Những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Nghệ An trong đổi mới sáng tạo

Thứ tư - 07/06/2023 05:21 0
 Như vậy, chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Trong thời đại công nghệ 4.0, đổi mới sáng tạo là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với tình hình doanh nghiệp thực tế ở nước ta hiện nay nói chung, Nghệ An nói riêng, đổi mới sáng tạo là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ. Những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Nghệ An trong đổi mới sáng tạo có những điểm lưu ý như sau:
Thứ nhất, khó khăn trước hết đối với các doanh nghiệp là về nhận thức, thói quen, Nghệ An nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong; rồi còn thiếu thông tin để xác định bước đi, lộ trình phát triển bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, thách thức về máy móc, thiết bị cũng là trở ngại chính. Nhiều doanh nghiệp đã hình thành mấy chục năm thì máy móc, thiết bị có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước, nhiều thời điểm. Vì vậy, trong quá trình đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp công nghệ để tạo nên những kiến trúc hợp nhất các nền tảng công nghệ, thiết bị.
Thứ ba, đặc biệt ở Nghệ An chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên khó khăn về thị trường đầu ra, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp,… hơn 98% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, trong đó số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm trên 90%, công nghệ lạc hậu, am hiểu thị trường ít, sức cạnh tranh thấp, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, hiệu quả thấp và chưa có các thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực. Mặt khác, môi trường kinh doanh của Nghệ An chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc; Hiệu quả triển khai các chính sách, biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tế còn hạn chế.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham quan gian sợi dứa Ecosoi của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Thứ tư, về pháp lý, nước ta có khá nhiều văn bản hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo nhưng chưa thực sự rõ ràng, vì thế rất khó để triển khai, thực tế nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay không biết tìm sự hỗ trợ và vốn đầu tư từ đâu. Về nhân lực, giáo dục và đào tạo tại các trường đại học còn nặng lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực chiến cho sinh viên.
Thứ năm, với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo chính là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn, đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thứ sáu, bên cạnh những khó khăn đối với doanh nghiệp, mặt khác các Trung tâm đổi mới sáng tạo hiện nay cũng có những thách thức. Trong đó, những Trung tâm Đổi mới sáng tạo công lập gặp phải “điểm nghẽn” về mô hình tự chủ của tổ chức sự nghiệp, các yêu cầu liên quan đến quản lý đầu tư, quản lý tài sản, chia sẻ và sử dụng tài sản công và hành lang pháp lý để vận hành. Còn các Trung tâm đổi mới sáng tạo tư nhân phải đối mặt các thách thức về phát triển nguồn thu, lợi nhuận, khách hàng...
Vậy chúng ta cần có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo?
Thứ nhất, Tỉnh cần tiếp tục tập trung đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Mặt khác, tập trung đầu tư vào chất lượng sống, kinh tế xanh, phát triển bền vững, nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình tạo ra trải nghiệm khách hàng khi đến với địa phương, nhất là trong lĩnh vực du lịch, phát triển các khu vực nông thôn thông qua các chương trình công nghệ thông minh, nông nghiệp tiên tiến, nghiên cứu phát triển giống cây trồng trên cơ sở nông nghiệp hữu cơ… Tỉnh cần tập trung đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế - xã hội và cơ quan quản lý nhà nước. Song hành với điều đó, tỉnh tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương về phát triển KH - CN và thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ để tận dụng nguồn lực quốc gia trong việc phát triển địa phương. 

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Qúy và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tặng hoa chúc mừng lãnh đạo các Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp Nghệ An

Thứ hai, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp hình thành và phát triển các quỹ phát triển KH - CN tại doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ; thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH - CN và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, vận hành Quỹ phát triển KH - CN tại doanh nghiệp theo hướng thông thoáng nhất. 
Thứ ba, tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu KH - CN, để việc quản lý các nhiệm vụ KH - CN phải thật đơn giản, thông thoáng, nhanh gọn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH - CN công lập. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH - CN; triển khai hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng nhân lực KH - CN chất lượng cao, huy động được nguồn lực về nhân lực KH - CN trong nước và ngoài nước nhất là nhân lực có trình độ cao. Đồng thời, phát huy và thực hiện tốt việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia và thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Đây là một vấn đề quan trọng và cần phải có chiến lược phù hợp, lâu dài. Các viện nghiên cứu, trường đại học cần chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu để nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy chính doanh nghiệp hiện nay cũng đang hình thành trung tâm hoặc viện nghiên cứu và trích thu nhập của mình để hình thành quỹ phát triển KH - CN nhằm tạo nguồn tài chính chủ động đầu tư cho hoạt động KH - CN, giúp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Sự phối hợp nhuần nhuyễn này sẽ cùng nhau xây dựng nên những trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng. Để làm được điều này cần thường xuyên tổ chức diễn đàn, hội nghị để phía nhà khoa học được chia sẻ đề tài nghiên cứu, phía doanh nghiệp chia sẻ nhu cầu công nghệ, từ đó tìm đến nhau hợp tác. Sau khi hợp tác, ban đầu triển khai dự án nhỏ để cho thấy sự uy tín từ các bên, sau đó tiến hành dự án lớn dần, như vậy sẽ bền vững và hiệu quả. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo của chính mình, rồi mới cùng nhau xây dựng nên những trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng, có ý nghĩa thực tiễn.
Thứ sáu, tăng cường hội tụ các nguồn lực về với địa phương, tổ chức các chương trình giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực, thúc đẩy đưa sản phẩm ra thị trường, thu hút đầu tư và mở rộng quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 
Thực tiễn hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Nghệ An đến nay đã đạt được nhiều kết quả rất rõ nét. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai hàng loạt các hoạt động để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp và không ngừng đổi mới sáng tạo. Nghệ An đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp kêu gọi và kết nối thành công với các tổ chức hỗ trợ, nhà đầu tư và quỹ đầu tư trên cả nước và có mạng lưới liên kết nguồn lực quốc tế. Tỉnh đã có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo làm thủ tục về giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn mác, bao bì cho sản phẩm, hỗ trợ kiểm nghiệm chất lượng và cấp mã vạch cho các tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các tổ hợp tác, hộ kinh doanh, tổ chức các lớp tham quan, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau.
Tại Hội nghị đánh giá hoạt động khoa học, công nghệ năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023 vào sáng 05/01/2023 đồng chí Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã chỉ đạo Xây dựng Nghệ An thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung bộ. Cùng với Vĩnh Phúc, Kiên Giang, tỉnh Nghệ An là một trong ba địa phương trong cả nước được VCCI, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT bình chọn là “Địa phương có hệ sinh thái khởi nghiệp tiêu biểu năm 2022”. Nghệ An hiện cũng được xếp trong top 5 địa phương có phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tốt nhất cả nước (Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng và Bình Dương). Phong trào khởi nghiệp ngày một rộng khắp từ khu vực trung tâm như thành phố Vinh lan tỏa đến các địa phương vùng nông thôn và miền núi xa xôi như Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp..., các vườn ươm khởi nghiệp, Câu lạc bộ khởi nghiệp, dịch vụ hỗ trợ được hình thành và phát triển. Đó là những khởi sắc, tín hiệu vui cho đổi mới sáng tạo của tỉnh nhà.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây