Thể chế hóa quốc tang về thảm họa đặc biệt nghiêm trọng

Thứ bảy - 16/09/2023 05:21 0
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng có quyết định việc tổ chức lễ quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế (như trường hợp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). 
Đặc biệt có một điểm mới, đó chính là việc Bộ Chính trị đã có chủ trương "đồng ý tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân. Chính phủ ban hành văn bản quy định cụ thể về các trường hợp này".
Tuy vậy, tính cho tới nay, vẫn chưa có văn bản nào của Chính phủ thể chế hóa chủ trương này của Đảng. 
Nước ta cũng đã có nhiều trường hợp xảy ra thiên tai hay thảm họa, có thể kể ra như:
Bão Linda ngày 02/11/1997, đổ bộ vào Đồng bằng sông Cửu Long làm 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 căn nhà bị sập… thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỷ đồng. 
Bão Durian hình thành vào cuối tháng 11 năm 2006, càn quét qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, làm 98 người chết và 1.770 người bị thương; làm sập khoảng 34.000 căn nhà, tốc mái gần 166.000 căn nhà. Tổng thiệt hại ước tính trên 5.200 tỷ đồng.
Sập cầu Cần Thơ - một trong những thảm họa cầu đường và tai nạn xây dựng nghiêm trọng nhất tại Việt Nam, xảy ra vào ngày 26 tháng 9 năm 2007, làm 55 người tử vong và 80 người bịt thương.
Người dân miền Trung vật lộn với lũ lụt hàng năm
Lũ lụt miền Trung năm làm 249 người chết, mất tích;1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập; nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỷ đồng.
Đại dịch Covid-19 đi vào lịch sử tang thương của không chỉ người dân Việt Nam
Đại dịch Covid 19 tại Việt Nam, tính đến ngày 14/9/2023 đã có 43,206 trường hợp tử vong.
Và mới đây nhất là thảm họa kinh hoàng cháy chung cư mini ở Hà Nội khiến 55 người tử vong.
Thiên tai và thảm họa thực sự ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới đời sống con người, gây nên ấn tượng đau buồn khó quên trong lòng người dân cả nước. 
Người dân tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ cháy chung cư mini 
ở Hà Nội
Chính vì vậy, nếu như thể chế hóa chủ trương "đồng ý tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân” sẽ thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, cảm thông và sẻ chia sâu sắc của tất cả các thành phần xã hội trong cả nước đối với những đồng bào vừa tử vong trong thiên tai hay thảm họa; làm nổi bật thêm tinh tương thân tương ái nhằm sớm vượt qua nghịch cảnh, đồng thời tạo nên khối đại toàn kết vững chắc toàn dân tộc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân; đã được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Việc tổ chức quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tính mạng và của cải của người dân không phải là việc hiếm trên thế giới. Như trường hợp của Cuba tuyên bố quốc tang 2 ngày sau sự việc 110 hành khách trên chuyến bay CU972 ngày 18/5/2018, và quốc tang 2 ngày để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn tại kho chứa nhiên liệu bên vịnh Matanzas ngày 18/8/2022. Hay như Trung Quốc đã 3 lần treo cờ rũ tổ chức quốc tang cho những người dân thiệt mạng trong thảm họa động đất và đại dịch. Trong khi đó, ở nước ta vào ngày 19/11/2021, cũng đã tổ chức lễ tưởng niệm cho các nạn nhân tử vong sau thời gian điều trị COVID-19, nhưng chưa phải quy mô quốc tang vì không treo cờ rủ.
Chính vì vậy, rất mong Chính phủ ra văn bản thể chế hóa chủ trương "đồng ý tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân” của Đảng, bắt đầu bằng việc tổ chức lễ quốc tang các nạn nhân cháy chung cư ở Hà Nội: cờ rủ trên toàn quốc và tại các Đại sự quán, Lãnh sự quán ở nước ngoài; đình chỉ mọi hoạt động vui chơi giải trí trên toàn quốc; đồng thời các trang web đồng loạt chuyển sang màu đen trắng.
Việc tổ chức quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế; thể hiện sự thành kính, tưởng nhớ người đã khuất, đồng thời cho thấy sự quan tâm và trân trọng cuộc sống nhân dân. 





Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây