Có cần thiết phải học cấp 3 để nhận bằng tốt nghiệp THPT hay không?

Thứ năm - 02/11/2023 05:21 0

Vậy, ở tuổi 15 học sinh có cần thiết phải học lên cấp 3 chỉ để nhận bằng tốt nghiệp THPT hay không? 
Có lựa chọn nào tốt và phù hợp hơn với tố chất, hoàn cảnh gia đình của từng em không?
Giảm số trường công lập
Việc lựa chọn phương án giảm số lượng trường cấp 3 công lập, tăng cường các trường học nghề dành cho học sinh tốt nghiệp THCS, Có 3 lý do:
Lý do thứ nhất: Thực tế số lượng học sinh học hết cấp 3 rồi thi vào đại học càng ngày càng giảm, thống kê năm 2021, 2022 cả nước có tới hơn 1/3 số học sinh cấp 3 (hơn 300.000 học sinh) không đăng ký nguyện vọng Đại học. Năm 2022 trong số hơn 941.849 thí sinh tốt nghiệp cấp 3 có 620.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng đại học, và chỉ có 463.440 (chưa đầy 50% tổng số thí sinh tốt nghiệp) thí sinh xác nhận nhập học. Như vậy, chỉ chưa đầy 1/2 số học sinh tốt nghiệp cấp 3 học tiếp lên Đại học. Năm 2022 tại Nghệ An, trong số hơn 37.000 học sinh lớp 12 thì có tới hơn 14.000 (40 %) số học sinh tốt nghiệp cấp 3 không tiếp tục đăng ký nguyện vọng vào đại học. Khảo sát tại Trường THPT Nam Đàn 2 (Xuân Trung, Nam Đàn), trong 10 lớp C1 đến C10, có 3 lớp 5 lớp có từ 50% - 80% học sinh chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp, thậm chí có 3 lớp đến 100% học sinh. Các trường THPT ở Miền núi như Tương Dương, Tân kỳ còn có tỷ lệ học sinh không đăng ký nguyện vọng Đại học lên đến 80, 90%. Nghệ An xếp thứ 3 (sau Hà Nội và Thanh Hóa) trong số các tỉnh có nhiều học sinh không đăng ký xét tuyển đại học. 


Thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập; Ảnh intenet

Vậy số học sinh không đăng ký nguyện vọng này đi đâu? 
Phần lớn những học sinh này đi học nghề, đi lao động phổ thông trong các doanh nghiệp, hoặc xuất khẩu lao động. Cũng theo khảo sát tại Trường THPT Nam Đàn 2, hơn một nửa học sinh ở các lớp này có nguyện vọng được đi xuất khẩu lao động hoặc đi du học (nhưng thực chất cũng là để đi làm). Tại trường THPT Quang Trung (Diễn Châu), thầy giáo Nguyễn Văn Nam - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chỉ một tỷ lệ nhỏ học sinh ở trường chúng tôi đăng ký xét tuyển vào đại học. Còn lại, hầu hết đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, thậm chí có những em lớp 11 đã nghỉ học để đi.
Như vậy, cả nước có gần 500.000 học sinh đang ngồi "nhầm chỗ". Mặc dù công tác hướng nghiệp hiện nay đang có chiều hướng tích cực nhằm khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", thể hiện ở con số học sinh tốt nghiệp lựa chọn không đăng ký nguyện vọng Đại học ngày càng tăng. Tuy nhiên lại chưa "gãi đúng chỗ ngứa", đó là cần tập trung tư vấn cho học sinh ngày từ lớp 9, để những em có nguyện vọng đi làm sớm theo học nghề luôn. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng lên các trường THPT, nơi giáo viên đang phải gồng gánh dạy học sinh không những kiến thức mà còn đóng vai trò như "bảo mẫu", buộc phải hỗ trợ những học sinh "chán học" hòa nhập với môi trường học thuật không thuộc về chúng. Khi Nhà trường và Giáo viên được cởi bỏ vai trò “bảo mẫu” vốn chỉ dành cho các cấp học dưới, Họ mới có thời gian, điều kiện để tập trung cho những học sinh có nguyện vọng học Đại học. Và ở các bậc học Đại học hay cao hơn nữa, Nhà trường và Giảng viên cũng sẽ có thời gian dành cho những học sinh ưu tú. Đây là một tiết kiệm rất lớn cho Gia đình và xã hội khi cả phương diện tài chính, thời gian và sức trẻ.
Câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh cũng như xa hội đặt ra là liệu phân luồng như vậy có làm hạn chế quyền được phát triển của con em họ hay không? Đây cũng là điều mà các nhà nghiên cứu lo ngại. Tuy nhiên, Theo quyết định số 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và các thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học, Điều 4 khoản 1, 2 quy định người tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng có thể học tiếp các chương trình đào tạo trình độ đại học theo các chương trình phù hợp, hoặc theo hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được các điều kiện của chương trình đào tạo. Do đó, một số ít học sinh đủ năng lực và nỗ lực vẫn được dành cơ hội phát triển những lĩnh vực đòi hỏi chất xám cao hơn trong xã hội.
Lý do thứ hai: Theo nghiên cứu của môn khoa học thần kinh, lứa tuổi 15 là lứa tuổi vàng tốt nhất để con người phát triển các tố chất, sở trường. Giải phẫu học bộ não con người cho thấy bộ não phát triển theo quy tắc từ sau ra trước. Trong khi các vùng não sau và 2 bên thái dương đã phát triển sớm thì ở lứa tuổi này não trước (thùy trước) mới bắt đầu có những kết nối với các vùng não khác và phát triển một cách bùng nổ. Não trước có chức năng điều hành phân tích, phán đoán, kiểm soát cơn bốc đồng. Những năm tháng trong độ tuổi này là thập kỷ tuyệt vời của cuộc đời con người. Không còn độ tuổi nào khác có khả năng đáp ứng nhanh chóng với tất cả các nỗ lực làm người mạnh mẽ nhất và khôn ngoan nhất đến như vậy. Cũng giống như vậy, chỉ ở giai đoạn huyền bí này mới có mảnh đất tinh thần đủ màu mỡ để có thể khiến cho mọi hạt giống, cả loại xấu cũng như tốt, có thể bám rễ, phát triển sum suê hay đơm hoa kết trái một cách nhanh chóng, một cách chắc chắn đến thế.
Chính vì vậy, đây là giai đoạn quan trọng nhất bắt buộc học sinh phải tự học và chuyên sâu sở trường của mình. Và điều logic là để phát huy kỹ năng tự học thì chúng phải đc lựa chọn học những gì mình đam mê, những ngành học nơi bản thân chúng cảm thấy thuộc về. Chỉ khi học sinh biết và đc lựa chọn theo đam mê chúng mới phát huy cao nhất năng lực của chúng. 
Lý do thứ ba: Vậy còn vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh cấp 3 thì sao? 
Theo các nhà nghiên cứu về sự phát triển tâm sinh lý trẻ em, giai đoạn hình thành nhân cách trẻ là từ 0 - 7 tuổi. Ở lứa tuổi này trẻ sẽ cần nhiều tiếp xúc, trải nghiệm thực tế từ thiên nhiên, học cách giao tiếp với anh chị em, cha mẹ, ông bà và xã hội thay vì nhồi nhét đủ loại kiến thức học thuật. Từ lớp 1 đến lớp 9 là quá trình tìm và phát hiện những sở trường của trẻ. Cả hai giai đoạn này hầu hết bộ não chưa đủ khả năng tiếp nhận và xử lý các hoạt động mang tính học thuật cao cấp. 
Do đó, đẩy trẻ theo hướng học thuật hay các cuộc đua tranh giải thưởng khi nhân cách và sở trường chưa hình thành sẽ khiến trẻ không dám tự tin lựa chọn sở thích, hoặc lầm tưởng về sở trường, hoặc có góc nhìn lệch lạc về các giá trị trong cuộc sống. Đạo đức của đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng khi trưởng thành.
Vì vậy, trẻ ở độ tuổi 15 về cơ bản đã ổn định về mặt nhân cách. Việc bị ép phải làm những điều chúng không mong muốn chỉ khiến trẻ trở nên nổi loạn, gây phiền toái, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc của toàn xã hội. 
Thay đổi bức tranh nguồn lực lao động
Như vậy, nếu các em vào trường nghề luôn sau khi hết lớp 9, Nhà nước sẽ có một lực lượng lao động trẻ ham học nghề, có tay nghề đc đào tạo bài bản sớm đến 3 năm. Do được đào tạo học nghề trong các trường nghề bài bản, Năng suất mà họ làm việc cho các doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ cao hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Lực lượng lao động trẻ, giỏi nghề này cũng sẽ có mức lương khởi điểm tốt hơn khi ra trường. Đây sẽ là nguồn thu lớn cho quốc gia dù họ đi xuất khẩu lao động hay vào các công ty trong nước.
Hơn nữa khi các học sinh được học nghề trong các hệ thống trường dạy nghề theo quy chuẩn chung, ngoài việc học kỹ năng nghề các em còn được học về đạo đức nghề nghiệp, về quản trị tài chính cá nhân. Đây là tiền đề cho các em trong việc sử dụng đồng tiền kiếm được một cách thông minh, tránh lãng phí công sức, mồ hôi và nước mắt. Những đồng tiền này không những giúp ích cho sự phát triển gia đình các em mà còn thúc đẩy sự phát triển chung cho toàn xã hội.
Để thay đổi căn bản bức tranh nguồn lực lao động đáp ứng tốc độ phát triển đất nước. Nhà nước đã có những quy định và thành lập các trường nghề trên cả nước. Tại Nghệ An, cả tỉnh có 55 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay một số trường dạy nghề đã có tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng dành cho những học sinh hết lớp 9. Điển hình như Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đào tạo các nghề cần thợ lành nghề cao như công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện lạnh,…; và đào tạo giáo dục định hướng cho xuất khẩu lao động như Hàn Quốc. Với quy mô đào tạo hệ chính quy khoảng 2.300 - 2.700 học sinh, tỷ lệ học sinh ra trường làm đúng nghề hơn 85%. Học phí trung bình 1.900.000đ/ tháng, trong đó học sinh chỉ phải đóng 50%, còn lại Nhà nước hỗ trợ 50%. 


Xu hướng học nghề sau khi tốt nghiệp THCS đang được nhiều người quan tâm; Ảnh nguồn Danviet.vn

Kết quả, khóa đào tạo đầu tiên năm 2020, hệ 9+ tại nhà trường trong tổng số 46 học sinh ở các nơi về học tập, riêng học sinh trường THCS Lượng Minh có 20 em tốt nghiệp đợt này. Trong đó, có 15 học sinh xếp loại khá chiếm tỷ lệ 75% và 5 học sinh tốt nghiệp xếp loại TB khá, chiếm tỷ lệ 25%. Toàn bộ số học sinh con em đồng bào DTTS huyện Tương Dương sau khi tốt nghiệp trung cấp đợt này, sẽ được nhà trường tạo điều kiện để các em tiếp tục học tập nâng cao lên trình độ Cao đẳng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động.
Trường Trung cấp kinh tế Kỹ thuật Vinh cũng bắt đầu tuyển hệ học sinh tốt nghiệp THCS từ năm 2019 với các ngành nghề như: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… và định hướng xuất khẩu lao động Đức... học sinh sau 3 năm tốt nghiệp vừa có bằng Trung cấp nghề chính quy vừa có bằng cấp 3. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn trong nước do nhu cầu lao động tay nghề cao cũng bắt đầu tham gia vào quá trình tự đào tạo, chẳng hạn Tập đoàn FPT với mô hình trường Phổ thông cao đẳng FPT… hay một số tập đoàn liên kết với các trường nghề để đào tạo lao động.
Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục định hướng cũng như có những hỗ trợ về mặt tài chính cho học sinh tốt nghiệp THCS. Chỉ thị 24/CT-Ttg của Thủ tướng chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Yêu cầu các bộ ban ngành Có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (bao gồm hỗ trợ kinh phí, học phí học văn hóa trung học phổ thông) phù hợp với điều kiện địa phương và các quy định của pháp luật để góp phần thực hiện tốt Đề án “ Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”
Về định hướng xuất khẩu lao động năm 2023 và cơ hội cho lao động Việt Nam, theo CNBC (kênh truyền hình tài chính hàng đầu của Mỹ) các nước châu Âu đang có những bước cải tổ về chính sách nhập cư. Tại Đức - Nền kinh tế hàng đầu châu Âu - chuẩn bị thông qua Luật quốc tịch mới giúp người nước ngoài nhập quốc tịch nước này dễ dàng hơn. Cụ thể, dự thảo luật cho phép người nước ngoài đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú tại Đức. Với điều kiện rằng, những người này đã nỗ lực đặc biệt để hòa nhập, chẳng hạn như thông thạo tiếng Đức và có tay nghề lao động cao, sẽ được nộp hồ sơ xin quốc tịch sau 3 năm. Đây là một phần của kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm thu hút 400.000 lao động nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm để tái cân bằng cơ cấu dân số đang già đi và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng. 
Dự luật này cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm mang hai quốc tịch đối với những người đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nghĩa là, những người nhập cư sẽ không còn phải từ bỏ quốc tịch quê hương của họ - vốn là “lằn ranh đỏ” đối với nhiều người. Theo luật pháp hiện hành, chỉ có những người có hộ chiếu EU hoặc những người có cha hoặc mẹ là người Đức mới đủ điều kiện mang quốc tịch Đức.
Như vậy vì tương lai con em chúng ta, chính các bậc phụ huynh cần tìm hiểu và đồng hành cùng con trẻ, trao cho trẻ quyền đc lựa chọn để chúng phát triển tốt nhất sở trường của chúng. Để hạnh phúc dẫn lối thành công!./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây