Thu hút vốn FDI vào tỉnh Nghệ An: Thực trạng và giải pháp

Thứ sáu - 05/05/2023 05:21 0
 Tính đến 31/12/2022, đã thu hút 34 dự án và 14 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 30.355,4 tỷ đồng, trong đó, cấp mới 19 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 478,118 triệu USD. Năm 2022, tổng vốn số vốn FDI cấp mới và điều chỉnh tăng thêm 901,294 triệu USD/KH 400 triệu USD. Một số dự án có quy mô lớn như: Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử Goerteck 1-2 (điều chỉnh tăng 400 triệu USD); Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare - ICT 2 (150 triệu USD), Nhà máy khoa học kỹ thuật kim loại Tân Việt (125 triệu USD); 02 nhà máy giày dép xuất khẩu Hoa Lợi (99 triệu USD)… Các dự án FDI đã có những tác động tích cực đến kinh tế, xã hội của tỉnh: tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng về thu hút nguồn vốn FDI, tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về các hoạt động thu hút đầu tư cũng như hiệu quả của các dự án mà vốn FDI mang lại. Trong những năm qua, số thuế xuất nhập khẩu thu được từ các doanh nghiệp FDI không lớn. Lý do là các doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công, sản xuất hàng xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, hoàn thuế. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn ở trình độ thấp, dẫn đến nhiều công việc quản lý khu công nghiệp hay dự án chưa đến tay người dân. 
Hoạt động thu hút đầu tư chủ yếu đang tập trung vào các giai đoạn trước cấp phép đầu tư. Các hoạt động theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư khi dự án triển khai và đi vào hoạt động còn hạn chế. Công tác giám sát, đôn đốc và hỗ trợ triển khai dự án sau cấp phép chưa thực sự hiệu quả. Chưa có chính sách ưu tiên rõ ràng cho việc đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề. Điều này có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư vẫn chưa chú trọng rót vốn vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh.
Hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Số lượng dự án và quy mô vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn thấp. Các dự án đầu tư vào KKT và các KCN, các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao và các dự án hạ tầng công nghiệp - đô thị, giáo dục đào tạo, y tế và nông nghiệp chưa nhiều. Môi trường kinh doanh tại địa phương chưa đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Chính vì vậy tỉnh vẫn có nhiều tiềm năng phát triển cũng như nhiều điểm yếu cần hoàn thiện hơn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
2. Thực trạng phát triển doanh nghiệp FDI tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2020 
2.1. Thực trạng phát triển về số lượng và cơ cấu doanh nghiệp, theo vùng, theo quy mô và theo ngành kinh tế
a. Thực trạng phát triển về số lượng và cơ cấu doanh nghiệp theo vùng
Bảng 1. Số lượng và cơ cấu doanh nghiệp theo vùng giai đoạn 2010-2020


(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh)

Có thể thấy giai đoạn vừa qua tỉnh đã có tương đối nhiều doanh nghiệp FDI tham gia vào hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khu vực như KKT Đông Nam; bên cạnh đó là các KCN như Sông Dinh với số lượng doanh nghiệp trong hai khu vực này giai đoạn 2010 -2020 lần lượt đạt 43 và 18 doanh nghiệp. Tính riêng năm 2020 thì đã có 9 doanh nghiệp FDI hoạt động tại khu vực kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trong tỉnh đạt số vốn đăng ký lên tới 164,5 triệu USD. Một vài dự án tiêu biểu có thể kể đến đó là Dự án Công ty TNHH Ocean Products Việt Nam của Công ty TNHH Ocean Products Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 0,43 triệu USD, Nhà máy sản xuất bột canxi cacbonat nặng của Công ty CP công nghiệp Yabashi với tổng vốn đăng ký là 9,47 triệu USD, Trung tâm thương mại Lotte Vinh của Công ty CP Thương mại LOTTE tại phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh với số vốn đăng ký 8,5 triệu USD. Những doanh nghiệp này đã không chỉ tạo ra nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp của họ mà còn tạo ra cơ sở hạ tầng chất lượng cũng như là có những kế hoạch đào tạo lao động tay nghề cao để từ đó tạo ra nguồn lao động dồi dào chất lượng tốt, nâng cao đời sống người dân, tạo thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.
b. Thực trạng phát triển về số lượng và cơ cấu doanh nghiệp theo quy mô
Bảng 2. Số lượng và quy mô doanh nghiệp theo hình thức đầu tư giai đoạn 2010-2020


(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh)

Giai đoạn trên nguồn vốn có xu hướng chuyển dần sang hình thức 100% vốn nước ngoài. Điều này do xu hướng chung của những doanh nghiệp nước ngoài là tạo ra lợi nhuận tối đa nên khi họ đã hiểu rõ về môi trường kinh doanh cũng như thủ tục đầu tư thì những doanh nghiệp này sẽ muốn trực tiếp phát triển và hoạt động sản xuất hơn là liên doanh với một doanh nghiệp trong nước. Giai đoạn 10 năm từ 2010, số doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài chiếm tới gần 80% tổng số doanh nghiệp FDI của tỉnh Nghệ An. Năm 2020 chứng kiến lượng vốn FDI vào Nghệ An theo hình thức 100% nước ngoài cao nhất với các dự án tiêu biểu như CÔNG TY TNHH CÔNG NGHIỆP CHÍNH XÁC GOERTEK VINAM với vốn điều lệ: 460.000.000.000 đồng, trong đó vốn nước ngoài: 460.000.000.000, chiếm 100% vốn điều lệ, Công ty TNHH MERRY & LUXSHARE (Việt Nam), vốn điều lệ: 559.200.000.000 đồng, trong đó vốn nước ngoài: 559.200.000.000 đồng, chiếm 100% vốn điều lệ. Một vài dự án liên doanh với số vốn đóng góp vừa và nhỏ có thể kể đến như Công ty TNHH V WEST, vốn điều lệ: 1.000.000.000 đồng, trong đó vốn nước ngoài: 950.000.000 đồng, chiếm 95% vốn điều lệ và Công ty  TNHH OCEANPRODUCTS Việt Nam, vốn điều lệ: 2.559.700.000 đồng, trong đó vốn nước ngoài: 2.559.700.000 đồng, chiếm 100% vốn điều lệ. Năm 2019 chứng kiến số lượng dự án có quy mô vừa và nhỏ tương đối cao, cùng với đó là chưa có những dự án sử dụng công nghệ cao và tạo ra giá trị gia tăng lớn. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến mức độ hiệu quả của nguồn vốn FDI, giảm nguồn thu từ khu vực này đối với ngân sách nhà nước. 
c. Thực trang phát triển về số lượng về cơ cấu doanh nghiệp theo ngành kinh tế 
Bảng 3. Cơ cấu doanh nghiệp phân theo các ngành giai đoạn 2010-2020


 (Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh) 

Giai đoạn vừa qua đã thu hút được nguồn vốn FDI ở khá nhiều các lĩnh vực đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo, chế biến. Nghệ An những năm vừa qua đã và đang thay đổi xu hướng thu hút vốn FDI, các ngành nghề công nghiệp sẽ phải tập trung vào các dự án công nghệ sạch, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô xe máy và thiết bị, công nghệ sản xuất vật liệu mới và thông minh… Các hoạt động nông nghiệp giai đoạn vừa qua chưa được chú ý nhiều với chỉ 5 dự án trong giai đoạn trên và các dự án ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, một vài dự án tiêu biểu như Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển vật nuôi công nghệ cao (15,20 triệu USD) và Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi CP Nghệ An (24 triệu USD). Nghệ An giai đoạn 2015-2020 đã có những thay đổi trong đầu tư nông nghiệp, các dự án nông nghiệp thâm canh sẽ chuyển sang nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để tạo đà phát triển các ngành nghề khác, phù hợp với định hướng phát triển chung của quốc gia. Các lĩnh vực như dịch vụ, thương mại giai đoạn 2010-2020 đã được chú ý với 20 dự án ngành vận tải, kho bãi và 20 dự án ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, các Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ VSIP Nghệ An (76,40 triệu USD) và Nhà máy sản xuất Container của Công ty CP Tập đoàn TKV Group (36,22 triệu USD) năm 2019 là những dự án nổi bật về lượng vốn đầu tư và mức độ ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế tỉnh Nghệ An. Bên cạnh những ngành nghề kể trên, các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp FDI chú ý đến tại tỉnh Nghệ An. 
2.2. Thực trạng chất lượng phát triển doanh nghiệp phân theo lợi nhuận và theo ngành/ khu vực kinh tế
a. Thực trạng chất lượng phát triển doanh nghiệp phân theo lợi nhuận
Bảng 4. Cơ cấu doanh nghiệp phân theo lợi nhuận 2010-2020


(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh)

Giai đoạn vừa qua nguồn thu từ ngân sách nhà nước đối với khu vực FDI tại tỉnh giữ ở mức ổn định. Đa số các doanh nghiệp FDI liên doanh đều đạt lợi nhuận ở mức ổn trong giai đoạn này với 70% tổng số doanh nghiệp liên doanh của tỉnh Nghệ An. Đối với những doanh nghiệp sở hữu 100% vốn điều lệ thì con số lợi nhuận cao là tương đối nhiều xong đến giai đoạn 2019-2020 đã có phần chững lại bởi cuộc chiến thương mại Mỹ Trung cùng với những cẳng thẳng chính trị của những quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn tại Việt Nam như Hàn Quốc.
b. Thực trạng chất lượng phát triển doanh nghiệp phân theo ngành 
Bảng 5. Chất lượng doanh nghiệp theo các ngành tại tỉnh giai đoạn 2010-2020


(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh)

Các dự án về ngành công nghiệp chế tạo, chế biến vẫn tạo ra mức độ hiệu quả cao hơn so với những ngành nghề khác. Những đóng góp mà ngành nghề này đem lại không chỉ là nguồn thu cho ngân sách tỉnh mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động trong tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu của tỉnh Nghệ An. Các lĩnh vực như nông nghiệp với lượng vốn đầu tư chưa lớn nên hiệu quả kinh tế đem lại cũng chưa đáng kể, cùng với đó là chất lượng công nghệ phục vụ cho các hoạt động sản xuất chưa cao, những yếu tố này đã khiến cho mức độ hiệu quả của các dự án trong ngành nông nghiệp chưa cao và cần được cải thiện. Cùng với công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành nghề như vận tải, logistics và thương mại, sửa chữa ô tô cũng tạo ra được nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. 
c. Cơ cấu vốn FDI phân theo ngành
Bảng 6. Tổng vốn đăng ký khu vực FDI phân bổ theo ngành giai đoạn 2010-2020


(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh) 

Giai đoạn 2010-2020 có 13 ngành nghề khác nhau được đầu tư vốn FDI trên địa bàn tỉnh. Mặc dù số lượng các dự án đầu tư còn chưa phẩn bổ đồng đều ở khắp các ngành nghề song đây cũng là tiền đề quan trọng để hướng tới phát triển và thu hút thêm nguồn vốn FDI vào tỉnh. Giai đoạn trên chứng kiến số lượng dự án và vốn đăng ký cao đến từ các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, nông, lâm nghiệp, thủy sản, bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác. Đặc biệt là đối với lĩnh vực công nghiệp, toàn tỉnh đã thu hút được 70 dự án. Điều này cho thấy cơ sở hạ tầng đảm bảo cho các dự án về công nghiệp của những nhà đầu tư FDI cũng như là môi trường đầu tư của tỉnh vẫn đang còn thu hút được những doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, việc phát triển và triển khai các dự án về công nghiệp tại tỉnh sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng chú trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước. Các ngành nghề khác thì có số lượng vốn chưa cao như ngành nghệ thuật vui chơi giải trí, ngành thông tin và tuyên truyền với 4,2 triệu USD và 1,3 triệu USD. Các ngành có mức đầu tư trung bình giai đoạn 2010-2020 có thể đến ngành xây dựng với số vốn đăng ký là hơn 100 triệu USD. 
d. Cơ cấu vốn FDI phân theo quốc gia
Bảng 7. Số lượng vốn đăng ký phân theo các quốc gia đầu tư tại tỉnh giai đoạn 2010-2020


(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh) 

Tỉnh đã và đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ những quốc gia khác nhau: Nhật Bản, Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Lào, Sin-ga-po… Các quốc gia mà Nghệ An tiếp nhận vốn đến từ hầu hết các vùng trên thế giới trong đó có khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Tây Á và thậm chí cả khu vực EU và khu vực châu Mỹ. Tổng số dự án đến từ những doanh nghiệp của các quốc gia giai đoạn 2010-2020 là 120 dự án. Quốc gia có số lượng vốn đăng ký nhiều nhất giai đoạn này là Nhật Bản với 1,164.17 triệu USD. Tiếp đó là những quốc gia như Hồng Kong với 218.94 triệu USD, Thái Lan với 214.74 triệu USD, Hàn Quốc với 216.60 triệu USD. Đáng chú ý Hàn Quốc giai đoạn này là quốc gia có nhiều dự án đầu tư FDI nhất với 35 dự án. Các quốc gia đến từ khu vực EU thì lượng vốn tương đối nhỏ do sự hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia đến từ khu vực này trong phát triển vốn FDI chưa thật sự phát triển. Các quốc gia nổi bật đến từ khu vực này có thể kể đến như Anh với số vốn đăng ký là 113.34 triệu USD.
e. Cơ cấu vốn đăng ký và thực hiện 
Bảng 8. Số lượng vốn đăng ký và thực hiện giai đoạn 2010-2020 


(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh)

Số lượng dự án giai đoạn này của tỉnh là 88 dự án. Năm 2010 chứng kiến số lượng vốn đăng ký khu vực FDI cao nhất trong giai đoạn với 1342,7 triệu USD. Đây là năm mà Nghệ An có sự bùng nổ nhất do những chính sách thu hút FDI cũng như là những ảnh hưởng tích cực đến từ sự tham gia của Việt Nam vào tổ chức thương mại quốc tế (WTO), cùng với đó là sự phục hồi kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng năm 2007-2008. Tuy số lượng vốn đăng ký khá lớn xong vốn thực hiện thì khá thấp chỉ có 22,2 triệu USD. Điều này cho thấy sức hút của Nghệ An đối với những nhà đầu tư nước ngoài nhưng hoạt động sản xuất và cơ sở hạ tầng chưa thực sự đảm bảo cho sự phát triển cũng như hoạt động sản xuất của những doanh nghiệp FDI. Giai đoạn 5 năm sau đó thì chứng kiến sự sụt giảm đáng kể nguồn vốn thực hiện khu vực FDI tại tỉnh với năm 2011 đạt 5,8 triệu USD và chỉ còn 4,3 triệu USD vào năm 2015. Điều này chứng tỏ các chính sách thu hút đầu tư cũng như cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục pháp lý của chính quyền tỉnh còn chưa tốt cũng như nguồn lao động và hệ thống hạ tầng cần phải được nâng cấp để phù hợp và đáp ứng được với xu hướng phát triển của những doanh nghiệp FDI. 5 năm cuối giai đoạn này chứng kiến sự tăng trưởng đồng đều hơn về nguồn vốn thực hiện khu vực FDI với năm 2016 đạt 30,4 triệu USD đạt gần 50% vốn đăng ký cùng năm, điều này chứng tỏ sức hút đã tăng trở lại và các nhà đầu tư có xu hướng phát triển lâu dài tại các dự án trong tỉnh. Số lượng vốn thực hiện cao nhất trong giai đoạn này thuộc về năm 2020 với 126 triệu USD. Con số này chiếm tới 69,5% tổng vốn đăng ký khu vực FDI năm 2020. Đây là năm mà đất nước ta chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 song với sự nỗ lực của chính quyền và những chính sách phù hợp đến từ các cấp cán bộ TW, nguồn vốn FDI tại Nghệ An đang ngày một tăng đều và mạnh. 
3. Vai trò của doanh nghiệp FDI 
- Đóng góp trong kết quả tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu: 
Các dự án đầu tư nước ngoài vào KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An bước đầu có những thành tựu nhất định, tỷ lệ đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp tăng dần hằng năm, góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội. Về hiệu quả sử dụng đất, một dự án FDI tại Khu kinh tế Đông Nam sử dụng trung bình khoảng 3,53 ha đất với suất vốn đầu tư khoảng 88,55 tỷđồng/ha; so với các dự án đầu tư trong nước, các dự án đầu tư FDI thường sử dụng ít diện tích đất hơn và có suất vốn đầu tư cao hơn. Trong 3 năm từ 2018-2020, xuất nhập khẩu có những bước tăng trưởng đáng kể với 168,52 triệu USD xuất khẩu năm 2018 và đạt 178 triệu USD xuất khẩu vào năm 2020 cùng với đó là nhập khẩu đạt 165 triệu USD vào năm 2018 và đạt 202 triệu USD vào năm 2020. 
- Đóng góp trong vốn đầu tư phát triển:
Những doanh nghiệp có sự đóng góp lớn về nguồn vốn FDI chủ yếu đến từ những quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông. Đặc biệt là Nhật Bản với số vốn FDI của những doanh nghiệp đến từ quốc gia này đạt trên 1 tỷ USD. Giai đoạn nửa sau của thập niên 2010 chứng kiến sự phát triển vượt bậc về những đóng góp của FDI đối với vốn đầu tư phát triển. Năm 2018, số lượng vốn FDI đầu tư 45,3 triệu USD đến từ vốn nước ngoài và 5,5 triệu USD đến từ các doanh nghiệp liên doanh trong nước, tăng 1% so với đóng góp vốn FDI của năm 2017. Cùng với thành công đó, năm 2019 số lượng vốn đóng góp của các doanh nghiệp FDI đạt 85 triệu USD chiếm187% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hết năm 2020, lượng vốn đóng góp của doanh nghiệp FDI 121 triệu USD đạt 142% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy sức hút của tỉnh đối với những doanh nghiệp FDI. 
- Đóng góp trong tạo việc làm
Cùng với lượng vốn đóng góp tăng đều trong giai đoạn vừa qua, những tác động của doanh nghiệp FDI đến số lượng việc làm và chất lượng cuộc sống người lao động cũng rất đáng kể. Năm 2017 đã có 25,500 người lao động đang hoạt động trong doanh nghiệp FDI và chỉ sau một năm con số này vẫn đạt mức ổn với thêm  26,560 người lao động vào năm 2018. Năm 2019 doanh nghiệp FDI đã tạo ra số việc làm cho  26,000 người lao động và đạt 27,800 người lao động vào năm 2020. Cùng với số việc làm được gia tăng như vậy, các hoạt động của doanh nghiệp FDI cũng đạt hiệu quả cao dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của những dự án FDI giai đoạn vừa qua khá tốt, năm 2020 doanh thu từ khu vực FDI đạt 255 triệu USD tăng gấp 1,5 lần so với năm 2019. Điều này đã và đang giúp cho mức thu nhập người dân được cải thiện. 
- Vai trò của doanh nghiệp FDI trong dẫn dắt sự phát triển và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp trong nước
Nghệ An đã có sự đầu tư của doanh nghiệp FDI đến từ 15 quốc gia tại châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, những quốc gia thuộc EU và Bắc Mỹ cũng có như Pháp, Đức, Canada, Mỹ. Việt Nam giai đoạn vừa qua đã ký kết những hiệp định thương mại quốc tế điều này giúp cho việc hợp tác giữa các quốc gia có nguồn vốn FDI lớn trên thế giới trở nên thuận lợi hơn. Nhưng để có thể duy trì sự hợp tác này một cách lâu dài thì những yếu tố như môi trường kinh doanh và thủ tục pháp lý cũng phải thật sự phù hợp với những doanh nghiệp FDI. Nghệ An đã và đang làm khá tốt những khía cạnh này, điều này giúp cho những doanh nghiệp có lượng vốn FDI lớn tại Nghệ An yên tâm hoạt động sản xuất tạo ra nhiều lợi nhuận cũng như đóng góp lơn hơn vào ngân sách của tỉnh. Lượng vốn FDI tăng đều tại Nghệ An những năm vừa qua sẽ giúp cho sự hội nhập quốc tế trở nên thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các lĩnh vực mà doanh nghiệp FDI hoạt động chủ yếu tại Nghệ An là công nghệ chế biến, chế tạo. Điều này giúp gia tăng mức độ đóng góp của ngành vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như định hướng chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. 
- Đóng góp trong chuyển giao công nghệ và quản trị doanh nghiệp hiện đại
Cùng với số lượng vốn và việc làm được gia tăng thì những doanh nghiệp FDI cũng đã có những đóng góp tích cực khác đó là sự chuyển giao công nghệ cùng với hệ thống đào đạo nhân lực chất lượng cao. Có thể nói, chất lượng công nghệ và lao động tại Nghệ An cũng như các tỉnh Bắc Trung bộ là chưa cao, chúng ta cần những hệ thống máy móc hiện đại và tiên tiến hơn để có thể gia tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất cũng như phải nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng như đội ngũ quản lý để hệ thống doanh nghiệp hoạt động trơn tru hơn. Doanh nghiệp FDI có hệ thống quản lý minh bạch, rõ ràng và đảm bảo sự công bằng trong phân bổ công việc cho mỗi đơn vị trong doanh nghiệp, những nhân tố này cần được những doanh nghiệp trong nước học tập bởi hệ thống quản lý nhân lực tại các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế dẫn đến sự mất công bằng cũng như quyền lợi giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Những doanh nghiệp FDI sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách quản trị kinh doanh của những doanh nghiệp trong nước từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh góp phần đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của nền kinh tế tỉnh. 
4. Đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh 
4.1. Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại tỉnh 
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị là các yếu tố quan trọng. 
Cần có sự cam kết và tập trung của các đơn vị chức năng, cán bộ, công chức và người dân trong việc thực hiện cải cách hành chính. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức và viên chức trong công tác cải cách hành chính.
Tăng cường kiểm tra và giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương về cải cách hành chính trên địa bàn huyện để giảm thiểu thiếu sót và chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ. Chấn chỉnh những sai sót trong quá trình triển khai, thiết lập kỷ luật hành chính. Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về tiếp cận dịch vụ, giải quyết thủ tục hành chính.
4.2. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 
Nghệ An đã tích cực huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng giao thông. Sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành đã giúp Nghệ An đạt được sự đột phá trong việc cải thiện hệ thống giao thông. Nhiều tuyến đường tỉnh đã được nâng cấp và cải tạo, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận tải ngày càng tăng. Đặc biệt, việc nâng cấp và mở rộng các tuyến quốc lộ 7 và quốc lộ 48 đã giúp kết nối miền tây Nghệ An với miền xuôi và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài việc phát triển đường bộ, Nghệ An còn đầu tư phát triển cảng biển, sân bay và đường sắt. Cảng hàng không quốc tế Vinh đã khai thác nhiều tuyến bay và phục vụ hàng triệu hành khách trong nước và quốc tế. Hệ thống đường sắt cũng được duy tu, sửa chữa, bảo đảm hoạt động an toàn. Tỉnh cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư trong hệ thống cảng biển.
Tuy nhiên, việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế cũng cần kết hợp với phát triển cơ sở hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hoá, công trình công cộng) và môi trường. Điều này sẽ giúp tăng sự hấp dẫn của Nghệ An trong mắt các nhà đầu tư.
4.3. Phát huy lợi thế cạnh tranh của tỉnh 
Nghệ An được các chuyên gia kinh tế đánh giá có diện tích rộng, lực lượng lao động dồi dào và tài nguyên phong phú, trong đó, tài nguyên đất bao gồm: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và đất nông nghiệp khác. Đất đai lớn là tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm và thuỷ sản trên quy mô lớn, tập trung, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các loại sản phẩm từ cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và gia cầm. 
Nghệ An là một địa điểm lý tưởng cho việc phát triển ngành du lịch, nhờ vào địa hình phong phú, đa dạng và vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời và gắn liền với các di tích - danh thắng của dân tộc. 
Tỉnh có tiềm năng để phát triển các ngành nông, lâm, thủy sản và du lịch. Để thu hút các nhà đầu tư chú ý đến các lĩnh vực này, cần xây dựng danh mục các dự án ưu tiên, động lực và lan tỏa để phát huy lợi thế cạnh tranh. Việc hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư và chuyên nghiệp hóa các tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn quốc tế cũng là việc cần thiết để tạo điểm nhấn quảng bá và giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần tăng cường quảng bá tiềm năng thế mạnh của tỉnh thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam và các tổ chức Hội người Việt Nam ở nước ngoài, và triển khai công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ làm công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. 
4.4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương 
Nâng cao trình độ học vấn và khoa học kỹ thuật cho người lao động bằng cách đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề, xây dựng các mô hình đào tạo chất lượng cao và gắn với nhu cầu của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để triển khai thực hiện. Cần đẩy mạnh chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Cần tăng cường gắn kết giữa Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề. Cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách về phát triển nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây