Biểu tượng, điển tích hoa văn điêu khắc các cấu kiện kiến trúc Đình Trung Cần có liên quan đến ngoại giao đi sứ

Thứ năm - 11/01/2024 04:21 0
Đình được xây dựng vào cuối triều Lê. Hai đường thượng trong đình có khắc ghi niên đại: “Tân Sửu hạ kính thủy. Nhâm Dần xuân hoàn thành” (Mùa hạ năm Tân Sửu - 1781 khởi công; mùa xuân năm Nhâm Dần - 1782 hoàn thành). Đình là một công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật, bề thế, nguy nga, cổ kính, tinh tế, điêu luyện… biểu hiện nhận thức thẩm mỹ, trình độ kỹ thuật cao của người thợ và nhân dân làng xã trong vùng.
Theo ý nguyện của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Trọng Đường, đã đề xuất, khởi xướng, vận động nhân dân trong làng xây dựng nên đình Trung Cần. Bài vè làm đình Trung Cần có câu: 
          Được ba ông quan mới,
          Xã mừng hơi hởi
          Xã cất đình lên…
Ba ông quan mới đây là ba Tiến sĩ họ Nguyễn Trọng sinh ra ở đất Trung Cần: TS. Nguyễn Trọng Thường đậu khoa Nhâm Thìn (1712); TS. Nguyễn Trọng Đương, con Trọng Thường đậu khoa Kỷ Sửu (1769); và TS. Nguyễn Trọng Đường, cháu nội Trọng Thường, gọi Trọng Đương là chú, đậu khoa Kỷ Hợi (1779). Dòng họ Nguyễn Trọng vừa chủ xướng, vừa có đóng góp quan trọng cả về tinh thần và vật chất cho việc xây dựng đình, với ý tưởng làm đình phải có quy mô to đẹp và tương xứng với cả vùng.
Đình Trung Cần và lăng mộ Tiến sĩ Tống Tất Thắng đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp Bằng công nhận là Di tích Kiến trúc - Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia (Quyết định ký ngày 12/1/1996). Tống Tất Thắng, quê ở Trung Cần, đậu Tiến sĩ khoa Ất Sửu - niên hiệu Đoan Khánh 1 (1505), làm quan đến Hành khiển, Thượng thư, khai đại khoa cho làng Trung Cần. 
Đình Trung Cần là một công trình kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ và đất nước. Qua kết cấu, bài trí, các họa tiết hoa văn, các bức tranh chạm trổ trong đình đã nói lên tài hoa, tư tưởng thời đại của tác giả khởi xướng và những người tham gia xây dựng đình. Đặc biệt có các bức họa là biểu tượng, điển tích liên quan đến truyền thống ngoại giao, đi sứ của các nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng vốn nổi tiếng nhiều đời. 
Tam quan (cổng đình) có hai cột nanh cao vút, trên đầu là hai “con  nghê” bằng gốm đất nung đối diện nhìn nhau, với hình dáng, văn vây, móng vuốt chi tiết mềm mại, tinh tế, mang đặc thù của linh vật Việt thời Lê Trung hưng. Mặt ngoài và trong tam quan có các đại tự, câu đối, tiêu biểu như:
- Càn khai khôn cáp (Trời mở toang, đất khép kín)
- Nhật chiếu nguyệt lâm (Mặt trời chiếu rạng, mặt trăng soi trong)
- Vân hành vụ thí (Mây lùa bay, mưa rơi xuống)
- Hải án hà thanh (Biển lặng, sông trong)
Cột cửa nanh có các đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp, địa khí linh thiêng một vùng, tiêu biểu như:
一 方 雄 鎮 地 維 五 花 英 秀
四 望 屹 擎 天 柱 三 氣 鍾 靈
Nhất phương hùng trấn địa duy ngũ hoa anh tú;
Tứ vọng ngật kình thiên trụ tam khí chung linh.
Tạm dịch:
Hùng trấn một phương bên đất Ngũ Hoa anh tú;
Cao vời bốn phía trụ trời ba khí linh thiêng.
Các đại tự, câu đối này là biểu tượng cho linh khí trời đất quê hương, đất nước; cho tư tưởng muốn bay cao, vươn xa của con người nơi đây, mà tiêu biểu là con người dòng họ Nguyễn Trọng đại diện cho nhân dân vùng này luôn hướng tới/thể hiện trong sự nghiệp khoa danh, đi sứ của mình. 
Ngôi đình oai nghiêm, guột mái cong. Trên nóc có mô hình “Lưỡng long triều nguyệt” (hai rồng chầu mặt trăng). Cũng như những con rồng đúc đất nung, những con nghê, sấu “kỳ lân” đa dạng chạy dài trên các đường lưng chừng, các góc mái đến tận mái, nối tiếp là những “chim phượng” cất cánh như chực bay lên trời. “Long, ly, quy, phượng” là những mô hình tượng trưng bốn con vật linh thiếng, tất cả bằng đất nung, đường nét chi li, tinh tế, mang thần sắc sống động, linh hoạt tôn nghiêm cổ kính. Đình gồm 5 gian, 3 gian chính, 2 gian phụ, chiều dài đến 30m, chiều ngang 16m. Sáu vì gồm 24 cột lim, kết cấu kiểu tứ trụ, mỗi cột cao tới 8m, với chu vi 1,5m.  
Bức hoành phi gian giữa đình chạm nổi khắc ghi 5 chữ Hán, kiểu chữ chân:
聖 弓 萬  萬 歲
“Thánh cung vạn vạn tuế” (cung Thánh muôn muôn năm). Nơi đây đã nổi tiếng, được vua và triều đình bảo hộ mãi mãi.
Nối tiếp sau đình là một hậu cung nhỏ hơn, có biển khắc trạm lộng ba chữ Hán “Đại Thánh miếu” (Miếu thờ Khổng Tử), hay nơi thờ Đạo Nho (Đạo Học). Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà hoạt động chính trị, người mở đầu cho học phái Nho gia cuối đời Xuân Thu, tên là Khâu, tự Trọng Ni (551-479 TCN), người ở Trâu Ấp, nước Lỗ (nay là Khúc Phụ, Sơn Đông). Ông từ bỏ chức quan triều đình, theo nghề dạy học, từng có 3.000 đệ tử, có 72 người thành đạt. Ông từng san định các sách: Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu… tác phẩm Luận Ngữ của ông còn lưu lại đến ngày nay và ông được xưng tụng là Thánh Nhân. Sách của Khổng Tử là các bộ giáo khoa thư dạy và học, đào tạo nên các nhà khoa bảng, phục vụ cho triều đình tuyển chọn nhân tài và quan lại quản lý đất nước. 
Tất cả 12 kèo trước sau và hồi đều được trạm trổ tinh tế; Trên nách bốn bề dưới mái đình có 24 bức tranh khắc gỗ nổi (cỡ 80 x 60cm), là những kỳ công của điêu khắc cổ. Những mô hình điển tích Trung Hoa được chạm khắc các cảnh “Vua Thuấn đi cày ở núi Lịch Sơn”, “Vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn ở Hoàng cung”, cảnh “vượt biển bằng thuyền trong giông bão” v.v… Những cảnh sinh hoạt dân gian rất sinh động như: “Tiến sĩ về làng”, “Người đánh đàn”, “Trẻ chăn trâu thổi sáo”, “Mẹ cho con bú”, “Trai gái giã gạo”, vui đùa hồn nhiên, “Tranh người đánh cờ”, cảnh “Đọc sách ngâm thơ”, “Phi ngựa chiến qua làng… 24 bức phù điêu được chạm ở xà nách, tính từ đầu chái bên trái tận đường phía trước là số 1, đi ra sau vòng lại phía trước giáp số 1 là số 24. Xin được phân tích kỹ các bức tranh có liên quan đến Ngoại giao, đi Sứ:
Ảnh Bức 1 đến bức 4

Bức 1: 安 山 五 桂 Yên Sơn ngũ quế (5 cây quế núi Yên Sơn).
靈 椿 一 珠 老 Linh thung nhất châu lão (có 1 ông già núi Linh Thung).
丹 桂 五 枝 香 Đan quế ngũ chi hương
(Giáo dục 5 người con trưởng thành để lại một tiếng thơm).
竇 嚴 觀 天 久 Đậu nghiêm quan thiên cửu 
(Ông già họ Đậu ngẩng mặt trông trời cao).
Ý nghĩa của các bức chữ trên trích trong sách “Tam tự kinh” lấy tích ông họ Đậu ở Yên Sơn giáo dưỡng cho cả 5 người con trai đều thành đạt, nổi tiếng: “Đậu Yên Sơn, hựu nghĩa phương, giáo ngũ tử, danh câu đương”. Mong muốn của tác giả khởi xướng xây dựng đình nhằm khuyên mọi nhà chú trọng việc giáo dục con cái, tôn trọng chữ Nho, cũng là tư tưởng Nho học của dòng họ Nguyễn Trọng. Các danh nhân, con cháu họ Nguyễn Trọng luôn hiểu sâu điển tích này, nhất là các Sứ thần để khi đi Sứ có thể đối đáp, họa văn thơ với người dân và Sứ thần Trung Hoa và các nước đồng văn khác thường quan tâm đến..
Bức 2: Chạm một mâm rượu có 2 người đang ngồi uống và một bàn cờ tướng có 2 người ngồi đánh; có thêm đôi câu đối:
局 外 乾 坤 小/壺 中 日 月 長
Cục ngoại càn khôn tiểu/Hồ trung nhật nguyệt trường.
(Khi cờ đương cuộc trời đất cũng nhỏ/Lúc rượu đầy be ngày tháng thêm dài).
Bức số 3 và 4: Chỉ chạm trúc hóa.
Bức số 5: Chạm tích Văn vương, Lã Vọng và Y Doãn canh tân, thương sứ xuất cảnh (Ông Y Doãn đang đi cày, sứ giả nhà vua ra tận ruộng mời về cung vua). Lã Vọng họ Khương, tự Tử Nha, tổ tiên có công được phong ở đất Lã, nên lấy họ là Lã. Ông sống một cuộc đời cùng khốn cho đến lúc già hơn 70 tuổi vẫn phải đi câu cá để sinh sống. Chu Văn Vương đi săn về phương đông và gặp Lã Vọng câu cá ở mé sông Vị, cùng nói chuyện và lấy làm hợp ý lắm, bèn nói: “Từ Thái công tiên quân của ta có nói: Hiện có Thánh nhân đến giúp nhà Chu, nhà Chu sẽ hưng thịnh. Chính ngài là Thánh nhân đó chăng? Vua cha ta trông mong ngài đã lâu lắm rồi đó”. Vì vậy mà đặt tên hiệu cho ông là Thái Công Vọng (người vua cha trông mong). Văn Vương mời Lã Vọng lên ngồi cùng xe rước về kinh, phong làm thầy. Lã Vọng giúp Văn Vương và con là Vũ Vương dựng nghiệp lớn nhà Chu. Tương truyền ông có soạn bộ binh thư là “Lục thao”, 6 quyển.
Ảnh bức 5 đến bức 8
Y Doãn tướng đời nhà Thương, Trung Quốc, tên Chí, cày ruộng ở đồng Hữu Sằn. Vua Thành Thang nhà Thương ba lần cho người đưa hậu lễ đến mời, Y Doãn mới chịu ra giúp. Ông có công to giúp vua Thang đánh vua Kiệt, diệt nhà Hạ, dựng nghiệp nhà Thương, được tôn giữ chức A hành. Ông luôn luôn tự xem mình có trách nhiệm gánh vác việc thiên hạ. Khi mất được chôn ở cạnh lăng vua Thang. Bức chạm có ý tưởng về việc tìm người tài giúp nước rất quan trọng, nếu có tài tất sẽ được tiến cử, triều đình rước mời cất nhắc làm những việc quan trọng và cũng là các cách thức đi sứ để đạt được kết quả như mong muốn.
Bức số 7: Phượng hàm thư (Chim phượng ngậm bao thư) và Trận đồ bát quái, tứ linh.
Bức số 8: Tam hựu, tùng, trúc, mai (Trong bộ tứ quý: Tùng, cúc, trúc, mai). 
Ảnh bức 9 đến bức 11

Bức số 9: Chạm chữ phụng thần linh. Chạm bức tranh: Đình, hương án, bệ thờ, giá binh khí, hạc, cờ quạt (Trong bộ bát bửu).
Bức số 10: Chạm Thành Thang sảnh Y Doãn (Vua Thành Thang mời ông Y Doãn về sảnh đường nói chuyện). Bức chạm vua Thành Thang cưỡi ngựa, sứ giả cũng cưỡi ngựa. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường từng sáng tác bài thơ Đề vũ phiến tử (Đề quạt giấy), có câu: Giải uẩn chiêu lương, Y, Phó tài... (Cởi bỏ cái nóng bức, đem gió mát về, người có tài như Y doãn, Phó Duyệt...). Câu này dùng điển tích hai nhân vật Y Doãn, Phó Duyệt có tài kinh bang tế thế đời nhà Thương, Trung Quốc để nói lên tư tưởng lớn của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường cũng mong muốn đem tài năng, lập sự nghiệp lớn, khi được vua và triều đình trọng dụng. Điển tích Lã Vọng, Y Doãn được khắc lặp hai lần là có ý khẳng định dòng họ Nguyễn Trọng với các Tiến sĩ đều có tài năng lớn, được triều đình cử đi Sứ.  
Bức số 11 có 2 cảnh:
- 博 舉 所  Bác cử sở (Nơi tuyển chọn nhân tài).
- 商 山 四 皓 Thương Sơn tứ hạo (4 ông già núi Thương lo vận nước nhà Hán suy, ngồi khóc).
Ảnh bức 12 đến bức 15

Bức số 12: Trúc hóa.
Bức số 13 - 14 có 4 cảnh:  士 Sĩ , 農 Nông, 工 Công, 商 Thương, 
Bức 15: Trúc hóa. 
Bức số 16: Chạm “Quần tiên vi cơ” (Một bầy tiên đang bay), có 5 cô tiên có cánh và một tiểu đồng với 1 ngựa.
Bức 17: Chạm “Văn Vương nghinh Thái Công” (Vua Văn Vương đón Thái Công vào cung); hình Thái Công đang ngồi trên phiến đá, đứng sau có lão bộc vác quạt đứng hầu. Vua Văn Vương áo mũ chỉnh tề, xuống xe ngựa có tàn quạt che, đi bộ đến giữa cầu, phía trước có sứ giả đang quỳ tâu trước Thái Công.
Bức số 18: Tam hựu, tùng, trúc, mai; trúc hóa phượng, phượng đậu trên cành trúc; liên quy (sen rùa); long vân (rồng mây).
Bức số 19: Tứ linh: Long, ly, quy, phượng; phượng hàm thư (Phượng ngậm bao thư báo tin vui).
Ảnh bức 16 đến bức 17

Bức 20: Chạm 1 ông tiên cưỡi phượng lên mây; Lưỡng long tranh châu; Long, ly, phượng.
Bức 21: Chạm “Kỵ xạ ưu trúng” (Cưỡi ngựa bắn cung trúng đích). Có ba ông ngồi ở 3 tòa nhà nhỏ đang quan sát một người mang cung chuẩn bị bắn, bên cạnh có 2 người xem, 1 người xuống ngựa; ở xà nách chạm mai hóa long vân.
Bức 22: Chạm “Hâm bảng liên đăng” (Xướng danh khoa bảng). Có một nhà 2 lầu, trên có 4 chữ; có 7 người (3 già, 4 trẻ) ngồi trong nhà, 1 người xem sách, 1 người đứng canh gác và thêm 1 tướng 1 voi.
Bức 23 và 24: Chạm trúc hóa, mai hóa. 
Tất cả ở 24 bức chạm và ở các cột bồng nhỏ, các đấu ở xà nách đều chạm nhiều cảnh sinh hoạt, hoa văn tứ quý, tứ linh, như “vinh quy bái tổ”, long, ly, voi, ngựa, sen, rùa… Tiêu biểu: 8 ổ rồng 10 con, 3 hóa phượng; 1 lưỡng long triều nguyệt; 6 lèo lá hóa phượng; 2 rồng ở 2 kẻ giữa phía sau; 4 đầu rồng phía sau quân đầu; 1 đầu rồng, 3 long hóa phía phải 4 quân đầu; 3 rồng, 1 rùa ở 4 đầu quân phía trước; 4 xà thượng đều chạm rồng hóa… Toàn bộ các họa tiết hoa văn chạm khắc ở đình Trung Cần gợi lên một quang cảnh làng xã xa xưa, một làng có văn hóa, văn minh, vừa cổ kính, vừa dân dã, gần gũi, thân thiết, được bố cục hài hòa, đường nét điêu luyện, ý cảnh, thần sắc thực và ảo nói lên tài nghệ, tâm hồn nghệ nhân làng xã thuở xa xưa. Kết cấu kiến trúc và các họa tiết hoa văn ở đình mang đậm nét triết lý văn hóa dân gian sâu sắc của thời đại thế kỷ XVII - XVIII; có giao thoa trộn lẫn tư tưởng Nho - Phật - Lão (Tam giáo đồng nguyên). Đình Trung Cần, một công trình văn hóa nghệ thuật bề thế, điêu luyện, một tác phẩm kiến trúc tuyệt xảo nhất vùng, cùng cụm đình Hoành Sơn, Dương Liễu đã có tiếng vang trong xứ Nghệ. Qua đây có thể thấy được năng lực giỏi của người khởi xướng xây dựng đình Trung Cần - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường còn là một kiến trúc sư đại tài, tác giả của các ý tưởng uyên thâm, độc đáo, vượt lên thời đại. Các tích truyện họa khắc ở đình Trung Cần đã phần nào phản ánh đúng gia thế họ Nguyễn Trọng với các danh nhân đậu Tiến sĩ, làm sứ thần, đã được vua chúa tin dùng, trọng dụng.
Đình Trung Cần với kiến trúc độc đáo, với hệ thống các hoa văn, các bức họa chạm khắc mỹ thuật tinh tế, điêu luyện, là một công trình di sản văn hóa nghệ thuật quý còn lưu lại đến nay. Nó xứng danh là một trong những ngôi đình to đẹp nhất xứ Nghệ, cần được thường xuyên tu dưỡng bảo vệ, phục vụ cho việc giáo dục truyền thống con em các thế hệ trẻ của địa phương và đất nước.
Sách và tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ Di tích đình Trung Cần… Bảo tàng tỉnh Nghệ An;
2. Nguyễn Tôn Nhan. Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc.- H., Văn hóa Thông tin, 2000.- 1.521 tr., 16 x 24cm.
3. Nguyễn Văn Huân - Bùi Huy Tuấn. Thành ngữ và điển cố Trung Hoa. NXB Hải Phòng, 2008.- 587 tr., 20,5cm.
4. Đào Tam Tỉnh. Khoa bảng Nghệ An (1075-1919).- NXB Nghệ An, 2005.- 
5. Câu đối xứ Nghệ. T.1-T.2./ BS: Cảnh Nguyên, Nguyễn Thanh Hải, Đào Tam Tỉnh.- NXB Nghệ An, 2005.
6. Thực địa tại đình Trung Cần và một số tài liệu khác…
7. Hình ảnh: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thanh Hùng.



Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây