Vấn đề xác định năm ra đời của thành phố Vinh

Thứ tư - 13/09/2023 05:21 0

Nói xác định năm sinh chứ không thể nói lựa chọn năm sinh. Bởi vì cũng giống như một con người, một thành phố chỉ có một năm sinh duy nhất tương ứng với nó theo quan hệ tương ứng một - một, chứ một thành phố không thể có những mấy năm ra đời để ta có thể đặt vấn đề lựa chọn năm nào thích hợp nhất với ước vọng, tình cảm con người thời hiện đại. Đây là một vấn đề lịch sử, do lịch sử để lại. Như vậy vấn đề chỉ có thể ở chỗ: phương pháp xác định hay xác định như thế nào cho phù hợp với thực tế lịch sử.
Cũng như các đơn vị cư dân khác, một thành phố được xác định trước hết bằng không gian và thời gian ra đời của nó. 
Trước hết nói về không gian. Thành phố Vinh hiện nay là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, và văn hóa của tỉnh Nghệ An, giáp với ba huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghi Xuân, về mặt không gian được xác định bằng tọa độ trung tâm là 105 40’ vĩ độ Bắc.
Nghiên cứu lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử tỉnh Nghệ An, ta có thể gặp nhiều sự kiện về các thành trì, thành lũy ở lưu vực sông Lam (cả tả ngạn và hữu ngạn) liên quan đến lỵ sở (chất - liệu) của vùng Nghệ An xưa. Trong công trình nổi tiếng “Le Vieux An - Tịnh”, học giả người Pháp - H.Lebreton đã đưa ra một bản thống kê các thành, Vạn An thành, thành Nam, Lam Thành, Lục Niên thành, Bình Ngô thành, Khả Lưu thành,… Cũng theo H.Lebreton, “bắt đầu từ thế kỷ XVII, các thành trì lưu vực sông Lam không còn lịch sử nữa mà bắt đầu hoang tàn. Thế nhưng, cho mãi tới đầu thế kỷ XIX (1803) thì Lam Thành vẫn giữ một vị trí quan trọng với tư cách là lỵ sở vùng An - Tịnh”(1). Lam Thành - Phù Thạch với tư cách là lỵ sở Nghệ An xưa (bao gồm cả Hà Tĩnh đã được mô tả như sau: “Phía trong thành có dinh quan Trấn thú, có cả hành cung và có cả công đường. Ở làng Nghĩa Liệt thì Hiến ty đóng. Thừa Chính ty đặt ở Triệu Khẩu và các dinh thự của các quan Trấn thủ thì ở Vệ Chinh, nằm giữa hai làng ấy”(2).
Trong các cuộc khảo sát điền dã thực hiện dựa vào các lớp học tập trên hiện trường lịch sử (“Class - Promenades”), H.Lebreton đã phát hiện ra bờ tường dốc đứng của phía Bắc Lam Thành và của Kỳ đài mà những chứng tích còn lại đã cho phép ông đoán định một hố chôn cờ cuối cùng trước khi xảy ra cuộc rời bỏ vĩnh viễn Lam Thành - Phù Thạch được ông xác định vào năm 1803”(3). 
Điều quan trọng ở đây là, vị trí không gian của các thành trì nói trên hoàn toàn không có tọa độ trung tâm tức có không gian khác với các lỵ sở vùng Nghệ  An xưa từ 1803 trở về trước. Do đó, chỉ có thể xác định không gian kế thừa của thành phố Vinh hiện nay từ năm 1803 trở về sau.
Trên đây chỉ là xác định về không gian. Bây giờ xét tới việc xác định về mặt thời gian. Câu hỏi đặt ra là: tại sao có thể xác định rằng năm 1804 là mốc ra đời của thành phố Vinh hiện nay? Ở đây, cần xác định rõ “mốc ra đời” là gì? Xét về mặt thời gian, khái niệm “mốc thời gian” có nghĩa là điểm xuất phát của một quá trình vận động, phát triển trong một dòng chảy thời gian liên tục. Xét như vậy, mệnh đề “năm 1804 là mốc ra đời của thành phố Vinh hiện nay “là tương đương mệnh đề” thành phố Vinh năm 1997 là sự vận động phát triển của một lỵ sở (chef-lieu) bắt đầu từ năm 1804”. Và sự thật lịch sử đúng là như vậy.
Từ năm 1802, trên cơ sở kế thừa được thành quả lịch sử của các triều đại quân chủ tập quyền từ Ngô Vương Quyền (939 - 965) đến triều đại Tây Sơn (1786-1802) Gia Long đã có thể lập một vương triều quân chủ tập quyền mới ở Đông Nam Á, bao gồm cả lãnh thổ vương quốc Đại Việt cũ (thường gọi là Đàng Ngoài) và lãnh thổ mới định hình sau bốn thế kỷ phát triển từ Thuận Hóa đến Mũi Cà Mau, thông tới cả đảo Phú Quốc (thường gọi là Đàng Trong). Đất nước quốc hiệu Đại Việt có từ năm 1054 đổi sang quốc hiệu Đại Nam từ 1803. Xét về diện tích cũng như về dân số, vương quốc Đại Nam rộng và đông hơn gấp hai lần so với vương quốc Đại Việt cũ. Ấy là chưa kể một triệu km2 lãnh hải cùng với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một bờ biển chạy suốt từ Quảng Ninh đến Rạch Giá trông ra Thái Bình Dương. Đứng trước cơ ngơi một quốc gia quân chủ tập quyền hình thành như vậy, ngay khi mới lên ngôi, Gia Long đã buộc phải có những quyết định ổn định tình thế của vương triều mới.
Riêng đối với trấn Nghệ An, năm 1803, trên đường ra Bắc Thành, Gia Long đã dừng lại ở hành cung Vĩnh Dinh và hạ lệnh xây miếu thờ “Khổng Tử” (gọi là nhà Văn Thánh) ở xã Vĩnh Yên tổng Yên Trường. Tháng 5 năm sau (1804), Gia Long tiếp tục hạ lệnh chuyển hẳn lỵ sở Nghệ An về ở đó luôn và giao cho Tả quân Lê Văn Duyệt đốc suất rất gấp việc đắp thành bằng đất làm lỵ sở của Nghệ An (gần 30 năm sau, trong cuộc Cải cách hành chính thời Minh Mạng (1820 - 1840), thành này sẽ được xây bằng đá ong Thanh Thủy và sò đá Diễn Châu và tồn tại mãi cho đến đầu năm 1947 thì buộc phải tiêu thổ kháng chiến và hiện chỉ còn lại một số đoạn ở thành ngoài và các cổng thành.
Cùng một lúc với việc chuyển dịch lỵ sở Nghệ An trên đây là việc di chuyển một bộ phận cư dân, chủ yếu là thương nhân Hoa Kiều từ vùng Phù Thạch, Lam Thành về lập phố xá ở vùng Kẻ Vịnh, tức khu chợ Vinh ngày nay. Thành quách, phố xã mọc lên, kết hợp với cảnh tấp nập trên chợ dưới thuyền đã làm cho vùng Vĩnh Yên, Vĩnh Trường cũ trở thành nơi đô hội mới của trấn Nghệ An. Đáng chú ý là sau việc đưa các hoạt động kinh tế, chính trị, hành chính tập trung về trấn lỵ mới là việc chuyển dời trường thi Hương từ vùng Lam Thành về khu vực Trường Thi ngày nay. Từ năm 1806, trường thi Nghệ An tổ chức kỳ thi Hương đầu tiên của thế kỷ XIX ở nước ta và từ đó Trường Thi trở thành một trung tâm văn hóa - xã hội quan trọng.
Thế là chỉ trong một thời gian chưa đầy 3 năm, vùng đất Vĩnh Yên, Vĩnh Trường đã nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của trấn Nghệ An. Rồi công cuộc cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng đã đổi trấn Nghệ An thành tỉnh Nghệ An với cả một hệ thống thành trì kiên cố xây dựng trong 2 năm 1831-1832(4). 
Từ đó cho đến cuối thế kỷ XIX, tỉnh lỵ Nghệ An đã không ngừng vận động phát triển và có đầy đủ yếu tố của một đô thị phương Đông:
1. Thành lũy và hào bao quanh các thiết chế cai trị (dinh tổng đốc, dinh án sát (tòa án), dinh bố chính, hành cung, lãnh binh, dinh đốc học,…).
2. Phố và chợ, giao thông thủy bộ kết hợp với nhau tạo nên hình thế thương mại trên chợ, dưới thuyền sát gần các cửa thành.
3. Thành trì nối liền với các đầu mối giao thông thủy và bộ khắp một vùng, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa dễ dàng.
4. Có Dinh đốc học và trường thi Hương thúc đẩy sự phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An.
Như vậy, xét về không gian và về thời gian vừa trình bày ở trên, ta có thể thấy rõ ràng, kể từ năm 1804, lỵ sở (chef-lieu) Vinh đã đồng thời giữ hai chức năng. Một là chức năng của một vị trí địa - chính trị. Hai là chức năng của một vị trí địa - đô thị. Trong hai chức năng ấy thì chức năng thứ 2 (vị trí địa - đô thị) đã phát triển nhanh chóng theo thời gian, nhất là từ khi Vinh bước vào thời kỳ khai thác lần thứ nhất từ những năm cuối thế kỷ XIX đến hết Thế chiến I (1914 - 1918).
Và đó cũng là nguyên nhân Chỉ Dụ của vua Thành Thái ngày 12 tháng 7 năm 1899 mà nội dung cơ bản là biến đổi Vinh thành một trung tâm đô thị theo nghĩa hiện đại (centreurbain) cùng lúc với 5 trung tâm khác của Trung kỳ là Thanh Hóa, Huế, Hội An, Quy Nhơn và Phan Thiết(5). Ở đây có một sự thật lịch sử cần được giải trình cho rõ. Một số người không biết vì lý do gì khẳng định rằng “vua Thành Thái ký Đạo Dụ thành lập thị xã Vinh” ngày 20 tháng 10 năm 1898. Sự thật là trong ngày 20/10/1898 ấy chỉ có bản Tấu của Viện Cơ Mật tấu trình lên và xin vua phê chuẩn lý do và phương án thành lập thành phố (hiểu theo nghĩa trung tâm đô thị)(5) và xin nhà vua trước hết hãy thực nghiệm ngay đối với những trung tâm quan trọng là Huế và Vinh. 
Tiếp đó, ngày 12 - 7- 1899, mới chính thức có Đạo Dụ của vua Thành Thái. Đáng chú ý là ông vua yêu nước của Triều Nguyễn này đã phê chuẩn bản Tấu của Viện Cơ Mật vượt quá yêu cầu của họ. Ngoài những trung tâm mà Viện Cơ Mật cho là quan trọng và xin nhà vua cho thực nghiệm ngay trước (Huế và Vinh), nhà vua còn đề ra thêm và cho phép thành lập luôn bốn trung tâm đô thị khác nữa là Thanh Hóa, Hội An, Quy Nhơn, Phan Thiết. Tổng cộng trên lãnh thổ Trung kỳ thời đó được thành lập 6 trung tâm đô thị. Đó là ý nghĩa của Đạo Dụ ngày 12/7/1899 của vua Thành Thái vào lúc thế kỷ XIX sắp kết thúc trên đất nước ta.
Rồi một tháng rưỡi sau, vào ngày 30 - 8 - 1899, Toàn quyền Đông Dương P.Doumer (cựu Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ Đệ tam Cộng hòa Pháp thời bấy giờ) đã ký nghị định thi hành Đạo Dụ trên lãnh thổ Trung kỳ và giao cho Khâm sứ Trung kỳ chịu trách nhiệm thực hiện.
Quá trình phát triển chức năng địa - đô thị của Vinh đã thể hiện rõ rệt nhất trong Đạo Dụ của vua Thành Thái chuyển hóa Vinh thành một trung tâm đô thị thời hiện đại. Sau sự kiện này, Chính phủ Pháp đầu tư lớn vào Vinh và trong một thời gian ngắn đã xây dựng xong nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy Diêm,… Giai cấp công nhân Vinh bắt đầu hình thành.
Từng bước, Vinh trở thành một trung tâm công nghiệp của Đông Dương không những ở bề sâu mà còn ở bề rộng nữa. Địa bàn công nghiệp và thương nghiệp phát triển và phủ kín đến tận Bến Thủy và khu vực nhà máy Trường Thi. Sự phát triển ấy đã đưa tới Đạo Dụ của vua Duy Tân thành lập trung tâm đô thị Bến Thủy ngày 11 - 3-1914 và Đạo Dụ của vua Khải Định thành lập trung tâm đô thị Trường Thi ngày 27 - 8 - 1917.
Tiếp đó, Thế chiến I kết thúc và Việt Nam bước vào thời kỳ khai thác lần thứ II. Cả ba trung tâm đô thị cũng đồng thời vận động phát triển rất nhanh, biến cả một khu vực rộng lớn mà điểm xuất phát (“mốc”) là thành Vinh xây dựng từ năm 1804 ấy thành một trung tâm công nghiệp lớn của Đông Dương. Đó là nguyên nhân Nghị định ngày 10 - 12 -1927 của Toàn quyền Đông Dương liên kết 3 trung tâm đô thị Vinh, Bến Thủy, Trường Thi thành một đơn vị kinh tế - hành chính mới, được xác định rõ ràng là “Thành phố Vinh - Bến Thủy”, mà quy chế quản lý được quy định theo kiểu thành phố châu Âu thời đó, diện tích là 20km2, chia thành 10 phố với 2 vạn dân nội thành, trong đó có gần 7.000 công nhân các loại.
Rõ ràng là trong 95 năm từ năm 1804 đến 1899, Vinh đã từ một tỉnh lỵ nặng về tính chất địa - chính trị để vận động phát triển thành một đô thị cổ phương Đông thời Minh Mạng rồi chuyển thành một trung tâm đô thị kiểu hiện đại với thể thức “Âu hóa” thời vua Thành Thái. Tiếp đó, từ năm 1899 đến 1927, chỉ trong thời gian chưa đầy 30 năm, Vinh đã công nghiệp hóa trở thành một thành phố công nghiệp có hạng của Đông Dương, đồng thời là trung tâm kinh tế, một trung tâm cách mạng, trung tâm chính trị và văn hóa lớn của Việt Nam từ 1903 đến 1945.
Thành phố Vinh hiện nay đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chính là kế thừa kết quả vận động phát triển liên tục suốt thời gian 123 năm ấy (1804-1927) của tỉnh lỵ Vinh xuất hiện từ năm 1804. Điều này đã được chứng thực bằng Sắc lệnh số 77 ngày 21 - 12 - 1945 của Chính phủ Lâm thời nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quy định rằng: “Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh - Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng,… đều đặt là thành phố”. Trong thời gian gần 7 năm (từ giữa năm 1947 đến hết tháng 7 năm 1954), Vinh đã tản cư tham gia kháng chiến với các cách thức khác nhau, từ xây dựng binh công xưởng trở đi; địa bàn phát triển rộng lớn của nó có phần trống vắng của một thành phố tiêu thổ kháng chiến. Nhưng tới ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi thì lập tức, từ 7-1954, thành phố Vinh kế thừa từ trước Cách mạng tháng Tám ấy lại bắt đầu hồi phục và tới ngày 10/10/1963, Quyết định số 148/CP của Thủ tướng Chính phủ quy định Vinh cũ và xóm Trung Nghĩa thuộc xã Hưng Đông huyện Hưng Nguyên”. Quá trình vận động phát triển của Vinh từ sau Quyết định 148/CP ấy đã đưa tới Quyết định số 404/TTG của Chính phủ ngày 13/8/1993 công nhận nâng cấp thành phố Vinh là đô thị loại 2. 
Tổng quát lại, xét về phương diện không gian (tọa độ trung tâm 105 40’ kinh độ Đông, 18 40’ vĩ độ Bắc) và xét dòng thời gian của cả một quá trình vận động và phát triển thì rõ ràng thành phố Vinh có điểm xuất phát là năm 1804. Có thể xác định năm 1804 là mốc ra đời của thành phố Vinh hiện nay. Do đó chúng tôi khẳng định rằng, nếu lấy năm 2004 để kỷ niệm 200 năm thành phố Vinh ra đời (1804 - 2004) là phù hợp với thực tế lịch sử. Chỉ cần xác định thêm ngày và tháng nhưng điều này có thể thực hiện được, căn cứ theo Châu bản nhà Nguyễn ở Cục lưu trữ Quốc gia.
Đến đây, cần phải xét nghiệm thêm một vấn đề là, trên địa bàn thành phố Vinh hiện nay còn có di tích thành Phượng Hoàng của vua Quang Trung nhà Tây Sơn ở vùng chân núi Quyết. Vậy thì có thể xác định niên đại ghi trong thủ chiếu và đặc chiếu của vua Quang Trung gửi La sơn Phu tử là mốc ra đời của thành phố Vinh hiện nay được chăng?
Trước hết, phải khẳng định ngay rằng, Quang Trung không những có ý tưởng mà có quyết tâm xây dựng một “Trung Đô” hoặc “Trung kinh”, ở đất Phù Thạch rồi sau đó là đất Yên Trường thuộc huyện Chân Lộc trấn Nghệ An và đã được La sơn Phu Tử và Trấn thủ Nghệ An lúc bấy giờ Nguyễn Thuận thực hiện xây dựng ở vùng núi Quyết.
Các tác giả trong Ngô gia Văn phái đã trình bày việc xây dựng này trong “Hoàng Lê nhất thống chí” như sau: “Vua Quang Trung cho rằng Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường sá từ Nam ra, từ Bắc vào đều đưa bằng nhau, quê tổ tiên mình ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, gỗ đá, gạch ngói để xây dựng Cung phủ Lâu đài. Đắp thành xung quanh, và sai lính đào đá ong ở địa phương để xây dựng thành trong. Dựng tòa Lầu Rồng 3 tầng, cung điện Thái Hòa, có hai dãy hành lang để đề phòng dùng đến khi có triều hạ. Thành này được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng thành”(6). Trong một bộ chính sử của vương quốc Đại Nam: “Đại Nam chính biên liệt truyện”, các sử thần nhà Nguyễn cũng đã ghi chép sự kiện trên vắn tắt như sau: “Nguyễn Huệ bèn xây dựng lâu điện ở dưới chân núi Kỳ Lân, và đặt tên là Trung Đô”. Khi nghiên cứu về La Sơn Phu Tử, nhà sử học Hoàng Xuân Hãn cũng đã rất coi trọng sự kiện này(7). 
Thế nhưng, đó là việc tìm địa điểm và xây dựng “Trung Đô” của một vị anh hùng chứ không phải việc xây dựng lỵ sở của trấn Nghệ An lúc bấy giờ do Nguyễn Thuận làm trấn thủ. Lỵ sở của trấn Nghệ An là một việc, một sự kiện. Còn “đô” của Bắc Bình vương rồi của Quang Trung hoàng đế lại là một việc khác. Coi việc đặt kinh đô cũng là một việc đặt lỵ sở cho một trấn, là không đúng với luật pháp thời quân chủ lập quyền của nước ta vốn rất nghiêm ngặt về phương diện hành chính, chứ chưa nói tới phương diện khác. Còn đánh đồng hai sự kiện đó lại không phù hợp với thực tế lịch sử nước ta. 
Việc lưu lại di tích như thành Phượng Hoàng không phải là hiện tượng lịch sử hiếm thấy ở Việt Nam. Di tích còn lại của thành Phượng Hoàng ở chân núi Quyết cũng tương tự như di tích thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) hay di tích Hoàng đế thành của Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc ở Bình Định, hoặc ngược dòng lịch sử thì lên tới di tích Hoa Lư của Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh ở Ninh Bình(8). Năm thành lập các kinh đô nhà Hồ (1400) ở Vĩnh Lộc nhà Đinh (968), ở Hoa Lư của Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc ở Bình Định (1786), hoàn toàn không phải mốc ra đời của các lỵ sở xưa nay của các trấn lỵ với tư cách địa - chính trị hoặc địa - đô thị của các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Bình Định. Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, Hoàng đề thành ở Bình Định, di tích Hoa Lư ở Ninh Bình, thành Phượng Hoàng ở Nghệ An, qua biết bao thăng trầm của lịch sử nước ta, đến nay vẫn còn tồn tại như là chứng tích để “nghìn năm gương cũ soi kim cổ”(9) cho các thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay. Rõ ràng là không thể nào xác định được rằng, ngày và niên hiệu ghi trong các tờ chiếu của vua Quang Trung gửi La Sơn Phu Tử là điểm xuất phát của quá trình vận động phát triển trong suốt một dòng thời gian của thành Phượng Hoàng kể từ khi có các tờ chiếu cho đến nay - thời đại chúng ta. Thế thì làm sao có thể xác định năm 1788 hoặc 1789 ấy là năm thành phố Vinh ra đời được.
Đến đây lại có một vấn đề về di tích thành Phượng Hoàng cần được khảo cứu rõ ràng thêm: Trong ba tờ chiếu gửi La Sơn Phu Tử liên tiếp trong hai năm 1788 và 1789 thì hai tờ chiếu trước được viết khi Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương và do đó ngày tháng đều ghi niên hiệu của Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc là Thái Đức, tất cả đều thuộc năm 1788. Còn tờ chiếu thứ ba viết vào năm 1789, lúc bấy giờ Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã trở thành Quang Trung hoàng đế, nên ngày tháng ghi niên hiệu Quang Trung. Mặt khác, trong các tờ chiếu ấy, Nguyễn Huệ chỉ dùng chữ “đô” để chỉ vào địa điểm ông giao cho La Sơn Phu Tử tìm kiếm rồi cùng với trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Thuận thực hiện xây dựng. Thế nhưng trong tờ chiếu thứ 3, (ngày 5 tháng 10 năm Quang Trung thứ hai) thì lại thấy nhà vua dùng chữ “kinh” trong câu “Từ khi dẹp giặc xong, trở lại Nam kinh”. Do vậy xuất hiện các nghi vấn sau: Bắc Bình vương cũng như Quang Trung chỉ dùng danh xưng (tên gọi) “đô” thế thì các tên gọi “Trung Đô”, “Phượng Hoàng Trung Đô”, “Phượng Hoàng Trung Kinh” ở đâu mà ra? Vì sao mà có? “Nam Kinh” chỉ trỏ vào nơi nào?
Bắc Bình vương rồi Hoàng đế Quang Trung chỉ dùng danh xưng “Phượng Hoàng Trung Đô” hoặc “Trung Kinh Phượng Hoàng” lại là các sĩ phu Bắc Hà trong Ngô gia văn phái cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, trong đó có một số danh nhân đã đi vào lịch sử Việt Nam cùng với vương triều Quang Trung như Ngô Thì Nhậm. Do đó, ít nhất thì những tác giả trong Văn phái này cũng biết được chủ trương của Nguyễn Huệ với tư cách Bắc Bình Vương hoặc với tư cách Quang Trung Hoàng đế và khi dùng danh xưng “Phượng Hoàng Trung Đô” hoặc “Trung Kinh Phượng Hoàng Thành” thì họ đã vô tình bộc lộ chủ trương ấy cho hậu thế.
Số là sau này khi thay thế chúa Nguyễn ở Đàng Trong, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ phân chia quyền lực và quyền lợi theo giới hạn lãnh thổ như sau: Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng Đế, đóng đô ở Đồ Bàn (Kinh đô cũ của vương quốc Champa xưa), phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương cai quản miền đất từ Quảng Nam ra đến Nghệ An. Còn Nguyễn Lữ thì được phong là Đông Định vương, cai quản đất Gia Định. Sau khi lật đổ họ Trịnh, Nguyễn Huệ vẫn duy trì triều đình nhà Lê và tìm cách ổn định tình thế Bắc Hà lúc đó. Nhưng Nguyễn Nhạc theo ra Thăng Long buộc Nguyễn Huệ trở về Quy Nhơn. Quân Thanh kéo sang xâm lược. Trong “Chiếu lên ngôi” ở Kinh đô Phú Xuân ngày 22/12/1788 trước khi tiến quân ra tiêu diệt quân Thanh, Bắc Bình vương cho biết rằng, lúc đó “về phần hoàng đại huynh (tức Nguyễn Nhạc) có ý mệt mỏi, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn, tự nhún xưng là Tây Vương”.
Ý niệm về Kinh đô Thăng Long độc lập đã được Ngô Ngọc Du mô tả như sau: “Mây tạnh mù tan trời lại sáng/ Đầy thành già, trẻ mặt như hoa/ Chen vai, khoác cánh cùng nhau nói/ Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”.
Và sau ngày chiến thắng đó, từ Kinh đô Thăng Long vào đến Kinh đô Phú Xuân, một cách tự nhiên là thuộc quyền quản lãnh của Quang Trung Hoàng đế. Điều này vốn đã có trong ý tưởng Nguyễn Huệ sau ngay khi đánh đổ họ Trịnh (ông đã nói điều đó với La Sơn Phu Tử trong chiếu thứ nhất) và càng ngày lại càng hiện rõ trong chủ trương đối ngoại của ông sau trận Đống Đa (30/1/1789). Do đó, các sĩ phu Bắc Hà cùng các tướng lĩnh phò tá của ông thấy cần có một căn cứ làm trung gian cho “độ đường vừa cân vừa có thể khống chế được trong Nam, ngoài Bắc…” nên họ đã tâu trình với Bắc Bình vương lấy một địa điểm ở Nghệ An làm “đô” nhưng chỉ với tư cách là “Trung Đô” nhằm “đề phòng dùng đến khi có triệu hại”. Chính trong chiếu thứ hai gửi La Sơn Phu Tử, Bắc Bình vương cũng có nêu ra ý đó. 
Và như vậy danh xưng “Nam Kinh” trong câu “Từ khi dẹp giặc xong, trở lại Nam Kinh...” (trong tờ chiếu cuối cùng gửi La Sơn Phu Tử cuối năm 1789) chỉ trỏ vào Kinh đô Phú Xuân chứ không phải Hoàng Đế thành hay thủ phủ Quy Nhơn của Hoàng đại huynh Tây vương Nguyễn Nhạc. Còn danh xưng Phượng Hoàng thì có thể danh xưng để gọi hình non thế núi vùng đất chọn làm “Trung đô” theo luật ngữ  địa lý xưa, và do đó có tên “Trung đô” theo luật ngữ địa lý xưa, và do đó có tên “Phượng Hoàng thành”, để gọi tòa thành xây kiểu dáng địa lý vùng đất được chọn ấy.
Có thể nhận rõ hơn những điều trên qua cách ghi nhận của các Sử thần triều Nguyễn trong sách “Đại Nam Chính biên Liệt truyện”… Bên xây dựng lần điện ở dưới chân núi Kỳ Lân và đặt tên là “Trung Đô” mà chúng tôi dẫn ở trên.
Xét như vậy, các tác giả Ngô gia văn phái, khi dùng danh xưng “Phượng Hoàng Trung Đô” hoặc “Trung Kinh Phượng Hoàng thành” cũng như các Sử thần triều Nguyễn khi đưa danh xưng “Trung Đô”, tất cả đã bộc lộ cho hậu thế những điều không có cả trong chính sử lẫn giã sử. Khi vua Quang Trung quyết định chọn một địa điểm quanh vùng núi Quyết để xây dựng thì:
1. Đó chỉ là xây dựng một “Trung Đô” có “độ đường vừa cân” giữa Kinh Đô Thăng Long cả ở phía Bắc và Kinh đô Phú Xuân mới ở phía Nam, chứ đó không phải xây dựng “Thủ đô của đất nước” hoặc “Kinh đô của cả nước” như một số người hiểu lầm.
2. Đó không phải là xây dựng thủ phủ hay trấn lỵ cho trấn Nghệ An dù với chức năng địa - chính hay địa - đô thị.
Tất cả những luận điểm trên càng khẳng định rõ thêm rằng, thành phố Vinh hiện nay đã trải qua một quá trình vận động phát triển liên tục suốt hơn 200 năm nay, việc xác định năm xuất phát (“mốc ra đời”) của thành phố Vinh năm 1804 là phù hợp với thực tế lịch sử.
Chú thích
(1). H.Lebreton, “Le Vieux An - Tinh”, Hà Nội, 1936, P324 “à Partir de la fin du XVII siècle, les Citadelle du Lam Giang n’ont tomber en ruines. Néanmoins, Lam - Thanh jusqu’au début du XIX siècle (1803) conserve une importance relative en tant que cherlieu du An - Thịnh”.
(2). H.Lebreton, sđd. tr.340.
(3). H.Lebreton, sđd. tr.162-347.
(4). Xin tham khảo, Hoàng Văn Lân - Nguyễn Quang Hồng, “Nguyên liệu xây dựng thành Nghệ An dưới triều vua Minh mạng”, Tạp chí Thông tin Khoa học Công nghệ và Môi trường Nghệ An số tháng 3 năm 1997.
(5). Để giả trình về sự kiện Đạo dụ ngày 12/7/1899 của vua Thành Thái, ngoài các văn bản chữ Hán mà kho Châu bản của nhà Nguyễn (Cục Lưu trữ quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) còn giữ lại được chúng tôi tham khảo công báo của Chính phủ Đông Dương (Journal officel de I’Indochine francaise n0 15, jeudi 20 Février 1902) để đối chiếu các khái niệm “Phố” hoặc “Thành phố”, “Thị xã” của Phương Đông với các khái niệm “Ville” và “Centre urbanin” do người Pháp du nhập vào Việt Nam, ít nhất ở phương diện hành chính. Chúng tôi theo văn bản Nghị định cuối cùng của toàn quyền Đông Dương ngày 30/8/1899 trong đó dùng chữ “Centre urbanin” (Trung tâm đô thị) và “budget urbanin” (ngân sách đô thị), chứ không phải chữ “Ville” (thành phố theo nghĩa hiện đại) cho Vinh: Một thành phố phát triển lên từ 3 trung tâm đô thị trước là Vinh, Bến Thủy, Trường Thi.
(6). Ngô Gia Văn Phái, “Hoàng Lê nhất thống chí”, NXB Văn hóa Hà Nội, 1964, tr.391-392
(7). Hoàng Xuân Hãn, “La Sơn Phu tử”, Paris, Minh Tân xuất bản 1952, tr.125.
(8). Ở đây chúng tôi xin lưu ý vị trí lịch sử của Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn 12 xứ quân rồi lập ra triều Đinh (968-980), mở ra thời đại quân chủ tập quyền ở Việt Nam, Quốc hiệu thời Đinh là Đại Cồ Việt.
(9). Câu thơ của bà Huyện Thanh quan trong: “Thanh Long thành hoài cổ”.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây