Phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An: Kinh nghiệm từ một số mô hình du lịch cộng đồng của các tỉnh phía Bắc

Thứ hai - 09/10/2023 05:21 0

Miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện/thị có diện tích gần 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh được đánh giá giàu tiềm năng để phát triển DLCĐ, là nơi có nhiều di tích danh thắng đẹp như Vườn quốc gia Pù Mát (diện tích hơn 91.000 ha) và hai khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia là Pù Hoạt (diện tích 43.000 ha), Pù Huống (diện tích 40.000 ha) được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với nhiều loại cây, con quý hiếm, nhiều hang động, thác nước, sông ngòi, hồ đập… hứa hẹn những điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn. Ngoài ra, nơi đây còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của 5 dân tộc thiểu số (Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu và Mông), mỗi một dân tộc đều mang trong mình những nét văn hoá đặc trưng riêng từ lễ hội đến các phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà, nghề thủ công, những làn điệu dân ca dân vũ. Với những lợi thế trên, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước(2), các tổ chức phi chính phủ(3), sự nỗ lực của người dân nhiều mô hình DLCĐ đã được hình thành và phát triển. Khởi điểm từ những năm 2015 với sự hỗ trợ của một số tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ xây dựng điểm DLCĐ đầu tiên tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, nay đã lan toả ra hầu hết các huyện miền Tây - Nghệ An. Ngược theo tuyến Quốc lộ 7 bắt đầu từ huyện Anh Sơn với 2 điểm DLCĐ tại xã Phúc Sơn, Thành Sơn; Con Cuông với 3 điểm tại xã Môn Sơn, Bồng Khê, và Yên Khê; Tương Dương với 2 điểm tại xã Yên Hoà, Tam Đình; Kỳ Sơn với 2 điểm ở xã Mỹ Lý; Mường Lống. Chuyển qua tuyến đường quốc lộ 48, nổi lên các điểm DLCĐ tại xã Tiên Kỳ huyện Tân Kỳ; xã Châu Lý huyện Quỳ Hợp; xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu; xã Châu Kim huyện Quế Phong..... 
Việc hình thành các điểm DLCĐ đã và đang giúp cho một bộ phận người dân chuyển đổi sinh kế thành công, tăng thu nhập, giữ chân người trẻ ở lại địa phương và tạo ra không gian sống gần gũi với thiên nhiên. Bước xây dựng được các khu hoạt động dịch vụ hỗn hợp của xã/bản. Và điều quan trọng nhất đó là góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy được giá trị văn hoá của địa phương, đặc biệt là phong  trào văn nghệ quần chúng với sự tham gia đồng đảo của mọi tầng lớp nhân dân nở rộ khắp mọi nơi với nhiều câu lạc bộ dân ca, dân nhạc, dân vũ, trong đó nhiều người được công nhận là nghệ nhân. Những kết quả đạt được ở trên là rất đáng ghi nhận song cũng còn không ít tồn tại, bất cập:
- Các điểm DLCĐ được hình thành trong những năm gần đây chủ yếu mang tính phong trào, chưa có nghiên cứu sâu về các đặc trưng văn hoá của từng vùng miền, địa phương, chủ yếu mang dáng dấp văn hoá của đồng bào dân tộc Thái; việc học tập kinh nghiệm chủ yếu theo hướng người làm trước chỉ dẫn cho người làm sau mà thiếu đi sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
- Các điểm DLCĐ có mô típ khá giống nhau từ kiến trúc nhà ở, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, sản phẩm và các hoạt động trải nghiệm. Điều này chỉ phù hợp đối với những đoàn khách lựa chọn duy nhất 1 điểm DLCĐ. Nếu đi theo tuor, tuyến để trải nghiệm cùng lúc nhiều điểm DLCĐ thì sẽ gây ra nhàm chán và tâm lý không thoả mãn. 
- Các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm từ các làng nghề ít và không có tính đại diện của từng địa phương. Một số sản phẩm được tạo ra nhưng chưa đa dạng hình thức, mẫu mã, đầu ra cho các sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
- Nguồn khách du lịch không ổn định, số lượng đoàn vào - ra còn ít, chủ yếu là nguồn khách đến làm việc tại địa phương hoặc tự phát. chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch…
- Cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư nhưng manh mún, mang tính hỗ trợ vì vậy thiếu tính đồng bộ.
- Nguồn thu từ các hoạt động DLCĐ thấp, không ổn định vì vậy việc gắn kết với cộng đồng và chia sẻ lợi ích từ cộng đồng chưa nhiều.
- Các hoạt động trải nghiệm chưa phong phú do chi phí đầu tư cao. Người dân chưa có nhiều kinh nghiệm....
Từ thực trạng trên, qua nghiên cứu thực tế và học tập kinh nghiệm của một số tỉnh phía Bắc trong việc phát triển DLCĐ, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
1/ Về chủ trương phát triển du lịch cho khu vực miền Tây Nghệ An
Ban hành đồng bộ các chủ trương, chính sách
Muốn phát triển du lịch, trong đó có DLCĐ trước tiên phải có sự quan tâm  của các cấp, ngành tỉnh đến huyện, phải được thể chế hóa, cơ chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và phải được hoàn thiện theo tình hình thực tế. Cần phải có các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, trong đó xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Tây Nghệ An.
Kinh nghiệm của tỉnh Lào Cai cho thấy để có thể tạo được sự đột phá trong phát triển du lịch cần ban hành đồng bộ nhiều chính sách. Trong thời gian từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã ban hành các chính sách như: Đề án Phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015; Nghị quyết số 39/NQ-HĐND về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hoàn thiện và đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia, quốc tế giàu bản sắc, hiện đại, góp phần xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển vào năm 2020. Gần đây nhất là đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Hoạt động du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam

Cú huých về phát triển DLCĐ trước tiên phải bắt đầu từ chính sách, ngành du lịch cần tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số chính sách dành riêng cho phát triển du lịch ở khu vực miền Tây - Nghệ An. Trước mắt tập trung tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong phát triển DLCĐ như:
Cơ chế cho thuê và khai thác sử dụng quỹ đất nông nghiệp, đất rừng cho mục đích làm du lịch.
Cơ chế đối với khách du lịch nước ngoài về đi lại, lưu trú tại các địa bàn giáp ranh biên giới.
Cơ chế hỗ trợ người dân (những người không trực tiếp làm homestay).
Chuyển hướng chính sách từ việc hỗ trợ sang hình thức sử dụng đòn bẩy tài chính(4) để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn lớn hơn.
Xây dựng quy hoạch tổng thể các điểm du lịch dựa trên các tiềm năng, lợi thế của từng vùng
Công tác Quy hoạch phải dựa trên những ý đồ chiến lược rõ ràng, sự tính toán khoa học, hợp lý, có lộ trình triển khai thực hiện cho từng giai đoạn nhằm tránh việc phá vỡ cảnh quan, kiến trúc, biến dạng bản sắc văn hóa và chệch hướng.
Kinh nghiệm của tỉnh Sơn La đó là vấn đề Quy hoạch phải đi trước 1 bước, trên cơ sở đó tỉnh đã sớm có chủ trương Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La với 3 trung tâm du lịch trọng điểm.
Để xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thể, ngành du lịch phải đóng vai trò nòng cốt trong việc định hướng phát triển từng loại hình DLCĐ gắn với từng dân tộc, địa phương. Quy hoạch chi tiết những điểm tham quan du lịch, từng khu du lịch và hạ tầng du lịch để kết nối các điểm đến với nhau một cách hài hoà nhất giúp du khách có thể trải nghiệm được đầy đủ các giá trị văn hoá của từng dân tộc, từng địa phương.
Bước tiếp theo đó là, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể, UBND các huyện tập trung cho công tác thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào du lịch cộng đồng. Tiến hành đầu tư xây dựng các công trình phục vụ khách du lịch như nơi ăn, chốn nghỉ, đi lại, vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm… và sớm công nhận các điểm du lịch của tỉnh khi đủ điều kiện. 
Kết nối với các công ty lữ hành mở các tuor, tuyến nhằm tạo ra nguồn khách chủ động. Công ty lữ hành là một trong những kênh đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu điểm đến, dịch vụ du lịch tới du khách trong và ngoài tỉnh và hướng dẫn du khách đến với các điểm du lịch. Do vậy, các địa phương cần phải chủ động tiếp cận, kết nối và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh nắm bắt thông tin về điểm đến, chất lượng dịch vụ, hướng đến xây dựng tour, tuyến phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.
2/ Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các giá trị văn hoá đặc trưng của từng dân tộc, vùng miền và lợi thế về di tích, danh thắng
Phát triển DLCĐ phải gắn với những nét đặc sắc của địa phương, tránh trùng lặp, tràn lan. Tình trạng chung hiện nay đó là một số nơi phát triển DLCĐ một cách ồ ạt, sản phẩm du lịch giống nhau dẫn đến tour tẻ nhạt, mất dần bản sắc. 
Kinh nghiệm của tỉnh Hà Giang cho thấy sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc bản địa đã giúp các mô hình du lịch cộng đồng thành công. Đến Hà Giang du khách có thể trải nghiệm văn hóa người Dao ở Quảng Bạ, người Tày ở Yên Minh, người Lô Lô Chải ở Đồng Văn, người Mông ở Pả Vi… mỗi nơi lại có sự hấp dẫn riêng, không có sự trùng lặp, nhàm chán.
Văn hóa bản địa được xem là giá trị cốt lõi khi phát triển DLCĐ.  Là tỉnh có đến 5 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có những đặc trưng văn hoá riêng. Để hiện thực hoá mục tiêu khai thác các giá trị văn hoá vào phát triển du lịch. Chúng tôi khuyến nghị ngành du lịch cần định hướng khai thác các giá trị văn hoá theo từng dân tộc, dân tộc Thái tập trung cho các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu; dân tộc Thổ ở huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp; dân tộc Ơ Đu, Khơ Mú ở huyện Tương Dương và dân tộc  Mông ở huyện Kỳ Sơn, Quế Phong. Trên cơ sở đó, đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu các đặc trưng văn hoá của từng dân tộc, hướng dẫn người dân bản địa xây dựng sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, không trùng lặp, bảo đảm vấn đề giữ gìn cảnh quan từ đó phát triển đúng hướng, tiến tới đa dạng hóa các loại hình để phân khúc thị trường.


Hoạt động du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam

Chuyển hướng từ các mô hình DLCĐ đơn lẻ, rời rạc thành các chuỗi du lịch cộng đồng liên hoàn, vừa phát huy được lợi thế đặc trưng về văn hóa, cảnh quan của mỗi vùng miền, dân tộc vừa bổ sung hỗ trợ tích cực cho nhau tạo ra sức hút đối với du khách. Qua đó du khách có thêm nhiều thời gian, không gian để trải nghiệm, lưu lại miền Tây Nghệ An, chi tiêu nhiều hơn.
3/ Phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề và có phương án bao tiêu sản phẩm cho người dân
Phát triển DLCĐ không chỉ coi trọng chất liệu truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch, mà quan trọng hơn là thực hành các di sản văn hóa ngay tại cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững. Trong du lịch cộng đồng, nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của khách du lịch cần được chú ý. Những khách có khả năng chi trả cao càng mong muốn có những sản phẩm chất lượng tốt, mang đậm nét văn hóa bản địa để mua làm kỷ niệm, làm quà tặng người thân.
Kinh nghiệm của Sa Pa (Lào Cai) đó là phát triển các sản phẩm có tính đặc thù, giá trị cao như rau Susu (Sa Pa), rượu Shan Lùng (Bát Xát), thắng cố Bắc Hà, gạo Sén Cù Mường Khương, thổ cẩm của người Mông ở Cát Cát, thổ cẩm của người Dao đỏ ở Tả Phìn. Ngoài ra còn có đồ lưu niệm như áo, khăn, gối, túi đeo điện thoại di động, ví, mũ, túi xách tay, ba lô du lịch. Đặc biệt là với khách quốc tế yêu thích các sản phẩm giá trị kinh tế cao như; nhẫn, vòng tay, sợi dây chuyền bạc, các hình kỷ niệm bằng bạc….
Ở Nghệ An đã có chương trình mỗi xã một sản phẩm; Chương trình phát triển các sản phẩm OCOP; Chương trình phục hồi và phát triển làng nghề… đã cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm truyền thống độc đáo, có giá trị. Tuy nhiên, với du lịch không đơn thuần là các sản phẩm sẵn có của địa phương mà cần phải xây dựng, tạo ra các sản phẩm du lịch có tính độc đáo mang tính biểu tượng của tỉnh, huyện, xã. Để làm được điều đó, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của cư dân bản địa về văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt,… nhằm định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng. 
Một nội dung quan trọng khác đó là cần phải có phương án bao tiêu sản phẩm cho người dân: Khi hỗ trợ các điểm DLCĐ khôi phục, xây dựng và phát triển sản phẩm truyền thống cần tính toán đầu ra của sản phẩm, cùng phương án tự vận hành sau khi dự án kết thúc. Bài học tại Vườn Quốc gia Ba Bể cho thấy, sau khi dự án về phát triển du lịch cộng đồng, khôi phục nghề dệt thổ cẩm kết thúc thì hầu hết người dân cũng từ bỏ nghề dệt thổ cẩm, lí do là không có sự bao tiêu về sản phẩm.
4/ Phân chia lợi ích từ hoạt động du lịch địa phương 
Phát triển du lịch cộng đồng mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Trong đó, cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia du lịch cộng đồng với tư cách vừa là nhà tổ chức, vừa là người hưởng thụ, lại vừa chủ động cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách… Cùng với du khách, người dân là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích hữu hình cũng như vô hình của hoạt động này. 
Cộng đồng phải được chia sẻ lợi ích từ phát triển du lịch. Tuy nhiên, tình trạng chung ở nhiều điểm DLCĐ hiện nay là số người tham gia vào hoạt động này chưa nhiều, nguồn thu chưa ổn định và thấp nên nhiều nơi chưa đặt ra hoặc có đặt ra nhưng chưa thực hiện. Trong thời gian tới cần hướng dẫn các điểm DLCĐ xây dựng quy chế và từng bước triển khai để không chỉ những người trực tiếp làm homestay mà những thành phần khác tham gia vào hoạt động kinh doanh cung cấp các sản phẩm cho khách du lịch cũng được hưởng lợi từ nguồn thu hoạt động du lịch. Ngoài ra, cần trích lại một phần nguồn thu đó để phát triển lợi ích chung cho xã hội như tái đầu tư­ cho cộng đồng xây dựng đường sá, cầu cống, điện và chăm sóc sức khoẻ, giáo dục.
5/ Công tác truyền thông
Để công tác truyền thông có hiệu quả thì cần phải xác định được khách du lịch mục tiêu. Khách du lịch là những đối tượng nào tương ứng với từng loại phân khúc, loại hình du lịch. Đặc biệt là cần phải tạo ra các điểm nhấn thông qua các thời vụ sản xuất nông nghiệp, lễ hội, sự kiện quan trọng của tỉnh, huyện, xã…. 
Công tác quảng bá về du lịch cộng đồng cần được xác định là một nội dung quan trọng của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân trong mỗi địa phương. Nội dung tuyên truyền quảng bá ưu tiên giới thiệu về con người, tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương và các thông tin cần thiết liên quan đến du lịch cộng đồng. Hình thức tuyên truyền cũng cần đa dạng và phong phú, trên mạng internet, thông báo, họp báo, phương tiện thông tin đại chúng, tập gấp, tờ rơi…, qua mạng xã hội zalo, facebook, tiktok… 
Kinh nghiệm của Lào Cai đó là phát triển du lịch thông minh với các nội dung chính đó: (1) Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh; (2) Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch thông minh; (3) Sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch; (4) Đào tạo nhân lực; (5) Liên kết, hợp tác về du lịch thông minh và nội dung quan trọng nhất đó là (6) Xây dựng, phát triển hệ thống dữ liệu số về du lịch của tỉnh.
Du lịch cộng đồng là mô hình dễ làm, dễ thực hiện, không đòi hỏi chi phí đầu tư quá lớn, gắn với sinh hoạt hàng ngày của người dân và cảnh quan thiên nhiên của từng vùng, miền vì vậy việc phát triển mạnh mô hình này trong thời gian vừa qua như là xu thế tất yếu. Dù mới ở quy mô hết sức khiêm tốn nhưng bước đầu đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Số lượng các đoàn khách đến với các điểm DLCĐ năm sau tăng hơn so với các năm trước, và điều quan trọng hơn là đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của từng dân tộc, địa phương. Không dừng lại ở những thành quả đó, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng ở những mục tiêu xa hơn. Mong rằng, với những giải pháp mang tính gợi mở trên sẽ góp phần nhỏ bé vào việc định hình hướng đi rõ ràng hơn trong phát triển DLCĐ ở khu vực miền Tây Nghệ An.
Chú thích
1. Khoản 15 Điều 3 Luật Du lịch 2017.
2. Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Dự án VIE-028 Phát triển nông thôn miền núi Nghệ An; Đề án phát triển đô thị sinh thái giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo của UBND huyện Con Cuông.
3. Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Dự án JICA Nhật Bản. 
4. Đòn bẩy tài chính ở đây được hiểu là hỗ trợ lãi suất ngân hàng. Kinh nghiệm của nhiều tỉnh đã áp dụng thành công, một số hộ đã vay được số vốn lớn lên đến hàng tỷ đồng để đầu tư cho việc nâng cấp, cải tạo.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây