Trường công, trường chuyên, thi chuyển cấp và lời giải

Thứ tư - 02/08/2023 05:21 0

“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [1].
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt giáo dục ngang hàng với độc lập dân tộc, với tự do và ấm no của nhân dân, và khẳng định đó là 4 “ham muốn tột bậc” của cả cuộc đời. Trong “Lời thi đua ái quốc” viết ngày 11-6-1948, Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân tham gia “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Mặt trận giáo dục là 1 trong 3 mặt trận quan trọng nhất của đất nước [2]. Ngay sau đó, chiến dịch “bình dân học vụ” đã được tiến hành rầm rộ để “diệt giặc dốt”. “Giặc dốt” của năm 1946 là không biết đọc, không biết viết.


Nỗi niềm của phụ huynh tại kỳ thi

Nhưng “giặc dốt” của năm 2023 tất nhiên là khác với “giặc dốt” của năm 1946. Bởi “giặc dốt” thay đổi theo thước đo của tiến bộ xã hội. Nạn “giặc dốt” bây giờ là chưa học hết trung học phổ thông (THPT).
Năm học 2023-2024, chỉ riêng Hà Nội đã có gần 105.000 học sinh thi vào lớp 10 trường công, nhưng sau khi công bố điểm chuẩn, có hơn 33.000 học sinh phải tìm nơi học ở các trường công tự chủ tài chính và các trường tư - phải đóng học phí cao hơn. Nghĩa là hơn 33.000 học sinh này có nguy cơ không được học hết THPT, là “giặc dốt” theo thước đo của thời công nghệ số [3]. Đó là chưa kể đến hàng vạn trẻ em ở các vùng sâu xa bị mù chữ vì không được đến trường, hay vì nghèo đói mà phải bỏ học giữa chừng.
Sau 77 năm, vào năm 2023, nhìn lại thực tiễn của đất nước thì mặt trận “diệt giặc dốt” vẫn còn đó. Phải ngậm ngùi thừa nhận, rằng “ham muốn tột bậc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn. Không phải tất cả người dân trên toàn quốc đều được học hành. Được học hành hiểu theo nghĩa thông dụng nhất của nó, là không được tới trường để học điều mình muốn học cho hết “mù chữ” theo yêu cầu của thời đại. Nếu năm 1946, biết đọc, biết viết là yêu cầu tối thiểu để xoá nạn mù chữ, thì trong thời đại hội nhập toàn cầu ngày nay, phổ cập giáo dục phổ thông phải là một yêu cầu bắt buộc như đã “diệt giặc dốt”. Phổ cập giáo dục phổ thông bắt buộc được hiểu là học hết lớp 12. 
Ở mặt khác, cần định hướng nghề nghiệp và chuyên môn hoá từ sớm. Nên học sinh sau khi kết thúc trung học cơ sở (THCS) theo học một trường chuyên nghề 3 năm, cho đến 18 tuổi, thì đó cũng là một phương thức đạt mục tiêu đã “diệt giặc dốt’. Nghĩa là, trên mặt trận “diệt giặc dốt” theo thước đo thời đại, thì tất cả các học sinh sau khi kết thúc lớp 9, hoặc phải tiếp tục học hết lớp 12, hoặc phải chuyển sang học một trường dạy nghề theo lựa chọn.


Căng thẳng trước giờ thi
Khi “diệt giặc dốt” cho tất cả học sinh trong lứa tuổi đi học trên toàn quốc là yêu cầu bắt buộc, thì sẽ dẫn đến hai kết luận rất quan trọng sau đây:
Phải đủ trường học cho tất cả các học sinh trong lứa tuổi đi học.
Phải xoá bỏ các kỳ thi chuyển cấp từ tiểu học (TH) lên THCS và từ THCS lên THPT. Các kỳ thi này ngăn cản “diệt giặc dốt”.
Thời đại số hoá toàn cầu cung cấp cho học sinh, từ mẫu giáo cho đến THPT, những công cụ học tập và sáng tạo uy lực, với khối lượng tri thức khổng lồ mà ngay cả nhiều người tốt nghiệp đại học ở thế kỷ trước, trên một số phương diện, không thể sánh kịp. Nên đừng lo về chất lượng dẫn đến phải tổ chức khắt khe các kỳ thi chuyển cấp, vừa tốn kém, vừa gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. 
Rất nhiều nước, đã phổ cập giáo dục phổ thông, xoá bỏ các kỳ thi chuyển cấp giữa các bậc TH, THCS, THPT, thậm chí xoá bỏ cả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đa phần các nước bắt buộc giáo dục phổ thông cho đến 16 - 18 tuổi, có nước bắt buộc giáo dục phổ thông cho đến lớp 9, sau đó bắt buộc hoặc học THPT hoặc học nghề cho đến năm 18 tuổi, nghĩa là giáo dục cho đến 18 tuổi[4].
Việt Nam hiện nay, theo Luật giáo dục 2019, Nhà nước bắt buộc giáo dục ở bậc TH, còn mầm non và THCS, THPT là phổ cập giáo dục, nghĩa là Nhà nước tạo điều kiện cho học chứ không bắt buộc [5].
 Việt Nam, để “diệt hết giặc dốt” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi đầu mặt trận “diệt giặc dốt”, cần thiết phải thực hiện giáo dục bắt buộc cho đến 18 tuổi; theo mô hình, giáo dục bắt buộc hết lớp 9 (15 tuổi), và tiếp theo là 2 con đường, giáo dục bắt buộc hết THPT hoặc giáo dục bắt buộc học nghề, tất cả đều cho đến 18 tuổi.
2. Miễn phí giáo dục và vấn đề thiếu trường công 
Nói đến giáo dục bắt buộc là nói đến trách nhiệm Nhà nước. Nhà nước chịu mọi trách nhiệm về tài chính, cơ sở vật chất, giáo viên… để đảm bảo mọi học sinh trong lứa tuổi được học miễn phí. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện giáo dục phổ thông miễn phí, được luật định, rằng mọi công dân trong tuổi đi học có quyền đến trường ở địa phương mình cư trú để được học tập miễn phí. Nghĩa là không chỉ đảm bảo, bất cứ lúc nào và nơi nào cũng có đủ chỗ học, mà còn được học miễn phí. Có đủ chỗ học, được hiểu là tại địa phương mình cư trú (quận, huyện, phường, xã) ở một lân cận gần, chứ không phải ở nơi khác cách xa. 
Như vậy, đối với Hà Nội, chẳng hạn quận Ba Đình, thì các trường công THPT ở quận Ba Đình phải đủ chỗ cho tất cả học sinh hết bậc THCS thuộc quận Ba Đình. Không thể lấy các trường THPT ở các huyện xa (chẳng hạn huyện Ba Vì), để tính cho số chỗ thiếu ở nội thành (chẳng hạn quận Ba Đình) rồi khẳng định Hà Nội có đủ chỗ cho học sinh vào lớp 10. 
Hà Nội, như truyền thông đã đưa tin, đang thiếu trường công cho 33.000 học sinh lớp 10. Không phải trượt, mà vì không có chỗ, nên điều chỉnh bằng điểm thi, buộc 33.000 học sinh lớp 9 không có chỗ học ở lớp 10 trường công, phải tìm chỗ học ở các trường tư và trường công lập tự chủ tài chính với học phí cao.
Tại sao phải đua nhau thi vào trường công? Là vì không đủ tài chính học ở trường tư. Bất cứ nguyên nhân gì, không đủ trường công hay không đủ tài chính, thì ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ai cũng được học hành” vẫn chưa được thực hiện.
Chúng ta muốn xây dựng CNXH, một xã hội với nhiều viễn cảnh đẹp. Chúng ta muốn xây dựng một chính quyền vì dân. Nhưng người dân Việt Nam vẫn phải đóng phí cho con theo học ở bậc giáo dục THCS và THPT, trong khi ở nhiều nước TBCN thì giáo dục miễn phí cho học sinh đến 18 tuổi. Đã cấp thiết lắm rồi, phải miễn phí giáo dục phổ thông trên toàn quốc. Không phải không có kinh phí, mà là chưa nhìn thấy phương cách. 



Lấy Hà Nội làm thí dụ. Để phục vụ cho 33.000 học sinh lớp 10, cần xây trường đủ chỗ 100.000 học sinh bao gồm 3 khối 10,11,12. Nếu mỗi trường có 2.000 học sinh thì phải xây mới thêm 50 trường THPT. Theo quy định, mỗi học sinh cần 1,5m2, thì mỗi trường phải có tối thiểu 3000m2 xây dựng dành cho phòng học. Tính dự phòng 50% nữa cho các phòng ban, khu vực phụ trợ thì mỗi trường cần 4.500m2 xây dựng. Giá xây dựng 10 triệu đồng/m2 (cho nhà 3 tầng) thì mỗi trường cần 45 tỷ đồng. Dự báo một cách rộng rãi cho cả trang thiết bị, 100 tỷ đồng là đủ để xây dựng một trường học cho 2000 học sinh. 
Như vậy, không tính tiền đất, để xây dựng thêm 50 trường mới cho 100.000 học sinh, cần nguồn kinh phí không quá 5.000 tỷ đồng. Nhìn Hà Nội tiêu tiền qua dịp Covid, cũng như điểm qua các con số thất thoát trong các dự án, thì tìm 5.000 tỷ đồng cho 50 trường học không phải là quá khó. 
Sẽ có người phê phán ước lượng thô này. Nhưng để cho tư nhân đầu tư, 100 tỷ đồng chắc chắn đủ để xây dựng một trường học (nhà 3 tầng) khang trang cho 2000 học sinh, có cả bể bơi lẫn các phòng tập thể thao đa năng và chuyên dụng. Còn nếu ai đó đầu tư hơn 100 tỷ đồng, thì đơn giản là vì họ dư thừa tài chính.
Mấy năm gần đây, thống kê cho thấy “hiện tượng ngược”, rằng số lượng học sinh hàng năm tăng, nhưng số trường lại giảm. Năm 2015, cả nước có 15.353.800 học sinh và 28.951 trường học. Năm 2021 có 17.921.100 học sinh và 26.247 trường. Như vậy trong vòng 6 năm, số học sinh tăng thêm 2.567.300 học sinh, nhưng số trường lại giảm đi 2.704 trường học. Suy ra số lớp và số học sinh trong các trường tăng lên [6], [7].
 Nhìn vào chỉ tiêu tuyển sinh các THPT Hà Nội thì có thể thấy số lượng học sinh trung bình mỗi trường dao động ở khoảng 2000. Đó là con số khá lớn, nếu so sánh với bình quân cả nước và với Hoa kỳ. Năm học 2021-2022, cả nước có 17.921.100 học sinh (9.212.000 tiểu học, 5.927.400 THCS, 2.781.700 THPT) phân bổ trên 26.257 trường, bình quân khoảng 758 học sinh/trường. Còn Hoa kỳ có khoảng hơn 50,8 triệu học sinh phân phối ở 130.930 trường học (26.727 trường THPT). Bình quân khoảng 528 học sinh cho một trường [8].
Từ bức tranh Hà Nội nhìn ra toàn quốc. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đối mặt với tình cảnh tương tự như Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 110.000 học sinh kết thúc THCS và chỉ tuyển khoảng 70% vào lớp 10 công lập [9]. Như vậy, cũng hơn 30.000 học sinh kết thúc THCS không được vào lớp 10 trường công. Trên thực tế, thì có không ít tỉnh thành có tình cảnh bi đát hơn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng cứ giả thiết ở 63 tỉnh thành trung bình có 30% số lượng học sinh hết THCS không được vào lớp 10 trường công, thì số lượng “giặc dốt” (không được học lớp 10 trường công) sẽ dao động xung quanh con số 444 555 học sinh (30% x 0,25 x 5.927.400). Nghĩa là có gần nửa triệu học sinh trên toàn quốc không được vào lớp 10 trường công, một con số “giặc dốt” rất lớn.
Còn về đất đai để xây thêm trường công? Hà Nội cũng không thiếu. Ngoại thành thì đương nhiên là dễ dàng bố trí đất cho các trường học. Nhưng nội thành Hà Nội cũng có thể thu xếp đủ đất để xây dựng trường. Trước hết, phải chấm dứt việc di chuyển dân số cơ học vào nội thành. Không chỉ là vì trường học, mà còn giao thông, bệnh viện, không gian sống. Tiếp đến, những khu đất mới giải phóng nhờ di chuyển cơ quan ra khỏi trung tâm, hãy dành để xây dựng trường học, bệnh viện, chứ không dành để xây chung cư. Nếu cứ xây chung cư 40 - 50 tầng ở vị trí nội đô vừa giải phóng đất (như khu triển lãm Giảng Võ) thì không những không có đất cho trường học, bệnh viện, mà giao thông Hà Nội mỗi ngày càng thêm tắc nghẽn. Cho nên, không phải nội đô Hà Nội không có đất cho trường học, mà cách thức sử dụng đất mới là vấn đề cần bàn.
Xây trường công là phục vụ mục tiêu giáo dục bắt buộc, là đi tới miễn phí giáo dục phổ thông. Rất nhiều nước đã miễn phí giáo dục bắt buộc [10], [11].
Thậm chí nhiều nước còn miễn phí cho cả học sinh ngoại quốc, không chỉ ở bậc phổ thông, mà cả bậc đại học [12].
Trong suốt các phần đã đề cập ở trên, chưa nhắc đến các trường công lập tự chủ tài chính và trường tư như là địa điểm học tập cho các học sinh không đủ điểm vào lớp 10 trường công. Bởi vì đó là các trường phải trả học phí cao so với mức thu nhập trung bình. Nghĩa là đa số phụ huynh không thể đáp ứng về khả năng tài chính. Quan trọng nữa, là tạo ra môi trường “ai cũng được học hành” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “ham muốn tột bậc”, và thêm nữa, như là một mục tiêu tốt đẹp của CNXH.
Việc điều chỉnh điểm chuẩn ở mức 70% học sinh được vào lớp 10 trường công, có liên quan hay không ý định dành 30 % học sinh bị trượt cho các trường tư và trường công tự chủ tài chính? Đó là một vấn đề “không tầm thường” nhưng chưa phải là mục tiêu đề cập ở đây.
3. Xóa bỏ các kỳ thi giữa các cấp, đưa hướng nghiệp lên mức đào tạo chuyên 
Giải quyết vấn đề không đủ chỗ vào lớp 10 trường công chỉ là một phía. Phía khác là giải bài toán xoá bỏ áp lực chọn trường vì phân biệt đẳng cấp, và xoá bỏ gánh nặng thi cử. Đây là một bài toán không dễ, vì còn liên quan đến tư duy của phụ huynh và học sinh hình thành do hệ quả của nền giáo dục nặng thi cử, nặng hình thức, thiếu thực tiễn trong suốt mấy chục năm qua. Muốn giải bài toán này thì phải đổi mới nội dung giáo dục, đổi mới thi cử.
Muốn đổi mới thi cử, thì trước hết phải đổi mới nội dung giáo dục. Đã dai dẳng nhiều chục năm, học sinh chúng ta phải học nhiều điều vô ích, tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức. Đã đến lúc phải có cuộc cách mạng về học. Nếu không thay đổi sẽ không có chỗ đứng trong thời đại cạnh tranh toàn cầu. Đã đến lúc phải:
Học điều cần thiết cho cuộc sống, cho công việc, cho sự nghiệp; Học điều đam mê yêu thích; 
Học điều khuyến khích toả sáng năng khiếu cá nhân.
Con đường của 3 điều học vừa nêu là lựa chọn chuyên môn theo năng khiếu, là lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích, đào tạo và thực hành, càng sớm càng có lợi thế. Khi đi theo con đường này, thì trường nào cũng là trường chuyên. Sự lựa chọn trường sẽ bớt dần gay gắt. 
Việt Nam đang quá chậm trễ trên con đường chuyên môn hoá. Không chuyên môn hoá cao, không thể tiến xa trong thế giới cạnh tranh cay nghiệt ngày nay. Càng chuyên nghiệp sớm bao nhiêu thì khả năng cạnh tranh và sáng tạo càng lớn bấy nhiêu. Chỉ có cách thức đào tạo chuyên nghiệp khác nhau, mà sự lựa chọn có thể dẫn đến thành công hay phải trả giá.
Chẳng hạn như ở Úc, ở nhiều trường, học sinh lớp 9 đã lựa chọn môn học theo sở thích. Thí dụ, đối với các em đam mê ô tô, được thỏa sức học về ô tô ở các xưởng thực hành. Các em không chỉ biết nhiều chủng loại, am hiểu hết các bộ phận, mà còn có khả năng lắp ráp, sáng tạo, độ được những chiếc ô tô thực sự hấp dẫn. Năng lực thực hành của em khi chưa kết thúc THPT mà đã vượt xa nhiều kỹ sư ô tô trong phòng giấy. 
Không chống chuyên nghiệp hoá. Mà phải lựa chọn cách thức đào tạo chuyên. Các trường chuyên Việt Nam tạo nên những ý kiến trái chiều là bởi vì cách thức đào tạo. Thực tiễn của các nước công nghiệp hàng đầu là tấm gương tham chiếu về cách thức đào tạo chuyên, mà các trường chuyên của Việt Nam không thể không “ngó” đến mà đổi mới.
Cho nên, để bắt kịp với bước tiến của giáo dục hiện đại, thì không chỉ hướng nghiệp, mà phải đẩy hướng nghiệp lên mức đào tạo nghề nghiệp chuyên ngành. Đó là xu thế bắt buộc, nếu muốn học sinh có thể cạnh tranh việc làm và toả sáng tài năng cá nhân.
Internet, trí tuệ nhân tạo, tiến bộ công nghệ cung cấp cho học sinh phổ thông ngày nay một không gian tri thức rộng lớn ngoài sức tưởng tượng. Tốt nghiệp THPT là điều sơ đẳng đối với bất cứ học sinh nào khi kiểm tra tri thức đúng theo sở thích năng khiếu, chứ không phải những đề thi giáo điều, đã hành hạ và hạn chế sự sáng tạo cá nhân trong suốt mấy chục năm qua. Kiểm tra và đánh giá định kỳ hàng năm là nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường. Nhưng dứt khoát phải xoá bỏ các kỳ thi giữa các cấp. Như trên đã đề cập, kỳ thi giữa các cấp đi ngược với mục tiêu giáo dục bắt buộc. Kỳ thi giữa các cấp cản trở “diệt giặc dốt”. Và kỳ thi giữa các cấp tạo áp lực không đáng có lên học sinh, phụ huynh và cô giáo. Đó là chưa bàn đến kỳ thi giữa các cấp gây ra lãng phí thời gian tiền bạc của mọi gia đình và toàn bộ xã hội.
4. Vai trò địa phương 
Địa phương giữ vai trò rất quan trọng trong nền giáo dục của một quốc gia. Trước hết đó là nguồn nhân lực, là truyền thống giáo dục nhiều thế kỷ, là văn hoá phong tục, là tính cách và năng lực hình thành từ môi trường địa phương. Tiếp đến là chính sách địa phương. Các địa phương có thể đưa ra các chính sách khác nhau về giáo dục, tác động lên sự phát triển giáo dục ở địa phương khác so với toàn quốc. Ví dụ như lãnh đạo Đà Nẵng, trước đây đã có các chính sách khuyến khích người tài về làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, y tế, còn vừa mới đây đã quyết định dùng nguồn tài chính địa phương để miễn học phí cho toàn bộ học sinh. Lãnh đạo các tỉnh thành phải nhìn thấy được vai trò và trách nhiệm của chính mình đối với địa phương. Địa phương nào có lãnh đạo giỏi, quan tâm đến giáo dục, và có cái nhìn đúng về giáo dục, thì giáo dục địa phương đó tất phát triển. 
Bởi thế, các bài toán nêu trên về giáo dục, bao gồm giáo dục bắt buộc, có đủ trường công cho mọi lứa tuổi, giáo dục miễn phí, giáo dục chuyên nghiệp, bỏ các kỳ thi giữa cấp… sự thành công trong giải quyết các vấn đề đó phụ thuộc không nhỏ vào tài năng và tâm huyết của lãnh đạo địa phương. Tục ngữ Việt Nam có câu, “trong cái khó ló cái khôn”. Rất mong chờ “ló cái khôn” từ các lãnh đạo địa phương.
Tài liệu dẫn
[1]. Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T 4, Tr.161-162.
[2].https://soldtbxh.camau.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=soldtbxh.trangchitiet&urile=wcm%3Apath%3A/soldtbvxhlibrary/soldtbvxhofsite/hochiminh/240720186.
[3]. https://vietnamnet.vn/khoang-33-000-hoc-sinh-thi-vao-lop-10-truot-cong-lap-o-ha-noi-se-hoc-o-dau-2144315.html).
[4]. https://en.wikipedia.org/wiki/Compulsory_education).
[5]. https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/hien-nay-phap-luat-quy-dinh-ve-viec-pho-cap-giao-duc-va-giao-duc-bat-buoc-doi-voi-nhung-doi-tuong-n-57992-3689.html).
[6]. https://vietnamnet.vn/ca-nuoc-giam-hon-48-nghin-giao-vien-nhung-tang-2-5-trieu-hoc-sinh-2053771.html. [7] https://giaoduc.net.vn/trong-6-nam-qua-ca-nuoc-giam-2704-truong-pho-thong-post229227.gd.
[8]. https://admissionsly.com/how-many-schools-are-there/..
[9]. https://tuoitre.vn/tp-hcm-gan-100-000-thi-sinh-dang-ky-nguyen-vong-1-vao-lop-10-cong-lap-20230512154157226.htm).
[10]. https://en.wikipedia.org/wiki/Free_education.
[11]. https://www.quora.com/Are-public-high-schools-in-the-United-States-tuition-free.
[12].https://erudera.com/resources/countries-with-free-education-for-international-students/#:~:text=Countries%2C%20including%20Austria%2C%20the%20Republic,nationalities%20and%2For%20certain%20degrees.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây