Công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An – Thực trạng và giải pháp

Thứ tư - 07/06/2023 05:21 0

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đã có thế và lực mới, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều vấn đề mới, có tính chất phức tạp. Chính vì vậy, Đại hội XIII và đặc biệt là Nghị quyết 29-NQ/TW đã khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Nghệ An ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam của cả nước, là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.486,49 km2; bờ biển dài 82 km, đường biên giới 468,281 km. Dân số trên 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước.
Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực phấn đấu và đã giành được những thành tựu quan trọng.
* Về tốc độ tăng trưởng: Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước; trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân các giai đoạn 2014 - 2019, 2014 - 2020 đạt lần lượt là 7,28% và 6,92%. Riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,2% (thuộc nhóm 3 địa phương cao nhất Vùng và thứ 22 cả nước). 
GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 45,58 triệu đồng, cao hơn 1,92 lần so với năm 2013 (23,74 triệu đồng), bằng 75% bình quân của Vùng và 67,9% mức trung bình cả nước.
 * Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Giai đoạn 2014 - 2021, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng phi nông nghiệp. Tỷ trọng khu vực nông, lâm, thuỷ sản giảm từ 26,48% năm 2013 xuống 24,57% năm 2021; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 24,15% năm 2013 lên 29,48% năm 2021; khu vực dịch vụ giảm từ 45,55% năm 2013 xuống 40,87% năm 2021. 
* Về chất lượng tăng trưởng: 
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP): Đóng góp TFP vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, từ 27,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 41,14% giai đoạn 2016 - 2020.
Hiệu quả sử dụng vốn: Hệ số ICOR giai đoạn 2016 - 2020 của Nghệ An là 8,9. Nhìn chung, hệ số ICOR của Nghệ An còn ở mức khá cao so với mức trung bình của cả nước.

Các mô hình khởi nghiệp thành công ở Nghệ An

* Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội: Tăng trưởng bình quân vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2014 - 2020 đạt 12,67%; năm 2021 tăng 13,9%, đạt 83.082 tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng vốn khu vực ngoài nhà nước (từ 70,54% năm 2013 lên 76,83% năm 2021); giảm tỷ trọng vốn khu vực nhà nước (từ 28,53% năm 2013 xuống 18,53% năm 2021). Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu vốn đầu tư (năm 2021 đạt 4,63%). 
* Về phát triển công nghiệp: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2014 - 2020 đạt 11,31%/năm; năm 2021, tăng trưởng 18,8% so với năm 2020, quy mô đạt 25.675 tỷ đồng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giai đoạn 2014 - 2019 tăng 12,63%/năm; năm 2021 tăng 16,9% (đứng thứ 03 của Vùng). 
Hạ tầng khu kinh tế Đông Nam, các KCN được đầu tư khá đồng bộ, bước đầu đạt được một số kết quả rõ nét, thu hút được các nhà đầu tư lớn vào đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng như KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I. Quy hoạch 53 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1.244,12 ha. 
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn được khuyến khích phát triển; đến nay, toàn tỉnh có 177 làng nghề đạt tiêu chuẩn. 
* Về phát triển nông nghiệp:  Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, thủy sản tăng từ 19.336 tỷ đồng năm 2013 lên 35.563 tỷ đồng năm 2020 và đạt 38.192 tỷ đồng năm 2021. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 - 2020 đạt 4,46% và năm 2021 đạt mức tăng trưởng 5,59%, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ. 
Thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp có chuyển biến tích cực, đến nay, có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung tham quan công trình sáng tạo Khoa học - Công nghệ đạt giải năm 2020

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 07 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn NTM và có 299 xã/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 72,74%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; trong đó, có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực, thuộc tốp 5 địa phương thực hiện tốt nhất cả nước.
* Về phát triển các ngành dịch vụ: Quy mô giá trị gia tăng ngành dịch vụ (theo giá hiện hành); năm 2021 đạt 63.513 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm ngành dịch vụ giai đoạn 2014 - 2020 đạt 6,01%. Quy mô lao động của ngành dịch vụ năm 2021 là 487.398 người (chiếm 30,64% tổng số).
* Dịch vụ thương mại: Giai đoạn 2014 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 497,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,09%/năm. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 85,56 nghìn tỷ đồng. 
Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 - 2020 đạt 19,05%/năm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 2,428 tỷ USD, gấp 3,82 lần năm 2013. Thị trường xuất khẩu được mở rộng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
* Phát triển du lịch: Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2014 - 2019 đạt 4,1%/năm. Giai đoạn 2014 - 2019, doanh thu du lịch đạt 4.581 tỷ đồng năm 2019 (tăng 13,9%/năm). Chi tiêu bình quân mỗi lượt khách du lịch đến Nghệ An có xu hướng tăng lên (năm 2020 khoảng 1,35 triệu đồng/lượt). Thị trường khách quốc tế được mở rộng, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng hơn, chất lượng được đổi mới. 
* Dịch vụ tài chính, ngân hàng: Tỉnh Nghệ An hiện đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ về huy động vốn và dư nợ tín dụng. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn giai đoạn 2014 - 2020 là 16,2%, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng giai đoạn 2014 - 2020 đạt 13%. 
* Dịch vụ vận tải: Giai đoạn 2014 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng vận tải hành khách đạt 11,1%/năm (trong đó, vận tải hàng hóa tăng 15,5%/năm; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng bình quân 10,54%/năm. 
* Dịch vụ bưu chính, viễn thông: Giai đoạn 2014 - 2020, tốc độ tăng doanh thu bưu chính, viễn thông và hoạt động công nghệ thông tin bình quân đạt 10,11%/năm, đóng góp của ngành thông tin và truyền thông vào GRDP của tỉnh bình quân đạt 6,12%.
* Về phát triển đô thị và hạ tầng:  Tính đến năm 2021, tỉnh Nghệ An có 23 đô thị các loại; tỷ lệ đô thị hóa đạt 21,95%, tăng 9,05% so với năm 2013, tốc độ đô thị hóa trung bình hàng năm đạt 0,9%/năm.


Nanosalt là một dự án khởi nghiệp có mô hình dựa trên sáng tạo, đổi mới khoa học công nghệ

Nâng cấp, mở rộng QL1; QL48; QL48B, QL15; đường Tây Nghệ An giai đoạn 2; Cảng hàng không Vinh được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế. Hiện đang khai thác 9 đường bay nội địa, là một trong những sân bay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước. 
Đường biển: Khu bến Nam Cửa Lò, đã hoàn thành dự án nạo vét luồng đảm bảo tàu 10.000 tấn ra vào thuận lợi; hoàn thành bến số 5, đang triển khai xây dựng bến số 6 cảng Cửa Lò. Đối với khu bến Bắc, đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng cảng xăng dầu DKC có khả năng tiếp nhận tàu 49.000 DWT và cảng Vissai Nghi Thiết với 4 bến khu cảng nội địa cho tàu 3.000 - 10.000 DWT, 2 bến quốc tế cho tàu lớn đến 70.000 DWT. 
Toàn tỉnh có 2.215 công trình thủy lợi (trong đó có 1.061 hồ chứa) bảo đảm tưới ổn định cho khoảng 117.142 ha, tiêu thoát nước cho khoảng 56.078 ha; 4 cảng cá, 5 khu neo đậu tránh trú bão, cơ bản đáp ứng nhu cầu khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống mạng cáp viễn thông tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh. Năm 2019, đã hoàn toàn quang hóa mạng cáp quang ngoại vi, các đường dây thuê bao đến tận hộ gia đình đều được quang hóa. Hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 371 chợ đang hoạt động, trong đó đã xếp hạng 267 chợ; 81 siêu thị và 27 trung tâm thương mại. 
Hệ thống kho vận, hệ thống logistics: Có hơn 50 kho và hệ thống kho, bãi hàng hóa thuộc các khu, cụm công nghiệp và các cảng biển, với diện tích 726.000 m2. Đã hình thành 1 trung tâm dịch vụ logostic với diện tích 30.000 m2.
* Phát triển các khu vực kinh tế
Doanh nghiệp nhà nước: Giai đoạn 2014 - 2021, tỉnh đã thực hiện cổ phần hóa 8 doanh nghiệp nhà nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có 233 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động. Khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra doanh thu chiếm 6,67%, tăng bình quân 1,67%/năm; giải quyết việc làm cho 23.075 lao động, chiếm 10,43% tổng số lao động trong các khu vực kinh tế.
Doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước: Đến cuối năm 2021, tổng số đăng ký thành lập mới là 23.239 doanh nghiệp. Trong đó, số DN đang hoạt động là 13.717, chiếm 97,63% (xếp thứ 03 vùng, đứng thứ 10 của cả nước), tăng bình quân 11,65%/năm trong giai đoạn 2014 - 2021. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra doanh thu chiếm 89% tăng bình quân 10,94%/năm; giải quyết việc làm cho 169.525 lao động, chiếm 76,63%.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Lũy kế đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 100 doanh nghiệp FDI (chiếm 0,71% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động) đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ với 100 dự án/1.033,77 triệu USD vốn đăng ký đầu tư. Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện các dự án FDI đạt 340,79 triệu USD (tăng gấp 5,6 lần so với năm 2020); doanh thu đạt 734 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 588,73 triệu USD.
Đến 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh có 828 HTX, tăng 271 HTX so với năm 2013; số HTX hoạt động hiệu quả chiếm 52,53%. Toàn tỉnh hiện có khoảng 122.000 hộ kinh doanh.
* Về phát triển xã hội - KHCN: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021 đạt 73,35%, xếp thứ hai khu vực Bắc Trung bộ. Tỷ lệ kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đến năm 2021 là 83,2%.
- Phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Dân số trung bình của tỉnh năm 2021 là 3.409.812 người (trong đó, tỷ lệ dân số nông thôn chiếm 84,5%). Lực lượng lao động là 1.620.562 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 48% năm 2013 lên 66,4% vào cuối năm 2021; trong đó, tỷ lệ lao động đào tạo có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 19,1% lên 26,3%.
Giai đoạn 2014 - 2020, bình quân hàng năm giải quyết việc làm mới cho 37.724 lao động. Giải quyết việc làm năm 2021 đạt 40.294 người. Tỷ lệ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng chiếm tỷ lệ 36,74% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm, cao nhất so với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và cao hơn bình quân chung cả nước.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,74% năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021 - 2025 là 7,8%), bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giảm 1,74%/năm. 
Tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 93,0% vào năm 2021. Số giường bệnh/10.000 dân đạt 35,72 giường năm 2021, cao hơn bình quân chung của cả nước. Số bác sỹ/10.000 dân đạt 11 bác sỹ năm 2021, cao hơn bình quân cả nước. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2021 đạt 91%. 
Đến nay, số lượng cán bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh đạt 11,87 người/một vạn dân. Tính đến cuối năm 2021, tốc độ đổi mới công nghệ/thiết bị của tỉnh Nghệ An đạt 15%, trong đó trình độ công nghệ các lĩnh vực chủ yếu của tỉnh đạt mức khá so với cả nước. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 20%.
Từ năm 2015, 100% các xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng thông tin di động. Nghệ An đã phủ sóng 4G ở hầu hết khu vực trung tâm của các huyện, thành, thị và các xã lân cận. 
Tóm lại, những năm qua, kinh tế phát triển khá nhanh, toàn diện, theo hướng bền vững, tạo nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tới; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP ngày càng tăng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Y tế phát triển đồng đều ở các tuyến, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh được công nhận là bệnh viện tuyến cuối của khu vực Bắc Trung bộ, các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh đã triển khai ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật cao của bệnh viện tuyến Trung ương. Hoạt động khoa học và công nghệ gắn bó và đóng góp ngày càng hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm chăm lo; giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên. Quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc. Công tác đối ngoại có nhiều khởi sắc, được thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả. 
* Hạn chế
 Mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được; các lĩnh vực thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao, tài chính, công nghiệp công nghệ cao chưa khẳng định được vai trò trung tâm của Vùng theo định hướng Nghị quyết số 26-NQ/TW. 
- Về phát triển kinh tế
Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, sức cạnh tranh thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt thấp so với mục tiêu, nhất là thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người.
Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, giá trị gia tăng của ngành còn thấp. Sản xuất nông nghiệp chưa thật sự bền vững; đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm; liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị chưa đạt yêu cầu. Dịch vụ có giá trị gia tăng cao phát triển chưa mạnh. Huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư hiệu quả chưa cao; chưa thu hút được những dự án đầu tư lớn mang tính động lực, tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách. 
Quy mô doanh nghiệp đa số còn nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ còn hạn chế, khả năng cạnh tranh, hội nhập và hiệu quả hoạt động thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu dân thấp hơn bình quân cả nước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp; hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, nhất là giao thông đô thị. 
- Về văn hóa - xã hội
Chất lượng giáo dục toàn diện một số nơi còn thấp. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Khoa học công nghệ chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng con người văn hóa, nếp sống văn minh chưa thực sự toàn diện. Cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao một số nơi xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn bình quân chung cả nước; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
- Về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công tác quản lý đất đai còn một số bất cập, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn tái diễn ở một số địa phương.
 Công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhiều vấn đề về môi trường chưa được giải quyết dứt điểm; công tác thu gom, xử lý rác thải, khắc phục ô nhiễm môi trường từ bãi rác, xử lý tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật có nơi vẫn còn chậm và bất cập. 
- Về hợp tác liên kết vùng, phát triển thành phố Vinh và khu vực miền Tây Nghệ An. Liên kết, hợp tác giữa tỉnh Nghệ An với các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trong khu vực chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất, hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững. Thành phố Vinh phát triển chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng, chưa có bước đột phá vượt trội so với các đô thị trong khu vực, nhất là khả năng kết nối vùng. Khu vực miền Tây phát triển còn chậm, một số tiềm năng, thế mạnh khai thác hiệu quả chưa cao; mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây thành một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW chưa thực hiện được. 
- Về an ninh, trật tự an toàn xã hội
Tình hình an ninh, trật tự có nơi, có lĩnh vực còn phức tạp. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên và môi trường còn tiềm ẩn phức tạp; một số vụ việc có sự tham gia của đối tượng cực đoan, chống đối. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo có lúc, có việc chưa kịp thời, hiệu quả. 
- Về cải cách hành chính 
Cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Tổ chức bộ máy chưa thực sự tinh gọn. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà, chồng chéo. Tập thể lãnh đạo và người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong xử lý công việc; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức trình độ chuyên môn, nghiệp vụ yếu, tinh thần, thái độ trong giải quyết công việc thiếu chuẩn mực. 
* Nguyên nhân của hạn chế
 Nguyên nhân khách quan
- Tình hình quốc tế và trong nước có những thời điểm không thuận lợi cho quá trình phát triển của địa phương, nhiều năm liền Nghệ An gặp bất lợi do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung năm 2016 và đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay. 
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên có lúc chưa đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra. Thể chế hợp tác, liên kết vùng chưa hoàn thiện.
- Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương còn hạn chế, nhiều dự án, đề án không bảo đảm được nguồn lực để thực hiện. 
- Khu vực miền núi, biên giới của tỉnh rộng lớn, điều kiện tự nhiên, địa hình không thuận lợi. Vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, phải tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội. Tình hình an ninh, trật tự vùng đặc thù có lúc diễn biến phức tạp.
  Nguyên nhân chủ quan
- Tỉnh chưa chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh còn chậm, chưa gắn với cơ chế, kế hoạch bố trí nguồn lực. Đầu tư công còn dàn trải, chưa tập trung vào các khu vực, công trình trọng điểm. 
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện trên một số lĩnh vực của các cấp, các ngành chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sáng tạo.
- Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương có mặt thiếu đồng bộ, chặt chẽ, có lúc còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, nhất là xử lý vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư, các vụ việc tồn đọng, phức tạp. 
- Lãnh đạo một số ngành, nhất là người đứng đầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Sự tâm huyết, tính năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. Ý chí, khát vọng khởi nghiệp, hội nhập, phát triển chưa được khơi dậy mạnh mẽ trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 
Thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương về “tiếp tục đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước đến năm 2030” trong tình hình mới, Nghệ An cần lưu tâm một số vấn đề như sau:
1. Tập trung quán triệt, tuyên truyền rộng rãi nội dung Nghị quyết 29 của BCH trung ương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở tất cả các tầng lớp xã hội, trong đó đội ngũ cán bộ đảng viên ở tất cả cấp ủy chính quyền các cấp phải tiên phong đi đầu.
2. Lấy phát triển con người làm trung tâm trong quá trình CNH- HĐH. Phát huy nguồn lực con người và văn hóa xứ Nghệ, kết nối để tranh thủ nguồn lực con người xứ Nghệ ở tại chỗ cũng như ở mọi miền đất nước và trên thế giới. Tập trung phát triển giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu mới. Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ ngoài tỉnh.
3. Xác định phát triển của công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Tăng cường nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cả về nguồn lực tài chính cũng như con người. Lấy doanh nghiệp làm chủ thể, lấy kết quả là các sản phẩm sáng tạo làm thước đo đánh giá hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có chính sách khuyến khích hỗ trợ để huy động nguồn lực xã hội (đặc biệt là doanh nghiệp) cho hoạt động KH &CN, tập trung ưu tiên cho hoạt động đổi mới sáng tạo (đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm sáng tạo, thương mại hóa sáng chế, giải pháp hữu ích…), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, công nghệ sinh học, tự động hóa, kinh tế tuần hoàn… Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các trung tâm R&D, thúc đẩy quỹ phát triển KH&CN ở các doanh nghiệp. Xây dựng Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An năng động. Triển khai đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (Inovation Index). Xây dựng Vinh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung bộ. Kết nối với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong ngoài tỉnh để hình thành các Vườn ươm công nghệ, Vườn ươm doanh nghiệp tại Vinh. Phấn đấu đến năm 2030, chỉ số TFP đạt từ 45- 50%. 
4. Lấy doanh nghiệp làm chủ thể của quá trình CNH- HĐH. Tập trung ưu tiên hỗ trợ để phát triển lực lượng doanh nghiệp Nghệ An. Rà soát điều chỉnh bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn, trong đó ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp (trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tận đất đai, hỗ trợ pháp lý, tiếp cận thị trường, cạnh tranh bình đẳng…). Ưu tiên thu hút, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, mạnh, đầu đàn trong nước cũng như FDI ở các lĩnh vực để đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Đẩy nhanh lộ trình đổi mới sắp xếp lực lượng doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần thoái vốn những lĩnh vực Nhà nước không cần chi phối. Thúc đẩy xây dựng và hỗ trợ Hợp tác xã phát triển thực chất, hiệu quả để đóng vai trò quan trọng trong liên kết chuỗi sản xất, dịch vụ. Có lộ trình “doanh nghiệp hóa” lực lượng hộ kinh doanh cá thể. Xây dựng Hệ sinh thái đầu tư, phát triển kinh doanh Nghệ An lành mạnh, bao trùm. Thúc đẩy xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ hỗ trợ đầu tư Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An. 
5. Về lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên công nghiệp chế tạo, chế biến, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử,… Dần hình thành các Khu công nghiệp liên ngành, Khu công nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, chế biến gỗ để dẫn dắt chuỗi giá trị liên kết trong nông nghiệp. Hướng tới nền công nghiệp xanh, bền vững, tuần hoàn. Tập trung thu hút các nhà đầu tư cấp 1 để đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế, các khu cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch. Khuyến khích đầu tư trước hạ tầng nhà xưởng với mục đích cho thuê, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp rút ngắn thời gian đầu tư cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nhanh.
6. Lấy CNH- HĐH ngành nông nghiệp, nông thôn làm ưu tiên hàng đầu, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở lợi thế so sánh, đặc sản vùng miền, hữu cơ, có trách nhiệm. Hình thành các chuỗi giá trị liên kết nông nghiệp, trước mắt ưu tiên các sản phẩm chủ lực, chủ yếu của tỉnh. Cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong canh tác nông nghiệp, ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong phân bón, thức ăn gia súc, giống, cải tạo đất, môi trường… để nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện chuyển lao động nông nghiệp sang lĩnh vực khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước trong canh tác nông nghiệp, đổi mới giống cây con, quy trình canh tác để thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển công nghiệp khu vực nông thôn, gắn với du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, nông thôn thông minh, chương trình OCOP.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên số 1 trong thời gian trước mắt là phát triển khu vực miền Tây Nghệ An. Trong đó tập trung chính vào các đối tượng: kinh tế rừng (gỗ và kinh tế dưới tán rừng), dược liệu, cây công nghiệp và các đối tượng đặc sản vùng. Quá trình CNH-HĐH cần gắn với phát huy tri thức bản địa, bản sắc văn hóa, không gian văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
7. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, công nghệ mới… ở tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dịch vụ như thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, logistic, giao thông vận tải, kinh tế chia sẻ, truyền thông, du lịch, văn hóa nghệ thuật,… Mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới theo cơ chế “Sand box”. 
8. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng ở tất cả các lĩnh vực nhất là hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, nước, môi trường gắn với đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa. Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông tuyến Đông - Tây để thúc đẩy phát triển miền Tây. Khuyến khích đầu tư theo cơ chế PPP để thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
9. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khi hậu. Đẩy mạnh triển khai kinh tế tuần hoàn ở tất cả các lĩnh vực kinh tế nhất nông nghiệp, môi trường, công nghiệp. Chuyển từ phát triển kinh tế theo chiều rộng kết hợp với chiều sâu sang phát triển kinh tế theo chiều sâu, xanh và bền vững.
10. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh và trí tuệ con người xứ Nghệ trong quá trình CNH- HĐH. Phát huy truyền thống “đất hiếu học”, bản chất sáng tạo, kiên định, vượt khó, quyết liệt của con người xứ Nghệ trong hoàn cảnh mới. Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mới, đặc biệt là lực lượng tri thức, doanh nhân và công nhân. Chú trọng quan tâm nhóm yếu thế trong xã hội nhằm mục tiêu phát triển bao trùm, thực hiện giảm nghèo bền vững, không để lại ai phía sau, nhất là khu vực miền núi và đồng bào dân tộc ít người. Kích hoạt khát vọng phát triển trước hết là ở đội ngũ cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên để từ đó loan tỏa ra toàn xã hội, nhằm xây dựng Nghệ An giàu đẹp, hoàn thành “Khát vọng sông Lam”!

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây