Được thua từ một cuộc chiến

Thứ hai - 14/03/2022 05:21 0
 
Sơ lược về bối cảnh

Năm 1991, Liên Xô tan rã. Ukraine là nước cộng hoà có vị trí thứ sáu sau Nga trong Liên Xô trở thành quốc gia độc lập. Chính Ukraine cùng với LB Nga và Belarus là 3 quốc gia chung nguồn gốc Slavo đã tuyên bố giải thể Liên Xô để lập nên Cộng đồng các quốc gia độc lập.

Ukraine lúc đó là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Lực lượng hạt nhân của Ukraine lớn hơn lực lượng hạt nhân của cả 3 cường quốc Anh, Pháp, Trung Quốc cộng lại. Ukraine sở hữu khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô gồm 130 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) UR-100N với 6 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 46 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RT-23 Molodets với 10 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 33 máy bay ném bom hạt nhân hạng nặng, tổng cộng còn hơn 1.700 đầu đạn hạt nhân.

Ngày 5/12/1994 tại Budapest, 4 nước Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Mỹ, Ukraine đã ký Bản ghi nhớ với Ukraine về Đảm bảo an ninh cho Ukraine để Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Điều khoản đầu tiên của thoả thuận Budapest 05/12/1994 là:

Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Hợp chủng quốc Hoa kỳ tái khẳng định cam kết của họ với Ukraine, trong sự phù hợp với các nguyên tắc của Đạo luật cuối cùng của Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu, tôn trọng nền độc lập và chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine.


Điều khoản thứ 2 là:

Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Hợp chủng quốc Hoa kỳ tái khẳng định nghĩa vụ kiềm chế trước đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và không một vũ khí nào của họ sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại Ukraine, ngoại trừ để tự vệ, hoặc theo cách khác trong Hiến chương của Liên hợp quốc.

Ukraine chung sống hoà bình với LB Nga trong suốt hơn 23 năm cho tới năm 2014 thì bắt đầu xẩy ra xung đột. Đó là khi có Cuộc cách mạng Maidan tháng 2/2014 ở Kiev đã lật đổ chính quyền thân Nga của Tổng thống Yanukovych. Tổng thống Nga Putin lúc đó đã đưa quân chiếm bán đảo Crimea và sát nhập vào LB Nga sau 1 cuộc trưng cầu dân ý với đa số là người Nga đồng ý (tháng 3/2014). Trong lịch sử, Crimea đã từng thuộc lãnh thổ của nhiều sắc tộc như: Kimeri, Hi Lạp, Hung,   Bulgara, Tatar,... và các quốc gia như           Kiev Rus, Đông La Mã, Ottoman, đế quốc Nga,... Thời Liên Xô, Crimea thuộc Liên bang Nga. Tháng 12 năm 1954, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao ký sắc lệnh chuyển Crimea thuộc Ukraine.

Mâu thuẫn bản lề giữa Ukraine và Nga xuất hiện từ khi ông Putin sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga năm 2014. Chính quyền Ukraine mới thành lập sau cách mạng Maidan đổi hướng về châu Âu mà lạnh nhạt quan hệ với Nga. Xa hơn, vì mất Crimea, Ukraine không chỉ muốn trở thành thành viên của EU, mà giống như các nước Đông Âu và PriBan Tích trước đây, còn muốn gia nhập NATO để bảo vệ lãnh thổ.

Chống lại xu thế gia nhập EU và NATO, 2 vùng phía Đông của Ukraine là Lugansk và Donetsk, nơi có đa số người Nga sinh sống, đã tuyên bố ly khai - thành lập các cộng hoà độc lập. Ukraine bị chia rẽ. Từ đó trong suốt 8 năm chính quyền Kiev đã có giao tranh với 2 nước cộng hoà ly khai được Nga hậu thuẫn.

Định dạng Normandy và thoả thuận Minsk

Ngày 06/6/2014, lãnh đạo 4 nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine gặp nhau bên lề kỷ niệm 70 năm Đồng minh đổ bộ lên Normandy, để đưa ra giải pháp cho tình hình Ukraine. Thoả thuận theo định dạng Normandy sau đó đã được ký kết tại Minsk 05/9/2014 (gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu - OSCE). Nhưng như nhiều hiệp ước đình chiến khác, hai bên đổ lỗi cho nhau về vi phạm, và hệ quả là thoả thuận Minsk II được ký kết tháng 2/2015 với bộ tứ gặp nhau ở    Normandy là Pháp, Đức, Nga và Ukraine. Nhưng sau thoả thuận Minsk II, giao tranh vẫn liên tục xẩy ra.

Bước ngoặt dẫn đến chiến tranh Nga - Ukraine

Chính phủ Ukraine, trong cố gắng gia nhập EU, đã tìm kiếm sự trợ giúp quân sự của các nước NATO, cụ thể là Mỹ và Anh. Điều này đã làm cho Tổng thống Nga Putin lo ngại. Vì vũ khí của NATO đặt ở Ukraine sẽ kiểm soát được lãnh thổ Nga và làm cho khả năng phòng thủ của Nga yếu đi. Nhưng ngoài điều này ra, ông Putin không muốn một vùng đất rộng lớn thuộc Liên Xô và Nga Hoàng trước đây lại nằm trong liên minh NATO. Vì thế, ông Putin quyến định hành động trước khi năng lực quốc phòng của Ukraine đủ mạnh với sự giúp đỡ của Anh, Mỹ.

Ngày 21/2/2022, Hạ viện Nga thông qua Nghị quyết công nhận hai nước Cộng hòa ly khai Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) và trình lên Tổng thống Putin xem xét. Ngày 21/2/2022, Tổng thống Putin ký Quyết định công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk. Quyết định này gây nên một làn sóng phản ứng dữ dội của nhiều nước, vì nó đồng nghĩa với việc Nga chia cắt chính thức vùng Donbass ra khỏi Ukraine, vẽ lại bản đồ châu Âu. Ngày 22/2, Duma Quốc gia Nga phê chuẩn Hiệp ước với DPR và LPR, trong đó có điều khoản cho phép các bên xây dựng và sử dụng căn cứ quân sự lẫn nhau. Dồn dập hơn, cũng trong ngày 22/2/2022 ông Putin đã gửi cho Ukraine và phương Tây một thông điệp mang tính “tối hậu thư” với 4 điểm mấu chốt để tránh khỏi cuộc tấn công của Nga:

“Trước tiên, công nhận Crimea là của Nga. Thứ hai, Ukraine phải tự nguyện từ bỏ tư cách thành viên NATO. Thứ ba, “giải quyết vấn đề Donbass thông qua các cuộc đàm phán và thực hiện các thỏa thuận Minsk”, nhưng điều này, theo ông Putin, “đã không còn phù hợp”.

“Và cuối cùng, điều quan trọng nhất, điều thứ 4. Mọi thứ đã nói ở trên có thể được lật ngược trong một giây nếu những người được gọi là đối tác của chúng tôi bơm cho chính quyền Kiev những loại vũ khí hiện đại. Do đó, điểm quan trọng nhất là mức độ nhất định về việc phi quân sự hóa Ukraine ngày nay” (https://news.liga.net/politics/news/chto-nujno-chtoby-ne-bylo-konfliktov-putin-vydvinul-ultimatum-ukraine-i-miru).

4 điều kiện mà ông Putin đưa ra, Ukraine khó mà chấp nhận, nguyên tắc nhất là toàn vẹn lãnh thổ. Và như thông điệp “mọi thứ đã nói ở trên có thể được lật ngược trong một giây” sáng sớm ngày 24/2/2022.

Dựa trên Hiệp ước ký với DPR và LPR, được sự cho phép của Hạ viện và Thượng viện Nga, Tổng thống Putin có quyền điều động quân đội ra ngoài biên giới lãnh thổ đến DPR và LPR. Sáng ngày 24/2/2022, Tổng thống Putin đọc thông điệp cho toàn nước Nga, và sau đó tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine để bảo vệ công dân Nga theo yêu cầu của DPR và LPR. Ngay tức thì tên lửa của Nga dồn dập tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Cùng lúc đó, 200.000 lính Nga vượt biên giới tấn công Ukraine theo nhiều hướng. Hầu khắp các địa danh trên toàn lãnh thổ Ukraine vang lên tiếng nổ.

Được mất

Cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ làm toàn thể nhân loại vội vã trong một cuộc chạy đua vũ trang mới đầy tốn kém. Cùng với đó là sự lo lắng ngày càng gia tăng của các quốc gia yếu thế về đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

Lực lượng quá chênh lệch giữa Nga và Ukraine cho phép bất cứ ai cũng dự đoán được kết cục. Nga có thể giành được thắng lợi ở những mục tiêu giao tranh. Nhưng chiếm đóng Ukraine thì không thể. Giống như Liên Xô và Mỹ đều phải rút khỏi Afghanistan. Bằng sức mạnh quân sự, với kho vũ khí hạt nhân huỷ diệt thế giới, với thông điệp rằng sẽ trả đũa tức thì, với hậu quả kinh hoàng chưa từng thấy cho bất cứ ai can thiệp, Tổng thống Putin hướng đến mục tiêu lập nên một chính phủ thân Nga ở Ukraine, giải giáp vũ khí Ukraine, và không có căn cứ quân sự NATO trên lãnh thổ Ukraine.

Ngoài mục tiêu ông Putin muốn đạt được, có một ngư ông đắc lợi khác nữa. Như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự báo, Trung Quốc có thể hành xử với Đài Loan tương tự như Nga với Ukraine.

Nhưng cái mất thì vô cùng to lớn.

Nước Nga đang phải chịu những trừng phạt kinh tế nặng nề chưa từng có từ Mỹ, Anh, Eu, Canada, Nhật, Hàn, Australia và các nước khác. Anh loại bỏ hoàn toàn hệ thống ngân hàng của Nga, trừng phạt hơn 100 công ty và cá nhân của Nga. Mỹ và Eu loại đến 70% hệ thống tài chính của Nga, cấm vận nhập khẩu các công nghệ có thể làm cho Nga rất khó khăn dài lâu về sau. Ngay trong ngày đầu tiên, thị trường tài chính Nga đã mất đi 250 tỷ USD. Kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng lớn từ sau cấm vận 2014 do sát nhập Crimea, thì bây giờ càng khó khăn gấp bội khi tài sản bị đóng băng và không được thanh khoản bằng USD, EURO, Bảng Anh và Yên Nhật. Người thua cuộc cuối cùng trong sự cấm vận này là nhân dân Nga.

Trừng phạt kinh tế là một phía. Phía đau xót hơn chính là sinh mạng của những người tham chiến và dân thường. Cả ở phía Nga lẫn phía Ukraine, dù bên nào thắng hay thua thì vẫn có hàng ngàn người thiệt mạng. Hàng ngàn gia đình chịu cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố. Nặng nề nữa là hàng triệu người dân thường của Ukraine mất nhà cửa phải lánh nạn khắp nơi, sang châu Âu, châu Mỹ. Đó mới là những thảm kịch không gì bù đắp cho nhân dân Ukraine và Nga.

Trong cuộc chiến Nga - Ukraina, nhân dân Ukraina và nhân dân Nga là những người thất bại toàn diện.

Còn một tổn thất khác nữa không đo được. Đó chính là tổn thất giữa hai dân tộc anh em Nga và Ukraina. Phải mất nhiều thập niên, vết thương mới dần lành.
Chiến tranh Nga - Ukraine đang gây ra những biến động lớn trên toàn thế giới. Sẽ có những thay đổi mới về địa chính trị. Cấm vận nghiệt ngã đối với nước Nga sẽ đẩy Tổng thống Nga tìm kiếm sự hợp tác mạnh hơn với Trung Quốc, liên minh  Tập Cận Bình - Putin sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện châu Á - Thái Bình Dương, tác động lên tình thế ở biển Đông, ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Sự thay đổi biên giới quốc gia ở châu Âu từ cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ làm toàn thể nhân loại vội vã trong một cuộc chạy đua vũ trang mới đầy tốn kém. Cùng với đó là sự lo lắng của các quốc gia yếu thế về đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ sẽ càng ngày càng lớn.

Bản chất của chiến tranh và nguyên tắc giải quyết tranh chấp

Từ ngàn xưa, các cuộc chiến tranh thường liên quan đến lãnh thổ, quyền lực, sắc tộc, quyền lợi, tôn giáo tín ngưỡng, thù hận. Chiến tranh để mở rộng lãnh thổ, đồng thời cũng là mở rộng quyền lực và quyền lợi. Chiến tranh để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ sắc tộc, cũng là để bảo vệ quyền lợi, quyền lực. Bên thắng thua tuỳ thuộc vào từng cuộc chiến cụ thể. Nhưng có một bên thứ 3, luôn luôn thất bại trong mọi cuộc chiến, đó là nhân dân, dù đó là nhân dân bên thắng cuộc hay bên thua cuộc. Vì thế, nhân dân, dù là màu da gì, sắc tộc nào, sống ở đâu, tất cả đều phản đối chiến tranh. Mức độ phản đối của nhân dân phụ thuộc vào tính chất của cuộc chiến, là xâm lược hay phòng vệ, là phi nghĩa hay chính nghĩa.

Chiến tranh quá tàn khốc, nên loài người theo tiến bộ, từng bước định ra khung pháp lý để giải quyết tranh chấp. Đó là: tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực, đàm phán hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Được của người này, có thể là mất của người khác. Nhưng chiến tranh thì phụ nữ vĩnh viễn là người thua cuộc. Trước khi quyết định một cuộc xung đột, hãy nghĩ về phụ nữ.



[*] Tiến sĩ


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây