Đặc điểm thành phố Vinh ảnh hưởng đến phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo

Thứ năm - 14/09/2023 05:21 0
 Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2030 xác định mục tiêu xây dựng thành phố Vinh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là trung tâm vùng Bắc Trung bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ (Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020). Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó đưa ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung bộ.
Thành phố Vinh hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, để xác định đổi mới sáng tạo như thế nào và tập trung lĩnh vực gì đang là những vấn đề cần bàn luận và nghiên cứu.
1. Đặc điểm Thành phố Vinh
Thành phố Vinh là đô thị loại I, với diện tích 104,97km2, dân số năm 2021 khoảng 350.230 người. Xác định trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ (theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020). Là đô thị lớn thứ hai trong vùng sau Huế. Được đánh giá là một thị trường lớn. 
Vinh nằm trên đầu mối của các trục giao thông Bắc-Nam và Đông-Tây với đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy và đường không. Lực lượng lao động chiếm khoảng 50-60% dân số; có trình độ khá cao, có chuyên môn, có tính sáng tạo và tác phong văn minh,…Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng  tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 6.863,722 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 77,90 triệu đồng/người/năm.
Trên địa bàn có 6 khu - cụm công nghiệp: Khu công nghiệp Bắc Vinh với quy mô diện tích 60 ha đã được lấp đầy, 03 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động (Hưng Lộc, Hưng Đông, Nghi Phú); Cụm công nghiệp Hưng Đông 1 đang hoàn thiện hạ tầng; Cụm công nghiệp Hưng Đông 2 đã có văn bản chấp thuận bổ sung vào quy hoạch các Cụm CN tỉnh. Các CCN giải quyết 1.550 lao đồng, thu nhập bình quân 4,5trđ/ lao động. 
Thành phố Vinh có 8 làng nghề, 10 trung tâm thương mại, 17 siêu thị, 28 chợ (02 chợ hạng 1;0 4 chợ hạng 2; 13 chợ hàng 3 và 08 chợ chưa xếp hạng). Thành phố đã có 46 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (01 sản phẩm 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 31 sản phẩm 3 sao).
Trên con đường di sản miền Trung, Vinh tự hào là vùng đất nổi tiếng “địa linh nhân kiệt” của xứ Nghệ, với 14 di tích, công trình văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và 13 di tích, công trình văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh.
Hệ thống các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng (1 bệnh viện tuyến TW, 18 Bệnh viện và trung tâm y tế tuyến tỉnh và 9 bệnh viện ngoài công lập).
Có 05 trường Đại học (Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Y khoa Vinh, Trường đại học kinh tế Nghệ An và Đại học công nghiệp Vinh), 09 trường Cao Đẳng, 06 trường Trung cấp.
Các quy hoạch cấp vùng như quy hoạch vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà, quy hoạch xây dựng khu kinh tế Đông Nam đang được tiến hành. Quy hoạch xây dựng đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao cũng đang được thực hiện. Sự phát triển của các khu đô thị mới.
Tuy nhiên, một số vấn đề TP Vinh: (1) Thành phố Vinh cùng với tỉnh Nghệ An nằm ngoài khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm ít hơn. Số lượng các dự án đầu tư còn ít. Các dự án đầu tư vào thành phố hầu hết đều thuộc lĩnh vực phát triển đô thị, đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn thấp. (2) Các thành phần kinh tế hiện nay chưa bền vững. Quy mô kinh tế nhỏ lẻ và chưa phát triển tương xứng. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm không cao. (3) Khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về thành phố làm việc. (4) Không gian của thành phố bất cập so với yêu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng còn nhiều khâu yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cao hơn. 

Doanh nghiệp Nghệ An với đối mới sáng tạo

2. Thực trạng phát triển các yếu tố hình thành Trung tâm ĐMST 
2.1. Chủ trương, chính sách ĐMST 
Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2030, đã đưa ra các phương hướng về phát triển KH&CN và ĐMST như sau: Tiếp tục chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức khoa học, công nghệ công lập; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng thành phố thông minh và thương mại điện tử nhằm nhanh chóng đưa thành phố Vinh trở thành thành phố ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong vùng và cả nước; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các trung tâm, đơn vị hoạt động khoa học công nghệ, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ đến năm 2023, định hướng đến năm 2030, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển trực thuộc; thu hút đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở khoa học công nghệ chuyên ngành, cơ sở đào tạo mới; Xây dựng mạng lưới thông tin khoa học công nghệ trên địa bàn, trong đó tập trung vào các sàn giao dịch công nghệ quy mô vùng để liên kết với chuỗi sàn giao dịch của các trung tâm khoa học công nghệ lớn quốc gia nhằm trao đổi thông tin công nghệ và kết nối cung - cầu trên phạm vi toàn quốc...
Bên cạnh đó nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch của tỉnh về ĐMST được quan tâm ban hành như: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 14/12/2016 về phát triển KH&CN đến 2025; Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Nghệ An trở thành trung tâm KHCN của vùng Bắc Trung bộ; Quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 24/5/2017 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 5821/QĐ-UBND ngày 01/12/2017 về phát triển thị KH&CN trên địa bàn tỉnh; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 2450/QĐ-UBND ngày 20/7/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030; Kế hoạch xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Vinh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa ra 3 khâu đột phá phát triển: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tạo đột phá trong xây dựng thành phố thông minh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế, xã hội. 
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã liên tục ban hành các chính sách và kế hoạch nhằm thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST với nhiều nội dung và cách thức hỗ trợ khác nhau. Đây là nỗ lực của chính quyền nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển biến Nghệ An nói chung và TP. Vinh nói riêng trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST của vùng Bắc Trung bộ.
2.2. Đổi mới sáng tạo trong các cơ quan công quyền
OECD (năm 2022) phát triển khung phân tích ĐMST trong khu vực công. Theo đó, ĐMST trong khu vực công liên quan đến những cải tiến trong các dịch vụ, sản phẩm mà chính phủ chịu trách nhiệm cung cấp cho người dân.
Nghệ An cải tiến các dịch vụ trong các cơ quan chính quyền thể hiện qua kết quả chuyển đổi số, cải cách TTHC: 100% các thủ tục hành chính đã được công bố, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Cung cấp 1.834 dịch vụ công, bao gồm: 816 dịch vụ công trực tuyến một phần (mức độ 2 là 388 thủ tục, mức độ 3 là 428); 1.018 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4). Đánh giá tổng hợp Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh xếp hạng 04/63 địa phương trong toàn quốc. Triển khai việc số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Nghệ An (IOC) và Trung tâm điều hành đô thị thông minh Thành phố Vinh; Trung tâm giám sát an toàn thông tin và an ninh mạng (SOC). Hiện đã tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để khai thác dữ liệu một số dịch vụ từ Trung ương như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; Hệ thống Dịch vụ bưu chính công ích của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost),...
100% các sở, ban, ngành, địa phương sử dụng chữ ký số và kết nối liên thông văn bản. Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia; 
2.3. Quỹ đầu tư 
Nghệ An đã có 2 Quỹ đầu tư khởi nghiệp tư nhân với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng và đã trực tiếp đầu tư một số Startup. Nhiều dự án đã được các Quỹ đầu tư kinh phí, như: Quỹ VinaCapitan đầu tư Công ty cổ phần Công nghệ Gostream với số tiền 1 triệu USD, Quỹ VSV-NA, Quỹ đầu tư Thiên Minh Đức đầu tư nhiều dự án với số tiền lớn nhất là 100.000 USD/01 dự án.…, nhiều Startup phát triển tốt, tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị thường và có hiệu quả kinh tế tốt. 
Năm 2022, Nghệ An được Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, VCCI đánh giá bình chọn là một trong 3 địa phương có hệ sinh thái khởi nghiệp tiêu biểu của cả nước, được Bộ KH&CN nghệ đánh giá, ghi nhận khi thu hút được nhiều nhóm startup về khởi nghiệp tại địa phương.
2.4. Tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp KH&CN
Toàn tỉnh có 3.993 nhân lực thực hiện công tác quản lý KHCN ở sở ban ngành, chiếm xấp xỉ 0,2% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực Nhà nước và tỷ lệ cán bộ KH&CN đạt 11,87 người trên một vạn dân. Bên cạnh đó, lao động trong lĩnh vực KH&CN có tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo gấp đôi so với trung bình chung của tỉnh với 47,92%, là nguồn nhân lực chủ chốt trong công tác phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Nghệ An có 6 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Bộ NN&PTNT công nhận 02 DN, UBND tỉnh công nhận 04 DN). Có 20 doanh nghiệp khoa học công nghệ; 30 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đồ uống, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, viên nén sinh khối…. trong đó có 03 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu: Công ty CP sữa Vinamilk Nghệ An, Công ty CP sữa True milk, Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU), Công ty cổ phần Trung Đô, Công ty CP Đá Trung Hải, Công ty cổ phần Gỗ tháng 5… là những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo sức lan tỏa trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Quỹ phát triển KH&CN ở Doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả là Công ty Cổ phần Trung Đô.
Là tỉnh có số lượng tổ chức KH&CN thuộc nhóm lớn cả nước, đặc biệt làm nhóm tổ chức KH&CN công lập với 65 đơn vị đăng ký là tổ chức KH&CN (trong đó: 46 tổ chức đang hoạt động (chiếm 70,8%), và 19 tổ chức KHCN đã ngưng hoạt động, giải thể, chuyển đổi loại hình, hoặc đang tiến hành rà soát bổ sung trước khi quyết định tiếp tục hoạt động hay không (chiếm 25,6%)). Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường KH&CN trong đó nguồn cung được xuất phát từ các viện, trường và nguồn cầu xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 6 đơn vị KH&CN của các Bộ đóng trên địa bàn, phạm vi hoạt động mang tính vùng, 4 đơn vị KH&CN tỉnh đã có liên kết hoạt động KH&CN trong vùng.
2.5. Cơ sở hạ tầng
Đã hình thành một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: (i) Trung tâm nghiên cứu - Khởi nghiệp sáng tạo trực thuộc Trường Đại học Vinh (tháng 4/2017); (ii) Công ty Cổ phần đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Nghệ An (tháng 12/2017); (iii) Không gian làm việc chung tại Sàn giao dịch công nghệ thiết bị thuộc Trung tâm Thông tin KHCN&TH (thuộc sở KH&CN) với diện tích gần 500 m2. (iv) Điểm kết nối cung cầu tại Trung tâm ứng dụng Tiến bộ KH&CN (thuộc sở KH&CN) khai trương ngày 24/6/2017 nhằm tổ chức các hoạt động trình diễn các mô hình công nghệ; tư vấn về công nghệ, cải tiến kỹ thuật, sở hữu trí tuệ; giới thiệu công nghệ mới với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. 
Hệ thống các phòng thí nghiệm, cơ sở phân tích của các tổ chức khoa học và công nghệ có đủ năng lực thực hiện các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí, chế tạo, điện tử, hóa sinh… và cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, tiêu biểu như Đại học Vinh, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng…Hệ thống 13 phòng thử nghiệp được công nhận Vilas xây dựng (5 phòng của đơn vị sự nghiệp và 8 phòng của các doanh nghiệp).
Hạ tầng viễn thông: Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam hàng năm từ 2011 - 2020, Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT index) của Nghệ An đã có sự tụt hạng, giảm từ xếp thứ 4 (2011) xuống xếp thứ 36 (2020). Trong đó, xếp hạng chỉ số thành phần về Hạ tầng kỹ thuật của tỉnh giảm mạnh nhất (từ xếp thứ 4 giảm xuống xếp thứ 49, đặc biệt tốc độ giảm nhanh nhất vào giai đoạn 2016 - 2020). Việc tụt hạng nhiều của Chỉ số Hạ tầng kỹ thuật của Nghệ An so với cả nước, cho thấy hạ tầng kỹ thuật phát triển chưa tương xứng và chưa theo kịp tốc độ phát triển chung của cả nước và vùng.
3. Đánh giá thực trạng và vấn đề
Về cơ chế, chính sách và định hướng: Chưa ban hành được các chính sách đặc thù và đủ mạnh để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thực thi chính sách mới chủ yếu tập trung vào các nội dung mang tính phong trào, dễ thực hiện và khó đo lường được tác động của nó tới việc phát triển và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Lúng túng và chưa xác định rõ TP. Vinh trung tâm ĐMST thì hoạt động, lĩnh vực và mô hình như thế nào. Chưa có chính sách đột phá để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về KH&CN và thu hút tinh hoa tri thức về TP. Vinh và Nghệ An.  
Đổi mới sáng tạo trong các cơ quan công quyền: (1) Nhận thức về chuyển đổi số ở một số cơ quan, địa phương chưa thực sự rõ ràng; chưa định hình được các nội dung để thực hiện trong đơn vị, địa phương, lĩnh vực. (2) Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin/chuyển đổi số tại một số sở, ngành; cấp huyện, cấp xã xuống cấp, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến việc triển khai các nền tảng số phục vụ quản lý và điều hành. (3) Cơ sở dữ liệu của các ngành còn rời rạc dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông và chia sẻ. CSDL hiện có dữ liệu chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao, cần cập nhật, làm sạch để thực hiện kết nối và chia sẻ.
Đối với đầu vào cho đổi mới sáng tạo: (1) Doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa (chiếm 98%) do đó nguồn lực đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN còn thấp. Các doanh nghiệp vẫn chưa hình thành văn hóa ĐMST. Số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của thành phố Vinh gọi được vốn từ các quỹ đầu tư rất ít. Thiếu kết nối với các quỹ đầu tư khác nhau, thiếu kết nối với các công ty lớn. Chưa có sự kết nối giữa cơ sở nghiên cứu - startup - nhà đầu tư - doanh nghiệp - tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, để thiết lập một mạng lưới tương trợ lẫn nhau... (2) Còn thiếu lực lượng lao động chất lượng cao, có kỹ năng, nhất là cho ngành công nghệ thông tin; Chưa có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. (3) Tuy thu hút được một số quỹ đầu tư, hoạt động đầu tư cho ĐMST mới chỉ dừng lại ở mức độ phong trào mà chưa mang tính thường xuyên hay đầu tư có chiều sâu. Điều này xuất phát từ cả phía cung và cầu. Đối với phía cầu, các quỹ đầu tư chủ yếu quan tâm đến Nghệ An do sự mời gọi từ phía chính quyền thay vì tính hấp dẫn của bản thân dự án, do đó, hoạt động mới chỉ dừng lại ở tổ chức hội thảo, ký kết thỏa thuận hoặc đầu tư ở mức khiêm tốn cho giai đoạn đầu của dự án. Đối với phía cung, chưa có những dự án thực sự chất lượng, có tính đột phá và có triển vọng thương mại hóa cao để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Các thành tố hình thành trung tâm ĐMST của thành phố Vinh vẫn chưa có đủ, hoạt động chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phần, mối liên kết vẫn còn rời rạc.
Ý chí, khát vọng khởi nghiệp, hội nhập, phát triển chưa được khơi dậy mạnh mẽ trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
4. Đề xuất nội dung và lĩnh vực hoạt động ĐMST 
4.1. Định hướng phát triển Thành phố Vinh
Tỉnh Nghệ An đã thống nhất phương án mở rộng TP. Vinh, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, TP Vinh có quy mô diện tích tự nhiên 173,39 km2/150km2, dân số khoảng 452.169 người, số đơn vị hành chính có 37 đơn vị. Về mặt không gian có mối liên kết giữa  TP. Vinh hiện hữu và một phần huyện Hưng Nguyên - TX Cửa Lò - Nghi Lộc. Mục tiêu: Hướng tới phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là du lịch. Về tổng thể, phát triển thành phố Vinh cùng với thị xã Cửa Lò trở thành một trong những đô thị ven biển của Việt Nam; là nơi giao thoa kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng với khu kinh tế Đông Nam của tỉnh; là trung tâm của vùng Bắc Trung bộ các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.
Phát triển đô thị thông minh là nơi mà chính quyền địa phương cũng như cư dân sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ trong cuộc sống đời thường và trong công tác quản lý địa phương.
Đổi tên Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành Khu kinh tế Nghệ An. Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được mở rộng diện tích lên 20.776,47 ha nằm trên địa bàn 26 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên; thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò và thành phố Vinh.
Hình thành KCN công nghệ cao tại xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh để thu hút các dự án công nghệ cao theo Quyết định số 827/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/6/2020:  quy mô khoảng 21,6 ha (thực tế diện tích còn khoảng 14 ha). 
Phát triển vùng đô thị Vinh và phụ cận trở thành vùng động lực trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Trung tâm về văn hóa, giáo dục, thương mại của vùng Bắc Trung bộ. Được phát triển thành vùng đô thị hóa trọng tâm của tỉnh Nghệ An với thành phố Vinh là vùng lõi, đô thị lịch sử, các đô thị vệ tinh đảm đương chức năng chuyên ngành như Cửa Lò (Du lịch và dịch vụ công cộng); Nghi Lộc (Sản xuất công nghiệp và dịch vụ logistisc); Hưng Nguyên (Nông nghiệp công nghệ cao); Nam Đàn (Du lịch sinh thái và văn hóa) được thu hút phát triển giảm sự tập trung quá tải vào trung tâm thành phố Vinh.
Phát triển Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh, là trụ cột của các cơ sở giáo dục đại học khu vực Bắc Trung bộ, hướng tới xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á. Trường Đại học Vinh có đơn vị Trung tâm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cán bộ và HSSV toàn trường.
Thu hút và tạo điều kiện cho các Viện nghiên cứu, các tập đoàn lớn mở các Trung tâm nghiên cứu liên ngành (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), Trung tâm đào tạo và phần mềm (ví dụ như FPT..) tại Vinh... 
Hình thành khu Đô thị Đại học mới trong  đó bố trí trường đại học quốc tế và các trường đại học chất lượng cao khác tại vùng Nghi Thạch, Nghi Phong. Hình thành các trường học quốc tế ở các khu vực đô thị mới như Vinh Tân, Nghi Phú, Hưng Lộc và khu Trung tâm mới ở Hưng Hoà.
4.2. Đề xuất nội dung và lĩnh vực hoạt động ĐMST TP Vinh 
Trước hết ĐMST phải bắt đầu từ cơ quan công quyền: Khối các cơ quan công quyền phải là nơi đầu tiên thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Mọi thủ tục hành chính, mọi quyết định hành chính, mọi tác nghiệp quản lý phải được thực thi trong môi trường kỹ thuật số. Xây dựng hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin phát triển. Xây dựng cơ sở dữ liệu ở các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp, hình thành dữ liệu lớn cấp tỉnh, đặc biệt lưu ý đến khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hệ thống. Xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An.
Có chính sách khuyến khích hỗ trợ để huy động nguồn lực xã hội (đặc biệt là doanh nghiệp) cho hoạt động đổi mới sáng tạo (đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm sáng tạo, thương mại hóa sáng chế, giải pháp hữu ích…), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, tự động hóa, kinh tế tuần hoàn… 
Các doanh nghiệp là đối tượng mang tính chìa khoá trong đổi mới sáng tạo: Rà soát điều chỉnh bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Có lộ trình “doanh nghiệp hóa” lực lượng hộ kinh doanh cá thể. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các trung tâm R&D, thúc đẩy quỹ phát triển KH&CN ở các doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thử nghiệm các chính sách đặc thù riêng cho khu vực doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thu hút và tạo điều kiện cho các Viện nghiên cứu, các tập đoàn lớn mở các Trung tâm nghiên cứu liên ngành (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), Trung tâm đào tạo và phần mềm (ví dụ như FPT..) tại Vinh... 
Phát huy nguồn lực con người và văn hóa xứ Nghệ, kết nối để tranh thủ nguồn lực con người xứ Nghệ ở tại chỗ cũng như ở mọi miền đất nước và trên thế giới. Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mới, đặc biệt là lực lượng tri thức, doanh nhân và công nhân. Thu hút các chuyên gia, nhà đầu tư. 
Xây dựng Vinh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung bộ, theo mô hình tổ hợp dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trên cơ sở hạ tầng sẵn có kết nối với Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Kết nối với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong ngoài tỉnh để hình thành các Vườn ươm công nghệ, Vườn ươm doanh nghiệp tại Vinh. Hình thành mạng lưới chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo. Hoạt động kết nối đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.
Triển khai đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (Inovation Index). 
Các lĩnh vực kinh tế ngành Nghệ An cần ưu tiên ĐMST: (1) Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, công nghệ mới ở trong tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dịch vụ như thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, logistic, giao thông vận tải, kinh tế chia sẻ, truyền thông, du lịch, văn hóa nghệ thuật,…(2) Lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử,… Hình thành các Khu công nghiệp liên ngành, Khu công nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, chế biến gỗ để dẫn dắt chuỗi giá trị liên kết trong nông nghiệp. Hướng tới nền công nghiệp xanh, bền vững, tuần hoàn. (3) Phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở lợi thế so sánh, đặc sản vùng miền, hữu cơ, có trách nhiệm. Hình thành các chuỗi giá trị liên kết nông nghiệp, trước mắt ưu tiên các sản phẩm chủ lực, chủ yếu của tỉnh. Hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên số 1 là phát triển khu vực miền Tây Nghệ An, trong đó tập trung chính vào các đối tượng kinh tế rừng (gỗ và kinh tế dưới tán rừng), dược liệu, cây công nghiệp và các đối tượng đặc sản vùng.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây