Thực tiễn thi hành pháp luật về quản lý thị trường hiện nay

Thứ sáu - 30/06/2023 05:21 0

Về khái niệm Quản lý thị trường
Cụm từ “quản lý thị trường” viết đầy đủ phải là “công tác quản lý thị trường” hoặc “hoạt động quản lý thị trường”. Nó được hiểu theo nghĩa là một hoạt động quản lý (động từ - một hoặc một chuỗi các hoạt động, hành vi...), được thực hiện bởi chủ thể quản lý thông qua các phương pháp quản lý khác nhau tác động lên đối tượng quản lý (thị trường) để đạt được các mục tiêu quản lý “Quản lý là sự tác động có ý thức để chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để đạt tới mục đích đúng ý chí của người quản lý và phù hợp với quy luật khách quan”. Tùy theo các tiêu chí phân loại khác nhau mà có thể hiểu “quản lý thị trường” theo nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau.
Nếu xét theo tiêu chí phân loại thị trường (đối tượng quản lý) sẽ có “quản lý thị trường tiền tệ”, “quản lý thị trường ngoại hối”, “quản lý thị trường bất động sản”, “quản lý thị trường phân bón”….
Nếu xét theo tiêu chí phân loại chủ thể quản lý sẽ có hoạt động quản lý thị trường được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước, mang tính quyền lực nhà nước và hoạt động quản lý bởi các tổ chức, cá nhân khác, “phi nhà nước”, không mang tính quyền lực nhà nước như hoạt động quản lý thị trường của các doanh nghiệp trong đảm bảo, duy trì hoặc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của mình. Có nhiều cơ quan khác nhau trong bộ máy nhà nước có chức năng, nhiệm vụ quản lý thị trường trong đó có lực lượng quản lý thị trường.
Vai trò và chức năng của quản lý thị trường
Quản lý thị trường có vai trò đảm bảo hoạt động kinh doanh trên thị trường hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật. Thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, hoạt động của thị trường nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn cho người tiêu dùng. Đảm bảo sự minh bạch và công khai của thị trường. 
Chức năng của quản lý thị trường đó là kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo sự lành mạnh của thị trường trong nước. Cơ quan quản lý thị trường có vai trò đầu mối trong việc kiểm tra, giám sát thị trường, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật hành chính về thương mại ở thị trường trong nước. Cùng với đó cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm và thực hiện tuyên truyền, vận động, thuyết phục các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường theo quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại hiện trường, địa điểm sản xuất, buôn bán, tàng trữ, nơi cất giấu hàng hóa, tang vật và phương tiện sử dụng để thực hiện vi phạm pháp luật; tạm giữ phương tiện, tang vật, hàng hóa; thu thập tài liệu, vật chứng; lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong quá trình kiểm tra, thanh tra chuyên ngành…
Bên cạnh đó, còn có chức năng thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra đảm bảo sự ổn định của các cơ sở kinh doanh đáp ứng yêu cầu về hoạt động của thị trường trong khu vực. Điều này thể hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường. Phòng, chống hành vi kinh doanh trái pháp luật. Với các nhiệm vụ của quản lý thị trường cơ quan này có chức năng phòng chống hành vi kinh doanh trái pháp luật. Kịp thời kiểm tra, phát hiện các cơ sở, kho tàng sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện sản phẩm, hành vi kinh doanh trái pháp luật theo quy định. Hành vi kinh doanh trái phép là hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế - xã hội của nhà nước, không đảm bảo được sự cạnh tranh công bằng cũng như xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia vào hoạt động kinh doanh của chủ thể đó. Cơ quan quản lý thị trường có chức năng phòng chống các hành vi trái quy định của pháp luật có thể xảy ra trên thị trường ví dụ: Kinh doanh gian dối tại cây xăng, bán xăng giả, bán kẹo giả, bán hàng nhái… để đảm bảo được yếu tố công bằng của thị trường. 


Thực trạng pháp luật quản lý thị trường hiện nay
Hiện nay hoạt động quản lý thị trường được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật như sau: 
- Pháp lệnh quản lý thị trường năm 2016;
- Văn bản hợp nhất số: 03/VBHN-VPQH pháp lệnh quản lý thị trường;
- Pháp lệnh số: 01/2018/UBTVQH14, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;
- Thông tư 27/2020/TT-BCT Quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường;
- Thông tư số: 54/2020/TT-BCT, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2019/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường và Thông tư số 20/2019/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường;
- Thông tư số 55/2020/TT-BCT, Quy định chế độ báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường;
- Quyết định 34/2018/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương;
- Nghị định 33/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường;
Ngoài ra trong các văn bản quy phạm pháp luật của các luật chuyên ngành có những quy định về quyền hạn, trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính của cán bộ quản lý thị trường. 
Hiện nay các quy định của pháp luật về công tác quản lý thị trường đã chặt chẽ hơn với pháp lệnh quản lý thị trường năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018 là pháp lệnh riêng với hoạt động quản lý thị trường. 
Theo  Điều 5, Điều 7 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định về nguyên tắc hoạt động và vị trí chức năng của lực lượng Quản lý thị trường cụ thể như sau:
“Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Như vậy lực lượng quản lý thị trường phải bảo đảm khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
Thực tiễn thi hành pháp luật quản lý thị trường hiện nay
Tính chung cả năm 2021, lực lượng QLTT cả nước phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong cao điểm dịch bệnh.
Bên cạnh công tác chuyên môn nghiệp vụ, năm 2021, lực lượng cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng lực lượng QLTT chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh mới. Đến nay, 100% công chức QLTT được trang bị máy tính; 100% máy tính của các đơn vị kết nối Internet đường truyền tốc độ cao, 100% cơ quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, văn bản đến trên phần mềm eDMS và kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia… Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS sẽ làm thay đổi căn bản công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính.
Trong năm 2021, Tổng cục QLTT đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử Tổng cục QLTT (https://dms.gov.vn/), sự ra đời của Tạp chí QLTT (bản in và bản đie) trong năm 2021 đã góp phần tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương và lực lượng QLTT.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền của Tổng cục tiếp tục tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp nhận các quy định pháp luật góp phần hạn chế các hành vi buôn hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng.
Xác định đường dây nóng là một nguồn tin quan trọng, do vậy, năm qua, Tổng cục đã quan tâm nâng cấp hạ tầng, đẩy mạnh việc tiếp nhận, xử lý thông tin mà người dân phản ánh. Năm 2021, đường dây nóng của Tổng cục đã tiếp nhận 700 các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm, Tổng cục đã chỉ đạo xử lý hoặc chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, 2021 cũng là năm đầu tiên sau 3 năm chuyển đổi mô hình ngành dọc, Tổng cục khai trương Phòng Trưng bày nhận diện tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lần đầu tiên tổ chức, Phòng Trưng bày đã thu hút sự tham gia của 16 doanh nghiệp cùng gần 300 sản phẩm thuộc các lĩnh vực thời trang, gia dụng, hàng tiêu dùng, hóa - mỹ phẩm... Tới đây, Tổng cục QLTT sẽ giao Tạp chí QLTT tổ chức sự kiện trưng bày thường xuyên và liên tục với các chuyên đề, chủ đề. Qua đó, nâng cao ý thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái.
Lực lượng QLTT luôn gắn công tác quản lý địa bàn với phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng để xây dựng phương án kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách đưa hàng Việt về nông thôn, các hội chợ, các hoạt động bán hàng đa cấp để buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không bảo đảm chất lượng.
Những năm gần đây, lực lượng QLTT đã kiểm tra 199.701 vụ, phát hiện, xử phạt 156.249 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 1.061.828,2 triệu đồng, chuyển cơ quan điều tra 179 vụ, đã khởi tố 23 vụ.


Do việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và đấu tranh phòng ngừa về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng vi phạm quyền SHTT, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả nên số vụ vi phạm đã xử lý và số tiền xử phạt phân theo lĩnh vực năm 2020 về cơ bản đều giảm so với năm 2019.
Trong cơ cấu số tiền xử phạt phân theo lĩnh vực, hàng lậu chiếm tỷ trọng lớn nhất 32,97% năm 2019, 34,86% năm 2020, tiếp theo là gian lận thương mại 23,98% năm 2019 và 20,48% năm 2020, hàng giả/xâm phạm quyền SHTT 7,62% năm 2019 và 12,83% năm 2020…
Những định hướng nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật quản lý thị trường
Hoàn thiện cơ chế xử lý vi phạm hành chính nhằm tăng cường mức răn đe đối với hoạt động trái quy định của thương nhân. Với các lĩnh vực có doanh thu lớn như thương mại, dịch vụ việc vi phạm và chịu hình thức xử lý thấp khiến hình thành thói quen vi phạm trong hoạt động của các cơ sở, thương nhân và các doanh nghiệp. Ví dụ: việc tước giấy phép hoạt động của các cơ sở kinh doanh trái phép, không đảm bảo điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên nếu tiếp tục kinh doanh sau khi bị tước giấy phép có mức phạt tương đối thấp. Đồng thời việc buộc nộp lại số tiền thu lợi từ hành vi vi phạm khá khó khăn khi khó chứng minh được giá trị thực thu lợi. Từ thực tế đó, chúng tôi xin đưa ra những định hướng nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật quản lý thị trường như:
Một, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Hai, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế để ổn định tổ chức và hoạt động của QLTT, xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao, tập trung lực lượng vào công tác đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của tổ chức, cá nhân trong lực lượng QLTT; kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích. 
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, khen thưởng, nêu gương kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức, tác phong công chức QLTT. Đặc biệt, đề cao vai trò, trách nhiệm, xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan cũng như công chức được phân công quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận mà không có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Đồng thời, lực lượng QLTT phải thay đổi nhận thức, tự nhìn nhận và luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới của thị trường, không gói mình trong nhiệm vụ QLTT trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ DN chân chính và người tiêu dùng, mà còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới.
Ba, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. Phối hợp tốt với các cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân không sử dụng hàng giả, hàng nhái.
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; kêu gọi người dân tố giác và không bao che, tiếp tay cho buôn lậu và hàng giả.
Tăng cường tuyên truyền về hoạt động của lực lượng QLTT cũng như phổ biến kiến thức, pháp luật cho người dân. Hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong chia sẻ, cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ việc kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bốn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, hải quan, thuế, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.
Tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành... Đặc biệt là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Tổng cục QLTT tiếp tục xây dựng, chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quan để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ biên giới; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh..., xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Năm, chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Sáu, triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng tiến độ theo phân công: Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của lực lượng QLTT. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tế, thuận lợi cho thực thi nhiệm vụ. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tích cực rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bảy, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tám, ứng dụng khoa học và công nghệ. Nhiệm vụ của lực lượng QLTT đặt trong bối cảnh mới phải vì sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi của NTD. Lực lượng này không chỉ kiểm tra trên khâu lưu thông mà cả khâu sản xuất, nắm được nguồn phát sinh các loại hàng giả, kém chất lượng chứ không chỉ đi phạt người bán là xong. Vì vậy, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực trên diện rộng từ T.Ư đến địa phương để có thể quản lý tới từng sản phẩm được dán tem xác thực, dễ dàng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm chống thất thu thuế, các hành vi trà trộn sản phẩm giả, sản phẩm nhập lậu hay kém chất lượng đến tay NTD. Bên cạnh đó, giúp quản trị được dòng sản phẩm đang lưu thông trên thị trường thông qua kết quả tra cứu, để công tác thống kê, điều hành và áp dụng các chính sách về thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật, điều tiết thị trường đạt hiệu quả cao. Từ đó, NTD sẽ dễ dàng xác thực tức thời về nguồn gốc hàng hóa, nâng cao vai trò tự kiểm tra, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Với mục tiêu như vậy, trong thời gian tới, Tổng cục QLTT cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động chính thức các hệ thống phần mềm phân biệt hàng thật, hàng giả, chứng từ điện tử, xử lý vi phạm hành chính…. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tra cứu chứng từ điện tử, quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng... Qua đó góp phần giúp công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý và hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được chủ động, thông suốt, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao. Tăng cường công tác hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong công tác ứng dụng Phần mềm xử lý vi phạm hành chính để thực hiện và khai thác hiệu quả.
Quản lý thị trường là tổ chức thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật. Có thể thấy bộ phận quản lý thị trường là một bộ phận quan trọng và không thể thiếu trong bộ máy nhà nước về công tác quản lý, điều hành thị trường.
Tài liệu tham khảo 
1. Quản lý thị trường nhằm chống kinh doanh hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Th.s Hoàng Việt Đức, Đại học Thương Mại. 
III. Tạp chí, website: 
1. https://qltt.vn/quan-ly-thi-truong-dia-phuong.
2. https://dms.gov.vn/bo-may-to-chuc.
3. https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thong-tu-moi-quy-%C4%91inh-chi-tiet-ve-so-loi-bat-hop-phap-co-%C4%91uoc-do-thuc-hien-hanh-vi-vi-pham-theo-nghi-%C4%91inh-98-2020-n%C4%91-cp-53769-3.html.
4. https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nhin-lai-5-nam-thuc-hien-phap-lenh-quan-ly-thi-truong-36148-6.html.
5. https://tuoitre.vn/mot-he-thong-phong-kham-o-tp-hcm-bi-tuoc-giay-phep-3-thang-phat-110-trieu-dong-20220811101026603.htm.
6. https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/luc-luong-quan-ly-thi-truong-phan-%C4%91au-thuc-hien-20-chu-vang-48743-1.html.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây