Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh: những khó khăn khi tự chủ toàn diện

Thứ hai - 10/10/2022 05:21 0

PV: Là một trong những đơn vị thí điểm đầu tiên ở Nghệ An về tự chủ tài chính, mô hình đó được triển khai ở Bệnh viện Đa khoa thành phố như thế nào, thưa Bác sĩ?
BS.CKII Nguyễn Hồng Trường:
Năm 2017, ngành y tế Nghệ An có 8 đơn vị được giao quyền tự chủ nhóm 2, gồm các bệnh viện: Hữu nghị đa khoa, Sản - Nhi, Ung bướu, Nội tiết, Phục hồi chức năng, Đa khoa khu vực Tây Bắc, Đa khoa khu vực Tây Nam và Đa khoa thành phố Vinh.
Đến năm 2018 có thêm 7 đơn vị Bệnh viện đa khoa gồm: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương; Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình và Bệnh viện Phổi và năm 2019 có thêm Bệnh viện Mắt. Như vậy, tính đến hiện nay Nghệ An có 16 đơn vị bệnh viện được giao quyền tự chủ nhóm 2  “Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên”. 
Theo đó, giai đoạn 2017 - 2019, Bệnh viện ĐKTP Vinh bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ về chi thường xuyên (nhóm 2 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP); Giai đoạn 2020- 2021 thực hiện cơ chế tự chủ về chi đầu tư và chi thường xuyên (nhóm 1 theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP). Hiện tại (năm 2022) được UBND tỉnh giao thực hiện cơ chế tự chủ về chi thường xuyên (nhóm 2 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP). Theo mức độ 2 của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh sẽ có quyền tự quyết về bộ máy tổ chức và nhân lực cũng như tài chính, chịu sự quản lý nhà nước và vẫn được ngân sách đầu tư một phần cơ sở vật chất hạ tầng.
Trước khi triển khai thí điểm mô hình tự chủ, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh được ngân sách cấp hàng năm dành cho việc trả tiền lương và phụ cấp. Khi thực hiện tự chủ tài chính theo mức độ 2, số tiền này sẽ không còn được cấp, mà do bệnh viện tự cân đối thu và chi. Tuy nhiên, việc tự chủ một phần và toàn phần rơi vào tình cảnh bội chi do khó khăn về nguồn thu, và nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời thì tình trạng bội chi sẽ càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. 
PV: Cụ thể những khó khăn đó là gì, thưa Bác sĩ?
BS.CKII Nguyễn Hồng Trường: 
Việc thí điểm mô hình tự chủ bệnh viện đã triển khai được 2 năm nay, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và tác động không mong muốn. 
Thứ nhất, đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ trong điều kiện không có văn bản (Nghị định, thông tư) chuyên ngành hướng dẫn chi tiết. Do vậy trong quá trình thực hiện có nhiều nội dung chưa rõ ràng, chồng chéo, lẫn lộn giữa các văn bản hiện hành và văn bản trước khi thực hiện tự chủ. Ví dụ: Giai đoạn 2020- 2021, Bệnh viện thực hiện tự chủ theo nghị định 16/2015/NĐ-CP (qui định chung cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập), không có nghị định, thông tư chuyên ngành hướng dẫn chi tiết để các bệnh viện tổ chức triển khai thực hiện): Đơn vị được vay vốn tín dụng để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất; mua sắm máy móc trang thiết bị y tế. Được xã hội hóa bằng các hình thức: liên doanh, liên kết; thuê… máy móc, trang thiết bị để hoạt động khám, chữa bệnh… Tuy nhiên vay vốn như thế nào? Các hình thức xã hội hóa được thực hiện như thế nào? Thì đều chưa có hướng dẫn cụ thể. Dẫn đến việc mỗi địa phương, mỗi đơn vị thực hiện một kiểu, không có sự thống nhất (rất dễ vi phạm pháp luật). 
Qua rà soát, hiện nay, thiết bị y tế cả nước thiếu 73%, vật tư y tế thiếu 75%. Như vậy, toàn tuyến y tế từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã thiếu tới 73 - 75% thiết bị, vật tư y tế. Đây là con số đáng báo động. Thực tế, bác sĩ muốn khám chữa bệnh cho người dân thì phải có thuốc, trang thiết bị y tế nhưng nay những thứ này thiếu thì rất khó thực hiện. Tuy nhiên, các bệnh viện không đủ tiềm lực hoặc đủ tiềm lực nhưng không giám mua sắm vì vướng một số luật khác nhau như Luật Đầu tư không đề cập về đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc.
Thứ hai, Bệnh viện thực hiện tự chủ - tự chi trả tiền lương, thu nhập cho CBVC-NLĐ (nhà nước không cấp bất cứ khoản chi trả nào). Tuy nhiên giá dịch vụ KCB lại chưa được tính đúng, tính đủ (mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành). Do vậy các Bệnh viện rất khó khăn về nguồn tài chính, thu nhập CBVC-NLĐ chưa tương xứng với công sức bỏ ra, bệnh viện rất khó thu hút nguồn nhân lực có chất lượng về đơn vị công tác, thậm chí khó giữ chân được cán bộ y tế có tay nghề cao. 
Thứ ba, do chưa có sự thống nhất giữa 2 ngành y tế và BHXH về cơ chế thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, ví dụ: định mức kinh tế kỹ thuật là để cơ quan chức năng làm căn cứ xây dựng nên giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nhưng phía cơ quan BHXH lại lấy định mức đó làm cơ sở không chấp nhận thanh toán chi phí KCB BHYT - Lẽ ra phải căn cứ vào giá dịch vụ đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở thanh quyết toán (trong điều kiện tự chủ các bệnh viện nâng cao công tác quản lý, quản trị bệnh viện tốt, tiết kiệm được các nguồn lực mà chất lượng dịch vụ đầu ra vẫn đảm bảo thì đơn vị được hưởng phần chênh lệch đó để tái đầu tư, chi trả chế độ, chính sách nâng cao thu nhập cho người lao động… Bên cạnh đó vừa qua thực hiện chính sách giao quĩ, tổng mức thanh toán để thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB lại thêm nhiều bất cập, nhiều nội dung bệnh viện không thể giải trình được, bệnh viện càng phát triển, có nhiều người bệnh đến KCB thì nguy cơ không được chấp nhận thanh toán càng cao… Như Bệnh viện ĐKTP Vinh, từ năm 2017 đến thời điểm hiện tại đang còn gần 37 tỷ đồng chưa được cơ quan BHXH chi trả (do vượt định mức KTKT và vượt quĩ KCB). Như vậy bắt buộc đơn vị phải nợ các doanh nghiệp, công ty cung ứng Thuốc, VTYT… gây khó khăn quá lớn cho hoạt động KCB của đơn vị.
Cuối cùng, hiện đơn vị đang thực hiện cơ chế tự chủ về chi thường xuyên (nhóm 2 theo NĐ 60/2021/NĐ-CP), Nghị định này chỉ qui định cơ chế tự chủ về tài chính. Còn việc tự chủ về thực hiện nhiệm vụ; tổ chức bộ máy; nhân sự như thế nào thì không có qui định tại bất kỳ văn bản nào (hiện tại về nhân lực Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV qui định về định mức nhân lực đã hết hiệu lực). Bệnh viện chưa biết tổ chức triển khai thực hiện ra sao trong điều kiện có nhiều biến động nguồn nhân lực y tế như hiện nay. 
Nếu tình trạng này còn kéo dài thì khó khăn này chồng khó khăn khác; thắt chỗ này, buộc chỗ khác; đụng đến đâu vướng mắc đến đó… làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân.
PV: Vậy theo ông, những khó khăn trên có phải là nguyên nhân tạo nên làn sóng nghỉ việc của các cán bộ y tế hiện nay không?
BS.CKII Nguyễn Hồng Trường:
Theo báo cáo mới đây nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, trong đó năm 2021 là 5.284 viên chức, 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 viên chức. 
Trong muôn vàn lý do khiến các y, bác sĩ nghỉ việc thì phần lớn nằm ở chế độ đãi ngộ thấp, đặc biệt là y tế cấp cơ sở, trong khi đó cường độ và áp lực công việc lớn. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều cán bộ, y bác sĩ cấp cơ sở tham gia tuyến đầu chống dịch, nguy cơ phơi nhiễm rất lớn. Tuy nhiên, do cơ chế, cũng như dịch bệnh khiến thu nhập thường xuyên của đội ngũ y, bác sĩ giảm khiến nhiều người muốn nghỉ việc và đổi vị trí công tác tới nơi có thu nhập tốt hơn.
Cùng với đó, do dịch bệnh, nguồn thu nhập thường xuyên từ các đơn vị tự chủ giảm sâu do nguồn tài chính bị “hút” vào quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo phân loại của Bộ Y tế, Covid-19 là bệnh nhóm A. Việc điều trị bệnh nhân được chi trả từ ngân sách Nhà nước, bệnh nhân không phải chi trả. Trong khi đó, các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là khối bệnh viện đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên 100%, khi chưa nhận được tiền ngân sách nhà nước, phải tạm ứng nguồn thu để đáp ứng cho điều trị bệnh nhân Covid-19, nên khó khăn lại càng khó khăn hơn, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.
Đối với chủ trương giao các bệnh viện tiến hành tự chủ về nhân lực, nhưng lại áp định mức giảm biên chế; giao tự chủ về tài chính nhưng việc mua sắm trang thiết bị phục vụ KCB vẫn phải chờ phê duyệt qua nhiều cấp, nhiều ngành, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó là những bất cập trong công tác KCB bằng BHYT, giao dự toán chi phí KCB chưa sát thực tế..., dẫn đến các cơ sở KCB gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Điều này càng bộc lộ rõ khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện đều sụt giảm, có những bệnh viện có thời điểm hầu như không có bệnh nhân. Không có bệnh nhân, đồng nghĩa với không có nguồn thu, trong khi các khoản chi vẫn phải duy trì, khiến một số bệnh viện, ngay cả tiền lương cũng không thể bảo đảm chi trả. Câu chuyện các bệnh viện khó khăn về kinh tế, thu nhập của nhân viên thấp, nhiều bệnh viện đã không giữ chân được bác sĩ trong thời gian qua là một minh chứng điển hình.
Và đáng lưu ý hơn là khi cán bộ, y bác sĩ nghỉ việc, gánh nặng lại được đẩy lên vai những người tại chức. Thậm chí, 1 nhân viên y tế lại gánh quá nhiều công việc gây tâm lý chán nản và tiếp tục nghỉ việc, từ đó tạo nên làn sóng nghỉ việc của cán bộ y tế trong cả nước hiện nay.
PV: Vậy, để tháo gỡ những khó khăn này, cần những giải pháp gì thưa Bác sĩ?
BS.CKII Nguyễn Hồng Trường: Đã đến lúc, cần sớm tổng kết mô hình thí điểm tự chủ bệnh viện, để từ đó lựa chọn ra mô hình phù hợp. Việc tự chủ cũng nên phân tuyến, phân cấp và được tính toán cụ thể để bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra khi xây dựng thực hiện tự chủ bệnh viện là nâng cao hiệu quả chất lượng KCB cho người dân; đồng thời, tạo động lực nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, thay đổi tích cực về thái độ phục vụ và dịch vụ y tế để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng nhất.
Thứ nhất, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn (chuyên ngành) chi tiết thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, theo các nội dung: tự chủ về thực hiện nhiệm vụ; tự chủ về tổ chức bộ máy; tự chủ về nhân lực… cơ chế vay vốn, xã hội hóa trong y tế… Trong đó phải qui định rõ trách nhiệm, quyền lợi của các cơ sở KCB thực hiện cơ chế tự chủ đến đâu? Tránh tình trạng thực hiện tự chủ “nửa vời” vẫn tồn tại cơ chế “xin cho” gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, đặc biệt phải xem xét lại giá dịch vụ y tế: phải tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ. Có như vậy thì các cơ sở KCB mới có điều kiện phát triển, đảm bảo tốt hoạt động KCB cho nhân dân (nếu chỉ tăng lương cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà còn làm tăng gánh nặng cho các cơ sở y tế).
Thứ ba, đến thời điểm hiện tại, dù chúng tôi đã nỗ lực để đảm bảo chi tiền lương và các chế độ phụ cấp theo lương cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, khi bị mất cân đối thì các chế độ khác của nhân viên y tế sẽ không có hoặc giảm. Từ đó sẽ giảm sự hài lòng và sự gắn bó của nhân viên y tế đối với trung tâm y tế nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng này”.
Xin cảm ơn Bác sĩ về cuộc trò chuyện!


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây