Bàn tròn tháng 11 - Kỳ Sơn: Những thế mạnh Du lịch cần được “Đánh thức”

Thứ sáu - 29/12/2023 04:21 0
Với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng do có địa hình núi non hùng vĩ và văn hóa dân tộc thiểu số còn giữ được các nét nguyên bản, chưa được khám phá hết nên rất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là nền tảng, là cơ hội cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng…
Để tiếp tục từng bước cụ thể hóa Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030” của UBND huyện Kỳ Sơn, đồng thời “hiến kế” giúp huyện khai thác hiệu quả các thế mạnh về du lịch, Đặc san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An lược đăng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp tại Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững du lịch huyện Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề”. Trên các bình diện và góc độ chuyên môn, các chuyên gia đã đề xuất hướng đi khả thi, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, theo chủ trương của lãnh đạo huyện cũng như khát vọng của bà con các dân tộc trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.
"Văn hóa tộc người là thế mạnh du lịch đặc biệt của huyện Kỳ Sơn"

TS. Vi Văn An - Hội Dân tộc học Việt Nam

Kỳ Sơn là địa bàn quần tụ của 5 dân tộc: Thái, Mông, Khơ-mú, Kinh và Hoa, trong đó Thái, Mông và Khơ-mú chiếm số đông. Bên cạnh những đặc điểm chung mang tính vùng miền, các tộc người thiểu số ở huyện Kỳ Sơn đều sở hữu bản sắc văn hóa riêng, mang đậm đặc trưng truyền thống của mình. Các đặc trưng văn hóa này bao gồm cả lĩnh vực văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. 
Về văn hóa vật thể: Khá phong phú, đa dạng và đặc sắc với các di tích lịch sử, danh thắng chung của các dân tộc như: Đền Pu Nhạ Thầu, tháp cổ Xốp Lượt/tháp Yên Hòa, Puxailaileng, thác Rồng, thung lũng Long Hẻo, chợ biên giới, rừng Pơmu,... Ngoài ra, các mô hình homestay người Thái ở bản Yên Hòa (xã Mỹ Lý), người Mông bản Mường Lống (xã Mường Lống); các làng nghề dệt thổ cẩm; làng nghề đan lát,... là thế mạnh trong việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, thu hút du khách. 
Nhà ở truyền thống: Cộng đồng dân tộc ở huyện Kỳ Sơn vẫn được duy trì loại hình nhà sàn truyền thống của người Thái, người Khơ Mú hay nhà trệt của người Mông, nhất là nhà truyền thống tại các làng nghề đang được bà con bảo lưu. Bên cạnh các loại đồ gia dụng truyền thống (gùi, mẹt, sàng, sẩy, nong, nia, ép xôi, ghế mây, mâm mây hay loỏng và cối giã gạo, cối giã gia vị, xoong, nồi, bát đĩa, ninh chõ đồ xôi…) vẫn còn được duy trì và sử dụng với những mức độ phổ biến khác nhau trong các hộ gia đình.
Y phục và trang sức: Hầu hết các tộc người, kể cả các nhóm địa phương của từng dân tộc đều vẫn bảo lưu và duy trì những nét độc đáo, bản sắc trong trang phục truyền thống, nhất là y phục và trang sức nữ giới. Mỗi dân tộc có những nét riêng biệt trong từng trang phục như: váy, áo, khăn đội,... ; trang sức nữ giới cũng có những đặc sắc riêng và được người dân bảo tồn, sử dụng đến ngày nay, đặc biệt là vào những dịp lễ, tết,... 
Ẩm thực cũng là một trong những thế mạnh văn hóa trong phát triển du lịch của huyện, thông qua những món ăn đặc sắc, độc đáo cuốn hút khách du lịch. Người Thái có các món truyền thống nổi tiếng: Cơm lam, các loại xôi (nếp cẩm, xôi màu, bánh sừng bò); các món thịt (thịt nướng, luộc, sấy, bò giàng, thịt lợn gác bếp, giò me), cá (cá nướng, ướp chua, moọc, lạp, gỏi, lam, đồ); các món độc đáo (pịa-ruột non của các loại động vật ăn cỏ); các món canh (canh môn, canh ột, canh cải, canh chua, canh măng, xáo gà);… Người Mông có: cơm tẻ, xôi nếp đồ, bánh dày; các món thịt sấy xào rau cải, gà đen luộc, bò giàng; các loại canh cải, canh rau rừng, khoai sọ, xu xu xào;... Người Khơ Mú có xôi nếp, cơm lam; các món thịt cá nướng, luộc, nấu canh măng chua, dưa chua, nặm pịa (như người Thái), nhất là canh lam nhoọc (thịt sấy nấu với tấm, gia vị sả, mắc khén, ớt, hẹ)...
Ngoài uống nước chè xanh, nước mỏ, tất cả các tộc người thiểu số ở Kỳ Sơn đều có tập huấn uống rượu cần và rượu trắng, trong đó, rượu cần của người Khơ Mú là sản phẩm văn hóa rất nên được chú trọng, chế biến để phục vụ khách du lịch.
Về văn hóa phi vật thể: rất phong phú, đa dạng, gồm các loại hình và làn điệu dân ca gồm: khắp, nhuôn, xuôi của người Thái; các điệu tơm của người Khơ-mú, dân ca Mông; các làn điệu dân vũ: múa nón, nhảy sạp, khắc luống (tung loòng) của người Thái, múa khèn của người Mông, múa giỗ ống (tằng bụ) của người Khơ Mú. Các loại nhạc cụ: pí, khèn bè, nhị hai dây, chiêng trống của người Thái; sáo dọc, sáo ngang, pí tơm, pí tót, đàn môi, thằm đao đao, mbring rbang... của người Khơ-mú, khèn, sáo của người Mông.
Tín ngưỡng phong tục, tập quán của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú ở phạm vi gia đình (lễ cúng ma nhà/xơ phi hươn, lễ cúng vía, lễ lên nhà mới, lễ đặt tên cho trẻ, lễ cơm mới), phạm vi bản (lễ cúng bản/xên bản, lễ xăng khan, lễ cầu mùa, cầu mưa, hay các nghi lễ nông nghiệp khác) và phạm vi mường, trong đó quy mô nhất là Lễ đền Pu Nhạ Thầu (xã Hữu Kiệm), được tổ chức vào tháng Hai Âm lịch, sau Tết Nguyên đán hằng năm. Trong các ngày lễ tết hay trong các dịp sinh hoạt cộng đồng, các tộc người thiểu số ở Kỳ Sơn cũng duy trì và bảo lưu các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ; chơi quay, tung còn (Thái), ném pao, chơi quay (Mông)… Đặc biệt, lễ hội chọi bò của người Mông xã Mường Lống vào dịp Xuân là hoạt động thu hút nhiều khách nhất.
Ngoài ra, mỗi dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn đều sở hữu những nghề thủ công truyền thống riêng, độc đáo của mình như: Dệt vải, thêu thùa và đan lát là các nghề thủ công gia đình nổi tiếng của người Thái; Nghề nhuộm vải bằng chàm đen, nghề rèn và khoan nòng súng,.. của người Mông; Nghề đan lát với các sản phẩm đan nổi tiếng được khách ưa chuộng của người Khơ Mú gồm: bem, gùi, các loại đồ đựng, mâm, ghế, giỏ gieo hạt… 
Kho tàng văn hóa đồ sộ và đặc sắc, độc đáo của các dân tộc ở huyện Kỳ Sơn được xem là tài sản hết sức quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng; góp phần tích cực vào việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, trong quá trình quy hoạch phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng theo hướng bền vững nói riêng, việc khai thác các giá trị văn hóa (gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) của các tộc người thiểu số ở Kỳ Sơn là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết.

"Mường Lống: Điểm du lịch cộng đồng đầy tiềm năng"

Ông Vừ Bá Xừ - Phó Chủ tịch, UBND xã Mường Lống

Xã Mường Lống có tổng diện tích tự nhiên là 14.830,96 ha, nằm ở phía Đông Bắc huyện Kỳ Sơn. Mường Lống nằm trong một thung lũng, có độ cao gần 1.050 m so với mặt nước biển, cách trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn khoảng hơn 40 km về phía Đông. Muốn vào được xã Mường Lống phải qua một con dốc cao đi qua eo hiểm và phức tạp mà người dân thường gọi là “Cổng trời Mường Lống”. Mường Lống có địa hình tự nhiên được bao bọc bởi các dãy núi cao, như là một “lòng chảo cao nguyên”, khí hậu mát mẻ về mùa hè và mùa đông thì giá lạnh nên Mường Lống được ví như “Đà lạt hay Sa Pa” của Nghệ An, nhiều người còn ví đây là “máy điều hòa khổng lồ”. Là xã giàu truyền thống lịch sử, văn hoá về: Trang phục, ẩm thực, ném còn (hay ném pao), bò chận, múa khèn, trường ca, cứ xìa, lù tẩu và một số lễ hội khác.  
Mường Lống mùa nào cũng đẹp. Cổng Trời Mường Lống là nơi gặp gỡ giữa Trời - Đất, nơi mây tụ hội thành sông thành núi mênh mông trắng xoá như chốn Bồng Lai. Ở đó, Cổng Trời là nơi tụ khí của thiên địa với mây, trời, với gió đại ngàn vi vu. Lên Mường Lống vào mùa hoa mận, sẽ thấy mận Mường Lống trắng trời hoa nở mùa xuân, pha sắc hồng phơn phớt của đào rừng mê hoặc bao người. Thảo dược thất diệp nhất hoa ở vùng Mường Lống là quý hiếm nhất, được so sánh còn hơn loại nhân sâm Hàn Quốc. Rồi mật ong rừng trong vắt màu hổ phách nghiêng không đổ ra ngoài mà kết thành một khối lấp lánh....
Rau củ Mường Lống mùa nào thức ấy, xanh tươi và ngọt hơn, mặc dù rất hiếm như là cải Mông, dưa chuột Mông.... Còn gà Mông, là loại gà ác chân đen sì, con bé chỉ độ 1,2 -1,5 kg nhưng lại là thứ đặc sản bồi bổ cho người sau sinh và người mới ốm dậy được nấu với một loại rau rừng mang bí quyết riêng, được thưởng thức 1 lần rồi nhớ mãi chẳng thể nào có được nếu không quay lại đó.
Ngoài những giá trị đặc sắc về văn hóa, Mường Lống còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, điểm dừng chân như: bản Mường Lống 1, Mường Lống 2, hang Dơi, thác Rồng, hang Mỹ…. Đó là những điều kiện thuận lợi, tiềm năng để xã Mường Lống phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch khám phá... đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng homestay.
Dân cư trong xã 100% là người đồng bào dân tộc Mông, hiện nay còn gìn giữ được nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp. Người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Các nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như: hát cứ xìa, lù tẩu, thổi khèn Mông…, đặc biệt các trang phục truyền thống của người Mông vẫn được gìn giữ, bảo tồn và được sử dụng phổ biến trong các dịp lễ, tết.

"Du lịch huyện Kỳ Sơn còn nhiều khó khăn"

Bà Cụt Thị Hương - UBND huyện Kỳ Sơn

Để phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện, cấp ủy chính quyền huyện đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan và phát triển nguồn lực du lịch, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch và đặc biệt gắn với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc. 
  Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, trải nghiệm; tổ chức các lễ hội truyền thống mang ý nghĩa tốt đẹp về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; hội tụ và lan toả những nét đặc trưng văn hoá các dân tộc trên địa bàn, như lễ hội Pu Nhạ Thầu được duy trì theo định kỳ hàng năm.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm du lịch: Mở các lớp tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt và người dân làm du lịch trên địa bàn huyện; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. 
Cơ sở hạ tầng du lịch: Hiện nay, toàn huyện có 05 cơ sở lưu trú (4 cơ sở ở thị trấn Mường Xén và 1 cơ sở ở xã Chiêu Lưu) và 06 homestay với hơn 100 phòng, tuy nhiên hiện các cơ sở này chưa đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú.
Du lịch trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các sản phẩm du lịch, các điểm đến như: Mường Lống, Mỹ Lý, Na Ngoi, Nậm Cắn, đền Pu Nhạ Thầu, chợ biên Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn… lượng khách tham quan ngày một tăng. Theo số liệu thống kê, lượng khách du lịch đến Kỳ Sơn trong tháng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.800 lượt người, doanh thu du lịch đạt 2,5 tỷ đồng; góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường. Cùng với đó là phát triển các mặt hàng đặc trưng của huyện, xây dựng thương hiệu ocop cho các sản phẩm: Bò giàng, thổ cẩm, gà đen, gừng, chè Tuyết Shan…
Tuy nhiên, hoạt động du lịch của huyện còn nhiều khó khăn: Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu chuyên môn nghiệp vụ; nguồn lao động trực tiếp về du lịch còn thiếu kiến thức, kỹ năng. Sự tham gia phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt là trong việc kết nối và xây dựng sản phẩm, tour du lịch, chuỗi sự kiện để thu hút du khách. 
Nhận thức của doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch còn hạn chế. Việc chia sẻ, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các chủ thể tham gia cũng như việc đảm bảo hài hoà lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường nhằm hướng tới du lịch bền vững chưa có cơ chế rõ ràng. 
Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện tại còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, như: hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch còn khó khăn, xuống cấp; hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc còn hạn chế.

"Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn huyện Kỳ Sơn góp phần giải quyết điểm nghẽn trong phát triển du lịch Kỳ Sơn"

TS. Ngô Kiều Oanh -  Chuyên gia du lịch nông thôn

Kỳ Sơn là một trong những số ít địa phương ở nước ta hội tụ đủ các nền tảng để có thể phát triển ngành kinh tế du lịch, trong đó xuất phát điểm đầu tiên là sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn rất phù hợp với yêu cầu của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay với các chính sách và kế hoạch hành động mà các địa phương đang phải thực hiện theo QĐ 922/QĐ-TTg.
Theo tôi, muốn du lịch huyện Kỳ Sơn phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch, văn hóa bản địa của các dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, cần:
Bổ sung vào bản quy hoạch tổng thể việc gắn kết các sản phẩm và các hoạt động du lịch vào các quy hoạch như giao thông, nông lâm nghiệp, thương mại, văn hóa, giáo dục, đào tạo nghề mang tính hệ thống. Xác định về mặt định tính các khu vực tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để bảo đảm việc xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn có tính bản sắc, hiệu quả và khả thi. Từ đó có các chính sách cụ thể bật lên được sức mạnh nội sinh để hấp dẫn ngoại lực tức các nguồn đầu tư vào vùng.
Cần tìm mọi biện pháp nhằm thu hút được ngoại lực từ tài chính đến trí tuệ, chất xám về với nông thôn Kỳ Sơn, nhất là con em Nghệ An đi làm ăn xa về, để tạo nên sinh khí mới làm động lực phát triển để biến nông thôn miền núi Kỳ Sơn thành không gian có ích cho tất cả các đối tượng, không chỉ để ở, để du lịch, mà xa hơn nữa là để sống, làm việc, sáng tạo, tạo ra kinh tế cho mình và đóng góp phát triển kinh tế. Những nông sản từ đó không chỉ phục vụ tại chỗ nữa, mà còn trở thành một dòng sản phẩm tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư và tăng sinh kế cho các nông hộ dân tộc. Và khi chuẩn bị để đưa các vùng nông nghiệp, nông thôn Kỳ Sơn trở thành điểm du lịch nổi tiếng cũng như trở thành vùng quê đáng sống thu hút nhà đầu tư và khách du lịch thì phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng, để không gian nông thôn đó không bị phá vỡ, xáo trộn.
Tiến hành khai thác hai cung đường du lịch cảnh quan miền núi kỳ vĩ Kỳ Sơn có trạm nghỉ check in, cảnh báo bất trắc, cung cấp thông tin và dịch vụ đó là: Mường Xén - Mường Lống và Mường Xén - Na Ngoi vì theo đánh giá hai cung đường này thuận lợi và an toàn hơn các cung đường khác ở Kỳ Sơn trong giai đoạn đầu của đề án.
Tập trung quy hoạch chi tiết, xây dựng khai thác được sớm hai điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn để có tiếng vang đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn miền núi Kỳ Sơn vì dễ thu hút du khách hơn các điểm khác.
Đặc biệt cần áp dụng chính sách theo nội dung của QĐ 922/QĐ-TTg để xây dựng hai mô hình điểm về du lịch nông thôn tại hai xã Nậm Cắn và Mường Lống gắn với nông thôn mới để không những huyện Kỳ Sơn mà còn của tỉnh Nghệ An vì các lý do sau:  
Xã Nậm Cắn: có khu chợ biên giới duy nhất ở các cửa khẩu Việt Nam là chợ ẩm thực và nông sản Việt - Lào cách thị trấn Mường Xén - thủ phủ huyện Kỳ Sơn 22 km, có làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Noong Dẻ được công nhận vào năm 2011, nơi vẫn còn hơn trăm nếp nhà sàn, đa số là nguyên bản của 113 gia đình dân tộc Thái nằm sát chợ biên cửa khẩu Nậm Cắn. Cách dệt thủ công trên khung cửi vô cùng độc đáo mang tính nghệ thuật tinh tế được truyền giữ lâu đời để ra được các sản phẩm đa dạng chất lượng tốt, mẫu mã hoa văn và phối màu đẹp hài hòa sẽ xâm nhập được thị trường thời trang trong và ngoài nước trong tương lai nếu được dẫn dắt. Còn khu chợ biên giới với các sản phẩm nông lâm nghiệp đa dạng là sản phẩm của cả hai bên Kỳ Sơn và Sầm Nưa, an toàn, sạch vì hoàn toàn từ sản xuất tự cung tự cấp. Đủ điều kiện để xây dựng thành một khu hoạt động chung về kinh tế thương mại, nông nghiệp hữu cơ và du lịch nông nghiệp nông thôn. Phía Việt Nam sẽ phát triển công nghệ sơ chế, chế biến phát triển thị trường kết hợp với vùng chăn nuôi trồng trọt có diện tích rộng rãi bên Sầm Nưa, Xiêng khoảng.
Xã Mường Lống: Là đích đến của cung đường tuyệt đẹp hai bên là các dãy núi cao hùng vĩ phủ các thảm rừng nguyên sinh dày đặc có độ cao đến 2000 mét, đi qua một số bản làng dân cư. Cung đường khá an toàn do đa số đoạn đường không quá sát vách núi, giao thông ổn định dễ đi lại. Cộng đồng cư dân với số khẩu là 4.124 người, 600 hộ của 7 dòng họ dân tộc Mông đã lập nghiệp và sinh sống quần tụ ở đây đã hơn 300 năm (số liệu 1999 theo Wikipedia). Thế mạnh Mường Lống là khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ và đất đai ba zan màu mỡ cộng với bản sắc văn hóa được các thế hệ của các gia đình dân tộc Mông gìn giữ thuần khiết. Có hợp tác xã nông nghiệp và du lịch để tập hợp các xã viên trồng trọt chăn nuôi các sản phẩm đặc sản như dược liệu, rau, hoa ôn đới, lợn, gà đen và bò thịt hữu cơ tại các thung lũng cao nguyên Mường Lống. Về phát triển ngành nghề nông thôn tại đây cùng khá thuận lợi như nghề sản xuất nông cụ, thủ công dệt trang phục và nhạc cụ dân tộc Mông như khèn sáo. Trong tương lai gần là nghề dịch vụ du lịch.

"Từ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng ở nước ngoài, gợi ý cách làm mới, sáng tạo cho du lịch cộng đồng ở Kỳ Sơn"

Ông Lại Văn Toàn - PGĐ Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương
Du lịch cộng đồng đã được đánh giá là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực du lịch, và đã mang lại nguồn thu đáng kể cho nhiều quốc gia trong những năm gần đây. 
Ví dụ, tại nhiều vùng khác trên đảo Bali (Indonesia), đã thành lập các ban quản lý có sự tham gia của cộng đồng địa phương, như ở Alas Kedaton - một điểm du lịch tại Bali được quản lý bởi DESA ADAT (cộng đồng làng). Ngoài việc tạo việc làm cho dân cư địa phương, người ta cũng liên kết chặt, lợi ích của cộng đồng với việc phát triển du lịch cộng đồng. Thu nhập của DESA ADAT được phân phối trong cộng đồng và các cơ quan liên quan, chẳng hạn như 65% từ tiền giữ xe được chia sẻ cho chính quyền địa phương và 35% cho cộng đồng địa phương... Vào năm 2008, mỗi gia đình ở Alas Kedaton trung bình nhận được khoảng 45.000 Rupiad. Do đó, ngoài việc tuyên truyền, lợi ích kinh tế đã gắn chặt trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn môi trường và văn hóa cho sự phát triển du lịch sinh thái bền vững. Ngoài ra, điều này cũng tạo nên trách nhiệm cho cộng đồng dân cư xung quanh Alas Kedaton. Những người có cửa hàng ở gần khu vực này (khoảng 240 cửa hàng) tích cực tham gia làm hướng dẫn viên du lịch, và trước khi khách rời khỏi khu vực, hướng dẫn viên giới thiệu cho khách du lịch các nghề thủ công và đồ lưu niệm trong cửa hàng của họ. Việc này đã đóng góp vào việc tăng thu nhập cho cộng đồng, ngoài ra, thuế từ các khoản thu nhập của cửa hàng cũng được sử dụng để phục hồi các đền thờ, bảo tồn môi trường, sửa chữa cơ sở hạ tầng…
Kỳ Sơn là một điểm đến độc đáo với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Sự hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng, thác nước và hồ nước tạo nên một bức tranh thiên nhiên hấp dẫn và đầy mê hoặc. Điều này tạo ra tiềm năng lớn cho ngành du lịch phát triển, và đồng thời mang lại cơ hội kinh tế và việc làm cho cộng đồng địa phương.
Thêm vào đó, Kỳ Sơn còn có giá trị bản sắc văn hóa độc đáo. Đây là nơi sinh sống của những dân tộc thiểu số với phong tục, tập quán và truyền thống đặc trưng. Du khách có thể khám phá và trải nghiệm những nét văn hóa đa dạng này, từ trang phục truyền thống, nghệ thuật thủ công đến lễ hội sôi động, tạo nên một trải nghiệm du lịch độc đáo và sâu sắc.
Từ cách làm mô hình du lịch công của nước ngoài, cho thấy việc áp dụng cho du lịch cộng đồng ở Kỳ Sơn có thể thiết kế mô hình thử nghiệm cho huyện Kỳ Sơn. 
Xây dựng mô hình HTX cộng đồng điều phối, dùng mô hình HTX của cộng đồng cả thôn bản đó, điều phối cho tất cả các hoạt động trên cơ sở bình đẳng, dân chủ, tôn trọng ý kiến của cộng đồng và các quyết định được đưa ra bởi chính cộng đồng nơi đó, với sự tham khảo và tư vấn của các nhà khoa học (về địa chất, địa mạo, cảnh quan, môi trường,...) và nhóm các chuyên gia (về kinh tế, về nông nghiệp, về cộng đồng, về văn hóa, về du lịch,...) để giúp cộng đồng nhận ra hệ giá trị của toàn bộ vùng đất đó rồi chính cộng đồng tại đây tự quyết định làm những gì có ích nhất, có lợi nhất cho toàn bộ cộng đồng của họ, sao cho không ai nghèo đói, không ai thất nghiệp, không phá hủy môi trường (cả môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa của họ).
Nâng cao nhận thức của người dân để 100% cán bộ thôn và các hộ dân đều tham gia vào HTX và quyết tâm làm cho chính người dân, rồi đưa chính sách vào để hoàn thiện mô hình ra các trường học, HTX cộng đồng điều phối để các làng miền núi đến học tập được nhanh hơn và các chính sách vào cuộc được luôn, song hành cùng bà con và chi trả cho cán bộ địa phương cùng bà con thôn bản đi học để về chung tay cùng làm, phát triển điểm đến với các sản phảm du lịch của cộng đồng trải nghiệm đời sống tại thôn bản với bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc để phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo tồn rừng, bán tín chỉ cacbon...
Nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương bằng cách bảo tồn bản sắc văn hoá, đi lên từ nội lực của người dân, cũng với việc bảo tồn môi trường thiên nhiên và đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu. Trả lại quyền tự chủ cho cộng đồng cư dân bản địa thông qua công cụ hợp tác xã cộng đồng điều phối với giải pháp tài chính là phát triển du lịch cộng đồng, tập huấn cho cộng đồng trở thành chủ thể và chủ nhân của mô hình và đồng hành cùng cộng đồng trên cơ sở tôn trọng tính bản địa và khôi phục nguyên trạng bản sắc văn hoá. Xây dựng hồ sơ tín chỉ các bon gắn với cộng đồng trên cơ sở trồng rừng và phục hồi lại các cánh rừng với sự đa dạng sinh học vốn có.
Phục hồi và bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc ở huyện Kỳ Sơn, cùng với đó là việc bảo tồn hàng triệu héc ta rừng nguyên sinh, trồng rừng phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học bằng cách xây dựng mô hình phát triển cộng đồng bền vững thông qua nâng cao sinh kế cho người dân bản địa các cộng đồng sống trong rừng, sống cạnh rừng, giảm khai thác rừng... chia sẻ và lan tỏa cách làm mô hình phát triển bền vững này ra nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, nghiên cứu và vận dụng nguồn lực chính sách về dân tộc miền núi, về phát triển kinh tế nông thôn, về xoá đói giảm nghèo bền vững, về xây dựng các ngôi làng du lịch cộng đồng với toàn bộ cộng đồng thôn bản đó tham gia vào mô hình, cùng điều phối và được hưởng lợi ích gia tăng chung cùng nhau...
Liên kết mạng lưới các ngôi làng để hỗ trợ nhân bản các mô hình phát triển bền vững tạo chuỗi liên kết hệ giá trị trong phát triển du lịch cộng đồng với vai trò người dân bản, cộng đồng làm chủ thể, được điều phối bởi cộng đồng.

"Tăng cường kết nối các điểm đến du lịch khu vực miền Tây Nghệ An"

Th.S Vi Thị Thắm - Giám đốc Trung tâm Điều phối Du lịch miền Tây Nghệ An (Nghệ Tourist)

Thứ nhất và là điều kiện cần đầu tiên, đó là chủ các khu, điểm đến du lịch cần thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về kết nối. Với xu thế hiện nay khách du lịch không chỉ tham quan một điểm mà muốn được trải nghiệm ở nhiều điểm với sản phẩm du lịch khác nhau, vì vậy các điểm đến trên cùng một cung đường, hay trong cùng một hệ sinh thái, một vùng cần tìm ra thế mạnh, đặc trưng riêng và đặc sắc nhất của mình để liên kết với nhau, giúp nhau cùng lớn mạnh. Các điểm đến kết nối lẫn nhau còn có thể giúp nhau học hỏi, gắn kết, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng. Từ đó cùng tạo nên các tour tham quan hấp dẫn, đa dạng. Luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, có như vậy mới cùng nhau phát triển và thu hút được du khách. Bên cạnh đó, cần đề cao tư duy “chia sẻ là kết nối”. Tuỳ vào tình hình thực tế các điểm đến có thể chia sẻ khách cho nhau. Ví dụ như những dịp lễ, tết có những điểm quá tải khách, phục vụ không đảm bảo, không thể đáp ứng được hết nhu cầu và sự hài lòng của khách, nhưng những điểm gần đó lại vắng vẻ. Nếu các điểm có thể chia sẻ khách, tư vấn, điều phối để san sẻ khách cho nhau, vừa thể hiện tinh thần kết nối, vừa đảm bảo chất lượng phục vụ khách, vừa tạo điều kiện cho điểm đến đối tác cùng phục vụ, tạo thêm thu nhập. Có như vậy mới cùng nhau phát triển bền vững. 
Thứ hai, để kết nối các điểm đến du lịch trên cùng cung đường, sản phẩm du lịch là điều mang tính quyết định rất lớn để thu hút du khách. Thông thường các điểm đến trong cùng một vùng đều có chung tài nguyên du lịch, có những nét tương đồng về thiên nhiên và văn hoá. Nếu các điểm đến có sản phẩm du lịch na ná nhau, du khách sẽ chỉ lựa chọn đến một điểm thay vì trải nghiệm nhiều điểm có sản phẩm tương tự nhau. Vì vậy, mỗi điểm đến cần tìm ra, sáng tạo sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, giá trị riêng. Có những điểm thế mạnh là ẩm thực, có điểm lại là cơ sở vật chất tốt hơn, cũng có những điểm đơn giản là thái độ phục vụ, chăm sóc khách hàng một cách đẳng cấp. 
Thứ ba, một điều vô cùng quan trọng và cần thực hiện ngay từ ban đầu là vấn đề quy hoạch điểm đến và sản phẩm du lịch ở cấp sở ban ngành và chính quyền địa phương. Quy hoạch phải mang tính tổng thế, bài bản, phù hợp và có giá trị pháp lý, có quy định, nguyên tắc chặt chẽ. Quy hoạch địa phương nào phát triển du lịch, phát triển loại hình du lịch gì, sản phẩm du lịch cụ thể nào sẽ tránh được sự phát triển tự phát, vô tổ chức, trùng lặp. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, điểm đến chính thống, hợp pháp; hạn chế các cơ sở hoạt động tự phát sai phép, không đầy đủ pháp lý như về đất đai, điều kiện ngành nghề, v.v. Hiện nay đa số các điểm du lịch vùng Tây Nghệ còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu được xây dựng và phát triển bởi những hộ gia đình, cá nhân, thiếu nhà đầu tư lớn để tạo sự phát triển đột phá và có điểm nhấn lớn, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng của nhu cầu thị trường hiện tại và trong tương lai. Vì vậy, cần có quy hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư, cũng như có cơ sở định hướng hộ gia đình, cá nhân phát triển sản phẩm du lịch theo đúng quy hoạch tổng thể và bền vững. 
Hiện nay khoảng cách, vị trí các điểm đến của vùng Tây Nghệ khá xa nhau dẫn đến bất lợi trong việc liên kết các điểm đến. Quy hoạch các điểm đến phù hợp còn có thể giải quyết vấn đề này. Quy hoạch phát triển các điểm đến với khoảng cách và sản phẩm phù hợp sẽ thu hút được du khách, thúc đẩy sự liên kết trong vùng. Việc quy hoạch điểm đến sẽ hình thành rõ cung đường, tour tuyến của vùng Tây Nghệ, từ đó sẽ định hình rõ sản phẩm chủ lực của từng điểm đến, địa phương. 
Thứ tư, vai trò của các công ty lữ hành rất quan trọng góp phần kết nối các điểm đến du lịch. Đây là những đơn vị sẽ đưa khách du lịch tới cho các điểm du lịch thường xuyên, đều đặn và nhanh chóng, giúp các điểm du lịch được nhiều du khách biết tới. Các công ty du lịch, lữ hành làm việc thường có những yêu cầu khắt khe, chuyên nghiệp đối với các điểm đến, các dịch vụ cung cấp, nhờ đó các điểm đến có thể học hỏi, nâng cao kỹ năng, cung cách phục vụ du lịch ngày càng tốt hơn. Các công ty lữ hành luôn muốn tìm kiếm các điểm đến khác nhau, tăng tính trải nghiệm phong phú cho du khách. Vì vậy kết nối các công ty lữ hành và các điểm đến sẽ góp phần vào sự liên kết các điểm đến với nhau để cùng hợp tác với các công ty lữ hành, phục vụ du khách. 
Thứ năm, kết nối các điểm đến không thể thiếu truyền thông và quảng bá. Vấn đề truyền thông, quảng bá nói chung của du lịch Nghệ An và nói riêng của vùng Tây Nghệ còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả tương xứng. Mặc dù thời gian gần đây cũng có nhiều nỗ lực nhưng hình ảnh du lịch Tây Nghệ vẫn chưa tới được với nhiều du khách. Một phần là do hoạt động truyền thông còn rời rạc, chưa có kế hoạch chiến lược, quy mô tổng thể và thường xuyên trên toàn khu vực miền Tây để tạo hiệu ứng, tiếng vang liên tục. 
Đặc biệt, truyền thông, quảng bá chéo lẫn nhau giữa các điểm đến là một sáng kiến mang tới hiệu quả thiết thực và cần nhân rộng. Xu hướng của khách du lịch là đi một lần hết các điểm trong cùng cung đường hoặc chia nhỏ lần lượt đi các điểm nhiều lần khác nhau. Quảng bá chéo tức là các điểm đến sẽ giới thiệu, tư vấn cho du khách điểm đến còn lại trong cùng một cung đường tour, một hệ sinh thái với nhau. Từ đó, du khách sẽ biết thêm nhiều điểm du lịch và có các trải nghiệm khác nhau, đồng thời tăng tính kết nối giữa các điểm, mang đến lợi ích cho tất cả các bên. 

Vẻ đẹp con người và cảnh sắc Kỳ Sơn, Ảnh Nguyễn Đạo

Cuối cùng, để kết nối các điểm đến, cần có một đơn vị đứng ra đại diện để thực hiện. Đơn vị này vừa mang tính kết nối, vừa có khả năng điều phối hoạt động dựa trên lợi ích của khách hàng. Các điểm đến có thể họp bàn và tìm kiếm, chọn ra một đơn vị (có thể đại diện một trong số điểm đến hoặc không) để giữ vai trò này. Khi đó các điểm đến trong cung đường, trong khu vực hoặc hệ sinh thái đó sẽ có sự gắn kết như một tổ chức với nhau. Đơn vị kết nối sẽ có vai trò, trách nhiệm tổ chức các chương trình, sự kiện kết nối cho các điểm đến cùng nhau tham gia như các cuộc thi, giao lưu học hỏi. Ngoài ra đơn vị có thể đại diện các điểm đến tham gia các sự kiện, tiếp nhận và phổ biến các thông tin, chương trình liên quan. Đơn vị kết nối còn có trách nhiệm điều phối một số vấn đề chung của các điểm đến như tiếp nhận phản hồi về chất lượng từ khách hàng, tìm kiếm các chương trình đào tạo, kết nối với các đối tác, khách hàng, đặc biệt là kết nối với các công ty lữ hành, du lịch.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây