Bản địa học phê phán với vấn đề nghiên cứu tộc người

Thứ hai - 09/10/2023 05:21 0
Nghiên cứu tộc người, có một mối quan hệ quan trọng mà nhiều người phải bận tâm, đó là quan hệ giữa người nghiên cứu và người được nghiên cứu. Hay là quan hệ giữa người bản địa và nhà nghiên cứu. Mối quan hệ này đang đặt ra những thách thức trong chuyển đổi về nghiên cứu tộc người thời đại công nghệ 4.0.
Quay trở lại dòng lịch sử về nghiên cứu tộc người, khi các nhà nghiên cứu không phải là người bản địa đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến người bản địa nên bản địa học phê phán không chấp nhận điều đó. Họ nhìn “nghiên cứu” như là một dạng thức bạo lực và gợi mở ra nhiều vấn đề về việc sản xuất tri thức và kiểm soát các dòng tri thức. Chủ nghĩa thực dân đã đưa quá trình sản xuất tri thức về người dân bản địa để phục vụ lợi ích của Nhà nước chứ không phải vì chính người dân bản địa. Họ cũng kiểm soát các dòng tri thức để quay lại nô dịch người bản địa. “Nghiên cứu” dưới sự chi phối của Chủ nghĩa thực dân đã trở thành một thứ quyền lực để tạo ra bạo lực và nô dịch người bản địa. Bản địa học phê phán cật lực phản đối quá trình sản xuất tri thức của Chủ nghĩa thực dân. Và khi Chủ nghĩa thực dân bị phê phán mạnh mẽ trên cấp độ toàn cầu thì nó tái sinh dưới các dạng thức khác như Chủ nghĩa thực dân bản địa, Chủ nghĩa thực dân hậu hiện đại với những mỹ từ hoa lệ hơn nhưng về cơ bản thì tư tưởng nô dịch và lấy quá trình sản xuất tri thức để nô dịch người bản địa vẫn không thay đổi nhiều lắm. Nói chung, đó là quá trình sản xuất tri thức không xuất phát từ địa vị của người bản địa và không phục vụ lợi ích của người bản địa, hay có phục vụ lợi ích của người bản địa nhưng vô cùng ít ỏi (Schwenkel, Christina, 2019). 
Quá trình sản xuất tri thức về tộc người thường gắn với ba mục tiêu: i)-Phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhà cầm quyền và hệ thống chính trị; ii)-Phục vụ lợi ích của nhà nghiên cứu. iii)- Phục vụ lợi ích của đối tượng nghiên cứu. Ở Việt Nam, quá trình sản xuất tri thức về tộc người luôn gắn với các mục tiêu đó. Cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, sản xuất tri thức về tộc người chủ yếu do các nhà nghiên cứu Pháp thực hiện, sau đó có sự tham gia của các nhà nghiên cứu người Việt Nam. Các nghiên cứu trong giai đoạn này, dù có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng không thể phủ nhận sự chi phối của chính trị vào quá trình sản xuất tri thức liên quan đến tộc người của các nhà nghiên cứu. Sang nửa sau thế kỷ XX, các nhà khoa học Việt Nam ngày càng đông đảo hơn, các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành cũng được thành lập và việc sản xuất tri thức tộc người cũng được coi trọng. Quan trọng nhất chính là việc nghiên cứu và xác định thành phần dân tộc để lập danh mục các dân tộc Việt Nam. PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học Việt Nam đã nhận định: “Xác định thành phần tộc người là vấn đề rất quan trọng trong chính sách dân tộc và quản lý mối quan hệ dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), vấn đề xác định thành phần tộc người đã sớm được đặt ra thành một nhiệm vụ đối với những người làm chính sách và các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu dân tộc học” (Vương Xuân Tình, Vương Ngọc Thi, 2019). Như vậy, quá trình sản xuất tri thức liên quan đến tộc người ở Việt Nam luôn theo một mục tiêu xuyên suốt là tạo nền tảng cơ sở để Nhà nước xây dựng chính sách dân tộc, thực hiện công tác dân tộc, tức là gắn với nhiệm vụ chính trị, với quản lý nhà nước về vấn đề dân tộc. Trong bối cảnh lúc đó, quá trình sản xuất tri thức về tộc người đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính sách, ổn định quan hệ dân tộc, nâng cao đời sống người dân tộc thiểu số, chống lại giặc ngoại xâm và thực hiện quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực. Các nhà nghiên cứu, cũng thông qua quá trình sản xuất tri thức để góp phần vào việc xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc và nâng cao đời sống con người. 
Tuy nhiên, càng ngày, mối quan hệ giữa “nhà nghiên cứu” và “đối tượng nghiên cứu” càng thay đổi mạnh mẽ. Ngoài việc vẫn bị chi phối của hệ thống chính trị thì mối quan hệ giữa “nhà nghiên cứu” và “đối tượng nghiên cứu” cũng nẩy sinh nhiều vấn đề, mà nhà bản địa học nổi tiếng Linda Tuhiwai Smith gọi là sự bất đối xứng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nhà nghiên cứu cũng bị cuốn vào cuộc chơi học thuật của các hiệp hội khoa học. Trong cuộc chơi đó, các sản phẩm của quá trình sản xuất tri thức của nhà nghiên cứu sẽ được các “chuyên gia đầu ngành” thẩm định, và đánh giá bằng việc đăng tải, công bố ở các tạp chí khoa học được các hiệp hội khoa học đánh giá cao trên bình diện toàn cầu. Các trường đại học cũng chạy theo các cuộc chơi xếp hạng, mà công bố quốc tế trở thành tiêu chí quan trọng. Các nhà nghiên cứu đưa quá trình sản xuất tri thức của mình vào cuộc chơi công bố quốc tế như là một sự khẳng định đẳng cấp của bản thân. Càng công bố được nhiều “công trình nghiên cứu” trên các tạp chí uy tín thì nhà nghiên cứu càng thu được nhiều lợi ích từ các danh xưng như “chuyên gia quốc tế”, “chuyên gia đầu ngành”, “người có nhiều công bố quốc tế có ảnh hưởng lớn”… Và kéo theo đó là những lợi ích vật chất và phi vật chất khác. Cuộc chạy đua này, mà như Stan BH Tan-Tangbau (2019), một học giả tiên phong trong lĩnh vực dân tộc học số đã phải thốt lên rằng: Thứ nhất, giờ đây, học giả khoa học xã hội có địa vị khoa học cao đến mức người ta có thể đại diện cho tiếng nói/suy nghĩ/quan điểm của đối tượng mà ông ta/ bà ta nghiên cứu. Thứ hai, sự sáng tạo tri thức khoa học cơ bản được đo lường về số lượng công bố quốc tế (bằng tiếng Anh) trong các kênh được chứng thực (qua các nhà xuất bản học thuật có tính thương mại). Với xu hướng hiện tại này, dường như quá trình toàn cầu hoá các ngành khoa học xã hội không có liên quan gì nhiều lắm đến chính những người mà các công trình này nói đến. Toàn cầu hoá chỉ nằm trong lĩnh vực của các chuyên gia. Nhưng trong lúc cuộc chạy đua hay cuộc chơi của các “nhà nghiên cứu” diễn ra rầm rộ như vậy thì “đối tượng nghiên cứu” của họ đang làm gì và có liên quan gì không? 
Các nhà bản địa học phê phán quan tâm nhiều đến vấn đề này khi đưa ra những quan điểm chống lại việc coi “đối tượng nghiên cứu” vốn là những con người, trong lĩnh vực tộc người thì họ chủ yếu là những người bản địa, đang bị các “nhà nghiên cứu” xem như là những công cụ để họ tham gia vào cuộc chơi công bố quốc tế. Trong cuốn sách nổi tiếng “Decolonizing Methodologies” Linda Tuhiwai Smith (2012) đã gay gắt phê phán: “bản thân từ “nghiên cứu” có lẽ là một trong những từ ngữ bẩn thỉu nhất trong từ vựng của người bản địa”. Nhưng liệu Linda và các nhà bản địa học phê phán, khi công kích vào cái gọi là “nghiên cứu” có đoạn tuyệt vời quá trình nghiên cứu hay phương pháp nghiên cứu khoa học không? Chắc chắn là không, bởi họ vẫn đang tiếp tục “nghiên cứu” theo quan điểm mới và phương pháp mới do họ xây dựng ra mà thôi. Quan điểm của bà tiếp tục được Stan BH Tan-Tangbau khẳng định lại: “Cuốn “Decolonizing Methodologies” của Linda Tuhiwai Smith đã nhấn mạnh rất rõ ràng tính bất đối xứng này giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Cuốn sách đã đưa ra một luận thuyết mạnh mẽ và căm phẫn về cách thức mà một nghiên cứu bất kỳ như chúng ta đã biết trở thành công cụ xảo quyệt nhất của chủ nghĩa thực dân nhằm tiếp tục định hình cách hiểu của chúng ta về một thế giới và những con người đã từng bị thực dân hoá. Tuy nhiên, Smith không ủng hộ việc phủ nhận Nghiên cứu như chúng ta đã thực hiện lâu nay, nhưng bà khẩn nài các học giả bản địa sáng tạo lại Nghiên cứu với tư cách là một phương thức xác định lại các mối ưu tiên vào đối tượng nghiên cứu, phát triển lý thuyết và thấu hiểu thế giới từ cách địa vị của người dân bản địa và vì những mục đích liên quan đến người dân bản địa”. Như vậy có thể thấy, bản địa học phê phán công kích mạnh mẽ vào cái gọi là “nghiên cứu” và phê phán mạnh mẽ quá trình sản xuất tri thức không đi từ địa vị của người bản địa và không phục vụ lợi ích của người bản địa. Những nghiên cứu của họ, một mặt mong muốn nhà nghiên cứu hãy gần hơn nữa với người bản địa, hãy đứng ở vị trí của người bản địa để sản xuất tri thức và sử dụng tri thức để phục vụ lợi ích của người bản địa nhiều hơn; mặt khác họ cũng mong muốn người bản địa vươn lên, chủ động hơn, tham gia nhiều hơn vào quá trình sản xuất tri thức liên quan đến chính họ. Từ đó, khoảng cách giữa “nhà nghiên cứu” và “đối tượng nghiên cứu” được rút ngắn lại và sự bất đối xứng giữa họ cũng được hạn chế. Như chính Linda Tuhiwai Smith kết luận: “khi sự bất cân xứng giữa Nhà nghiên cứu và Đối tượng nghiên cứu bị loại bỏ hoặc giảm bớt, các nghiên cứu với tư cách là hoạt động, về cơ bản, sẽ khác nhau và kết quả là, “các câu hỏi sẽ khác nhau, các ưu tiên được xếp hạng khác nhau, các vấn đề được định nghĩa khác nhau, và mọi người tham gia vào các khoản mục khác nhau”. Bản địa học phê phán cố gắng đưa tiếng nói của người dân bản địa đến trực tiếp nhà quản lý mà hạn chế vai trò trung gian của nhà nghiên cứu. Phía nhà nghiên cứu cũng cố gắng tích hợp người bản địa tham gia nhiều hơn vào quá trình sản xuất tri thức của mình về họ. Muốn vậy thì cần xây dựng nhiều phương pháp tiếp cận mới nhằm giải thuộc địa, giải chủ nghĩa thực dân. Nỗ lực để người bản địa tham gia nhiều vào quá trình sản xuất tri thức cũng là một phương pháp “giải nghiên cứu”, giúp nhà nghiên cứu thoát khỏi các nỗi lo âu của mình về khoảng cách với đối tượng nghiên cứu.
Chúng ta đang đối diện với một thế giới đa chiều phức tạp. Nhưng cuộc chơi học thuật hàn lâm vẫn tiếp tục được các hiệp hội học thuật quốc tế đề cao. Những cuộc đấu tranh cho vai trò của người dân bản địa vẫn được các nhà bản địa học cũng như các nhà hoạt động xã hội tiếp tục phát triển. Thật khó để lựa chọn một khuynh hướng/quan điểm duy nhất đúng. Nhưng cũng như các cuộc tranh luận khoa học khác, cuộc tranh luận về sự bất đối xứng trong quá trình sản xuất tri thức về tộc người gợi mở cho nhiều người những phương trời mới để tiếp tục đi khám phá về cuộc sống con người. Và câu hỏi, nghiên cứu tộc người để làm gì vẫn còn hấp dẫn các nhà khoa học xã hội, nhất là các nhà dân tộc học, nhân học lâu dài.
Tài liệu tham khảo
1. Linda Tuhiwai Smith (2012), Decolonizing Methodologies: Research and Indigenous Peoples. Zed Books, London & New York.
2. Schwenkel, Christina (2019), Nghiên cứu tộc người: các phương pháp và lý thuyết của Nhân học. Bài giảng cho chương trình tập huấn “Những trở ngại cho việc phát triển vùng cao Việt Nam hiện nay: Thách thức đối với người dân tộc thiểu số” do Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Harvard Yenching tổ chức tại Hà Nội từ ngày 01/7 đến ngày 11/7/2019.
3. Tan-Tangbau, Stan BH (2016-2017), #Kachinlifestories: A Project about “Nothing”. Collaborative Anthropologies, 9 (1-2), fall-spring 2016-17, 40-78.
4. Tan-Tangbau, Stan BH (2019), Công bằng xã hội từ thực tiễn - Hướng tới phương thức nhận thức đậm sắc thái trong Thời đại kỹ thuật số. Tham luận tại Hội thảo quốc tế: “Thực hiện công bằng xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”, do Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15-16/07 tại Ninh Bình. Bản dịch tiếng Việt do tác giả chia sẻ.
5. Vương Xuân Tình, Vương Ngọc Thi (2019), Trường phái Xô-viết và công tác xác định thành phần tộc người ở Việt Nam. In trong “Ảnh hưởng của trường phái Xô-viết trong nhân học ở Việt Nam”, Nguyễn Văn Sửu (Chủ biên), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 77-94.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây