Một vài trao đổi về vấn đề “Danh xưng”

Thứ sáu - 30/06/2023 05:21 0
 Tuy nhiên nó cũng gây ra cho người tiếp nhận một vài cách hiểu không phù hợp với đối tượng được phản ánh. Với bài viết này, chúng tôi xin có một vài trao đổi nhằm làm rõ thêm về khái niệm danh xưng từ góc nhìn của ngôn ngữ học, cùng với đó là một vài ý kiến cá nhân về việc sử dụng danh xưng trong hoạt động giao tiếp xã hội.
1. Vị trí của danh xưng trong hệ thống ngôn ngữ
Trong ngôn ngữ học, danh xưng (còn gọi là tên riêng - name) được nghiên cứu trong một chuyên ngành riêng, đó là danh xưng học (onomasiologie) thuộc từ vựng học (lexicology). Đối tượng của danh xưng học khá đa dạng, tiêu biểu có địa danh (topnym) - đối tượng của bộ môn địa danh học (toponomastics), với nhiệm vụ nghiên cứu tên riêng các đối tượng địa lí; nhân danh (pesonal name) - đối tượng của bộ môn nhân danh học (anthroponomastics), với nhiệm vụ nghiên cứu tên riêng của người; hiệu danh - đối tượng của bộ môn hiệu danh học, với nhiệm vụ nghiên cứu tên riêng các cửa hiệu, công sở, tên gọi riêng các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc,… Hiệu danh là một khái niệm khá rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực nên khó thống nhất một cách sử dụng thuật ngữ (do khuôn khổ của bài viết và phạm vi sử dụng, người viết không bàn sâu về đối tượng này về phương diện lí thuyết). Về cơ bản, chúng đều có chức năng làm tên gọi, cá thể hóa đối tượng, đều thuộc lớp tên riêng, và đều là đối tượng nghiên cứu của danh xưng học. Về vị trí của danh xưng học trong hệ thống ngôn ngữ học có thể hình dung như sau :
 
Ngoài ra còn có các loại tên riêng khác như tên riêng các tộc người (tộc danh), tên riêng các đồ vật (vật danh) v.v… Với mục tiêu chính của vấn đề trao đổi ở đây, chúng tôi không có ý định phát triển quá rộng nội dung mà chỉ đề cập ở mức độ nào đó để chúng ta hình dung tính đa dạng và phức tạp liên quan đến vấn đề danh xưng. Giải pháp ở đây là mở rộng theo hướng giải thích khái niệm để thấy rõ vấn đề, sau đó là khép lại vấn đề trong phạm vi sử dụng (theo nhìn nhận của chúng tôi thì địa danh và nhân danh được sử dụng nhiều nhất trong danh xưng). 
Với mục đích trao đổi vấn đề từ góc nhìn ngôn ngữ học, trước hết, chúng ta xác định, danh xưng là danh từ và là danh từ riêng, được sử dụng để gọi tên một đối tương cụ thể, khu biệt với đối tượng khác. Và như vậy nó phải khu biệt với danh từ chung trên một số tiêu chí về từ loại này (danh từ). Hiện nay, vẫn còn một số vấn đề của tên riêng đang tồn tại những quan niệm khác nhau như vấn đề phân loại, vấn đề chức năng, vấn đề nghĩa của tên riêng,… Về hệ thuật ngữ tên riêng cho đến nay vẫn còn ít nhiều thiếu sự nhất quán. Chẳng hạn, về cơ bản, người ta vẫn khá thống nhất coi địa danh là tên riêng các đối tượng địa lí. Tuy nhiên, việc xử lí mối quan hệ giữa thành tố chung và thành tố riêng (bộ phận được gọi là địa danh) lại đang có nhiều ý kiến khác nhau trong lúc thành tố “địa danh” luôn gắn chặt với thành tố chung (danh từ chung). Có thể biểu thị cấu trúc như sau: 
Về tổ hợp tên riêng của người, cho đến nay vẫn còn có những quan niệm và cách thể hiện khác nhau. Có người coi “tên riêng” của người là toàn bộ cấu trúc tên gọi, trong lúc có người cho rằng “tên riêng” là phần riêng biệt, không tính đến tên họ và tên đệm. Nói cách khác, họ cho rằng, “tên riêng” là yếu tố cuối cùng trong tổ hợp tên gọi của người Việt. Về yếu tố đệm, cũng có những cách gọi khác nhau như “tên đệm”, “tên lót”. Đối với yếu tố tên cá nhân (tức thành phần cuối cùng, thành phần được coi là quan trọng nhất đối với tên riêng người Việt) cũng đang tồn tại nhiều cách gọi khác nhau, như: tên, tên riêng, tên gọi, tên chính. Sở dĩ còn có những quan niệm khác nhau về tên gọi các yếu tố cấu tạo cũng như vị trí của chúng trong tên riêng, một phần do ảnh hưởng của vấn đề tên riêng chỉ người trên thế giới, với sự tồn tại bởi những quan niệm và quy ước khác nhau của các dân tộc. Chúng tôi cho rằng, tên riêng chỉ người (hay tên riêng của người) là một tổ hợp bao gồm các yếu tố như tên họ, tên cá nhân. Trong nhiều trường hợp bao gồm cả tên đệm. Có thể biểu thị cấu trúc tên riêng của người Việt bằng mô hình sau:
(chú thích: + có;  ± có thể có hoặc không có)

Về chức năng của tên riêng, hiện cũng đang có nhiều ý kiến không hoàn toàn giống nhau. Có thể nói, tên riêng có chức năng rất cơ bản là gọi tên và cá thể hóa đối tượng, nhằm phân biệt đối tượng này với đối tượng khác về mặt hình thức và làm công cụ giao tiếp. Mặc dù các chủ thể định danh không có ý đồ thật rõ ràng về việc gán cho tên riêng chức năng phản ánh hiện thực, nhưng dấu ấn mà họ gửi vào tên riêng đã phản ánh sự tồn tại khách quan, ít nhất ở thời điểm ra đời tên riêng đó. Ví dụ: Hồng Hà (địa danh - sông có nước màu đỏ), Bến Thủy trong tổ hợp cầu Bến Thủy (địa danh - cầu bắc trên sông đoạn qua khu vực Bến Thủy), Lê Hữu Đức (nhân danh - gửi gắm khát vọng khi sinh con ra về một đứa con có đức độ); Tiền phong trong tổ hợp báo Tiền phong là để xác định mục tiêu cho tờ báo trong việc hướng tới đối tượng phản ánh và đối tượng tiếp nhận chủ yếu của ấn phẩm, v.v...
Cũng từ thực tế nói trên, bên cạnh chức năng gọi tên, khu biệt, cá thể hóa đối tượng và chức năng thẩm mĩ, trong hoàn cảnh cụ thể nào đó tên riêng còn góp phần phản ánh lịch sử. Mỗi tên người hay tên riêng địa lí đều ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử - xã hội nhất định, do đó, nó cũng thể hiện rõ chức năng phản ánh lịch sử của đất nước hoặc ở địa phương. Nhiều tên riêng đã ghi nhận một sự kiện, một biến cố xã hội - lịch sử, ghi danh một vị anh hùng hoặc một người có vai trò đặc biệt quan trọng trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Điều này được thấy rõ trong các “lí do đặt tên”. Chẳng hạn, Hùng Vương (đánh dấu sự ra đời của dân tộc Việt), Nguyễn Quốc Khánh, Trần Độc Lập (sinh ra trong ngày lễ trọng đại của đất nước); Đống Đa, Điện Biên Phủ,... để ghi dấu những chứng tích lịch sử. Tên riêng còn phản ánh nét đặc trưng văn hóa của một quốc gia, một vùng dân cư. Chẳng hạn, ở Việt Nam, các tên riêng của người có kèm theo yếu tố hoe, cháu, chắt,… mang đặc trưng văn hóa định danh của cư dân Nghệ Tĩnh trước đây; các tên riêng được đặt theo số thứ tự mang đặc trưng văn hóa định danh vùng Nam bộ; tên họ đứng sau tên đệm và tên cá nhân phản ánh văn hóa đặt tên của người Êđê ở Tây Nguyên.v.v… Như vậy có thể nhận thấy, tên riêng có các chức năng cơ bản như gọi tên, để phân xuất và định danh riêng cho một đối tượng cá biệt, đơn nhất so với những đối tượng khác cùng loại.
Về nghĩa của tên riêng mặc dù còn tồn tại những ý kiến khác nhau, nhưng có thể nói, với chức năng cá thể hóa đối tượng nên tên riêng không biểu thị khái niệm, không có cấu trúc ngữ nghĩa như ở tên chung. Nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước như N.D. Arutjunova, E.S. Aznaurova, J. St. Mill, C. Mac, Lê Quang Thiêm, Phạm Tất Thắng, Đặng Minh Tâm,… đều cho rằng tên riêng không có nghĩa mà chỉ có mục đích là chỉ ra biểu vật. Trong thực tế, một số trường hợp tên riêng xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật hay một con người cụ thể nào đó tồn tại trong cộng đồng mang bản chất đặc biệt được khái quát hóa thành đối tượng mang tính thông tin xã hội hóa. Ví dụ: Chí Phèo, Bá Kiến,… Lúc này, tên riêng của đối tượng có cấu trúc ngữ nghĩa, nghĩa là nó biểu thị nghĩa biểu niệm. Tuy nhiên, đó là những trường hợp đã được “chuyển hóa” trong ý niệm của cộng đồng người sử dụng. Từ tên gọi của một cá nhân trở thành tên chung của một hạng người mang một đặc tính trong xã hội. Thực tế cũng cho thấy, khi đặt tên cho một đối tượng nào đó, chủ thể định danh bao giờ cũng có mục đích rõ ràng (tính có lí do). Hơn nữa, họ thường lấy những từ ngữ có sẵn trong kho từ vựng hoặc tạo ra một đơn vị mới trên cơ sở những yếu tố có sẵn và sắp xếp theo một nguyên tắc phù hợp với quy luật ngôn ngữ và văn hóa của từng dân tộc. Vì vậy, mặc dù không với mục đích biểu thị một tính chất, đặc trưng nào đó qua tên gọi, nhưng hình ảnh âm thanh của chúng có mối liên hệ liên tưởng hoặc gợi ra mối liên tưởng thường trực, và qua đó hàm chỉ một cái, một điều gì đó. Mặc dù hình thức, các tên riêng cũng gọi tên sự vật, hiện tượng, quá trình,... nhưng chúng lại không gán cho sự vật, hiện tượng, quá trình bất cứ một thuộc tính nào cả mà chỉ thông qua các thuộc tính đó, các tên riêng thường gợi ra trong ý thức của cộng đồng về một sự liên tưởng hay dấu ấn về một kỷ niệm nào đó của người được đặt tên vào trong hình thức tên gọi. Nghĩa là, chúng mang nội dung ngữ nghĩa - tu từ bổ sung cho sự liên tưởng đối với hiện thực thông qua nghĩa từ vựng của các từ đồng âm với tên riêng. Có thể gọi đó là “ý nghĩa biểu trưng” hay “ý nghĩa hàm chỉ” trong tên riêng. Ý nghĩa này có thể tương đương với nghĩa của từ “implication mearning” trong tiếng Anh (nghĩa là “ẩn ý” hay “ngụ ý”).

Phân biệt giữa tên riêng và tên chung. Những tên gọi dùng để gọi tên cả một lớp sự vật, hiện tượng,... được gọi là tên chung. Lớp từ này có đặc điểm của danh từ chung, nghĩa là có chức năng biểu thị khái niệm, có khả năng kết hợp với các từ chỉ số và chỉ lượng ở phía trước; có khả năng làm trung tâm của danh ngữ. Chẳng hạn, các từ ngữ chỉ người nói chung (general names) theo quan hệ thân tộc trong tiếng Việt (ông, bà; bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu...) hay từ chỉ các đối tượng là đơn vị hành chính (xã, huyện, thị trấn, thị xã, thành phố, tỉnh,...). Những tên gọi dùng để gọi tên một đối tượng cá biệt, đơn nhất và xác định gọi là tên riêng. Trong các lớp tên riêng đó, có thể tiếp tục phân chúng ra làm nhiều lớp khác nhau nhỏ hơn (tiểu loại). Lúc này, hình thức và đối tượng được gọi tên, về cơ bản có sự khác nhau. Tên riêng thì cá thể hóa, còn tên chung thì khái quát hóa. Tuy nhiên, nhiều tên riêng (cụ thể hơn là một số bộ phận của tên riêng, như tên họ, tên đệm) lại liên hệ đến nhiều người, và có một số trường hợp tên chung nhưng chỉ liên hệ với một thực thể duy nhất (thiên đường, mặt trời). Tên riêng trong tiếng Việt thường không đi với các từ chỉ số nhiều như các, những; còn tên chung hoàn toàn có khả năng đó. Về mặt ngữ nghĩa, tên riêng không còn giữ cái nghĩa vốn có của từ như tên chung. Tên riêng không thể dịch sang một ngôn ngữ khác như tên chung. Hình thức chuyển hóa trong định danh có vai trò chi phối mạnh mẽ nên trong thực tế hoạt động, tên riêng và tên chung thường có sự chuyển đổi lẫn nhau. Nếu tính cá thể của đối tượng được gọi tên trở nên không xác định và có tính khái quát hóa thì sẽ nảy sinh hiện tượng chuyển hóa tên riêng thành tên chung. Ngược lại, nếu đối tượng được gọi bằng tên chung trở nên xác định và mang tính cá thể hóa, thì tên gọi đó có xu hướng trở thành tên riêng. Đây cũng là hiện tượng có tính phổ biến đối với các ngôn ngữ. Như vậy, các tên riêng đều có những đặc điểm chung, trong đó biểu hiện rõ ràng nhất là các đặc điểm về chức năng, ý nghĩa và đặc điểm ngữ pháp. Ngoài ra, danh xưng học còn đề cập đến các vấn đề khác có tính phổ niệm như vấn đề không gian tên riêng và việc phân loại chúng,...
2. Vấn đề thể hiện danh xưng trong giao tiếp
Từ việc khái quát những nét đặc trưng cơ bản về danh xưng từ góc nhìn của ngôn ngữ học, có thể sơ bộ xác định một số tiêu chí với việc thể hiện đối tượng này trong thực tế giao tiếp như sau:
- Là tên gọi riêng của một đối tượng địa lí hay một đối tượng riêng biệt nào đó có tính lịch sử, được coi là “khởi đầu” trong một không gian nào đó có tính quy ước trong phạm vi một cộng đồng nhất định. Chẳng hạn, (xứ) Mường, (xứ) Đoài, (xứ) Quảng, (vùng) Phủ Quỳ,… (tên gọi một vùng đất), Tràng An, Thăng Long, Nghệ An, Sài Gòn,… (tên gọi một đơn vị hành chính sơ khai), v.v…
- Được xác định trong nội hàm của đối tượng bao hàm về chủ thể chủ quyền quốc gia, về không gian văn hóa của một cộng đồng nhất định, nghĩa là không tính đến các phạm vi địa lí ngoài quốc gia hay danh xưng là địa danh hoặc nhân danh nước ngoài cũng như sự trùng lặp, chồng lấn giữa các đối tượng không cùng cấp độ. Chẳng hạn, thời điểm xuất hiện danh xưng Hà Nam, Hà Bắc, Thái Nguyên,…là chỉ trong khuôn khổ Việt Nam mà không tính đến các địa danh này ở Trung Quốc. Danh xưng Hưng Yên phải được phân định là đối tượng địa lí vùng Kinh Bắc khác đối tượng Hưng Yên (tên gọi một xã) thuộc Hưng Nguyên, Nghệ An. Danh xưng Nghi Xuân phải được phân định là đối tượng địa lí (một huyện của tỉnh Hà Tĩnh) khác đối tượng Nghi Xuân (tên gọi một xã) thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Danh xưng Tràng An ở Việt Nam không tính đến sự ra đời của danh xưng này (Tràng An) ở Trung Hoa xưa.v.v…  
- Không bao hàm tên chung đi kèm (bởi danh xưng là tên riêng). Ví dụ: Hưng Nguyên khởi đầu cũng được gọi là huyện (Năm 1469, vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ điều chỉnh lại bản đồ hành chính và tên huyện Hưng Nguyên chính thức ra đời từ đó). Tiếp theo là một quá trình tách nhập, thay đổi chức năng và cho đến hiện tại vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện. Tuy nhiên, năm 2019 là kỷ niệm 550 danh xưng Hưng Nguyên chứ không phải là danh xưng huyện Hưng Nguyên. Thời kì nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê gọi vùng đất Nghệ An ngày nay là Hoan Châu. Đến nhà Lý gọi là Nghệ An (Nghệ An châu trại). Tên gọi Nghệ An xuất hiện lần đầu vào thời kì đó, cách đây ngót 990 năm. Vì vậy, năm 2020 là kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An. Một địa danh khác như Nghĩa Đàn chẳng hạn, nếu tính từ năm Minh Mạng thứ 21(1840) thì huyện mà ngày nay được gọi là Nghĩa Đàn được thành lập đã là trên 180 năm (với tên gọi Nghĩa Đường), khi tổ chức hành chính Nghệ An được sắp xếp lại và lập thêm một số huyện. Phủ Quỳ Châu vốn trước có 2 huyện là Trung Sơn (Quế Phong) và Thúy Vân (gồm phần lớn đất Quỳ Châu và Quỳ Hợp). Nếu tính từ thời điểm có tên gọi là Nghĩa Đàn xuất hiện trong bộ máy nhà nước (1885) thì đến nay là 138 năm. Khi đó vua Đồng Khánh (Nguyễn Phúc Ứng Đường) vì kỵ húy nên cho đổi Nghĩa Đường thành Nghĩa Đàn. Danh xưng Nghĩa Đàn có từ đó.
- Không nhất thiết phải cùng thời điểm ra đời đơn vị hành chính. Chẳng hạn năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chứ không phải 1000 năm danh xưng Hà Nội. Thăng Long là tên gọi trung tâm hành chính quốc gia đầu tiên sau khi nước ta giành độc lập (1010). Danh xưng Hà Nội mới xuất hiện năm 1831 (thời Minh Mạng). Tên gọi Hà Nội đã từng xuất hiện trong sử kí của Tư Mã Thiên. Tuy nhiên đây là chuyện của người Trung Hoa xưa, không phù hợp với tiêu chí trên. Còn một số tên gọi khác như Long Đỗ, Tông Bình, Đại La, (trước khi giành độc lập), chủ yếu bởi ảnh hưởng của chính quyền phong kiến phương Bắc. Đông Đô là do Phủ Hán Thương (thời Minh) gọi phủ đô hộ là Đông Đô để phân biệt với Tây Đô (ở Thanh Hóa). Năm 1408, quân Minh đánh bại Hồ Quý Ly, đóng ở thành Đông Đô, đổi Đông Đô thành Đông Quan. Đông Kinh là tên gọi của kinh đô này do Lê Lợi đặt (1427) để phân biệt với kinh thành ở Thanh Hóa (là Tây Đô). Bắc Thành là do Nguyễn Huệ (1753-1792) khi xưng vương đặt tên. Do kinh đô chính thức đóng ở Phú Xuân nên gọi thành Thăng Long là Bắc Thành. Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, từ góc nhìn danh xưng học cũng là một câu chuyện tương tự (mặc dù đây là một vùng đất không có bề dày lịch sử như Thăng Long - Hà Nội - xét về góc độ một đơn vị hành chính). Năm 1698, chúa Nguyễn sai Lê thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào thiết lập chính quyền, xác lập chủ quyền Đại Việt tại vùng đất phương Nam, trên cơ sở lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt ra hai dinh là Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định). Vùng đất này trở thành trung tâm hành chính mang sắc thái đô thị đầu tiên thuộc chủ quyền của Đại Việt. Và như vậy có thể lấy 1698 là thời điểm ra đời của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Tuy nhiên trước đó vùng đất này đã có 2 ngôi làng của người Chân Lạp (nằm giữa vùng tranh chấp Chân Lạp và Chiêm Thành lúc bấy giờ) là làng Prel Nokor (Sài Gòn) và làng Kas Krobei (Bến Nghé). Như vậy, danh xưng Sài Gòn xuất hiện trước trung tâm hành chính Sài Gòn.    
3. Vấn đề sử dụng danh xưng để định danh cho các đối tượng khác
Trong thực tế, không ít trường hợp chúng ta lấy một danh xưng nào đó để định danh (đặt tên) cho đối tượng khác, mà có người gọi là định danh thứ cấp hay sự chuyển hóa. Chẳng hạn, Thăng Long → (đại lộ) Thăng Long, (cầu) Thăng Long; Hà Nội → (xa lộ) Hà Nội, (công viên) Hà Nội; Sài Gòn → (bến cảng) Sài Gòn; Điện Biên Phủ → (đường) Điện Biên Phủ; Vinh → (sân vận động) Vinh; Trung Đô → (phường) Trung Đô, (chợ Trung Đô);… Trong trường hợp này, mặc dù đều là các danh xưng và là đối tượng của danh xưng học, tuy nhiên các đối tượng là kết quả của quá trình chuyển hóa không phải là “xuất phát điểm” của tên gọi. Vì vậy, khi muốn “khơi dậy” giá trị lịch sử của các đối tượng ấy ta thường dùng từ “kỷ niệm” ngày thành lập, ngày ra đời đối tượng hay sự kiện đó. 
Khi chúng ta lấy tên các danh nhân để đặt tên một đơn vị hành chính, một con đường, một khu phố,… ví dụ: Lê Hồng Phong → (đường) Lê Hồng Phong; Lê Lợi → (phường) Lê Lợi; Quang Trung → (phường) Quang Trung; Lê Xuân Đào → (kênh) Lê Xuân Đào),… thì mặc dù các đối tượng trên đều là nhân danh, địa danh, và là đối tượng nghiên cứu của danh xưng học nhưng đó là những đối tượng được ra đời từ phương thức chuyển hóa. Nói cách khác là thiếu đi tiêu chí “lịch sử” trong việc xác định danh xưng trong nhận thức về khái niệm này trong thực tế sử dụng. Một điều cần quan tâm là khi sử dụng phương thức chuyển hóa này (lấy nhân danh để đặt tên cho địa danh hay một đối tượng nào đó) thì phải luôn có tín hiệu để phân biệt đối tượng, nghĩa là phải có yếu tố chỉ loại hình (danh từ chung) đứng trước như phường, xã, đường, phố,… (những trường hợp trong dấu ngoặc đơn trên đây). Đồng thời, khi lấy nhân danh (tên riêng của người) là người Việt, để định danh cho các đối tượng khác phải ghi đầy đủ họ tên theo cách thức được quy ước của cộng đồng. Chẳng hạn, với người Việt (người Kinh) và hầu hết các tộc người thiểu số đã có tên họ thì theo trình tự: tên họ - tên cá nhân, ở giữa có hoặc không có tên đệm. Ví dụ: (đường) Lê Duẩn; (đường) Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu đặt theo bí danh hay tên thường gọi thì cũng viết nguyên như vậy. Ví dụ (đường) Trường Chinh; (đường) Tố Hữu; (đường) Hải Triều,… Với người Êđê và một bộ phận của người Jrai (nhóm Mdhur) thì viết theo thứ tự tên đệm - tên cá nhân - tên họ. Nếu có tên nhánh họ thì cũng phải viết đầy đủ, tiếp theo sau tên họ. Ví dụ (đường) Y Ngông Niê Kdam (Y là tên đệm, Ngông là tên cá nhân, Niê là tên họ, Kdam là tên nhánh họ). Trường hợp lấy tên nước ngoài thì viết thứ tự theo cách của họ, theo hướng phiên âm hoặc chuyển tự (tùy vào ngôn ngữ gốc). Trường hợp tên gọi đó sử dụng kí tự Latin thì viết nguyên dạng hoặc phiên âm. Nếu tên quá dài thì chỉ cần thể hiện tên họ theo văn hóa gọi tên của người dân tộc đó. Ví dụ con đường đặt theo tên riêng của bác sĩ người Pháp là Alexandre Yersin thì có thể chỉ thể hiện bằng tên họ (đường) Yersin. Trường hợp sử dụng kí tự khác thì viết theo lối phiên âm hoặc chuyển tự. Ví dụ đường mang tên Vladimia Ilic Lenin có thể viết (đường) Lê-nin hoặc Lê Nin; Trường hợp tên riêng của người hoặc tên riêng đối tượng địa lí được định danh theo số đếm thì phải thể hiện một cách hợp lí theo hướng thể hiện của một danh từ riêng (vì là tên gọi nên được hiểu là danh từ). Chẳng hạn, (ngã tư) Bảy Hiền (mà không viết (ngã từ) 7 Hiền); viết (đường) Lê Văn Tám (mà không viết (đường) Lê Văn 8); .v.v... Như đã nói ở trên, mặc dù chủ thể định danh thường lấy những từ ngữ có sẵn trong kho từ vựng hoặc tạo ra một đơn vị mới trên cơ sở những yếu tố có sẵn và sắp xếp theo một nguyên tắc phù hợp với quy luật ngôn ngữ và văn hóa của từng dân tộc nhưng khi đã thành tên riêng thì chúng cũng mặc nhiên đóng vai trò của một tên riêng trong hành chức. Trong trường hợp do quy ước sử dụng một tín hiệu ngoài danh từ để chỉ đối tượng nào đó, chẳng hạn Phạm S (tên riêng của Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng), hoặc một số đếm quá lớn thì thể hiện cho phù hợp với bối cảnh đó trên cơ sở trực quan, dễ hiểu, mang tính quy ước và danh từ tính. Ví dụ (quốc lộ) 46; (đường) 542 C; v.v… Và như vậy, về nguyên tắc, là tên gọi riêng của một đối tượng cần được hiểu về bản chất nó là một danh từ. Vậy nên, cho dù ngôn ngữ thể hiện không phải là một “từ” thì vẫn hiểu nó đang thực hiện chức năng của một danh từ riêng (tên riêng). 
Từ những vấn đề về lí luận và thực tiễn nêu trên, có thể nói, việc xác định khái niệm “danh xưng” trong nhận thức và trong thực tế sử dụng hiện nay của chúng ta, bên cạnh các tiêu chí của ngôn ngữ học thì cần được đặt nó trong môi trường có tính lịch sử và một không gian văn hóa của một cộng đồng, dân tộc. 
4. Lời kết
Trong vốn từ của một ngôn ngữ, danh xưng là một lớp tên gọi có cấu trúc đặc biệt, với một số lượng rất lớn; là đối tượng của danh xưng học. Bên cạnh những thành phần chủ yếu có tính chất ngôn ngữ học, danh xưng còn chứa đựng trong nó những thông tin mang tính lịch sử, văn hóa - xã hội,… đặc trưng cho từng cộng đồng dân tộc. Do vậy, danh xưng nói chung, các bộ phận của danh xưng nói riêng (như tên riêng của người, của đối tượng địa lí, tên riêng các tộc người, của các sản phẩm, cửa hiệu,… ) trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau như sử học, dân tộc học, ngôn ngữ học, xã hội học, tâm lí học… Việc tìm hiểu bản chất của danh xưng từ góc nhìn ngôn ngữ học cũng như thực tiễn trong hành chức cũng là một con đường như thế. 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây