Bàn tròn tháng 10: Vùng Tây Nam Nghệ An và những thế mạnh

Thứ ba - 19/12/2023 04:21 0
Cùng với đó là sự đa dạng văn hoá các dân tộc thiểu số với nguồn tri thức bản địa phong phú về hiểu biết và sử dụng dược liệu, các bài thuốc quý, với những nét đặc trưng văn hóa riêng, tạo thành một bức tranh đa thanh sắc và là một nguồn lực quan trọng trong quá trình liên kết vùng, phát triển dịch vụ du lịch…
Ngoài ra, vùng đất Tây Nam còn sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ cùng hệ thống danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có kho tàng văn hoá - lịch sử, kiến trúc cổ còn lưu giữ trong các bản làng của đồng bào Thái, Mông, Thổ… là tiềm năng lớn trong phát triển du lịch cộng đồng. 
Đặc biệt, có vị trí địa lý thuận lợi để liên kết các không gian phát triển, và có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với nước bạn Lào, tiếp giáp với 2 tỉnh của Lào gồm Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay. Có cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương), Nậm Cắn (Kỳ Sơn) nhiều tiềm năng phát triển khu kinh tế cửa khẩu gắn với cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy…
Để hiểu rõ hơn về những thế mạnh kinh tế của vùng, Đặc san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An tổng lược nghiên cứu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Ts. Phạm Văn Linh - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ: 
Phát triển nông nghiệp công nghệ vùng Tây Nam Nghệ An

Trong những năm qua, được sự quan tâm và đầu tư của chính quyền trong phát triển kinh tế nông nghiệp cho vùng Tây Nam, các địa phương tích cực hưởng ứng và đưa vào áp dụng từng bước đã hình thành các sản phẩm đạt giá trị cao cho vùng, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp Ocop đạt tiêu chuẩn được công bố, trở thành sản phẩm đặc thù cho mỗi huyện, địa phương như: Bí xanh, tinh bột nghệ đỏ, cà chua múi, măng khô, thanh long ruột đỏ, chanh không hạt xứ Lường, bánh đa gạo lứt, bánh đa vừng, cao cà gai leo, chè xanh, trám đen, cam, bưởi Thanh Mỹ, nhút, năng chua, năng cay…. Trong đó rất nhiều sản phẩm được đi vào phân phối tại các siêu thị trên cả nước; Các bài thuốc quý như: Giảo cổ lam, khoai mài, gừng, đương quy, yacon, tam thất bắc, bảy lá một hoa, khôi tía... (Kỳ Sơn, Tương Dương), cà gai leo, dây thìa canh (Con Cuông), chè vằng, sâm Thổ Hào (Thanh Chương),… là những lợi thế lớn để vùng Tây Nam nói riêng, miền Tây nói chung có thể trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, của vùng Bắc Trung bộ.
Tuy nhiên, với nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng khu vực Tây Nam Nghệ An gặp nhiều khó khăn về:
Điều kiện tự nhiên khí hậu cực đoan, diễn biến phức tạp, đầu vụ Xuân có nhiều đợt rét đậm, rét hại, mùa hè nóng có nhiệt độ cao nhất toàn tỉnh. Giai đoạn chuyển mùa một số địa phương thường xảy ra hiện tượng thời tiết như giông, lốc, mưa đá gây sạt lở. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và thời tiết, nên yếu tố rủi ro lớn. Đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn và kéo dài trong khi điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai chưa thực sự thuận lợi, điều này dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư. Mặt khác, chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường.
Sản xuất nông nghiệp ở các huyện Tây Nam Nghệ An chưa được tổ chức theo quy mô lớn, chưa theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm được hình thành tại các địa phương mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ chưa thực sự mang tầm quốc gia theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cũng chưa thực sự rõ ràng, không ổn định với điệp khúc được mùa mất giá vẫn thường xảy ra nên người nông dân rất khó khăn trong ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nhất là sản xuất quy mô hàng hóa.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức sản xuất và trình độ nhất định. Trong khi đó, vùng Tây Nam Nghệ An với rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, văn hóa đa dạng có trình độ nhất định nên tiếp thu khoa học công nghệ, quy trình sản xuất sẽ có nhiều hạn chế.
Do đó, để vùng Tây Nam phát huy được thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao, cần có những giải pháp, định hướng đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt: 
Đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo ra sản phẩm hàng hóa và ổn định; đồng thời bảo tồn và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của địa phương. Lựa chọn sản phẩm để đầu tư và phát triển phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và điều kiện thực tiễn cho từng xã, huyện. Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ KH&CN để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ưu tiên đầu tư đúng mức cho công tác KH&CN gắn với chuyển giao, định hướng cho người dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường nhằm ổn định khâu tiêu thụ, tăng thu nhập trên một đơn vị sản phẩm và tăng hiệu quả sử dụng đất.
Chính sách là cú hích quan trọng đối với nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh nên tiếp tục  dành nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực này. Ưu tiên các đề tài ứng dụng, dự án liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm chủ lực của vùng; chú trọng các công nghệ, thiết bị chế biến sâu, công nghệ, thiết bị sản xuất thực phẩm chức năng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ lương thực, rau quả và các chế phẩm, phụ phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp.
Làm tốt công tác quy hoạch tổng thể cho phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực là thế mạnh của các huyện trên địa bàn, xác định công tác quy hoạch phải làm nền tảng để định hướng phát triển cho chiến lược lâu dài; tạo điều kiện thuận lợi xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới vùng Tây Nam. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại. Liên kết các hộ sản xuất trong vùng với các doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm nông - công nghiệp với các mô hình liên kết đầu tư sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ, thực hiện phương châm cùng chia sẻ trách nhiệm, rủi ro và lợi ích; các hình thức sản xuất theo hợp đồng giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp. Gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm có lợi thế của vùng như: cao su, chè, mía, lạc, lúa gạo, gừng, tỏi, cây ăn quả; các sản phẩm chăn nuôi, chăn nuôi bò; thủy sản, lâm nghiệp, dược liệu... Từ đó, phát triển liên kết, liên doanh với vai trò doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt theo hướng hình thành và phát triển các chuỗi giá trị gia tăng cao và bền vững.
Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng nông sản của vùng, thông qua các kênh thông tin, triển lãm, các hội chợ, đặc biệt chú trọng ở các thị trường trong và ngoài nước. Tìm kiếm, giới thiệu các kênh phân phối sản phẩm, giúp giảm thiểu nguy cơ “được mùa mất giá” cho nông sản. Tập trung ổn định và phát triển các loại cây trồng chủ lực, nhất là các loại cây phục vụ cho công nghiệp chế biến. Có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu Nghệ An thực hiện xúc tiến thương mại. Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức sản xuất, thu mua và tiêu thụ nguyên liệu có hiệu quả. 
Đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số cần quan tâm đến các chương trình nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ KH&CN cho nông dân; kết hợp tổ chức tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn nhằm chuyển giao kỹ thuật canh tác đơn giản cho nông dân, từng bước nâng cao trình độ thâm canh cây trồng, nuôi dưỡng gia súc đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm, sâu bệnh hại cây trồng…


Th.S Trần Quốc Thành - Nguyên GĐ Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An:
Giải pháp ưu tiên phát triển dược liệu của vùng Tây Nam Nghệ An

Để phát triển dược liệu ở vùng Tây Nam Nghệ An cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp: Trong thời gian từ nay đến 2030, ưu tiên tập trung phát triển trên địa bàn 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương nhằm tranh thủ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia (CT dân tộc miền núi và CT 30A). Trong đó ưu tiên các giống cây dược liệu đã được khảo nghiệm trên địa bàn và đang có thị trường như: Đảng sâm (sâm dây), đương quy, sâm khoai (Yacon), tam thất bắc, bảy lá một hoa, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh, sâm Puxailaileng), Hoài Sơn, giảo cổ lam, khôi tía, chè dây, gừng Kỳ Sơn, nghệ đỏ, ba kích tím, bo bo, sa nhân tím, mướp đắng rừng, hà thủ ô đỏ, trà hoa vàng,... Đối với các huyện còn lại, triển khai những đối tượng đã khảo nghiệm và đã có thị trường như: Cà gai leo, dây thìa canh, đinh lăng lá nhỏ, sâm cát, sa nhân tím, khôi tía, giảo cổ lam, mướp đắng rừng, xạ đen, sâm Thổ Hào, sắn dây, sâm cau tiên mao, sâm cau đỏ (bồng bồng),... và các loài lấy tinh dầu như bạc hà, sả, tràm năm gân, ba chạc, ngải cứu, diếp cá tím,..
Hình thành vườn bảo tồn/ bảo tàng cây dược liệu tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Tổ chức xây dựng Trung tâm sản xuất giống dược liệu tại Trung tâm ứng dụng KH&CN và tại Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn, Lâm trường và các Ban quản lý rừng phòng hộ để chủ động cung cấp giống cho dân trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ và xây dựng vườn cây bố mẹ, tùy thuộc vào đặc điểm sinh học của từng loài để bố trí. Tổ chức sản xuất giống theo đặt hàng của các doanh nghiệp và hợp tác xã.
Để xây dựng chuỗi giá trị dược liệu, trước hết cần hình thành các hợp tác xã dược liệu tùy thuộc vào phương thức canh tác tập trung hay dưới tán rừng để có cơ cấu tổ chức, định hướng hoạt động cho phù hợp, nhưng quan trọng nhất là để cung ứng giống, tiếp nhận, chỉ đạo kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng, tổ chức thu hoạch, sơ chế và hợp đồng tiêu thụ. Đối với một số sản phẩm đã sẵn có thị trường tiêu thụ, hỗ trợ các  HTX đầu tư thiết bị nhỏ sơ chế, chế biến, đóng gói, đăng ký nhãn mác bao bì để bán hàng thông qua chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP ở địa phương.
Tổ chức đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp, nhất là cán bộ khuyến nông, cán bộ các Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện và khuyến nông cấp xã, thôn bản về kỹ thuật canh tác, thu hoạch, sơ chế dược liệu theo tiêu chuẩn GACP để hướng dẫn và chuyển tải cho nông dân.
Khuyến khích, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về lĩnh vực dược liệu, chế biến dược liệu như mô hình Công ty Dược liệu Pù Mát, Công ty Hà Duy Minh, HTX Hương Sơn,.... Tiếp tục mở rộng mô hình công ty nằm trong hợp tác xã để làm đầu tàu dẫn dắt hợp tác xã và nông dân. Song song với các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn, tỉnh cần tập trung thu hút đầu tư có trọng điểm các doanh nghiệp chế biến dược liệu và dược phẩm về đầu tư ở Nghệ An để thúc đẩy ngành dược liệu phát triển. Định hình công năng một số cụm công nghiệp ở các huyện vùng Tây Nam (như Bãi Xa - Tương Dương, Bông Khê - Con Cuông) dành cho các doanh nghiệp chế biến dược liệu. Đồng thời, trước mắt cần có cơ chế động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện để các Lâm trường, các Tổng đội TNXP hiện còn trên địa bàn chuyển hướng sang kết hợp phát triển dược liệu (tập trung và dưới tán rừng) từ đó làm đầu mối hợp tác với các doanh nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm.

Sâm Thổ Hào đang được phục tráng và xây dựng mô hình tại Thanh Chương

Phát huy tối đa tri thức bản địa về trồng dược liệu kết hợp với kỹ thuật canh tác mới và hỗ trợ thương mại hóa các bài thuốc gia truyền để kích thích nhu cầu dược liệu. Nghiên cứu các bài thuốc, đánh giá dược tính các vị thuốc thu hái ở vùng núi Nghệ An, cách bào chế trong bộ sách Quỳ viên gia học của danh y Hoàng Nguyên Cát (sống tại Thanh Chương thế kỷ 18) lựa chọn các loài phù hợp để trồng, phổ biến các bài thuốc cũng như nghiên cứu chiết xuất dược tính từ cách bào chế ông để lại.
Thúc đẩy du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp quảng bá, giới thiệu và bán dược liệu, sản phẩm chế biến cũng như các bài thuốc cổ truyền.
Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục coi dược liệu và chế biến dược là lĩnh vực trọng điểm ưu tiên để bố trí kinh phí hợp lý hỗ trợ sản xuất giống, trồng khảo nghiệm, phân tích dược tính, chế biến, ứng dụng và đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo tồn phát triển nguồn gen,... để hỗ trợ chương trình dược liệu. Lưu ý các đề tài/dự án về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực dược liệu, dược phẩm.
Rà soát lại các chính sách và nguồn lực từ các chương trình hiện có để có sự điều chỉnh, lồng ghép hỗ trợ chương trình dược liệu. Các huyện cần xác định dược liệu là đối tượng chủ lực để có sự chủ động trong sử dụng các nguồn lực (các chương trình mục tiêu, nguồn sự nghiệp kinh tế như khuyến nông, khuyến công...) hỗ trợ phát triển. Đồng thời tỉnh cần ban hành sớm Chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu và chế biến dược trên địa bàn tỉnh, nhất là hỗ trợ xây dựng vườn bố mẹ, sản xuất giống, hỗ trợ giống dược liệu phù hợp với giá thị trường, hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, hỗ trợ chế biến,...
Đẩy nhanh lộ trình giao đất giao rừng cho dân. Tuyên truyền vận động cho dân hiểu về quyền và lợi ích của mô hình kinh tế dưới tán rừng. Đề nghị xem xét xử lý diện tích đất rừng thứ sinh nghèo kiệt gần dân cư để giao cho dân có đất sản xuất.
Tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế triển khai chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn miền núi dân tộc. Đẩy mạnh thu hút đầu tư và hợp tác các đối tác mạnh về đông dược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp Quốc lộ 7 thành đường cao tốc nhằm thúc đẩy phát triển miền Tây Nghệ An.
Phát triển dược liệu ở vùng miền núi là phát triển kinh tế xanh mà Việt Nam đang hướng tới. Nó không những góp phần chuyển đổi tư duy từ trồng rừng, bảo vệ rừng sang kinh tế rừng, mà còn tạo nên sinh kế mới với mức thu nhập khác biệt. Với tiềm năng, lợi thế hiện có, hy vọng rằng các huyện miền Tây Nam nói riêng, vùng miền Tây Nghệ nói chung sẽ biến cái bất lợi truyền thống thành cơ hội phát triển mới. Và người dân không những sống được nhờ rừng mà giàu lên từ rừng và trở thành những “LÂM DÂN” thực thụ!

Th.S Vi Thị Thắm -  Giám đốc Trung tâm Điều phối Du lịch miền Tây Nghệ An: 
Liên kết phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, canh nông giữa các địa phương vùng Tây Nam Nghệ An: Thách thức và giải pháp

Phát triển du lịch vùng Tây Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Thứ nhất, các sản phẩm của từng loại hình du lịch trong mỗi địa phương và giữa các địa phương với nhau chưa đa dạng, phong phú; còn trùng lặp, chồng chéo nhau gây sự nhàm chán cho du khách. 
Thứ nhất, các điểm du lịch đa số còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng. Các điểm đến ở miền Tây xứ Nghệ chủ yếu được xây dựng và phát triển bởi những hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, thiếu nhà đầu tư lớn để tạo sự phát triển đột phá và có điểm nhấn lớn. 
Thứ hai, tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết. Các địa phương đa số tự ý làm theo hiểu biết và kinh nghiệm của mình, chỉ dựa vào tài nguyên, thế mạnh sẵn có của địa phương mình; chưa chủ động liên kết với địa phương khác mà chỉ tập trung phát triển các sản phẩm của địa phương mình. 
Thứ ba, vấn đề về nhân sự trong hoạt động du lịch và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch còn yếu và thiếu. Đa số nhân sự hoạt động du lịch chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, kể cả chủ cơ sở, điều hành hay nhân viên, nhân công. Điều đó ảnh hưởng lớn tới chất lượng phục vụ du lịch. 
Thứ tư, khoảng cách địa lý giữa các điểm du lịch trong một huyện và giữa các huyện khá xa nhau. Cùng với vấn đề về sản phẩm du lịch còn thiếu và yếu thì đây là một bất lợi đáng kể ảnh hưởng to lớn tới việc liên kết du lịch giữa các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó điều kiện cơ sở hạ tầng, đường xá đi lại cũng chưa thực sự tốt càng ảnh hưởng tiêu cực tới việc quyết định tham quan các địa phương khác nhau của khách du lịch. 
Thứ năm, vấn đề truyền thông, quảng bá nói chung của du lịch Nghệ An và nói riêng của vùng Tây Nam xứ Nghệ còn nhiều hạn chế. Chưa có một kế hoạch chiến lược, quy mô trên toàn khu vực miền Tây và vùng Tây Nam để tạo hiệu ứng, tiếng vang, thu hút được khách du lịch và các công ty lữ hành ở các tỉnh thành, thành phố lớn. 
Từ những khó khăn và tồn tại hiện nay, xin đề xuất và kiến nghị một số nhóm giải pháp như sau: 
Thứ nhất, quy hoạch về sản phẩm du lịch và điểm du lịch: Sở ban ngành liên quan và chính quyền địa phương cần nghiên cứu kỹ và thống nhất quy hoạch địa phương trọng tâm nào sẽ tập trung và ưu tiên phát triển du lịch, và địa phương nào chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gì, tránh sự dàn trải, trùng lặp và không có điểm nhấn. Các địa phương được lựa chọn phát triển du lịch cần nghiên cứu và thống nhất loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương mình dựa trên văn hoá, bản sắc riêng, tạo sản phẩm đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn, tránh trùng lặp, bắt chước sản phẩm của nhau, gây sự nhàm chán cho du khách. Đặc biệt, cần quan tâm tới vấn đề quy chế, nguyên tắc hoạt động của mỗi loại hình du lịch trong vận hành và quản lý sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của du khách. Mỗi loại hình du lịch cần có bộ khung hoạt động phù hợp với sản phẩm, mô hình du lịch đó. Ví dụ, đối với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hoá bản địa, ngay từ đầu bộ máy du lịch cộng đồng hoặc hợp tác xã du lịch cộng đồng được hình thành với quy chế hoạt động rõ ràng, thống nhất. Trong đó gồm có các tổ nhóm khác nhau, như tổ quản trị, tổ ẩm thực, tổ lưu trú, tổ văn nghệ, tổ hướng dẫn và bán hàng, v.v. Các tổ nhóm hoạt động theo nguyên tắc, quy định với những nhiệm vụ cụ thể và cách thức phân chia lợi nhuận theo quy chế đã được ban hành cũng như phải tuân theo các quy định về tổ chức, thực hiện, văn hoá ứng xử trong du lịch.
Việc quy hoạch điểm đến du lịch cũng là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề khoảng cách giữa các địa phương vùng Tây Nam. Phát triển các điểm đến với khoảng cách và sản phẩm phù hợp sẽ thu hút được du khách, tăng cường sự liên kết trong vùng. Việc quy hoạch điểm đến sẽ hình thành rõ cung đường, tour tuyến của vùng Tây Nam, từ đó sẽ định hình rõ sản phẩm chủ lực của từng điểm đến, địa phương.  
Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực: Cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn kỹ năng về du lịch cho cộng đồng người dân làm du lịch cũng như nhân sự du lịch trong tương lai. Thực trạng hiện nay nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, kể cả đội ngũ cán bộ văn hoá, cán bộ quản lý du lịch tại các địa phương đa số còn đang yếu và thiếu nghiêm trọng. Việc đào tạo nên mang tính thực hành, thực tiễn cao, tập trung cầm tay chỉ việc, theo hướng đào tạo ngay tại địa phương với phương châm nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt nên mời các nghệ nhân, doanh nghiệp, người thật việc thật đã và đang hoạt động, vận hành trong hoạt động du lịch để chia sẻ, hướng dẫn cho người mới làm. Đảm bảo được năng lực, kỹ năng cho lực lượng lao động du lịch tại địa phương, như vậy mới có thể phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp và bền vững. Thông qua đó có thể chọn lọc những nhân tố ưu tú tại địa phương để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực chủ chốt, lâu dài. Đồng thời thu hút các lao động người địa phương có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đang làm ăn xa trở về phục vụ quê hương. Ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược phát triển để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động thì mới giữ chân được người lao động có tay nghề làm việc lâu dài. 
Thứ ba, chú trọng và đẩy mạnh kết nối, truyền thông, quảng bá du lịch.
Để phát triển du lịch, kết nối là điều rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Trước hết là kết nối với các công ty du lịch, lữ hành, nhà xe bởi vì đây là những đơn vị sẽ đưa khách du lịch tới cho các điểm du lịch thường xuyên, đều đặn. Các công ty du lịch, lữ hành làm việc thường có những yêu cầu khắt khe, chuyên nghiệp đối với các điểm đến, các dịch vụ cung cấp, nhờ đó các điểm đến có thể học hỏi, nâng cao kỹ năng, cung cách phục vụ du lịch ngày càng tốt hơn. Bên cạnh liên kết với các công ty du lịch, lữ hành thì liên kết các điểm đến với nhau cũng vô cùng quan trọng để tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, phong phú đa dạng, đảm bảo chất lượng của mỗi điểm đến. Các điểm đến, các địa phương liên kết lẫn nhau còn có thể giúp nhau học hỏi, gắn kết, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng. Các điểm du lịch có thể tổ chức các buổi giao lưu, cuộc thi, v.v. để kết nối, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau trong cùng địa phương hoặc với địa phương khác. Để làm được điều này, cần sự định hướng, chỉ đạo và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan thông qua các chương trình xúc tiến du lịch trong huyện, liên huyện, liên tỉnh, v.v. Hiện nay Công ty TNHH Trung tâm Điều phối Du lịch miền Tây Nghệ An (TNT Tây Nghệ Tourist) đang là mô hình duy nhất thực hiện việc kết nối các điểm đến du lịch của Tây Nghệ, hỗ trợ việc đào tạo, liên kết và truyền thông, tạo chương trình tour kết nối giữa các điểm đến của các huyện miền Tây. Đây là mô hình cần được quan tâm để phát triển và nhân rộng. 
Cuối cùng, vai trò của truyền thông, quảng bá đối với hoạt động du lịch là vô cùng cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút được du khách khắp mọi miền tới với một điểm đến, đặc biệt là các điểm đến mới hình thành và khai thác. Bên cạnh các kênh truyền thông, quảng bá thông qua sở, ban, ngành hay chính quyền địa phương như các hội nghị xúc tiến, hội chợ du lịch, tham quan học tập, v.v. thì tận dụng công nghệ số, mạng xã hội trong công tác truyền thông và quảng bá du lịch mang lại hiệu quả đáng kể, tiết kiệm chi phí và thời gian. Sự chia sẻ, kết nối thông tin du lịch giữa các địa phương được thực hiện mạnh mẽ, nhanh chóng, thường xuyên thông qua mạng xã hội, các trang fanpage, hội nhóm bằng cách chia sẻ các hình ảnh, video clip, thông tin tư vấn về du lịch, giúp việc lan toả vẻ đẹp của mỗi điểm đến tới nhiều du khách quan tâm. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi thông qua công nghệ số để cung cấp, chia sẻ thông tin du lịch trong thời đại mới, đồng thời sẽ góp phần quảng bá hiệu quả du lịch tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển về công nghệ số với du lịch hiện nay.

ThS. Đặng Đức Hạnh - NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam: 
Khai thác tài nguyên tự nhiên trong phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Khu du lịch vườn Quốc gia Pù Mát

Vườn Quốc gia Pù Mát nằm trong khu vực sinh thái Bắc Trường Sơn và được đặt tên theo đỉnh núi cao nhất trong khu vực - đỉnh Pù Mát cao 1.841m. Đến với Vườn Quốc gia Pù Mát, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của rừng nguyên sinh thượng nguồn Khe Thơi, Khe Bu, Khe Choăng, Cao Vều…; của tính đa dạng sinh học cao vào loại bậc nhất ở Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm (2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật…). Yếu tố đặc hữu của khu hệ chim và thú ở Vườn Quốc gia Pù Mát có tới 12 loài (cho Việt Nam và Lào) trong số đó có những loài đặc trưng như: chào vao, voọc đen, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, vượn má vàng, thỏ vằn, cầy vằn, trĩ sao, khướu mỏ dài… Bên cạnh đó, về lĩnh vực bảo tồn loài, Pù Mát chẳng những là một khu tầm cỡ quốc gia mà còn có giá trị cho cả Lào và Đông Dương. Điều đặc biệt quan trọng là quần thể một số loài chim và thú thực sự có nguy cơ bị tiêu diệt ở Việt Nam và trên thế giới vẫn còn khả năng bảo tồn phát triển nếu Vườn Quốc gia Pù Mát được quản lý và bảo vệ tốt đó là các loài voi, hổ, sao la, bò tót, mang Trường Sơn, thỏ vằn, cầy vằn, gấu chó, gấu ngựa, trĩ sao.  
Trong những năm qua, để phát huy những tiềm năng của Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển, cụ thể như: Năm 1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 194/CT, ngày 9/8/1986, thành lập hai khu rừng đặc dụng độc lập ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Anh Sơn, huyện Anh Sơn với diện tích 1.500 ha và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Thanh Thủy, huyện Thanh Chương với diện tích 7.000 ha. Hai khu bảo tồn trên sau này được kết hợp làm một để thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương; Năm 1993, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng đã xây dựng dự án đầu tư Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát. Bản kế hoạch đầu tư này đã được Bộ Lâm nghiệp thẩm định theo Văn bản số 343/LN-KH ngày 20/2/1995 và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo Quyết định số 3355/QĐ-UB ngày 28/12/1995; Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg, ngày 21/11/1996 về việc phê duyệt Dự án Lâm nghiệp xã hội và Bảo tồn thiên nhiên khu Pù Mát, tỉnh Nghệ An, do EU tài trợ; Năm 1997, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2150/QĐ-UB, ngày 21/5/1997, về việc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, thuộc sự quản lý của Chi cục kiểm lâm tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở đó, kế hoạch đầu tư mới cho Pù Mát được Viện Điều tra Quy hoạch Rừng xây dựng năm 2000, đề xuất chuyển hạng mục quản lý rừng đặc dụng từ khu bảo tồn thiên nhiên thành vườn quốc gia. Bản kế hoạch đầu tư được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 20/6/2000 theo Quyết định số 2113/QĐ-UB và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt ngày 26/6/2000 theo Công văn số 2495/QĐ/BNN-KH. Đến năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 174/2001/QĐ-TTg, ngày 8/11/2001 về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, tỉnh Nghệ An thành Vườn Quốc gia. Theo Quyết định này, tổng diện tích Vườn Quốc gia Pù Mát là 91.113 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 89.517 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 1.569 ha. Pù Mát hiện thuộc sự quản lý tài chính của UBND tỉnh Nghệ An, trong khi kế hoạch quản lý được giao cho Chi cục kiểm lâm tỉnh.
Có thể nói, sau gần 40 năm thực hiện công tác quy hoạch phát triển (1986 - 2023), Vườn Quốc gia Pù Mát đã thu hút một số lượng khách du lịch khá đông đến tham quan. Với những kết quả đạt được, hiện nay, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát đang tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và các cơ quan chức năng của tỉnh để tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn, đưa Vườn Quốc gia Pù Mát trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất tỉnh Nghệ An. 
Có thể thấy, du lịch sinh thái tự nhiên của Khu du lịch Quốc gia Pù Mát trong những năm qua chưa có nhiều thay đổi, lượng khách du lịch và doanh thu chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Mặc dù tỉnh Nghệ An và chính quyền các cấp trong những năm gần đây đã chú ý đến các chính sách đầu tư phát triển, xây dựng dự án và quy hoạch chi tiết nhưng lại tập trung chủ yếu vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Trong khi đó, các điểm du lịch khác như: Khu du lịch sinh thái Khe Kèm; Khu du lịch sinh thái gắn liền với các làng nông nghiệp của đồng bào người Thái; Khu du lịch rừng nguyên sinh… lại đầu tư chưa nhiều, sản phẩm du lịch nghèo nàn, chất lượng dịch vụ yếu kém, hoạt động du lịch thiếu chuyên nghiệp, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. 
Để khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên theo hướng phát triển bền vững, trong thời gian tới Khu du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch tự nhiên, đẩy mạnh phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, bao gồm: Quy hoạch chi tiết hoạt động khai thác, bảo tồn tài nguyên du lịch tự nhiên để làm cơ sở kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua các dự án; xây dựng chiến lược liên kết giữa các điểm du lịch ở miền Tây Nghệ An nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách; xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp; tăng cường quảng bá du lịch sinh thái tự nhiên theo nhiều hình thức; thiết kế các điểm du lịch sinh thái tự nhiên vào các tuyến du lịch trong địa bàn các huyện, địa bàn tỉnh…
Thứ hai, giải pháp nhằm khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên theo hướng phát triển bền vững, dựa trên tiêu chí thân thiện môi trường, gần gũi về văn hóa - xã hội, bao gồm: xây dựng quy hoạch chi tiết nhằm phát triển du lịch sinh thái tự nhiên tại các điểm gắn với việc bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo các tài nguyên du lịch tự nhiên trong quá trình khai thác, sử dụng; xây dựng các chế tài, quy định đối với các hành vi vi phạm quy tắc bảo vệ môi trường… nhằm bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học tại các điểm du lịch; ban hành hệ thống chứng chỉ “xanh” để áp dụng cho các doanh nghiệp và các cơ sở du lịch; giáo dục nhận thức về môi trường cho các cộng đồng dân cư địa phương, chính quyền, đơn vị kinh doanh du lịch và du khách trên địa bàn theo định hướng phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch “xanh”...
Khu du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát là một trong những địa bàn có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Tuy nhiên, hoạt động khai thác các tài nguyên du lịch tự nhiên ở Khu du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch của địa phương và tỉnh. Chính vì thế, khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên trong phát triển du lịch sinh thái bền vững là việc làm cấp thiết để góp phần phát triển miền Tây Nghệ An nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung. Với những phân tích kể trên, hy vọng rằng trong thời gian tới, Khu du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung sẽ thu hút đông đảo lượng khách du lịch đến tham quan; tránh hiện tượng lãng phí nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên tự nhiên trong phát triển du lịch bền vững.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An : 
Định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững ở vùng Tây Nam Nghệ An
Thứ nhất, về vấn đề quản lý rừng: Đối với rừng đặc dụng: phải bảo vệ và bảo tồn cho được các loài là đối tượng chính của từng khu rừng đặc dụng. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để phát triển được các nguồn gen quí hiếm.
Đối với rừng phòng hộ: các khu rừng phòng hộ, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ biên giới phải đảm bảo chức năng phòng hộ là chủ yếu, chức năng cung cấp lâm sản là phụ. Khi khai thác các lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng cần phải kiểm soát chặt chẽ về số lượng hoặc khối lượng sản phẩm được khai thác. Mặt khác, khai thác phải đảm bảo tái sinh, tránh tình trạng khai thác kiệt mang tính triệt hạ.
Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên: thực hiện nghiêm túc quy định không khai thác gỗ ở rừng tự nhiên (đóng cửa rừng) theo quy định của luật lâm nghiệp, tăng cường các hoạt động làm giàu rừng bằng các loài cây có giá trị.
Đối với rừng sản xuất là rừng trồng: tạo các chuỗi liên kết theo chu kỳ kinh doanh, rừng kinh doanh gỗ nhỏ phải xen kẽ với rừng kinh doanh gỗ lớn để nâng cao giá trị gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. 
Đối với đất trống: tùy theo đặc điểm đất của từng vị trí, từng nơi, chọn loài cây trồng phù hợp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, vừa đảm bảo yêu cầu cải thiện môi trường sinh thái.
Các diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở từng địa phương phải có chủ quản lý rõ ràng, không chồng lấn và tranh chấp. Có chế tài để qui trách nhiệm cho chủ quản lý nếu làm mất rừng hoặc mất tài sản ở trên rừng.
Thứ hai, về vấn đề phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ: 
Tùy theo đặc điểm lập địa của từng vùng và nhu cầu thị trường từng giai đoạn, có thể chọn các loài cây khác nhau như: sa nhân tím, sở, trẩu, quế, trà hoa vàng, khúc khắc, hà thủ ô đỏ, lùng, mét, giổi ăn hạt, trám trắng, trám đen, cọ khiết để nuôi thả cánh kiến đỏ,...
Trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ thường trồng dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt theo phương thức làm giàu rừng. Tùy theo đặc điểm của từng khu rừng mà lựa chọn phương thức trồng cho phù hợp, có thể trồng theo đám trống trong rừng, trồng theo rạch, trồng theo từng điểm cục bộ...
Đối với mét, lùng: được tập trung trồng và khai thác bền vững ở các huyện Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Trong đó, tập trung nghiên cứu nhân giống và kỹ thuật trồng là một trong những nội dung ưu tiên.
Đối với sa nhân tím: có thể được trồng dưới tán rừng trồng gỗ lớn hoặc rừng tự nhiên ở hầu hết các huyện phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An. Nguồn giống gây trồng là giống tiến bộ kỹ thuật đã được công nhân: Giống Sa nhân tím SNT.HB.18.01 do Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoai gỗ - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chọn tạo.
Đối với giổi ăn hạt, trám trắng, trám đen: có thể trồng thuần loài trên đất trống còn tính chất đất rừng, trồng làm giàu trong rừng tự nhiên nghèo ở hầu hết các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An nhưng tập trung ở một số huyện có tiềm năng như: Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Nguồn giống được chọn lọc ngay tại địa phương hoặc cung cấp từ nguồn giống xây dựng ở một số tỉnh đã được công bố như Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh,..
Đối với các loài cây dược liệu giá trị cao khác (trà hoa vàng, khúc khắc, đẳng sâm, ba kích, thiên niên kiện, hà thủ ô,..) thường trồng trên đất trống nơi đất tốt, còn tính chất đất rừng hoặc rừng nghèo, nơi có phân bố tự nhiên, chú trọng các huyện vùng cao như Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương.
Nghiên cứu chọn tạo giống rệp cánh kiến đỏ và khôi phục lại vùng phát triển cánh kiến đỏ ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương.
Khôi phục lại giống quế và có thể trồng quế thuần loài hoặc trồng theo phương thức nông lâm kết hợp ở nơi có độ cao trên 300 m so với mực nước biển. Nguồn giống được chọn lọc từ rừng trồng sẵn có ở địa phương.
Thứ ba, về vấn đề khai thác, sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ các sản phẩm:
Khai thác các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ cũng phải đảm bảo kế hoạch, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ và sử dụng nguyên liệu. Đặc biệt, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên hoặc trồng trong rừng tự nhiên phải đảm bảo tái sinh, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Các sản phẩm khai thác được phải được sơ chế, chế biến đúng qui trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, nhất là đối với các sản phẩm làm thực phẩm và dược liệu phải đảm bảo vệ sinh an toàn.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu chế biến lâm sản tập trung trong Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; đảm bảo, qui mô diện tích và khả năng cung cấp nguyên liệu.
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm là yếu tố quan trọng đảm bảo việc phát triển bền vững của một ngành hàng. Vì vậy, phải phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương để tìm thị trường đầu ra cho các loại sản phẩm, nhất là thị trường nước ngoài.
Thứ tư, về vấn đề nghiên cứu khoa học:
Đối với các vấn đề mới chưa được nghiên cứu, chưa có các hướng dẫn kỹ thuật hoặc qui trình công nghệ, cần phải tăng cường đầu tư nghiên cứu. Đặc biệt là các giống mới có năng suất và chất lượng cao cần phải chú trọng hơn.
Một số loài cây lâm sản ngoài gỗ quí đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao cần phải quan tâm bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen ra sản xuất như: Trà hoa vàng, Lan kim tuyến, Quế và một số loài cây dược liệu khác.
Phối hợp với các cơ quan khoa học như viện, trường để nghiên cứu bổ sung những vấn đề còn vướng mắc ở địa phương.
Thứ năm, về vấn đề cơ chế, chính sách:
Vấn đề giao đất khoán rừng ở nhiều địa phương hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là sự chồng lấn tranh chấp đất đai, quyền quản lý và sử dụng rừng và đất rừng, trách nhiệm của người quản lý cũng như người sử dụng chưa rõ ràng.
Vấn đề qui hoạch cũng còn nhiều tồn tại cần phải chính xác và rõ ràng hơn.
 Vấn đề tiêu thụ các sản phẩm ở địa phương cũng không kiểm soát, khi khan hiếm hàng hóa thì tranh mua tranh bán, khi ép giá thì hàng hóa không có người mua... Vấn đề này cần phải có sự điều tiết của chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng.
Vấn đề vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất hoặc thuế tài nguyên cho từng loại sản phẩm cũng cần phải xem xét từng loại hình sản xuất, trồng cây nguyên liệu gỗ nhỏ có thể không cần ưu đãi, nhưng trồng rừng gỗ lớn hoặc cây lâm sản ngoài gỗ thì cần được ưu đãi hơn...

TS. Lê Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng: 
Phát triển vùng kinh tế động lực và gợi ý đối với vùng Tây Nam Nghệ An
Để phát triển vùng Tây Nam Nghệ An cần chú trọng một số vấn đề như sau: Hiện tại Quy hoạch tỉnh Nghệ An đã được phê duyệt theo Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023, là căn cứ quan trọng để tỉnh xây dựng và thực hiện quy hoạch chi tiết của từng vùng, địa phương. Cần xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung và dài hạn để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, gắn kết phát triển các ngành, các tiểu vùng và liên vùng. Cần tiến hành tái cơ cấu ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của vùng và các địa phương trong vùng; phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết bài toán nguồn lao động, một mặt giải quyết được công ăn việc làm phù hợp với trình độ lao động đồng thời phát huy được lợi thế về tính linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề.
Theo quy hoạch tỉnh, trong giai đoạn tới sẽ thành lập Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy với quy mô dự kiến khoảng 25.831 ha tại huyện Thanh Chương nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng hợp tác với nước CHDCND Lào sau khi được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy hình thành và đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của huyện Thanh Chương nói riêng, tỉnh Nghệ An và cả nước nói chung, đồng thời là động lực lan tỏa sự phát triển vùng Tây Nam và các khu vực lân cận.
Tiếp theo là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng. Do đó, việc phân bổ nguồn lực cần có sự ưu tiên cho các vùng động lực để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối.
Hệ thống giao thông trong vùng hiện nay đã có các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 7 sang Lào, đường mòn Hồ Chí Minh nối liền các huyện và khu vực miền Tây. Trong thời gian tới, khi dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn được xây dựng trong đó có đoạn cao tốc nối Vinh - Thanh Thủy (Thanh Chương) sẽ tăng thêm lợi thế cho sự phát triển của vùng.
Cần có cơ chế chính sách rõ ràng trong việc thu hút vốn đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm của vùng. Đặc biệt, cần chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn, ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật tiên tiến từ đó sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh theo cụm/ngành. Cần xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý để phát huy tính lan tỏa và động lực thúc đẩy tăng trưởng đối với nền kinh tế của vùng và các khu vực lân cận.
Thế mạnh của vùng được xác định là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, phát triển lâm nghiệp, dịch vụ du lịch. Do đó cần có các cơ chế chính sách ưu tiên vào các ngành kinh tế theo định hướng phát triển của vùng. Tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ trong việc tìm kiếm, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư vào vùng theo các ngành kinh tế đã được xác định.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Các vùng kinh tế động lực cần có chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực. Các địa phương cần có sự đột phá trong tư duy và giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng mở rộng về số lượng, nâng cao về chất lượng, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng kinh tế động lực. Việc đào tạo nguồn nhân lực cần gắn trực tiếp với nhu cầu việc làm, định hướng lựa chọn ngành nghề đào tạo và tìm kiếm việc làm cho người dân địa phương.
Hiện nay, lao động trong vùng đang có xu hướng dịch chuyển sang các vùng khác và đi đến các trung tâm đô thị lớn làm ăn sinh sống. Do đó nguồn lao động tại địa phương gặp nhiều khó khăn cả về số lượng và chất lượng. Cần có chính sách để giữ chân và thu hút nguồn lao động phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của phát triển vùng.
Cần thúc đẩy đầu tư, phát huy lợi thế và tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và liên vùng. Sự phát triển của vùng Tây Nam Nghệ An cần gắn với các trục phát triển phía Tây của tỉnh và có sự gắn kết với các vùng động lực khác như vùng đô thị Vinh và vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. 
Quy hoạch tỉnh Nghệ An đưa ra các đột phá phát triển trong thời gian tới là Hình thành và phát triển 04 hành lang kinh tế, trong đó có 2 hành lang thuộc khu vực phía Tây của tỉnh là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; và hành lang kinh tế Quốc lộ 7A. Do đó cần có sự liên kết giữa các địa phương có hành lang đi qua để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cả trên các trục hành lang và lan tỏa sang các vùng lân cận.
Cần có sự liên kết giữa các địa phương để sớm hình thành các chuỗi sản phẩm theo các lĩnh vực: nông nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, chuỗi sản phẩm du lịch gắn kết các điểm đến thành các tour tuyến du lịch gắn với khu vực miền Tây; khai thác và bảo vệ rừng bền vững.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây