Áp lực thi vào trường công: Nhìn từ kỳ thi lớp 10

Thứ năm - 03/08/2023 05:21 0

Thí sinh thi đại học có nhiều lựa chọn: Học các trường đại học khác nhau, học nghề, đi du học… Các phương thức xét tuyển đại học cũng đa dạng, thủ tục đăng kí đơn giản. Trong khi đó thi tuyển vào lớp 10 các trường THPT thí sinh chỉ được đăng ký trường trong phạm vi địa bàn cư trú, thí sinh chỉ được phép đổi nguyện vọng sau 3 ngày thi. 
Theo quy định phân luồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp và các hình thức đào tạo khác hướng đến 40% học sinh sau THCS theo học. Chính vì thế các trường công lập phải giảm bớt chỉ tiêu trúng tuyển. Thống kê tại Hà Nội năm 2023 tuyển 72.000 chỉ tiêu vào 10 trường THPT công lập. Con số này chỉ chiếm 55,7% trong tổng số gần 130.000 học sinh dự xét công nhận, tại Thành phố HCM chỉ tiêu vào lớp 10 công lập ở thành phố cũng chỉ chiếm dao động trên dưới 65% thí sinh đăng ký. Ở Nghệ An chỉ tiêu trung bình là 60%, có những trường top đầu như Huỳnh Thúc Kháng tỷ lệ số lượng học sinh đăng ký nhiều nhất với 1.310 hồ sơ. Trong khi đó, theo chỉ tiêu của nhà trường, năm nay trường tuyển sinh 14 lớp với 630 chỉ tiêu. Với số lượng hồ sơ cao như thế này, tỷ lệ trúng tuyển của trường là 48%. Hai trường còn lại, số lượng hồ sơ đăng ký cũng rất đông, trong đó Trường THPT Hà Huy Tập có 1.168 hồ sơ và Trường THPT Lê Viết Thuật có 1.176 hồ sơ. Hai trường này cũng có chỉ tiêu tuyển sinh là 630 em, tỷ lệ trúng tuyển của hai trường này xấp xỉ 53%.


Cầu lớn hơn cung dẫn tới tỷ lệ chọi của các trường công lập ngày càng cao, đặc biệt là các trường THPT ở các khu vực thành thị và các thành phố lớn. Hầu hết các bậc phụ huynh đều lựa chọn cho con học xong THPT ở các trường công lập có chất lượng tốt, chi phí vừa phải và tiếp tục học lên đại học, vì thế việc tính toán đăng ký cho con nguyện vọng phù hợp cũng là một bài toán khó với phụ huynh. Để an toàn một số phụ huynh lựa chọn đăng kí ở các trường có điểm xét tuyển thấp hơn so với khả năng thật sự của con.
Những lý do trên dẫn tới áp lực của kỳ thi vào lớp 10 đè nặng lên vai của phụ huynh lẫn học sinh.
Áp lực đối với học sinh
Để có thể đậu vào lớp 10 với trường mình đã đăng ký, không còn cách nào khác là học sinh phải học, học chính khoá, học thêm, luyện thi…. ngoài 3 môn chính Toán, Văn, Ngoại Ngữ thì gần tới thời điểm thi học sinh còn phải ôn thi thêm môn tự chọn. Việc quy định thêm môn tự chọn nhằm mục đích tránh học sinh học tủ, học lệch, tuy nhiên thực tế nó càng làm thêm tốn kém sức lực, chi phí, áp lực thêm cho học. Tình trạng học sinh học ngày 3 ca, thức khuya tới 11, 12 giờ đêm để học dường như đã trở thành bình thường đối với việc ôn luyện của học sinh.


Áp lực đối với phụ huynh
Không chỉ học sinh áp lực mà phụ huynh áp lực cũng không kém khi tâm lý luôn muốn con đậu bằng mọi giá, áp lực khi đối mặc với việc không đậu trường công thì học ở trường tư thục với mức học phí cao gấp mấy lần. Chọn trường cho con như thế nào là phù hợp với lực học và điều kiện của gia đình. Nhiều phụ huynh tâm sự ngoài phòng thi chờ con mà căng thẳng hồi hộp hơn cả thi đại học.
Áp lực của giáo viên
Giáo viên THCS chính là những người gián tiếp chịu áp lực từ kỳ thi này, đặc biệt là những giáo viên trực tiếp giảng dạy và ôn thi các môn học phục vụ kỳ thi THPT. Sự chạy đua thành tích giữa các lớp, các trường về số lượng học sinh đậu vào trường chuyên lớp chọn, về tỷ lệ học sinh đậu kỳ thi lớp 10 THPT. Giáo viên đối mặt với các cuộc bình xét, tiêu chí xếp loại giáo viên thông qua kết quả của kỳ thi… Giáo viên lo lắng áp lực khi chính những học sinh đi thi là đại diện cho hình ảnh của những giảng viên trực giảng.
Một kỳ thi được sự quan tâm của nhiều tầng lớp
Có thể nói rằng qua thời gian thì sự căng thẳng của kỳ thi lớp 10 vẫn không đổi thậm chí càng ngày áp lực càng cao đi cùng với sự cải cách giáo dục và những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nguyên nhân của những vấn đề trên là gì?
Chính sách phân luồng bậc học THCS là chính sách đúng đắn của nhà nước nhằm mục đích tạo điều kiện cho người học tìm kiếm được các cơ hội học tập phù hợp với trình độ năng lực và hoàn cảnh của bản thân và hơn thế nữa đó là một định hướng quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phát triển. Mô hình tiêu chuẩn về cơ cấu lao động ở các nước phát triển là 1/4/10 (trong đó 1: Lao động có trình độ đại học và cao đẳng; 4: Lao động có trình độ trung cấp và 10: Lao động đã được đào tạo qua dạy nghề). Mô hình của Việt Nam hiện nay hoàn toàn ngược lại với tỷ lệ tương ứng là 1/0,3/0,4. Đáng nói hơn, tỷ lệ lao động trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề vốn đã thấp, lại có xu hướng giảm đi trong những năm qua. Hệ quả là Việt Nam sẽ dễ rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ trung cấp và sơ cấp. Chính vì thế việc phân luồng bậc học THCS để mở đường cho các trường dạy nghề gia tăng phạm vi là hoàn toàn phù hợp. 
Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng trên thực tế hiệu quả thực thi của chính sách chưa đạt như mong muốn thậm chí nó là một phần gánh nặng cho kỳ thi lớp 10 THPT. Xuất phát từ 3 nguyên nhân chính:
Nguyên nhân 1 bắt nguồn từ chất lượng các cơ sở trung cấp nghề vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, đầu vào đầu ra không rõ ràng dẫn tới niềm tin của phụ huynh chưa cao để có thể lựa chọn cho con em học trung cấp nghề trong khi vẫn còn những sự lựa chọn khác.
Nguyên nhân thứ 2 bắt nguồn từ quan điểm của phụ huynh cho rằng độ tuổi 15 của các em vẫn còn non nớt chưa đủ sức lực lẫn tinh thần để bước chân vào thị trường lao động sau vài năm học nghề. Trường nghề chỉ dành cho những học sinh có học lực yếu kém, dành cho những gia đình không có điều kiện kinh tế để cho các em học lâu dài và hơn hết tương lai sau khi tốt nghiệp trường nghề nó không được “sang” như học đại học.
Nguyên nhân 3: Công tác hướng nghiệp của nhà trường vẫn còn mang tính đối phó và chưa thể hiện được rõ vai trò xác định được sở trường, thế mạnh của các học sinh, từ đó góp phần định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho các em chọn nghề. Hầu hết việc lựa chọn của các em vẫn đang còn mơ hồ, mang tính cảm tính, thậm chí theo số đông.
Giải pháp nào để giảm áp lực thi cử cho học sinh và gia tăng tỷ lệ học sinh lựa chọn nghề THPT?
Điều đầu tiên phải khẳng định rằng để tháo gỡ được những nút thắt, giảm áp lực cho học sinh THPT thi vào lớp 10 thì cần có sự đổi mới toàn diện và sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng của nhiều bộ phận khác nhau.
Trước tiên từ phía các cơ quan quản lý: Muốn phân luồng được học sinh và gia tăng phạm vi đào tạo nghề THPT thì các nhà quản lý phải tạo điều kiện hỗ trợ nâng cấp chất lượng cũng như cơ sở vật chất, đầu ra của các trung tâm đào tạo nghề, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào đào tạo nghề bằng các chính sách ưu đãi phù hợp. Điều này không chỉ làm giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước mà nó còn giúp cho các trung tâm nghề có điều kiện để đổi mới theo xu thế của thị trường góp phần thu hút được sự quan tâm của học sinh và phụ huynh.
Đồng thời đối với các trường tư thục cũng cần được nhà nước hỗ trợ để mức chênh lệch học phí không quá cách biệt đối với các trường công lập như hiện nay.
Về phía các trường THPT cần phải nâng cao tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đây là đơn vị có ảnh hưởng quan trọng nhất tới tư duy nhận thức của học sinh. Việc được các thầy cô khai thác phát hiện những thế mạnh của bản thân đồng thời dẫn dắt định hướng khi lựa chọn nghề nghiệp chính là bước đầu sơ bộ phân luồng được học sinh khi lựa chọn trước kỳ thi vào lớp 10 THPT. Áp lực kỳ thi vào lớp 10 sẽ nhẹ đi rất nhiều nếu phụ huynh và học thi thấy rõ rằng ngoài việc lựa chọn thi vào kỳ thi THPT thì vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác phù hợp với bản thân năng lực của học sinh nhưng vẫn đảm bảo một tương lai tươi sáng.
Đối với phụ huynh cần được nâng cao nhận thức xã hội và quan điểm cá nhân. Độ tuổi 16 đối với các nước phát triển hoàn toàn có thể vững vàng bước chân vào thị trường lao động nếu các em được định hướng và trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết về ngành nghề. Tư duy bao bọc của bố mẹ Việt cộng với tư duy so sánh “con nhà người ta” và những thiện cảm ít ỏi về trung tâm đào tạo nghề chính là những áp lực vô hình khiến cho các em học sinh mặc định rằng khi bước ngưỡng cửa tốt nghiệp THCS thì chỉ có một lực chọn duy nhất là phải thi và đậu vào trường THPT.
Thi vào lớp 10 có nhẹ nhàng hơn phụ thuộc vào tư duy của chính những người lựa chọn.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, Thư viện điện tử.
2. Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 tại các đơn vị năm học 2023 - 2024 (Kèm theo Công văn số 1121/ Sở GDĐT- QLCL ngày 19/05/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.
3. Dự báo nguồn nhân lực Việt Nam liệu có còn phù hợp (2022). Đại học Quốc gia- Trung tâm dự báo và phát triển nguồn nhân lực.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây