Tiềm năng du lịch Qùy Châu

Thứ năm - 30/03/2023 05:21 0

Tài nguyên du lịch Quỳ Châu
Tài nguyên du lịch Quỳ Châu khá đa dạng và phong phú từ tài nguyên văn hóa, lịch sử đến tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh. Có thể kể qua một số tài nguyên du lịch của Quỳ Châu:
Cụm di tích lịch sử Mộ và Cây táo đốc binh Lang Văn Thiết (Châu Hội) đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996. 
Theo một số sử liệu thì Lang Văn Thiết là con trai của võ quan Lang Văn Thu phục vụ dưới triều Tự Đức. Ông sinh năm 1850, tại bản Chiềng, làng Gia Hội, tổng Đồng Lạc, nay thuộc xã Châu Hội huyện Quỳ Châu. Từ nhỏ đã ham luyện cung, múa kiếm, lớn lên thân hình cường tráng lại giao lưu rộng nên có uy tín lớn trong cộng đồng. Ông được cho là người có công lớn trong việc dẹp loạn người Xá đến quấy phá bản mường ở miền Tây Nghệ An. Trong một lần đi Trung Quốc, Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi đã dừng chân tại đại bản doanh của Đốc Thiết. Tại đây, ông được Tôn Thất Thuyết giao nhiệm vụ phối hợp với nghĩa quân của Cầm Bá Thước ở miền Tây Thanh Hóa lập căn cứ chống Pháp. Cuộc kháng chiến kéo dài hơn 10 năm trên địa bàn miền Tây Nghệ An và Thanh Hóa do Đốc Thiết chỉ huy đã kết thúc bằng sự hy sinh anh dũng của ông tại làng Thanh Nga (xã Châu Nga - Quỳ Châu). Năm đó, ông mới 47 tuổi.

Mộ và cây táo gắn liền với huyền tích người anh hùng Lang Văn Thiết

Khu mộ đốc binh Lang Văn Thiết tọa lạc trên khuôn viên có diện tích khoảng 800m2. Cạnh ngôi mộ là một cây táo được cho là nơi giặc Pháp treo thủ cấp Đốc Thiết để thị chúng. Cây táo từng bị chặt hạ nhiều lần nhưng từ gốc cây chồi vẫn nảy mầm, vì thế dân bản cho rằng đây là cây thiêng, biểu tượng về ý chí quật cường của đốc binh Lang Văn Thiết. Để tưởng nhớ vị thủ lĩnh tài ba của dân làng, hàng tháng người dân đến thắp hương tưởng nhớ ông. 
Nhà Bảo tàng các dân tộc Quỳ Châu (thị trấn Tân Lạc): Toạ lạc trên một diện tích khoảng 2.000m2, Bảo tàng được xây dựng năm 1975 và hoàn thành vào năm 1976. Đây là nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Nghệ An và các tài liệu về sự ra đời, hoạt động của 3 huyện miền núi: Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp (thuộc Phủ Quỳ cũ).
Bảo tàng hiện có 373 hiện vật, tư liệu lịch sử từ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có 41 hiện vật khoa học, 10 hiện vật sành, sứ, thủy tinh, 43 hiện vật bằng đất đá, quặng; 83 hiện vật bằng giấy, 46 hiện vật bằng vải, 57 hiện vật bằng đồ mộc; 71 hiện vật bằng kim loại; 6 hiện vật bằng xương, sừng, ngà, da; các hiện vật khác là 16. Các hiện vật phân theo thể loại gồm: khảo cổ (40); tài nguyên (16); dân tộc học (88); hiện vật chống Pháp và chống Mỹ (229). 
Đây còn là nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật, các mô hình nhà sàn, chữ viết của dân tộc Thái… giúp cán bộ, học sinh, sinh viên tham quan nghiên cứu về lịch sử địa phương và dân tộc học ở vùng núi Nghệ An. Ngoài ra, bảo tàng còn phục vụ các hoạt động nhằm mục đích và nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ. 
Hàng năm bảo tàng đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập và là điểm tham quan, du lịch không thể bỏ qua khi về với miền Tây xứ Nghệ.

Vẻ đẹp của Hang Bua, Qùy Châu

Danh thắng Hang Bua và Lễ hội Hang Bua (xã Châu Tiến): Hang Bua nằm trong dãy núi Phà, thuộc bản Hồng Tiến xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu. Hang Bua là một thắng cảnh tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái xưa và là một trong những di tích khảo cổ ở Nghệ An chứa đựng dấu tích văn hóa của nhiều thời đại. Trong lớp trầm tích tìm thấy ở hai cửa hang trước và sau có hóa thạch các loài động vật giống như hóa thạch động vật đã được phát hiện ở Thẩm Ồm và các hang động khác trong vùng, đó là: tê giác, hươu nai, lợn rừng, cheo chèo…
Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh. Chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và Nàng Ni (Nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá)…

Múa hát tại Lễ hội hang Bua

Hang Bua có 3 cửa: Cửa chính, cửa phụ và cửa sau. Cửa chính và cửa phụ có hình bông hoa sen nên còn được gọi là “Boọc Bua”. Diện tích hang rộng, có thể chứa được hàng trăm người nhảy múa, hát hò. Vào sâu trong hang, ta sẽ được chiêm ngưỡng sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa: Những hình thù kỳ lạ, những mô đá hình người và những dụng cụ sinh hoạt thời xưa của cư dân Thái như bó lúa, cái liềm… Người xưa kể rằng, trong một trận đại hồng thủy, con người đã vào hang trú ngụ, họ cùng nhau ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo để không ngủ gật, như thế sẽ không bị hóa đá theo lời nguyền.
Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, Hang Bua còn nổi tiếng với hoạt động văn hóa lễ hội sôi động vào đầu xuân. Về với Lễ hội hang Bua, du khách không chỉ được hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa cổ truyền của vùng Phủ Quỳ như: nhảy sạp, ném còn, khắc luống, dệt thổ cẩm, thi ẩm thực, hát nhuôn, suối của đồng bào Thái; các trò chơi truyền thống như: kéo co, bắn nỏ, vật dân tộc,… mà còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của Quỳ Châu như: Vịt bầu, cơm lam, canh phịa, canh ột, canh nhọc, hó moọc, canh măng chua, măng ớt, rượu cần và các sản vật khác của quê hương đất Quỳ.

Du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch ở Qùy Châu

Làng Thái cổ và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái - bản Hoa Tiến:
Bản Hoa Tiến vốn là làng Thái cổ, thuộc mường Chiềng Ngam xưa với 100% là người dân tộc Thái gốc sinh sống hàng trăm năm qua nhiều thế hệ. Vì thế, bản Hoa Tiến vẫn còn giữ được nhiều đặc trưng văn hóa Thái: Văn hóa nhà sàn người Thái với nhiều ngôi nhà cổ mang đậm nét đặc trưng kiến trúc của người Thái; nghề dệt thổ cẩm; Văn hóa ẩm thực Thái; Phong tục tang ma, cưới hỏi; Tập tục làm “cọn nước”;…
Bản Hoa Tiến hiện có gần 300 ngôi nhà sàn cổ. Nhà sàn ở Hoa Tiến được duy trì theo kiến trúc truyền thống nguyên bản từ vị trí cầu thang, cách bài trí trong nhà (bàn thờ, phòng khách, phòng ngủ, bếp…), biểu tượng Khau cút trên đầu nóc…; Các hiện vật khác như: cối giã gạo (luống), xe nước…. Trong bản hiện có 10 hộ gia đình đủ điều kiện phục vụ khách ăn, nghỉ tại nhà, ngoài ra còn 2 nhà được nâng cấp thành nhà nghỉ cộng đồng.
Hoa Tiến được xem là cái nôi của nghề dệt thêu thổ cẩm ở Quỳ Châu. Mỗi hộ dân trong làng đều có khung cửi. Nhờ sự khéo léo của đôi bàn tay mà người Thái ở Hoa Tiến đã làm ra những sản phẩm thổ cẩm với mẫu mã đa dạng, hoa văn tinh tế như: chăn, gối, đệm, váy, khăn quàng cổ, khăn đội đầu, ví, túi…, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng so với các dân tộc thiểu số khác. Các sản phẩm này không chỉ là món quà ý nghĩa đối với khách du lịch khi đến bản Hoa Tiến, mà còn góp phần làm tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. 
Năm 2010, HTX Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến được thành lập với mục đích vừa giúp các sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến đến với thị trường trong và ngoài nước, tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo tồn, lan tỏa và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc miền tây Nghệ An. Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm mang thương hiệu Hoa Tien Brocade đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long… và được bán ở các nước như Pháp, Đức, Nhật, Lào… 
Đến bản Hoa Tiến, du khách không chỉ có dịp tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ; trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày cùng người dân địa phương mà còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng truyền thống của người Thái: Pá ping cánh ột (cá nướng nấu canh ột), Chẻo bón (chẻo làm từ cây môn họ mùng), Mày khố (măng khô xào), Chẻo may pột (Măng chua giã), Pác nưng (món nộm từ các loại hoa bí, hoa bầu luộc), cánh bón (canh môn), hó moọc (bánh gạo);…
Cụm di chỉ khảo cổ Thẩm Ồm, Tôn Thạt, Thẩm Chạng:
Cụm di chỉ hang nằm ở hữu ngạn suối Bản Thắm, thuộc xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Suối Bản Thắm là một phụ lưu của sông Nậm Việc - đoạn sông Con chảy qua các xã Châu Tiến, Châu Bính.
Hang đã được hai nhà địa chất và khảo cổ người Pháp E. Saurin và M. Colani khảo sát từ những năm 30 (thế kỷ XX), năm 1973, được các nhà khảo cổ học Việt Nam thám sát và sau đó được tiến hành khai quật khảo cổ vào năm 1975. Các nhà khảo cổ đã tìm được ở đây răng voi kiếm, răng gấu, di cốt răng hóa thạch của người vượn đang trong giai đoạn tiến hóa cuối cùng thành người hiện đại và những công cụ đá thô sơ, hiện vật quý hiếm khác. Qua đó đã chứng minh được sự tồn tại liên tục của con người trên mảnh đất Khe Chai, Khe Nính (Châu Thuận) từ thời đại đồ đá cũ (25.000 năm trước) cho đến nay.
Trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã nhiều lần đưa quân về đây xây dựng căn cứ và Thẩm Ồm cùng Thẩm Chạng (ở gần đó) là nơi tập kết, đồn trú quân. 
Cùng với Hang Bua, hàng năm, cụm di chỉ khảo cổ Thẩm Ồm, Thẩm Chàng, Thẩm Tôn Thạt trở thành điểm du lịch được nhiều du khách đến tham quan. Thẳm Chàng, Thẳm Ồm, Thẩm Tôn Thạt đang được nhân dân, chính quyền địa phương bảo vệ giữ gìn, hiện nay đã có hệ thống đường giao thông vào đến tận nơi.
Di chỉ khảo cổ núi Phá Xăng - hang Cỏ Ngụn: Di chỉ nằm ở phía Nam chân núi ở bản Xăng, xã Châu Bính, được phát hiện năm 1986, hiện vật có nhiều đồ đá bằng cuội như: chày, bàn nghiền, hòn kê, hòn dập mũi nhọn; gốm hoa văn và xương thú. Lễ hội leo núi Phá Xăng, thăm hang Cỏ Ngụn được xã Châu Bính tổ chức 2 năm một lần vào dịp đầu xuân. 
Ngoài các tài nguyên du lịch về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa, huyện Quỳ Châu quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm mang tính đặc trưng, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, các sản phẩm occop của huyện gồm có: Dệt thổ cẩm Hoa Tiến của Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến; Hương trầm Hà Loan; Hương thẻ Bình Minh; Hương trầm Thiết Hợi; Du lịch cộng đồng Hoa Tiến; Rượu mú từn Pù Huống; Rượu Nấm Lim Xanh Pù Huống; Trà hoa vàng Pù Huống và mật ong rừng Pù Huống. 
Với sự đa dạng về tài nguyên đó, Quỳ Châu có thể tổ chức nhiều loại hình du lịch như: Du lịch mạo hiểm có thể thám hiểm trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Pù Huống, Pù Hoạt; du lịch thể thao: leo núi, vượt thác; du lịch khám phá hang động, di chỉ khảo cổ học Thẩm Ồm, hang Bua; du lịch lễ hội của các dân tộc: xên bản, xên mường, xăng khan, hội cầu mùa, cầu mưa, lễ hội hang Bua, lễ hội leo núi Phá Xăng… Và đặc biệt là du lịch cộng đồng với làng Thái cổ Hoa Tiến. 
Tuy nhiên, du lịch Quỳ Châu hiện nay như đang “ngủ đông”, chưa được khai thác và sử dụng hết tiềm năng vốn có. Thời gian qua, mặc dù các cấp ủy, chính quyền Quỳ Châu đã có nhiều chủ trương phát triển, nhưng du lịch Quỳ Châu vẫn đang ở giai đoạn đầu của chu kì - giai đoạn tìm hiểu (exploration). Do đó, để Quỳ Châu trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong bản đồ du lịch xứ Nghệ, phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Các giải pháp phát triển du lịch Quỳ Châu
Giải pháp về cơ chế, chính sách: 
Khuyến khích đầu tư và phát triển cho các cộng đồng, cho phép cộng đồng được tham gia quản lý, bảo vệ khai thác tài nguyên tự nhiên và văn hóa cho phát triển du lịch, cũng như được hưởng các nguồn thu nhập từ hoạt động du lịch; Có cơ chế ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch bằng cách tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ đầu tư tuy nhiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông,...
Có các chính sách, quy chế nhằm chia sẻ các nguồn thu từ du lịch, tái đầu tư cho cộng đồng như: xây dựng, trùng tu kết cấu hạ tầng, bảo tồn, khôi phục các di sản văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực du lịch…
Giải pháp về tổ chức quản lý các hoạt động du lịch:
Nhất thiết phải để cộng đồng địa phương và những người đại diện cộng đồng tham gia vào việc tổ chức và ra các quyết định cũng như tham gia suốt quá trình quy hoạch phát triển du lịch và bảo tồn, khai thác các nguồn lực và phát triển cộng đồng. 
Các điểm du lịch phải được phân cấp quản lí theo các đơn vị hành chính để hoạt động du lịch và bảo tồn theo đúng luật pháp và quy chế. Ở các điểm này, cần lập ra các ban quản lí hoạt động du lịch của địa phương tuy nhiên khi lập kế hoạch và ra các quyết định liên quan đến việc phát triển du lịch và phát triển cộng đồng phải tổ chức lấy ý kiến các bên tham gia, tôn trọng ý kiến của cộng đồng.
Giải pháp về hợp tác đầu tư và hỗ trợ phát triển du lịch:
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng với các cơ quan quản lí về VH-TT-DL, quản lí tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, thương binh xã hội, chính quyền địa phương… để kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các cơ quan liên quan, các nhà khoa học trong nước và quốc tế hỗ trợ về nguồn lực: tài chính, chuyên gia, công nghệ trong việc lập và thực hiện các quy hoạch du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; bảo tồn và tôn tạo tài nguyên môi trường du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng;…
Giải pháp về đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch:
Duy trì, phát triển đa dạng các ngành nghề truyền thống là một giải pháp để bảo tồn sự đa dạng về văn hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương, tạo sự hấp dẫn với du khách, tạo nhiều việc làm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch:
Phát triển du lịch phải gắn liền với quảng bá du lịch. Trong đó liên kết với các công ty lữ hành trên địa bàn xây dựng, quảng bá các tuor, tuyến du lịch; giới thiệu các sản phẩm du lịch,…; 
Xúc tiến phát triển du lịch trong mối tương quan với các chương trình phát triển nông thôn khác như chương trình nông thôn mới, phục hồi phát triển nghề truyền thống, các dự án hợp tác từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của chính phủ các nước,…
Tin tưởng rằng, với một vùng đất còn lưu giữ nhiều vẻ hoang sơ và vô số danh lam thắng cảnh đẹp gắn với những giá trị văn hóa, lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc, cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong phát triển du lịch, Quỳ Châu sẽ là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách khi về Nghệ An.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây