Sản phẩm trong phát triển kinh tế ban đêm ở Nghệ An: Cần đa dạng và giàu bản sắc

Thứ năm - 04/05/2023 05:21 0

PV: Xin chào Tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về dư địa phát triển kinh tế ban đêm của Nghệ An?
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: 
Nghệ An hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm nhờ nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản về việc phát triển kinh tế ban đêm tạo điều kiện cho các địa phương tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. 
Tài nguyên du lịch thiên nhiên của Nghệ An rất đa dạng, phong phú với bờ biển dài (82km), nhiều bãi biển đẹp và hấp dẫn du khách như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Diễn Thành, Cửa Hiền,...; nhiều hang động, thác nước thu hút khách du lịch như Hang Bua, Thẩm Ồm, Thẩm Chàng (huyện Quỳ Châu), thác Khe Kèm (huyện Con Cuông), thác Sao Va, thác Bảy Tầng (huyện Quế Phong), đỉnh Puxailaileng, cổng trời Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), rừng săng lẻ (huyện Tương Dương), đảo chè Thanh Chương...
Nghệ An còn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời với trên 2.000 di tích lịch sử danh thắng; trong đó có 147 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt có 04 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Di tích cột mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh, Di tích Đình Hoành Sơn). Bên cạnh đó, Nghệ An có 29 lễ hội truyền thống, trong đó có 07 lễ hội được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đặc biệt dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2014.
Cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư theo hướng phát triển đa dạng, từng bước hiện đại, chuyên nghiệp. Các nhà hàng, dịch vụ ăn uống, phố đi bộ, chợ đêm, các khu vui chơi giải trí phát triển mạnh mẽ, đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến Nghệ An.
Ẩm thực Nghệ An được xem là một trong những yếu tố tạo nên sức hút cho du lịch. Các món ăn xứ Nghệ tuy không cao sang, mỹ vị nhưng mang đậm phong cách của con người xứ Nghệ, chất phác, cần cù, chịu thương chịu khó. Xứ Nghệ nổi tiếng với các món đặc sản như: Súp - cháo - miến lươn; đặc sản biển; nhút Thanh Chương; dê Nam Đàn;…
Trên thực tế, các loại hình kinh tế đêm đã được tổ chức ở Nghệ An như: Phố đêm Cao Thắng nằm ngay trước đình chính chợ Vinh, có chiều dài 200 m (từ sảnh của đình chính chợ Vinh đến ngã tư giao nhau các tuyến đường Quang Trung, Phan Đình Phùng, Trần Phú), bao gồm 114 gian hàng phục vụ kinh doanh hàng may mặc sẵn, mũ nón, giày dép và khu vực ẩm thực; Tuyến phố đi bộ Hồ Tùng Mậu; Khu ẩm thực đêm xung quanh thành Cổ Vinh;… Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế đêm ở Nghệ An còn lẻ tẻ, manh mún. Hoạt động về đêm chủ yếu mới hình thành được một số phố đi bộ nhỏ, ngắn; dịch vụ đi kèm chủ yếu là ăn uống; các chợ đêm chủ yếu phục vụ ẩm thực, các sản phẩm chưa đa dạng. Và tiềm năng phát triển kinh tế đêm Nghệ An vẫn còn “bỏ ngỏ”.
PV: Dư địa khá lớn nhưng khoảng trống về kinh tế ban đêm ở Nghệ An vẫn còn đặt ra nhiều nuối tiếc, vậy Nghệ An cần “lấp đầy khoảng trống” đó như thế nào, thưa ông? 
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: 
Trước hết, muốn lấp đầy khoảng trống về kinh tế đêm, phải lấp đầy khoảng trống về du lịch. Như đã nói ở trên, Nghệ An có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch vẫn chưa phát triển tương ứng với tiềm năng.
Dưới đây là một số việc cần làm để lấp đầy khoảng trống:
Thứ nhất, Nghệ An cần tiếp tục xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông bảo đảm tiện ích cho du khách, để việc đi lại dễ dàng, đặc biệt cần cải tạo và nâng cấp sân bay Vinh thành sân bay quốc tế.
Thứ hai, Nghệ An cần đầu tư để phát triển các sản phẩm du lịch đêm như chợ đêm, phố ẩm thực đêm, giao lưu ví giặm đêm, cắm trại, tour du lịch tâm linh, khám phá rừng đêm, câu cá đêm, câu mực đêm, du thuyền dọc sông Lam… Tăng cường các sự kiện đêm cũng rất quan trọng ở đây. Tìm được chiến lược phù hợp và sản phẩm đặc trưng là những yếu tố quyết định cho việc phát triển kinh tế ban đêm đúng hướng, hiệu quả.
Thứ ba, Nghệ An cần tăng cường an ninh và bảo đảm an toàn cho du khách, làm cho du khách yên tâm tận hưởng các hoạt động vui chơi, giải trí vào ban đêm.
Thứ tư, Nghệ An cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động vào ban đêm. Tỉnh cần hỗ trợ các cửa hàng, nhà hàng, quán bar, quán karaoke… trong việc thu hút khách hàng đến với Nghệ An vào ban đêm.
Thứ năm, Nghệ An cần có một chiến dịch truyền thông hữu hiệu về các sản phẩm du lịch và các sản phẩm kinh tế đêm.
PV: Như ông nói thì sản phẩm du lịch chính là một trong những yếu tố quyết định cho việc phát triển kinh tế ban đêm, vậy Nghệ An cần phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng gì?
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng:
Cần xây dựng các sản phẩm đặc thù mang thương hiệu Nghệ An dựa trên lợi thế nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa có giá trị nổi bật. Đặc biệt, quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu du lịch Quốc gia Kim Liên thành sản phẩm du lịch đặc trưng mang tầm quốc gia với giá trị văn hóa lịch sử nổi bật, độc đáo và dấu ấn riêng có của xứ Nghệ.
Về du lịch văn hóa, đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa phi vật thể như dân ca, dân nhạc, dân vũ, lễ hội, làng nghề cũng như các phong tục tập quán, ẩm thực truyền thống để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, trong đó tập trung xây dựng một số điểm trình diễn dân ca ví giặm phục vụ du khách tại Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn. Đầu tư xây dựng và kết nối Khu di tích Kim Liên với hệ thống các di tích trên địa bàn Nam Đàn như đền thờ Vua Mai, chùa Đại Tuệ, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, đình Hoành Sơn, chùa Đức Sơn... tạo thành các tour du lịch hấp dẫn.
Về du lịch nghỉ dưỡng biển liên kết các trọng điểm du lịch Vinh - Cửa Lò - Nam Đàn thành tuyến du lịch nội tỉnh với các chương trình tham quan du lịch phong phú để kéo dài ngày khách lưu lại Nghệ An, đặc biệt là tuyến du lịch trên sông Lam; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển tại các điểm: Diễn Thành, Cửa Hiền, Quỳnh Phương, Quỳnh Nghĩa trên cơ sở gắn kết với du lịch văn hóa tâm linh đền Cuông, đền Cờn, đền Nguyễn Xí, đền Đức Hoàng, chùa Cổ Am và du lịch sinh thái hồ Xuân Dương, hồ Vực Mấu, đập Vệ Vừng.
Về du lịch sinh thái gắn với văn hóa cộng đồng, đẩy nhanh tiến độ các dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau, Khu du lịch sinh thái Phà Lài, du lịch sinh thái Rừng săng lẻ Tam Đình, thác Khe Kèm, thác Sao Va, thác 7 tầng..., đồng thời xúc tiến phát triển các loại hình du lịch đi bộ, leo núi, du lịch trên sông, hồ, du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa cộng đồng các bản làng dân tộc ở Con Cuông, Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong.
Ngoài ra, du lịch trải nghiệm cảnh đẹp của rừng núi và bản sắc văn hóa của đồng bào miền Tây phải là định hướng lớn cho việc phát triển du lịch của Nghệ An.
PV: Trong các loại hình sản phẩm du lịch, ẩm thực là sản phẩm đặc thù để phát triển kinh tế ban đêm, ông đánh giá như thế nào về ẩm thực xứ Nghệ và phát triển ẩm thực xứ Nghệ cần thông qua các hoạt động như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: 
Trong phát triển kinh tế đêm thì du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch giải trí - hoạt động về đêm và ẩm thực là ba sản phẩm được du khách quan tâm nhất hiện nay. Do đó, ngành du lịch Nghệ An cần xúc tiến nhiều giải pháp để nâng tầm chuỗi kinh tế đêm, trong đó chọn ẩm thực làm trụ cột quan trọng.
Ẩm thực Nghệ An mang đậm phong cách của con người xứ Nghệ với những món ăn dân dã hàng ngày nhưng không kém phần đặc sắc, độc đáo và tinh tế. Không hoa văn, màu mè, cầu kỳ trong chế biến nhưng đặc sản xứ Nghệ như: súp - cháo - miến lươn, gà Thanh Chương, tương Nam Đàn, lươn, me (bê), dê, bánh đa, bánh gai, bánh mướt… và nhiều món đặc sản của núi rừng miền Tây xứ Nghệ khiến thực khách một lần được nếm là nhớ mãi không thể nào quên. Có những món ăn đã “níu chân” du khách quay lại với Nghệ An lần thứ 2 và nhiều lần nữa. 
Nhiều món ăn xứ Nghệ An đã khẳng định được vị trí trong bản đồ ẩm thực trong và ngoài nước như: món lươn đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là 1 trong 12 món ăn Việt Nam đạt kỷ lục châu Á và Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam; Mực nháy Cửa Lò cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận Top 10 đặc sản hải sản nổi tiếng Việt Nam do độ mặn nước biển vừa phải nên tạo cho các món hải sản của vùng biển Nghệ An ngon, ngọt hơn vùng biển khác;… 
Đối với các loài trái cây thì vùng đất Nghệ An được thiên nhiên ban tặng thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp nên đã có nhiều loại trái ngon, quả ngọt như: cam Vinh, xoài Tương Dương, dứa Quỳnh Lưu, ổi Nghĩa Đàn, chanh leo Quế Phong… trong đó cam Vinh được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ “Chỉ dẫn địa lý”.
Ẩm thực xứ Nghệ đặc sắc nhưng để phát triển văn hóa ẩm thực, đưa ẩm thực trở thành loại hình du lịch đóng vai trò quan trọng thì các cấp, các ngành phải có chiến lược phù hợp để thu hút và tác động để du khách tích cực tham gia các lễ hội ẩm thực; Đưa du khách trải nghiệm những nét độc đáo trong món ăn, trải nghiệm cách chế biến ẩm thực đặc trưng của từng địa phương hoặc nấu theo công thức riêng của các vùng miền. Ngoài ra, tổ chức và tham gia các lễ hội ẩm thực trong và ngoài nước; tổ chức các cuộc thi ẩm thực thu hút đông đảo các địa phương trong và ngoài tỉnh tham gia qua đó quảng bá rộng rãi văn hóa ẩm thực xứ Nghệ.
PV: Vậy làm thế nào để sản phẩm du lịch Nghệ An trở thành yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế ban đêm phục vụ cho du lịch, thưa ông? 
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: 
Nghệ An đặt mục tiêu năm 2023 đón và phục vụ 7,940 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5,240 triệu lượt khách lưu trú, 82 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 7.470 tỷ đồng.
Để thực hiện được mục tiêu đó thì việc cơ cấu lại và phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, làm mới các dòng sản phẩm chủ đạo; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường đóng một vai trò rất quan trọng. Do đó, tỉnh cần:
Xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào những thế mạnh của Nghệ An như: du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch canh nông, du lịch thể thao, du lịch MICE;…
Khuyến khích doanh nghiệp, địa phương phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương.
Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông của từng địa phương, kết nối với hệ thống giao thông liên vùng; đầu tư, xây dựng tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch; ứng dụng công nghệ số trong quy hoạch du lịch, xúc tiến, quảng bá, đầu tư, kết nối dịch vụ, sản phẩm du lịch.
Tích cực, chủ động triển khai các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ và với các tỉnh, thành phố, trung tâm du lịch: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên... cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch mạnh trong cả nước như Saigontourist, Vietravel, qua đó gắn điểm đến Nghệ An vào chuỗi các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng để thu hút khách.
Cần phải có những chính sách phát triển đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Quan trọng nhất là phải có quy hoạch, cho phép về địa điểm, thời gian. Đồng thời, phải có những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển, trong một giai đoạn nào đó, ở một số lĩnh vực nào đó mới có thể phát triển được kinh tế ban đêm.
Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện!

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây