Phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước tỉnh Nghệ An: Thực trạng và vấn đề

Thứ sáu - 05/05/2023 05:21 0

1. Thực trạng phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước giai đoạn 2011-2020
1.1. Thực trạng phát triển về mặt lượng 
a. Về số lượng 
Theo điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2011-2020, số lượng doanh nghiệp KTTN đang hoạt động tăng trưởng nhanh chóng, từ 5.494 doanh nghiệp năm 2011 lên 10.980 doanh nghiệp năm 2020, tương đương tăng trưởng 2 lần trong 10 năm.
Hình 1.  Số lượng DN KTTN trong nước giai đoạn 2011-2020


(Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011-2020)

Tuy vậy, mật độ doanh nghiệp theo dân số và trong độ tuổi lao động chỉ ở mức thấp so với trung bình cả nước. Năm 2020 mật độ DN đang hoạt động bình quân Nghệ An là 3,5, chỉ bằng 42% so với trung bình cả nước là 8,3. Mật độ DN đang hoạt động bình quân trên 1000 dân trong độ tuổi lao động Nghệ An là 7,1 chỉ bằng 42% so với trung bình cả nước là 16,8. Trung bình giai đoạn 2011-2015, 2 doanh nghiệp/1000 dân, giai đoạn 2016-2020 là 3 doanh nghiệp/1000 dân. 
Doanh nghiệp KTTN trong nước chủ yếu hoạt động trong hai lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 4%.
Doanh nghiệp KTTN tăng trưởng nhanh chóng nhưng phân bổ không đều, phần lớn tập trung ở các khu vực đô thị sầm uất như Diễn Châu, Cửa Lò, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Yên Thành, đặc biệt là TP Vinh và các địa phương phụ cận như Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Thành phố Vinh thể hiện vai trò trung tâm phát triển khi chiếm tỷ trọng 50,7% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh, trong khi các địa phương có tỷ trọng doanh nghiệp lớn khác chiếm 3-6%. Những địa phương miền núi cao chỉ chiếm tỷ trọng dưới 1% mỗi địa phương. Thực tế này cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển doanh nghiệp ở tỉnh.
Xét theo quy mô, doanh nghiệp KTTN có xu hướng mở rộng theo quy mô vốn và thu hẹp theo quy mô lao động. Cụ thể, xét theo quy mô lao động năm 2011 số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm 96.8%, tới năm 2020 tỷ lệ này là 98.1%. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ tăng mạnh từ 57.9% (2011) lên 77.5% (2020). Xét theo quy mô vốn, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô nhỏ giảm từ 91.1% (2011) xuống còn 86.8% (2020). 
Hình 2. Cơ cấu doanh nghiệp KTTN phân theo quy mô



(Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011-2020)

Xét theo loại hình doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp tư nhân và TNHH chiếm tỷ trọng chính, tiếp đến là doanh nghiệp cổ phần và cuối cùng là nhóm hợp tác xã. Cụ thể, năm 2020 nhóm loại hình DN tư nhân và TNHH chiếm 60% tổng số, tỷ lệ nhóm công ty cổ phần và hợp tác xã lần lượt là 34.5% và 5.5%. 
Nhìn chung, giai đoạn 2011-2020 doanh nghiệp KTTN trong nước của tỉnh phát triển nhanh chóng về số lượng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dịch vụ, phần lớn doanh nghiệp tập trung ở các địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao, đặc biệt là TP Vinh. Với sự thuận lợi hóa trong các quy định về thành lập các doanh nghiệp có xu hướng tăng trưởng về vốn trong khi co hẹp về số lượng lao động.
b. Về vốn
Doanh nghiệp KTTN ngày càng mở rộng theo quy mô vốn. Quy mô vốn bình quân tăng đáng kể trong giai đoạn 2011-2020, từ 7.4 tỷ đồng/doanh nghiệp năm 2011 lên 13.8 tỷ đồng/doanh nghiệp, tương đương mức tăng 86%. Quy mô này vẫn là quá nhỏ so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Hình 3. Nguồn vốn bình quân DN theo hình thức sở hữu giai đoạn 2011-2020


(Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011-2020)

Phân theo lĩnh vực kinh doanh, công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực có quy mô vốn lớn nhất, tiếp đến là lĩnh vực thương mại, dịch vụ và nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, một doanh nghiệp công nghiệp-xây dựng điển hình có quy mô 16.4 tỷ đồng, trong khi giai đoạn trước quy mô chỉ là 13.2 tỷ đồng, tương đương mức tăng 23.6%. Trong khi đó, dù là lĩnh vực mà doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ nhất nhưng nông nghiệp lại có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Trong giai đoạn 2011-2015, một doanh nghiệp nông nghiệp điển hình có quy mô vốn 3.3 tỷ đồng, nhưng đến giai đoạn 2016-2020 con số đã tăng lên 6.7 tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 200%. 
Hình 4. Quy mô vốn bình quân doanh nghiệp KTTN phân theo lĩnh vực


(Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011-2020)

Xét theo loại hình doanh nghiệp, hình thức công ty cổ phần có nguồn vốn vượt trội nhóm công ty tư nhân/TNHH. Trong giai đoạn 2016 - 2020 một doanh nghiệp cổ phần điển hình có số vốn gần 61 tỷ đồng, tăng 33% so với giai đoạn 2011-2015 và cao cấp 11.5 lần quy mô vốn của một doanh nghiệp tư nhân/TNHH trong cùng giai đoạn. Thực tế này cho thấy ưu thế của loại hình doanh nghiệp cổ phần trong việc huy động vốn, bên cạnh các ưu điểm khác như mô hình tổ chức minh bạch và hiệu quả hơn. 
c. Về lao động
Giai đoạn 2016-2020 một doanh nghiệp KTTN trong nước điển hình có 14 lao động, giảm 5 lao động so với 5 năm trước đó. Đáng chú ý hơn, quy mô lao động của doanh nghiệp KTTN chỉ tương đương 1/7 doanh nghiệp nhà nước và 2/11 doanh nghiệp FDI trong cùng thời kỳ.
Hình 5. Quy mô lao động của doanh nghiệp phân theo sở hữu


(Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011-2020)

Xét theo quy mô vốn, doanh nghiệp KTTN có sự thu hẹp số lượng lao động ở tất cả các quy mô lớn, vừa và nhỏ. Giai đoạn 2016-2020, một doanh nghiệp quy mô (vốn) lớn có 73 lao động, giảm 26% so với 5 năm trước đó. Trong khi cùng thời kỳ một doanh nghiệp quy mô (vốn) nhỏ chỉ có 9 lao động, bằng 1/3 doanh nghiệp vừa và chỉ bằng 1/8 doanh nghiệp lớn. 
Xét theo lĩnh vực, công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực mà các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất, tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ và sau đó là lĩnh vực nông nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2020, một doanh nghiệp công nghiệp-xây dựng điển hình sử dụng 23 lao động, giảm đáng kể so với mức 32 lao động của 5 năm trước đó, tuy nhiên vẫn nhiều hơn doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực nông nghiệp lần lượt là 2.3 và 2.5 lần.
Hình 6. Quy mô lao động của DN KVKTTN phân theo lĩnh vực


(Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011-2020)

Xét theo loại hình, doanh nghiệp cổ phần có quy mô lao động vượt trội so với hai nhóm doanh nghiêp tư nhân/TNHH và hợp tác xã. Trong giai đoạn 2016-2020, một doanh nghiệp cổ phần điển hình có 58 lao động, tuy giảm mạnh so với 74 lao động của 5 năm trước đó, nhưng vẫn lớn hơn 7 lần doanh nghiệp tư nhân/TNHH và hơn 6 lần so với HTX. 
Nhìn chung, trong giai đoạn 2011-2020, quy mô lao động của doanh nghiệp KTTN giảm đáng kể ở tất cả các chiều cạnh. 
1.2. Thực trạng phát triển về chất lượng đánh giá qua tiêu chí tài chính kinh doanh (ROA, ROE)
Giai đoạn 2011-2020, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp KTTN có xu hướng giảm thể hiện ở sự tụt giảm của chỉ số ROA. Trong giai đoạn 2011-2015, ROA bình quân là 1,8 (tức là tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản của doanh nghiệp là 1,8%(1)), đã giảm xuống còn 1,1 trong giai đoạn 2016-2020. 
Hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp KTTN cũng giảm đáng kể. Trong giai đoạn 2011-2015, một doanh nghiệp KTTN điển hình bình quân đạt được mức lợi nhuận 2,5% vốn chủ sở hữu (ROE = 2,5), nhưng đến giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ này giảm đáng kể xuống chỉ còn 0,7%. 
Cần lưu ý rằng, trong giai đoạn 2011-2015 doanh nghiệp KTTN có ROA > ROE đồng nghĩa với việc sử dụng đòn bẩy tài chính hiệu quả để tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp KTTN có ROA < ROE, đồng nghĩa với việc lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn bởi chi phí lãi vay của đòn bẩy tài chính.
Hình 7. ROA, ROE của doanh nghiệp phân theo sở hữu


(Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011-2020)

So sánh trong cùng thời kỳ, nhóm doanh nghiệp nhà nước và FDI luôn có ROA > ROE, chứng tỏ các doanh nghiệp này sử dụng đòn bẩy tài chính tốt hơn nhiều các doanh nghiệp KTTN. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước tỷ lệ ROA trên ROE cao hơn đáng kể so với FDI và doanh nghiệp KTTN. Xét riêng đối với doanh nghiệp KTTN, hiệu quả sử dụng vốn có quan hệ mật thiết với quy mô doanh nghiệp.
Xét theo quy mô lao động, các doanh nghiệp càng lớn có chỉ số ROA và ROE càng cao và phần lớn các nhóm doanh nghiệp có ROA > ROE, ngoại trừ nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ có chỉ số ROE âm. 
Hình 8. ROA, ROE của doanh nghiệp KTTN phân theo quy mô lao động


(Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011-2020)

Xu hướng trên cũng tương đồng khi xét theo quy mô vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quy mô lớn có hiệu quả sử dụng vốn và đòn bẩy tài chính tốt nhất trong khi các doanh nghiệp quy mô nhỏ có hiệu quả sử dụng đòn bẩy kém hiệu quả.
Hình 9. ROA, ROE của doanh nghiệp KTTN phân theo quy mô vốn


(Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011-2020)

Cần lưu ý rằng, chỉ số ROE < 0 theo cả quy mô vốn và quy mô lao động của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong khi ROA > 0 không phải là điều gì đó bất hợp lý. Nguyên nhân đằng sau chính là việc nhiều doanh nghiệp KTTN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ sau nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả thì vốn chủ sở hữu đã bị bào mòn về mức âm vốn. Điều này là phổ biến đối với các doanh nghiệp trong các ngành thương mại dịch vụ trong 2 năm 2019-2020, đặc biệt là năm 2020 khi các doanh nghiệp liên tục bị đóng cửa để phòng chống covid-19.
Tóm lại, doanh nghiệp KTTN có hiệu suất sử dụng vốn kém hơn so với các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp FDI. Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp KTTN có tương quan thuận chiều với quy mô vốn và quy mô lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lợi thế của nguồn vốn nhà nước giúp các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước đạt được hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn so với các loại hình khác. Ngoài ra, xét theo lĩnh vực kinh doanh, công nghiệp xây dựng có hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn so với hai nhóm ngành còn lại trong 5 năm gần đây. 
2. Vai trò của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước
Đóng góp trong kết quả tăng trưởng: Mặc dù doanh nghiệp khu vực KTTN chiếm tỷ trọng lấn át trong bức tranh doanh nghiệp, tuy nhiên mức độ đóng góp của khu vực này vào GRDP còn hạn chế. Tỷ lệ DN KTTN trong nước chiếm 98-99% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GRDP chỉ đạt 22-24%. 
Đóng góp trong vốn đầu tư phát triển: DN khu vực KTTN trong nước đã đóng góp cơ cấu vốn đầu tư phát triển ngày càng gia tăng năm 2015 chiếm 12,3% trong cơ cấu vốn đầu tư và tăng lên 25,6% năm 2020.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp đáng kể vào năng lực xuất khẩu của tỉnh trong giai đoạn 2010-2019: năm 2010 đóng góp 68,98% và tăng lên 73,22% năm 2019.
DN khu vực KTTN đóng góp trong tạo việc làm ngày càng tăng và chiếm hơn 80% tổng số việc làm (năm 2020).
Với sự gia tăng số lượng DN khu vực KTTN, có đóng góp tích cực tăng thu ngân sách. Nghệ An cơ cấu đóng góp các DN KTTN xung quanh 10%.
3. Những vấn đề
Thứ nhất, năng lực doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn yếu và nhiều hạn chế
Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn so với trung bình cả nước và một số tỉnh trong khu vực. 
Số lượng doanh nghiệp dẫn đầu, đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của một ngành/lĩnh vực, một chuỗi giá trị hoặc một cụm doanh nghiệp của tỉnh còn quá ít nên hạn chế vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng (Số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên chỉ chiếm trên dưới 1% tổng số doanh nghiệp). Do đó, thiếu hạt nhân để liên kết nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn và dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, liên kết giữa doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp khác và các đối tác nước ngoài còn hạn chế. 
Tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp thu ngân sách còn thấp. Năm 2020, chỉ có khoảng 42% tổng số doanh nghiệp hoạt động nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó khoảng 1,62% tổng số doanh nghiệp hoạt động nộp thuế trên 01 tỷ đồng. 
Đại đa số các doanh nghiệp vốn ít, khó có khả năng đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm dẫn đến khả năng cạnh tranh, hội nhập và hiệu quả hoạt động chưa cao. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn thấp (12,94%); số lượng các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu còn ít, đến cuối năm 2020 chỉ chiếm 1,5% số doanh nghiệp đang hoạt động. Hoạt động sản xuất kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư theo chiều sâu.
Trình độ quản lý và năng lực quản trị, điều hành của đa số các doanh nghiệp còn hạn chế. Các doanh nghiệp thường không có chiến lược kinh doanh dài hạn khó thuyết phục cho huy động vốn. Hạn chế về nguồn vốn, sẽ khó tạo sự đột phá bởi DN phần lớn không đủ khả năng về vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất lao động và cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp yếu, rời rạc; năng lực tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị hạn chế.
Năng suất lao động của khu vực KTTN còn thấp.
Các nguồn nội lực (tầm nhìn năng lực quản trị, khả năng tài chính, trình độ công nghệ,…) cho phát triển còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến khả năng tồn tại và phát triển của DN khu vực KTTN, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Hạn chế về vốn, năng lực công nghệ các doanh nghiệp yếu nên chưa tranh thủ được các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất và quản trị.
Các sản phẩm có thương hiệu của các doanh nghiệp Nghệ An sản xuất còn ít trên thị trường quốc tế và trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất còn chiếm tỷ lệ thấp (16,7% tổng số doanh nghiệp). 
Doanh nghiệp thiếu tính liên kết vùng, nội vùng và liên kết với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài. Tinh thần kinh doanh còn hạn chế. Các doanh nghiệp thiếu hoạt động trên thị trường quốc tế.
Trình độ, năng lực của đội ngũ doanh nhân còn bất cập, hạn chế về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập...
Thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật, kỹ sư, nguồn nhân lực chất lượng cao. 
Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.
Thứ hai, số lượng doanh nghiệp khu vực KTTN ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp hoạt động nhưng mất cân đối về quy mô, địa bàn và lĩnh vực 
Phần lớn doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn rất ít. Đây là một trong những vấn đề là không có doanh nghiệp lớn đảm trách vai trò động lực kéo, dẫn dắt, đầu tàu để kéo các DN trong vùng phát triển, bên cạnh đó doanh nghiệp quy mô vừa chiếm tỷ lệ ít nên để phát triển thành các doanh nghiệp lớn hạn chế, đồng thời cũng không thể đảm trách vai trò cầu nối, liên kết với các DN quy mô lớn và DN quy mô nhỏ để tạo nền tảng cho phát triển. Đây chính là một khó khăn cho việc đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia chuỗi giá trị sản xuất cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tập trung huyện, thành, thị có điều kiện phát triển thuận lợi, tình trạng phát triển không đồng đều giữa các huyện làm cho mất cân đối trong phân bổ nguồn lực và tạo khoảng cách phát triển giữa các huyện và chủ yếu lĩnh vực dịch vụ trên 73%, còn lại lĩnh vực NN quá ít khoảng 4%. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu còn ít, đến cuối năm 2020 chỉ chiếm 1,5% số doanh nghiệp đang hoạt động.
Thứ ba, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến đổi mới sáng tạo và công nghệ cao là rất ít
Doanh nghiệp CBCT chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực còn hạn chế, khó tiếp cận nguồn vốn để tiến hành đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ tại DN thiếu hệ thống, nhỏ lẻ và chưa có tầm nhìn dài hạn trong việc cải tiến, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững. Doanh nghiệp ít sáng tạo, mức độ đổi mới sáng tạo thấp. 
Có rất ít doanh nghiệp thực hiện R&D, thậm chí thiếu năng lực nghiên cứu và phát triển. Số doanh nghiệp khoa học công nghệ quá ít hiện chỉ có 13 doanh nghiệp.
Thiếu khuôn khổ pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các DN. 
Thứ tư, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc
Môi trường kinh doanh vẫn còn những vấn đề tồn tại như: Có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN; tính linh hoạt và giải quyết các phát sinh mới DN đang bị đánh giá thấp; chi phí không chính thức cao, nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN…
Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Một số các quy định tại các văn bản pháp luật đã được ban hành chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Một số quy định chưa được cụ thể hóa dẫn đến tính minh bạch, nhất quán trong quá trình thực thi, đặc biệt là các quy định tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng còn nhiều hạn chế.
Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong phát triển doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Môi trường đầu tư tuy được cải thiện nhưng còn nhiều bất cập; chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thứ năm, hệ thống kết cấu hạ tầng 
Nghệ An hiện nay có hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ gồm sân bay, cảng biển và hệ thống các quốc lộ, tuy nhiên vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” làm cản trở trong quá trình thu hút đầu tư các doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Cảng Cửa Lò đang thiếu cảng biển nước sâu nên chi phí logistics cao, nhiều mặt hàng xuất khẩu phải thông qua cảng Hải Phòng(2). Đường băng sân bay Vinh chưa đáp ứng điều kiện để đón các máy bay cỡ lớn cho các đường bay quốc tế đã được định hướng mở ra trong thời gian tới. Việc khảo sát và mở các tuyến bay thẳng đến các thị trường Nghệ An đang có thế mạnh trong thu hút đầu tư như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản hay Đài Loan còn chậm triển khai nên chưa thực sự hấp dẫn, thuyết phục được các nhà đầu tư tiềm năng đến từ các thị trường này. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn hạn chế.
Thứ sáu, thực hiện vai trò động lực phát triển của DN khu vực KTTN còn nhiều vấn đề
Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để giúp phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN lớn mạnh về quy mô, nhưng trong thực tiễn số DN quy mô siêu nhỏ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và các doanh nghiệp có xu hướng “không muốn lớn”. Đây cũng là một vấn đề hạn chế trong việc phát triển DN khu vực KTTN để trở thành động lực phát triển.
Luật DN nhỏ và vừa ra đời với kỳ vọng góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh cho các DN. Nhưng qua phân tích thực trạng cho thấy doanh nghiệp siêu nhỏ tỷ lệ ngày càng cao và có xu hướng gia tăng, còn DN nhỏ, vừa và lớn có xu hướng giảm, có sự dịch chuyển DN nhỏ sang siêu nhỏ. Như vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp khu vực KTTN tăng nhanh nhưng có xu hướng là “li ti hóa” doanh nghiệp, tăng quy mô siêu nhỏ, không tăng quy mô vừa và lớn. Đây cũng là vấn đề đối với phát triển lực lượng doanh nghiệp và thực hiện vai trò động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Số lượng doanh nghiệp dẫn đầu, đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của một ngành/lĩnh vực của tỉnh còn quá ít nên hạn chế vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng.
Đóng góp khu vực KTTN đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh chưa tương xứng, còn hạn chế. Tỷ lệ DN KTTN trong nước của Nghệ An chiếm hơn 98% tổng số DN đang hoạt động nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GRDP của tỉnh chỉ đạt 22%-24%. 
Thứ bảy, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiệu quả chưa cao
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành từ năm 2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng số lượng doanh nghiệp thực tế được hưởng rất hạn chế. Một số chính sách thực hiện chưa hiệu quả (như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm,...) hoặc chưa được thực hiện (hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn, thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa); Một số chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung chung chưa có những quy định cụ thể về đối tượng, quy trình thủ tục nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện. 
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, chủ yếu mới đang ở các bước đầu triển khai Luật như: xây dựng, ban hành kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các sở ban ngành và địa phương; kết quả hỗ trợ chưa nhiều, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, mới tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. 
Các sở, ngành và địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hoá các chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa rõ nét và thực chất. 
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, nguồn vốn, đổi mới công nghệ, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, mở rộng thị trường, nhà cung cấp; thực hiện các thủ tục pháp lý.
3. Giải pháp phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước
- Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, gắn với quy hoạch vùng KTTĐ miền Trung và vùng Bắc Trung bộ, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh trên cơ sở phân công lao động giữa các tỉnh trong vùng, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng.
- Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược của trong nước và quốc tế đầu tư vào các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
- Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có tính hiện đại, đồng bộ và kết nối cao để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
- Hỗ trợ doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước thúc đẩy chuyển đổi số, tham gia tích cực và hiệu quả vào nền kinh tế số.
- Các giải pháp khắc phục các hạn chế nội tại của doanh nghiệp khu vực KTTN, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy liên kết theo chuỗi cung ứng và mạng sản xuất.
- Khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Đối với cộng đồng các doanh nghiệp tích cực, chủ động cập nhật, nâng cao kiến thức, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và quản lý tài chính; học tập kinh nghiệm về quản lý, tiếp cận và học tập các mô hình, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh tiên tiến. Tham gia các hiệp hội doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của Chính phủ, Nhà nước cũng như của các tổ chức tín dụng. Chủ động tìm kiếm bạn hàng, tham gia liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức, đối tác, doanh nghiệp để cùng phát triển. Tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động để đảm bảo việc phát triển bền vững.
Chú thích
1. Tính chung cho toàn bộ doanh nghiệp khu vực KTTN, kể cả doanh nghiệp bị lỗ.
2. Hàng hóa xuất, nhập khẩu phải qua các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh hoặc hàng hóa từ Cảng Cửa Lò thì phải qua các cảng biển đầu mối của cả nước để ra quốc tế.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây