Về bản dịch sắc phong đền Vưu

Thứ tư - 07/06/2023 05:21 0

Để đánh giá một bản dịch thuật chữ Nho, nếu khi dùng thông thoáng ngôn ngữ dịch để diễn đạt chính xác đầy đủ nội dung tư tưởng và phong cách ngôn ngữ của nguyên tác, người ta gọi đó là “Tín, Đạt, Nhã” 信达雅. Trong đó “Tín” được nói tới là độ chính xác của thông tin, “Đạt” tức là đạt đến sự toàn diện, còn “Nhã” tức là đẹp, hay. 
Khi dịch thuật chữ Nho, điều đầu tiên phải có đó chính là phải đúng nguyên văn nguyên tác. Bởi nếu một khi nguyên văn đã sai, thì phiên âm hay dịch nghĩa cũng không còn sự chính xác.
Ghi sai nguyên văn chữ Nho
Sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh, bài viết đã ghi rất nhiều chữ sai lệch so với bản gốc sắc phong, cụ thể như sau:
Chữ “Tá” 佐 có nghĩa là “giúp đỡ”, bị nhầm thành chữ “Tá” 借  có nghĩa là “vay mượn”.
Chữ “Tòa” 座 có nghĩa là “chỗ ngồi”, bị nhầm thành “Tọa” 痤 có nghĩa là “mụn nhọt”.
Chữ “Thính” 咱 vốn là dị thể của chữ 聽 có nghĩa là “nghe”, bị nhầm thành “Tán” 散 có nghĩa là “tan”.
Chữ “Kỳ” 其 là đại từ ngồi thứ 3, bị nhầm thành chữ “Kỳ” 琪 có nghĩa là một thứ ngọc đẹp.
Chữ  “Cảm” 感 có nghĩa là “động lòng”, bị nhầm thành chữ “Thịnh” 盛 có nghĩa là “thịnh vượng”.
Chữ  “Chi” 祗 có nghĩa là “tôn kính”, bị nhầm thành chữ “Chỉ” 扺 có nghĩa là “đánh đập”.
Sắc phong niên hiệu Tự Đức, “Thập nhất nguyệt” 拾壹月nhưng lại ghi thiếu thành “nhất nguyệt” 壹月. 
Sắc phong niên hiệu Thành Thái thứ 2, bài viết ghi sai nhiều chữ sau:
Chữ “Lị” 莅có nghĩa là “trị nhậm”, bị nhầm thành chữ “Vị” có nghĩa là “ngôi thứ”.
Chữ “Nhẫm/Nẫm” 稔 có nghĩa là “tích chứa lâu”, bị nhầm thành chữ “Nâm” 您 có nghĩa là Nhân xưng ngôi thứ hai.
Chữ 黎 “Lê” có nghĩa là “Lê dân”, bị nhầm thành chữ “Lê” 梨 có nghĩa là “cây Lê”.
“Nhị thập nhật” 貳拾日 có nghĩa là “ngày 20”, bị nhầm thành “thập nhật” 拾日.
Sắc phong niên hiệu Đồng Khánh thứ 2, bài viết ghi sai nhiều chữ sau:
Chữ “Lưu” 畱có nghĩa là “lưu giữ”, bị nhầm thành chữ “Á” 亞 có nghĩa là “thứ 2”.
Chữ 黎 “Lê” có nghĩa là “Lê dân”, bị nhầm thành chữ “Lê” 梨 có nghĩa là “cây Lê”.

Bản Thần tích "Linh miếu sự tích" hiện đang lưu giữ tại đền vưu. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó, ở đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh, chữ “Kiến” 見 phiên nhầm thành chữ “Hiện”, chữ “Ưng” 應 phiên âm nhầm thành chữ “ứng”. Ở đạo sắc phong niên hiệu Tự Đức, bài viết còn phiên âm chữ  値 “Trị” nhầm thành chữ “Trực”. Còn ở đạo sắc phong niên hiệu Thành Thái, chữ 相 được phiên âm “Tương” là chưa chính xác. Mặc dù chữ 相 có 2 âm là “Tương” và “Tướng” nhưng ở văn cảnh này, phiên âm là “Tướng” mới đúng với ý nghĩa mà văn bản muốn truyền tải (tương tự là trường hợp chữ “Ưng” và “Ứng” nói trên”.

Sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh, hiện đang lưu giữ tại đền Vưu. Ảnh: Tư liệu

Những chữ ghi nhầm kể trên có tự dạng gần giống nhau, nhưng nghĩa từng chữ lại khác nhau. Vậy nên khi ghi sai nguyên văn, sẽ kéo theo sai cả phần phiên âm và dịch nghĩa. Thực ra việc nhầm lẫn tự dạng chữ Nho là chuyện không hiếm gặp, bởi có quá nhiều chữ và trong số đó lại có nhiều chữ rất giống nhau, nên viết sai viết nhầm cũng là chuyện dễ hiểu. Vậy nên người Trung Quốc mới có câu “Vô thác bất thành thư” 無錯不成書 “Không nhầm lẫn thì không thành sách”, nghĩa là chẳng sách (chữ Hán) nào tránh khỏi sai nhầm trong việc viết chữ.
Chấm câu chưa chuẩn
Một đặc điểm độc đáo của văn ngôn chữ Hán chính là việc đã viết rất hàm súc ngắn gọn nhưng lại không có dấu câu. Thiên kinh vạn quyển đều viết một mạch, không ngắt câu, không viết hoa; và cũng rất khó để xác định chủ ngữ, vị ngữ… khiến cho văn ngôn chữ Hán trở nên cực kỳ khó hiểu, dễ sinh ra nhầm lẫn. Việc chấm câu cực kỳ quan trọng, bởi nó định hình cách dịch văn bản. Anh hùng dân tộc Ức Trai Nguyễn Trãi từng nói về việc chấm câu:
       茶梅店月曵覘俸. 
片冊𣈜春𡎢枕勾
“Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng,
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu”.
Loại hình văn bản Sắc phong cũng vậy, không có dấu câu, nên người đọc phải tự ngắt câu và tự xác định các từ loại, kết hợp với ngữ cảnh, mới có thể tiệm cận đến ý nghĩa của văn bản gốc. 
Tuy nhiên, chính vì nhược điểm đó mà văn ngôn chữ Hán lại hình thành nên nhiều cách thức ngắt câu, mà trong đó là sử dụng lối văn biền ngẫu, vốn có sự đối xứng về câu, từ, âm, ý; làm cho người đọc dễ dàng nhận ra được. Sắc phong thời Lê Trung Hưng cho tới thời Tây Sơn đều dùng thể loại văn biền ngẫu, nhưng Sắc phong thời Nguyễn lại không còn sử dụng.

Sắc phong niên hiệu Đồng Khánh thứ 2, hiện đang lưu giữ tại đền Vưu. Đây là sắc phong phục chế, chứ không phải bản gốc. Ảnh: Tư liệu

Ở đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh, chúng ta thấy có cặp đối đầu tiên: “sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung”. Đây là câu văn biền ngẫu với 2 vế rất cân xứng:
“Sơn xuyên” (sông núi/danh từ) đối với “Hà hải” (sông biển/danh từ).
“Anh” (tinh anh/danh từ) đối với “Tú” (tinh tú/danh từ).
“Dục” (nuôi dưỡng/động từ) đối với “Chung” (hun đúc/động từ).
Đến cặp đối thứ 2, bài viết chưa nắm được cách thức như trên nên đã phiên âm sai “… thị phất hiện, tán phất văn, thịnh hồ! Kì đức thịnh tất thông, cầu tất ứng, hách nhĩ, quyết linh, kí đa tí hộ vĩ công, hạp cử y nhu thịnh điển vi hoàng gia chỉ thừa phỉ tự,…”.
Sắc phong này dùng chữ trong sách  Trung dung: “Tử viết: quỷ thần chi vi đức kỳ thịnh hĩ hồ, thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn” 子曰鬼神之為德其盛矣乎視之而弗見聽之而弗聞. Vậy nên đúng ra phải ngắt câu là: 
 “Thị phất kiến, thính phất văn, thịnh hồ kỳ đức; cảm tất thông, cầu tất ứng, hách nhĩ quyết linh”. Ký đa tý hộ vĩ công; hạp cử y nhu thịnh điển. Vi hoàng gia chi thừa phi tự, …”.
Ở đạo sắc phong niên  hiệu Tự Đức thứ 2, bài viết chấm câu rất lộn xộn và nhầm lẫn,  khiến cho câu văn rất khó hiểu: “… Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự Tự Đức tam thập nhất niên chính trực, trẫm ngũ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân,…”. Đúng ra phải ngắt câu là: “… Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức tam thập nhất niên chính trị trẫm ngũ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân…” mới đúng ý nghĩa mà sắc phong muốn truyền tải.

Sắc phong niên hiệu Tự Đức thứ 33, hiện đang lưu giữ tại đền Vưu. Ảnh: Tư liệu

Không viết hoa danh từ riêng và mỹ tự
Trong bài viết, rất nhiều danh từ riêng, là những mỹ tự cho thần đều được viết thường: “tam tòa, cương nghị, trợ thuận phù chính khuông đức quang ý…”. Đây đều là mỹ tự, chính vì vậy phải viết hoa sẽ hợp lý chuẩn xác hơn. Cụ thể như sau:
三座 Tam Tòa
忠勇 Trung dũng
剛毅 Cương nghị
扶正 Phù chính
匡德 Khuông đức
光懿 Quang ý…
Bản dịch (lại) của chúng tôi
Như đã trình bày ở trên, bài viết nói trên viết nhầm nguyên văn chữ Hán, chấm câu chưa chuẩn, phiên âm chưa chính xác,… chính vì vậy sẽ kéo theo việc dịch thuật cũng bị sai sót. Để hoàn thành bài góp ý này, chúng tôi xin được ghi lại nguyên văn chữ Hán, chấm câu, phiên âm, và dịch nghĩa các đạo sắc phong, cụ thể như sau:
Đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh:
Nguyên văn chữ Hán: 
敕佐聖三座大王山川英毓河海秀鍾視弗見聽弗聞盛乎其德感必通求必應赫爾厥靈既多庇護偉功盍舉依柔盛典爲皇家祗承丕緒禮有登秩應加封美字二字可加封佐聖三座忠勇剛毅大王故敕
景盛四年五月二十一日
Phiên âm, chấm câu:
Sắc Tá thánh Tam Tòa Đại vương: sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung. Thị phất kiến, thính phất văn, thịnh hồ kì đức; cảm tất thông, cầu tất ứng, hách nhĩ quyết linh. Kí đa tí hộ vĩ công, hạp cử y nhu thịnh điển. Vi hoàng gia chi thừa phi tự, lễ hữu đăng trật, ưng gia phong mỹ tự nhị tự, khả gia phong: Tá thánh Tam Tòa Trung dũng Cương nghị Đại vương. Cố sắc!
Cảnh Thịnh tứ niên ngũ nguyệt nhị thập nhất nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Tam Tòa Đại vương (vốn có mỹ tự là) Tá thánh: Bể sông gồm thâu tinh tú, núi non hun đúc anh linh. Nhìn chẳng thấy, lắng chẳng nghe, thịnh thay đức ấy; cảm tất thông, cầu tất ứng, rỡ rỡ linh thiêng. Đã cao công ở việc chở che, sao lại chẳng tặng phong theo điển. Vì hoàng gia nối truyền nghiệp lớn nước nhà, theo lễ có tăng thêm phẩm trật, nên gia phong 2 chữ mỹ tự, xứng đáng được gia phong là: Tá thánh Tam Tòa Trung dũng Cương nghị Đại vương. Vậy nên ban sắc.
Ngày 21 tháng 5 năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796)
-Sắc phong niên hiệu Tự Đức:
Nguyên văn chữ Hán:
旨乂安省琼璢縣黄梅社黄榮村壽梅社壽榮村從前奉事助順扶正匡德光懿乂安歷撫中等神節經頒给敕封凖其奉事嗣德三十一年正値朕五旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆豋秩特凖許依舊奉事用誌國慶而伸祀典欽哉
嗣德叁拾叁年拾壹月貳拾肆日
Phiên âm, chấm câu:
Sắc chỉ Nghệ An tỉnh, Quỳnh Lưu huyện, Hoàng Mai xã, Hoàng Vinh thôn, Thọ Mai xã, Thọ Vinh thôn, tòng tiền phụng sự: Trợ thuận Phù chính Khuông đức Quang ý Nghệ An lịch phủ Trung đẳng thần, tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức tam thập nhất niên, chính trị trẫm ngũ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự,  dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Tự Đức tam thập tam niên, thập nhất nguyệt, nhị thập tứ nhật.
Dịch nghĩa: 
Sắc chỉ cho thôn Hoàng Vinh xã Hoàng Mai (và) thôn Thọ Vinh xã Thọ Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, từ trước tới nay phụng thờ: Trợ thuận Phù chính Khuông đức Quang ý Nghệ An lịch phủ Trung đẳng thần; đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Năm Tự Đức thứ 31 (1879), gặp đúng đại lễ mừng thọ 50 của trẫm, nên ra chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm phẩm trật. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ, để ghi nhớ ngày vui của nước mà nối dài phép thờ tự. Kính thay!
Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880).

Sắc phong niên hiệu Thành Thái thứ 2, hiện đang lưu giữ tại đền Vưu. Đây là sắc phong phục chế, chứ không phải bản gốc. Ảnh: Tư liệu

Sắc phong niên hiệu Thành Thái:
Nguyên văn chữ Hán:
敕李威明王座三尊神原封助順扶正匡德光懿翊保中興乂安歷莅三座中等神護國庇民稔著靈應肆今丕膺耿命缅念神庥著加封為卓偉上等神凖乂安省瓊璢縣黄梅社黄榮村壽梅社壽榮村依舊奉事神其相佑保我黎民欽哉
成泰 貳年貳月貳拾日
Phiên âm, chấm câu:
Sắc Lý Uy Minh Vương Tam Tòa tôn thần, nguyên phong: Trợ thuận Phù chính Khuông đức quang ý Dực bảo Trung hưng Nghệ An lịch lị Tam Tòa Trung đẳng thần. Hộ quốc tí dân, nhẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, diến niệm thần hưu, trước gia phong vi: Trác vĩ Thượng đẳng thần. Chuẩn Nghệ An tỉnh, Quỳnh Lưu huyện, Hoàng Mai xã, Hoàng Vinh thôn, Thọ Mai xã, Thọ Vinh thôn, y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Thành Thái nhị niên nhị nguyệt nhị thập nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Lý Uy Minh Vương Tam Tòa tôn thần, vốn được phong là: Trợ thuận Phù chính Khuông đức quang ý Dực bảo Trung hưng Nghệ An lịch lị Tam Tòa Trung đẳng thần.  (Thần) bảo vệ nước che chở dân, linh thiêng rõ rệt. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, trông lại sự che chở của thần, nên gia phong là: Trác vĩ Thượng đẳng thần. Chuẩn cho thôn Hoàng Vinh xã Hoàng Mai (và) thôn Thọ Vinh xã Thọ Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phụng thờ như cũ. Thần hãy giúp đỡ, che chở cho dân đen của ta. Kính thay!
Ngày 20 tháng 2 năm Thành Thái thứ 2 (1890).
Sắc phong niên hiệu Đồng Khánh:
Nguyên văn chữ Hán:
敕助順扶正匡德光懿乂安歷撫中等神向來護國庇民稔著靈應節蒙頒给贈敕畱祀肆今丕膺耿命缅念神庥可加贈翊保中興中等神仍凖許乂安省琼璢縣黃梅社黄榮村壽梅社壽榮村依舊奉事神其相佑保我黎民欽哉
同慶貳年柒月初壹日.
Phiên âm, chấm câu:
Sắc Trợ thuận Phù chính Khuông đức Quang ý Nghệ An lịch phủ Trung đẳng thần. Hướng lai hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, diến niệm thần hưu, khả gia tặng: Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Nghệ An tỉnh, Quỳnh Lưu huyện, Hoàng Mai xã, Hoàng Vinh thôn, Thọ Mai xã, Thọ Vinh thôn, y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Đồng Khánh nhị niên, thất nguyệt, sơ nhất nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho (vị) Trợ thuận Phù chính Khuông đức Quang ý Nghệ An lịch phủ Trung đẳng thần. Từ trước tới nay phù giúp nước che chở dân, linh thiêng rõ rệt, đã được ban cấp tặng sắc để thờ phụng. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, trông lại sự che chở của thần, nên gia tặng là: Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. Vẫn chuẩn cho thôn Hoàng Vinh xã Hoàng Mai (và) thôn Thọ Vinh xã Thọ Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phụng thờ như cũ. Thần hãy giúp đỡ, che chở cho dân đen của ta. Kính thay!
Ngày mồng 2 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).
Để dịch/hiểu các văn bản chữ Hán, nếu mới chỉ có những tri thức về chữ nghĩa thì rõ ràng là chưa đủ, mà cần phải vận dụng và huy động nhiều kiến thức liên ngành. Sau khi đã tìm hiểu phần chữ nghĩa bề mặt, cần phải đào sâu tiếp tục khai thác những lớp ý nghĩa tiềm ẩn bên dưới các chữ, các câu, các đoạn mạch văn, tiếp đó sẽ tiến hành việc phân tích, thẩm bình nội dung và hình thức của văn bản. Như thế mới có thể hiểu được tư tưởng, bản ý của các tác giả đã được giãi bày một cách ngắn gọn, cô đúc qua câu chữ. Việc dịch nghĩa một văn bản sắc phong nói riêng hay một tư liệu Hán Nôm nói chung là việc cực kỳ khó khăn, chính vì vậy thông qua bài viết này chúng tôi chỉ muốn góp ý cách xử lý cũng như một vài thao tác dịch thuật, với mong muốn góp ý lẫn nhau để cùng tiến bộ. 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây