Sinh kế cho người nghèo ở Nghệ An: Thực trạng và Giải pháp

Thứ năm - 04/05/2023 05:21 0

Giai đoạn từ 2016 đến nay, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp nên công tác xoá đói, giảm nghèo ở Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kết cấu hạ tầng cơ sở nông thôn ngày càng được hoàn thiện; nhiều dự án, đề án về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục được đầu tư hàng năm vì vậy đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo giảm nhanh. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,10% (tương đương 95.205 hộ) và số hộ cận nghèo còn 10,23% (tương đương 80.464 hộ). Năm 2020, toàn tỉnh còn 3,42% hộ nghèo và 5,41% hộ cận nghèo. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,74%/năm. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,74% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09%. Tuy nhiên theo đánh giá chung, kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, các nguồn lực được đầu tư nhiều nhưng dàn trải, manh mún, có tính hỗ trợ nhiều hơn; chính sách đầu tư, tạo vốn sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, hiệu suất đầu tư thấp; phần lớn hộ nghèo có thu nhập thấp, trình độ học vấn không cao, đông con, ốm đau, bệnh tật, vốn xã hội hạn chế, thiếu vốn sản xuất… do đó có ảnh hưởng rất lớn đến việc thoát nghèo. Để góp thêm góc nhìn về nghèo đói ở Nghệ An, chúng tôi xin được dẫn chứng một số thông tin, số liệu từ kết quả điều tra nhiệm vụ “Khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc thực hiện các mô hình sinh kế nhằm thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An” và luận giải một số nguyên nhân làm cơ sở cho việc đề xuất một số giải pháp xoá đói giảm nghèo bền vững ở Nghệ An. 
I. Một số kết quả và bình luận
1. Vấn đề về nhận thức 
Công tác xoá đói giảm nghèo chỉ thực sự thành công khi đối tượng của chính sách có sự đồng lòng, quyết tâm và thực sự mong muốn thoát nghèo. Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh, điều kiện kinh tế hiện tại của hộ, nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi: “Hộ gia đình có muốn thoát nghèo không?”. Kết quả, có đến 49% ý kiến của hộ trả lời là không muốn thoát nghèo và cho rằng họ không có khả năng thoát nghèo. Khi nhóm nghiên cứu hỏi thêm về lý do không muốn thoát nghèo? Đại diện các hộ bày tỏ lý do chưa muốn/ không muốn thoát nghèo bởi hoàn cảnh gia đình đang còn nhiều khó khăn như: gia đình có người ốm đau, bệnh tật; con cái nhỏ, đang đi học... muốn hưởng chế độ để được đi khám chữa bệnh và con cái được học hành;  thiếu/ không có đất để sản xuất; thu nhập thấp và đang nợ nần nhiều chưa trả được; không biết làm gì để thoát nghèo... Ghi nhận thêm về vấn đề này, từ góc độ ý kiến đánh giá của lãnh đạo và cán bộ phụ trách chính sách cấp xã trong công tác quản lý và triển khai chính sách hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương đã chia sẻ, thẳng thắn nhìn nhận sự thật hạn chế về ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân. Trong đó, chỉ ra thêm một thực tế là người nghèo đang được hưởng quá nhiều chính sách ưu đãi, từ đó nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thực tế như thế nào? 
- Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung gồm: Đầu tư tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội; Mua, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; Hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo(3); Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo(4); Hỗ trợ về giáo dục; Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. 
- Các dự án thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo Quyết định 1722/QĐ-TTg như Chương trình 30a; Chương trình 135(5). 
- Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh ban hành(6) như Chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa; Hỗ trợ xuất khẩu lao động; Chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ về làm việc tại các xã; Chính sách hỗ trợ làm chuồng trại, chăn nuôi gia súc, đại gia súc…
Ngoài ra còn có các hoạt động xã hội hóa giảm nghèo trên địa bàn tỉnh như “Quỹ vì người nghèo’’; chương trình “Tết vì người nghèo”; chương trình “Đại đoàn kết” hỗ trợ cho các hộ nghèo làm mới nhà ở, sửa chữa nhà, hỗ trợ giống cây, con, thuốc chữa bệnh và hộ có hoàn cảnh khó khăn...
Từ kết quả tổng hợp trên cho thấy các chính sách, chương trình, dự án dành cho người nghèo là khá nhiều nhưng tình trạng chung là dàn trải, manh mún, có tính hỗ trợ là chính. Một số chính sách về đầu tư phát triển sinh kế chưa xác định đúng nhóm đối tượng để hỗ trợ, việc hỗ trợ theo hướng dàn đều, thậm chí nhiều nơi ưu tiên cho những hộ gia đình có gia cảnh khó khăn, nghèo nhất dẫn đến hiệu quả của việc hỗ trợ không cao. Một bộ phận người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước mà thiếu đi động lực để vươn lên trong cuộc sống, nhiều người không muốn thoát nghèo vì vậy vô hình chung đã tạo ra sự bất cập trong chính cộng đồng.
2. Về nguồn nhân lực
- Quy mô nhân khẩu: Quy mô hộ bình quân theo nhân khẩu hiện tại - sinh hoạt chung là 4,35 người/1 hộ, trong đó tỷ lệ hộ có nhân khẩu từ 4 - 6 người chiếm 62,2% và từ 7 người trở lên chiếm 8,6%. Đông con dẫn đến một số gia đình phải chịu cảnh túng quẫn, kiệt quệ. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, kinh tế gia đình mà còn gây áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Việc sinh đông con còn kéo theo nhiều hệ lụy về lâu về dài như: không có điều kiện tốt để chăm sóc, nuôi dạy con cái, nhiều đứa trẻ không được học hành đầy đủ, sức khỏe kém, tương lai tăm tối… 


Các chương trình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo ở Nghệ An

- Trình độ học vấn của chủ hộ: Đa số người nghèo có trình độ học vấn thấp, có 42,6% có học vấn ở bậc THCS, 33,4% có học vấn ở bậc tiểu học, đặc biệt có đến 10% chưa đi học bao giờ. Học vấn thấp có ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thu được kiến thức khoa học kỹ thuật, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, vay vốn và đặc biệt là trong việc nuôi dạy và định hướng nghề nghiệp cho con cái.
- Về độ tuổi của chủ hộ: Từ 15 - 30 tuổi chiếm 9,6%, từ 31- 40 tuổi chiếm 29,3%, từ 41 - 50 tuổi chiếm 30,6%, từ 51 - 60 tuổi chiếm 14,7% và trên 60 tuổi chiếm 15,9%. Điều đáng lưu tâm đó là, số người trong độ tuổi lao động của các hộ chiếm số lượng nhiều nhưng lại chưa hoặc không đó định hướng rõ ràng trong việc phát triển kinh tế gia đình để có thể thoát nghèo. 
- Vốn xã hội thấp: Người nghèo, đặc biệt là nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thường sinh sống theo từng khu vực nhỏ, co cụm, ít có điều kiện tiếp cận với bên ngoài, thiếu thông tin về mọi mặt, ít có cơ hội tạo dựng sinh kế, thu nhập thấp dẫn đến nghèo; bị lợi dụng tiêu dùng những sản phẩm dịch vụ với giá cao, nhưng chỉ bán được sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường; thiếu hiểu biết về xã hội, lạc hậu, duy trì và tồn tại một số tệ nạn xã hội như rượu chè, thuốc lá.
3. Về đất đai, tài sản, việc làm
- Đất đai: Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, vô cùng quan trọng. Nhưng có đến 50,7% số hộ phản ánh là thiếu/ không đất sản xuất. Có 77,9% số hộ có đất thuộc sở hữu những diện tích không đủ lớn hoặc diện tích đất dốc khó canh tác, đất thường xuyên bị ngập úng hoặc khô hạn làm cho năng suất thấp; có 18,8% số hộ hoàn toàn không có đất và có 3,2% số hộ phải thuê, mượn hoặc làm chung. Thiếu tư liệu sản xuất (đất đai) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.
- Tài sản: Theo kết quả khảo sát, tài sản lớn, có giá trị của các gia đình thường từ các hoạt động chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà…; Trồng trọt chủ yếu là lúa, ngô, sắn… với mục đích tự cung tự cấp là chính dẫn đến thu nhập thấp, không tạo ra được sản phẩm hàng hoá. Đầu tư cho lâm nghiệp cũng không đáng kể, trên thực tế số hộ gia đình sở hữu diện tích rừng, đồi đủ lớn để trồng rừng là không nhiều. 
- Lao động việc làm
Trong phát triển sinh kế: Đa số người nghèo có tâm lý dè chừng khi tiếp cận cái mới, phải thay đổi, lo sợ rủi ro, loay hoay không biết nuôi con gì, trồng cây gì để phù hợp với thời tiết của địa phương, thích nghi với điều kiện khí hậu biến đổi khắc nghiệt. Tâm lý này cũng làm hạn chế rất lớn đến việc đầu tư các mô hình phát triển sinh kế. 
Trong sản xuất, tiêu dùng: Phần đông số hộ nghèo giữ tập quán sản xuất canh tác theo lối cũ. Hầu như các hộ nghèo không có kế hoạch dài hơi hay sản xuất hàng hóa, khả năng tích lũy rất ít, thường lo cái lo trước mắt, không lo lâu dài, cả năm có lúc không tích lũy được một chút tài sản nào, trong lúc đó nhu cầu cuộc sống thì nhiều nên cái nghèo cứ luẩn quẩn.
Ngoài ra, ở khu vực nông thôn thời gian nông nhàn nhiều. Vì vậy, việc người dân dịch cư ra bên ngoài để tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động… tăng thu nhập là xu thế tất yếu. Phong trào người dân (đặc biệt là tầng lớp thanh niên) thoát ra khỏi lũy tre làng để tìm kiếm các công việc mới góp phần tăng thu nhập cho gia đình đã tạo ra nhiều triển vọng mới về thu nhập và cải thiện đời sống. Tuy nhiên, hệ lụy của nó chính là việc quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái chưa đúng mực, nhiều gia đình phó mặc con cái cho ông, bà vì vậy việc học hành bị giảm sút, tình trạng bạo lực học đường gia tăng; Một bộ phận khác bị thu hút bởi những hào nhoáng, cám dỗ của đô thị mà không ít người sa ngã, từ bỏ quê hương, bỏ gia đình để có cuộc sống khác dẫn đến sống ly thân, ly hôn. Kết quả khảo sát cho thấy, số hộ gia đình nghèo do ly hôn, bố hoặc mẹ đơn thân nuôi con khá cao (12,9% số hộ). Ly hôn là điều mà trước đây hầu như không xảy ra trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nay có xu hướng gia tăng.
4. Tác động của thiên tai, dịch bệnh 
Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật... đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình trang trại, gia trại với đàn trâu bò lên đến 15-20 con, đàn lợn từ 50 - 100 con, ao cá, các loại cây trồng khác làm cho diện mạo của nhiều xóm làng xã có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên gần đây liên tục xảy ra các dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, dịch tai xanh, viêm da nổi cục, H5N1,… Chỉ riêng đại dịch tả lợn châu Phi đã có sức hủy hoại ghê gớm, nhiều gia đình mất trắng cả đàn lợn, gây hoang mang cho người chăn nuôi. Đến năm 2019, đại dịch Covid ập đến, hầu như toàn bộ thị trường bị đóng băng, nhiều gia súc, nông sản giảm giá sâu khoảng 40 - 50%, khó tiêu thụ. Bối cảnh, chỉ trong thời gian ngắn, xảy ra liên tiếp 2 đại dịch đã ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế nói chung và các hộ nghèo nói riêng. Sức chống chịu của những hộ nghèo vốn đã kém thì nay trước những cú sốc về kinh tế, thị trường, dịch bệnh lại càng khốn khó hơn. Kết quả khảo sát, có đến 50,9% số hộ gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh. Mất tài sản hoặc tài sản bị mất giá trị, khó tiêu thụ đồng nghĩa với việc một số gia đình đang từ khá giả chuyển sang nghèo hoặc từ cận nghèo chuyển sang tái nghèo.
Từ thực trạng trên, cùng với kết quả của một số nghiên cứu có thể khẳng định những vấn đề được đề cập là không mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay nó trở nên bức xúc, cấp thiết hơn và cần phải có giải pháp đúng, kịp thời nhằm phát huy có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững.
II. Đề xuất một số giải pháp
1. Tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức
Nhận thức là quá trình tiếp thu kiến thức và những am hiểu thông qua suy nghĩ, kinh nghiệm và giác quan. Nhận thức đúng thì sẽ hành động đúng, nhận thức sai thì hành động, việc làm sẽ bị chệch hướng. Thực tế hiện nay cho thấy người nghèo không muốn thoát nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Vậy có thể giúp người nghèo thoát nghèo khi mà bản thân họ không muốn thoát nghèo. Câu trả lời là không thể. Do đó, giải pháp quan trọng, cấp bách hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nghèo.
- Làm tốt công tác tư tưởng cho người dân: Cán bộ địa phương phải sâu sát, nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân để làm tốt công tác tư tưởng. Tư tưởng chưa thông thì làm việc gì cũng khó nhưng khi đã thông tư tưởng thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc triển khai. Phải làm cho người nghèo nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích lớn hơn của việc thoát nghèo. Người dân thấy được lợi ích của các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ sẽ tích cực tham gia thực hiện các hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và từng bước thoát nghèo bền vững.
- Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền: Đổi mới hơn nữa nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Cán bộ cơ sở phải kiên trì, bền bỉ, liên tục với nhiều cách làm, giải pháp khác nhau linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Động viên, khuyến khích các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo.
- Có cơ chế khuyến khích đối với những hộ gia đình tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện mô hình mẫu. Nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến, đồng thời khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. 
- Phát huy vai trò tích cực của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. 
- Tăng cường sự tham gia của người nghèo trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (cấp huyện, xã, xóm/ bản) đối với các vùng có các dự án đầu tư, vùng nguyên liệu hay các dự án phát triển “người nghèo không đứng ngoài cuộc”.
2. Điều chỉnh, sửa đổi các chính sách về phát triển sinh kế phù hợp với tình hình thực tế của Nghệ An
* Thu hẹp phạm vi, đối tượng hỗ trợ sinh kế:
Việc hỗ trợ người nghèo là hết sức cần thiết song chính sách được ban hành phải hướng đến mục tiêu tạo động lực cho người dân có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, chứ không thể tạo ra sức ỳ, trông chờ ỷ lại vào sự bảo trợ của Nhà nước. Vì vậy, theo chúng tôi cần tiếp cận xây dựng chính sách đầu tư theo hàng dọc, có trọng tâm, trọng điểm. Lựa chọn đúng đối tượng để đầu tư, tạo sinh kế. 
- Chỉ lựa chọn đối tượng mong muốn, khao khát và có khả năng thoát nghèo để xem xét hỗ trợ (theo độ tuổi, sức khoẻ, vốn tài nguyên đất đai, trình độ nhận thức, địa hình, dân tộc...).
- Không nên xét hỗ trợ sinh kế đối với đối tượng không có khả năng tham gia lao động (già yếu, bệnh tật, tai nạn, thiểu năng về trí tuệ…); Đối tượng lười nhác, thiếu ý chí, quyết tâm xoá đói, giảm nghèo. Trong trường hợp này, nhà nước xem xét phương án trợ cấp phù hợp.
- Đối tượng đang trong độ tuổi lao động, có sức khoẻ nhưng hộ thiếu/ không có đất sản xuất (18,9% hộ không có đất và có 3,3% số hộ phải thuê, mượn hoặc làm chung) thì thực hiện phương án giới thiệu việc làm đến các công ty, nhà máy có nhu cầu hoặc xuất khẩu lao động. Với những người vì điều kiện gia đình không thể đi làm xa có thể giới thiệu học nghề để tham gia các hoạt động dịch vụ tại địa phương.  
Trong khi nguồn lực tài chính của Nhà nước có hạn, việc thu hẹp phạm vi, đối tượng hỗ trợ sinh kế nhằm tăng mức hỗ trợ cho người nghèo là cần thiết và cũng đảm bảo việc triển khai các mô hình sinh kế mang tính bền vững, phát huy hiệu quả trong thực tiễn. 
* Chính sách phải hướng đến giải quyết những vấn đề cốt lõi.
- Ưu tiên đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn để mọi người dân đều có cơ hội hưởng lợi như nhau, hạ tầng tốt sẽ là cơ sở để người dân mở rộng tầm nhìn ra thế giới xung quanh mình, tiếp cận với các kênh thông tin, chủ động học tập, phát triển các mô hình phát triển kinh tế.... 
- Lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án có cùng mục tiêu nhằm đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo hạn chế tình trạng manh mún, dàn trải trong đầu tư. 
- Xây dựng, điều chỉnh chính sách theo hướng hỗ trợ, có sự tham gia đối ứng của người dân: Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ ban đầu thông qua các chính sách trợ giá về giống, phân bón; vay vốn hoặc hỗ trợ có điều kiện (đối ứng một phần kinh phí)... có như vậy người dân mới tự thấy được trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung của toàn xã hội.
3. Lựa chọn các hoạt động sinh kế phù hợp với khả năng, năng lực dựa trên tiềm năng lợi thế của địa phương
- Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống: Trong quá khứ cũng như hiện tại, trong các làng quê vẫn có rất nhiều nghệ nhân bằng bàn tay khéo léo, tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, họ đã tạo ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm nét đời sống, văn hoá địa phương. Vì vậy, cần khảo sát và có kế hoạch khôi phục và phát triển các làng nghề vốn là một trong những lợi thế của người dân ở khu vực nông thôn. 
- Ưu tiên khai thác các cây con bản địa có giá trị: Cùng với thời gian, người dân biết tích lũy các kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc dựa vào yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu để tạo ra một số sản phẩm đặc thù và có ý nghĩa kinh tế nhất định của địa phương như bí xanh, khoai sọ, dưa rẫy, cải ngồng, cà chua, quế Quỳ, xoài Tương Dương… với giá thành bán ra trên thị trường khá cao gấp 1,5 - 2 lần so với các sản phẩm thông thường; các loại vật nuôi có giá trị được người dân thuần chủng, chọn lọc và phát triển tốt như bò Mông, gà ác, vịt bầu, lợn đen, trâu Na Hỷ…, có khả năng chống chịu thời tiết và có khả năng sinh sản tương đối tốt. 
- Bảo tồn, khai thác có hiệu quả các giống cây và bài thuốc dân gian giá trị như sâm Puxailaileng, Đẳng sâm, Bảy lá một hoa, Lan Kim tuyến, Sa nhân, Hà thủ ô trắng, Nấm Linh chi đỏ, Giảo cổ lam,… Cùng với đó là các bài thuốc về tăng cường sinh lực, sức khỏe, chữa bệnh về phong, khớp, đại tràng được lưu truyền trong dân gian. Chính những tri thức này đã giúp cho cộng đồng các dân tộc tự giải quyết được các mối đe dọa từ bệnh tật và bảo tồn nòi giống của họ. 
- Hình thành và phát triển các tổ hợp phát triển kinh tế trên địa bàn có sự tham gia trực tiếp của người dân:
+ HTX nông nghiệp: Có vai trò đầu tàu, dẫn dắt người dân trong tất cả các hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất để tạo ra khối lượng hàng hoá đủ lớn, chất lượng cung ứng ra thị trường.
+ Phát huy các tổ chức xã hội tự nguyện (SANAM), đây là các tổ hợp sản xuất mang tính tự phát, chưa có sự định hướng rõ ràng trong các hoạt động, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính vì vậy cần có định hướng rõ ràng hơn cho các tổ chức này trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa về lợi ích kinh tế.
+ Ưu tiên đầu tư theo chuỗi giá trị: khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề và chế biến tiêu thụ sản phẩm. Kết nối doanh nghiệp, xưởng chế biến thu mua sản phẩm của người dân từ đầu vào đến đầu ra.
+ Chú trọng vận động thành lập các làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc nhóm sản xuất hỗ trợ người nghèo cùng tham gia sản xuất giúp tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững (thành viên có hộ không nghèo và hộ nghèo, hộ cận nghèo).
4. Giải pháp bảo toàn tài sản có giá trị cho người nghèo
Khi được hỏi về nhu cầu, nguyện vọng hỗ trợ cải thiện sinh kế, việc làm thì câu trả lời chung nhất vẫn là tiếp tục chăn nuôi trâu, bò chiếm 66,9%. Điều đó cho thấy chăn nuôi trâu, bò vẫn là ưu tiên phát triển sinh kế của người nghèo. Vì vậy, nhà nước cần có các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo phát triển sinh kế bền vững.
- Chính sách vay vốn cho phát triển sinh kế cần linh hoạt, đủ lớn và đúng mục đích: Đến nay về cơ bản hệ thống ngân hàng chính sách, nông nghiệp đã triển khai rộng khắp, mức vay tối đa lên đến 120 triệu đồng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các địa phương, đa số các hộ nghèo sử dụng nguồn vốn vay cho phát triển sinh kế chưa đúng mục đích, phân tán dẫn đến hiệu quả từ chính sách vay vốn chưa cao. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đối với tín dụng, đơn giản hoá các thủ tục cho vay, thời gian cho vay dài hơn, mức vay cao hơn và kiểm soát tốt mục đích cho vay. 
- Chính sách vay vốn cho phát triển sinh kế cần linh hoạt, đủ lớn và đúng mục đích. Cần tiếp tục tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đối với tín dụng, đơn giản hoá các thủ tục cho vay, thời gian cho vay dài hơn, mức vay cao hơn và kiểm soát tốt mục đích cho vay. 
- Chính sách bảo hiểm đối với tài sản có giá trị: Khi có thiên tai, dịch bệnh khiến đàn gia súc, gia cầm bị chết hàng loạt. Khả năng phục hồi đàn đối với người nghèo sau mỗi đợt dịch là gần như không thể vì vậy nhà nước nên có chính sách bảo hiểm đối với đàn gia súc nhằm bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bênh gây ra, góp phần đảm bảo ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất/ chăn nuôi. 
- Nghiên cứu áp dụng cơ chế kết hợp vốn vay từ các ngân hàng và vốn Nhà nước hỗ trợ từ các chương trình, dự án để tăng lượng vốn cho người dân sản xuất.
5. Giải pháp về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và XKLĐ
- Vận động, khuyến khích con em tham gia học nghề tại các trường nghề để tạo cơ hội tìm kiếm công ăn việc làm ổn định và có thu nhập tốt hơn.
- Tăng cường các lớp hướng dẫn, đào tạo nghề cho người nghèo trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động, có nhu cầu học nghề; hỗ trợ kết nối giới thiệu việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động...
- Khuyến khích lao động trẻ trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo đi XKLĐ vào các nước có thu nhập cao và theo con đường chính thống, hợp pháp.
Để đạt được mục tiêu xoá đói giảm nghèo bền vững thì một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tạo ra được các mô hình phát triển sinh kế bền vững nhằm giúp người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển. Có thể khẳng định, công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng song trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Từ nghiên cứu thực tiễn ở trên, chúng tôi với mong muốn cung cấp cho các nhà quản lý có cách nhìn đa chiều hơn từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong các cơ chế chính sách, giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương.
Chú thích
1. Số liệu thống kê năm 2021.
2. Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
3. Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2016 - 2020.
4. Quyết định 286/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về biểu giá bán lẻ điện.
5. Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Việt Nam “Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. Đến năm 2012, đổi tên thành ”Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”.
6. Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh Nghệ An.

Tài liệu tham khảo
1. Kết quả nhiệm vụ điều tra: “Khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo trong việc thực hiện các mô hình sinh kế nhằm thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An” của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2022.
2. Kỷ yếu hội thảo “Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn 2030" 
3. Đề tài KH&CN cấp bộ “Phát huy vốn xã hội của người dân miền Tây Nghệ An trong phát triển kinh tế”, năm 2022.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây