Lời tự bào chữa của Hoạn Thư xét từ góc nhìn Dịch lý

Thứ năm - 03/08/2023 05:21 0

Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du chứa đựng những giá trị văn hóa đa diện mà việc đọc và giải mã các mặt văn hóa đó có sức hút kỳ lạ, không chỉ cho giới nghiên cứu phê bình, những người sành văn chương…mà cho mọi lứa tuổi, cho các trạng huống tâm thần thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Truyện Kiều không chỉ trở thành một dạng công thức để tập Kiều hay để rút ra những câu thơ phù hợp trong sinh hoạt đối đáp theo lối lẩy Kiều, vịnh Kiều mà còn được sử dụng như một phương tiện phục vụ cho mục đích tiên tri dự báo, được gọi là bói Kiều. Để có thể trở thành hay mang được tính chất đáp ứng mục đích dự báo, Truyện Kiều, đương nhiên cũng như các phương tiện phục vụ cho mục đích dự báo khác mà con người đã tạo ra trong thực tiễn đời sống, phải chứa đựng những khả năng đáp ứng cho yêu cầu dự báo, chứa đựng những khả thể có thể xảy ra theo những kịch bản khác nhau. Nói cách khác, Truyện Kiều cũng phải chứa đựng những yếu tố hay năng lực dự báo tùy theo cách hiểu, cách tiếp nhận, nghĩa là tự thân nó phải chứa đựng những ký hiệu để xác lập nguyên tắc tạo mã, để từ đó có thể rút ra chìa khóa giải mã, dẫn tới hình thức bói Kiều trong dân gian. Trên thế giới, Kinh Dịch, Kinh Thánh, thơ của Hafez (nhà thơ lớn của Ba Tư trung cổ, khoảng 1321 - 1390); hay sử thi Bắc Âu, ngoài việc đảm nhiệm các chức năng văn học và tâm linh trong đời sống xã hội, cũng được dùng cho mục đích tiên tri dự báo. 
Trong bài viết này, chúng tôi kiến giải tình huống tự bào chữa của nhân vật Hoạn Thư từ góc nhìn Dịch lý, để làm sáng tỏ tính chất phương tiện tiên tri dự báo của Truyện Kiều, tính chất đảm bảo cho Truyện Kiều thực hiện một chức năng xã hội khác, ngoài các chức năng đã có của văn học. Khi xác lập và gọi tên các quẻ, xác định âm hay dương, hào âm hay hào dương, chúng tôi dựa vào các qui ước đã có trong Kinh Dịch hay được qui định trong các chuyên khảo bàn về âm dương ngũ hành. Những lời tự bào chữa của Hoạn Thư được đưa ra khi Hoạn Thư bị đưa đến nơi xử án, thường được gọi là màn báo ân báo oán, là một bước ngoặt đặc sắc trong nghệ thuật tổ chức cốt truyện. 
Sau khi nghe những lời phủ đầu đầy cay nghiệt, đầy ấm ức: “Kiến bò miệng chén chưa lâu/ Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”(1) của Kiều, trong vị thế người xử án, thì cho dù “hồn lạc phách xiêu”, Hoạn Thư vẫn đủ tỉnh táo để tự bào chữa một cách minh bạch, khúc chiết, thấu tình đạt lý, không chỉ là nói phải củ cải cũng nghe mà dựa trên logic Dịch lý, lập luận chặt chẽ theo triết lý âm dương ngũ hành, vừa thể hiện năng lực trí tuệ và khả năng học vấn của nhân vật này, vừa cho thấy năng lực trí tuệ của đối thủ là Thúy Kiều. Ta sẽ phân tích theo thứ tự từng câu để làm rõ tính chất Dịch lý trong lời tự bào chữa này.


Minh họa cảnh Hoạn Thư đánh ghen trong Truyện Kiều

Trước hết, tính chất thuần âm được biểu lộ rõ trong câu: Rằng: “Tôi chút phận đàn bà...”.  Ở đây: Tôi = Hoạn Thư = nữ thì đương nhiên là âm theo qui ước của Dịch lý; chút phận = nhỏ mọn, nhỏ nhoi cũng thể hiện tính âm, đối lập với to lớn mang tính dương trong tương quan so sánh ngầm giữa vị thế của Hoạn Thư và vị thế hiện tại của Kiều; còn đàn bà thì đương nhiên là âm rồi, cho nên các hào ở đây toàn âm, ba hào âm kết lại thành quẻ Khôn (vi địa,          âm thổ). Câu mở đầu lời tự bào chữa cho thấy hoàn cảnh Hoạn Thư đang gặp phải, cho thấy Hoạn Thư đã rơi vào trạng thái toàn âm. Quẻ Khôn biểu tượng cho đất, cho sự tĩnh tại hay bất động, nghĩa là Hoạn Thư đã rơi vào trạng huống “dịch cùng tắc biến”, mà nếu không biến được thì mọi việc sẽ kết thúc bi thảm ở đây.  Quẻ Khôn, vừa là khả năng chứa đựng vạn vật, hấp thu mọi năng lượng, gánh vác và chịu đựng tất cả, vừa là biểu trưng cho người mẹ, cho trưởng nữ, mà ở đây còn cho cả vai trò chính thất nữa. Cấu trúc thuần âm này đã từng xuất hiện khi Kiều bị Tú Bà dùng chước đà đao bắt lại khi Kiều nghe lời Sở Khanh đi trốn: “Rằng: Tôi chút phận đàn bà/ Nước non lìa cửa lìa nhà đến đây”, câu thơ này đánh dấu thời điểm mở đầu bĩ cực của Kiều, với khả năng biểu đạt nhiều nghĩa.
Vì vậy, câu thơ tiếp theo: “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, xuất hiện yếu tố tạo “biến” để chuyển hóa, nếu không mọi việc sẽ kết thúc bi thảm. Yếu tố đó là ghen tuông, một sản phẩm của tính cách con người nhưng bao giờ cũng được thể hiện ra ngoài (các hình thức ghen tuông hay đánh ghen), tức là mang tính dương, theo qui ước trong âm ngoài dương. Tính dương này được khẳng định như là một hiện tượng phổ quát: “thì cũng”, mà đã là phổ quát thì có nghĩa là ai cũng có ít nhất một lần trong đời, nghĩa là ghen tuông là hiện tượng mang tính xã hội khả dĩ chấp nhận được và yếu tố này tạo ra tình tiết giảm nhẹ trong xét xử, và cũng mang tính dương, vì được thể hiện trên bề mặt. Cái phổ quát đó được khẳng định hai lần. Lần thứ nhất bởi “người ta” mà có thể hiểu “người ta” ở đây là cả thiên hạ, có thể hiểu “người ta” ở đây là Kiều và đương nhiên “người ta” còn là Hoạn Thư nữa, nghĩa là Hoạn Thư và việc ghen tuông của Hoạn Thư cũng nằm trong quỹ đạo nhân tính. Phẩm chất nhân tính được khẳng định tiếp tục bằng “thường tình”, bằng sự thể hiện ra ngoài, tức là được mang tính dương. Bởi những gì nhìn được bằng mắt thì mang tính dương, những gì chỉ cảm nhận được bằng suy lý thì mang tính âm. Lần khẳng định thứ hai này nhấn mạnh tính chất phổ quát, đặt sự việc ghen tuông thành một sự việc tầm thường chẳng có gì to tát mà phải đao to búa lớn, hay phải cần đến một tòa án có qui mô như Kiều đã triển khai để xét xử Hoạn Thư. Ở đây có sự đối lập trong quan niệm sống giữa một bên là quan niệm của Hoạn Thư, một bên là quan niệm của Kiều: “Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”. Việc ghen tuông bình thường bị xé thành to theo quan niệm của Hoạn Thư và cách xé chuyện bé thành chuyện to như Kiều đang làm, tạo ra sự đối lập giữa Kiều và Hoạn Thư, thể hiện quyết tâm buộc tội Hoạn Thư của Kiều. Vì sự khẳng định hai lần này được biểu lộ ra ngoài nên nó mang tính dương. Như vậy, tính chất dương của quẻ này được thể hiện trong toàn bộ câu thơ, tạo ra quẻ Càn (thuần Càn,      dương kim). 
Vì câu trên là quẻ Khôn, nghĩa là mẹ, câu dưới là quẻ Càn, nghĩa là cha; câu lục mang tính chất lục khí, câu bát mang tính chất bát quái, nên tạo ra sự hợp vần diễn tả sự chuyển hóa âm dương. Câu lục là mẹ, đi trước câu bát là cha, theo trật tự trong nghi thức lời nói của người Việt: Mẹ - Cha, vợ - chồng, Bà trời - ông Giăng… theo cách thức diễn đạt và thể hiện Dịch lý thuần Việt, theo truyền thống đạo Mẫu. Nhưng Càn Khôn tự thân chúng cũng là Cương (cha) - Nhu (mẹ) của cuộc sống đời thường, do đó, nguyên tắc lấy nhu thắng cương trở thành nguyên tắc ứng xử linh hoạt của người Việt trong thực tiễn, cũng hé lộ ở đây. 


Những nghiên cứu về nhân vật Hoạn Thư

Khi đã có mẹ có cha thì tất yếu sẽ sinh ra các con mà vì thế các câu thơ tiếp theo được tổ chức theo cách thức kể liệt kê sự việc: Nghĩ cho khi các viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo… Trước hết, câu thơ Nghĩ cho khi các viết kinh xác lập mốc giới thời gian gắn với việc phải làm của chủ tọa phiên tòa: “Nghĩ cho…”. Lúc này, yếu tố dương lộ diện, bởi cái Nghĩ cho này mang tính hiện tại, biểu thị thời gian hiện tại. Những gì thuộc về hiện tại, để biểu thị hiện tại hay đang trong hiện tại thì đều là dương, được biểu thị bằng một vạch liền, tức là hào dương. Hào tiếp theo để tạo thành quẻ này lại gắn với một sự việc đã thuộc về quá khứ. Những gì thuộc về quá khứ đều được qui ước là âm. Sự việc này tái hiện những gì đã diễn ra trong quá khứ, mà điểm nhấn là sự kiện sửa sai chuyện ghen tuông do chính Hoạn Thư thực hiện, nhờ đó Kiều ít nhất cũng thoát khỏi khổ nạn “con ở chúa nhà”, trở lại có danh có phận. Nhưng vì là sự việc đã xảy ra trong quá khứ nên nó thuộc âm. Cụm từ: “khi các viết kinh”, có hai sự kiện mang tính âm: một là Kiều được cho chỗ ăn ở riêng biệt, nếu không nói là quá đường hoàng (các), hai là  Kiều được có công việc cụ thể, xa tục lánh trần, tại đó Kiều thực hành tu thân bằng viết kinh. Quẻ Chấn (ngưỡng bồn,           dương mộc), với một hào dương và hai hào âm, xuất hiện ở đây. Chấn mang nghĩa sấm động cho nên khi sấm đã làm chuyển động không gian thì mọi sự sẽ thay đổi, câu chuyện được đẩy lên bằng những sự việc tiếp nối xảy ra sau đó. Quẻ Chấn do quẻ Khôn mà ra, là biểu tượng rồng từ dưới vực sâu bay vút lên bầu trời bão tố. 
Câu Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo cũng bắt đầu bằng một sự kiện đã thuộc về quá khứ: sự kiện Kiều phải bỏ trốn khỏi Quan Âm Các sau cuộc hội ngộ bi thương “nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than”, mà gắn với sự kiện này là cách hành xử của Hoạn Thư: “dứt tình - chẳng theo”. Cách hành xử này xảy ra sau khi Kiều đã bỏ trốn, mà cụm từ Với khi khỏi cửa cho thấy hoàn cảnh lộ liễu bất thường, nhưng dứt khoát “đường ai nấy đi”, song không cạn tàu ráo máng, không truy sát đến cùng. Cách hành xử của Hoạn Thư với Kiều được thực hiện ngay sau thời điểm Với khi khỏi cửa đã xảy ra, nên chúng mang tính dương. Một mặt, sự việc này thể hiện thái độ dứt khoát: “dứt tình”, coi như giữa hai bên, giữa Hoạn Thư và Kiều không còn nợ nần gì với nhau nữa, trở thành những người xa lạ với nhau, mà cụm từ “chẳng theo” mang tính dương mạnh nhất. Bởi vì, ta biết khi đi trốn Kiều có mang theo các đồ chuông khánh của Quan Âm Các, mà sau này khi Kiều tá túc ở Chiểu ẩn am thì có người phát hiện ra là: “Khéo giống của nhà Hoạn nương”. Đây là một chi tiết chứng tỏ Hoạn Thư rất cao tay, Hoạn Thư biết mất đồ, biết cả nơi Kiều đang ở, nhưng Hoạn Thư không truy sát. Đây là chỗ tính dương biểu thị vẻ đẹp vị tha của Hoạn Thư và cũng là chỗ biểu thị tính chất văn hóa vợ chồng của người Việt: Hoạn Thư chỉ cần giữ chồng thôi, chỉ cần êm cửa ấm nhà thôi, cho nên đã thể tất nhân tình tha thứ cho Kiều, thể hiện sự trọn vẹn trước sau: “Ví bằng thú thật cùng ta/ Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên/ Dại chi chẳng giữ lấy nền/Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình”. Câu Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo có hào thứ nhất âm, hai hào tiếp theo dương, tạo thành quẻ Tốn (           âm mộc). Hào âm ở dưới tĩnh, hai hào dương ở trên động, tượng trưng đất thì tĩnh, còn vật ở bên trên, tức là gió thổi, thì động, nên Tốn là gió. Gió làm cho tiếng sấm vang xa hơn, uy lực hơn. Sự vận động của câu thơ cũng cho thấy cách thức chuyển hóa âm dương rất rõ, là sự vận động từ trong ra ngoài, từ bóng tối ra ánh sáng, tạo ra một sự tường trình minh bạch, có lý có tình, có trên có dưới, có phải có trái, có học thức đường hoàng chứ không phải là loại đầu bờ cuối bãi, trên bộc trong dâu.
Sự trần tình được tiếp diễn thông qua  hình thức thổ lộ, bộc bạch chân tình: “Lòng riêng riêng những kính yêu” cũng mở đầu bằng hào âm (lòng riêng, vì theo nguyên tắc cái gì riêng cũng thuộc âm) và được hé lộ hay biểu lộ ra bên ngoài: riêng những - kính yêu, mà ở đây cụm từ riêng những cho thấy phẩm chất thật lòng bên trong của tình cảm Hoạn Thư (Tiểu thư xem cũng thương tài/ Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân), tạo thêm một hào âm nữa để sau đó trừu xuất thành sự khẳng định thật sự thật lòng: kính yêu, thể hiện trong tính chất “kính”, theo nghĩa thông thường, là sự tôn trọng người tài đức; “yêu” là cung bậc cao nhất của tình cảm giữa người và người, là sự thông cảm tột cùng với nhau (thương nhau chín bỏ làm mười). Sự khẳng định kính yêu tạo ra hào dương trong quẻ gắn với câu thơ này: hai âm một dương tạo thành quẻ Cấn (phú uyển ☶ dương thổ), gồm một hào Dương trên cùng là cứng, là núi; hai hào Âm bên dưới là mềm, là đất, tượng trưng cho sự chờ đợi trong lặng lẽ, biểu trưng cho tình trạng cô đơn, đơn thương độc mã của Hoạn Thư.
 Câu thơ tiếp theo: Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai, mang tới hào dương đầu tiên bằng sự khẳng định hiển nhiên Chồng chung hay trạng thái chung chồng, tức là một tình huống bất đắc dĩ được tạo ra (và thực tế đã được tạo ra nhưng không hoàn hảo, vì Thúc Sinh đã được gia đình cho cưới Kiều làm vợ theo đúng nghi thức: Kiệu hoa cất gió đuốc hồng ruổi sao/ Bày hàng cổ xúy xôn xao…, nhưng vẫn giấu giếm Hoạn Thư trong khi Hoạn Thư vẫn là chính thất). Nếu cả hai người bị đặt vào hoàn cảnh chồng chung - chung chồng như vậy thì tất yếu chưa dễ ai chiều cho ai, tức là một sự thực khả dĩ không tránh khỏi, biểu thị xung đột vợ lớn vợ bé trong gia đình. Cụm từ chưa dễ ai chiều cho ai tạo ra hai hào, một âm một dương, thể hiện khả năng xung đột không ai nhường ai, ai cũng phải mà ai cũng trái đó. Ta có quẻ hai dương một âm, là quẻ Đoài (thượng khuyết ☱ âm kim), gồm một hào Âm trên hai hào Dương, tạo ra tính chất thượng khuyết, ám chỉ vai trò yếu kém của anh chồng Thúc Sinh: “Nghĩ đà bưng kín miệng bình/ Nào ai có khảo mà mình lại xưng”, bởi anh ta  “Thấp cơ thua trí đàn bà/ Trông vào đau ruột nói ra ngại lời”. 
Sự trần tình bộc bạch, bằng những điểm nhấn có trọng lượng, có sức thuyết phục cao và không thể bắt bẻ, chấm dứt với sự trở về thực tại đang diễn ra: “Trót lòng gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”. Câu Trót lòng gây việc chông gai với cụm từ trót lòng tạo ra hào âm đầu tiên của quẻ vì là sự đã rồi; cụm từ gây việc mang tính chất dương; còn cụm từ chông gai chỉ tính chất của việc đã gây ra, do đó thuộc âm. Ta có hào dưới âm, hào giữa dương, hào trên âm, tạo thành quẻ Khảm (trung mãn ☵ dương thủy). Hai hào âm trên và dưới ôm lấy dương. Hào dương như một dòng chảy ở giữa, mà dòng chảy thì tự thân vận động, phải tự mình cứu mình, bổ sung cho tính chất cô đơn của Hoạn Thư trong hoàn cảnh này.
Câu thơ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng? Ngoài phải mang tính chất là một lời cầu xin nhưng điều quan trọng nhất là nó gắn với thời điểm hiện tại, nghĩa là thời điểm đang Hoạn Thư đang bị xử án, cho nên tính chất dương được bộc lộ ra. Cụm từ còn nhờ mang tính dương bởi nó yêu cầu hành động phải diễn ra trước mắt, phải được mọi người thấy. Cụm từ này được nhấn mạnh thêm bằng cụm từ nào chăng, như là cách thức đòi hỏi, là yêu cầu được đặt ra. Tổ hợp còn nhờ - nào chăng mang tính dương, gợi ra lối mở hay cách thức giải quyết vấn đề cho bài toán trả hận hờn ghen của Kiều. Bài toán này bị qui định bởi phẩm chất lượng bể thương bài, tức là phụ thuộc vào tình cảm và tính người của Kiều, phụ thuộc những yếu tố bên trong, thuộc nội tâm hay tấm lòng con người, bởi chẳng ai hình dung được lượng bể hay tình thương nếu chúng không hiện hình qua hành động cụ thể. Cụm từ lượng bể thương bài diễn tả những yếu tố bên trong nên mang tính chất thuần âm. Ta có hào dưới là dương, hào giữa là âm, hào trên là dương, tạo thành quẻ Ly (trung hư ☲ âm hỏa), biểu tượng của lửa, của tia chớp, là vẻ đẹp tự thân của đất trời trong giông bão.
Tám câu thơ tự bào chữa của Hoạn Thư tạo thành tám quẻ, được liên kết thành cặp với nhau: Khôn (☷ âm thổ) - Càn (☰  dương kim); Chấn (☳ dương mộc) - Tốn (☴ âm mộc); Cấn (☶ dương thổ) - Đoài (☱ âm kim); Khảm (☵ dương thủy) - Ly (☲ âm hỏa). Các cặp này diễn tả chính xác tính chất đặc biệt của hoàn cảnh Hoạn Thư đang gặp phải, qua các tương hợp tương hòa tương xung tương vũ theo âm dương ngũ hành thể hiện trong ký hiệu qui ước của từng yếu tố. Các cặp này thể  hiện sự vận động của câu chuyện được kể tóm tắt qua lời Hoạn Thư, vừa tự bào chữa nhưng lời bào chữa đó lại tái hiện những gì đã xảy ra, tái hiện những sự kiện cơ bản trong chặng đầu của mười lăm năm long đong chìm nổi của Kiều, một cách trung thực tới mức sau khi nghe xong Kiều đã phải thán phục “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”. 
Hai câu đầu, xác lập nguyên tắc nhu (=Khôn) - cương (= Càn); còn các câu tiếp theo thì quẻ đầu là dương quẻ đối lập với nó là âm, diễn tả xung đột nhu - cương, theo xu hướng nhu thắng cương. Vì thế hai câu thơ cuối của lời tự bạch như ánh chớp (= Ly) lóe lên giữa trời mây sông nước (= Khảm), vệt sáng chói lòa (= Ly) bên trên dòng sông (= Khảm) đang cuộn chảy, khơi dậy ý thức nhân tính trong con người, thức tỉnh tâm hồn đang rơi vào cõi mê, để giúp Kiều nhận ra con đường phải đi, chân lý phải làm.
Tuy nhiên, các quẻ được xác lập trên đây mới chỉ là các quẻ đơn, cho dù đã bộc lộ ra những nét nghĩa, gợi mở một số nghĩa của câu chuyện được kể đang diễn ra giữa Hoạn Thư và Kiều, nhưng chưa đủ. Vì vậy, theo nguyên tắc Dịch lý, các quẻ đơn cần được kết hợp lại với nhau, diễn tả sự biến dịch, để tường minh câu chuyện theo trật tự logic diễn hành trong tự nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu cần biết trước những gì có thể xảy ra, những gì có thể đến trong cuộc đời một con người, như thế mới mang được tính chất tiên tri dự báo. Sự kết hợp các quẻ đơn để tạo thành quẻ kép tuân thủ nguyên tắc xác lập quẻ của Kinh Dịch, theo đó cứ hai câu thơ, một lục một bát là một liên thơ, được kết nối thành một quẻ kép. Quẻ đơn của câu lục được xếp ở trên, quẻ đơn của câu bát được xếp ở dưới, theo đúng trật tự của câu thơ mà không đảo lộn hay phá vỡ trật tự logic này. Cụ thể, sự kết hợp quẻ Khôn với quẻ Càn, Khôn (☷ âm thổ) - Càn (☰ dương kim), liên quan tới hai câu thơ: Rằng: “Tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình..”  tạo thành quẻ Địa Thiên Thái, quẻ thứ 11 trong 64 quẻ của Kinh Dịch. Cặp Chấn (☳ dương mộc) - Tốn (☴ âm mộc), của Nghĩ cho khi các viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo, tạo thành quẻ  Lôi Phong Hằng, số thứ tự là 32. Cặp Cấn (☶ dương thổ) - Đoài (☱ âm kim), gắn với Lòng riêng riêng những kính yêu, Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai, tạo thành quẻ Sơn Trạch Tổn, đứng thứ 41. Cặp Khảm (☵ dương thủy) - Ly (☲ âm hỏa), của Trót lòng gây việc chông gai, Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng, tạo thành quẻ Thủy Hỏa Ký Tế, số thứ tự là 63. Chúng tôi dựa vào cuốn Kinh Dịch đạo của người quân tử của Nguyễn Hiến Lê(2) để tường minh, trong chừng mực, ý nghĩa của các quẻ kép này.
Quẻ Địa Thiên Thái  có Nội quái là ☰ (乾 qian 2,  là Can hay Trời 天);  Ngoại quái là  ̀ ☷ (坤 kun 1, là Khôn hay Đất 地). Quẻ này mang ý nghĩa: thông hiểu, am tường, hiểu biết, thông suốt, quen biết, quen thuộc. Thái nghĩa là yêu thích, thông thuận. Trong quẻ Thái này, Càn là khí dương, Khôn là khí âm, “khí dương ở dưới có tính cách thăng mà giao tiếp với âm, khí âm ở trên có tính cách giao tiếp với khí dương”, hai khí giao hòa mà mọi vật được yên ổn, thỏa thích. Trong (nội quái)  là dương, ngoài “ngoại quái” là âm, trong mạnh mà ngoài thuận, trong quân tử mà ngoài tiểu nhân, đạo quân tử thì lớn, mà đạo tiểu nhân thì tiêu giảm đi thể hiện ngay trong quan hệ  “con ở chúa nhà” trước đây. Quẻ Địa Thiên Thái cho thấy ý nghĩa thiên địa hòa xướng chi tượng hay tượng trời đất giao hòa cho thấy rõ hơn quan hệ giữa Hoạn Thư và Kiều: cả hai đã rất hiểu nhau, mà lời chào hỏi mang tính mỉa mai: “Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây”, minh chứng cho mối quan hệ đã biết rõ về nhau ấy.
Quẻ Lôi Phong Hằng    có Nội quái là ☴ (巽 xun 4, là Tốn hay Gió 風). Ngoại quái là ☳ (震 zhen 4, là Chấn hay Sấm 雷). Quẻ này chỉ sự lâu dài, biểu thị đạo nghĩa lâu bền như vợ chồng, hay khả năng kéo dài, dựa trên quan hệ giao tiếp thâm sâu, kiểu bạn cố tri, cố nhân. Cương (Chấn) ở trên, nhu (Tốn) ở dưới, sấm gió giúp sức nhau, Chấn động trước, Tốn theo sau, thế là thuận đạo. Lại thêm ba hào âm đều ứng với ba hào dương cũng là nghĩa thuận nữa, cả hai bên đều giữ được đạo chính lâu dài. Quẻ này quan trọng ở hào 5: đạo phu xướng phụ tùy vào thời xưa. Quẻ này cũng mang tính chất một lời khuyên làm theo lý không đúng lý thì không làm, mà lý ở đây sự cự tuyệt không chấp nhận Kiều là kế thất của Hoạn Thư. Quẻ Lôi Phong hằng gắn với hoàn cảnh khi Kiều bị gia đình Hoạn Thư bắt về làm kẻ hầu hạ cho Hoạn Thư nhằm mục đích, dạy cho Thúc Sinh bài học để đời, đồng thời cũng cho thấy tính chất gia giáo, gia phong nề nếp của gia đình Hoạn Thư, thể hiện đạo nghĩa vợ chồng gắn kết bền chặt mà Kiều không có chỗ để chen chân vào. 
Quẻ Sơn Trạch Tổn  gồm Nội quái là ☱ (兌 dui 4, là Đoài hay Đầm 澤). Ngoại quái là ☶ (艮 gen 4, là Cấn hay Núi 山), với các ý nghĩa hao hụt mất mát, thua thiệt, bớt phần dưới cho phần trên là tổn hại. Quẻ này hàm ý: Phòng nhân ám toán chi tượng hay tượng đề phòng sự ngầm hại, hao tổn. Tổn là thiệt hại mà cũng có nghĩa là giảm đi. Giảm đi: nếu chí thành thì rất tốt, không có lỗi, giữ vững được như vậy thì làm việc gì cũng có lợi. Giảm đi không nhất định là tốt hay xấu. Còn tùy mình có chí thành, không lầm lỡ thì mới tốt. Giảm đi ở đây liên quan tới quyết định của Kiều trong vai trò người đưa ra phán quyết cao nhất và cuối cùng. Thoán truyện giảng: phải biết tùy thời; nếu cương quá thì bớt cương đi, nếu nhu quá thì bớt nhu, nếu vơi quá thì nên làm cho bớt vơi, nếu văn sức quá thì bớt đi mà thêm phần chất phác vào; chất phác quá thì thêm văn sức vào, dân nghèo mà bóc lột của dân thêm vào cho vua quan là xấu; nhưng hạng dân giàu thì bắt họ đóng góp thêm cho quốc gia là tốt; tóm lại phải tùy thời, hễ quá thì giảm đi cho vừa phải. Đại tượng truyện khuyên người quân tử nên giảm lòng giận và lòng dục đi (Quân tử dĩ trừng phẫn, trất dục). Quẻ Tổn này chưa chắc đã xấu, ích (tăng) chưa chắc đã tốt; còn tùy việc tùy thời, hễ quá thì nên tổn để được vừa phải, thiếu thì nên ích và mình nên chịu thiệt hại cho mình mà giúp cho người. Quẻ này có nghĩa tổn dương cương (quẻ Càn ở dưới) để làm ích cho âm nhu (quẻ Khôn ở trên mà không làm tổn hại đức cương chính trực của mình, hàm chứa lời khuyên răn để Kiều suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 
Quẻ Thủy Hỏa Ký Tế    gồm Nội quái là ☲ (離 li 2, là Ly hay Hỏa 火). Ngoại quái là ☵ (坎 kan 3, là Khảm  hay Nước 水), mang ý nghĩa: sự  gặp gỡ, cùng nhau, việc đã xong, thực hiện được lợi ích nhỏ. Quẻ này nghĩa là: Hanh tiểu giả chi tượng hay việc nhỏ thì thành. Tế là vượt qua sông là nên làm; Ký Tế là đã vượt qua, đã nên chuyện, đã thành, đã xong. Nếu làm nốt các việc nhỏ, cố giữ được những việc đã thành rồi thì mới lợi. Quẻ này trên là nước, dưới là lửa. Lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước, nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Cũng như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên thì nước mới nóng, mới sôi được. Ở vào thời Ký Tế, chuyện lớn đã xong, còn những việc nhỏ cũng phải làm cho xong nữa, thì mới thật là hoàn thành. Hoàn thành rồi lại phải cố giữ được sự nghiệp; nếu không thì chỉ tốt lúc đầu thôi mà rốt cuộc sẽ nát bét.   Quẻ này còn hàm ý nhắc khéo Kiều, vì Kiều đã có danh, có phận, có địa vị giàu sang, là vợ vua Từ Hải, thì phải cố mà giữ những cái đã đạt được, nếu không về sau sẽ chẳng còn gì. Bởi chính lời bàn hạ vũ khí đầu hàng của Kiều với Từ Hải sau này không lâu: “Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu hai là đắc trung”, đã làm tiêu vong sự nghiệp của Từ Hải và cũng hạ bệ hoàn toàn Thúy Kiều, đẩy Kiều vào con đường phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Tính chất tiên tri dự báo trong Trót lòng gây việc chông gai, Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng, chứa đựng ý nghĩa triết lý và chiều sâu ngữ nghĩa cho việc thẩm thơ, bình thơ theo góc nhìn Dịch lý.
Tóm lại, việc rút ra các quẻ từ lời tự bào chữa của Hoạn Thư dựa trên nguyên tắc Dịch lý, cho phép hiểu sâu sắc hơn giá trị của Truyện Kiều trên bình diện triết học. Sự tài hoa sắc sảo, thông tuệ, có học vấn cao của Thúy Kiều và Hoạn Thư được nhận diện qua góc nhìn Dịch lý, cũng cho thấy học vấn uyên thâm của thiên tài Nguyễn Du, không chỉ ở mức tuyệt tác thi thư mà còn sâu sắc vô cùng trong Lý Số. Bởi nhà thơ đã chuyển tải câu chuyện nhân tình thế thái đẫm nước mắt thành cách chuyển hóa Dịch lý, tạo ra chiều kích triết học cho tác phẩm. Chính Dịch lý đã làm cho câu chuyện tài mệnh tương đố, tài tình tương đố, thiên mệnh tương đố trở nên sâu sắc hơn, có thêm sức sống và đó cũng chính là tính chất của những kiệt tác văn chương nhân loại.
Chú thích:
1. Các câu thơ được dẫn trong bài đều được lấy từ Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974.
2. Nguyễn Hiến Lê: Kinh Dịch đạo của người quân tử . NXB Văn học, thành phố Hồ Chí Minh, 1994.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây