Phát triển kinh tế ban đêm Động lực thứ hai thúc đẩy du lịch Nghệ An trong giai đoạn mới

Thứ năm - 04/05/2023 05:21 0

1. Ngành du lịch trong phát triển kinh tế Nghệ An giai đoạn hậu Covid - 19 
Nghệ An được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, với diện tích lớn nhất cả nước, với đầy đủ tài nguyên du lịch từ biển, đảo, đồng bằng, trung du, miền núi, hiện đang hướng tới top 5 các địa phương thu hút du lịch nhiều nhất cả nước.
Với đường biển nguyên sơ dài hơn 80 km, 2/3 diện tích đất tự nhiên là rừng núi với nhiều kì quan như hang động, thác nước, và hơn 2.000 di tích lịch sử, văn hóa… Nghệ An có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch từ truyền thống đến hiện đại, nhất là các tour du lịch khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng và du lịch trải nghiệm với nhiều hoạt động lí thú như đi bộ, chèo thuyền, trải nghiệm văn hóa bản địa... Nhờ vậy, các sản phẩm nổi bật như Tour khám phá cung đường miền Tây Nghệ An, Tour du lịch mạo hiểm “Chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng, Kỳ Sơn”, sản phẩm du lịch sinh thái trải nghiệm “Chèo thuyền Kayak - đi bộ, leo núi (trekking) - đạp xe địa hình leo núi (mountain biking)” từ Phà Lài, Bản Xiềng đi bản Cò Phạt, xã Môn Sơn huyện Con Cuông; du lịch cộng đồng huyện Quỳ Châu, Quế Phong... đã giúp thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với Nghệ An. 
Trước đại dịch Covid-19, nhờ đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, ngành du lịch của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Doanh thu dịch vụ du lịch tăng mạnh từ 3.092 tỷ đồng (năm 2017) lên 4.581 tỷ đồng (năm 2019), với tốc độ tăng trưởng trung bình là 27,1%/năm. Lượng khách du lịch tăng từ 5,9 triệu lượt khách (năm 2017) lên 6,5 triệu lượt khách (năm 2019). Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra đã khiến doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh giảm mạnh theo đà chung, chỉ đạt 2.570 tỷ đồng (năm 2020) và 1.115 tỷ đồng (năm 2021). Lượng khách du lịch đến Nghệ An giảm mạnh xuống 3,5 triệu lượt khách (năm 2020) và 1,8 triệu lượt khách (năm 2021). 
Trong giai đoạn vừa qua, chính quyền tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ phát triển du lịch tỉnh nhà, nhất là sau giai đoạn đại dịch Covid-19, khi cả nước bước vào giai đoạn “Bình thường mới”. Tiếp bước đà tăng trước đại dịch Covid-19, trong 05 năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Nghệ An, dựa trên khai thác lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, lịch sử nổi bật, phát triển, tôn tạo và phát huy các di tích văn hóa - lịch sử của tỉnh như Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, đa dạng hóa dịch vụ du lịch biển Cửa Lò và các huyện ven biển, phát triển các dự án du lịch quy mô và đẳng cấp như Vinpearl Cửa Hội giai đoạn II, khu du lịch Bãi Lữ…



Phố đêm và các hoạt động tại phố đêm ở thành phố Vinh
Sau đại dịch Covid-19, cùng với chính sách hỗ trợ của chính phủ, nhiều địa phương như Thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và thành phố Vinh đã từng bước phục hồi và phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, điểm đến, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với đó, ngành du lịch của tỉnh đã đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế địa phương thông qua hoạt động thu Ngân sách nhà nước và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động [1]. Đặc biệt, cơ cấu ngành du lịch của địa phương ngày càng chuyển dịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, chất lượng, bền vững, hoạt động liên kết tỉnh, liên kết vùng trong phát triển các chuỗi sản phẩm du lịch ngày càng được chú trọng, mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành [5].
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Nghệ An hiện đang ở giai đoạn đầu phát triển thị trường bất động sản du lịch, dù kém hơn Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, nhưng với lợi thế “vùng trũng”, Nghệ An còn rất nhiều dư địa để phát triển trong tương lai. Với sự hỗ trợ từ UBND tỉnh trong việc xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch, du lịch Nghệ An đang ngày càng phát triển, tiếp tục hình thành nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn. Việc xuất hiện những tập đoàn lớn như Vingroup, T&T Group đã phát triển các dự án mới, giúp nâng tầm du lịch trải nghiệm tại Nghệ An, hỗ trợ du lịch của tỉnh “cất cánh”. 
Các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch được đẩy mạnh, giúp quảng bá điểm đến như tổ chức và đón các đoàn khảo sát, xây dựng, công bố các tour du lịch khám phá như tour “Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An”, khảo sát sản phẩm du lịch xuân, hè của Nghệ An; tổ chức hội nghị Kích cầu du lịch; liên kết trong phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ thông qua Chương trình “Trở lại Bắc Trung bộ năm 2022” hay chương trình Ba địa phương, một điểm đến; khai trương Lễ hội  du lịch Cửa Lò hằng năm, vận hành Phố đi bộ thành phố Vinh… Đây cũng là động lực giúp phát triển du lịch 4 mùa, khắc phục các hạn chế về tính mùa vụ trong phát triển  du lịch của Nghệ An, góp phần vào mục tiêu đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng thu cho các dịch vụ du lịch của địa phương.
Nhờ vậy, năm 2022 toàn tỉnh đã đón và phục vụ hơn 6,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 356% so với năm 2021. Trong đó khách lưu trú đạt hơn 4,4 triệu lượt, khách quốc tế đạt 28.600 lượt. Doanh thu từ khách du lịch đạt 12.343 tỉ đồng, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 5,6 nghìn tỷ đồng (tăng 502% so với năm 2021) [4].
2. Những điểm nghẽn của du lịch Nghệ An
Mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh, tuy nhiên du lịch Nghệ An vẫn chưa phát triển xứng tầm. Cụ thể:
Thứ nhất, sản phẩm du lịch Nghệ An chưa mang tính đặc trưng của tỉnh, chưa có thương hiệu và sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy trong năm 2022, Nghệ An thuộc top 7 cả nước về thu hút khách du lịch, nhưng phần lớn khách du lịch chỉ chọn lưu trú tại thành phố Vinh. Bên cạnh đó, khách du lịch tới Nghệ An chủ yếu là khách nội địa, thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu cho các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch trên địa bàn thấp. Hiện nay, số lượng các khu vui chơi, giải trí chưa có nhiều nổi bật và khác biệt; các sản phẩm dịch vụ du lịch chưa có tính đột phá, chưa tạo ra sản phẩm du lịch mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh, thiếu sáng tạo và chưa đa dạng… [3] Thêm vào đó số lượng trung tâm dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm về đêm cho du khách để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu còn cực kì khiêm tốn. 
Thứ hai, hạ tầng du lịch kém phát triển, chưa đáp ứng khả năng phục vụ khách quốc tế, khách cao cấp trong và ngoài nước. Mặc dù trong năm 2022, lượng khách du lịch quay trở lại Nghệ An khá cao, nhưng chủ yếu là khách du lịch nội địa. Hiện cơ sở hạ tầng du lịch của Nghệ An chưa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và năng lực đón các đoàn khách quốc tế, khách cao cấp. 
Nghệ An tuy có nguồn tài nguyên du lịch phong phú nhưng hầu hết có quy mô nhỏ, thiếu tài nguyên có tính nổi trội để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt do điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, việc thực hiện đầu tư du lịch trên địa bàn mang tính mùa vụ cao, hiệu quả kinh doanh thấp. Hiện UBND tỉnh cũng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư thực sự hấp dẫn, dẫn tới nền kinh tế du lịch quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Nghệ An ngày càng mất dần lợi thế cạnh tranh so với các địa phương trong khu vực và cả nước, lại càng trầm trọng hơn sau đại dịch Covid-19.

Văn hóa ẩm thực xứ Nghệ - Một trong những loại hình sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch

Do vậy, du lịch Nghệ An vướng vào “vòng luẩn quẩn” là hạ tầng kém phát triển dẫn đến khả năng thu hút khách du lịch cao cấp thấp, từ đó khả năng hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính mạnh và dự án tầm cơ thấp. Một số dự án trọng điểm du lịch gần như không triển khai hoặc triển khai rất chậm. Hạ tầng kém phát triển cũng khiến cho khả năng hợp tác, liên kết giữa Nghệ An với các tỉnh, vùng trong cả nước và các nước trong khu vực chưa cao, thiếu tính bền vững. 
Thứ ba, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa có chiều sâu và trọng tâm, trọng điểm, sức lan tỏa chưa cao. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được triển khai đồng bộ theo chiều dọc (từ cơ quan QLNN tới các địa phương) và chiều ngang (giữa ngành du lịch với các ngành kinh tế khác của tỉnh), khiến sức mạnh tổng thể giảm đi. 
Thứ tư, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu chuyên nghiệp. Hiện toàn tỉnh chỉ mới có 53 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 25 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 296 hướng dẫn viên lữ hành đang hoạt động. Số lượng cơ sở lưu trú đang hoạt động chỉ có 900 cơ sở, với gần 22.000 phòng. Số lượng khách sạn 5 sao chỉ có 3 cơ sở, khách sạn 4 sao có 11 cơ sở, khách sạn 5 sao có 20 cơ sở [1]. Nguồn nhân lực du lịch thiếu hụt, thiếu chuyên nghiệp cả về kĩ năng và thái độ phục vụ. Số lượng nhân viên phục vụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3 - 5 sao thấp, số lượng hướng dẫn viên quốc tế, cán bộ quản lý, điều hành nhà hàng khách sạn cao cấp rất ít, nhất là sau dịch Covid-19 [5].
3. Kinh tế ban đêm - Động lực thứ hai thúc đẩy du lịch Nghệ An giai đoạn mới 
Sau đại dịch Covid-19, kinh tế du lịch của Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, kinh tế ban đêm được xác định như là một động lực mới cho tăng trưởng du lịch nói riêng, kinh tế nói chung. Trong vài năm gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã bắt đầu khai thác các hoạt động, dịch vụ về đêm để thu hút khách du lịch, tiêu biểu là mô hình chợ đêm, phố đi bộ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Lạt… Các tour du lịch đêm chuyên biệt như tour đêm Hỏa Lò, tour đêm tìm hiểu Hoàng Thành Thăng Long, tour đêm Đền Hùng “trở về nguồn cội”; tour đêm khám phá Phong Nha; tour “Đêm huyền bí thành phố Hồ Chí Minh”, phù hợp với xu hướng quốc tế, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách, tăng doanh thu ngành du lịch và các ngành liên quan. 
Việc tạo đà phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm tại Việt Nam được xem là hướng đi phù hợp xu hướng quốc tế, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách, tạo nhiều việc làm, tăng doanh thu ngành du lịch và các ngành liên quan.
Kinh tế ban đêm là một khái niệm quen thuộc, được hiểu là: “các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm” [2]. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hiện nay khách du lịch có xu hướng giảm tần suất du lịch nhưng lại tăng thời gian tham gia trong một tour. Vì thế, việc phát triển các sản phẩm du lịch về đêm cho du khách tham quan, trải nghiệm là giải pháp đúng đắn giúp tăng chi tiêu của khách du lịch trong thời gian lưu trú. Một số nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong nước chỉ ra nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm tương đối đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ tour của du khách thông qua các hoạt động khám phá văn hóa, ẩm thực và hoạt động khác. 
Lợi thế của phát triển dịch vụ du lịch ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương và vùng miền. Do vậy, việc đầu tư phát triển kinh tế ban đêm gắn liền với du lịch là điều kiện cần thiết để đa dạng hóa và làm phong phú dịch vụ du lịch của địa phương, tăng khả năng giữ chân du khách và kích thích nhu cầu chi tiêu. 
Tại Nghệ An, chủ trương phát triển kinh tế ban đêm đã được thông qua và triển khai từ năm 2018, trọng tâm là phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Vinh. Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, thành phố cơ bản đã hoàn chỉnh về hạ tầng đô thị, tiểu dự án phát triển đô thị Vinh và thực hiện xây dựng thêm nhiều công trình liên quan. UBND thành phố Vinh cũng đã đẩy mạnh việc xây dựng phố đêm, phố đi bộ. Thí điểm đợt 1, thành phố đã cho phép xây dựng phố đi bộ Cao Thắng, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/10/2019 với tổng vốn đầu tư gần 7,5 tỷ đồng, kéo dài 200m với 114 gian hàng phục vụ kinh doanh hàng may mặc sẵn, mũ nón, giày dép và khu ẩm thực. Thành phố cũng cấp phép cho một số cơ sở đủ điều kiện tổ chức thí điểm hoạt động kinh doanh đến 2 giờ sáng các ngày cuối tuần, tập trung xung quanh khu vực Thành cổ, đường Nguyễn Văn Cừ và đường Hồ Tùng Mậu, nhưng tỷ lệ cơ sở đủ điều kiện trên tổng số cơ sở đăng ký khá thấp (chỉ đạt 16%). Tuy bị gián đoạn bởi Covid-19 nhưng sau khi khôi phục lại trạng thái “bình thường mới”, phố đêm Cao Thắng được mở lại, đồng thời thành phố cũng triển khai mở phố Đi bộ với gần 80 gian hàng. Tuyến phố đi bộ kéo dài khoảng 1,5 km với 4 tuyến đường liên kết nhau. Trong đó, đoạn Hồ Tùng Mậu (từ Cầu Nại đến điểm đầu đường Nguyễn Trung Ngạn) dài 430 m; đoạn Nguyễn Văn Cừ (điểm đầu giao với đường Hồ Tùng Mậu, điểm cuối giao đường Lê Hồng Phong) dài 500m. Còn lại là đoạn đường Nguyễn Trung Ngạn (từ đầu ngõ số 2 đến điểm giao đường Nguyễn Văn Cừ) và đoạn Nguyễn Tài (điểm giao đường Hồ Tùng Mậu đến điểm giao đường Nguyễn Văn Cừ). Nhờ đó, tuyến phố đi bộ đã liên kết khu vực trung tâm quanh Quảng trường Hồ Chí Minh, tạo nên vòng tròn sôi động với hàng trăm cơ sở kinh doanh ăn uống, thời trang, nghệ thuật, giải trí, giúp quảng bá ẩm thực vùng miền, gia tăng sức tiêu thụ hàng hóa. Theo thống kê của UBND thành phố, giai đoạn đầu Phố đi bộ được mở cửa, mỗi đêm đã thu hút được từ 15.000 đến 20.000 người tham gia. Công việc kinh doanh trên tuyến phố đi bộ đã tạo thu nhập cao cho nhiều hộ kinh doanh và tạo động lực cho phát triển kinh tế của thành phố. Đây là tín hiệu cho thấy chủ trương phát triển kinh tế ban đêm của UBND thành phố là đúng đắn, bắt kịp xu hướng của thời đại, cũng như là động lực cần thiết nhằm phát triển kinh tế ban đêm song song với kinh tế ban ngày, thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu du lịch. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế ban đêm giúp tận dụng được cơ sở hạ tầng kinh tế ban ngày, thúc đẩy phát triển không chỉ các loại hình kinh doanh, dịch vụ tại chợ Đêm hay các tuyến Phố đi bộ, mà còn giúp đẩy mạnh doanh thu của các vũ trường, quán ăn, karaoke và các dịch vụ vận tải, thương mại kèm theo. 
Dù việc phát triển kinh tế ban đêm trong những năm gần đây đã giúp gia tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân của tỉnh. Nhưng trên thực tế, hoạt động kinh tế ban đêm của tỉnh chỉ mới tập trung chủ yếu ở thành phố Vinh, dù bước đầu mang lại nhiều lợi ích nhưng chưa được định hình rõ nét, quy mô phát triển nhỏ, chậm và đơn điệu, chưa phát huy được các tiềm năng về cơ sở hạ tầng, văn hóa, lịch sử của địa phương. Do vậy, hiệu quả khai thác đối với khách du lịch chưa cao. 
Mặc dù lượng người đến các Phố đi bộ, chợ Đêm khá cao nhưng đây chỉ mới đơn thuần là không gian sinh hoạt cộng đồng chứ chưa phát huy hết tiềm năng phát triển về kinh tế, du lịch và văn hóa. Các hoạt động vui chơi, giải trí, hàng hóa còn có sự trùng lắp, nhàm chán, chất lượng chưa tốt. Việc tổ chức chưa thực sự bài bản, chưa tạo nên nét đặc trưng riêng ở từng tuyến phố. Chưa thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp vào vận hành, khai thác các tuyến phố đêm. 
4. Giải pháp phát triển kinh tế ban đêm để thúc đẩy du lịch Nghệ An trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn mới 
Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế du lịch ban đêm. UBND tỉnh cần sớm đưa Quyết định số 1129/QĐ-TTg vào đời sống, hướng dẫn việc triển khai trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác, UBND tỉnh cần nghiên cứu, ban hành quy định quản lý, kinh doanh dịch vụ du lịch đêm phục vụ khách du lịch làm căn cứ cho các địa phương, hộ kinh doanh tham chiếu, xây dựng quy định quản lý cụ thể và tuân thủ quy định pháp luật. UBND tỉnh cần quy định rõ, cụ thể các loại hình dịch vụ du lịch được phép kinh doanh về đêm cũng như điều kiện để triển khai kinh doanh ban đêm. 
Thứ hai, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, mới mẻ, chú trọng khai thác giá trị văn hóa bản địa như tham quan làng cổ, làng nghề, di tích lịch sử, tôn giáo… về đêm. Cần tăng cường các sản phẩm có tính liên kết, kết nối thuận tiện về du lịch, thương mại và giao thông. Việc chỉ tập trung vào giải trí, ẩm thực, mua sắm về đêm có thể gây ra sự nhàm chán. Vì vậy, có thể bổ sung các hoạt động trải nghiệm tinh thần, thể chất như team building về đêm, thể thao đêm, ngắm cảnh đêm… 
Thứ ba, cần tăng cường công tác quản lý kinh tế ban đêm. Sự phát triển của kinh tế ban đêm tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh các vấn đề về tội phạm, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, an ninh trật tự. Tuy nhiên quản lý ban đêm có nhiều đặc điểm khác với quản lý ban ngày. Vì vậy, UBND tỉnh và thành phố cần có sự dịch chuyển, thay đổi cách thức vận hành, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra và xử lý tình huống phát sinh từ trạng thái hoạt động ban ngày sang ban đêm với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền phường, xã, huyện và các ngành chức năng có liên quan như công an, quản lý thị trường, thanh tra lao động, văn hóa, y tế. Việc đồng bộ hóa hệ thống an ninh, camera giám sát cùng các công cụ quản lý, báo cáo sự cố nhanh chóng phát hiện, xử lý vi phạm và các lực lượng phản ứng nhanh là cần thiết để ứng phó với các tình huống khẩn cấp…
Thứ tư, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và kinh tế ban đêm, đáp ứng xu hướng mới của thị trường. 
Thứ năm, tăng cường hoạt động liên kết phát triển du lịch ban đêm giữa các khu vực trong tỉnh, các doanh nghiệp du lịch, công việc, vận chuyển nhằm kết nối các tuyến du lịch đêm của tỉnh vào chương trình liên tỉnh, liên vùng. 
Thứ sáu, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế ban đêm và du lịch ban đêm; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch đêm, ưu tiên thị trường khách nội tỉnh, nội địa; phát triển hệ sinh thái du lịch đêm thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá và quản lý du lịch ban đêm.
Tài liệu tham khảo
1. Công Kiên, Đình Tuyên (2022), Phấn đấu đến năm 2030 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Nghệ An, truy cập online tại https://baonghean.vn/phan-dau-den-nam-2030-du-lich-co-ban-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-o-nghe-an-post260993.html. 
2. Đặng Đình Quang (2021), “Phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An”, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Vinh.
3. Minh Phương (2022), Nghệ An sẽ trở thành điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn, truy cập online tại https://baonghean.vn/nghe-an-se-tro-thanh-diem-du-lich-trai-nghiem-hap-dan-post261945.html. 
4. Ngô Công Mạnh (2022), Du lịch Nghệ An phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới, truy cập online tại https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/du-lich-nghe-an-phuc-hoi-va-phat-trien-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi/73410-488093-51224. 
5. UBND tỉnh Nghệ An (2022), Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây