Tiềm năng du lịch trong lễ hội truyền thống ở Nghệ An

Thứ hai - 13/03/2023 05:21 0
Lễ hội truyền thống đối với du lịch:
Đến với các lễ hội truyền thống du khách sẽ được thể hiện sự tự do tín ngưỡng tưởng nhớ, tri ân đến các vị thánh, thần, các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước; được khám phá cuộc sống, thưởng thức các sinh hoạt văn hoá (dân ca, dân nhạc, dân vũ) và ở đó con người tìm thấy cho mình một không gian, một khoảng thời gian ít nhiều có tính thăng hoa khác với cuộc sống đời thường; được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của người dân; thưởng thức các ẩm thực (đặc sản) của địa phương; có cơ hội mua được nhiều sản phẩm tốt, đặc trưng theo vùng, miền... Qua đó có thể thấy, các lễ hội truyền thống vốn đã hàm chứa trong nó các hoạt động của du lịch như lưu trú, ẩm thực, mua sắm, giải trí... Dưới góc nhìn của sự kiện, thì các lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ hội lớn, đặc sắc sẽ tác động mạnh tới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại chỗ và từ xa, trước mắt và lâu dài. 
Du lịch đối với lễ hội truyền thống: 
Du lịch góp phần thúc đẩy việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính thường xuyên hơn. Từ việc không còn tồn tại hoặc mai một đến phục dựng và phát triển trở lại, từ quy mô hạn chế do điều kiện tổ chức đến quy mô phù hợp cho mục tiêu của phát triển kinh tế - xã hội địa phương có điểm đến du lịch. Ngoài ra, du lịch còn mang đến môi trường, điều kiện để trưng bày, phô diễn những giá trị hàm chứa trong lễ hội. Thông qua các hoạt động nội tại của mình, lễ hội được hoạt động du lịch kiểm chứng, thẩm định, từ đó rút ra được bài học để tự đổi mới, điều chỉnh lễ hội phù hợp với điều kiện mới. 
Như vậy, du lịch đã góp phần phát triển lễ hội truyền thống một cách tích cực. Nhờ sự phát triển của du lịch mà lễ hội truyền thống được gìn giữ, phát huy; các phong tục tập quán, các giá trị văn hóa trong lễ hội dân gian được khôi phục lại để phục vụ du khách; các nét bản sắc văn hóa của từng lễ hội, từng vùng, miền được khẳng định trong niềm tự hào và ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của người dân nơi đó. Ở chiều tương tác ngược lại, lễ hội truyền thống hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng của ngành du lịch, góp phần làm cho bức tranh du lịch thêm phong phú, đa dạng hơn các sự lựa chọn cho du khách. 
Ở Nghệ An, một số mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với lễ hội cũng đã được triển khai như điểm du lịch cộng đồng tại bản Phảy Thái Minh gắn với lễ hội Bươn Xao ở huyện Tân Kỳ; điểm du lịch cộng tại bản Thái Sơn và bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê) gắn với lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ ở huyện Con Cuông; điểm du lịch cộng đồng bản Chọong Bùng gắn với lễ hội đền Chọong huyện Quỳ Hợp; điểm du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến gắn với lễ hội Hang Bua huyện Quỳ Châu; điểm du lịch cộng đồng Cọ Muồng gắn với lễ hội đền Chín Gian... Bước đầu đã và đang mang lại hiệu quả ngoài mong đợi, nhiều làng nghề được phục hồi và cung ứng một số lượng lớn sản phẩm ra thị trường; nhiều món ăn đặc trưng của từng dân tộc đã được nhiều người biết đến; các hoạt động dân ca, dân nhạc, dân vũ được tổ chức thường xuyên, liên tục hơn vào các dịp lễ, tết góp phần làm phong phú, đa dạng đời sống tinh thần của người dân; số lượng du khách đến với các điểm du lịch tăng lên theo từng năm. Điều quan trọng nhất, đây chính là cơ sở để các địa phương bảo vệ, phát huy tốt hơn bản sắc văn hóa dân tộc, nét đặc sắc vùng miền. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng du lịch trong các lễ hội truyền thống còn gặp nhiều khó khăn, thánh thức:
- Điều kiện kinh tế - xã hội tại những khu vực có lễ hội đa phần có khó khăn, thu nhập không cao, hệ thống cơ sở hạ tầng chậm phát triển.
- Hầu hết các mô hình du lịch gắn với lễ hội đều mới được hình thành, việc hỗ trợ của nhà nước cho các mô hình chưa nhiều, chưa đồng bộ vì vậy nhiều cơ sở lưu trú chưa đạt chuẩn, trang thiết bị còn thiếu thốn. Một số nơi thiếu không gian sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
- Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp vào lễ hội, làm du lịch chủ yếu người lớn tuổi, chưa được đào tạo bài bản, khả năng tiếp cận các kỹ năng làm công tác phục vụ du lịch hạn chế (do lớp trẻ đi làm ăn ở xa).  
- Các đội văn nghệ đã được hình thành nhưng chưa bài bản, ít được thực hành, thiếu các hạt nhân xuất sắc làm nòng cốt. 
- Sản phẩm làng nghề đang đơn điệu, chưa thật phong phú, đa dạng, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
- Số lượng du khách đến với địa phương còn mang tính tự phát thông qua giới thiệu của bạn bè, đi theo nhóm và tự phục vụ là chính. Nhu cầu lưu trú dài ngày, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân còn ít.
Tiềm năng du lịch trong lễ hội truyền thống ở Nghệ An
Mặc dù khó khăn, thách thức còn nhiều, song tiềm năng để khai thác du lịch trong các lễ hội truyền thống ở Nghệ An là rất lớn. Theo thống kê của Sở Văn hoá và Thể thao thì đến hết năm 2022 tỉnh ta có 375 di tích được xếp hạng, trong đó có 03 di tích Quốc gia đặc biệt, 137 di tích Quốc gia, 235 di tích cấp tỉnh. Điều đặc biệt, đó là các lễ hội ở tỉnh thường gắn với các di tích, danh thắng, tộc người hay vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân. Những điều kiện trên vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. Những hang động nổi tiếng được thiên nhiên kiến tạo độc đáo, gắn với các phát hiện về di tích khảo cổ như: Di chỉ khảo cổ Làng Vạc huyện Nghĩa Đàn; Di chỉ khảo cổ Hang Hợ Trung ở bản Kẻ Ỏn huyện Tân Kỳ; hang Thẩm Ồm, hang Bua, hang Thẩm Chạng, hang Cỏ Ngùn huyện Quỳ Châu; hang Poòng huyện Quỳ Hợp; thác Xao Va, thác Bảy Tầng, thác Ba Cảnh huyện Quế Phong; thác nước Khe Kèm huyện Con Cuông. Đến với các lễ hội cũng là đến với những nơi có cảnh đẹp thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ, không khí trong lành với hệ thống rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt ở khu vực phía Tây Nghệ An, thuộc dạng lớn nhất trong cả nước và đã được UNESSCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài ra, Nghệ An còn có 6 dân tộc (Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Mông) cùng nhau sinh sống tạo nên sắc màu đa văn hoá, là nguồn cảm hứng vô tận cho những ai yêu thích khám phá.
Giải pháp khai thác tiềm năng du lịch trong lễ hội
Để lễ hội truyền thống là một nguồn lực bền vững cho phát triển du lịch, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng nguồn thu cho các địa phương, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp sau:
1. Mỗi lễ hội phải giữ được những nét đặc trưng riêng (các nghi lễ, biểu đạt văn hóa gắn với đặc thù của từng lễ hội, từng cộng đồng địa phương). Du khách phải tìm thấy, cảm nhận được sự khác biệt trong từng lễ hội. Củng cố yếu tố thiêng - yếu tố cốt lõi trong lễ hội dân gian, để lễ hội dân gian thực sự là điểm thiêng, điểm tìm đến để cầu phúc, cầu an của cả cộng đồng địa phương và khách du lịch. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ thu hút một số lượng lớn du khách hành hương đến với các điểm du lịch này thường xuyên hơn.
2. Chủ thể trong các hoạt động du lịch gắn với lễ hội truyền thống là người dân địa phương. Người dân phải là chủ thể của hầu hết các hoạt động lễ hội, du lịch tại địa phương thì mới hấp dẫn du khách, bởi vì các sản phẩm văn hóa là của người dân, do chính người dân sáng tạo ra, gìn giữ, thực hành và trao truyền. Phải đảm bảo hài hoà lợi ích cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch để mỗi người có thể nhìn thấy được trách nhiệm, lợi ích của mình trong đó. Nhưng nguồn lực của người dân địa phương và sự hỗ trợ của nhà nước là chưa đủ mà cần phải thu hút các doanh nghiệp du lịch đến đầu tư làm ăn trên địa bàn vừa đóng vai trò bà đỡ, vừa có trách nhiệm dẫn dắt, tạo sức kéo cho các hộ kinh doanh nhỏ duy trì và phát triển.
3. Quy hoạch mạng lưới các điểm du lịch. Cần khai thác thế mạnh của từng vùng, từng khu vực, từng lễ hội trên cơ sở đó nhà nước có kế hoạch đầu tư kinh phí nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện, đường, cây xanh; các điểm tham quan; khu vực trưng bày sản phẩm; không gian sinh hoạt văn hoá cộng đồng, các điểm lưu trú, nhà hàng và các loại hình trải nghiệm cuộc sống của người dân.... theo từng giai đoạn hoặc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia làm du lịch cùng đầu tư và chia sẻ lợi ích. Nhà nước có chính sách hỗ trợ ban đầu như thuê đất, miễn thuế.... 
4. Đa dạng hoá các loại hình du lịch như: du lịch khám phá gắn với các tài nguyên du lịch tự nhiên tại các khu bảo tồn, hang động, rừng núi; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ ở những khu vực có khí hậu trong lành, mát mẻ; du lịch xanh hướng đến gần gũi với thiên nhiên, văn hoá vùng miền; du lịch về nguồn gắn với các di tích lịch sử; du lịch văn hoá gắn với các tộc người, dân tộc.... 
5. Tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch kết hợp với thực hành. Tạo điều kiện để các hộ gia đình mong muốn làm du lịch được tham quan các mô hình đã thành công để họ có sự tự tin, sáng tạo hơn trong việc hoàn thiện các mô hình tại địa phương. Tiếp tục kết nối với các công ty lữ hành (trong tỉnh, ngoài tỉnh, quốc tế) lồng ghép dẫn tuor đến với các lễ hội, điểm du lịch cộng đồng hoặc mở các tuor, tuyến mới kết nối các điểm du lịch với nhau.
 6. Công tác tuyên truyền
- Lễ hội có tính chu kỳ còn hoạt động du lịch có tính thường xuyên, liên tục. Vì vậy, phải xem lễ hội là điểm nhấn về sinh hoạt văn hoá của cộng đồng. Thông qua lễ hội, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch của huyện, giới thiệu truyền thống lịch sử văn hóa, những điểm du lịch văn hóa sinh thái hấp dẫn.
- Xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền và giới thiệu về lễ hội bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú phù hợp với nhu cầu thị hiếu của nhân dân theo trình độ, thị trường như đĩa CD, VCD, phim du lịch, các ấn phẩm sách, báo, tạp chí… Thường xuyên cập nhật thông tin du lịch trên trang web của du lịch Nghệ An, và các trang mạng xã hội…
- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của du lịch đem lại lợi ích nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế xã hội góp phần cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Nghệ An là tỉnh có nhiều di tích, danh thắng, lễ hội với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ; nhiều dân tộc sinh sống, đời sống văn hoá đa dạng, phong phú chính là nguồn tài nguyên vô hạn cho việc khai thác và phát triển du lịch. Bản thân lễ hội truyền thống khó có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu không có bàn tay của những người làm du lịch và du lịch cũng khó có thể phát triển được nếu thiếu điểm tựa là các giá trị văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống. Khi mối quan hệ giữa lễ hội truyền thống và du lịch được nhìn nhận đúng mực và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau thì nguồn lực đó sẽ được vận hành tốt hơn và tạo ra hiệu quả thực sự trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Du lịch.
2. Nguyễn Đình Lộc (1993), Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Nhà xuất bản Nghệ An 
3. Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (1993), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb. Khoa học Xã hội Hà Nội 
4. Kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu nguồn gốc ra đời lễ hội Bươn Xao của người Thái tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ và đề xuất giải pháp phát huy giá trị lễ hội trong phát triển du lịch cộng đồng”.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây