa Tiến sĩ, Hộ khoa Cấp sự trung, Ngô Tiêm.
Tứ Bính Tuất khoa Tiến sĩ, Binh khoa Cấp sự trung, Nguyễn Bá Dương.
Đồng bái hạ!
Hoàng Lê vạn niên.
Dịch nghĩa
Thánh triều ưu đãi người già, xem việc hưu của Ngài cũng tựa việc vinh quy vậy. Học trò tôn kính người thầy, coi điều mừng của Ngài cũng là điều mừng chung đấy. Lễ nghi đã có đủ, lời chúc chẳng lẽ không?
Thầy: là người kiệt xuất đất Hoan(5), vốn sớm theo đường học vấn(6). Tài hoa vang lừng giữa nước văn hiến; học vấn nổi tiếng trong chốn khoa danh. Vì đỗ đạt Đình nguyên Thám hoa lang năm Mậu Thìn (1748) mà vào triều làm quan. Đến nay đã ba mươi năm, làm kiểu mẫu hằng thường cho dòng quan chức. Bởi đang giữ chức Tả thị lang bộ Lại năm Đinh Dậu (1777) thì đến tuổi nghỉ hưu. Từ sáu mươi tuổi trở lên, đó là kiểu mẫu cho cái phúc trước tiên của con người. Với bốn phương, Thầy vui vẻ cho thơ Tám nghìn dặm; với kẻ sĩ, Thầy ân cần dạy dỗ mấy chục năm. Dưới có con em nhà chức sắc; trên có đội ngũ dòng trâm anh. Nhà Lục Dã(7) nhàn dật, sớm hôm di dưỡng tuổi già; ông Tạ An(8) được mời, lại ra hăng hái(9) giúp đời. Mở trường dạy học(10), trước sau bồi thêm tiếng cười ánh mắt; nhận quay trở lại, may sao lưu được lông đẹp chim hồng(11). [Có thơ rằng:]
Có núi cao chót vót,
Có đá chồng chất ngất.
Phu tử trở về nghỉ,
Vui với tuổi trời đó thôi.
Núi có cắm mũi tên,
Đá ngậm viên ngọc sáng.
Phu tử được khởi phục,
Kho tàng [trong nước sẽ] đầy đủ.
Dịch thơ
Có núi chót vót,
Có đá vời tót.
Phu tử trở về,
Tuổi già vui tột.
Núi cắm tên vút,
Đá sáng ngọc thật.
Phu tử lại ra,
Kho tàng đầy chật.
(Trên đây là bài thơ “có núi chót vót” 2 khổ, mỗi khổ 4 câu(12))
Học trò:
Tiến sĩ khoa Bính Tuất, Phụng sai Đốc thị đạo Thuận Quảng, Đông các Đại học sĩ Phạm Bá Ưng, người Hải Dương(13).
Tiến sĩ khoa Bính Tuất, Nhập thị bồi tụng, Phó Đô ngự sử Ngự sử đài, Đông các Đại học sĩ Trương Đăng Quỹ, người Sơn Nam(14).
Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Tri Lại phiên Thị nội thư tả, Hàn lâm viện Hiệu thảo Lê Doãn Điều, người Sơn Nam(15).
Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Tri hộ phiên Thị nội thư tả, Đông các Hiệu thư Nguyễn Huy Lịch, người Sơn Nam(16).
Tiến sĩ khoa Bính Tuất, Thiêm sai Tri Công phiên, Hàn lâm viện Thị thư Nguyễn Duy Hoành(17).
Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Phó Đốc thị đạo Thuận Quảng, Hàn lâm viện Hiệu lí Trần Thiều Sưởng, người Thanh Hoa(18).
Tiến triều, Hiến sát sứ Sơn Tây, Hàn lâm viện Hiệu thảo, tước Vỹ Trung tử Trương Hỗ, người Kinh Bắc(19).
Hoàng giáp Thịnh khoa năm Ất Hợi, Hiến sát sứ xứ Kinh Bắc, Hàn lâm viện Thị độc kiêm Quốc sử Toản tu Phạm Nguyễn Du, người Nghệ An(20)
Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, Hiến sát sứ xứ Sơn Nam, Hàn lâm viện Hiệu lí Vũ Huy Diệm(21).
Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Binh khoa Cấp sự trung, Hiến sát sứ, Ngô Thời Dụng(22).
Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Thiêm sai tri binh phiên, Hàn lâm viện Hiệu lí Phạm Đình Dư(23).
Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, Thiêm sai tri Lễ phiên, Hàn lâm viện Hiệu lí Chu Nguyên Lệ(24).
Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, Đốc đồng xứ An Quảng, Hàn lâm viện Hiệu lí Phạm Trọng Huyến(25).
Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Đốc đồng xứ Lạng Sơn, Hàn lâm viện Hiệu lí Lê Hữu Dung(26).
Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, Hàn lâm viện Hiệu lí Nguyễn Duân(27).
Tiến sĩ Thịnh khoa năm Kỉ Hợi, Thiếu tuấn, Tri công phiên Thị nội thư tả Hàn lâm viện Hiệu lí Phạm Quý Thích(28).
Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, Lại khoa Đô cấp sự trung Đỗ Huy Diễn(29).
Tiến sĩ Thịnh khoa năm Kỉ Hợi, Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo Hoàng Quốc Trân(30).
Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi, Phụng sai cống bộ Phó sứ, Hàn lâm viện Hiệu lí Nguyễn Đường(31).
Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi, Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam Nguyễn Huy Quân(32).
Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi, Đề hình, Giám sát ngự sử Trần Huy Liễn(33).
Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Giám sát ngự sử đạo Nghệ An Nguyễn Cầu(34).
Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hiến sát sứ xứ Nghệ An, Đề hình ngự sử Nguyễn Tân(35).
Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi, Hộ khoa Cấp sự trung Ngô Tiêm(36).
Tiến sĩ khoa Bính Tuất, Binh khoa Cấp sự trung Nguyễn Bá Dương(37).
Cùng lạy mừng.
Hoàng Lê muôn năm(38)
Bản dịch của Lê Hữu Nhiệm
III. Về quan hệ giữa một số danh nhân họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần (NT-TC)  với họ Nguyễn Huy Trường Lưu (NHTL)
Trong 5 vị trên, Nguyễn Đường là học trò của Nguyễn Huy Oánh, đi sứ thời Nguyễn, phần tiếp giới thiệu một số tư liệu về quan hệ giữa hai dòng họ NHTL và NTTC.
1. Nguyễn Trọng Thường
Sách Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789) (39) có ghi:
- Giáp Dần, [Long Đức] năm thứ ba (1734). Cho Đoàn Bá Dung làm Đô ngự sử (Nhập thị Bồi tụng), Cao Huy Trạc làm Tả thị lang bộ Lại, Nguyễn Trọng Thường làm Hữu thị lang bộ Hộ…
- Tháng Tám ngày 13 (10-10-1734) sai quan Hầu mệnh là Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Tông Quai đem bọn Đồng trung thư Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Đăng Cao đến trước cửa Lạng Sơn nghênh tiếp sứ Trung Quốc sang sách phong…
Sách Nguyễn Thị gia tàng ghi lại, Nguyễn Huy Oánh học với 9 thầy giáo nổi tiếng, trong đó có 4 vị từng đi sứ: Nguyễn Tông Quai (1693 - 1767) hai lần đi sứ, năm 1742 và 1748, Vũ Khâm Thân (1703 -?), Đặng Công Mậu (1688 - 1765), và Đỗ Huy Kỳ (1695 - 1748) đi sứ năm 1748. 
Nguyễn Trọng Thường từng làm việc với Nguyễn Tông Quai trong việc tiếp sứ thần Trung Hoa và năm 1737 làm Chánh sứ, khả năng Nguyễn Huy Oánh có thể tiếp cận tư liệu của Nguyễn Trọng Thường?
2. Nguyễn Trọng Đương (1723 - 1786), là người có thơ tặng Nguyễn Huy Oánh và là người kế tiếp Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) làm Đốc thị Thuận Quảng, đi sứ năm 1761 là chuyến đi sứ gần với chuyến đi sứ của Nguyễn Huy Oánh, tư liệu về di sứ của ông chắc chắn được Nguyễn Huy Oánh xem xét kỹ? 
Sách Nguyễn Thị gia tàng chép bài thơ của Nguyễn Trọng Đương mừng Nguyễn Huy Oánh về trí sĩ năm 1779:
*Nguyễn Trọng Đang(40) (Thanh Chương, Trung Cần), Cống bộ Phó sứ - Hàn Lâm viện Hiệu lý:
Văn tứ nha quan tảo Mã Ban,
Khuê chương phủ phất lưỡng triều gian.
Nga Khê bút hoạch thư lâu ấm,
Phượng Lĩnh hoa phân dược phố nhàn.
Thủ mặc chỉ toàn kim lặc mã,
Tuân hoàng lũy thấp tử nê loan.
Kình trường hồ đoản quy thao túng,
Tuấn vọng nham chiêm tiết bỉ san.
Văn chương và hàm quan đều sánh với Mã, Ban đời Hán,
Áo mũ trâm hốt rạng rỡ giữa hai triều.
Ngọn bút gặt hái được ở Nga Khê tăng phúc lộc nơi lầu sách,
Hoa lấy được ở núi Phượng Lĩnh mở rộng thêm vườn thuốc.
Mực sơn giữ trọn vẹn đã thành vàng nạm giây cương ngựa,
Nét vàng vua ban cho quốc lão làm đẹp thêm chim loan trên đồng lầy(41)
Về quê mặc sức thao túng trong khi gặp cá kình to, con cáo nhỏ(42)
Nhìn núi cao nầy có thể thấy rõ núi kia.
Bản phiên âm và dịch nghĩa của Lê Hữu Nhiệm.
3. Nguyễn Đường (1746 - 1811), không rõ trong số học trò dự buổi gặp mặt Nguyễn Huy Oánh lúc Nguyễn Huy Oánh về quê trước lúc đi sứ không?
Năm 34 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Thịnh khoa Kỷ Hợi - Cảnh Hưng 40 (1779) đời Lê Hiển Tổng, khoa thi này có 8/15 vị TS là học trò Nguyễn Huy Oánh. Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), được triều đình cử làm Phó sứ cùng Chánh sứ Hoàng Bình Chính và Phó sứ Lê Hữu Dung (cũng là học trò Nguyễn Huy Oánh) sang tuế cống nhà Thanh. Chưa rõ việc các học trò của Nguyễn Huy Oánh đã xem xét các tư liệu về việc đi sứ của thầy mình như thế nào?
IV. Các di sản tư liệu liên quan đến chuyện đi sứ Trung Hoa
Lịch sử loài người, khắp thế giới từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi…, hoạt động ngoại giao đã xuất hiện từ khi có sự phân chia vùng đất riêng của các bộ tộc, các lãnh chúa, sau này là các quốc gia. Hoạt động ngoại giao khá phong phú, nhưng phổ biến nhất là dạng cử các đoàn sứ giả. 
Mục đích chung của việc đi sứ là giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, nhưng trong mục đích chung ấy, có nhiều mục đích riêng khác nhau như: từ việc thông hiếu, thăm hỏi, thông báo chúc mừng đến việc tạ ơn, cầu phong, cống nạp, kể cả mục đích thăm dò, tìm kiếm kinh tế, tình báo, mở đầu hoặc kết thúc chiến tranh… Vì sự đa dạng và phức tạp của mối quan hệ ngoại giao, đòi hỏi các triều đại
xưa phải có những kế sách và biện pháp đúng đắn để làm tốt điều này.
Vào thế kỷ thứ IV TCN, đã có sứ giả của Hy Lạp tới Ấn Độ, vị sứ giả này là Megasthennes đã ghi chép lại cách cai trị của triều đại Mauryan.
Triều Tiên từ thế kỷ I, thời Tam Quốc (Gouguryo, Packjae, Sila) đã có các đoàn sứ đến Trung Hoa và Nhật Bản.
Thế kỷ thứ V, Trung Hoa đã cử những học giả giỏi đi sứ tới Ấn Độ, như Fa Hien (?) và thế kỷ thứ VII là Huen Tsang (Xuan Zang = Huyền Trang?).
Bản thân người được cử đi sứ cũng trải qua bao gian nan, có khi bị chết, Tô Vũ (140-60 TCN), đi sứ và bị buộc đi chăn cừu 19 năm ở Hung Nô, vùng Bai Kan, thuộc Liên Bang Nga ngày nay.
Giữa Việt Nam với Trung Hoa, chuyến đi sứ đầu tiên được biết là của Đinh Liễn (?-979), năm 972. Sau này Việt Nam đã cử nhiều đoàn sứ bộ tới Pháp, Inđônexia, Hoa Kỳ, Ba Tư, v.v...
Ngoại giao với Trung Quốc là công việc thường xuyên, hàng đầu đối với các sứ thần Việt Nam xưa. Ở từng giai đoạn, từng thời điểm, tuy có những nhiệm vụ, những sứ mệnh đặc thù nhưng tựu trung không nằm ngoài hai mục đích: Duy trì sự hòa hiếu có lợi cho triều đại, dân tộc và bảo vệ chủ quyền, danh dự đất nước. Đây là vinh dự và đồng thời là trách nhiệm nặng nề cho những người được lựa chọn.
Thời Lê, từ thế kỷ XV, các nhà ngoại giao hầu hết là những người tài trí, đỗ đại khoa, có người là những nhà ngoại giao chiến lược như Nguyễn Trãi (1380 - 1442), Ngô Thì Nhậm (1446 - 1803) với chủ trương đường lối ngoại giao được thi hành trong vài ba chục năm, nhiều nhà ngoại giao đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của triều đình giao phó, bảo vệ được lợi ích dân tộc. Việc đó đòi hỏi sứ thần phải tinh thông địa lý, lịch sử, văn hoá nước mình và nước người, tài năng mẫn tiệp, ứng đối nhanh trí, thông minh, lịch lãm.
Ngoài nhiệm vụ chính là công việc chính trị được giao, các sứ thần Đại Việt đã góp phần quan trọng trong việc tiếp thu và phổ biến những kĩ thuật học tập được trong khi đi sứ, một số sứ thần đã chú ý học nghề, tìm hiểu các bí mật nghề nghiệp, kĩ thuật cao, giống cây, tư liệu in ấn thuộc nhiều lĩnh vực… mang về truyền bá cho dân. Năm 1008 và 1019 sứ bộ mang về Cửu kinh và Tam tạng kinh. Lương Thế Vinh đem về bộ Khải Minh toán pháp. Lương Nhữ Hộc đem về nghệ thuật in sách bằng bản gỗ. Các sứ thần Nguyễn Thế Trung, Phạm Đôn, Phùng Khắc Khoan đem về các nghề thuộc da thú, đóng dày, may dép, dệt chiếu, dệt lụa và đem về các hạt giống như ngô, mẻ…  
Trong quá trình đi sứ, các sứ thần thường có thơ văn đối đáp với quan lại, danh sĩ nước bạn, đề vịnh các danh thắng của nước sở tại, hoặc viết sách về các chuyến đi sứ, thậm chí cả vẽ bản đồ đường đi sứ để lưu truyền. Các sách về việc đi sứ khá phong phú về nội dung của nhiều lĩnh vực: Y học, địa lý học, sử học, văn học…
Vào quãng giữa thế kỷ XVIII, hoạt động đi sứ giữa Trung Hoa với các nước nói chung và giữa Trung Hoa với Việt Nam nói riêng, đạt tới đỉnh cao. Quãng thời gian này, việc đi sứ, theo các hành trình và nghi lễ do nhà nước Trung Hoa quy định. Với Việt Nam, ngoài các chuyến đi “cầu phong”, nghị sự về biên giới lãnh thổ, thời Lê Trung Hưng, định lệ cống nộp là “ba năm một lễ, sáu năm một lần”. Do vậy cứ khoảng 5-6 năm có một đoàn sứ bộ từ Việt Nam sang Yên Kinh. Các đoàn sứ bộ Việt Nam, quá trình đi và về thường kéo dài xấp xỉ hai năm.
Về các chuyến đi sứ, tư liệu chép nhiều khi không đầy đủ, có khi bị nhầm lẫn, hay nhầm nhất là ở chỗ, một số vị tới biên giới đàm phán với quan lại nhà Thanh- thường bị nhầm là đi sứ. Như trường hợp Nguyễn Trọng Thường, có nhiều khi con cháu truyền là hai lần đi sứ, nhưng thực chỉ một lần, lần 1734 là Cụ chỉ lên biên giới trao đổi với qua lại nhà Thanh. Cũng giống như vậy, Thám hoa Phan Kính (1715-1761) vì có lần tới biên giới đàm phán với quan lại nhà Thanh, nên con cháu và một số người hiểu làm là cụ có đi sứ Trung Hoa. Như trường hợp của Nguyễn Huy Oánh, tư liệu ghi.
Theo các tư liệu sử tịch, chẳng hạn Đại Việt sử ký tục biên bản A.1210, mục năm Ất Dậu niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 26 (1765) chép: “Mùa đông, tháng 10, […] sai Chánh sứ Nguyễn Huy Oánh, phó sứ Lê Doãn Tuân, Nguyễn Thưởng đi sứ nhà Thanh tuế cống” [A.1210; tr.198a].
Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép: “(Đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng) Năm thứ 26 [1765] (ngang với năm Càn Long thứ 30 nhà Thanh), sai Chánh sứ Nguyễn Huy Oánh, phó sứ Lê Doãn Thân và Nguyễn Thưởng sang cống nhà Thanh” [Lịch triều bd; tr.247].
Sách Càn nguyên ngự chế thi tập, ký hiệu A.1319, chép bài thơ chữ Hán ban cho cả sứ bộ Nguyễn Huy Oánh, đồng thời chép một bài thơ chữ Nôm tặng riêng cho Chánh sứ Nguyễn Huy Oánh. Theo tư liệu của dòng họ Nguyễn thị gia tàng và sách Phụng sứ Yên Đài tổng ca.
Vài lời cuối
Lịch sử ngoại giao qua hình thức đi sứ giữa Việt Nam và Trung Hoa có xấp xỉ 1000 năm, với nhiều câu chuyện, giai thoại, tư liệu... Thời xưa, về đường học hành thi cử thường coi trọng nhất là người đỗ đầu: Giải nguyên, Hội nguyên, Đình nguyên... về đường làm quan coi trọng nhất là việc đi sứ-Khoa đồ y trạc khôi nguyên, Hoạn đồ nhi phụng Bắc sứ (bài tựa sách Hoàng Hoa sứ trình đồ của Nguyễn Huy Triện). Lịch sử còn ghi lại những vị sứ thần như Mạc Dĩnh Chi (1272- ?) đi sứ năm 1308, 37 tuổi, Phùng Khắc Khoan đi sứ năm 70 tuổi (người đi sứ cao tuổi nhất lúc 90 tuổi), trẻ nhất có lẽ là Tống Trân (truyền thuyết), Nguyễn Trung Ngạn tự họa rằng:
Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu
Có chí nuốt trâu từ niên thiếu
Tuổi mới mười hai thái học sinh,
Vừa đến mười sáu dự thi đình
Hai mươi bốn tuổi làm quan giám
Hai mười sáu tuổi sứ Yên Kinh
Nhiều người đi sứ hai, ba lần như Đào Công Soạn người Hưng Yên đi sứ 3 lần, nhiều người tiếp xúc với sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản, Hồi Hồi... chỉ tiếc rằng chưa có một bộ bách khoa toàn thư về lịch sử đi sứ Trung Hoa? Khá nhiều chuyện thú vị quanh, việc đi sứ, người trẻ tuổi nhất, người cao tuổi nhất, người đi sứ nhiều nhất, người để lại nhiều tư liệu nhất... nhưng về dòng họ liên tục 4 đời có 5 người đi sứ - kỷ lục này chắc thuộc về dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần, Nghệ An.
Việc đi sứ được các vị sứ thần chuẩn bị kỹ, Sách Vũ trung tùy bút “雨中隨” [9] phần “Thay đổi địa danh” của Phạm Đình Hổ có viết: “Cụ Lê Quý Đôn ở huyện Diên Hà là bậc học thông minh rộng rãi, làm lãnh tụ trong nho lâm, khi sang sứ Trung Hoa, có vào yết kiến quan Đề học tỉnh Quảng Tây là Chu Bội Liên. Ông ta có hỏi huyện Chiển Lãng ở bên nước Nam nay thuộc về tỉnh đạo nào? Cụ Lê Quý Đôn không thể đáp trả được. Khi trở về, hỏi ra thì chính là huyện Diên Hà”.
Từ chuyện cụ Lê Quý Đôn cho thấy các sứ giả khi đi sứ thường hay bị hỏi những vấn đề liên quan đến kiến thức, và sự chuẩn bị trước khi đi là chuyện không thể không làm. Chuyện này Nguyễn Huy Oánh có thể biết. Vì quan hệ giữa Nguyễn Huy Oánh và Lê Quý Đôn khá thân thiết, khi Nguyễn Huy Oánh đi sứ và về hưu trí, Lê Quý Đôn đều có thơ tặng. Nguyễn Huy Oánh lại là học trò của Lê Phú Thứ là cha Lê Quý Đôn. Và Nguyễn Huy Oánh cùng những người đi sứ đều trải qua quá trình lựa chọn khắt khe của triều đình và tự mình chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi, ông không thể không tham khảo về quá trình đi sứ của Lê Quý Đôn.
Dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần với 4 đời 5 lần liên tiếp đi sứ, thật là một điều hiếm, những tư liệu như sắc phong, bia, gia phả, lời đề tặng của nhà Thanh… là những di sản tư liệu quý giá, cần thiết nghiên cứu đề cử danh hiệu Di sản Tư liệu cấp quốc gia và cấp quốc tế của Chương trình Ký ức thế giới, và cũng là trường hợp để khi làm luật sửa đổi về văn hóa và lưu trữ các nhà làm luật nghiên cứu đề xuất sửa đổi cho phù hợp ở phần Di sản tư liệu.
Chú thích
1. Tên gọi Hoàng hoa sứ trình đồ được lưu truyền trong dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu từ trước đến nay, tên được ghi trong trang đầu của tập sách là Hoàng Hoa Dịch Lộ Đồ Thuyết. Hoàng hoa sứ trình đồ đã được ghi vào Danh mục Di sản Tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á/Thái Bình Dương (MOWCAP), và đang được lập hồ sơ đề cử ghi vào Danh mục Di sản Tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới (MOW) năm 2020.
2. Bắc dư tập lãm đã được NXB Đại học Vinh ấn hành năm 2017.
3.  Phụng sứ Yên đài tổng ca đã được nhà xuất bản Khoa học Xã hội in năm 2015.
4. Khởi phục: chỉ người đã về nghỉ lại được vời ra làm quan.
5. Chỉ xứ Nghệ An, quê Nguyễn Huy Oánh.
 6. Nguyên văn “tảo du Phán thuỷ”. Phán thủy là tên dòng sông có dựng Phán cung. Phán cung là nhà học của vua chư hầu, mặt Đông, Tây, Nam đều có dòng sông bao quanh như hình phân nửa viên ngọc bích, giống như phân nửa nhà học Bích Cung của thiên tử nên gọi là Phán cung. Đây chỉ việc Nguyễn Huy Oánh đi học từ sớm.
7. Lục Dã: Có hai cách hiểu: một là “nhà Lục Dã” (Lục Dã đường), là nhà của Bùi Độ đời Đường. Độ vốn làm quan, chuyên quyền, sau xin bãi chức Tướng quốc, làm nhà ở Ngọ Kiều, phía trong trồng nhiều cây, hoa, lập đài quán, lấy tên là Lục Dã đừờng. Thứ hai, Lục Dã mà tác giả nói đến ở đây cũng có thể hiểu là nơi đồng xanh, chỉ nơi tác giả về nghỉ.Theo tục truyền thì Nguyễn Huy Oánh cũng dựng nhà Lục Dã ở làng Trường Lưu.
8. Tạ An: Theo Truyện Tạ An trong Tấn thư, Tạ An tự An Thạch, trước làm quan lang, vì bệnh nên từ quan về nghỉ, ẩn cư ở Đông Sơn. Sau ông lại ra làm quan Tư mã theo đánh dẹp phía Tây.Trước lúc lên đường, các quan trong triều đến tiễn, quan Trung thừa là Cao Tung cười nói: “ngài trước đây đã từ quan xin về, nằm khểnh ở Đông Sơn, mọi người đều nói: Tạ An không chịu ra khỏi núi, cáo lỗi với thương sinh trong thiên hạ. Ngày nay thương sinh trong thiên hạ sẽ làm thế nào để cáo lỗi với ông đây?”Tạ An nghe xong rất lấy làm xấu hổ, quyết chí giúp đời. Sau này Tạ An còn làm quan đến các chức Trung thư lệnh, Tư đồ, có công lớn đối với nhà Đông Tấn. Đời sau dùng điển này để chỉ người đã về nghỉ lại ra làm quan giúp đời, làm nên công nghiệp lớn lao.
9.  Nguyên văn: “quỳ mẫu”, chữ trong bài Thái vi (Tiểu nhã, Kinh Thi): “Giá bỉ tứ mẫu/ tứ mẫu quỳ quỳ/ Quân tử sở y/ Tiểu nhân sở phì” (Thắng vào xe bốn con ngựa đực/ Bốn con ngựa đực ấy mạnh mẽ/ Để bực tướng súy quân tử đi/ Và cũng để cho lính cậy nhờ, che chở). Đây dịch thoát, chỉ việc Tạ An hăng hái ra làm quan, thiên hạ được nhờ.
10. Mở trường dạy học: nguyên văn giáng trướng (còn dùng “giáng duy”). Sách Hậu Hán thư chép: Mã Dung giảng học thường ngồi ở nhà trên, buông màn đỏ, đằng trước là học trò nghe giảng, đằng sau là ban nữ chơi nhạc. Sau dùng điển này để tôn xưng nơi giảng học.
11. Lông đẹp chim hồng, là thứ dùng làm đồ trang sức, đây chỉ người có văn chương, đạo đức làm tiêu biểu cho đời.
12. Đây là bài thơ mô phỏng thể thơ trong Kinh Thi.
13.  Phạm Bá Ưng (? - ?): người Hải Dương, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766), làm quan trải các chức: Hiến sát sứ Nghệ An, Phụng sai Đốc thị đạo Thuận Quảng, Đông các Đại học sĩ, 
 14. Trương Đăng Quỹ (1733-?): người xã Thanh Nê huyện Chân Định (nay thuộc huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình), đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766). Ông giữ các chức quan, như Thừa chính sứ, Bồi tụng, Đồng bình chương sự. Ông là một trong những cận thần theo Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh (Trung Quốc), cuộc đời về sau không rõ.
15. Lê Doãn Điều (1735-?): trước tên là Lê Trọng Điển người xã Nhân Mục huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Nhân Chính quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775). Ông làm quan Hiệp trấn Lạng Sơn, tước Tô Xuyên hầu.
16.  Nguyễn Huy Lịch (1750-1829): còn có tên là Nguyễn Thế Lịch hiệu là Dưỡng Am cư sĩ , người xã Yên Lũng huyện Từ Liêm (nay thuộc xã An Khánh huyện Hoài Đức Tp Hà Nội), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775). Thời Lê, ông giữ các chức quan, như Hộ khoa Cấp sự trung, Vương phủ Thiêm sai Thị nội Thư tả, Hàn lâm Hiệu thảo, Tri binh phiên, Đông các Hiệu thư, Tham chính xứ Kinh Bắc, Đồng Tham tri chính sự. Thời Tây Sơn, ông giữ các chức quan, như Thị trung Hiệp biện Học sĩ, Thượng thư bộ Lại. Khi quân của Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, ông theo triều đình Tây Sơn chạy sang Bắc Thành, sau bị bắt và được tha về quê. Rồi vua Gia Long cho gọi ông vào Phú Xuân, làm ở đại nội để dạy cho các hoàng tử, được ít lâu, ông cáo lão xin về quê.Sau ông đổi tên là Nguyễn Gia Phan và thụy là Trung Ý.
17. Nguyễn Duy Hoành (1737-?): còn có tên là Nguyễn Trọng Hoành người xã Viên Ngoại huyện Chương Đức (nay thuộc xã Viên An huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Thị giảng, Tri Công phiên, Đông các Đại học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).
18. Trần Thiều Sưởng (1736-?): người xã Khoái Lạc huyện Yên Định (nay thuộc xã Xuân Tân huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775). Ông làm quan Thị thư, Hiến sát sứ.
19. Trương Hỗ: người Kinh Bắc, làm Hiến sát sứ Sơn Tây, Hàn lâm viện Hiệu thảo, tước Vĩ Trung tử. Tiến triều chỉ việc được đề cử không qua thi cử, nhưng học vị ngang Tiến sĩ.
20. Phạm Nguyễn Du (1740-1786): hiệu Thạch Động, tự là Hiếu Đức và Dưỡng Hiên, người xã Đặng Điền huyện Chân Phúc (nay thuộc xã Nghi Thạch huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An), đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi (1779). Ông giữ các chức Huyện Tự viên lang, Thiêm phó Tiến triều, Cai đạo, Thiêm sai Tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo kiêm Quốc sử Toản tu, Đốc đồng Nghệ An. Thời Tây Sơn, ông đến vùng núi huyện Thanh Chương ở và mất ở đó.
21. Vũ Huy Diễm (1737 - ?): Người xã Hoa Đường huyện Đường An – Nay là thôn Lương Ngọc xã Thúc Khang huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772), làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị chế, thụ Hiến sát sứ.
22. Ngô Thời Dụng: tức Ngô Thời Nhậm. Ngô Thời Nhậm (1746-1803) hiệu là Đạt Hiên, tự là Hy Doãn, người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775). Thời Lê, ông giữ các chức quan như Hiến sát phó sứ Hải Dương, Giám sát ngự sử xứ Sơn Nam, Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên, Đông các Hiệu thư, Hàn lâm viện Hiệu thảo, Hữu thị lang bộ Công. Nhà Lê mất, ông theo nhà Tây Sơn và được vua Quang Trung trọng dụng, bổ giữ các chức quan, như Tả thị lang bộ Lại, Thượng thư bộ Binh, tước Tình Phái hầu, giao trọng trách soạn thảo các văn bản ngoại giao của triều đình với nhà Thanh và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Khi Nguyễn Ánh đưa quân ra Bắc chiếm thành Thăng Long, ông bị bắt và đưa ra đánh đòn ở Văn miếu - Quốc Tử Giám để cảnh cáo sĩ phu Bắc Hà đã đi theo nhà Tây Sơn.
 23. Phạm Đình Dư (1742-?): người xã Kim Đôi huyện Võ Giàng (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775). Ông giữ các chức quan, như Hữu thị lang bộ Lại, tước Quỳnh Phái hầu; thăng Đồng Bình chương sự, Thượng thư bộ Lại, Tri Quốc Tử Giám. Có người phiên là Phạm Đình Dự. Ông là cha Phạm Đình Hổ.
24. Chu Nguyên Lệ (1740-?): tức Chu Doãn Mại người xã Dục Tú huyện Đông Ngàn (nay là xã Dục Tú huyện Đông Anh Hà Nội), đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1778).. Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Quốc tử giám Tuỳ giảng, Đông các Hiệu thư. Nhà Lê mất, ông không làm quan với Tây Sơn. Có tài liệu ghi ông là Chu Doãn Lệ.
 25. Phạm Trọng Huyến (1746-?): người xã Dũng Quyết huyện Ý Yên (nay thuộc xã Yên Phú huyện Ý Yên tỉnh Nam Định), đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1778). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Tri Hộ phiên, Hàn lâm Thị thư, viết sách Lĩnh Nam chí dị.
26. Lê Hữu Dung (1745-?): người xã Liêu Xá huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775). Ông là cháu nội của Lê Hữu Danh, con Lê Hữu Kiều, anh họ Lê Hữu Trác, và làm quan Hàn lâm Thị thư, tước Hào Khê bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).
 27. Nguyễn Duân (1736-?): người xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay là xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh) , đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1778). Ông là cháu nội Nguyễn Đức Ánh, con Nguyễn Đức Vĩ và làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Đốc đồng Kinh Bắc.
 28. Phạm Quý Thích (1759-1825): hiệu là Lập Trai, Thảo Đường, Hoa Đường và tự là Dữ Đạo , người xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), trú quán ở phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) , đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi (1779). Thời Lê, ông làm quan Thiêm sai Tri Công phiên, Đông các Hiệu thư. Thời Tây Sơn, ông đi ở ẩn. Thời Gia Long, ông được bổ chức Thị trung học sĩ, tước Thích An hầu. Sau ông cáo quan về quê nghỉ.
29. Đỗ Huy Diễn (1746-1828): tức Đỗ Huy Cư người xã Đồng Hương huyện Đông Sơn (nay thuộc huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau ông đổi tên là Đỗ Huy Tuân.
 30. Hoàng Quốc Trân (1751- 1786): người xã Nam Chân huyện Nam Chân (nay thuộc xã Nam Đồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định), đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi (1779). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Hiến sát sứ Kinh Bắc.
31. Nguyễn Đường (1746-?): người xã Trung Cần huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Nam Trung huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An), đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi (1779). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Hiệu thảo, Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).
 32. Nguyễn Huy Quân (1744-?): người xã Thanh Khê huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên), đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi (1779). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Hiến sát sứ.
 33. Trần Huy Liễn (1735-?): người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội), đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi (1779). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ, Thự Tham chính Hải Dương.
 34. Nguyễn Cầu: Giám sát ngự sử đạo Nghệ An. Khoa Tân Sửu (1781) chỉ có hai người đỗ, Hội nguyên Nguyễn Cầu (1747-?) người xã Yên Khê huyện Gia Lâm, nay là thôn Yên Khê xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội, làm quan đến chức Đông các Hiệu thư  và Nguyễn Tân.
35. Nguyễn Tân: Ngự sử Đề hình, Hiến sát sứ xứ Nghệ An. Nguyễn Tân (1751-?) người xã An Vĩ huyện Đông Yên, nay là xã An Vĩ huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, làm quan đến Hàn lâm Đãi chế.
 36. Ngô Tiêm (1749-1818): người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh (nay thuộc xã Yên Tiến huyện Ý Yên tỉnh Nam Định), đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi (1779). Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Đốc đồng kiêm Đốc trấn Lạng Sơn, Thái Hòa điện Học sĩ, tước Mỹ Phái hầu. Sau về quê dạy học.
37. Nguyễn Bá Dương (1740 - ?): người xã Nguyễn Xá huyện Thần Khê (nay thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766). Ông làm quan đến Hàn lâm viện Thị chế.
38. Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, NXB Văn Học, năm 2006 do Ngô Đức Thọ chủ biên, thì: Khoa thi Bính Tuất (1766) không có tên Phạm Bá Ưng mà lại có tên Phạm Đồng Điện (1717-?) người xã La Đôi huyện Thanh Lâm, nay là thôn La Đôi xã Hiệp Cát huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương, làm quan đến chức Thị giảng về trí sĩ; Không rõ Phạm Bá Ưng có phải là Phạm Đồng Điện không?Khoa Tân Sửu (1781) có hai người là Hội nguyên Nguyễn Cầu (1747-?) người xã Yên Khê huyện Gia Lâm, nay là thôn Yên Khê xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội, làm quan đến chức Đông các Hiệu thư và Nguyễn Tân (1751-?) người xã An Vĩ huyện Đông Yên, nay là xã An Vĩ huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, làm quan đến Hàn lâm Đãi chế.Qua sáu khoa thi 1766, 1772, 1775, 1778, 1779 và 1781 tổng số có 63 người đỗ Tiến sĩ, trong đó học trò Nguyễn Huy Oánh là 24, đặc biệt khoa Tân Sửu năm 1781 chỉ có hai người đậu thì đều là học trò cụ.Trong từng khoa tỷ lệ học trò của Nguyễn Huy Oánh đậu như sau: khoa Bính Tuất (1766) - 3/11, Nhâm Thìn (1772) - 1/13, Ất Mùi (1775) - 7/18, Mậu Tuất (1778) - 3/4, Thịnh khoa Kỷ Hợi (1779) - 8/15 và Tân Sửu (1781) - 2/2. 
  39. Nguyễn Trọng Đang (Đương) (1724 - 1786), người làng Trung Cần huyện Thanh Chương (Nghệ An), đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Sửu 1769, giữ các chức quan như Hàn lâm Hiệu lí, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá và được cử làm Phó sứ cùng với Hồ Sĩ Đống sang triều cống nhà Thanh vào năm Mậu Tuất 1778 (Chánh sứ là Vũ Trần Thiệu, có sách ghi là Vũ Khâm Tự).
 40. Nguyên văn “Nê loan”: chim loan đồng lầy, dây bùn ý nói người giỏi dang ở nơi khó khăn, chưa gặp thuận cảnh.
  41. Ý nói thú vui tùy hứng, không bị gì ràng buộc.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Huy Vinh (2019), Nguyễn thị gia tàng, NXB Đại học Vinh, Hà Tĩnh,    496 trang.
2. Nguyễn Huy Oánh (2014), Thạc Đình di cảo, dịch giả Lại Văn Hùng chủ biên, NXB Khoa học Xã hội.
3. Nguyễn Huy Bút, Công đức tổ tiên, tài liệu đánh máy, lưu tại nhà Đại diện dòng họ, năm 1976.
4. Nguyễn Huy Oánh, Hoàng hoa sứ trình đồ (tái bản có bổ sung) NXB Đại học Vinh, năm 2020, 344 trang.
5. Nguyễn Huy Oánh (2014), Phụng sứ Yên Đài tổng ca, dịch giả Lại Văn Hùng chủ biên, NXB KHXH, Hà Nội.
6. Nguyễn Huy Oánh (2018), Bắc Dư tập lãm, NXB Đại học Vinh, Hà Tĩnh.
Nguyễn Huy Oánh (tham gia bên soạn) (2018), Hoàng Hoa sứ trình đồ, NXB Đại học Vinh, Hà Tĩnh.
7. Nguyễn Huy Oánh, Yên Thiều nhật trình, NXB Đại học Vinh, năm 2020, 176 trang.
8. Một tập đã dược khắc in nhưng chưa tìm ra là Hoàng hoa toàn tập.
9. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút. NXB Trẻ, 2007.
10. Hồ sơ đề cử MOWCAP: Danh mục Di sản Tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới Mộc bản Trường học Phúc Giang khu vực châu Á/Thái Bình Dương: Mộc bản Trường học Phúc giang (năm 2016) và Hành trình đi sứ Trung Hoa (năm 2018). Văn bản Hán Nôm ở làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) (năm 2022).






Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây