Đình Trung Cần Di tích lịch sử cấp Quốc gia cần được trùng tu, tôn tạo

Thứ tư - 10/01/2024 04:21 0
Nguyễn Trọng Thường đậu Tiến sĩ năm 1712, đời vua Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Lại bộ Thị lang, tước Quận công, hai lần đi sứ nhà Thanh; Nguyễn Trọng Đương (hay Đang) là con trai của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường đậu Tiến sĩ năm 1769, đời Lê Hiển Tông, từng được cử đi sứ nhà Thanh; Nguyễn Trọng Đường là cháu đích tôn của ông Nguyễn Trọng Thường và là cháu gọi ông Nguyễn Trọng Đương bằng chú. Ông đậu Tiến sĩ năm 1779, đời vua Lê Hiển Tông. Hai chú cháu làm quan đồng triều. Tiếp nối truyền thống của dòng họ, ông Nguyễn Trọng Đường tiếp tục được cử đi sứ nhà Thanh. Tại di tích nhà thờ họ Nguyễn Trọng có bức hoành phi và đôi câu đối tương truyền do vua nhà Thanh đề tặng “Tam thế ngũ hoàng hoa” (ba đời năm lần mặc áo sứ giả); “Ngũ vân chi thước khai hành điện. Tam thế y quan bái thánh nhân” (nghĩa là: 5 lần sứ giả mạnh như chim Thước, vượt trùng dương mở hành cung đón tiếp 3 đời sứ thần: mặc áo sứ giả đến yết kiến nhà vua, mở mối bang giao hai nước Việt - Trung). Bên cạnh đó dòng họ Nguyễn Trọng còn có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước mà tiêu biểu là việc ông Nguyễn Trọng Đường có công đứng ra xây dựng đình Trung Cần. Đây là một trong bốn ngôi đình có quy mô lớn, kiến trúc đẹp trên vùng đất Hoa Nam xưa.
Di tích đình Trung Cần và Lăng mộ Tống Tất Thắng được xếp hạng cấp quốc gia năm 1996. Theo nội dung hồ sơ di tích cho biết: Đình Trung Cần được xây dựng vào năm Tân Sửu (1781), hoàn thành vào năm Nhâm Dần (1782) do ông Nguyễn Trọng Đường công đức và chỉ đạo việc xây dựng để làm nơi sinh hoạt văn hóa của làng xã và thờ phụng Tiến sỹ Tống Tất Thắng.
Tiến sĩ Tống Tất Thắng (1487-?) quê làng Nam Hoa Thượng, huyện Thanh Chương (nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn). Ngay từ thủa thiếu thời ông đã nổi tiếng là người thông minh, ham học và có chí khí nên được mệnh danh là thần đồng(1) . Ông học rất giỏi, từ thi thư đến các sách nói về binh pháp trận đồ tất cả đều tinh thông. Năm 15 tuổi ông thi đỗ Hương Cống. Năm 18 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ. Sách Khoa bảng Nghệ An (1075-1919) cho biết: “Tống Tất Thắng người xã Hoa Nam, 18 tuổi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ, khoa Ất Sửu - Đoan Khánh thứ 1 (1505), đời Lê Uy Mục”(2). Làm quan thăng đến chức Lại bộ Thượng thư, Nhập Nội Hành khiển kiêm Đông các Đại học sĩ, phong tước Nghĩa Quận công. Tống Tất Thắng tính tình cương trực, thông minh và văn võ song toàn nên luôn được triều đình Hậu Lê tin dùng. Mỗi khi có giặc Ai Lao, Chiêm Thành và Bồn Man quấy nhiễu biên thùy, nhà vua thường cử ông thống lĩnh ba quân vào trấn giữ vùng biên cương xứ Nghệ. Trong một lần ông thống lĩnh quân chinh phạt giặc Ai Lao, hy sinh trong trận, thi hài ông được đưa về an táng tại quê nhà, gần đình Trung Cần. Về sau được truy tặng Thái Bảo Lộc Quận công(3). Cảm phục trước tài năng, đức độ và công trạng của một người con quê hương, Nhân dân làng Nam Hoa Thượng đã lập đền thờ gọi là đền Thống Chinh (nay thuộc xã Nam Lộc) để thờ phụng và được các triều đại sắc phong Thượng đẳng thần. Tại đình Trung Cần ông được phong làm thành hoàng của làng. Nhân dân quanh năm hương khói thờ phụng.
Một số hiện vật, bia đá tại đình Trung Cần

Đình Trung Cần có quy mô tương đối lớn với 2 tòa Đại đình và Hậu đình. Khung nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ Lim. Tòa Đại đình có kích thước lớn với tổng diện tích 244,8m2 (dài 20.4m x rộng: 12m), gồm 3 gian, 2 chái. Tổng cộng đại đình có 6 bộ vì kết cấu kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”. Đình Trung Cần được đánh giá là một trong những ngôi đình có giá trị nghệ thuật điêu khắc phong phú từ các đề tài trang trí bằng vôi vữa, đất nung trên bờ nóc, bờ giải, đến các đề tài chạm khắc trang trí trên các cấu kiện kiến trúc gỗ. Trên tất cả các cấu kiện như: rường, xà ngang, kẻ, bẩy… đều được chạm khắc các đề tài với thế đăng đối, hài hòa. Tiêu biểu là hình ảnh đầu rồng được chạm khắc trên các đầu dư với nét chạm tinh tế tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Hình ảnh chim phượng trang trí trên các câu đầu với nhiều tư thế và kiểu dáng khác nhau tạo nên sự đa dạng, phong phú tránh sự nhàm chán trong nghệ thuật trang trí. Đề tài “mẫu long huấn tử” thể hiện rồng mẹ, rồng con đang vui chơi và rồng mẹ đang tìm cách dạy dỗ rồng con. Đề tài được thể hiện thông qua nét chạm dứt khoát, tinh tế tạo nên hình ảnh lung linh. Ở góc xà thể hiện hình ảnh rồng ổ. Tám con rồng ổ là 8 đường gỗ tròn được chạm lộng đầu rồng cuộn tròn thu hình trong góc mái, đầu vươn ra khoảng không, miệng ngậm ngọc, nang vuốt, vây, vi đều được chạm khắc mềm mại, đường nét kín đáo, uyển chuyển tạo nên sự tinh tế, hài hòa. Trên 24 xà nách có 24 bức phù điêu, trong đó có 14 bức được các nghệ nhân thể hiện điển tích Trung Hoa như “Vua Thuấn đi cày ở núi Lịch sơn”, “Vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn ở hoàng cung”, “Chiêu hiền đãi sỹ”, “Vương tử kiều cưỡng hạc lên tiên”…, những cảnh sinh hoạt dân dã được thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc trở nên lung linh huyền ảo với hình ảnh: “Vinh quy bái tổ”, “Người đánh đàn”, “Trẻ chăn trâu thổi sáo”, “Mẹ cho con bú”, “Trai gái giã gạo”, “Đánh cờ”, “uống rượu”...
Tòa Hậu đình có tổng diện tích 75.84m2 (dài: 9,6m x rộng: 7,9m) gồm 1 gian 2 chái, khung nhà làm bằng gỗ lim. Tòa Hậu đình do Tổng đốc Lê Nguyên Trung công đức xây dựng thêm khi ông về hưu sống tại quê nhà(4). Cũng giống như tòa Đại đình, tòa Hậu đình cũng được chạm khắc trang trí đẹp, trên hầu hết các cấu kiện kiến trúc đều được các nghệ nhân xưa chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như: “Long, ly, quy, phượng”, “Tùng, trúc, cúc, mai” với nghệ thuật chạm lộng, chạm bong kênh rất sắc nét. Giá trị nghệ thuật điêu khắc trên kiến trúc gỗ truyền thống nhằm tô điểm thêm giá trị nghệ thuật tạo hình tăng thêm tính linh cho công trình kiến trúc.        
Có thể nói các khung nhà của đình Trung Cần được ví như một bức tranh tổng thể, sinh động, đầy màu sắc, là nơi kết tinh những giá trị thẩm mỹ thông qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân điêu khắc. Bên cạnh đó còn thể hiện trí tuệ uyên thâm của tầng lớp Nho sĩ thông qua ý nghĩa của các đề tài trang trí nhằm cầu mong cho muôn dân no ấm, học hành đậu đạt, công thành danh toại, tước lộc bền lâu, phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Với các kỹ thuật chạm bong kênh, khắc chìm, chạm nổi, chạm lộng tạo nên các đường nét khi tỉ mỉ chi tiết, lúc phóng khoáng linh hoạt tạo nên những bức tranh vừa chân thực vừa mang tính biểu tượng cao, vừa bay bổng lãng mạn vừa hiện thực. Các đề tài chạm khắc được bố cục hài hòa, sắp xếp đăng đối thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật trang trí. Tất cả những điều đó đã làm cho di tích vừa cổ kính lại không kém phần rực rỡ, trở thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Hầu hết trên các cấu kiện kỹ thuật tại di tích đều trở thành nơi chuyển tải các đề tài trang trí một cách đa dạng và phong phú vừa có đề tài kinh điển, lại vừa có đề tài dân dã thể hiện vai trò vị thế của những vị chủ nhân công trình, họ là những nhà khoa bảng nổi tiếng, những danh thần của nước nhà đồng thời là những người có nhiều đóng góp để xây dựng quê hương bản quán ngày càng phồn vinh, thịnh vượng. 
Đình Trung Cần là công trình kiến trúc tâm linh được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, với hàng trăm năm tồn tại, đình là biểu tưởng thiêng liêng gắn với bao thế hệ người dân làng Trung Cần, mà cụ thể là gắn với công lao đóng góp xây dựng đình của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường. Đình được xây dựng trên vùng đất lịch sử với truyền thống khoa bảng bao đời nổi tiếng với câu nói “Quan Trung Cần, dân Dương Liễu”, Trung Cần cùng với Hoàng Sơn được xem là rốn khoa bảng của Nam Đàn.
Đình Trung Cần là một trong những ngôi đình có niên đại xây dựng khá sớm và được liệt vào những ngôi đình đẹp nhất Nghệ An. Đình được xây dựng ở vị trí cao ráo, trung tâm của làng, thuận lợi cho việc đi lại và hợp phong thủy, những người chủ trương xây dựng đình phải tìm hiểu kỹ vị trí xây dựng đình để ngôi nhà chung của cả làng là nơi tụ linh, tụ phúc cho muôn dân. Dù đã trải qua hơn 3 thế kỷ những đình Trung Cần vẫn sừng sững với thời gian điều đó chứng tỏ chủ nhân của ngôi đình đã có sự tính toán kỹ lưỡng và khoa học để có một công trình tồn tại lâu dài cho hậu thế. 
Đình là nơi thờ thành hoàng làng nó vừa mang giá trị văn hóa nhưng cũng đậm tính chất lịch sử, bởi tín ngưỡng thờ thành hoàng là một tín ngưỡng phổ biến của người dân Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng. Thành hoàng làng là Tiến sĩ Tống Tất Thắng một đại khoa bảng của vùng đất Trung Cần, ông có nhiều công lao trong việc bình Chiêm, chống Ai Lao, Bồn Ma để giữ yên bờ cõi. Việc tôn ông làm thành hoàng làng một lần nữa khẳng định công lao đóng góp của ông đối với quê hương, đất nước. Chính các sự kiện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của thành hoàng làng Tống Tất Thắng là nguồn sử liệu quý giá, góp phần bổ sung những khuyết thiếu của chính sử trong giai đoạn này. 
Tại đình còn lưu giữ một số tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử như hệ thống chữ viết trên các cấu kiện gỗ, nội dung văn bia, sắc phong... Đặc biệt, là kết cấu kiến trúc và các đề tài, các mảng chạm trên kiến trúc gỗ,… đây là những cứ liệu góp phần không nhỏ để tìm hiểu về lịch sử xây dựng đình, tìm hiểu về lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc trên kiến trúc gỗ. Với kết cấu vì kèo kiểu “chồng rường con nhị” đây là kết cấu kiến trúc khá phổ biến ở thế kỷ XVII, XVIII, là sự kế thừa và phát triển của kiểu vì chồng rường. Hay các đề tài chạm khắc tại đình sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để nghiên cứu nghệ thuật đương đại, cũng như so sánh với các thời kỳ trước và sau đó, để thấy được sự phát triển và kế thừa của nghệ thuật điêu khắc trên kiến trúc gỗ ở Nghệ An trong tiến trình phát triển nghệ thuật điêu khắc chung của cả nước. Đây cũng là tư liệu quý cho việc sưu tầm, biên soạn lịch sử của địa phương.
Đình Trung Cần là công trình kiến trúc văn hóa tâm linh có quy mô lớn, chạm trổ tinh xảo được đánh giá là một trong những công trình tiêu biểu của Nghệ An. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, với sự tàn phá của chiến tranh và thời tiết khí hậu khắc nghiệt lắm mưa, nhiều bão của vùng đất miền Trung, Đình Trung Cần đang ngày càng xuống cấp, cụ thể là mái ngói bị hư hỏng, nứt vỡ ,nhất là 2 đầu hồi văn của Đại đình và Hậu đình đều có dấu hiệu sụt lở. Các cấu kiện gỗ, cột, xà, hoành, rui, kẻ, bẩy… bị mốt mọt, ẩm mốc gây hư hỏng nhiều, hệ thống hoành, tàu mái bị cong vênh… ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của khung nhà. Trước đây do kinh phí hạn chế, việc tu bổ còn manh mún, thiếu đồng bộ, chỉ mới đáp ứng được nhu cầu cấp thiết. Việc đầu tư dự án tu bổ đình Trung Cần là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo việc tu bổ được tổng thể và đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhằm gìn giữ và phát huy những truyền thống và giá trị lịch sử, văn hóa của nhân dân trong vùng. Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn với phát triển du lịch; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau./.
Chú thích
1.  Ninh Viết Giao, Văn bia Nghệ An, Nxb Nghệ An, tr85
2.  Đào Tam Tĩnh, Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919), Nxb Nghệ An, tr193
3.  Ninh Viết Giao, Văn bia Nghệ An, Nxb Nghệ An, tr8.
4.  Sự kiện này được ghi trên bia Nghĩa điền bia ký, hiện lưu tại đình Trung Cần.



Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây