Lễ hội dân gian với du lịch văn hóa

Thứ hai - 13/03/2023 05:21 0

PV: Xin chào PGS. Bùi Xuân Đính! Việt Nam sở hữu một nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú và rộng khắp, trong đó lễ hội dân gian là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng cho phát triển du lịch văn hoá. Ông có thể nói rõ hơn đặc điểm lễ hội dân gian ở Việt Nam, và Nghệ An nói riêng?
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
Trước hết, chúng ta nên định danh lại khái niệm cho chuẩn hơn một chút. Đó là, nên gọi là “Hội”, chứ không nên gọi là “Lễ hội”. Cha ông ta xưa kia chỉ nói “Hội làng A, hội làng B”, chứ không nói “Lễ hội làng A, Lễ hội làng B”, vì trong hội làng xưa, có sự kết hợp đồng bộ giữa hai yếu tố “lễ” (tế lễ, đám rước, và ở nhiều địa phương, có các trò diễn liên quan đến sự tích thành hoàng) và yếu tố “hội” (các trò chơi dân gian, các cuộc thi tài, các đêm hát của các gánh hát làng mời về biểu diễn…). Nhiều khi, có yếu tố của “hội” được coi là một phần của yếu tố lễ. Tuy nhiên, từ khi các hội làng được phục hồi cách đây hơn 30 năm, từ “lễ hội” lại được quen dùng.
Trở lại với vấn đề chính đang được bàn là hội dân gian ở Việt Nam. Đấy là hội của các cộng đồng cư dân, chủ yếu ở nông thôn tổ chức và thụ hưởng, gắn với việc thờ thành hoàng - vị thần có sứ mệnh phù hộ, che chở cho cộng đồng cư dân làng xã; gắn với chu trình sản xuất nông nghiệp, theo nhịp điệu của các tiết khí trong năm. Phân theo thời gian tổ chức, có hội mùa Xuân (chiếm số lượng lớn nhất) và hội mùa Thu. Phân theo địa điểm tổ chức, có hội đình (là chủ đạo), hội đền, hội chùa và có một số hội gắn với không gian thiêng là chính. Phân theo quy mô - phạm vi tổ chức, chiếm tuyệt đại đa số là hội làng (hội diễn ra ở từng làng), một số hội liên làng hoặc hội vùng (gồm 2 - 3 làng hoặc nhiều hơn có mối quan hệ mật thiết về lịch sử - văn hóa cùng tổ chức). Phân theo nội dung, chiếm phần lớn là các hội lịch sử và hội nông nghiệp, một số hội tổ nghề của các làng nghề thủ công; hội cầu ngư của các làng đánh cá - làng chài; hội văn nghệ giao duyên và thi tài; một số hội đan xen các nội dung trên đây.  


Đấu vật tại Lễ hội đền vua Mai, Nam Đàn

Nghệ An là tỉnh lớn ở vùng Bắc Trung bộ, là vùng đất cổ của người Việt, trong địa bàn nước Văn Lang từ thuở các vua Hùng. Các hội làng ở Nghệ An cũng mang những đặc điểm chung của hội làng vùng Bắc bộ. Đó là có lượng hội dân gian rất lớn. Gần đây, xuất hiện một số hội gắn với các yếu tố chính trị, lịch sử cách mạng, song các yếu tố dân gian, hơn nữa là dân gian xứ Nghệ trong hội cũng khá đậm nét.  Tuy nhiên, Nghệ An - xứ Nghệ từ xưa được coi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, đa dạng về điều kiện tự nhiên, tộc người, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, nên hội dân gian ở đây cũng có những nét riêng so với các tỉnh vùng đồng bằng và trung du, cũng như với các tỉnh miền núi phía Bắc; thể hiện ở hai điểm nổi bật. Một là, ngoài hội của các làng người Việt (Kinh), còn có hội của các tộc người thiểu số, trong đó hội của người Thái chiếm số lượng nhiều hơn. Hai là, hội lịch sử chiếm số lượng nhiều hơn. Trong 25 hội lớn của tỉnh, phần lớn là hội dân gian, những hội tiêu biểu được khách du lịch biết đến nhiều và muốn đến là hội Đền Cuông ở xã Diễn An (huyện Diễn Châu) tưởng nhớ vua Thục An Dương Vương - vị vua lập ra nước Âu Lạc thế kỷ II trước Công nguyên; hội Đền Vua Mai gắn với các di tích ở huyện Nam  Đàn, tưởng nhớ Mai Thúc Loan; hội Đền Quả Sơn ở đền Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương gắn với vị tướng thời nhà Lý - Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, đã có công gìn giữ và phát triển vùng đất Nghệ An đầu thế kỷ XI; hội Đền thờ Nguyễn Xí ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc gắn với vị tướng có nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV… Ngoài các giá trị về lịch sử văn hóa, ngày nay, các hội dân gian này có giá trị rất lớn trong việc phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa.
PV: Vậy du lịch văn hóa là gì và đặc điểm của du lịch văn hóa là gì, thưa PGS?
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
Du lịch văn hóa là loại hình rất phổ biến, được ưa chuộng của du lịch hiện nay. Đó là loại hình du lịch đưa khách du lịch đến các điểm văn hóa ở các vùng miền, các quốc gia, để khám phá, mở rộng kiến thức, kinh nghiệm về nhu cầu văn hóa. Thực chất du lịch văn hóa là một ngành kinh doanh có sử dụng yếu tố văn hóa, hay văn hóa là tài nguyên, là sản phẩm để phục vụ du lịch. Các yếu tố văn hóa thu hút khách du lịch là các di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật; các bản làng gắn với các khung cảnh tự nhiên khác nhau, nhất là ở vùng các tộc người thiểu số, vùng miền núi; văn hóa ẩm thực, các hội truyền thống, các phong tục tập quán, tín ngưỡng và các sản phẩm văn hóa khác… Đấy chính là những đặc điểm nổi bật của du lịch văn hóa.  
PV: Với những đặc điểm đó, thì mối quan hệ giữa hội dân gian và phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
Hội là một thành tố văn hóa, thuộc khía cạnh phi vật thể là chủ đạo, nhưng trong đó cũng có nhiều yếu tố vật thể. Có thể thấy, hội dân gian có mối quan hệ khăng khít với phát triển du lịch, thể hiện ở các điểm sau:
- Trước hết, tuyệt đại bộ phận các hội đều gắn với các di tích thờ cúng (đình, đền, miếu, chùa). Các di tích đều in đậm dấu tích lịch sử - văn hóa. Đấy là nơi thờ các vị thành hoàng, trong đó phần lớn là nhân vật lịch sử, gắn với lịch sử đất nước, lịch sử địa phương. Có những nhân vật lịch sử hay sự kiện lịch sử chỉ có hay chỉ gắn với một hay một vài di tích ở một địa phương nhất định, hoặc nổi bật rõ nhất ở hội đó, di tích đó. Chẳng hạn, ở Nghệ An, hội Đền vua Mai chỉ nổi bật ở khu lăng mộ vua Mai Hắc Đế và mộ mẹ vua Mai - xã Nam Thái, huyện Nam Đàn; hội Đền thờ Nguyễn Xí nổi bật xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc. Khách du lịch đến với di tích đó là dịp để tìm hiểu các nhân vật lịch sử, các cốt lõi lịch sử gắn với di tích. Bên cạnh đó, hội còn giúp khách du lịch tìm hiểu các di tích về mặt kiến trúc, nghệ thuật… 
- Hai là, hội đáp ứng được nhu cầu về đời sống tâm linh cho du khách. Nén hương thành kính cùng lời cầu khấn giúp khách giải tỏa được những căng thẳng lo âu, hy vọng, tin tưởng được thánh, thần, phật phù hộ… Nhiều đền, miếu được tiếng là linh thiêng càng kéo khách du lịch về, nhất là vào dịp hội.  
- Ba là, đến với hội, khách du lịch được vui, say, thậm chí đắm mình với các lễ thức, trò chơi dân gian, các cuộc thi tài, các làn điệu dân ca, dân vũ của người dân địa phương. Đặc biệt, các trò diễn, diễn lại sự tích thành hoàng ở nhiều hội là điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, khách du lịch còn được thưởng thức ẩm thực của địa phương, trong đó, nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn, có thể mua về làm quà.
- Bốn là, hội là nơi quảng bá các mặt hàng, nơi gặp gỡ để khách du lịch (các cá nhân, đơn vị sản xuất) là các đối tác ký kết sản xuất, trao đổi các mặt hàng, các sản phẩm, các chương trình hợp tác, các giao ước, trong đó có cả các hợp tác, giao ước về văn hóa, đặc biệt là hợp tác, ký kết về phục hồi các giá trị văn hóa, phát triển du lịch. Nhờ khách du lịch đến với hội, chính quyền và người dân địa phương thấy rõ hơn các giá trị văn hóa của mình, từ đó có ý thức bảo tồn văn hóa hơn, để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ du lịch. Như vậy, hội là yếu tố làm nền, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch, ngược lại, du lịch góp phần vào việc bảo tồn, làm giàu hơn (nhiều trường hợp, tái tạo lại các yếu tố đã mất). Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy mặt trái của du lịch đối với văn hóa nói chung, với hội nói riêng. Đó là, 5 yếu tố thiêng trong hội (“ngũ thiêng”), luôn đứng trước nguy cơ bị xâm phạm. Năm yếu tố thiêng đó là không gian thiêng (như đình, đền, miếu); điểm thiêng trong không gian thiêng (chẳng hạn, hậu cung, ban thờ thần trong di tích); vật thiêng (mỗi hội có một hoặc một - hai vật thiêng khác nhau, chẳng hạn, ở hội Trò Trám tỉnh Phú Thọ, vật thiêng là bộ sinh thực khí của nam nữ được để trên ô cao của đền); thời điểm thiêng và hành động thiêng, như đã xảy ra ở nhiều hội, điển hình là hội Ná Nhèm ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn vừa qua, gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, là việc quảng cáo, tài trợ… theo cách nhìn và lợi ích riêng của một số nguồn đã làm sai lệch nhiều yếu tố của hội, từng xảy ra ở nhiều địa phương…
PV: Để lễ hội dân gian trở thành bộ phận cấu thành của du lịch văn hóa, theo PGS chúng ta cần phải làm gì?
PGS.TS Bùi Xuân Đính:
Theo tôi, có nhiều việc phải làm, nhưng có ba việc quan trọng nhất và phải tiến hành đồng bộ, quyết liệt.
Trước hết phải rà soát lại “kịch bản” của hội, nhất là với các hội có trò diễn đã quá lâu không được tổ chức, giờ mới được phục dựng lại, văn bản kịch bản không còn, trí nhớ của các bậc cao niên không chuẩn xác và không thống nhất, nên nhiều yếu tố “kịch bản” của hội mỗi năm một khác, như hội Ná Nhèm là điển hình. Phải cố gắng tuân thủ các yếu tố truyền thống còn giữ lại, ít nhất đến trước thời điểm hội cuối cùng không được tổ chức. Có “kịch bản” hội đúng mới có căn cứ để điều hành hội một cách chuẩn xác, chủ động. Muốn có được kịch bản như vậy, đòi hỏi việc sưu tầm tài liệu, nghiên cứu để có được một “kịch bản” tương đối chuẩn là hết sức công phu, thận trọng, không thể tùy tiện theo suy nghĩ của cá nhân nào được. 
Thứ hai, công tác tuyên truyền cho hội phải được chú trọng hơn, để người dự hội, nhất là khách du lịch hiểu được hội mình đến dự là gì, từ đó có hành xử đúng, nhất là trong hành lễ. Việc tuyên truyền có thể bằng nhiều hình thức: phát tờ rơi với bài giới thiệu ngắn gọn, súc tích; in thành biển, bảng giới thiệu ở các vị trí thích hợp cho khách đọc; phát trên loa truyền thanh trong hội…   
Thứ ba, phải hết sức chú trọng đến việc bảo vệ sự an toàn cho hội, không chỉ là trật tự, an ninh nói chung, mà điều quan trọng là bảo vệ năm yếu tố thiêng trong hội, như đã nêu ở trên, không thể để tình trạng khách vì tò mò, thích thể hiện mà xâm phạm đến các yếu tố đó. Bên cạnh đó, phải bảo vệ sự an toàn cho các trò diễn (nếu có). Một hội mà có yếu tố thiêng đã bị người dự hội đem ra để giễu cợt, các trò diễn vốn là nghi thức của cộng đồng cũng bị người ngoài xâm phạm, trở thành trò giành - cướp dẫn đến bạo lực (như cướp hoa tre ở hội Gióng Đền Sóc, hay cướp gậy bông ở hội múa mo làng Sơn Đồng huyện Hoài Đức, Hà Nội) thì không còn là hội nữa, khách du lịch sẽ không đến nữa. Phải xử phạt nặng người vi phạm, nhiều khi “đánh” vào danh dự của họ mới có thể làm giảm hoặc không còn những hành vi phản cảm của người dự hội.
Tóm lại, để hội dân gian trở thành nguồn tài nguyên, sản phẩm du lịch hấp dẫn, phục vụ du lịch, đòi hỏi người tổ chức, người dự hội, nhất là khách du lịch phải có một tâm thế đàng hoàng.
Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện đầu Xuân, và xin kính chúc ông nhiều sức khỏe!

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây