Về một “tồn nghi” trong sách “Địa chí huyện Quỳ Hợp”

Thứ ba - 19/12/2023 04:21 0
Nhưng rồi một năm, trước ngày cúng, người ta đang cho trâu tắm tại một con suối thuộc sông Nậm Giai thì bỗng nhiên con trâu đầu đàn biến mất. Tìm mãi không thấy, đồng bào làm lễ “khài then”. Khài vừa xong, trên không một tiếng sét nổ vang trời. Ngay lúc đó, chỗ bà con tắm trâu nổi lên một hòn đá. Hòn đá tự nhiên nứt đôi. Giữa lúc đó lọt ra một con trâu bạc. Đồng bào lại khài then rồi mới đem trâu bạc làm thịt. Khi làm thịt trâu, một con quạ khoang ở đâu bay tới, sà xuống, ngậm một khúc xương, bay sang bản Piếng Chào, đậu tại Pù Căm. Bà con biết rằng, Then không muốn ở Pù Vai Nhàng nữa mà muốn về Piếng Chào, nên liền dời đền Chín Gian từ Pù Vai Nhàng đến Pù Căm. […] Từ ngày dời về Pù Căm, đền thờ thêm Náng Xi Đà… Náng Xi Đà là con gái của Pọ Phà (trời). Trời sai Náng Xi Đà xuống mường đất để làm vợ Khủn Tinh cai quản toàn bộ 9 mường ở phủ Quỳ Châu cũ, mới bảo Then Ná cho Khủn Tinh và Xi Đà cùng đầu thai để cùng xuống mường Đất. Xi Đà lanh lợi, được hóa kiếp đầu thai, liền xuống trần gian, còn Khủn Tinh cứ mải săn bắn, đến cánh đồng “Tồng Có” ở lại vui chơi với con trai con gái, nên xuống sau. Khi Khủn Tinh vừa lọt lòng mẹ và khóc mãi. Cầm áo đi bói, ông mo cầm kiếm làm phép lấy gương soi áo rồi nói rằng: “Phải cưới Xi Đà cho Khủn Tinh thì Khủn Tinh mới không khóc”. Quả vậy, Xi Đà vừa được cưới về nhà Khủn Tinh thì Khủn Tinh bặt khóc. Về nhà chồng, Xi Đà phải cõng Khủn Tinh đi chơi, bày trò chơi cho chồng. Khủn Tinh lớn nhanh như thổi, chẳng bao lâu thành một chàng trai khỏe mạnh, thông minh, cưỡi ngựa giỏi, bắn cung tài. Chàng đã giúp bản mường giết thú dữ, đánh những kẻ bên ngoài đến quấy phá, sau đó thay cha là Khủn Tướng làm chủ tất cả các bản mường ở phủ Quỳ Châu cũ. Không những thế, chàng còn xuống mường Nước, lên mường Trời, làm những việc mà trước đó chưa một Tạo mường nào làm được. Trong lúc đó thì Xi Đà ở nhà nuôi con, làm rẫy, bày vẽ cho các cô gái trong mường biết trồng bông, kéo sợi, dệt vải, dệt thổ cẩm, thêu thùa, làm các món ăn…

Đền Chín Gian  ở huyện Quế Phong

  Khủn Tinh mải mê săn bắn và chinh chiến. Sau đó chàng yêu một cô gái ở mường Trời là nàng Ảm Pin. Nàng Ảm Pin đã có một người yêu ở mường Đất là Anh Cả. Anh Cả là con một vị vua của người Kinh. Khủn Tinh đánh nhau với Anh Cả để đoạt Ảm Pin. Anh Cả thua, Trời thương Ảm Pin, muốn cứu Anh Cả, cho dòng một cái nống rất lớn xuống mường Đất, trong nống có nhiều trai gái, kẻ thổi khèn người đánh trống rồi người thổi sáo, gõ chiêng, người nhảy sạp, múa xòe và nhiều người đang hát đối đáp với nhau theo các làn điệu nhuôn, xuôi… Vốn thích vui, Khủn Tinh nhảy vào cái nống ấy và trời kéo ngay lên, không cho Khủn Tinh về mường Đất nữa… Khủn Tinh đã có với Xi Đà một đứa con trai, tên là Ai Hùng. Ai Hùng lớn lên cũng khỏe mạnh cũng giỏi giang như bố, và có phần hơn bố. Biết chuyện bố, Ai Hùng lên mường Trời, đón bố về. Trời không cho, Ai Hùng đã đánh nhau với quân tướng nhà trời. Quân tướng nhà trời thua, hai cha con đem nhau về mường Đất. Cuộc sống lại trở lại như cũ. Dù là con Pọ Phà, Xi Đà vẫn là người đàn bà hiền dịu, cần mẫn, chiều chồng, thương con, có nhiều khả năng phi thường. Đó là người mẹ không chỉ của Ai Hùng mà của cả dân tộc Thái ở mường Quỳ Châu cũ. Khi bà chết, người Thái cũng thờ bà ở đền Chín Gian, tôn là “Đức mẹ Xi Đà”, một đức mẹ hiện thân của bao đức tính tốt đẹp, của tình thương bao la, là tổ sư của nhiều nghề như trồng bông, trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt vải, dệt tơ sồi, nhuộm màu, dệt thổ cẩm, may vá, thêu thùa v.v.” (tr.439 - 441). Tác giả ghi chú “Theo lời kể của ông mo Nam và mo Hòa ở Quế Phong, do Trần Thanh Tâm ghi” (tr.441). Và có đoạn “tồn nghi”: “Theo truyện kể “Khủn Tướng - Khủn Tinh - Nàng Ni” thì Khủn Tinh là con Khủn Tướng. Khủn Tướng làm chủ một mường rộng lớn có tên là Mường Xan. Vợ của Khủn Tinh trong truyện này là Nàng Ni, người của Mường Trời. Phủ Quỳ Châu cũ ở miền Tây Nghệ An không có Mường Xan. Vấn đề này chúng tôi sẽ tìm hiểu, nghiên cứu thêm, mặc dù đây là một truyện kể” (tr.440). 
Tác giả đặt vấn đề như vậy là xác đáng. Do thông qua lời kể/ghi của người khác và thời điểm xuất bản của cuốn sách (2003) chưa có được tư liệu mới, đáng tin cậy, nên phải để vấn đề đó “tồn nghi”. Là người “cộng tác” với tác giả viết cuốn sách này, chúng tôi (QVM) cũng thấy được một phần trách nhiệm, nên phải viết bài báo này(2). 

Tác phẩm "Lai Khủn Chưởng"
2. Giải mã tồn nghi
2.1. Nhân vật “Náng Xi Đà”
Năm 2010, Nhà xuất bản Nghệ An xuất bản cuốn sử thi Lai Khủn Chưởng (Truyện Khun Chương)(3) do chúng tôi chủ biên. Sau đó, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tái bản (cũng trong năm 2010). Về nhân vật “Khủn Chưởng/Khun Chương” người Thái trong khu vực đã sáng tạo ra 4 bản kể (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Vân Nam - Trung Quốc)(4). Trong đó “Náng Xi Đà” (Nàng Xi Đà) được nói rõ “nàng là con của Phạ Huổn” (“Phạ Huổn” còn có tên là “Chầu Phẻn Pựn”, tức “Chủ Trần Gian”), chủ mường Tum Vang, thuộc Vân Nam - Trung Quốc ngày nay). Tiếng Thái gọi là “Nang Xí Đá”, tức “Nàng Xi Đa”. Nàng còn có tên là “Căm Thén” tức “Nàng Vàng của Mường Trời” hoặc “Nàng Tiên Vàng”. Khun Chương - chủ mường Thái ở Há Xai (Đông Bắc Thái Lan ngày nay) muốn mở rộng lãnh thổ, lấy cớ hỏi/lấy nàng Xi Đa không được, nên đã gây chiến với Phạ Huổn. Khun Chương hy sinh. Tạo Hùng (tiếng Thái là “Tạo Hủng”/Chàng Sáng) nối nghiệp cha, tiếp tục chinh phục Phạ Huổn và chiến thắng. Chàng cho rằng cha mình chết là vì nàng Xi Đa, nên đã bắt nàng, chặt nàng làm 9 khúc, đem tế ở đền Chín Gian (người Thái xưa gọi là “Tến luống”, tức “Đền lớn”). “Lúc đó, Phạ Huổn - chủ Phẻn Pựn bỏ chạy khỏi nhà/ Ngày ấy, nàng Căm Thén quỳ xuống xin Tạo (Hùng)/ Thấy mắt (nàng) sáng dịu như trăng mồng ba/ Nhìn rõ, ngắm kỳ có “8 nét đẹp”/ Chỉ thấy bừng bừng mặt Tạo Hùng tức giận đầy tim/ Tạo giật đao Láng Xếnh vung lên, chém xuống/ Chặt làm 9 khúc đem thờ ở đền Tến Luông (đền Chín Gian)/ Họ mời 9 họ trời xuống rú mồ đấy nhé! Lần ấy, thấy khói lửa bay lên trên sáng rực/ Pỏ (Thén, ông trời) ở tận Mường Trời thấy rõ Pù Căm (núi Quế Phong)…”(5). Tạo Hùng là con của Khun Chương và nàng Ngọm Muôn (Ẹt Ngọm), chứ không phải là con của Khủn Tinh.       
2.2. Nhân vật “Khủn Tinh”
Năm 2015, chúng tôi in cuốn Truyện thơ dân gian Thái - Nghệ An(6) trong đó có truyện “Khủn Tưởng, Khủn Tinh, Nàng Ni”. Đúng như “tồn nghi” đã viết ở trên: “Khủn Tinh là con Khủn Tướng. Khủn Tướng làm chủ một mường rộng lớn có tên là Mường Xan. Vợ của Khủn Tinh trong truyện này là Nàng Ni, người của Mường Trời. Phủ Quỳ Châu cũ ở miền Tây Nghệ An không có Mường Xan”. “Mường Xan” nói ở đây tức là “Chiềng Xan” thuộc Đông Bắc Thái Lan ngày nay. Như vậy, ở đây đã có sự nhầm lẫn (của người cung cấp tư liệu), từ “Khủn Tinh” sang “Khủn Chưởng/Khun Chương”. Nhân vật “Khủn Tinh” hoàn toàn không có gì liên quan đến nàng Xi Đa, Ai Hùng/Tạo Hủng, đền Chín Gian… Con của Khủn Tinh không phải là Ai Hùng/Tạo Hùng, mà là An Ca. Cũng không có chuyện “Khủn Tinh nhảy vào cái nống và trời kéo ngay lên, không cho Khủn Tinh về mường Đất nữa”. Chi tiết này chỉ thấy trong sử thi “Khun Chương”. Như trên đã nói, Tạo Hùng chiến thắng Phạ Huổn. Pủ Căm (“ông trời”; đừng nhầm với từ “Pù Căm”, “núi vàng”, nơi có đền Chín Gian) gọi các “nàng tằm” ở Mường Trời rằng: “Đâu rồi 9 Mẻ Mọn (nàng tằm) trong nong còn chơi/ Ta bảo các nàng xuống Mường Là mường Lủm (trần gian) chơi nhé!/ Xuống chơi nong Mẻ Mọn đưa các cháu Khun Lôm (chú của Tạo Hùng), Tạo Hùng của ta về/ Để vây bắt voi cùng khí tài về Bôn (trời) đấy nhé!/ Lập tức, Pủ Căm nhấc con Khun (Chương) về trời/ Thấy người bay lên phía Bôn như én/ Cờ bay lên Mường Trời ở giữa sương mây/ Ngủ dậy đã là Mường Bôn (Bồn Man, miền Tây Nghệ An) trên 9 tầng/ Chủ (Tạo Hùng) kéo quân ra khỏi “ổ” (nong) nàng Căm (nàng tằm)/ Ta hãy theo đường bên dưới (đất) ta đi”(7). Chi tiết này nhằm “giải thích” Tạo Hùng đi từ Tum Vang (Vân Nam - Trung Quốc) về Pù Căm (Quế Phong) nhanh như vậy (để tế đền Chín Gian).      
2.3. Nhân vật “Nàng Ảm Pin”
Nàng Ám Pin (tiếng Thái là “Ám Pím”) không phải là vợ của Khủn Tinh, mà là vợ của Khun Chương. Và Anh Cả (tiếng Thái là “Ánh Cá”) không phải là người yêu của Khủn Tinh. Tạo Ánh Cá (còn có tên là “Tạo Quạ”) là chủ vùng Chiềng Lạn, Chiềng Khừa (Xiêng Khoảng - Lào ngày nay), thuộc tộc người Môn - Khơ Me. Người Thái gọi những người thuộc tộc Môn - Khơ Me là “Keo/Kẹo/Kéo”, có nghĩa là “ngọc”. Nói Tạo Ánh Cá là “con một vị vua người Kinh” là không chính xác. Vì người Kinh chỉ là “một” trong tộc Môn - Khơ Me; và người Kinh thế kỷ thứ XI - XII (thời kỳ của sử thi “Khun Chương”) không có chiến tranh với người Thái (ở trên đất Lào). Chàng có người yêu là nàng Ùa Cả. Khun Chương (khi còn sống) cũng muốn “sáp nhập” vùng này nên đánh nhau với Ánh Cá, giành lấy nàng Ùa Cả. Cho nên Ánh Cá không có liên quan gì với nàng Ám Pím cả.  
2.4. Nói thêm
Như đã biết, Tạo Hùng là con của Khun Chương. Khun Chương là con của Khun Chom. Khun Chom là “con cháu” của Thén Lo (Then Lò)(8). Như vậy, Thén Lo là “thủy tổ” của dòng họ Lo Căm (chủ nhân của đền Chín Gian). Bài dân ca Thái về đền Chín Gian đã nói rất đúng rằng: “Hai nữa, ta đây là giống quan/ Là giống nhà Tạo/ Ta đừng để mất của thiêng đi đường/ Đeo eo còn có dáo lưỡi sắc của Khun Chương/ Khi Khun Chương chết để lại cho chủ Tạo Lo nên gốc/ Để lại cho ngành em  Lữ, Lộc, Lương, Quang…”(9). Cho nên, nói đền Chín Gian thờ “Then” thì phải hiểu ở đây là “tổ tiên dòng họ Lo Căm”, người cai quản dân Thái miền Tây Nghệ An từ thế kỷ XV đến Cách mạng tháng Tám 1945. Hoặc nói thờ “Phạ” thì phải hiểu đây là “Chầu Phạ” (Chủ Trời) tức là “Khun/Tạo Lo Căm”. Nước Lào xưa có vua Phạ Ngừm, cũng gọi là “Chầu Phạ Ngừm” là vì thế(10). 
3. Kết luận
Đền Chín Gian (ở Quế Phong) do dòng họ Lo Căm lập nên để thờ phụng tổ tiên. Đó là truyền thống lâu đời của người Thái và nhiều dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Nó ảnh hưởng/quy tụ người Thái miền Tây Nghệ An vì dòng họ Lo Căm là dòng họ Chủ Mường, có công dẫn dắt và cai quản dân Thái trong vùng xây nên bản mường từ xa xưa.  
Để hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của đền thì cần phải nghiên cứu, thu thập, xử lý tư liệu. Trong việc này thì người đi trước mở đường bao giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì tư liệu thiếu. Nhưng chúng ta không nên “cầu toàn”. Những người đi sau sẽ “bổ khuyết” nếu tìm ra tư liệu mới, đáng tin cậy về mặt khoa học.

Chú thích
(1). Ninh Viết Giao (2003), Địa chí huyện Quỳ Hợp, Nxb Nghệ An, Vinh.
(2). Ngoài bìa sách có ghi: “Ninh Viết Giao, có sự cộng tác của Lô Khánh Xuyên, Quán Vi Miên”. 
(3). Quán Vi Miên (2010) (chủ biên), Lai Khủn Chưởng/Truyện Khun Chương, Nxb Nghệ An, Vinh; Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. Các nhà nghiên cứu thống nhất xác định thể loại của tác phẩm “Lai Khủn Chưởng” là sử thi.
(4). Phạm Đặng Xuân Hương (2016), Đặc điểm thể loại sử thi Chương ở Việt Nam (Trường hợp Chương Han của người Thái Tây Bắc), Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr.63 - 71. Ngoài 4 bản chính, còn có nhiều “dị bản”.
(5). Sử thi “Khun Chương”, Sđd, tr.346 - 347. 
(6). Quán Vi Miên (Sưu tầm, dịch, giới thiệu) (2015), Truyện thơ dân gian Thái - Nghệ An, Nxb Nghệ An, Vinh. Truyện “Khủn Tưởng, Khủn Tinh, Nàng Ni”, tr.119 - 198.
(7). Sử thi “Khun Chương”, Sđd, tr. 347 - 348.
(8). Sử thi “Khun Chương”, Sđd.
(9) Quán Vi Miên (2023), Văn hóa Thái - Tìm hiểu và khám phá (tập 5), Nxb Nghệ An, Vinh, tr. 317.
(10) Phà Ngừm (1316 - 1393), còn gọi là Chậu Phà Ngừm; Phraya Fa Ngum, danh xưng hoàng gia là Somdetch Brhat-Anya Fa Ladhuraniya Sri Sadhana Kanayudha Maharaja Brhat Rajadharana Sri Chudhana Negara, sinh ở Mạnh Ty Ngoã (nay là Luang Prabang), mất ở nước Nan, là vị vua đã sáng lập vương quốc Nam Chưởng của Lào vào năm 1354 và trị vì đến khi mất, năm 1393/ https://vi.wikipedia.org.
Tài liệu tham khảo
(1) Vi Văn An (1999), Thiết chế bản - mường truyền thống của người Thái ở miền Tây Nghệ An, Luận án Tiến sỹ sử học, Hà Nội.
(2) Ninh Viết Giao (2012), Địa chí huyện Tương Dương, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. 
(3) Chu Thái Sơn (chủ biên), Cầm Trọng (2005), Người Thái, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
(4) Lê Ngọc Thắng (1998), “Đôi nét về tín ngưỡng dân gian Thái”, in trong Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.  
(5) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Nghiên cứu văn hóa (2007), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (tập 4, Sử thi Khủn Chưởng), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 21 - 360.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây