Đôi điều về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Thứ sáu - 09/09/2022 05:21 0

Cái làm người ta phải ngả mũ thán phục chính là sự thần tốc. Toàn bộ những thay đổi đồ sộ, phức tạp và lạ lẫm ấy chỉ diễn ra trong một quãng thời gian… không tưởng! Chẳng cần đến hai ngàn ngày, cũng chưa đến hai trăm ngày, mà chỉ với khoảng vài ba chục ngày, thậm chí cá biệt có đơn vị chỉ tầm chục ngày đã thành thục các app dạy trực tuyến. Câu ngạn ngữ “cái khó ló cái khôn” chưa bao giờ “linh ứng” như lúc đó! Vấn đề là nó “ló” rất hay, rất đúng và rất tiến bộ. Giáo viên tiếp cận cấp tốc, học sinh tham gia hồ hởi, phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình. Tất cả những điều ấy cứ như cuốn phim mang tiêu đề  4.0 diễn ra ngay trên một nền tảng hạ tầng công nghệ có sẵn. Năng lực thích ứng diệu kỳ, một cú “bẻ lái” từ “thời bình” sang “thời chiến”, không nửa bước chạy đà mà chả hề gây ra một pha giật cục nào.


Giờ học trên máy tính của sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc

Lâu nay, mặc định trong não trạng của nhiều người thì “trực tuyến” là một cái gì đó sang chảnh, xa vời, viễn vông với quãng thời gian thai nghén hàng thập kỷ. Giáo dục trực tuyến là lý do tuyệt vời cho hàng trăm cuộc hội thảo, hàng chục đề án trĩu nặng hàm lượng khoa học được thẩm định, xin ý kiến, phản biện,  phê duyệt. Rồi cả những dự án tiền tỷ cho hạ tầng thông tin, đào tạo đội ngũ, mà may lắm thì cũng chỉ rón rén đưa vào triển khai thí điểm hay thực nghiệm gì đó thôi. Đùng cái dịch đến, đùng cái chuyển sang dạy học trực tuyến, êm ru. Không một tiếng kêu ca, không một lời phàn nàn cũng không một tờ trình xin kinh phí ranh mãnh nào được ban hành. Tất cả đồng lòng với tâm niệm  “vừa hành quân vừa sắp hàng”. Thế mà đâu lại vào đấy, nó khác hẳn với những đòi hỏi khó hiểu, kiêu ngạo và đắt đỏ thường thấy của… “thời bình”.
Ấy là dạy trực tuyến, ấy là câu chuyện xứng đáng hiện diện trong “Bảo tàng chiến thắng covid”. Đấy cũng là một ví dụ đầy trực quan về hoạt động “chuyển đổi số” trong tình thế bị… dồn vào chân tường. 
Giáo dục nghề nghiệp và chuyển đổi số là hai khái niệm độc lập, tuy nhiên trong thời đại 4.0, khi mà cả thế giới đang rầm rập thực thi chuyển đổi số thì giáo dục nghề nghiệp lại càng không thể đặt mình ra ngoài cuộc chơi. 
Như chúng ta đã biết, giáo dục nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp có năng lực hành nghề cung ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Còn chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp (đơn vị). Đây là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang môi trường số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data),     Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và cả văn hóa của đơn vị. 


Các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An hầu hết đã ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học

Chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng là đòi hỏi tất yếu trong tiến trình phát triển, chỉ tiếc là trên thực tế thì chuyển đổi số đã và đang thâm nhập vào giáo dục nghề nghiệp một cách dè dặt, thiếu đồng bộ, thiếu cơ chế và hạn chế hiệu quả. Theo kết quả khảo sát của Tổng cục GDNN trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-2019 tại các cơ sở GDNN cho thấy: Có 69.5% số lượng giáo viên và 83.8% số lượng học viên trả lời khảo sát có tham gia dạy và học thông qua các công cụ dạy trực tuyến như Zoom, Google Meeting,          Microsoft Teams. Có 69.8% giáo viên đã được đào tạo, hướng dẫn giảng dạy trực tuyến; tuy nhiên có đến 90.8% giáo viên tham gia khảo sát vẫn mong muốn được đào tạo, hướng dẫn thêm về giảng dạy trực tuyến.
Như vậy, các cơ sở GDNN đã làm nhưng nhận thức không đồng bộ, một số nơi hiểu chuyển đổi số rất đơn giản, mới đơn thuần đưa bài giảng trực tiếp lên giảng dạy trực tuyến. Trong khi chuyển đổi số trong GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là giải pháp bao trùm trong quá trình đổi mới và phát triển GDNN. Không khó để chúng ta có thể nhận thấy sự thiếu hụt của hành lang pháp lý, hạ tầng và đội ngũ nhân lực. Nếu chuyển đổi số là một tòa tháp thì chúng ta mới chỉ đặt những viên gạch đầu tiên ở phần nền móng, những người thợ xây thậm chí chưa biết mặt “giấy phép” cũng như “bản vẽ”. 
Không có chuyển đổi số thì chúng ta không thể đột phá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, không có đột phá chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì không thể có nguồn lực lao động chất lượng, không có nguồn lao động chất lượng thì mục tiêu “trở thành nước công nghiệp, hiện đại” là ước mơ đẹp đẽ nhưng hão huyền. Hãy đặt câu hỏi là chúng ta đang ở đâu trên “bản đồ” nguồn lực lao động? Liệu chúng ta có tự mình đánh mất thời kỳ “dân số vàng”? Chúng ta tự hào bởi đất nước có đến 24 ngàn tiến sĩ, nhưng không phải ai cũng thao thức khi lao động có kỹ năng tay nghề vỏn vẹn 11%. Câu ngạn ngữ mãn tính “thừa thầy thiếu thợ” vẫn ám ảnh hết thập kỷ này qua thập kỷ khác. Tỷ lệ lao động sử dụng được tiếng Anh cũng chỉ chiếm 5%. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD trong khi bình quân thế giới là 2.114 USD.
Trên bình diện quốc gia thì vậy còn trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng không phát đi quá nhiều tín hiệu lạc quan. Đến cuối năm 2020, dân số tỉnh Nghệ An trên 3.365 nghìn người. Trong đó 1.927 nghìn người trong độ tuổi lao động (chiếm 57,26 %). Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 360.217 lượt người được đào tạo nghề. Tuy nhiên trong đó trình độ cao đẳng chỉ chiếm 6,9 %, trung cấp chiếm 12,15 %, còn lại sơ cấp và hệ đào tạo dưới 03 tháng chiếm đến 80,95 %. Năng suất lao động Nghệ An hiện xếp thứ 16 trên 17 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Vừa qua tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Vsip  cần tuyển 50 lao động tốt nghiệp đại học, có biết tiếng Hàn hoặc tiếng Trung. Sau hai tháng thông báo rầm rộ, doanh nghiệp này tuyển được “những”… 5 người! 
Rõ ràng số lượng lao động qua đào tạo của chúng ta còn rất thấp bên cạnh đó chất lượng đào tạo thì lại rất… chưa cao (chủ yếu sơ cấp). Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến bất cập đó thì từ khóa “chuyển đổi số” có lẽ xứng đáng được gọi tên đầu tiên. Nếu chuyển đổi số là một tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội, thì chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là một đòi hỏi bức thiết và là một trong những chiếc chìa khóa đầu tiên để khơi thông cánh cửa nguồn lực. Khước từ hay bạc đãi với chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đồng nghĩa với việc chối bỏ, thậm chí “trù dập” cơ hội phát triển và hội nhập. Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp có thể không phải là mục tiêu cuối cùng nhưng là phương tiện đầu tiên. Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp không chỉ là đòi hỏi cấp bách mà là giải pháp chiến lược. Nó tất nhiên không phải công việc của một người mà là nhiều người, không phải của một ngày mà là nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm.
Rất đáng vui và cũng đáng lưu ý là ngày 30/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.” Trong đó xác định: “Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Như vậy là Chính phủ đã xác định đây là khâu “đột phá” đồng thời cũng đặt ra những tham vọng lớn lao nhưng hết sức cụ thể rằng: Đến năm 2030, 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số; 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới; 100% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và tích hợp vào Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào năm 2023; 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số. Phấn đấu 100% các trường chất lượng cao là trường học số.
Rõ ràng đấy là những tham vọng rất lớn lao, đòi hỏi không chỉ một quyết tâm chính trị mạnh mẽ mà cả một nguồn lực sung mãn trên tất cả mọi phương diện.
Từ mục tiêu chung của cả nước, Nghệ An chúng ta cũng cần phải có những bước đi mạnh mẽ để “cuộc cách mạng” chuyển đổi số thực sự góp phần làm nên “Kỳ tích sông Lam”. Được biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 9 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 18 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp với 2.719 nhà giáo. Tổng số cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 571 người, trong đó trình độ trên đại học 373 người, trình độ đại học 188 người, cao đẳng 10 người. 
Kết quả tuyển sinh giai đoạn 2016 - 2020 giảm gần 12,6 % so với giai đoạn 2011 - 2015 (tốt nghiệp giảm 6,5 %). Cơ cấu trình độ tuyển sinh, đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu lao động. Chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Mạng lưới còn dàn trải, trùng lặp, quy mô nhỏ. Năng lực đào tạo mới chỉ đáp ứng 74,3 % nhu cầu học nghề. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chưa đáp ứng trước yêu cầu của đổi mới. Chương trình đào tạo chưa thực sự linh hoạt, chưa sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ, không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ.
Đây là những tồn tại nhãn tiền mà chúng ta không thể giải quyết triệt để nếu không khẩn trương áp dụng chuyển đổi số một cách đồng bộ và mạnh mẽ. Dự báo nhu cầu sử dụng nhân lực có kỹ năng nghề đến năm 2025 -  2030  trên địa bàn tỉnh nhà là 379.300 người. Một con số có thể thực hiện được nếu vận hành bằng những cái đầu quản trị bảo thủ cộng với công cụ phương tiện lạc hậu. Với giáo dục nghề nghiệp thì chuyển đổi số là lựa chọn tối ưu và duy nhất để góp phần vào công cuộc chinh phục giấc mơ “tỉnh khá”.   
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để triển khai hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cần thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, còn với Nghệ An, ngoài những chỉ tiêu ngang bằng với chỉ tiêu chung thì những giải pháp không thể không nhắc đến đó là: Một, triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN. Hai, phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Ba, phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số. Bốn, phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Năm, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sáu, tăng cường nâng cao nhận thức gắn với xã hội hóa và hợp tác  quốc tế trong chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp. Bảy, bảo đảm an toàn an ninh mạng.
Các nhà nghiên cứu cũng đã đề cập đến tiến trình chuyển đổi số với ba bước cụ thể: Thứ nhất là số hóa, chuyển tất cả những dữ liệu trong không gian thực thành không gian số. Thứ hai là thực hiện chuyển đổi số áp dụng không gian số cho từng đơn vị học, từng nhóm đơn lẻ. Thứ 3 là kết nối tất cả những điều này lại với nhau trở thành hệ thống số đồng bộ.
Chuyển đổi số không hẳn là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra mọi cánh cửa, nhưng chuyển đổi số trong GDNN sẽ ít nhất cũng tháo gỡ được hàng loạt vấn đề có tính căn cơ. Là cơ hội để chúng ta cải tổ toàn diện hệ thống GDNN vốn dĩ đang lạc hậu so với thế giới. Đây là lúc để chúng ta tạo nên không gian để các nhà quản trị nhà giáo cũng như học sinh được tiếp cận một cách khoa học và hệ thống với cung cách quản lý hiện đại, với khối kiến thức khổng lồ. Là cách tốt nhất để rút ngắn không gian, thời gian cũng như lũy thừa cơ hội. Rồi đây bài toán thiếu giáo viên, kiểm soát  chương trình, quản lý chứng chỉ, quản lý sinh viên, kết nối với doanh nghiệp… hay rộng hơn là quản lý nhà nước trên lĩnh vực GDNN có lẽ sẽ không còn phải “vén cây tìm đường” nữa.  Tất nhiên những gì tác giả vừa liệt kê cũng chỉ là vài hạt cát trong cái biển cả mênh mông mà chuyển đổi số có thể mang lại. 
Chuyển đổi số là câu chuyện rất mới mẻ, nhưng để hưởng thụ nó thì tác giả lại nhớ đến câu ngạn ngữ rất cũ kỹ rằng: “Nói thì dễ, làm lễ mới khó”.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây