Những bất cập trong Dự thảo Luật Đấu thầu

Thứ sáu - 07/10/2022 05:21 0

Góc nhìn doanh nghiệp
Sau hơn 9 năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu 2013 được đánh giá là có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, một số nội dung của Luật vẫn còn nhiều bất cập, cần được sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế. Thời gian qua, nhiều vụ án sai phạm trong đấu thầu đã bị khởi tố. Những sơ hở và bất cập của Luật bị các đối tượng lợi dụng nhằm trục lợi, gây thất thoát tiền của Nhà nước, làm dự án chậm tiến độ, tạo sự bất bình đẳng, khiến các bên tham gia đấu thầu bức xúc, thiếu niềm tin.
Bà Hồ Diệu Thuý - Phó Giám đốc Công ty TNHH Diệu Thuý Roses cho biết, đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ rất nhiều kẽ hở trong việc đấu thầu: từ việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine phòng chống Covid-19… tại các địa phương, đã phần nào nói lên tất cả. “Đã đến lúc cần thiết phải có các tổ chức, cơ quan thực sự có thực quyền giám sát trong hoạt động đấu thầu nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực và đạo đức kinh doanh”, bà Thuý nhấn mạnh. 
Nói về việc thực hiện, triển khai công tác đấu thầu thời gian vừa qua, ông Phan Tiễn - Giám đốc Công ty Cổ phần Bình minh vàng Vina cho rằng, đã đến lúc cần phải chấn chỉnh ngay công tác này. Thực tế cho thấy, đây chính là khâu phát sinh không ít tiêu cực, thiếu tính minh bạch và công bằng, ảnh hưởng rất lớn đến các nhà đầu tư chân chính. Vẫn còn tình trạng các cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá, ngành Y tế là một trong những ngành vi phạm nhiều nhất trong thời gian vừa qua gây lãng phí tiền của và nguồn lực của đất nước, gây bất bình trong nhân dân. Hy vọng, Dự thảo Luật Đấu thầu lần này sẽ khơi sáng những điểm còn hạn chế và phát huy những điểm tốt, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 



Những bất cập cần được sửa đổi
 
 
 
 
Về cơ bản, các Quy định tại Dự thảo lần này là thống nhất với các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhưng cũng không ít các quy định giữa Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành khác còn chưa đồng bộ, thiếu sự thống nhất, ảnh hưởng đến cả chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu trong quá trình thực hiện, mà vẫn chưa được giải quyết tận gốc. 
Điểm c khoản 1, Điều 1 Dự thảo quy định Luật Đấu thầu sẽ điều chỉnh đối với gói thầu thuộc “Dự án đầu tư phát triển… có sử dụng vốn của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án”.
Quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu được cho là khá chặt chẽ, tuân theo nhiều bước khác nhau, có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này nhằm đảm bảo kiểm soát việc sử dụng vốn Nhà nước hiệu quả khi lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực. Tuy nhiên, nếu phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu quá rộng có thể tạo ra sự khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp - là chủ thể phải thực hiện theo thủ tục đấu thầu, khi không được linh hoạt trong các hoạt động kinh doanh của mình.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quy định trên yêu cầu các gói thầu có “vốn của doanh nghiệp có vốn của Nhà nước” là chưa thật hợp lý, có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động khi phải chịu ràng buộc của Luật Đầu thấu trong một số hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, “Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”. Như vậy, vốn của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên không được xem là vốn Nhà nước, do đó yêu cầu các dự án phát triển có sử dụng vốn này phải thực hiện Luật Đấu thầu là… quá rộng, có thể gây khó khăn, kém linh loạt cho các doanh nghiệp này hoạt động.
Theo quy định tại Dự thảo thì lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Hiện tại, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được soạn thảo cũng có quy định các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì Dự thảo Luật Đất đai sẽ được xem xét, thảo luận và thông qua trong 03 kỳ họp, tức là kỳ họp tháng 10/2023 sẽ được thông qua. Còn Luật Đấu thầu sẽ được thông qua trong kỳ họp tháng 5/2023. Như vậy, Luật Đấu thầu sẽ được thông qua trước và nhiều khả năng sẽ phát sinh hiệu lực trước Luật Đất đai. Như vậy, quy định về lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu nếu được thiết kế theo hướng dẫn chiếu sang quy định của pháp luật về đất đai dường như chưa phù hợp và khó áp dụng tại thời điểm Luật Đấu thầu phát sinh hiệu lực.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu được dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong khi đó, hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai đang quy định cho cả hai phương thức lựa chọn nhà đầu tư, đó là các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Hướng quy định này dường như chưa thật phù hợp với Luật Đầu tư 2020.
Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu là một trong những quy định nhận được rất nhiều quan tâm của doanh nghiệp. Trong một khảo sát gần đây của VCCI, phần lớn các nhà thầu tham gia khảo sát cho rằng “hoàn toàn cần thiết” khi cần quy định trong luật về ưu đãi đối với mua sắm bền vững, mua sắm xanh. Theo các nhà thầu tham gia khảo sát, trên phương diện kinh tế, các quy định này sẽ khuyến khích nhà thầu sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của nhà thầu về mua sắm xanh, mở rộng ra sẽ xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Ngoài ra, một số quy định khác tại Dự thảo cũng còn chưa đủ rõ ràng, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện như: Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 5); Ký kết hợp đồng dự án đầu tư (Điều 58); Đấu thầu trước (Điều 39); Quy trình giải quyết kiến nghị (Điều 90); Giám sát hoạt động đấu thầu (Điều 85).
Lời kết
Bản chất của đấu thầu là cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và minh bạch. Đây lại là Luật liên quan đến nhiều Luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công… nên Dự thảo lại cần có nhiều ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài việc tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định mới liên quan đến điều kiện để thu hút các nguồn đầu tư hiệu quả thì việc tăng cường đấu thầu qua mạng và công khai thông tin trong lựa chọn nhà đầu tư cần phải được nâng cấp và hoàn thiện. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ; tăng cường việc kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu kết hợp với việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác đấu thầu và quản lý đầu tư công. Có như vậy mới đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, tạo sự bình đẳng nhằm khuyến khích những nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực tham gia dự thầu, góp phần không nhỏ vào việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng một cách có hiệu quả.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây