Dâng sao giải hạn - Những luận bàn

Thứ hai - 13/03/2023 05:21 0

Để làm rõ được hiện tượng trên, trước hết cần tìm về nguồn gốc của “Dâng sao giải hạn”. Các tài liệu cho biết, dâng sao giải hạn vốn là một quan niệm của Đạo giáo phù thủy và đã trở thành một tục của người Trung Hoa rồi được truyền vào Việt Nam, không có nguồn gốc từ Phật giáo. Đạo này cho rằng, mỗi năm, mỗi người ứng với một sao chủ nào đó, sao này có thể đem đến điều tốt hoặc gây hại cho người về một mặt nào đó. Cuộc đời của mỗi người (từ 10 tuổi trở lên) lần lượt phải trải qua 9 sao là Thái dương, Thái âm, Mộc đức, Kế đô, La hầu, Thái bạch, Thổ tú, Vân hán, Thủy diệu. Cứ 9 năm, lại quay lại, nên tùy tuổi thọ mà mỗi người trải qua mấy lần mỗi sao đó. Có thể thấy các sao ứng với các tuổi của nam và nữ qua bảng dưới.

Trong 9 sao, Thái dương, Thái âm, Mộc đức được coi là những sao tốt (cát tinh); trong khi La hầu, Kế đô, Thái bạch là những sao xấu, gọi là “sao hạn” (hung tinh), sẽ gây nguy hại đến sức khỏe, tiền tài, vận mệnh của người đó trong năm, trong đó “Nam La hầu, nữ Kế đô” được coi là “nặng” nhất. Để hóa giải những sao chiếu mệnh xấu, xua đi những điều xui xẻo, tồi tệ, phải dâng sao giải hạn; và để đón nhận những may mắn, hạnh phúc trong năm mới, cũng phải dâng sao vào đầu năm, thường trong tháng Giêng, nhất là trong nửa tháng đầu. 
Xa xưa, việc “dâng sao giải hạn” hay “dâng sao đón phúc” chủ yếu ở các đền và tư gia, do các thầy phù thủy làm; các chùa không có tục này mà chỉ có làm lễ cầu an (cầu bình yên, sức khỏe cho cá nhân, gia đình); các nhà sư cũng không làm lễ dâng sao giải hạn. Về sau, không rõ từ bao giờ, tục này lại xuất hiện ở trong chùa. Điều này có thể do mấy nguyên nhân:
 1. Người Việt vốn hòa đồng tín ngưỡng và tôn giáo (“Tam giáo đồng nguyên” hay “Tam giáo đồng tôn”), nên trong một cơ sở thờ tự có nhiều yếu tố vật chất (tượng, bệ thờ…) kết hợp nhiều lễ thức của các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 
2. Thời kỳ Phật giáo suy yếu, muốn củng cố và mở rộng ảnh hưởng với tín đồ để cạnh tranh với các tôn giáo khác đã phải sử dụng cả tin ngưỡng Đạo giáo vào sinh hoạt Phật giáo, làm cho Phật giáo trở nên hỗn tạp, không còn giữ được cái bản, chính thống của nó. 
3. Bất kể giai đoạn thịnh hành hay suy yếu của Phật giáo, một vài nhà sư học phép của Đạo giáo, đưa yếu tố dâng sao giải hạn vào chùa để tăng thêm uy tín, “linh nghiệm” cho chùa của mình; hoặc cũng có thể, một vài nhà sư trục lợi từ các Phật tử. 
Tuy nhiên, trước đây, việc cúng sao ở chùa rất đơn giản. Vào đầu năm mới, nhà chùa làm lễ cầu an, cầu cho quốc thái dân an, nhân thể viết sớ cầu xin giảm nhẹ tai ách cho người gặp “sao xấu”. Cũng có nhà chùa làm lễ cúng sao khi có cá nhân, gia đình nào đó yêu cầu (làm lễ tại chùa hoặc tại tư gia), không phải chỉ làm vào đầu năm mà tiến hành hàng tháng. Dần dần, không rõ từ bao giờ, vào tháng Giêng, nhiều người thường tìm đến các chùa để tính sao, đoán hạn, tìm cách giải vận hạn sao chiếu mệnh ngay từ đầu năm, để tránh được hạn vào các tháng tiếp theo.
Dân gian quan niệm, mỗi sao thường chiếu (hay giáng hạ) vào một ngày nhất định hàng tháng, nên phải làm lễ vào ngày đó. Cụ thể, sao La hầu chiếu vào ngày mồng 8, sao Thổ tú (ngày 19), sao Thủy diệu (ngày 21), sao Thái Bạch (ngày 15), sao Thái dương (ngày 27), sao Vân hán (ngày 29), sao Kế đô (ngày 18), Thái âm (ngày 26), sao Mộc đức (ngày 25). Mỗi lễ ứng với các sao có thể thức bày biện lễ vật và đồ thờ (chủ yếu là số lượng cây nến hoặc đèn, màu sắc, cách bài trí), hướng đặt lễ, cách khấn vái… khác nhau, cho nam và cho nữ.
Như vậy, dâng sao giải hạn vốn không phải là nghi thức Phật giáo, ban đầu chỉ có ở các quán của Đạo giáo, các đền, về sau mới lan sang các chùa, song chỉ phổ biến ở các đô thị vốn là đất thuận tiện cho Đạo giáo phát triển; và chỉ có một bộ phận cư dân tin theo, làm theo. Đối với cư dân nông thôn, vận hạn và giải hạn chỉ là quan niệm, theo thời gian, đã trở thành niềm tin, rồi biến thành hành vi tín ngưỡng thực tế của một bộ phận cư dân thuộc đủ các giai tầng xã hội; trở thành tục lệ và dần dần đi vào tâm thức của nhiều người. 
Từ tháng 8/1945 trở về trước, các chùa ở nông thôn cũng có cúng dâng sao giải hạn, nhưng không phổ biến. Trong tháng Giêng, số đông Phật tử chỉ ra chùa cầu Phật vào ngày mồng 1, mồng 8 và ngày rằm. Cũng có số ít gia đình mời nhà sư hoặc thầy cúng về làm lễ tại nhà. 

Từ Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại, đến những năm kháng chiến chống Mỹ và hơn 10 năm của cơ chế quan liêu bao cấp sau 1975, trong nông thôn cũng không phổ biến việc dâng sao giải hạn, vì nhiều lý do: toàn dân tập trung cho kháng chiến, cầu cúng, lễ bái tại các cơ sở thờ tự bị hạn chế tới mức cao nhất, thậm chí có nơi, có lúc bị cấm hoàn toàn, vì bị coi là “mê tín dị đoan”; đồng thời cũng do điều kiện kinh tế của đa số cư dân rất khó khăn và thiếu thốn, không thể dâng sao giải hạn đòi hỏi một nguồn kinh phí “quá sức” so với thực lực kinh tế của mỗi gia đình. 
Từ đầu thập niên 1990 đến nay, cùng với các hình thức lễ bái khác, dâng sao giải hạn phát triển tương đối rầm rộ, từ đô thị lan về nông thôn và chủ yếu ở các chùa. Sự phát triển tràn lan của dâng sao giải hạn những năm gần đây có những lý do sau: 
- Nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh gay gắt, tạo ra nhiều may rủi cho người thuộc các thành phần kinh tế - xã hội, nhất là giới buôn bán; quan niệm về gặp may và vận hạn (trong buôn bán gọi là “vào cầu” và “gãy cầu, sập cầu”, phải “cầu may” và “giải hạn”) được “đẩy” lên và nhân rộng ra nhiều người, kết hợp với quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cùng với đời sống vật chất khấm khá hơn do kinh tế thị trường tạo ra, kéo theo “Phú quý sinh lễ nghĩa”, khiến cho nhiều người tin theo và làm theo. 
- Con người ngày nay có quan hệ xã hội đa dạng, môi trường làm việc, phấn đấu rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Trong quá trình thiết lập, mở rộng môi trường đó, nhiều người thành công, song không ít người thất bại, sự thành công và thất bại đó nhiều khi trùng với “năm tuổi”, nên niềm tin về “sao tốt” và “sao xấu” chiếu càng được củng cố. Bên cạnh đó, một bộ phận cư dân khủng hoảng lòng tin trước những tiêu cực xã hội và những không may mắn, “vận hạn” của mình, đã tìm đến dâng sao giải hạn như là “chỗ nương tựa”.  

- Các thông tin về các hình thái tín ngưỡng nói chung, về dâng sao giải hạn nói riêng ngày nay được tuyên truyền trong dân gian đa dạng, rộng hơn, nhanh hơn, rất thuận tiện cho người muốn tiếp cận, tìm hiểu. So với các hình thái tín ngưỡng khác, dâng sao giải hạn được nhiều người quan tâm hơn vì nó liên quan đến “vận, hạn”, đến “quyền lợi” thiết thân của mỗi cá nhân trong năm và có thể ảnh hưởng đến những năm sau này. Mong muốn được bình yên, phát đạt, thăng tiến, không gặp vận hạn…, làm cho không chỉ những người dân bình thường, mà cả một số quan chức, thậm chí cả những người có học thức, nhà khoa học cũng đi “giải hạn” vào các “năm tuổi”. 
- Tâm lý đám đông cũng là yếu tố quan trọng, góp phần làm cho việc dâng sao giải hạn lan rộng. Tâm lý này xuất phát từ những nhóm người có quan hệ thân thiết (người trong dòng họ, trong làng xóm, cùng cơ quan, nhóm làm ăn, nhóm bạn bè…), từ một người tiến hành dâng sao giải hạn kéo theo cả nhóm (nhóm bạn bè cùng tuổi, cùng học, cùng cơ quan, cùng làm ăn…), từ nhóm này sang nhóm khác; thông tin về một ngôi chùa nào đó “thiêng”, làm lễ dâng sao giải hạn “hiệu nghiệm” nhanh chóng được truyền từ cộng đồng cư dân này sang cộng đồng khác, từ làm cho số người tin theo ngày càng đông, tập trung đến làm lễ tại chùa đó, mà không cần tìm hiểu vì sao(1).
- Cuối cùng, tác động của một số nhà chùa, nhất là các chùa ở đô thị và ven đô, đã lợi dụng lòng tin của người dân để ngầm tuyên truyền, phổ biến để nhiều người tin rằng, chùa này thiêng hơn chùa kia, để cạnh tranh nhau, cả lôi kéo người đến làm lễ ở chùa, kết hợp với “hội chứng đám đông” nêu trên, làm cho hiện tượng dâng sao giải hạn lan tràn rộng rãi, không thể kiểm soát được. Điển hình là chùa Phúc Khánh thuộc phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội), vốn chỉ là ngôi chùa của một làng (làng Sở), đã trở thành nơi làm lễ của cả một vùng rộng lớn, vào tháng Giêng, mỗi ngày có hàng nghìn, thậm chí vài nghìn người đến làm lễ, ngồi, đứng, chen chúc nhau ở cả đường phố, nhiều ngày lại đúng vào dịp giá rét, người co ro trong giá lạnh để chờ đến lượt vào “giải hạn”, gây cản trở giao thông, cảnh tượng rất phản cảm. Dư luận cho rằng, nguyên nhân khiến chùa này mỗi năm thu hút cả triệu Phật tử khắp nơi tìm đến trong các buổi khóa lễ là do chùa biết khuếch trương việc có nhiều người có chức quyền, người nổi tiếng trong xã hội đến làm lễ. “Trong các buổi khóa lễ, tên những người đăng ký cầu an, giải hạn đều được đọc công khai trên loa phóng thanh, trong đó tên của nhiều người có chức có quyền, nhiều người nổi tiếng thường được đọc đầu tiên, làm cho nhiều người tin rằng đây là chùa là linh thiêng, hiệu nghiệm, nên cũng chọn chùa này để làm lễ”(2) (Văn  Nghĩa, 2015). Nhiều chùa tổ chức các khóa làm lễ không phải vì mục đích cầu an mà là nhằm mục đích kinh tế. Việc dâng lễ là do lòng thành và điều kiện của từng người, song nhiều chùa đã quy định thành số tiền rất lớn, bắt buộc, ít là vài ba trăm nghìn đồng, thậm chí có chùa, người đến làm lễ thiếu 50.000 đồng, nhưng nhà chùa bắt phải về lấy cho đủ mới nhận lễ và cho làm lễ. Dâng sao giải hạn ngày nay đã bị biến tướng, bị thương mại hóa, bị đồng tiền đem ra cân đong, đo đếm đến mức cực đoan. 
Dâng sao giải hạn có thể tạo ra một “hiệu ứng tâm lý” cho người làm lễ, giúp cho họ có được một sự thoải mái, yên tâm nào đó. Sau khi thực hiện Dâng sao, tâm lý của người làm lễ được cởi bỏ, không còn nặng nề; họ có thể chủ động nắm bắt những thuận lợi, cơ hội, lợi thế để phát huy (nếu là năm có “sao tốt”) hoặc những bất lợi, “yếu thế” để tìm cách khắc phục, hoặc “tránh” (nếu là năm có “sao xấu”) để triển khai các công việc trong năm. Tuy nhiên, số người này không nhiều; đa số đều tin vào “sao tốt, sao xấu” một cách thụ động, thực hành nghi lễ theo tâm lý đám đông, dẫn đến tình trạng mê tín dị đoan ngày một gia tăng. Khi dâng sao đã trở thành phổ biến, mỗi người khi đến năm sao xấu chiếu mạng sẽ tỏ ra lo lắng, tâm thần bất an, nếu không cúng sao, tâm lý sẽ bị ức chế, luôn lo lắng sẽ gặp tai họa dẫn đến việc xử lý thiếu sáng suốt, linh hoạt dẫn đến kết quả xấu, thậm chí có thể gây tai nạn. Cúng sao giải hạn nếu không đi đôi với việc làm điều thiện cùng sự nỗ lực cá nhân sẽ dẫn đến tâm lý ỷ lại, trông chờ vào thế lực siêu hình, đánh mất khả năng ứng phó của bản thân trước khó khăn và những điều không may mắn. Dâng sao giải hạn bị đẩy lên mức cực đoan, trở thành thương mại hóa, gây tốn kém, lãng phí cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, gây hiệu ứng xấu với đời sống xã hội. Dâng sao giải hạn hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào cả. Có dâng đến ngàn vạn lần thì các ngôi sao vẫn vận động như thế, không thay đổi, không thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi con người. Cái được quan niệm là “vận hạn” đến với mỗi người trong “năm tuổi” nào đó hoàn toàn không tự nhiên đến và đến theo “tuổi, hạn” mà có thể đến với bất kỳ lúc nào, như người xưa đã đúc kết “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”. Nó bắt nguồn từ chính sự cư xử của mỗi người trong đời sống thường ngày, trong quan hệ với mọi người, với công việc. Vì thế, mỗi người hãy sống với sự bình thản, bình tâm, trong sáng, chu đáo, gắng làm nhiều điều thiện; sống và làm việc khoa học, sống lành mạnh. Trong cuộc sống có lúc không gặp may, thì đó là sự bình thường, cần bình tĩnh nhìn nhận, tìm ra nguyên nhân để đưa ra hướng và giải pháp khắc phục; đừng cho là “vận hạn”, mà bi quan, đừng “thiêng hóa” mà dẫn đến tin sai, làm sai, tốn tiền của, thì giờ, công sức mà vẫn không khắc phục được những điều không may.
Tục cúng sao giải hạn không có trong giáo lý đạo Phật. Đạo Phật cũng ngăn cấm sự cuồng tín, mê tín dẫn đến mê muội, cũng như không cổ súy việc đốt vàng mã hay cúng sao giải hạn. Không gì tốt hơn bằng việc hướng tới thiện tâm, sống lành mạnh trong cả nền tảng vật chất cũng như tinh thần, luôn nỗ lực làm chủ cuộc sống của mình… Đó mới chính là các yếu tố cơ bản nhất giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, gặt hái thành công trong cuộc sống.
Trước tình hình trên, xin nêu vài kiến nghị để hạn chế sự lan rộng của dâng sao giải hạn, hạn chế những tiêu cực và tác hại của nó: 
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các cộng đồng cư dân để mọi người thuộc các thành phần kinh tế - xã hội thấy rõ được nguồn gốc, bản chất, nhất là sự thiếu cơ sở khoa học, tác hại của việc dâng sao giải hạn. Việc tuyên truyền có thể bằng nhiều hình thức: phổ biến (bằng tin bài, trao đổi với các nhà khoa học) trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức nói chuyện trong các cộng đồng dân cư, các đoàn thể; biên soạn bài ngắn gọn in thành tờ rơi phát tại các di tích thờ cúng, nhất là các chùa. Phải tiến hành thường xuyên, nhất là vào dịp đầu năm. Công tác tuyên giáo phải đi trước một bước công việc trong này, để mọi người hiểu đúng, không tin theo vào dâng sao giải hạn, từ đó, hạn chế, tiến tới không thực hiện việc này và tác động đến những người khác trong hội, nhóm, đoàn thể, cộng đồng. Các đoàn thể cần tăng cường  quán triệt để các cá nhân là lãnh đạo, người có uy tín, ảnh hưởng rộng lớn trong cộng đồng không thực hiện dâng sao giải hạn, vì chính việc dâng sao giải hạn của họ đã làm cho nhiều người tin và thực hiện theo.
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có văn bản nghiêm cấm các chùa tổ chức dâng sao giải hạn ở tất cả các thời điểm, không chỉ vào dịp đầu năm, rằm tháng Bảy, vì các chùa là nơi tập trung diễn ra việc dâng sao giải hạn. Chỉ với sự vào cuộc quyết liệt Giáo hội Phật giáo mới làm cho các nhà chùa, nhà sư có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề này. Một khi các chùa giảm, tiến tới xóa bỏ dâng sao giải hạn thì sẽ hạn chế tối đa việc số đông người tin và thực hiện theo, tiến tới xóa bỏ tục này.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông cần lập bộ phận kiểm soát các tin, bài cổ vũ cho việc dâng sao giải hạn, loại chúng khỏi các luồng thông tin chính thống, để hạn chế được việc tìm hiểu những thông tin sai lệch làm u mê những người kém hiểu biết. Cũng cần tiến hành thu hồi, tiêu hủy các sách tuyên truyền, cổ súy việc dâng sao giải hạn.
Chú thích
1. Văn  Nghĩa: “Giải mã hiện tượng hàng nghìn người đến chùa Phúc Khánh cầu an”, Báo Dân sinh điện tử, ngày 4/3/2015, truy cập ngày 21/02/2021.
2. Văn  Nghĩa: “Giải mã hiện tượng hàng nghìn người đến chùa Phúc Khánh cầu an”, bài đã dẫn. 
Tài liệu tham khảo
1. Minh Hà: “Nguồn gốc tục dâng sao giải hạn đầu năm mới”, VTC New, 9/2/2022, truy cập ngày 10/3/2022.
2. Văn  Nghĩa: “Giải mã hiện tượng hàng nghìn người đến chùa Phúc Khánh cầu an”, Báo Dân sinh điện tử, ngày 4/3/2015, truy cập ngày 21/02/2021.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây