Danh thần Trần Văn Kỷ với triều đại Tây Sơn - Những dấu ấn và tồn nghi

Thứ năm - 14/09/2023 05:21 0

Với vai trò là một trọng thần của triều đình Nguyễn Huệ, Trần Văn Kỷ đã góp phần không nhỏ cho nền chính sự của bậc quân vương mình phò tá. Đóng góp của ông đối với triều Quang Trung - Quang Toản khá đậm nét, tập trung ở thời kỳ vị Đại tướng quân Nguyễn Huệ đặt nền móng ở đất Phú Xuân (1786) cho đến khi bị vua Gia Long xử trảm (1801). 
Hơn 15 năm phò tá, Trần Văn Kỷ đã ghi dấu khá nhiều trong những bước thăng trầm của triều đại hoàng đế Quang Trung - Cảnh Thịnh thuộc triều đình Tây Sơn. 
Từ trước đến nay, khi nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến triều Tây Sơn, giới thức học trong và ngoài nước không quên nhắc đến danh thần Trần Văn Kỷ. Dẫu vậy, cho đến nay, nhiều yếu tố liên quan đến quê hương, gia thế, cuộc đời, sự nghiệp, công trạng, dấu ấn của ông với triều đại Tây Sơn… gần như vẫn chưa được rõ ràng, tạo sự đồng thuận cao trong học giới. 


Tượng thờ Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)

Với mong muốn góp thêm một vài nhận định, ý kiến liên quan đến vị mưu sĩ này, ngõ hầu sẽ gợi mở phần nào đó việc nghiên cứu chỉn chu, nhằm trả lại giá trị tự thân cho danh thần Trần Văn Kỷ, qua bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến hai mục chính: 
Một là về dấu ấn, vai trò và công lao của Trần Văn Kỷ đối với triều đại Tây Sơn (Quang Trung Nguyễn Huệ và Cảnh Thịnh Quang Toản).
Hai là: một số bàn luận liên quan đến Trần Văn Kỷ.
2. Dấu ấn, vai trò và công lao của Trần Văn Kỷ với triều Tây Sơn 
Là người thông minh, tài hoa, học rộng và nhanh trí, từ sau ngày được Long Tương tướng quân(1) [Nguyễn Huệ] cân nhắc trọng dụng, Trần Văn Kỷ trở thành bậc quân sư mưu lược, là “cánh tay phải” đắc lực của Đại tướng Nguyễn Huệ (vua Quang Trung sau này) và là bậc mưu sĩ, phụ chính trọng yếu ở hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh. 
Sử sách không chép rõ nguyên nhân vì sao ông được Nguyễn Huệ tin dùng, song chính vào năm Bính Thân (1786), ông ta đã tỏ ra là người tâm phúc của tướng quân Nguyễn Huệ. 
Vào năm 1786, sau khi đánh chiếm được Bắc Hà, ba anh em Tây Sơn “chia để trị”, với khu vực cai quản của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ là từ núi Hải Vân trở ra Bắc, Đông Định vương Nguyễn Lữ giữ đất Gia Định, còn lại là khu vực cai quản của Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Từ đây, sự mâu thuẫn giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc ngày càng nhiều và có nguy cơ đổ vỡ quan hệ anh em. Trước tình thế đó, Trần Văn Kỷ xuất hiện với vai trò là một mưu thần đặc biệt của Bình vương Nguyễn Huệ. Sách Đại Nam liệt truyện chép: 
“Tháng 5 [năm Bính Thân (1786)]… Nhạc xem thấy cả giận, bèn sửa quân đánh nhau, Huệ tự cậy là thế lớn, dẫn quân đánh thẳng vào Quy Nhơn bao vây vài tháng. Nhạc đóng chặt thành tự giữ. Huệ đắp núi đất đặt súng lên để bắn, đạn rơi vào trong thành lớn như cái đầu sai người nhặt lấy khóc và tố cáo ở nguỵ miếu. Tướng của Nhạc là Đặng Văn Chấn (có tên là Trấn) từ Gia Định về viện trợ, đi đến Phú Yên, bị Huệ bắt được. Nhạc bèn ở trên thành gọi Huệ bảo rằng: “Nồi da nấu thịt lòng em sao nỡ thế”. Cùng hướng vào nhau khóc rống lên hồi lâu, rồi đều giải quân giảng hoà, lấy Bản Tân [Bến Ván] làm giới hạn, từ Quảng Ngãi trở vào Nam thì Nhạc làm chủ; từ phủ Thăng, phủ Điện trở ra Bắc, thì Huệ làm chủ; đó là mưu kế của người bề tôi yêu của Huệ là Trần Văn Kỷ bày ra”(2).
Là bề tôi đặc biệt thân tín dưới trướng Long Tương tướng quân Nguyễn Huệ, Trần Văn Kỷ luôn là người được chủ tướng trao đổi, bàn bạc trực tiếp trước gần như là mọi vấn đề, khi giải quyết hiện tình xã hội thời bấy giờ. Nói về chuyện sứ thần Lê Duy Yên, Trần Công Xán theo lệnh vua Chiêu Thống nhà Lê vào gặp Huệ xin lại đất Nghệ An, bị Nguyễn Huệ tức giận giam vào ngục, Ngô Văn Sở xin giết đi, Nguyễn Huệ bèn bàn với Trần Văn Kỷ rằng: “Biến ở trong nhà không thể để cho người ngoài nghe thấy. Nay sứ giả miền Bắc ở đây, cho về thì tiết lậu tình trước, giết đi thì mang tiếng không tốt”(3).

Bức thư của Kỷ Thiện hầu Trần Văn Kỷ gửi La Sơn Phu Tử

Hoặc như sự biến trước khi vua Quang Trung qua đời, nhà vua cũng đem việc chẳng lành tâm sự với Trần Văn Kỷ. Đại Nam liệt truyện chép: [Năm Nhâm Tý]… Huệ là người tàn ngược vô đạo, lúc mới chiếm cứ được đô thành xâm phạm vào tất cả các lăng liệt thánh. Một hôm về buổi chiều Huệ đương ngồi bỗng nhiên tối mắt, thấy một ông bạc đầu từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: Cha ông mày sinh ra ở đất nhà vua, đời đời làm dân nhà vua mày sao dám phạm đến lăng tẩm, rồi lấy gậy đánh vào trán. Huệ tối sầm mắt ngã vật ra một lúc lâu mới tỉnh. Huệ đem lời ấy nói với Trung thư là Trần Văn Kỷ”(4). Mặc dù sự kiện này qua lời kể của Sử quan triều Nguyễn (đối lập với Tây Sơn) nên ít nhiều có phần khoa trương thêu dệt, chưa hẳn đã phản ánh đúng sự thực nguyên nhân cái chết của Hoàng đế Quang Trung, song qua đây người đọc cũng thấy rằng Trần Văn Kỷ thực sự là bề tôi tâm phúc, nhận được niềm tin tuyệt đối của vị hoàng đế tài năng triều Tây Sơn này.
Đồng thời, Trần Văn Kỷ là người có công lao rất lớn trong việc tư vấn, hoạch định các chiến lược, phương sách trọng dụng người tài của triều đình Lê mạt. Ông là người đề cử Ngô Thì Nhậm (năm Đinh Mùi 1787), để từ sau đó khá nhiều kẻ sĩ Bắc Hà như Phan Huy Ích, Trần Bá Lãm, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Ninh Tốn, Nguyễn Đề…. đã theo nhau giúp rập, tôn phò tân triều… 
Sách Đại Nam liệt truyện chép: “Có viên Thị lang là Ngô Nhậm, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, đỗ Tiến sĩ đời Lê trước, bị tội trốn tránh đến đây mới ra thú, nhờ Trần Văn Kỷ dẫn ra mắt Huệ. Huệ vẫn nghe Nhậm là người có tài nên coi trọng, cho làm Thị trung Trực học sĩ, bảo Kỷ rằng: Đây là người ta lại tạo nên đó. Nhậm cúi đầu lạy tạ. Nhậm nhân dẫn: nhất là Phan, nhì là Ích, Nguyễn Thế Nhân, Nguyễn Nha, Nguyễn Bá Lan, [Phạm] Nguyễn Du, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn lục tục đến yết kiến. Huệ cho Ích làm Thị trung ngự sử, Lịch làm Hiệp biện đại học sĩ; còn các người khác đều cho làm quan cả”(5). 
Về sự kiện này, Hoàng Lê nhất thống chí tường thuật kỹ càng hơn: 
“… Nhậm vào yết kiến viên Trung thư lệnh Kỷ Thiện hầu(6) là Trần Văn Kỷ. Kỷ người Thuận Hoá, vốn có văn học, là bậc danh sĩ ở Nam Hà. Năm Đinh Dậu (1777) niên hiệu Cảnh Hưng, Kỷ thi ở trấn đậu Giải nguyên. Năm Mậu Tuất (1778), Kỷ tới kinh thi hội, sĩ phu ở Bắc Hà, Kỷ có giao thiệp quen biết ít nhiều. Năm Bính Ngọ (1786), Bắc Bình vương đánh lấy thành Phú Xuân, sai người tìm Kỷ hỏi việc Nam, Bắc. Kỷ đối đáp rất nhanh và rất hợp ý, nên Bắc Bình vương rất trọng, cho ở vào chỗ “màn trướng” (nơi ở của bậc tướng soái), việc gì cũng bàn với Kỷ, lúc nào cũng gần bên Kỷ, không mấy khi xa rời. Lúc ấy Ngô Thì Nhậm tới gặp Kỷ, nói rõ tình trạng mình xúc phạm tới Ước, sợ bị hãm hại nên không dám đến, chứ không phải dám trốn tránh, rồi nhờ Kỷ giải cứu cho. Kỷ nói: Nghe ông là bậc kỳ tài, không may bị tiếng gièm pha, trốn tránh hơn năm sáu năm, sự tích luỹ càng thêm tinh tuý. Nay ra ứng dụng với đời, chính là hợp thời. Tôi đã đem tên ông trình với chúa thượng khen tài ông có thể dùng làm việc lớn. May mắn nay được chúa thượng rủ lòng yêu mến, đã sai tôi tìm ông, vậy không phải cần gì đến ông Ước!
Tức thì Kỷ đưa Nhậm vào yết kiến Bắc Bình vương. Bắc Bình vương nói:
Ngày trước, ngươi vì chúa Trịnh không dung, một mình bỏ nước mà đi. Nếu ta không đến đây, ngươi làm sao được thấy bóng mặt trời? Có nhẽ đó là ý trời muốn để dành người tài cho ta dùng. Vậy ngươi hãy cố gắng mà lo việc báo đáp, thế là được.
Ngô Thì Nhậm rập đầu tạ ơn. Bắc Bình vương ngoảnh lại bảo Kỷ:
Đây là người do ta gây dựng lại, nên thảo ngay tờ chế phong làm chức Tả thị lang bộ Lại, tước Tình Phái hầu, cùng với Văn Ước coi tất cả các quan văn võ của nhà Lê”(7).
Cùng đó, Trần Văn Kỷ đã dốc sức mình cho việc thiết tha mời mọc vị ẩn sĩ tiếng tăm thuở bấy giờ là La Sơn tiên sinh Nguyễn Thiếp ra cộng tác với triều đình Nguyễn Huệ - Quang Trung. Hẳn nhiên, sự nhún nhường mềm mỏng của Bắc Bình vương - Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ đối với La Sơn phu tử trải nhiều lần, khiến Nguyễn Thiếp phải động lòng mà cuối cùng chính thức ra cộng tác, giữ chức vụ cai quản Sùng Chính thư viện trong triều Quang Trung không thể không có dấu ấn mưu lược của Trần Văn Kỷ. Ông không những giúp vua Quang Trung xử trí tròn vẹn, êm thấm đầy tính cầu thị và tình nghĩa trong mối quan hệ với Nguyễn Thiếp, mà còn là người trực tiếp liên hệ với La Sơn phu tử, để góp phần vun đắp nghĩa tình này. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn trong sách La Sơn phu tử đã đánh giá khá xác đáng về vai trò và vị thế của mưu sĩ Trần Văn Kỷ rằng:
“Trần Văn Kỷ - nay xét chung ba bức thư của Nguyễn Huệ gửi cho La Sơn Phu tử, mà ta so sánh với cái thư tự tay Huệ viết sau nầy, ta thấy rằng các thư ấy không phải Huệ viết đã đành, mà lời thư, ý thư cũng không phải hoàn toàn của Huệ. Mà ý triệu cụ cũng không phải là của Huệ một mình. Phải có ai mách cụ với Huệ. Chung quanh Nguyễn Huệ, bấy giờ chỉ rặt tướng võ như Vũ Văn Nhậm, Lê Văn Sở. Trước có Nguyễn Hữu Chỉnh là văn võ kiêm toàn. Nhưng bấy giờ Hữu Chỉnh đã thành kẻ địch. Vì thế sau này, lúc Huệ ra đánh Hữu Chỉnh xong, Huệ mới dùng cựu thần nhà Lê là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Duy chỉ có Trần Văn Kỷ người huyện Hương Trà, xứ Thuận Hóa, đậu Giải nguyên, là có tiếng hay chữ ở miền Nam. Trong sự Tây Sơn giao thiệp với phần lớn nhân sĩ trong nước, ta đều thấy có Văn Kỷ nhúng vào. Văn Kỷ bấy giờ giúp việc bên cạnh Chính Bình vương. Chính Văn Kỷ, tháng tư năm sau (1788), che chở và tiến cử Ngô Thì Nhậm... Như thế thì ta đoán chắc rằng: Trần Văn Kỷ đã mách cụ cho Huệ biết, sau này ta sẽ thấy Văn Kỷ trọng đãi cụ lắm. Có lúc gửi quế tốt tặng cụ”(8).
Hiện nay, trong hệ thống thư từ trao đổi giữa triều đình Bắc Bình vương - Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, bên cạnh các bức thư của Nguyễn Huệ và quan trấn Nghệ An, chúng tôi còn thấy hiện diện bức thư do Kỷ Thiện hầu Trần Văn Kỷ gửi Nguyễn Thiếp. Theo Hoàng Xuân Hãn thì “... Trong lúc hội nghị, cụ có gặp Trần Văn Kỷ, mà ký giả đã đoán là người bày cho Quang Trung việc mời cụ. Cụ [Nguyễn Thiếp] có nói chuyện thuốc và có ngỏ ý muốn nhờ mua họ quế. Sáu tháng sau, về cuối tháng chín, Trần Văn Kỷ gửi quế ra và viết thủ thư sau này gửi đến trại núi”(9). Dưới đây, chúng tôi xin cung cấp toàn văn bức quốc thư ấy.
Hán văn:
中書令陳文紀再拜謹書于羅山大老先生 (侍教下)自知肉桂辛勝不諶調用第念鎮營別後以此為囑不敢放過聊揀慶壽桂柒片重稱兩封識納之于筩托翰林院承旨兼工科都給事中韞亭伯轉遞專祈鋻納茲謹書 .
光中二年九月二十四日 [墨印 : 中書令之章 ]                
Phiên âm:
Trung thư lệnh Kỷ Thiện hầu Trần Văn Kỷ tái bái cẩn thư vu La Sơn đại lão tiên sinh (thị giáo hạ): Tự tri nhục quế tân thắng, bất kham điều dụng, đệ niệm Trấn doanh biệt hậu dĩ thử vi chúc, bất cảm phóng quá, liêu luyện Khánh Thọ quế thất phiến, trọng xứng tam lượng, phong thức nạp chi, vu dũng thác Hàn Lâm viện Thừa chỉ kiêm Công khoa Đô Cấp Sự trung Uẩn Đình bá chuyện đệ chuyên kỳ. Giám nạp từ. Cẩn thư!
Quang Trung nhị niên, cửu nguyệt nhị thập tứ nhật [mặc ấn: Trung thư lệnh chi chương].
Dịch nghĩa:
Trung thư lệnh Kỷ Thiện hầu Trần Văn Kỷ lại kính lạy và kính cẩn dâng thư lên La Sơn đại lão tiên sinh. Tôi biết là nhục quế rất cay, chẳng tin có thể điều phối mà sử dụng được. [Song le] tôi nghĩ rằng, từ lúc chia tay ở Trấn Dinh [tức Vĩnh trấn - TP Vinh hiện nay], nhớ rằng Ngài đã dặn dò về việc ấy [tìm gửi nhục quế], nên không dám bỏ quên. Tôi bèn chọn quế Khánh Thọ [tên 1 loại quế] với bảy phiến (miếng), cân được ba lạng, cho đóng gói, đánh dấu rồi bỏ vào ống và nhờ ông Hàn Lâm viện Thừa chỉ kiêm Công khoa Đô Cấp Sự trung Uẩn Đình bá chuyển đến Ngài. Rất mong tiên sinh xem xét nhận cho. Nay kính thư!
Quang Trung năm thứ 2, ngày 24 tháng 9 (1789)(10).
[Ấn đen: Trung thư lệnh chi chương].
Qua bức thư do Trung Thư lệnh Trần Văn Kỷ gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp quý giá hiện tồn này, chúng ta có thể tạm hình dung rằng mối quan hệ giữa Nguyễn Thiếp - một danh sĩ lẫy lừng xứ Nghệ thuở bấy giờ với mưu sĩ Trần Văn Kỷ của triều vua Quang Trung là thực sự hòa nhã và khá thân tình, tượng trưng cho sự gặp gỡ của những người có trí tuệ. 
Bên cạnh đó mặc dù sử sách không ghi chép cụ thể về vai trò của Trần Văn Kỷ trong cuộc đại chiến đầy oai hùng với quân Thanh vào tết năm Kỷ Dậu (1789), song chúng tôi cho rằng hẳn nhiên ông cũng là một trong những mưu thần đã có công tư vấn chiến lược, sách lược trong sự biến cuối năm Mậu Thân - đầu năm Kỷ Dậu, góp phần công lao không nhỏ cho chiến công đánh bại quân Thanh đầy hiển hách vào cuối thế kỷ XVIII này…
Tóm lại, từ thuở vừa được tin dùng, Trung Thư lệnh Kỷ Thiện hầu Trần Văn Kỷ đã là một trợ thủ đắc lực, một quân sư khá đặc biệt dưới trướng Tây Sơn Nguyễn Huệ và cũng là một đại công thần có vai trò quan trọng trong đời sống chính triều Quang Trung - Cảnh Thịnh trong gần 20 năm cuối thế kỷ XVIII. 
3. Một số vấn đề liên quan đến Trần Văn Kỷ cần bàn luận
Bên cạnh các dấu ấn khá rõ nét của Kỷ Thiện hầu Trần Văn Kỷ đối với triều đại Tây Sơn, xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của ông cho đến nay vẫn còn một số nghi vấn, cần tiếp tục đi tìm lời giải. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày một số vấn đề sau:
3.1. Trần Văn Kỷ có từng gặp gỡ Nguyễn Nghiễm như ghi nhận của GS Hoàng Xuân Hãn trong sách La Sơn phu tử hay không?
Theo ghi chép của Hoàng Lê nhất thống chí (đã dẫn ở trên) thì: [Trần Văn] Kỷ người Thuận Hoá, vốn có văn học, là bậc danh sĩ ở Nam Hà. Năm Đinh Dậu (1777) niên hiệu Cảnh Hưng, Kỷ thi ở trấn [Thuận Hóa] đậu Giải nguyên. Năm Mậu Tuất (1778), Kỷ tới kinh thi hội, sĩ phu ở Bắc Hà, Kỷ có giao thiệp quen biết ít nhiều.
Ở đây, ta thấy năm Đinh Dậu (1777) ông đỗ Giải nguyên ở trấn Thuận Hóa, và sau đó, vào năm Mậu Tuất (1778) Trần Văn Kỷ mới đến kinh đô Thăng Long để tham dự kỳ thi hội. Trong khi đó, Tả tướng quân Đại tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (1708-1775) tức vị “Thái bảo Nguyễn Nghiễm” được GS Hoàng Xuân Hãn nhắc đến trong công trình La Sơn phu tử của mình, đã qua đời vào ngày 17 tháng 11 năm Ất Mùi (1775). Như thế, chúng tôi cho rằng sự kiện “Trần Chánh Kỷ người Thuận Hóa, đậu cử nhân (hương cống) tới kinh (Thăng Long) yết kiến cụ Thái bảo Nguyễn Nghiễm, hỏi nhân tài nước Nam. Cụ Thái bảo trả lời: “Đạo học sâu xa thì Lạp Phong xử sĩ [Nguyễn Thiếp], văn chương phép tắc thì Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ thì chỉ có Nguyễn Huy Tự… Như thế thì ta đoán chắc rằng: Trần Văn Kỷ đã mách cho cụ Huệ biết; sau này ta sẽ thấy Văn Kỷ trọng đãi cụ lắm. Có lúc gửi quế tốt tặng cụ [Nguyễn Thiếp]”(11) mà GS Hoàng Xuân Hãn dựa vào gia phổ họ Nguyễn Huy xã Trường Lưu để đưa ra (sau này có nhiều bài báo, tạp chí trong nước dẫn liệu) là hoàn toàn không chính xác. Thực tế, sự “biệt nhỡn liên tài” của Trần Văn Kỷ đối với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là có thực, song không thể bắt nguồn từ câu chuyện cụ “Thái bảo Nguyễn Nghiễm” tư vấn cho ông.

3.2. Hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu có phải là Trần Văn Đức - người con được Trần Văn Kỷ gửi vào chùa Thiền Tông (Thiền Tôn/Thuyền Tôn) để trốn tránh sự truy sát của triều Nguyễn? 
Một số bài viết trước đây thông tin rằng “Trong thời gian ngắn ngủi lưu tại quê nhà năm 1801, biết là cái gì đến cũng sẽ phải đến, Trần Văn Kỷ đã bí mật đưa con trai lớn ([Trần Văn Đức] lúc đó 17 tuổi) vào ẩn náu ở chùa Thuyền Tôn (một ngôi cùa nổi tiếng ở phía Nam Huế). Tại đây, qua thời gian ở ẩn Văn Đức đã tu đến bậc Đại sư, nhưng sau đó đã hoàn tục, sinh con và về sống ở làng Văn Xá (phía Bắc Huế)”(12) và họ cho rằng vị Đại sư ấy là Hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu (? - 1834). Thực tế, qua các sách về lịch sử chùa Thuyền Tôn, lịch sử Phật giáo xứ Huế, qua bia ký hiện tồn ở chùa Thuyền Tôn và mộc bản chùa Huế, chúng tôi cho rằng nhận định đó không chính xác. Kể về hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu, văn bia “Thiên Thai Thiền Tông tự sự lục bi” hiện đặt ở chùa Thiền Tông chép rằng: “năm 1802, Hòa thượng Chiếu Nhiên viên tịch, truyền lại cho Thủ tòa Đạo Tâm tức Hòa thượng Trung Hậu kế vị trú trì đời thứ năm và năm sau Hòa thượng xin lại đại hồng chung nhận về bổn tự… Năm 1834, Hòa thượng [Đạo Tâm Trung Hậu] viên tịch, truyền lại cho Đại sư Tánh Thiện - An Cư làm trụ trì đời thứ sáu”. 
Trong hệ thống mộc bản chùa Phật ở Huế, chúng tôi thấy có các mộc bản “Thọ mệnh hồng danh vu lan hợp bản”, “Kim Cang kinh” và “Di Đà Phổ môn kinh” (hiện lưu giữ tại chùa Từ Đàm) được khắc bản năm Giáp Tuất niên hiệu Gia Long thứ 13 [1814], do Hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu trú trì Thiên Thai sơn Thiền Tông tự đứng ra trùng khắc.  
Như thế, chúng tôi cho rằng Hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu không phải là Trần Văn Đức, con trai cả của Kỷ Thiện hầu Trần Văn Kỷ. 
Có thể sau khi biết được tình thế khó khăn của chính mình, Trần Văn Kỷ đã cho những người con trai ông đi lẩn trốn nhằm tránh bị truy sát. Trần Văn Đức và Trần Văn Khuê (hai người con của Trần Văn Kỷ) bằng các phương cách khác nhau đã ẩn náu nương mình được, thậm chí sau này hai người vẫn sống tốt. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là người con cả Trần Văn Đức không thể là Hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu - vị trụ trì đời thứ năm của Tổ đình Thuyền Tôn. Đấy là điều chúng tôi muốn nhắc tới, để đính chính trường hợp cụ thể này có liên quan đến gia tộc Trần Văn Kỷ.
4. Tạm kết 
Vấn đề về vai trò, vị trí của Trần Văn Kỷ dẫu đã và đang được quan tâm nghiên cứu, song vẫn còn đó các vấn đề liên quan đến gia thế, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Chẳng hạn, từ nguyên do cụ thể nào Trần Văn Kỷ được Quang Trung Nguyễn Huệ trọng dụng và cực kỳ hậu đãi, trở thành một trong những mưu sĩ đặc biệt trong màn trướng như vậy? Ông và các triều thần ở triều đình Tây Sơn có mối quan hệ chính thức ra sao! Vai trò của ông đối với việc dẹp “loạn” Nguyễn Hữu Chỉnh, Bùi Đắc Tuyên… như thế nào? Các vấn đề tồn nghi ấy, chúng tôi thiết nghĩ cần có thời gian và cứ liệu mới để nghiên cứu bổ sung, giải mã. 
Trên tất cả, qua phản ánh từ các sự kiện lịch sử ở giai đoạn này, chúng ta thấy hiện ra một Mưu sĩ - Văn thần Trần Văn Kỷ đầy đạo nghĩa, một lòng một dạ với Nhà Tây Sơn (triều Quang Trung - Nguyễn Huệ và Quang Toản - Cảnh Thịnh, Bảo Hưng). Việc vua Gia Long xử chém vì cho rằng ông đã đầu hàng lại còn liên hệ với vua Cảnh Thịnh của Tây Sơn vào năm Tân Dậu (1801) dẫu đúng sai thế nào thì cũng là yếu tố quan trọng, góp phần khẳng định sự nghĩa khí nhất mực, lòng dạ sắt son với triều đình Tây Sơn của ông. Sự trung thành ấy, tài năng và tâm huyết ấy của Trần Văn Kỷ đáng để người đời tôn vinh, quý trọng.q

Chú thích
1. Các công trình ghi chép của người phương Tây về giai đoạn này cũng như bản dịch Đại Nam liệt truyện (quyển 30, Ngụy Tây liệt truyện: truyện Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ) của các học giả Ngô Hữu Tạo, Đỗ Mộng Khương ở Viện Sử học thì gọi tên là LONG NHƯƠNG TƯỚNG QUÂN. Tuy nhiên, đối chiếu với nguyên tác chữ Hán trong Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, tập 30: Ngụy Tây liệt truyện thì chép là: 龍驤將軍 (LONG TƯƠNG TƯỚNG QUÂN). Qua khảo cứu, chúng tôi thấy Long Tương tướng quân龍驤將軍 là một chức quan Võ, có từ Tam Quốc (220-280), và phổ biến vào các triều Lưỡng Tấn (265-420), Nam Bắc Triều (420-589). Chức quan này tùy từng thời kỳ mà có những phẩm hàm cao thấp khá nhau. Triều Bắc Ngụy北魏 (386-534), Bắc Tề 北齊 (550-577) thì Long Tương tướng quân có hàm tam phẩm 三品, triều Nam Lương 南梁 (502-557) thì Tướng quân có 240 cấp bậc trở lên, Long Tương tướng quân thuộc cấp bậc 170… Trong lịch sử Trung Hoa, một số vị tướng nổi tiếng giữ chức Long Tương tướng quân như: Võ tướng Quan Hưng 關興 (con Quan Vũ [Vân Trường], em trai của Quan Bình) của triều Thục Hán được ban chức quan Long Tương tướng quân 龙骧将军, thời Tấn thì đại tướng quân Vương Tuấn 王濬 (206-286) được ban chức Long Tương tướng quân 龙骧将军, thời Tiền Tần thì Phù Kiên 苻坚 (338 – 385) cũng từng được phong chức Long Tương tướng quân (sau ông xưng là Tần vương)... Ở nước ta, chúng tôi thấy chức Long Tương tướng quân này dường như chỉ xuất hiện ở triều Tây Sơn, do Nguyễn Huệ đảm nhiệm trước khi được phong làm [Bắc] Bình vương năm 1786 (các triều đại trước đó và sau đó đều không thấy).
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2: chính biên - sơ tập (Viện Sử học dịch, tái bản lần thứ 2), Nxb Thuận Hóa, 2006, tr.564-566.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2: chính biên - sơ tập, Sđd, tr.576.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2: chính biên - sơ tập, Sđd, tr.595-596.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2: chính biên - sơ tập, Sđd, tr.578-579.
6. Bản dịch viết Kỷ Lễ hầu, chúng tôi điều chỉnh là Kỷ Thiện hầu.
7. Ngô Gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí (Nguyễn Đức Vân- Kiều Thu Hoạch dịch và chú thích, Trần Nghĩa giới thiệu), Nxb Văn Học, 2010, tr.280-281.
8. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1952), La Sơn phu tử, Minh Tân Paris xuất bản, tr.108-109.
9. La Sơn phu tử, Sđd, tr.132.
10. Phần phiên âm, dịch nghĩa bức thư này chúng tôi trích từ bản dịch của TS. Nguyễn Công Việt (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trong bài viết “Giới thiệu bút tích và dấu ấn của Trần Văn Kỷ trên văn bản Hán Nôm thời Tây Sơn”, Thông báo Hán Nôm học năm 2000, trang 574-579. Link: http://hannom.org.vn/detail.asp?param=371&Catid=420. 
11. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, Minh Tân Paris 1952, tr.109.
12. Theo bài viết “Vài nét về danh nhân Trần Văn Kỷ”, link: http://www.donghuongphongdien.com/vai-net-ve-danh-nhan-tran-van-ky-news/view-64.html.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây