Thay đổi sinh kế của người Thái và Khơ Mú ở xã Hữu Khuông và Yên Na sau tái định cư đến nay

Thứ hai - 09/10/2023 05:21 0
Tại xã Hữu Khuông, có 52 hộ/346 khẩu di vén gồm: bản Con Phen và Pủng Hốc xã Hữu Khuông; bản Chà Lâng và bản Cà Mong thuộc xã Kim Tiến (nay được nhập vào xã Lượng Minh). Hiện nay, về phạm vi, ngoài xã Yên Na và xã Hữu Khuông, vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương còn gồm xã Nhôn Mai, xã Mai Sơn và một phần xã Lượng Minh.
Hữu Khuông là xã nằm dọc theo hai bờ sông Nặm Nơn, phía Tây giáp xã Hữu Dương, một phần giáp Lào; phía Bắc giáp huyện Quế Phong. Xã có diện tích 264,2km2, 641 hộ, 2.745 khẩu. Đây là xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại hết sức khó khăn, chủ yếu đi lại bằng thuyền độc mộc, hoặc đi đường bộ, nay đi lại bằng thuyền gắn máy. Trước kia, xã có 8 bản, năm 2006, 3 bản: Xiềng Lăm, bản Muộng và bản Hiện di dời TĐC tại huyện Thanh Chương, nên chỉ còn 5 bản: bản Xan, Con Pheo, Tủng Hốc, Pủng Bón, và Huồi Cọ (trong đó bản Con Pheo và bản Pủng Bón thuộc diện di vén). Năm 2010, có 12 hộ di dân theo nguyện vọng sang huyện Quế Phong huyện Con Cuông quay trở lại, cư trú tại bản Khe Hốc. Hiện nay, xã có 658 hộ, 2.781 khẩu, chủ yếu là Thái, Khơ Mú và Mông.
Yên Na là một trong những xã lớn của huyện Tương Dương, nơi xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (phía trên bản) và khu Ban quản lý, điều hành thủy điện. Xã có diện tích 140,7 km2, 1.138 hộ, 4.984 khẩu, gồm Thái, Khơ Mú và Mông. Hiện nay, xã có 9 bản, trong đó bản Vẽ và bản Co Phạo thuộc diện di dân tái định cư tập trung trong địa phận xã tại 2 địa điểm: Khe Chanh và Khe Ò nêu trên. 
2. Đặc điểm tự nhiên và các hoạt động sinh kế truyền thống
Căn cứ theo đặc điểm tự nhiên, nhất là địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu, Tương Dương được chia thành 3 tiểu vùng, trong đó xã: Yên Na thuộc tiểu vùng trong, còn xã Hữu Khuông thuộc tiểu vùng trên. Trừ xã Yên Na, các xã vùng trên trong đó có xã Hữu Khuông là vùng có nhiều núi cao hiểm trở, nhiều rừng rậm, nguyên sinh nhất trong tỉnh Nghệ An. Mặc dù diện tích đất tự nhiên khá lớn, song diện tích sản xuất nông nghiệp không nhiều. Cả vùng có khoảng 66.000 ha đất rừng tự nhiên, song đất nông nghiệp chỉ có 118 ha, trong đó xã có nhiều đất nông nghiệp nhất là Nhôn Mai (38,70 ha); xã có ít đất nông nghiệp nhất là Kim Đa (5 ha). Trong tổng số diện tích đất tự nhiên của vùng lòng hồ cũng như của hai xã Yên Na và Hữu Khuông, diện tích đất lâm nghiệp và diện tích đất chưa sử dụng chiếm tỷ lệ khá lớn. 
Như vậy, bên cạnh các đặc điểm chung về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, sông ngòi và tài nguyên động thực vật chung của huyện Tương Dương, có thể nhận thấy: Trước khi di dời tái định cư và di vén, đây là địa bàn nhiều đồi núi, địa hình khá hiểm trở, độ dốc lớn, chia cắt mạnh với nhiều khe suối nhỏ hẹp. Do khá hiếm các thung lũng lòng chảo để có thể khai hoang ruộng nước, mà chủ yếu là rừng núi, nên thuận lợi cho phương thức canh tác nương rẫy. Dòng Nặm Nơn là mạch giao thông thủy quan trọng nhất, kết nối giữa các bản ven sông và với trung tâm huyện thị. Giao thông đi lại giữa các bản vùng sâu chủ yếu là đường đất. Cư dân trong vùng thường cư trú khá rải rác, phân tán, các bản làng thường bố trí mật tập, dọc theo hai bên triền sông Nặm Nơn, trên các đồi gò cao hay trong vùng sâu nhằm tận dụng các bãi bồi, gò đồi ven sông để canh tác nông nghiệp, khai thác thủy sản và đào đãi vàng. Chính đặc điểm này là nhân tố quan trọng chi phối các hoạt động sinh kế của người dân trước cũng như sau khi di dời tái định cư tập trung hay di vén trong địa bàn huyện.
Các hoạt động sinh kế của người dân vùng lòng hồ nói chung, hai xã Yên Na và Hữu Khuông nói riêng trước khi tái định cư và di vén gồm: canh tác nương rẫy là chủ yếu; trồng mét khá phổ biến; chăn nuôi, gia súc (trâu, bò, dê), gia cầm (gà, vịt), nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu chỉ ở phạm vi gia đình; thu hái lâm thổ sản, săn bắn hái lượm, đánh cá sông, duy trì một số nghề thủ công (đan lát, dệt, đẽo thuyền độc mộc, đúc bạc nén, kim hoàn) chủ yếu nhằm tự cung, tự cấp. Việc trao đổi, mua bán (vải vóc, váy; hàng nông lâm sản…) chủ yếu diễn ra trong phạm vi nội bộ vùng. Từ những năm 1995 trở về trước, một số làng bản cư trú ven sông Nặm Nơn có đào đãi vàng theo thời vụ (giáp tết Nguyên đán), sử dụng công cụ thô sơ. Theo ông Vi Xuân Nghệ bản Khe Chóng (bản Vẽ) cho biết: có 4 giai đoạn đào vàng: (i). Trước những năm 1970 chỉ có một số người đào vàng. Công cụ dùng cuốc cào đất vào sọt rồi mang ra sông, suối đãi; (ii). Từ 1970-1984 đào trên cạn, nhưng do hay bị sạt lở, nên  chuyển xuống đào dưới sông suối, nhưng thường chỉ đào gần bờ, mép sông; (iii). Từ 1985-1995, chuyển sang đào bằng tời (sử dụng bè tre, cắm dây tời để cào sỏi đá). Đây là thời kỳ rầm rộ nhất, có khi cả bản đi đào vàng; (iv). Từ 1995-1998, sử dụng xà lan, máy và guồng bằng dây chuyền. Thời kỳ này có cả những đầu nậu ở tận Hà Nam, Nam Định vào tham gia khai thác vàng. Sau 1998, việc đào vàng chấm dứt, vì bị cấm.
3. Những thay đổi về sinh kế
3.1. Tình hình chung
Sau khi TĐC tập trung và di vén, cư trú tại nơi ở mới, tình trạng chung vẫn là thiếu đất canh tác/đất sản xuất (Khe Chóng chỉ một số hộ có ruộng: 0,3ha). Do nhà nước quản lý rừng, nên việc phát nương làm rẫy bị cấm, việc khai thác lâm thổ sản, săn bắn, hái lượm tuy vẫn còn, nhưng không diễn ra thường xuyên như trước đây. Bên cạnh đó, khả năng tiếp thu, áp dụng KHKT của người dân TĐC chưa phổ biến. Tuy đã triển khai 4 mô hình: chăn nuôi, dược liệu, lâm nghiệp, nuôi cá lồng, nhưng khả năng nhân rộng hạn chế. Đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chỉ đủ cho tự túc tự cấp, sản xuất mang tính hàng hóa còn yếu kém. Loại giống bò Lai Sind không phù hợp với khí hậu địa phương hay bị dịch bệnh…
Hạ tầng tuy đồng bộ, nhưng còn nhiều khiếm khuyết, trong khi giao thông nhỏ hẹp, dân số tăng nhanh, dẫn tới phá vỡ quy hoạch TĐC; chất lượng các công trình phúc lợi chưa cao, giá trị sử dụng không được như cam kết, nhà cửa TĐC hư hại chưa được hỗ trợ kinh phí sửa chữa đầy đủ. Một số tuyến đường gây lãng phí như Xốp Cháo, Lượng Minh. 
Có thể nói các điều kiện địa hình, đất đai, nơi cư trú chi phối đến sinh kế nhiều nhất là đối với các hộ dân từ khu TĐC Thanh Chương quay trở về quê cũ. Thời gian bà con trở về đông nhất là những năm 2012-2013, trong đó bản Chà Cong đông nhất (hiện ở xã Hữu Khuông có 7 hộ trở về). Do mọi thứ đã cắt chuyển về Thanh Chương, nên khi quay trở về, họ phải ở tạm bợ trong các lều chòi, nhà lán ven hồ. Đất sản xuất không có, đất rừng tuy có bìa nhưng không được phát nương vì đã giao cho rừng phòng hộ quản lý. Cùng với đó là thiếu điện nước, nước sạch cũng không, con cháu thất học vì trường học đã xóa sổ hoặc không có hộ khẩu tại nơi cũ để xin học cho con. Cuộc sống của các hộ dân coi như biệt lập với bên ngoài. Rất may, về sau do tuyên truyền, vận động, nên bà con đã quay trở lại Thanh Chương. Tình hình hiện nay đã được cải thiện, cuộc sống cơ bản ổn định.
Tuy vẫn nhiều khó khăn, song sinh kế của người dân vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ nói chung, người dân hai xã Hữu Khuông và Yên Na nói riêng sau hơn 15 năm di dời, tái định cư và di vén cũng đã có những tín hiệu khởi sắc. Một số hoạt động sinh kế hứa hẹn nhiều thay đổi mới mẻ cho cuộc sống của người dân. Có thể nêu mấy điểm thay đổi về sinh kế của người dân hai xã Hữu Khuông và Yên Na sau đây: 
3.2. Thay đổi phương thức và tập quán canh tác
Như trên đã trình bày, trước kia họ chủ yếu canh tác nương, nay canh tác nương vẫn được duy trì, nhưng diện tích rất hạn chế. Một số bản chuyển sang canh tác ruộng nước. Trong hoạt động sinh kế, thế độc canh cây lúa đã bị phá bỏ. Theo đó, ngoài lúa (nương hoặc ruộng) ra, ngô và sắn và cả rau đậu cũng được bà con chú trọng. Theo Báo cáo của UBND xã Hữu Khuông năm 2022, trong số 293,45 ha diện tích trồng cây lương thực, thì diện tích trồng lúa ruộng là: 142,65 ha, diện tích trồng lúa nương: 44 ha; diện tích trồng ngô bãi: 106,8 ha, năng suất bình quân 25 tạ/ha; diện tích sắn: 163,7 ha với 2.701 tấn; rau đậu các loại 60,72 ha. Mô hình trồng 2 ha ngô lai của Chi hội phụ nữ bản Xàn và mô hình trồng lúa nếp thí điểm tại bản Pủng Bón, xã Hữu Khuông cũng là một trong những thay đổi về phương thức canh tác của người dân vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ hiện nay. Nếu như trước đây, kỹ thuật canh tác chủ yếu là luân canh và xen canh, thì nay do đất sản xuất ít, nên bà con chủ yếu chuyển sang thâm canh và xen canh. Việc sử dụng các công cụ hiện như máy cày, máy phát cỏ, sử dụng thuốc phun diệt cỏ và các loại phân hóa học dần trở thành thói quen phổ biến của người dân.
3.3. Thay đổi về phương thức chăn nuôi
Trước đây, chăn nuôi chỉ với quy mô nhỏ, ở phạm vi gia đình. Phương thức chăn nuôi theo kiểu thả rông. Mục đích chăn nuôi chủ yếu phục vụ các nghi lễ, tín ngưỡng và cải thiện một phần nhu cầu thực phẩm. Ngày nay, tuy vẫn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức thả rông, song hình thức chăn nuôi hướng theo đàn với số lượng lên tới hàng chục con (trâu, bò, dê). Một số gia đình chăn nuôi theo kiểu trang trại, với hàng trăm con. Việc nuôi lợn hiện nay chú trọng đến cả số lượng và trọng lượng. Ngoài nuôi ở các hộ gia đình, một số bản (bản Khe Chanh, Khe Chóng xã Yên Na) xuất hiện mô hình phụ nữ chăn nuôi lợn, mô hình nuôi trâu khá phát triển. Có một số hộ chăn nuôi theo kiểu trang trại. Ví dụ, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nhăng có 60-70 con trâu; hộ gia đình ông Lương Văn Thắng có 39 con bò…). Trong bản Khe Chanh, có trên 10 hộ nuôi trâu bò đàn với số lượng hơn 30 con.
Ở xã Hữu Khuông, xã thiệt hại nhiều nhất, nhưng tại nơi ở mới (di vén) và các bản không phải di dời, tuy địa hình hiểm trở, giao thông đi lại chủ yếu bằng xuồng máy qua lại vùng lòng hồ (cả xã chỉ có 5 km đường bê tông), song do có những thuận lợi nhất định về đất đai, rừng, bãi ven lòng hồ, nên vài năm qua, sinh kế của người dân cũng có những tín hiệu đáng mừng. Diện tích trồng cỏ nuôi trâu bò: 10,53 ha. Tổng đàn trâu, bò toàn xã năm 2022 là 2.805 con, trong đó trâu: 1.249 con, bò: 1.556 con, lợn: 1.062 con, dê: 252 con, gia cầm: 15.186 con. Đặc biệt, mô hình nuôi trâu vỗ béo ở bản Xàn, Pủng Pón, xã Hữu Khuông là một trong những nét mới về lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi của người dân vùng lòng hồ hiện nay.
Một trong những ngành nghề mới trong lĩnh vực nông nghiệp khá thành công của cư dân vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ hiện nay là nuôi cá lồng bè. Theo đó, hiện nay, xã Hữu Khuông có 2.023 ha nuôi thủy sản với 79 lồng, sản lượng hơn 34 tấn cá/năm. Cá lồng là một trong 4 mô hình phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp của xã (5 hộ với 10 lồng). Tại bản Khe Chóng (bản Vẽ cũ), do diện tích mặt hồ rộng, lại gần đập chính ngăn nước, thuận tiện cho đầu ra, nên trong số 178 hộ ở Khe Chóng, xã Yên Na đã có 12 hộ nuôi cá lồng để kinh doanh. Tiêu biểu là gia đình bà Lương Thị Huynh nuôi từ năm 2017-2018 đến nay. Hiện gia đình có 10 lồng cá, mỗi tuần xuất vài tấn cá thương phẩm về Vinh, thu nhập khá tốt. Riêng 10 hộ từ Quế Phong và 2 hộ từ huyện Con Cuông trở về cư trú tại bản Khe Hốc (vốn trước kia là đất làm rẫy của bà con Xiêng Lăm) khá thuận lợi về nhiều mặt. Do địa hình bằng phẳng, không bị ngập nước, diện tích đất sản xuất khá dồi dào; lại tiếp giáp với vùng lòng hồ, khí hậu mát mẻ, đất bãi rộng, được bồi đắp phù sa, nên thuận tiện cho chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, nuôi cá lồng; trồng rau cỏ. Hiện tại đây, hầu hết các gia đình đều nuôi trâu hoặc bò đàn, nuôi lợn, gà, làm ruộng nước, trồng ngô, sắn, rau cải. Các hộ gia đình đều đủ ăn. Năm 2022 huyện cũng đã kéo điện lưới về bản. Theo báo cáo của UB huyện Tương Dương, cũng như phỏng vấn người dân thì: sắp tới, tại đây sẽ xây dựng khu TĐC mới gồm hộ dân bản Huổi Púng, xã Hữu Dương (so nguy cơ sạt lở) và 12 hộ dân tại đây, quy mô 92 hộ. Ước tính, mỗi hộ dân sẽ được chia 400m2 đất thổ cư và 4ha đất canh tác. Trong vài năm tới, huyện cũng sẽ mở tuyến đường từ xã Yên Tĩnh vào tận đây, đồng thời có kế hoạch xây cầu vượt từ đường cái qua lòng hồ, nối vào bản.
3.4. Hạn chế trong khai thác tài nguyên, săn bắn hái lượm 
Với sự hào phóng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trước khi di dời TĐC và di vén, người dân vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ vẫn duy trì tập quán phát nương làm rẫy, tiến hành săn bắn, hái lượm, khai thác lâm thổ sản trên rừng; đánh bắt tôm cá dưới sông suối để mưu cầu cuộc sống. Mục đích chính vẫn là tự túc, tự cấp. Tuy nhiên, sau khi di dời, TĐC và di vén, do nhà quản lý rừng, nên việc phát nương làm rẫy chỉ được tiến hành trong các mảnh rừng cho phép, thậm chí bị cấm hoàn toàn; việc khai thác vật liệu (gỗ, song mây, tre, nứa) làm nhà cũng phải được sự đồng ý của cơ qoan chủ quản. Đặc biệt, khai thác lâm thổ sản để kinh doanh, mua bán tuyệt đối bị cấm… Vì thế, việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên được hạn chế, cây cối xung quanh hồ cũng như trong toàn vùng lòng hồ ngày càng xanh tốt, có tác dụng điều hòa không khí và giữ được nguồn nước, cũng như nguồn thủy sản. Việc trồng mét (luồng) vẫn được người dân duy trì, nhưng trồng keo là phổ biến. Một số hộ gia đình trồng cây lát hoa, lim, xoan trong vườn rừng hay gần nhà. Đây là những cây có giá trị kinh tế cao, nhưng phải mất nhiều năm mới được khai thác.
Săn bắn, hái lượm tuy vẫn duy trì, nhưng không còn phổ biến như trước đây. Hiện nay, bà con chủ yếu thu hái rau măng, củ quả, mật ong hay sắn bắt các loại thú nhỏ theo mùa, mục đích tiêu dung là chính. Việc đánh bắt cá chủ yếu diễn ra ở các khe suối nhỏ; khu vực nước nông, gần mép bờ của lòng hồ bằng cách thả lưới, giăng câu hay quăng chài. 
3.5. Xuất hiện một số việc làm mới
Các nghề mới của người dân vùng lòng hồ nói chung, hai xã nêu trên nói riêng cũng khá phong phú. Có thể kể đến: bán hàng ăn uống, hàng tạp hóa, chạy xe ôm, làm thợ xây, chạy ô tô, xay xát, mổ lợn, bò; vận chuyển khách bằng xuồng đi lại trên lòng hồ, mở quán karaoke, kinh doanh nhà nghỉ, bốc thuốc Nam... Theo thống kê sơ bộ, tại xã Hữu Khuông có 3 hộ bán hàng ăn, 3 hộ bán hàng tạp hóa, 1 cửa hàng chữa xe máy. Hai bản Khe Chóng và Khe Chanh, xã Yên Na có 7 hộ bán hàng tạp hóa, 2 hộ bán hàng ăn; xã có 5 ô tô, 3 hộ kinh doanh xay xát, 2 hộ vận chuyển thuyền lòng hồ, 1 hộ mổ lợn, bò, 1 hộ kinh doanh nhà nghỉ, 2 quán karaoke, 3 hộ làm thuốc nam, 3 hộ làm mộc. Tại ngã 3 Ban QL thủy điện Bản Vẽ đi Khe Chóng và đi trung tâm xã đã hình thành chợ cóc tự phát, mỗi tuần họp 2 phiên (chiều thứ Hai và thứ bảy). 
Các ngành nghề mới còn phải kể đến việc thanh niên đi làm ăn tại các công ty trong Nam, ngoài Bắc; một số đi làm công nhân tại Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan. Theo số liệu của UBND xã Hữu Khuông hiện nay xã có 362 thanh niên đi làm ăn xa, trong đó bản Xàn đông nhất: 197 người, Huổi Pủng: 80 người, Pủng Bón: 35 người.
Từ những trình bày trên đây cho thấy, một trong những thay đổi cơ bản của người dân vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ chính là sự thay đổi về nhận thức về tầm quan trọng của sinh kế. Đối với họ, hơn bao giờ hết, trồng trọt chăn nuôi vẫn là hoạt động có tầm quan trọng sống còn. Tuy nhiên, theo ý kiến của đa số người dân trong các bản, vấn đề quan trọng nhất giờ đây không phải diện tích đất sản xuất nhiều hay ít, mà cái chính là năng suất, sản lượng và nhất là giá trị cây trồng hay vật nuôi.
3.6. Nguy cơ mai một của một số nghề thủ công truyền thống
Ở người Thái, trồng bông, nuôi tằm, dệt vải và đan lát là các nghề thủ công khá phát triển. Tuy nhiên, hơn 15 năm từ khi tái định cư, di vén đến nay, do bị gián đoạn và nhất là thiếu đất trồng bông, nuôi tằm, cũng như việc khai thác nguyên liệu từ rừng bị hạn chế, nên các nghề thủ công nêu trên không có điều kiện phát triển. Nguy cơ mai một nghề dệt cũng như nghề đan lát vì thế cũng là điều tất yếu. 
Qua khảo sát tại các bản vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ nói chung, một số bản xã Hữu Khuông và xã Yên Na nói riêng, tuy vẫn còn vài gia đình giữ lại khung dệt, nhưng tập quán truyền thống nghề dệt vải ở nhiều bản gần như bị lãng quên (bản Khe Chóng đã bỏ dệt từ 2018). Cả bản cũng không còn nhà nào trồng dâu, nuôi tằm. Hiện nay, chị em phụ nữ trong bản chủ yếu là thêu chân váy thuê, nhập cho các đầu nậu mang ra thị trấn Hòa Bình, đi Kỳ Sơn. Giá thêu 1 chân váy hoàn chỉnh là 90.000đ. 
Cũng như nghề dệt, đan lát của người dân vùng lòng hồ cũng đang trong tình trạng mai một dần. Thảng hoặc chúng ta mới có thể nhìn thấy một hai chiếc rổ rá, gùi hay chiếc giỏ cá trong một vài gia đình nào đó. Cũng có thể, đôi khi bắt gặp một anh nông dân gánh các sản phẩm đan lát đi trên đường để bán hay có một vài loại sản phẩm đan lát treo bán ở một góc chợ huyện, song tương lai của nghề đan chẳng mấy sáng sủa bởi các sản phẩm đồ gia dụng bằng nhựa bán ở chợ khá phong phú, lắm màu sắc.  
4. Đôi điều nhận xét
Từ những tư liệu trình bày trên đây cho thấy bên cạnh duy trì các tập quán truyền thống, sinh kế của người Thái vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đã và đang có nhiều thay đổi. Sự thay đổi về sinh kế thể hiện ở phương thức và tập quán canh tác, chăn nuôi; dấu hiệu mai một của nghề thủ công truyền thống, hạn chế khai thác các nguồn tài nguyên, thiên nhiên; tín hiệu hội nhập với kinh tế thị trường về trao đổi buôn bán và nhất là sự xuất hiện của một số việc làm mới.
Hơn 15 năm, từ khi triển khai di dời TĐC và di vén, mặc dù vẫn còn những tồn tại vướng mắc về chủ trương, chính sách đối với người dân bị ảnh hưởng nói chung, vùng lòng hồ thủy điện nói riêng, song có thể nói với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban QL thủy điện Bản Vẽ, các hoạt động sinh kế của người dân tại các điểm TĐC tập trung và di vén hay xen ghép trong huyện hiện nay đã và đang có nhiều thay đổi đáng kể. Riêng về lĩnh vực sinh kế, tuy đất sản xuất (nhất là ruộng nước và đất trồng màu) bị thu hẹp hoặc bị thiếu ở một số nơi, một số nghề thủ công bị mai một (dệt, đan lát), song nhìn chung đời sống của người dân cơ bản ngày càng được cải thiện. Chăn nuôi gia súc, gia cầm (trâu, bò, dê đàn, lợn, gà) khá phát triển. Đặc biệt, phong trào nuôi cá lồng, các loại hình dịch vụ… đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Giáo dục, y tế cũng như chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội được củng cố, an ninh, trật tự xã hội ổn định, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa dân tộc được duy trì.
Một tín hiệu đáng mừng là năm 2022, huyện Tương Dương đã kéo điện lưới về bản Khe Hốc, xã Hữu Khuông (bản có 12 hộ trở lại quê cũ, cư trú bất hợp pháp). Theo báo cáo của UB huyện Tương Dương, cũng như phỏng vấn người dân thì: sắp tới, tại đây sẽ xây dựng khu TĐC mới rộng 8,07 ha (được UBND tỉnh cho phép khảo sát địa điểm lập quy hoạch xây dựng khu tái định cư tại Quyết định số 2017/QĐ-UBND ngày 11/7/2022) và UBND huyện phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (tại Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 01/11/2022), gồm 82 hộ dân bản Huổi Púng, xã Hữu Dương (do nguy cơ sạt lở) và 12 hộ dân tại đây, quy mô 94 hộ, quy hoạch thành bản TĐC mới. Ước tính, mỗi hộ dân sẽ được chia 400 m2 đất thổ cư và 4 ha đất canh tác. Trong vài năm tới, ngoài đất ở, tại đây huyện cũng sẽ xây dựng các hạng mục công trình: trường mầm non, nhà văn hóa cộng đồng, sân thể dục, thể thao, khu cây xanh cảnh quan, đường đi lại trong bản và mở tuyến đường từ xã Yên Tĩnh vào tận đây, đồng thời có kế hoạch xây cầu vượt từ đường cái qua lòng hồ, nối vào bản.
Vấn đề nổi cộm đáng quan tâm hiện nay là: giải quyết hài hòa các tồn đọng về rừng được giao, giải quyết dứt điểm chính sách hỗ trợ kinh phí về sửa chữa nhà ở cho người dân TĐC (nhà xây mới và nhà sàn của dân chuyển về) và các khoản đền bù còn tồn đọng. 
Với sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước, sự nỗ lực vượt khó khăn, gian khổ của người dân; sự năng động của chính quyền địa phương; trên tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, chúng ta tin tưởng và hy vọng trong thời gian tới, cuộc sống của người dân di dời TĐC và di vén vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương sẽ trở thành một điểm sáng, điển hình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. 
Tài liệu tham khảo
1. Vi Văn An-Bùi Minh Thuận, Tái định cư và sự thay đổi sinh kế của người Thái ở bản Mà, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, TC. DTH số 2/2012, tr. 33-49
2. Ninh Viết Giao (và các cộng tác viên), Địa chí huyện Tương Dương, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2012.
3. Phan Thị Hà, Sinh kế của người dân TĐC bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, Luận văn tốt nghiệp khoa Nông Lâm Ngư, trường Đại học Vinh (2008).
4. Giản Viết Phúc, Nghiên cứu ảnh hưởng của khả năng tiếp cận các nguồn lực địa phương đến sự lựa chọn sinh kế của đồng bào TĐC huyện Thanh Chương - Nghệ An, Luận văn tốt nghiệp của, Đại học Vinh (2008).
5. Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển, Sinh kế bền vững cho đồng bào TĐC (thực hiện trên khu TĐC dự án thuỷ điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương), Dự án nghiên cứu (2008).
6. UBND huyện Tương Dương, Báo cáo Kết quả thực hiện chính sách tái định cư công trình thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, năm 2023
7. UBND xã Hữu Khuông, Báo cáo Kết quả thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
8. Khúc Thị Thanh Vân, Ảnh hưởng của chính sách TĐC đối với cuộc sống người dân sau TĐC: Nghiên cứu trường hợp thuỷ điện Bản Vẽ, Luận văn thạc sĩ, Viện Xã hội học (2008).

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây